Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Hoàng – Trường Sa với Việt Nam là một …

Tôi vừa đọc được bài này trên tờ báo mạng Tuần Việt Nam, và cảm thấy cần phải đem về đây để lưu, vì nó có nhiều tư liệu rất quan trọng trong cuộc “tranh chấp” chủ quyền giữa VN và TQ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sẽ lưu trong entry sau.

“Tranh chấp” được bỏ trong ngoặc kép là vì tôi nghĩ, từ đúng ở đây phải là “chiếm đoạt”, và cả câu cần phải đọc là "TQ chiếm đoạt (dần) các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN".

Tôi không phải là nhà sử học, trước đây chẳng quan tâm gì đến Trường Sa, Hoàng Sa cả. Ngoại trừ một dạo vào năm 1974, khi Trung Quốc (lúc ấy miền Nam gọi là Trung Cộng) đánh chiếm Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Lúc ấy tôi mới có 14 tuổi, học lớp 8 ở trường Gia Long. Tôi vẫn nhớ, về sự kiện này, một cô giáo dạy tôi lúc ấy, hình như là cô Diệp dạy môn Hóa đã có một câu nói mà tôi không bao giờ quên, đó là “Trung Cộng chiếm của mình thì đã đành, vì từ xưa đến giờ nước Tàu vẫn luôn rình rập chiếm đất của ta, nhưng đáng trách là chính quyền miền Bắc lại không có bất kỳ một động thái hay ý kiến gì để phản đối điều này cả. Dù gì cũng là cùng một dân tộc, có thể bất đồng chính kiến, nhưng đều cùng phải quan tâm bảo vệ đất đai của tổ tiên trước ngoại bang chứ?”

Trận hải chiến năm 1974 hào hùng và khốc liệt, nghiệt ngã như thế nào, đã có nhiều người nói tới. Nhưng không thấy ai nhắc đến bài thơ mà tôi đã nghe ca sĩ Hồng Vân ngâm trên tivi thời ấy (vâng, chính là người ca sĩ gốc Huế tên Hồng Vân mà bây giờ chắc đã xấp xỉ 60 tuổi hoặc hơn kém một chút, vì năm tôi 14 tuổi thì chị đã đi hát rồi, trong ban tam ca gì đấy tôi quên rồi, chuyên hát dân ca Bắc – Trung – Nam).

Bài thơ tôi vẫn còn nhớ như in đến hôm nay, nên chép ra đây cho mọi người đọc:

Bạch Đằng Giang oai hùng chiến tích
Xác quân Tàu la liệt đầy sông
Hải quân ta nối chí tiền nhân
Thề diệt lũ giặc Tàu cướp nước
Hoàng – Trường Sa với Việt Nam là một
Đế quốc Tàu đừng dại dột xâm lăng!


Và một nhận xét cuối cùng của tôi: Hồi ấy, tôi rất thích môn Sử, vì các cô giảng rất hay, học xong thì thấy tự hào về truyền thống giữ nước của cha ông lắm. Các cô còn phân tích và bình luận về từng nhân vật trong lịch sử, ví dụ như tâm trạng của Phan Thanh Giản như thế nào khi phải ký hòa ước với Pháp – vì không muốn dân lành phải rơi vào cảnh máu đổ đầu rơi khi tương quan lực lượng hai bên quá chênh lệch, nhưng xét mình là một quan lớn (tể tướng?) trong triều mà phải ký hòa ước nhượng đất nên ông đã phải uống thuốc độc tự vẫn. Tôi nghe xong mà xúc động lắm, thương một con người “trung quân, ái quốc” và thương dân, nhưng gặp vào thời thế không may, nên đã phải chịu một số phận cay đắng.

Còn ngày nay, con cái tôi rất không thích học môn Sử, mà đành phải trả nợ quỷ thần cho xong. Và những việc thời sự như quan hệ VN-TQ hoàn toàn không bao giờ được các thầy cô giáo đề cập đến trong lớp học, vì chính các thầy cô có lẽ cũng có biết gì đâu mà nói. Nếu có biết gì, ấy là do đọc sách báo nước ngoài, hoặc là truyền thông lề trái mà thôi, nên đâu có dám phổ biến lại trong lớp cho học sinh?

Tại sao thế nhỉ? Có ai giúp tôi tìm câu trả lời được không?

3 nhận xét:

  1. Thời bạn đi học là dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, vấn đề lịch sử nước nhà được coi trọng và được thầy cô giáo dạy đến nơi, đến chốn. Những bài học lịch sử thời ấy thú vị, lôi cuốn làm cho học sinh học cảm thấy thích thú, tạo cho học sinh một tình yêu nước nồng nàn. Sau năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, lịch sử chỉ được chú trong vào những người như Phan Đình Giót, Tô Văn Diện, Nguyễn Thị Minh Khai và đặc biệt là chú trọng về nhân vật Hồ Chí Minh đã được thần thánh hóa. Chính điều này đã làm cho những thế hệ sau này không biết nhiều về lịch sử nước nhà, dó cũng là điều thiệt thòi cho các cháu.

    Trả lờiXóa
  2. Ca sĩ Hồng Vân vẫn còn hát, ít thôi, ở phòng trà Ân Nam, đường Trương Định, góc Võ Thị Sáu.
    Ngày xửa ngày xưa, trước thời Anh Vũ nhiều. Tôi học Nguyễn Trãi trên đường Phan Đình Phùng (giờ là N.Đ.Chiểu) Dakao. Thỉnh thoảng rủ nhau lảng vảng trước cổng Gia Long để làm gì thì thời cô cũng vậy. Không dám đến gần Trưng Vương vì sợ Võ Trường Toản đánh cho phù mỏ. Territorial mà.

    Trả lờiXóa
  3. Doan Ngoc Tu
    HYDRAULIC CONSTRUCTION INSTITUTE
    Add: No.7, alley 95, Chua Boc Street,
    Dong Da District, Hanoi, Vietnam.
    Mobile: 0978.491.773 or 0979.880.422
    Website: http://www.ngoctuhighttech.tk
    Website: http://kỹsưthủylợi.vn/
    ---------------------------------------

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.