Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

IQ cao và EQ thấp?

Như đã nói trong một entry trước trên blog này của tôi, tôi đang theo dõi cuộc tranh luận trên báo PLTP về trường chuyên, và rất muốn tham gia, nhưng còn đang quá bận (vì lúc này là mùa tuyển sinh đại học, mà năm nay dường như có nhiều vấn đề quá!)

Cuộc tranh luận ấy cho đến nay ngày càng bộc lộ ra nhiều khía cạnh thú vị, đến nỗi có lẽ một lúc nào đấy tôi cũng sẽ phải tham gia cho ... xôm tụ! ;-) Vì tôi cũng có quan điểm về vấn đề này, nhưng ngoài việc bận rộn ra, còn đang chần chừ vì dường như chúng ta đang ở trong một cuộc tranh luận khá giống như học sinh đi thi trắc nghiệm, tức là "đúng vì lý do sai, và sai vì lý do đúng"!

Nói thêm cho rõ: khi đi thi trắc nghiệm, bao giờ cũng có nguy cơ là một thí sinh không biết gì nhưng chọn đại, hoặc quay cóp, và may mắn chọn được câu đúng; ngược lại, nếu câu trắc nghiệm thiếu chuyên nghiệp, thì thí sinh giỏi lại đọc ra nhiều hơn ý định của người ra đề, vì thế có thế chọn câu trả lời sai! Cái này trong "giáo văn" ('education literature', tôi chưa thấy ai dịch là giáo văn cả nhưng thấy cần có một từ tương đương với khái niệm 'y văn' - medical literature - trong giáo dục) nêu thường xuyên lắm, ai có học sơ qua về trắc nghiệm khách quan đều rõ.

Quay lại cuộc tranh luận. Hôm nay tôi đọc thấy trên PLTP bài PV TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện NCGD của ĐHSP, nơi đã thực hiện cuộc nghiên cứu về trường chuyên cách đây ít lâu. Nhìn chung, tôi đồng ý với những ý kiến mà TS Dung nêu ra, nhưng rất tò mò về căn cứ của những kết luận đại khái như "học sinh trường chuyên IQ cao, EQ thấp". Xin trích nguyên văn một câu trong bài phỏng vấn:

Khi nghiên cứu về thái độ của học sinh trường chuyên, chúng tôi có làm một so sánh với học sinh trường THPT đại trà, cho thấy chỉ số EQ của học sinh chuyên thấp hơn chỉ số IQ của chính mình nhưng không thấp lắm.

Tôi nghĩ, từ việc khảo sát và so sánh một (vài) trường chuyên với một (vài) trường đại trà cụ thể và nhận thấy điều mà TS Dung vừa nêu về các em hs ở các trường cụ thể này, đến việc đưa ra kết luận rằng trường chuyên làm cho học sinh bị EQ thấp (well, thấp hơn IQ của chính các em!!!!) có lẽ là một sự khái quát hóa có đôi chút liều lĩnh chăng?

Tôi chưa có dịp đọc toàn văn nghiên cứu của TS Dung, nên sẽ không bình luận gì thêm, nhưng giá mà TS Dung cho công bố rộng rãi toàn văn kết quả nghiên cứu (nếu đã công bố thì tôi xin lỗi, nhưng có lẽ phạm vi tiếp cận vẫn còn hạn chế nên tôi vẫn chưa biết về các số liệu mà chỉ biết về kết luận nghe hơi có vẻ vội vã như đã nêu ở trên), trong đó nêu rõ phương pháp chọn mẫu, công cụ khảo sát, kỹ thuật phân tích, vv, thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Và có một thắc mắc xin được giải đáp:

- Như đã trích dẫn ở trên, "EQ của các em trường chuyên thấp hơn IQ của chính các em". Có sự nhầm lẫn gì ở đây không???? Tôi tưởng là đề tài so sánh EQ của hs trường chuyên với EQ của học sinh trường thường chứ?

- Nếu điều này không có gì nhầm lẫn, xin hỏi tiếp:

+ Khi so sánh với trường thường, thì EQ các em trường chuyên cao hơn hay thấp hơn?

+ Liệu có đúng không khi tôi suy diễn từ phát biểu đã trích của TS Dung ở trên rằng các em trường thường (không chuyên) có EQ cao hơn hoặc ít ra là bằng với IQ của chính các em?

+ Và như thế, có nghĩa là một người có EQ cao hơn hoặc bằng với IQ của chính mình thì tốt hơn là ngược lại?

Lý thuyết nào nói thế nhỉ? Tôi hơi bỡ ngỡ về điều này vì chưa nghe bao giờ, thật vậy! Mà, thử nghĩ xem, IQ với EQ là hai loại thông minh khác nhau, thì làm sao so sánh được để nói rằng "EQ của hs trường chuyên thấp hơn IQ của chính mình" nhỉ? Khó hiểu quá?

+ Và cuối cùng, phải chăng việc quá tập trung vào năng lực hàn lâm như ở trường chuyên đã gây ra (cause) sự suy giảm EQ của các em hs trường chuyên?

Hay, nên giải thích quan sát nói trên của TS Dung như thế này: Những ai có thiên hướng về năng lực hàn lâm (học giỏi theo kiểu trường chuyên) thì vốn đã là những người sẵn có IQ cao và EQ thấp (hơn chính mình) rồi?

Hình như giải thích mới đưa ra này hợp lý hơn, phải không? Và nó cũng phù hợp với lý thuyết, ít ra là thuyết về hướng nội (introvert) và hướng ngoại (extrovert). Hay nói theo thuyết thông minh đa diện là self-smart và people-smart.

Bận quá, nên chỉ viết đến đây thì phải ngưng lại. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi cuộc tranh luận này, và cố gắng tham gia nó, khi có chút thời gian.

Dù sao cũng cám ơn PLTP đưa ra cuộc tranh luận thú vị này! À quên, ai muốn đọc bài phỏng vấn tôi đã nêu thì đọc ở đây.

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

"Khi một tỷ người Trung Quốc nhảy"


Trước hết, "nhảy" ở đây là jump đấy, chứ không phải dance đâu nhé! Vì trong tiếng Việt hai từ tiếng Anh vừa nêu đều có thể dịch ra là "nhảy". Muốn làm rõ, người ta phải dùng "nhảy vọt" (jump) và "nhảy đầm" (dance).

Tại sao lại phải nhắc cái này? Là vì, xấu hổ quá đi mất, có một lần tôi đi họp ở Philippines, buổi tối họ có reception, và sau reception thì có ca hát, nhảy nhót...

Có một ông già Tây (tức không phải ta), một giáo sư đang dạy ở UP (Uni of Philippines), họp cùng đoàn với tôi, khi kết thúc cứ insist mời tôi nhảy, mặc dù tôi đã nói là không biết nhảy. Ông ấy bảo, không sao, come on, dễ lắm, I'll tell you what to do. Và vì nể quá, và không tỏ ra thiện chí thì kỳ, nên tôi cũng phải lịch sự bước ra.

Và tôi chỉ mới "nhảy" vài bước thôi là ông đã phải kêu lên: "Dance, don't jump!" Và thế là cái cớ để cho tôi ... chuồn mất, vì quả thật tôi không biết dance (whoever can teach an old dog a new trick nhỉ, dù đó có là một GS "Tây" đi nữa!), chỉ biết jump thôi! Xấu hổ chết được, nhưng buồn cười quá.

Vì sau đó, tôi có nói với ông ta, sở dĩ tôi lẫn lộn giữa hai việc này, là vì đó là vấn đề ngôn ngữ! Nếu không biết dance, thì jump cũng được, cũng là một thứ mà thôi! Nghĩ lại, vẫn còn buồn cười quá đỗi!

Nhưng bây giờ thì quay lại cái tựa entry này thôi. Sao lại "Khi một tỷ người TQ nhảy" nhỉ? À, đó là tựa một cuốn sách của Jonathan Watts, đặc phái viên của tờ Guardian (Anh quốc) tại TQ chuyên viết về vấn đề môi trường. Cuốn sách này tôi chưa đọc, chỉ biết đến nó khi đọc bài phỏng vấn tác giả của cuốn sách trên tờ Guardian cách đây vài ngày thôi.

Bài phỏng vấn ấy có tựa là "China's search for greener values" - Trung quốc đang tìm kiếm những giá trị xanh hơn (chứ không phải là những giá trị đỏ, giống như "những hạt giống đỏ" ư?). Ở đây. Dưới đây là một đoạn giới thiệu:

His new book, When a Billion Chinese Jump, is a travelogue that tells the story of China's breakneck development and its consequences, from melting glaciers in Xinjiang and cancer villages in Henan, to dam projects in Sichuan and skyscrapers in Shanghai.

À, phải nói thêm chút. Cái tựa của cuốn sách này rất ... láo, chắc nó ám chỉ mấy cái khẩu hiệu "đại nhảy vọt" của các vị lãnh đạo của TQ trước đây chứ gì. Hình như cái trò đại nhảy vọt này là do Mao lãnh tụ đề ra.

Bài phỏng vấn này hay lắm, mọi người nên đọc nó. Mà chẳng riêng bài phỏng vấn, có lẽ cả cuốn sách này cũng rất đáng mua để đọc, thực vậy. Không chỉ là tôi đọc, hoặc bạn bè tôi, gia đình tôi đọc, mà có lẽ cả các vị đại biểu quốc hội VN, các quan chức nhà nước, các nhà khoa học và giảng viên ở các viện, các trường đại học đang giảng dạy về môi trường, rồi các nhà kinh tế, các nhà báo, à mà cả các nhà kinh doanh nữa, cần phải đọc.

Vì một khi có những bão lũ kinh hoàng như mới xảy ra ở TQ gần đây, hay những thảm cảnh kinh hoàng do xả lũ ở VN năm ngoái, hoặc gần hơn nữa là trận lụt sau cơn mưa mới đây ở Hà Nội làm mấy người bị chết, thì lúc đó, dù có là ai, thì số phận cũng giống nhau thôi!

Mà rồi càng nghĩ, thì càng thấy kinh hoàng. Khi một tỷ người TQ nhảy, và sau đó môi trường bị tàn phá, thì VN liệu có yên được không?

Vậy mà hiện nay, hình như ở VN người ta vẫn rất bình tĩnh với những khai thác bô-xít ở Tây Nguyên mà ngay cả dân TQ cũng chống, rồi những cho thuê đất rừng phòng hộ, rồi xây đập ngăn lũ rồi xả lũ, rồi những Vedan đã lộ và Vedan chưa bị lộ .... Thế mà mới đây họ còn định xây nhà máy điện hạt nhân gần biên giới VN nữa chứ! Hãi hùng quá.
Cá chết vì ô nhiễm môi trường ở TQ

Chẳng biết rồi mọi việc sẽ đi đến đâu nữa. Tôi không dám nghĩ nữa đâu.

Ừ, nghĩ mà làm gì. Hãy học hỏi gương các vị trưởng lão của ta: "Cứ vay, sau này con cháu tài giỏi hơn sẽ trả nợ". Tôi xin sửa lại chút: "Cứ tàn phá môi trường đi, sau này con cháu tài giỏi hơn sẽ giải quyết".

Con cháu chắc là sẽ giỏi hơn mà. Chúng đều học nước ngoài cả, có đứa nào dám học trong nước nữa đâu!

Chỉ có điều, có đứa nào về không nhỉ? Mà về làm gì trên cái mảnh đất tang thương ấy cơ chứ?

Hay là chúng sẽ về, nhưng dưới quốc tịch khác, vai trò khác, vai trò ông chủ doanh nghiệp nước ngoài chẳng hạn, hay quan chức ngoại giao của nước khác, đến trao đổi, đàm phán, giao thương với đám con cháu không may ở lại trong nước?

Thôi, không tưởng tượng linh tinh nữa. Sẽ chẳng đi đến đâu mà.

Nhưng tôi vẫn sợ lắm, khi nghĩ đến "một tỷ người TQ nhảy!"

Ấy là tôi yếu bóng vía đó thôi, chứ nhà nước ta, họ đã có cách, đã dự liệu cả rồi! Dự liệu của họ thì đã nói ở trên: có gì con cháu sẽ trả!

Ôi, tự nhiên tôi thương các con cháu của tôi quá đi thôi!
--
Cập nhật chiều 25/7/2010:
Càng đọc, càng thấy lo sợ. Tôi phải cất mấy cái link này vào đây để đọc thêm, và cũng recommend mọi người đọc. Ai dịch được thì xúm vào dịch để mọi người cùng biết nhé. Tinh thần Đông Du/Duy Tân, các bạn ơi!

1. http://www.guardian.co.uk/books/2010/jul/17/when-billion-chinese-jump-watts
Review về cuốn sách này, của nơi mà tác giả làm việc. Hẳn là có ... bias, chắc thế! ;-)

2. http://www.chinadialogue.net/article/show/single/en/3731-China-s-search-for-greener-values
Review khác về cuốn sách.

3. http://www.beijingtoday.com.cn/tag/when-a-billion-chinese-jump
Review cuốn sách trên theo quan điểm TQ. Nhưng vẫn rất khen cuốn sách này, cho rằng nó khách quan, và kết thúc với câu trích dẫn mà tôi cho là rất hay:
Although many developed countries at the Copenhagen climate conference last year proposed aid packages to help the developing world solve its environmental problems, Watts said money and technology are not the answer.
“The only way to change people’s values is with education,” he said.
To undo years of miseducation will be an incredible challenge.
4. http://www.timeshighereducation.co.uk/story.asp?storycode=412345
Review khác, trên Times Higher Education.

5. http://english.cri.cn/7146/2010/03/25/2361s559160_2.htm
Một review khác, nói đúng hơn là preview, về cuốn sách. Của TQ.

6. http://the-diplomat.com/2010/07/12/can-china-be-green/
TQ có thể xanh được không? Một bài phỏng vấn tác giẩ cuốn sách.

7. http://www.thebeijinger.com/blog/2010/07/14/Will-China-Save-or-Destroy-Humanity-Jonathan-Watts-Launches-His-New-Book-on-the-Envi
Phỏng vấn khác. Của TQ?

Phải đọc và dịch/giới thiệu cuốn sách này, để may ra học được gì về thảm họa môi trường TQ, để tránh cho VN, bà con ơi!
--
Cập nhật tiếp: review nữa nè!
8. http://www.shanghaieye.net/english/2010/07/presser-when-a-billion-chinese-jump
Cuốn sách dưới cái nhìn của người TQ?

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

"Trong nhà cha ta có nhiều chỗ ở"

Hình này chôm trên mạng, rất hay nên tôi lấy về minh họa cho entry này. Nó minh họa cho "tài năng" đó!!!!!

Tôi đang theo dõi loạt bài về trường chuyên tại VN trên báo PLTP. Và thấy có rất nhiều điều muốn nói, thực vậy.

Nhưng đang bận quá, mà tôi lại viết chậm (viết linh tinh thì nhanh, nhưng viết đàng hoàng, đặc biệt là cho công chúng đọc trên báo chí, thì phải chậm, vì không được sai, không được thiên vị, và cố gắng không để bị hiểu sai và gây tác hại - hoặc cho chính mình, cái này thì tôi hay bị lắm, hoặc cho công chúng).

Nên mãi vẫn chưa viết được. Chỉ có điều, nếu viết, thì tôi sẽ link vấn đề trường chuyên lớp chọn với lý thuyết về multiple intelligences, sự công bằng trong giáo dục, và tính nhân bản của một nền giáo dục.

Và sực nhớ một câu trong kinh thánh mà tôi rất thích, vì nó tóm tắt rất gọn ghẽ cả 3 ý mà tôi đã nêu ở trên: trong nhà cha ta có nhiều chỗ ở.

Ừ, tôi đọc câu đó mà rất xúc động, xúc động từ hồi nhỏ đến giờ, đã già. Vì từ nhỏ đến giờ tôi luôn bị cảm giác là người ... bất thường, người ngoài cuộc, người ít được người khác hiểu, và bị gạt ra khỏi các đám đông (mà theo tôi, là những đám đông hơi a dua một chút, với một thủ lĩnh được mọi người tôn sùng, toàn năng, và ai có ý kiến hoặc hành vi gì khác mọi người thì đều đáng bị trừng phạt bằng cách bị nghỉ chơi!)

Nên khi thấy nói, "trong nhà cha ta có nhiều chỗ ở", có chỗ cho mọi người, kể cả những người bất thường như tôi, thì tôi xúc động lắm, và luôn mong mỏi tìm được một nơi nào như thế. Để mỗi người được là chính mình, hạnh phúc với sự khác biệt của mình, và vẫn được tất cả mọi người chấp nhận và trân trọng. Khi ấy, sẽ có một xã hội đa dạng và linh hoạt, và đáp ứng được mọi đổi thay của bối cảnh bên ngoài. Multiple intelligences trên phạm vi toàn cộng đồng, toàn xã hội, và ... toàn cầu, why not?

Nhân tiện, tôi vừa dịch một bài hay lắm (theo tôi nghĩ), có tựa là Brains Unchained, mà tôi dịch sang tiếng Việt là Phá xiềng trí não. Bài viết nói về giáo dục đại học TQ, trong đó luôn luôn chỉ có một câu trả lời đúng cho mọi câu hỏi. Đó là lý do trí não bị xiềng.

Quay trở lại việc "có nhiều chỗ ở". Hình như ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, vv thì "chúng" đã tạo ra được một nền giáo dục tương đối có nhiều chỗ ở rồi. Còn VN, thì ... "hạnh phúc là một tấm chăn quá hẹp", nói như Nam Cao.

Chăn quá hẹp nên ai cũng phải dành, và người này đắp thì người khác bị lạnh. Vậy đó.

Trường chuyên, có phải là một tấm chăn không? Câu hỏi này mong mọi người giúp trả lời nhé. Còn tôi, thì phải ... đi họp!!!!!!!

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Buồn ngủ gặp chiếu manh

Tựa của entry này là một câu thành ngữ của VN, ý nói đang cần cái gì thì nó bỗng xuất hiện ngay cạnh mình.

Vậy tôi đang cần gì, và cái gì xuất hiện ngay cạnh tôi thế? Chẳng là tôi đang có vài tranh luận nho nhỏ trong cơ quan, và ... trên các blogs của tôi, và cả trên báo chí, công luận nữa, về một vài vấn đề cũng ... nho nhỏ thôi. Nhưng hình như càng trao đổi ý kiến thì câu chuyện càng trở nên ... trầm trọng.

Thậm chí đôi khi tôi còn có cảm giác là kết cục của những tranh luận này - dù vấn đề thật nhỏ nhặt - sẽ dẫn đến những đổ vỡ trong quan hệ nữa. Nếu ai đó - kể cả tôi, và có lẽ nhất là tôi - không biết cách ứng xử khéo léo, để vẫn giữ được ý riêng của mình nếu mình tin là mình có điểm đúng, vừa tôn trọng và lắng nghe ý kiến người khác nhưng không tin và chấp nhận một cách mù quáng.

Tôi không có kỹ năng này. Ít ra là không có một cách thuần thục, mà phải khó khăn, vật vã để thành công trong các cuộc tranh luận theo phương châm mà tôi đã nêu ở trên. Tức vẫn là mình, nhưng vẫn tôn trọng người khác, không cãi bướng mà cũng chẳng vào hùa. Biết mình, biết người, biết nhận cái sai của mình chứ không lớn lối, tự vỗ ngực "duy ngã độc tôn", nhưng cũng dám nói - một cách nhẹ nhàng, lịch sự nhưng hiệu quả - về cái sai của người đối diện.

Chà, khó thật ấy chứ. Tôi nghĩ, người VN mình rất thiếu cái này. Hình như văn hóa Tây thì nó có khá hơn một chút. Vì nó chú trọng đưa kỹ năng này vào dạy ở trong trường. Và văn hóa của nó khuyến khích sự tranh luận.

Trước đây tôi cũng đã viết về vấn đề này trên blog này rồi. Trong một bài viết có cái tựa là "Văn hóa tranh luận và lời xin lỗi".

Nhưng tôi đang lạc đề. Vì tựa của entry này là "Buồn ngủ gặp chiếu manh". Buồn ngủ thì nói rồi: đang tranh luận với bạn bè. Vậy chiếu manh đâu?

Ừ, thì nó ở đây này. Trên Tuần Việt Nam, sáng hôm nay. Bài viết mới (dịch) có tựa là "Tranh luận một cách đúng đắn". Ở đây.

Tôi đã liếc sơ qua rổi. Không có gì là cao siêu, hoặc mới lạ. Toàn là common sense thôi. Nhưng ... đúng, và cần học nếu chưa biết, hoặc nếu biết rồi thì cần ôn lại, thường xuyên.

Xin trích lại đây vài câu để tự răn mình:

Bất chấp bản chất của bất đồng, hãy cố gắng để cảm xúc của bạn ngoài cửa. "Bất đồng được giải quyết một cách tốt nhất bằng thái độ khách quan chứ không phải bằng cảm xúc".
[...]
Nếu ý kiến trao đổi của bạn trở nên nóng nảy, hãy đưa cuộc nói chuyện trở lại với những sở thích và mục tiêu chung của hai bên. Nhấn mạnh lại về cuộc đối thoại trong tương lai. "Anh không thể giải quyết xung đột bằng một vấn đề đã xảy ra, nhưng anh có thể khiến cho diễn biến trở nên sáng sủa hơn".
[...]
Nếu đồng nghiệp của bạn phản kháng hay hung hăng, có lẽ tốt nhất là hãy nghỉ không tranh luận nữa. Bạn có thể dừng suy nghĩ để quan sát tiến trình của cuộc đối thoại. Cách quan sát "người ngoài cuộc" này có thể giúp bạn thấy được viễn cảnh của những gì thực sự đang diễn ra.


Và cuối cùng, dos and don'ts

Nên:
- Chú trọng vào những lợi ích và mục tiêu chung
- Hiểu bản chất của sự bất đồng trước khi gặp đồng nghiệp
- Giữ thái độ cởi mở để thuyết phục

Không nên:
- Tỏ ra bạn hiểu hết những ý đồ của đồng nghiệp
- Cố gắng giải quyết bất đồng qua thư điện tử
- Ngăn đồng nghiệp bộc lộ sự giận dữ


Làm được những điều này có dễ không? Không, chắc chắn là không. Ít ra là tôi thấy thế.

Tự nhiên tôi nghĩ, biết cách tranh luận một cách đúng đắn, hiệu quả, liệu có phải đó là indicator - chỉ báo - đầu tiên của một trí thức hay không, nhỉ?

E rằng có nhiều người (trí thức VN?) nói là KHÔNG! Thì định nghĩa này tôi viết cho tôi thôi mà. Nhưng vẫn (trộm) nghĩ, hình như tại vì "trí thức" VN không biết cách tranh luận đúng đắn, nên xã hội VN nó mới thế này đây!

Chỉ là một suy nghĩ vụn, và ... nhảm!

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Đọc đi rồi khóc!

Đọc cái gì mà phải khóc, hử? Đúng là ... mít ướt. "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!" Tôi tưởng tượng ra mẹ tôi - nếu bà còn sống - sẽ mắng như thế. (Ơ, nhưng mà, đây là chuyện của người đời nay đấy chứ nhỉ? Các bạn đọc tiếp đi sẽ rõ!)

Ngày còn bé, tôi rất ... mít ướt. Đọc truyện nào cảm động chút, nhất là truyện về những con người bị áp bức, cùng khổ, hoàn cảnh mỏi mòn, tuyệt vọng, thế nào tôi cũng ... khóc. Vừa khóc vừa xấu hổ, vì ... chẳng ra làm sao cả. Truyện tưởng tượng, tiểu thuyết ấy mà, ai cũng biết là ở ngoài đời làm gì có. Ừ, làm gì mà có Mẹ Lê nào, cũng chẳng có Lão Hạc, hay là Giáo Thứ. Thế mà cũng khóc được, mới hay chứ.

Nói ngày còn bé mít ướt, cũng có nghĩa là bây giờ thì tôi không mít ướt nữa rồi. Từ lâu lắm rồi, tôi không khóc - nói cho đúng, là không khóc được nữa. Kể cả khi mẹ tôi mất, vì bị tai nạn rất đột ngột, tôi cũng không khóc được. Thực sự là người tôi trơ ra, tê đi, không còn cảm giác. Chẳng hiểu tại sao thế.

Lúc ấy, nhiều người cảm thấy rất lạ, thậm chí khi tôi vào bệnh viện thăm mẹ cùng với các em tôi (lúc ấy mẹ tôi đã hôn mê và sau đó không còn tỉnh lại nữa cho đến khi mất), trông tôi lạnh tanh thế nào ấy, mà một anh y tá đã phải hỏi tôi: "Chị là con dâu hả?" Tôi hiểu anh ấy muốn nói gì. Nhưng tôi cũng không làm sao khác được, và vẫn giữ vẻ lạnh tanh đó đến hết đám tang, chẳng hiểu tại sao.

Chỉ đến cả năm sau, khi tôi đi học ở nước ngoài, ngày đầu tiên một mình trong phòng trọ của ký túc xá, trên chiếc giường cá nhân trải drape màu trắng, tự nhiên tôi nhớ lại hình ảnh mẹ tôi nằm trên chiếc giường cá nhân ở bệnh viện, và mọi ký ức tự ùa về như một cuốn phim. Và thế là tôi khóc được, nằm một mình, úp mặt xuống gối và khóc dữ dội, gào lên mà khóc, một mình... Ướt cả gối. Như một cơn điên.

Rồi sau đó, trấn tĩnh lại, và thôi. Thôi. Không nhắc lại bao giờ. Cũng không ai biết, và sẽ mãi mãi không ai biết, nếu tôi không đang kể ra như thế này. "Không nói ra thì không biết được"... mà lại.

Tôi kể lăng nhăng cái gì thế này? Hôm nay, theo cái link của một người quen cũ - đồng nghiệp trẻ ở cơ quan cũ - tôi đọc được một truyện ngắn có cái tựa "Y là thầy giáo" trên Tuổi trẻ Online. Ở đây.

Tôi cũng đã từng là cô giáo, và đến giờ vẫn đang làm ngành giáo, dù không còn (và cũng không muốn) trực tiếp giảng dạy nữa. Đã có một thời gian dài tôi đứng lớp trực tiếp, và rất gắn bó với nghề giáo. Cũng có làm vài đề tài về giáo dục phổ thông nữa, thậm chí xuống tận An Giang, vất vả khó nhọc, để làm một đề tài về chất lượng giáo dục ở đó.

Và tôi hiểu rất rõ, vô cùng rõ, những cái nhỏ nhặt, tủn mủn, vớ vẩn, và ... mệt mỏi, của nghề giáo. Một nghề, chẳng biết vô tình hay cố ý, đã bóp nghẹt sự sáng tạo của cả thầy cô lẫn học sinh, vì những quy định hành chính vô hồn, vô nghĩa, và ... đôi khi là vô nhân nữa!

Hình này "chôm" trên mạng, địa chỉ của nó có ghi trên hình đó. Nhưng trang blog này của tôi là "phi lợi nhuận" nên chắc không sao!:-)

Và tất nhiên là những khổ ải, hy sinh, và cả tình thương dành cho học sinh của các thầy cô giáo phổ thông của ta, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Nhưng những cái ấy, tôi đã rời xa gần chục năm nay rồi. Có lẽ tôi may mắn chăng?

Chỉ biết, khi đọc câu truyện mà tôi đưa link ở trên kia, tôi bỗng có cảm giác rất giống cảm giác mà tôi đã tả ở trên, về những ký ức ùa đến với tôi như một cuốn phim quay chậm về cái chết của mẹ tôi. Mặc dù tôi đã không thực sự khóc.

Tôi trở lại bệnh "mít ướt" rồi chăng? Vì tôi đã già? Người ta bảo "một già một trẻ bằng nhau"?

Hay là việc ấy nó đáng khóc thật? Tôi không biết.

Tôi chỉ biết, hình như đọc truyện ngắn ấy xong, tôi thấy cuộc đời giáo viên thời nay chẳng khác thời của anh Giáo Thứ trong truyện của Nam Cao, thời Pháp thuộc, là mấy!!!!

Hay là có khác, mà tôi không biết, vì không "sâu sát"? Các bạn đọc đi, rồi phán đoán lấy vậy. Hy vọng là các bạn sẽ nói là nó không giống.

Còn nếu nó giống, thì các bạn cho rằng có đáng khóc hay không?

Tôi thực tình không biết. À quên, có thể hỏi thầy Khoa, có lẽ thầy ấy biết!

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Uyển ngữ, số thống kê, và chất vấn


Lại là một trong những cái tựa linh tinh trên blog này. Nhưng nó phản ánh cái "muôn mặt", hoặc "nhốn nháo", của cuộc sống quanh tôi.

Trước hết, hãy nói về uyển ngữ. Uyển ngữ, là từ tiếng Việt dùng để dịch từ euphemism trong tiếng Anh. Chẳng hiểu tôi đã học được từ này (tiếng Việt) ở đâu, nhưng chắc chắn là học sau năm 1975, có lẽ vào khoảng cuối thập niên 80 thì phải. Lúc ấy, tôi còn đang dạy ở Khoa Ngữ Văn Anh trường ĐHKHXH-NV.

Tôi vẫn nhớ cảm giác của lần đầu tiên khi tôi gặp được từ này. Rất thích thú! Đọc lên là hiểu ngay lập tức. Vì nó ngắn gọn, và ... rất "uyển ngữ"! Tôi nhớ, chẳng cần tra từ điển mà tôi đã suy ngay ra được nghĩa của từ này, do suy ra từ các từ có chứa gốc "uyển" mà tôi biết (uyển chuyển, vườn thượng uyển).

Nếu không có từ này, thực sự không biết làm sao để dịch từ euphemism trong tiếng Anh sang tiếng Việt cho gọn ghẽ nhỉ?

Dưới đây là định nghĩa của từ euphemism, lấy trong OALD (2000):

an indirect word or phrase that people often use to refer to sth embarrassing or unpleasant, sometimes to make it seem more acceptable than it really is; ex: "pass away" is a euphemism for "die"; "user fees" is just a politician's euphemism for taxes.

Rõ rồi nhé: euphemism là nói nhẹ đi, nói tránh, để cho dễ chấp nhận. Chẳng hạn, "chết" thì nói là "qua đời". Trước đây, hồi còn trẻ, đang học đại học, tôi và một nhóm bạn hay đến thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu, tạo được những mối quan hệ thân thiết với các em ở đây.

Lần đầu tiên đến đấy, tôi được dặn không được nói "mù", mà phải nói "khiếm thị" (trịnh trọng), hoặc bình dân hơn, là "không thấy đường", ví dụ như nói: Tôi có quen một anh bạn kia, anh ấy "không thấy đường", nhưng tốt bụng lắm! Đấy cũng là uyển ngữ.

Vậy uyển ngữ chính là cách sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo, để tạo ra hiệu quả mong muốn. Rõ ràng là tốt. Và mọi người đều phải học cách dùng nó, nếu muốn là một người sử dụng ngôn ngữ thành công.

Vậy thì có gì để mà nói chứ? Nghiên cứu về uyển ngữ là việc của một nhà văn hóa, hoặc một nhà ngôn ngữ, chứ không phải là việc của tôi, lại càng không phải là "nhiệm vụ chính trị" của cái blog này, vốn là "cõi riêng" để tôi ghi chép linh tinh cho riêng mình và bạn bè, thân hữu. Tôi không viết cái entry này để hô hào mọi người phải học và dùng uyển ngữ chứ? Ấy chết, hoàn toàn không phải thế!

Các bạn còn nhớ là cách đây ít lâu tôi đã viết về "thổ tả" phải không? Thế các bạn có nhớ rằng hôm ấy tôi nhắc đến từ "euphemism" chăng? Nó là lần đầu tôi nhắc đến uyển ngữ trên blog này đấy. Nhắc đến, và ... rất cáu!!!!! Rồi tôi quên đi.

Nhưng cách đây vài hôm, tôi lại đọc được trên blog của Huy Quang Piano (huyquangpiano.blogspot.com), một người Hà Nội, cách nói của các quan chức Hà Nội, cũng là ví dụ tiêu biểu của "thuật dùng uyển ngữ". Họ nói cái gì thế?

Xin đọc đoạn dưới đây:
Mưa không to lắm nhưng đường phố biến thành sông.
Tất nhiên là hệ thống thoát nước thành phố có vấn đề, nhưng khổ nỗi, người ta lại bảo "cơ sở hạ tầng không phát triển kịp với tốc độ đô thị hoá" (!).

Phần in đậm đậm mà tôi thêm vào chính là cái uyển ngữ của quan chức Hà Nội đấy. Quá xuất sắc phải không, đúng là bậc thầy trong việc dùng uyển ngữ.

Chỉ có điều, uyển ngữ đâu có phải là việc của các nhà quản lý, nhất là khi nói chuyện với con dân, những người dốt nát, chỉ có thể hiểu khi mọi việc được nói toạc ra thẳng thắn. Tôi đang nói về chúng ta ấy, những người đọc blog này, phải vậy không các bạn?

Sẽ có người hỏi tôi, nhưng nếu có nhiều vấn đề dân chúng bức xúc, mà quan chức không được dùng uyển ngữ, vậy thì dùng cái gì? À, thì dùng số thống kê, chứ sao! Con người "quản lý" của tôi trả lời thế. Chứ còn gì nữa? Cho nó rõ ràng, chính xác, minh bạch chớ!

Rồi tôi bỗng nhớ đến số thống kê của VN. Và nhớ rằng, chính mình đã viết một entry có tên là "Số thống kê, trời ơi!" trên blog này. Nói về những thống kê về tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong năm nay.

Gần đây, do có nhiều số thống kê về giáo dục khá là ... khó hiểu, tôi phải tìm mua qua amazon và đang đọc một cuốn sách có tựa là "How to lie with statistics".

Cuốn sách này mỏng, nhỏ, và nội dung thường thôi, nhưng cuối cuốn sách có một chương rất khá, có đưa ra lời khuyên với bạn đọc khi đọc số thống kê do người khác đưa ra. Lời khuyên ấy là: khi đọc một số thống kê thì đừng tin ngay, mà phải tự hỏi mình 5 câu hỏi, mà tôi tự tóm tắt cho dễ nhớ như sau:

1. Ai nói? Có thiên vị không? 2. Sao họ biết mà nói? 3. Số liệu có đủ không? 4. Số liệu có ăn nhập với kết luận không? 5. Kết luận có lý không?

Đọc xong thì thấy ngay câu trả lời hiển nhiên với những con số thống kê về kỳ thi tốt nghiệp có đáng tin hay không. Đây nhé:

1. Người nói là Bộ Giáo dục, tất nhiên sẽ có khả năng thiên vị;

2. Người nói không phải là người trực tiếp làm, nên nếu muốn biết sự thật thì chỉ có các trường, thầy cô, phụ huynh và chính học sinh mới biết thật ra chất lượng có tăng không mà thôi;

3. Số liệu không đủ, vì chỉ có kết quả thi, không nói gì vể độ khó của đề thi, về cách định cỡ bài thi để đảm bảo tương đương giữa 2 kỳ thi, vv;

4. Số liệu không ăn nhập với kết luận, vì điểm của một kỳ thi thì chỉ nói lên kỳ thi đó khó hay dễ đối với thí sinh của năm đó, còn chất lượng giáo dục là chất lượng giáo dục, hai việc không phải và không thể là một;

5. Kết luận về chất lượng GD đã tăng chẳng có lý tý nào, vì nếu cứ tăng mãi với tốc độ này thì sang năm sẽ thế nào? Tỷ lệ đậu là 120% chắc?????

Thế mà người ta vẫn nói được đấy! Lại còn dùng những số thống kê ấy để chất vấn người khác nữa chứ!

À, chất vấn!!! Mới có một vụ chất vấn nổi đình đám kia kìa, kèm với một vụ từ chức (à, thì chưa làm đơn, nhưng cũng đã buột miệng nói ra, vì mệt mỏi quá!) Ai không biết vụ đình đám đó là gì, cứ hỏi google với những từ "Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bình Dương từ chức", sẽ rõ!

Người ta trách ông ... nóng nảy! Ừ, mà nóng nảy thật! Chất vấn là việc của Hội đồng, ông làm chính quyền thì ông phải chịu chất vấn chứ! Cứ từ từ mà trả lời, rồi mọi người sẽ hiểu và ủng hộ. Chứ ông không thấy còn bao nhiêu việc khác, cái gì mà 5 cái cổng chào tốn bao nhiêu tỷ gì đó ở Hà Nội, người ta có từ chức đâu? Có gì mà nóng quá vậy?

Nhưng mà nóng thiệt! Vì người ta chất vấn ông bằng chính những cái thống kê ... trời ơi đất hỡi trên kia kìa! Gặp tôi, thì tôi cũng từ chức. Chịu gì nổi!

Làm gì phải từ chức! Tôi nghe bạn bè tôi nói thế. Phải dấn thân, phải dũng cảm chứ!

Vậy nếu làm đàng hoàng, mà chẳng ai ủng hộ, bị chất vấn bằng mấy con số thống kê ... thổ tả như GĐ Sở GD Bình Dương kia, thì phải làm sao? Tôi tự hỏi.

Rồi chợt ngộ ra câu trả lời: Dùng uyển ngữ, chứ còn gì nữa! Chỉ có thế thôi, mà nghĩ mãi không ra! Vậy mà ở trên tôi dám nói là không định viết entry này để hô hào dùng uyển ngữ! Đúng là sai lầm!

Vậy xin được nói lại: Mọi người đều cần cách dùng uyển ngữ, và dùng số thống kê để ... nói dối. Cần mượn sách How to lie with statistics thì liên hệ với tôi.

Mà chắc cũng chẳng ai cần, có khi VN còn dạy được thế giới làm điều này nữa ấy chứ!

Tự nhiên tôi nhớ Gabriel Marcia Marquez quá đỗi!
--
Cập nhật lúc 10:17 phút cùng ngày:
Hai cái hình này là hình về mưa, lụt tại TQ, lấy trên xinhuanet.com. Theo yêu cầu của Khuê, vì "viết thì phải có hình minh họa, cho nó sinh động chứ mẹ!"

Ờ mà uyển ngữ, có phải là từ Hán Việt không? Vậy biệt tài dùng uyển ngữ, chắc phải có nguồn gốc từ Trung Quốc nhỉ?

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Tôi đã đọc và lặng đi ...

Đọc cái gì mà lặng đi thế? Đây này.

Đọc về những kỷ niệm về TQ trong mối quan hệ với VN. Sau khi đọc những bài báo đăng ở trang đầu báo TN và báo TT hôm qua, và nhiều nơi khác, về "kế hoạch tinh vi của TQ" đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Ví dụ như ở đây.

Tôi phải nói gì? Tôi không nói được gì hết. Tôi lặng đi.

Tôi biết gì về TQ? Không biết gì nhiều, ngoài những bài học lịch sử thời còn tiểu học. Về những trận chiến dai dẳng và các chiến công hiển hách của cha ông ta, với kẻ thù từ phương Bắc.

Tôi có những người bạn TQ, khi tôi còn ở nước ngoài. Ở Mỹ hoặc ở Úc. Nói chung, tôi rất quý họ. Tôi cũng quý trọng và ngưỡng mộ nền văn hóa TQ, một nền văn hóa lớn mà không chỉ VN, mà các nước khác trong khu vực này, đặc biệt là khối Đông Á, như Hàn và Nhật, cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc.

Tôi đã đến TQ, dù chỉ hai lần. Dù chỉ mới đến Quảng Tây, và Thượng Hải. Chưa phải là Bắc Kinh, chưa thấy Vạn Lý Trường Thành. Vậy mà đã rất ngưỡng mộ, một đất nước có nhiều nét văn hóa mà VN cùng chia sẻ, vì cùng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa vĩ đại ấy.

Tôi cũng có nhiều người bạn rất thân thiết ở VN, gốc Hoa. Họ rất đáng yêu, rất thú vị, rất chân thành, rất anh hùng hảo hớn. Tôi nghĩ, tính cách Nam Bộ mà tôi yêu mến có lẽ một phần cũng là do ảnh hưởng của những người "khách trú" (= các chú, hay Ba Tàu), những người Minh Hương, với mục đích phản Thanh phục Minh, trên đường vong quốc đã đến dừng chân ở đất Việt và trở thành một bộ phận của dân tộc Việt Nam ngày nay, cùng chia sẻ ngọt bùi với chúng ta với số phận chung của nước Việt.

(Mở ngoặc chút: các bạn trẻ nếu không rõ xin đọc thêm về "các chú" và người Minh Hương ở đây.)

Vâng. Có thể nói là tôi yêu mến đất nước và con người TQ. Như tôi cũng yêu mến đất nước Hoa Kỳ, hay đất nước Australia, hay Anh quốc - những nơi mà tôi có ít nhiều hiểu biết và ít nhiều kỷ niệm. Những quốc gia lớn, có lịch sử phát triển độc đáo, riêng biệt, và có ít nhiều ảnh hưởng đến các quốc gia khác trên thế giới. Và ảnh hưởng đến kinh nghiệm sống của cá nhân tôi, dân tộc tôi.

Nhưng ảnh hưởng thì ảnh hưởng, còn quyền lợi và bản sắc dân tộc thì vẫn là quyền lợi và bản sắc dân tộc. Không thể nhầm lẫn được. Không thể mọi người VN đều nhầm lẫn như Đỗ Ngọc Bích, hay như cô đã bị hiểu lầm qua cách diễn đạt (có thể đã bị sửa) của cô.

Hàn và Nhật, dù chịu nhiều ảnh hưởng của TQ không kém gì VN, vẫn có hướng đi riêng của mình. Bản sắc riêng biệt của họ đối với TQ là rất rõ ràng. Dù có lẽ TQ, với đặc điểm nước lớn (Trung Hoa, trung tâm của thế giới?) cũng vẫn luôn muốn lấn át và gây ảnh hưởng với 2 nước nho nhỏ kia (nhỏ về diện tích và về dân số, chứ không hề nhỏ về trí tuệ và vị thế trên thế giới).

Còn VN thì sao?

Có phải chúng ta quá ngây thơ, quá nể nang? Hay tại vì gì nữa?

Tại sao chúng ta lại để xảy ra những việc như trong ký ức của KTS Trần Thanh Vân? Và hình như chưa hề rút kinh nghiệm, mà vẫn tiếp tục chịu lép vế, hình như thế?

Tôi không trả lời được. Tôi cũng không nói được nữa. Tôi lặng đi ...

Chợt nhớ hai câu cuối cùng trong bài hát "Đàn bò vào thành phố" của TCS:

Và người bỗng hết buồn, đã hết buồn
Người lặng nghe đá lên trong hồn...

---
Cập nhật lúc 17:17 chiều 13/7/2010:
Bài viết của KTS Trần Thanh Vân còn phần 2, cũng đăng trên blog của TS Nguyễn Xuân Diện. Ở đây này. Mọi người cần đọc để hiểu. Dù đọc xong có thể lặng đi, giống như tôi!

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Sữa tươi VN và Gabriel Marcia Marquez


Mẹ lại linh tinh nữa rồi, tôi đang mường tượng thấy Khuê, con gái tôi, lầm bầm khi đọc entry này của mẹ.

Ừ, mẹ linh tinh thì đã rõ lắm rồi. Nhưng cái sự linh tinh này nó có lý do, mà lý do cũng ... có lý lắm đấy Khuê và các bạn ạ.

Số là cách đây ít hôm tôi đọc thấy tin về bệnh dịch tả ở TP HCM. Gì chứ dịch tả là một trong 2 cái dịch mà tôi chỉ nghe tới tên là đã sợ hãi hùng rồi. Vì hồi bé học tiểu học, tôi được học về mấy loại bệnh dịch nguy hiểm cho cộng đồng, trong đó có 2 loại dịch đó. Ngoài ra còn mấy loại bệnh truyền nhiễm khác như đậu mùa, ho lao gì gì đấy, nhưng không hiểu sao dịch tả và dịch hạch là tôi thấy sợ nhất. Mà nhất là dịch tả.

Dịch tả, dân gian gọi là ... thổ tả. Vì triệu chứng của nó là "thượng thổ hạ tả", tức là trên ói, dưới ... xin lỗi, nói thẳng ra thì thô quá, xin cho tôi tôi dùng uyển ngữ (euphemism) ạ, là ... đại tiện thường xuyên và cấp kỳ, hay còn gọi là tiêu chảy cấp ấy!

Đang lo lắng và bực bội về việc tại sao đến giờ này TP HCM vẫn còn dịch tả, thì tự nhiên lại đọc thấy cái tựa entry mới của một blogger mà tôi hay đọc, BS Lê Đình Phương tự là Dr Nikonian, nhắc lại cái vụ thịt chó mắm tôm nổi cộm cách đây mấy năm, và "tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả"! Ở đây.

Đọc cái entry đó mà thấy giận. Giận cho cái sự ... mơ mơ hồ hồ, bất minh của ngôn ngữ. Ừ thì uyển ngữ là cần thiết. Nhưng mà nó cần cho những người viết tiểu thuyết, hay là viết văn lăng nhăng lảm nhảm như tôi thôi. Để tiêu khiển ấy mà.

Còn các nhà chính sách, và nhất là các nhà chuyên môn (như Bộ Y tế) thì nói năng phải cho rõ ràng, rành mạch, minh bạch, thì dân chúng mới hiểu, nghe theo và ứng xử cho nó đúng chứ!

Ví dụ, dịch tả xuất hiện thì cứ nói thẳng là dịch tả xuất hiện. Hà cớ gì lại dùng uyển ngữ, "tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả", là sao, bố ai hiểu được, hả trời?

Đang cáu, thì lại đọc được một cái tựa khác, lần này là trên google news, "Thị trường sữa tươi VN được đánh giá là không minh bạch". Á à, lại dùng uyển ngữ, bớ người ta!

Đọc ra thì mới biết google news đưa tin này là của RFA, một đài ... không mấy thân thiện với VN. Hèn chi mà viết theo kiểu ... lừa đảo, úp úp mở mở. Còn nói huỵch toẹt ra, cho nó rõ nghĩa ấy mà, thì phải viết như thế này này: Thị trường sữa tươi: Người tiêu dùng bị đánh lừa, móc túi. Ở đây này. (Tiền Phong Online). Hoặc: Sữa tươi rởm đang tung hoành (Lao Động). Hoặc ít ra là: Sữa tươi đánh đố người tiêu dùng (Dân Trí). Các bạn chỉ cần google thôi thì có mà đầy, tha hồ đọc (và tức!).

Thì ra lâu nay mình bị móc túi mà không biết! Vì nhà tôi sử dụng sản phẩm sữa tươi thường xuyên. Hừm, thời thế thổ tả gì thế này không biết?

Thời thổ tả? Cái gì thời thổ tả ấy nhỉ? À đúng rồi, "Tình yêu thời thổ tả", tác phẩm nổi tiếng của Grabriel Marcia Marquez đây mà! Love in the time of cholera, một tác phẩm vĩ đại, viết xong năm 1986 gì đó. Của tác giả Trăm năm cô đơn, cũng không kém vĩ đại.

Tôi đã đọc Tình yêu thời thổ tả, và vài cuốn sách khác của Marquez, từ thời trẻ lận! Rất hay, nhưng bây giờ quên gần hết rồi. Đọc vào cái thời còn trẻ và còn đói khổ, nhưng lại đọc sách rất nhiều - chứ không phải như lúc này, không còn đói nữa nhưng dường như cuộc sống lại nghèo nàn hơn về tinh thần?

Thế rồi đầu óc lẩn thẩn, linh tinh của tôi bắt đầu hoạt động. Rằng, bây giờ người ta không gọi thổ tả là thổ tả nữa. Mà gọi là "tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả".

Ô, thế tác phẩm của Marquez nếu lúc này mà tái bản thì sao nhỉ, phải đổi tên là "Tình yêu thời tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả" hay sao?

Bí hiểm quá! Không minh bạch! Như thị trường sữa tươi VN vậy!

Bực quá, tôi viết entry này. Và, xin lỗi quý vị, cho phép tôi nói tiếng Đức theo kiểu của tôi nhé: Đúng là cái thời tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả!!!!!

Nói xong, thấy không "đã" gì cả: nó dài quá! Xin phép được nói lại: Đúng là cái thời thổ tả!

Và xin lỗi cụ Grabriel Marcia Marquez mà tôi luôn ngưỡng mộ và yêu quý. Ai chưa biết về cụ thì đọc ở đây này.
---
Viết thêm:
Đi lang thang trên mạng lại vớ được cái này: Ẩm thực thời thổ tả. Đem link về đây cho nó khỏi lạc đàn. Ở đây này. Mọi người đọc thử nhé!

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Báo động: Dịch tả ở TP Hồ Chí Minh!

Tôi mới đọc thấy tin này, vội đưa lên đây cho mọi người đọc và cảnh giác. Đây này. Bệnh tả xuất hiện ở 10 tỉnh thành, trong đó, buồn thay lại có cả TP Hồ Chí Minh, là một trong những nơi mà trình độ dân trí có lẽ cao nhất cả nước (chẳng phải như vậy sao?) Tất nhiên trình độ dân trí ở đây tôi không đo theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT đâu, vì nếu đo như thế thì có thể có nhiều nơi còn cao hơn nhiều! ;-)

Dưới đây là một đoạn trích trong bài báo:
Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM cho thấy: có 3 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả, cả 3 bệnh nhân này đều ở quận Tân Bình.

Trước khi phát bệnh các bệnh nhân đã ăn bún riêu, uống trà đá, sữa đậu nành đá ngoài hè phố… Sở Y tế TPHCM vừa đề nghị quận Tân Bình rà soát lại thực phẩm ở các chợ và thức ăn đường phố, xử phạt kiên quyết các điểm kinh doanh thực phẩm, hàng rong... không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quận Tân Bình, là 'quê hương' thứ hai của tôi đó, vì cho đến khi lấy chồng sang sinh sống ở khu vực Bình Thạnh - Gò Vấp thì tôi lớn lên ở đó từ ngày gia đình tôi định cư tại Sài Gòn từ năm 1965 (trước đó ba tôi đi 'lang bạt kỳ hồ', lôi cả gia đình đi 'tha phương cầu thực' khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long rồi các tỉnh miền Trung; tôi chỉ nhớ nơi ở cuối cùng trước khi vào SG là Phan Thiết).

Nơi ấy, nó cũng giống như một Sài Gòn thu nhỏ: dân cư ở đây là tứ xứ đổ về. Có người Bắc di cư theo đạo Công giáo (kha khá nhiều), tụ tập lại ở các Phường 3, Phường 5, Phường 7, vv, người Quảng (chủ yếu là Quảng Nam, Quảng Ngãi) tụ tập ở khu Phường 2 (hình như thế, không biết bây giờ có thay đổi gì không, tôi rời Tân Bình lâu quá rồi) làm nghề dệt, quanh khu vực Ngã Tư Bảy Hiền, tất nhiên là có người Nam nữa (tại chỗ), sống rải rác khắp nơi (đất của họ mà!), và sau này nữa thì có Bắc 75 và các đợt di dân từ Bắc vào, người Thanh Hóa, Hà Tĩnh, vv rất nhiều, hình như ở đâu Phường 4, và quanh khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất. Đấy là kể theo ký ức, ai biết rõ hơn về Quận Tân Bình xin bổ sung thêm!

Vì là một quận có nhiều dân lao động và nhập cư như vậy, cho nên hàng rong, quán ăn bình dân vv các loại là rất nhiều. Thì người lao động mà, đi làm quần quật suốt ngày, tha phương cầu thực, không có nơi ở ổn định, cơm hàng cháo chợ, thì hàng rong có cơ hội phát triển thôi.

Mà dân nghèo, ít học, thì ít có hiểu biết về vệ sinh thường thức, thì nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn tràn lan, thì bệnh dịch là phải thôi! Không bị dịch bệnh, thì cũng tích lũy chất độc vào người, nhất là nếu ăn phải rau muống bị "thuốc" như báo chí đang đưa tin, thì cũng bị ung thư, chữa lây lất mãi rồi hết tiền, thì cũng chết mà thôi!

"Trời kêu ai nấy dạ", hôm qua khi tôi đi thăm bé Tường về có mấy câu than thở, thì ông xã tôi nói thế.

Thì đúng quá! Còn biết nói gì!

Thôi thì thế này: Ai tránh được trời, thì cứ cố tránh. Đừng có để cho "ổng" thấy mặt, "ổng" kêu, thì mất công, kêu ai nấy dạ!

Vậy thì đừng có ăn hàng ăn quán gì ngoài đường nữa. Về nhà ăn cơm của mẹ nấu, vợ nấu, chị/em gái nấu, cho nó lành, nghen!

Ý quên, mà nhớ đừng có ăn rau muống!

Từ thiện, hay trách nhiệm xã hội?


Tôi chưa bao giờ có ý định, và ngay cả lúc này nữa, dùng trang blog này để "làm từ thiện"! Đối với tôi, có thể là vì ảnh hưởng văn hóa phương Tây mà tôi đã bị nhiễm từ hồi nào chẳng rõ, thì "từ thiện", tiếng Anh là charity, không phải là cái gì đáng tự hào. Việc mới đây tôi kêu gọi giúp bé Tường chẳng qua là vì tôi nghe thấy "tiếng kêu thảng thốt" của nhà văn NNT mà tôi ái mộ, và thấy hình ảnh khá thương tâm, nên giúp một lời kêu gọi thôi.

Còn làm từ thiện một cách chuyên nghiệp ư, oh no, not me! Tôi nghĩ, làm người nhận từ thiện, rõ ràng là không ai muốn rồi, chẳng qua là bất đắc dĩ; nhưng người cho, tức là người "làm từ thiện", thì cũng chẳng có gì phải khoe nốt. Bởi vì, khi cho thì chính mình cũng đã được rồi: được hành động đúng theo hệ thống giá trị của mình, và được cảm thấy mình có tác động, tạo ra impact!

Hơn nữa, theo Kinh thánh (tôi xuất phát từ gia đình theo đạo Công giáo, bên nội đạo gốc, mặc dù tôi chỉ là chiên ghẻ), thì khi làm "từ thiện" thì cũng phải theo nguyên tắc: "Tay trái không biết việc tay phải làm" - tức là làm từ thiện đừng có khoe ầm ĩ lên làm gì!

Mà thật ra, nếu mỗi người cứ làm đúng trách nhiệm của mình tại vị trí của mình, thì tốt hơn làm từ thiện rất nhiều, mà có lẽ cũng sẽ không cần làm từ thiện nữa. Một cách lý trí, tôi vẫn thích pháp trị hơn là nhân trị, dù ai có nói gì thì nói, dù có thể khi ứng xử tôi cũng có những khi cảm tính và vì thế sẽ mềm lòng với những tình cảnh đáng thương, bất chấp lý trí.

Nói thêm kẻo bị hiểu lầm: Tôi cũng rất quý mến, và kính trọng, những con người làm từ thiện, dù lớn dù nhỏ, dù có ai biết đến hay không. Và những tổ chức làm từ thiện thì phải rất công khai, minh bạch, để được giám sát, để không ai có thể vô tình hoặc cố ý lợi dụng, lạm dụng lòng tốt của những người làm từ thiện, để những của quyên góp đến được đúng địa chỉ cần góp.

Bởi vì hơn ai hết, tôi hiểu rằng chính lòng từ thiện là dễ bị lạm dụng nhất: thì người tốt mà, khi người ta cho đi, đâu có cần lấy lại, cũng chẳng cần trả ơn. Nên cho đi rồi, là xong, có đến đâu được hay không thì chỉ là lòng tin mà thôi (trừ phi cho trực tiếp người cần giúp!)

Nói dài dòng như thế, là bởi vì tôi sắp làm một điều mà ngay lúc này tôi cũng phân vân không biết có nên làm hay không: đó là dùng blog của tôi, và ... có thể là cả uy tín cá nhân của tôi nữa - nếu tôi có, that is!!! ;-), để viết về một nhóm tình nguyện mà tôi đã có nghe qua loáng thoáng, và nay, khi biết tôi thông qua blog của tôi, đã liên hệ trực tiếp với tôi bằng điện thoại và sau đó là bằng email để tự giới thiệu về mình, và mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng. Đó là nhóm Đom đóm. Thông tin theo tự giới thiệu mà đại diện của nhóm gửi cho tôi qua mail, tôi xin đưa lên dưới đây.


Em xin gởi đến cô một số thông tin về nhóm tình nguyện Đom đóm:

- Nhóm em được thành lập vào ngày 25.6.2008 ban đầu gồm 6 bạn sinh viên đến từ trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Nông lâm và CĐ Tài chính Hải quan. Hiện nay nhóm có 32 thành viên chính thức và đông đảo các anh chị, các bạn cũng như các bạn sinh viên tham gia đến với nhóm thông qua mỗi chương trình hoạt động.

- Chúng em chọn tên nhóm là " Đom đóm" vì có hai ý nghĩa:

* Thứ nhất, nhắc đến Đom Đóm, mọi người sẽ hình dung sự nhỏ bé, ánh sáng của đom đóm không thể chiếu sáng 1 vùng, chỉ le lói trong đêm, nhưng nếu nhiều con Đom Đóm tập trung lại với nhau thì khác ? Nhóm muốn nhắn nhủ rằng mỗi cá nhân chúng ta sẽ không thể làm được những việc lớn lao trong việc giúp đỡ các hoàn cảnh bất hạnh và chỉ có sự kết hợp của tập thể mới có đủ khả năng giúp những người cần được giúp.

* Thứ hai, sự xuất hiện của con Đom Đóm thường ở những vùng quê hẻo lánh, xa xôi , nơi không có tiếng ồn ào của máy móc, chưa có ánh sáng của điện. Vì vậy, nhóm luôn cố gắng đi tìm những ngôi nhà mái tranh vách đất hẻo lánh, những ngôi trường heo hút, những chân dung học trò nghèo hiếu học ở khắp các tỉnh thành để mang niềm vui, tiếng cười đến với những mảnh đời còn khó khăn trong xã hội, mong muốn được tiếp sức, động viên, an ủi tinh thần hiếu học và tiếp thêm niềm tin, nghị lực đến trường của các em học trò nghèo.

- Hiện nay, kinh phí hoạt động của nhóm là từ các thành viên chính thức đóng góp, mỗi tháng mức đóng thấp nhất là 50.000đ, số tiền quỹ này dùng để hỗ trợ mỗi chuyến đi từ thiện cũng như những vấn đề khác liên quan tới hoạt động của nhóm. Riêng những chuyến đi từ thiện thì nhóm vận động xin các tấm lòng hảo tâm, những doanh nghiệp nhưng đại đa số là từ đóng góp của các thành viên chính thức

- Trong thời gian hoạt động nhóm đã đi được các tỉnh thành như: Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Phú Yên, Tiền Giang, Tây Ninh, Củ Chi, Cần Giờ...để trao các suất học bổng cho học trò nghèo ( xe đạp, tập vở...) và những phần qùa cho gia đình diện chính sách, những mái ấm tình thương, làng SOS...

- Em xin gởi đến cô link của hai chương trình mà nhóm đang vận động nguyên góp để hỗ trợ chuyến đi sắp tới:
http://www.camnanggiadinh.com.vn/tin-tuc/tin-xa-hoi/chung-tay-xoa-diu-noi-dau/GKLGI
http://help.zing.vn/article/hoan-canh/1471-nhung-canh-doi-day-nuoc-mat.aspx
http://vicongdong.vn/news/view.aspx?newsid=18175193

Đây là một số thông tin về nhóm em, cô tham khảo. Rất mong nhận được hồi âm cũng như sự góp ý từ cô để nhóm em có thể hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn cô!
---
Người liên hệ với tôi (qua điện thoại, tôi chưa gặp mặt) tên là Lê Thị Bích Hương; Email: huongltb@gmail.com. Tôi cũng chưa liên hệ lại, chỉ mới nhận mail đây thôi. Nếu có ai biết gì về nhóm này, xin cho tôi biết thêm, xin đa tạ. Còn nếu như những thông tin tự giới thiệu trên đây là chính xác, thì tôi nghĩ các em đáng được khuyến khích và ủng hộ.

Và, vì tôi không thích cái gọi là "từ thiện" (một xã hội tốt là một xã hội mà những người cơ nhỡ, tai nạn, già yếu, thiệt thòi vv phải đương nhiên được nhà nước quan tâm giúp đỡ như một cái quyền chính đáng, chứ không cần nhờ tới lòng từ thiện như thế này), tôi tự nghĩ, những việc như các em đang làm trong hoàn cảnh một đất nước mà xã hội dân sự chưa phát triển như thế này, phải chăng nên gọi là trách nhiệm xã hội?

Trách nhiệm đó, hiện nay dường như nền giáo dục của chúng ta không có ý thức vun đắp thì phải? Tất nhiên, các trường đại học thì có mùa hè xanh, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy đó là một lòng tốt được chỉ đạo chứ chưa phải là lòng tốt xuất phát từ các giá trị tự nguyện và tự giác, thấm sâu vào từng con người trong xã hội chúng ta.

Liệu những người như tôi, như các cô chú bác dì, các anh chị em đã từng vào đọc blog của tôi, có nên ủng hộ, khuyến khích, và góp ý về phương pháp và cả mục tiêu nữa, cho các em hay chăng?

Mong được mọi người quan tâm và cho ý kiến trao đổi.

---
Cập nhật:
Tôi vừa vào facebook của nhóm và thấy thêm một ít thông tin. Các bạn vào đây: http://www.facebook.com/?ref=logo#!/nhomdomdom. Tấm hình trong entry này chính là lấy từ trang facebook của nhóm. Mọi người xem và phán đoán giúp tôi nhé, vì tôi không biết gì về nhóm hơn là chính những gì nhóm đã giới thiệu ở trang facebook hoặc gửi cho tôi.

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Rau muống ơi!


Hình từ mạng yahoo, gốc của báo Thanh Niên (hình như thế)

Lẽ ra, tôi không viết bài về rau muống nữa. Trên blog này chưa có đề tài nào mà tôi viết lại đến 2 lần, chứ đừng nói là 3 lần. Trước đây có một lần tôi viết đề tài "cá", thấy mọi người quan tâm lắm, định viết thêm một bài, vậy mà sau đó tôi cũng bỏ không viết, vì hết hứng! Tính tôi hay thay đổi, như một số người có biết tôi vẫn nói (chỉ có điều, càng thay đổi thì lại càng giống như cũ - the more things change, the more things stay the same mà lại!)

Vậy mà rau muống thì tôi đã viết đến 2 lần liên tiếp, và bây giờ lại viết đến lần thứ 3 (mà có thể còn chưa hết), chứng tỏ đối với tôi rau muống là một đề tài rất quan trọng, và thân thiết. Vì, đã rõ rồi còn gì nữa, tôi là Bắc Kỳ rau muống mà.
Anh đi Anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương!


Có ai để ý không nhỉ, tôi viết hoa chữ "Anh" trong câu ca dao, Anh đây là Phương Anh ấy! ;-) À còn cái khoản cà dầm tương, hôm nào tôi cũng phải viết một mẩu mới được. Tôi nhớ, hồi ở Úc mấy năm trời đằng đẵng, tôi có cô bạn người Hà Nội chuyên mua trái olive muối về ăn với cơm, tôi thấy lạ, cô ấy bảo vì thèm ăn cà muối quá mà không biết làm sao, nên thấy lọ olive muối bèn mua về ăn thử, thấy cũng dòn dòn, vị mằn mặn chua chua, cũng hơi giống, ăn cho đỡ thèm. Đúng là ... bó tay về sự sáng tạo kiểu nông dân của người Việt thật đấy nhỉ!

Quay trở lại rau muống. Tôi buộc phải nhắc đến rau muống vì đây là một món mà gia đình tôi hay ăn, vì thói quen hay vì thích hay vì hà tiện tôi cũng chẳng rõ nữa. Nhưng mấy hôm nay đọc báo về công nghệ trồng rau muống "hiện đại" của VN, trong đó rau muống bị "thuốc" đi "thuốc" lại đến 5 lần trước khi ra đến chợ để rồi những người như tôi mua về và chế biến cho gia đình ăn (với tất cả tấm lòng của một bà nội trợ Bắc, khô khan cứng rắn bên ngoài nhưng đầy những tình cảm dịu dàng ở bên trong, trời ơi, tôi đang nói về chính tôi đó, có ai tin được không nhỉ?!!). Quả thật không thể không bật lên tiếng kêu đau xót đó: Rau muống ơi là rau muống ơi!

Ai chưa đọc, xin đọc ở đây này, và đây nữa. Tôi đang vội, nên không viết được nữa, nhưng sẽ còn trở lại đề tài này. Chỉ ghi nốt một vài ý tưởng tản mạn cuối cùng: hôm nay trên đoạn đường từ nhà đến cơ quan, tôi có nhìn thấy mấy đám rau muống chắc là mọc hoang bên bờ sông Sài Gòn (tôi nhìn thấy ở gần chân cầu Sài Gòn). Lại nhớ đến những hình rau muống mọc dại ở Mỹ, bang Texas hay đâu đó, và "cuộc chiến" rau muống của người Việt trên đất Mỹ để rau muống từ chỗ bị cấm được trở lại vị trí được thừa nhận như một loại rau ăn phổ biến (và đắt tiền, như Ba8 đã nêu trong một comment nào đó).

Còn VN, từ một loài rau truyền thống và được mọi người yêu quý như vậy, rau muống đang đối đầu với sự tẩy chay của những người tiêu dùng ngay trên quê hương mình (chứ như thế này ai mà dám ăn nữa?). Chúng ta đang tự biến rau muốn thành một loại thuốc độc với cách "chăm sóc" của mình. Cũng giống như chúng ta đang biến trẻ em VN, bản chất thông minh chịu khó, cần cù chất phác, trở thành những loài rau muống bị "thuốc" với nền giáo dục của chúng ta. Doping xảy ra khắp nơi như thế này, cả trong nông nghiệp, trong thể thao, và trong giáo dục vậy sao?

Chợt nảy ra một ý nghĩ: rau muống cũng giống như người Việt. Thân phận rau muống ở VN với rau muống ở Mỹ cũng tương tự thân phận rau muống ở 2 nơi. Lại nảy ra một cái tựa entry mới nữa: Rau muống và thể chế! Không hiểu tôi có bao giờ tìm được hứng thú, và có lẽ một chút dũng cảm nữa, để khởi đầu và hoàn tất cái entry mới này không? (hic hic).

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Cập nhật về bé Tường

Hôm trước tôi có đưa lên blog tin về bé Tường, thông tin lấy từ blog của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, về Một em bé cần giúp đỡ. Nay tôi viết mấy giòng cập nhật về tình hình của bé để những người ở xa có quan tâm có thể theo dõi.

1. Về tình hình sức khỏe bé Tường:
Theo thông tin của Sông (đến thăm bé tối chủ nhật), thì trông bé khá tỉnh táo, sắc diện bình thường. Hôm qua Thứ Hai tôi có gọi điện cho cô Út, người thân của bé, thì được biết bé đã được nhận vào Phòng 8, vẫn ở Lầu 2 Khu Nhi. Tuy nhiên đến hôm qua vẫn chưa có giường mà phải nằm dưới đất. Hôm qua đã thực hiện một số xét nghiệm căn bản (thử máu và gì nữa tôi quên rồi) và đóng viện phí, hôm nay thêm chụp CT để xác định đúng cách điều trị. Chưa có gì mới hơn.

2. Về sự giúp đỡ của mọi người:
Theo tôi nắm được qua trao đổi với người thân của bé cũng như một vài bạn bè tôi biết thì mọi người giúp đỡ bé khá nhiệt tình, do thông tin được truyền đi khá nhanh nhờ những con người tốt bụng (không những giúp, mà còn giúp chuyển thông tin đến người khác). Riêng tôi cũng nhận được 1 cú điện thoại của một người tốt bụng mà tôi không biết mặt, hỏi thăm để kiểm tra thông tin trước khi giúp đỡ, vì người nhà của bé có cho anh ấy số điện thoại của tôi (trên tờ giấy tôi có ghi tên và điện thoại của tôi với lời nhắn là "có gì gấp xin gọi"). Thậm chí người ấy còn hỏi xem tôi đang công tác ở đâu nữa, kỹ thiệt!

Những người đến giúp đỡ thì hoặc tặng sữa, thức ăn, truyện cho bé đọc, hoặc (chắc là đa số) giúp đỡ bằng tiền mặt. Theo Cô Út cho biết thì số tiền mặt nhận trực tiếp từ những người đến thăm cho đến hôm qua là 8 triệu rưỡi. Chi phí cho đến hôm qua, không kể tiền ăn uống vv, các khoản phải đóng hôm qua là hơn 800 ngàn. Nhìn chung, tạm ổn.

Hôm nay tôi cũng gọi trước khi gõ phần cập nhật này, và chưa có gì mới hơn. Nói có gì mới nữa, tôi sẽ cập nhật tiếp cho các bạn quan tâm.
---
Viết thêm:
Tôi cũng mới qua trang của nhà văn NNT và chép được link dẫ đến blog của một người đã đến thăm bé, có chụp hình và những nhận định. Mọi người nên vào đọc. Link đây: http://sphinx2412.multiply.com/journal/item/478/478?replies_read=13.

Tôi hoàn toàn đồng tình với những nhận định của chủ nhân blog, và đặc biệt là những tấm hình đã nói lên nhiều điều. Thực sự tôi không muốn tả oán, kêu ca gì thêm nên đã cố không đề cập gì. Nhưng đọc blog mà tôi mới giới thiệu, quả thật tôi cảm thấy xấu hổ cho VN và cách làm ăn của các bệnh viện công khi nghĩ đến những người hảo tâm ở ngoài nước, các đồng bào, đồng hương của chúng ta muốn giúp đỡ bé Tường.

Những người không đang sống ở VN sẽ không thể nào hiểu tại sao 4 ngày rồi mà bé vẫn ở trong tình trạng từ từ mỗi ngày giải quyết một chút như vậy? Trong tình trạng hoại thư nặng nề? Còn với tư cách một người sống trong nước, cũng làm trong một lãnh vực gần tương tự với y tế là giáo dục, tôi hiểu sự quá tải của các bệnh viện công và hàng vạn sự vô lý khác trong đãi ngộ các nhân viên, bác sĩ, y tá vv phục vụ trong ngành y tế.

Nhưng nếu vì những vô lý này mà mọi người đã trở nên chai sạn và thiếu tình thương, sự thông cảm với bệnh nhân, thì quả là một điều đáng trách thực sự về mặt hệ thống! Nước chúng ta còn nghèo, đúng rồi, vậy có cần làm cổng chào cho Hà Nội bao nhiêu tỷ đô la gì đó không? Có cần làm các loại lễ hôi quanh năm suốt tháng như vậy không?

Một ý ngoài lề: Vụ từ thiện qua mạng này có vẻ hiệu quả cao đối với trường hợp bé Tường đấy nhỉ? Tôi biết là không chỉ bé Tường cần giúp đỡ. Khi tôi vào hỏi thăm về bé Tường vào sáng thứ bảy, cũng có rất nhiều người khác mong đợi được hỏi thăm và giúp đỡ như vậy, và có lẽ hoàn cảnh không kém thương tâm. Gì chứ riêng ở BV Ung Bướu thì tôi hiểu rõ việc này: các bệnh nhân ở tỉnh lên vô cùng đáng thương. Có nên nghĩ cách nào để phát huy sức mạnh của xã hội dân sự này vào việc giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh đáng thương khác hay không, các bạn nhỉ?


Cập nhật thêm lúc 21:30 tối 6/7 (Thứ Ba)
Tôi vừa đến thăm bé Tường về. Tình hình sức khỏe của bé xấu đi thấy rõ. Trông bé rất mệt mỏi, cũng có thể là vì tôi đến vào buổi tối khi bé buồn ngủ. Khối u trông xấu hơn trước rất nhiều, có vẻ sưng to hơn và có màu tím lịm, có tiết dịch (đã được băng sơ lại) và có vẻ chứa rất nhiều mủ máu. Tôi có chụp vài tấm hình nhưng không nỡ đăng ở đây, vì tôi rất sợ các hình ảnh máu me xấu xí.

Chị Hồng Nhen, mẹ của bé, và Cô Út, cô của mẹ bé, cho biết sáng mai bé sẽ được hội chẩn và có lẽ sẽ được mổ. Chi phí như thế nào thì chưa biết. Có lẽ trưa mai tôi sẽ gọi điện và cập nhật tiếp cho mọi người.

Lời nói/Không phải là ngọn roi

Là câu đầu tiên, và cũng là tựa, của một bài thơ. Tác giả ư? Ừ, thì ... bài thơ mới sáng tác của tôi. Giống như lần trước, nó tự viết trong đầu tôi, trên đoạn đường từ cơ quan về nhà.

À, mà đoạn đường này hôm nay dài đây, vì nó từ Linh Trung - Thủ Đức (gần Suối Tiên) về đến nhà tôi ở Bình Thạnh, gần 1 tiếng đồng hồ. Nên bài thơ có lẽ hơi dài hơn lần trước một chút. Và nó đứt quãng, nghèn nghẹn, giống như đoạn đường mà tôi đi - dài, bụi, lô cốt, tiếng kèn xe, xe cộ chen chúc giành đường. Và tôi thì mệt, cảnh giác (vì sợ xe đụng), căng thẳng, và ... buồn.

Tại sao ư? Ừ, thì buồn chứ sao! Nhờ vậy mới có thơ được chứ. "Sẽ là gì, cuộc sống của nhà thơ/Nếu không là đau khổ?//Và đại dương kia có nghĩa lý gì/Khi không còn bão tố". Thơ dịch đấy, của ai tôi chẳng nhớ. Chỉ biết, cõi đời bát nháo quá. Và tôi cần tìm về thơ.

----

Lời nói
Không phải là ngọn roi
Sao vẫn quất vào tim?

Rướm máu.

Lời nói
Chẳng thể là mã tấu
Sao vẫn chém đứt lìa?

Từng mảng
Rơi
Vỡ nát.

Lời nói
Không hề là viên đạn
Sao chỉ cần một phát?

Trúng tim
Ai
Ngã gục.

Lời nói
Đuổi theo.

Xô đẩy
Hồn ai
Xuống
Chín tầng
Địa ngục!

Thơ gì thế này nhỉ? Ừ, thì là thơ tôi! Thơ tôi là để cho tôi ...

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Tôi sợ tôi như sợ người khùng trí ...

Lại là một câu trong một bài thơ đã nằm trong trí nhớ dài hạn của tôi, và không rõ tác giả. Tôi biết bài thơ này khoảng năm 1974-1975, lúc ấy tôi 14-15 tuổi.

Xin lạc đề ở đây một chút: giống như bất kỳ một người VN nào khác của thời ấy (và có lẽ cả của bây giờ nữa), tôi không có thói quen nhớ tên tác giả, mà chỉ nhớ những câu thơ hay mà thôi. Biết là nó không phải của mình, nhưng nó của ai thì ... cảm thấy không cần biết? Chẳng hiểu tại sao thế nhỉ? Nền giáo dục của ta không dạy cho chúng ta thói quen tôn trọng sở hữu trí tuệ ngay từ bé, nên lớn lên, nếu có đạo văn, đạo nhạc, luộc sách ... thì có gì là lạ đâu kia chứ?

Quay trở lại bài thơ. Tôi chợt nhớ đến bài thơ này sau rất nhiều năm không nhớ đến nó khi tôi đọc được bài thơ Phố Phái của Nguyễn Việt Chiến đăng trên tờ Thanh Niên hôm nay ngày 4/7/2010. À mà này, ngày hôm nay là July 4th, quốc khánh Mỹ đấy nhé! Xin chúc mừng nước Mỹ, miền đất của tự do (kể cả tự do bán ... bằng giả!)

Bài thơ Phố Phái của NVC mở đầu như sau: Mùa đông chim sẻ phố bay rồi. Và chính câu thơ này đã là chiếc chìa khóa mở ngăn tủ ký ức nơi tôi cất giữ bài thơ mà tôi muốn chép lại ở đây cho tôi và mọi người, vì bài thơ ấy cũng bắt đầu hao hao như thế: Trời mùa đông chim én lạnh lùng bay....

Vâng, trời mùa đông ... Trời mùa thu ... Trời Sài Gòn đang như là vào thu, lành lạnh, bầu trời hơi âm u và nằng nặng hơi nước. Rất lạ và rất hiếm hoi với một thành phố ồn ào, náo nhiệt, nóng nực và bụi bặm, và lúc nào cũng nắng gay gắt, năng lượng mặt trời lúc nào cũng dồi dào đến độ dư sức cung cấp điện cho mọi gia đình trong sinh hoạt hàng ngày để nấu cơm, giặt giũ, tắm rửa ..., tôi nghĩ thế.

Lá vàng, hình do Ba8 cung cấp.
Đưa hình vào entry theo yêu cầu của Khuê.


Lẩn thẩn tự hỏi, vì cớ làm sao mà chẳng có ai nghĩ đến việc khai thác nguồn năng lượng này để đỡ thiếu điện, cắt điện tùm lum như thế này, tôi thực sự không hiểu. Có phải tại độc quyền chăng? Cái này, xin thôi không bàn thêm nữa, nó làm ... loãng và xấu blog này, vốn là nơi trú ẩn của tôi (và một vài thân hữu, chắc là thế). Vì chính trị và thơ có bao giờ đi được với nhau, trừ phi bạn là một "nhân tài" như Tố Hữu. Hoặc, ở một tầm thấp hơn nhiều về chính trị, là Trần Đăng Khoa.

Thôi, lan man thế đủ rồi. Bài thơ mà tôi muốn nói đến, nó ở dưới đây, chép theo trí nhớ không hoàn hảo và nghịch thường của tôi, xin mọi người thưởng thức. Và có ai nhớ tên tác giả thì xin cung cấp cho tôi với!

Nếu biết xa rồi
Trời mùa đông chim én lạnh lùng bay
Tôi đứng đó nghe ngày vui chợt tắt
Chiều thị trấn chưa vàng lên màu mắt
Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài?

Tôi sợ tôi như sợ người khùng trí
Không nhìn đời bằng ánh mắt nhung xanh
Trong giây phút chợt nghe hồn ngã quỵ
Tuổi tên ơi, có vỡ nát tan tành?

Trời Phong Điền chim còn bay cánh lả
Hãy về đây cho tôi ước mơ ngà
Đừng chờ mùa xuân mai vàng chín rụng
Khi linh hồn và giấc ngủ lung lay.

Và tất cả đã không còn gì nữa
Trả cho người ngày cũ để tìm quên
Dù ngày vui, dù cuộc đời chưa hết
Nhưng vết hằn đà chia cắt tuổi tên.

Thì mùa đông loài chim nào không bay?
Đã ngủ vùi chưa trong giấc mơ dài?
Người đã quên tôi, buồn lên tóc rối
Một phương trời, và cuộc sống phân hai.


Bài thơ rất hay, phải không? Với tôi, nó hay trước hết là vì nhạc điệu, trầm trầm buồn buồn. Nhìn lại bài thơ bằng con mắt "kỹ thuật" một chút, bài thơ này sử dụng đa số các từ vần bằng ở tất cả các câu cuối mỗi khổ thơ: Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài? (7/8 từ là vần bằng) Tuổi tên ơi, có vỡ nát tan tành? (5/8) Khi linh hồn và giấc ngủ lung lay. (6/8) Nhưng vết hằn đà chia cắt tuổi tên. (5/8) Một phương trời, và cuộc sống phân hai. (5/8) Hay lắm, như những câu nói buông lửng, buồn buồn của những cặp tình nhân khi phải lìa xa.

Chợt nhớ những câu thơ, khổ thơ sử dụng đa số vần bằng cũng rất hay của các nhà thơ tiền chiến: (Hồn lính mơ qua vài sợi tóc)/Tôi thương mà em đâu có hay? (6/7)(Quang Dũng) Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi (5/7)/Tôi mê Ly Cơ hình nhịp nhàng (6/7)/Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng (6/7)/Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi (5/7). (Xuân Diệu, hình như thế).

Những câu thơ tình, đầy tình cảm lãng mạn được chở bằng cách nói ý nhị, không thẳng thừng sống sượng như thời nay. Ấy là tôi nghĩ thế, chứ chắc thế hệ 8x, 9x thời nay sẽ nghĩ khác: Nói gì thì nói đại ra cho rồi, lòng vòng ấp úng mãi, mệt quá!

Ừ, mệt thật chứ! Đôi khi đọc lại những entry của mình, tôi cũng thấy tôi dài dòng, lòng vòng, lẩn thẩn, lăng nhăng, linh tinh thật đấy. Như một cụ già, nói năng dây cà ra dây muống. Chẳng hề quan tâm đến độc giả, viết tiểu luận môn học như thế này thì chắc chắn là bị ăn con 'zero' tròn trĩnh, thật vậy!

Nhưng có hề gì, tôi viết cho tôi thôi mà? Âu cũng là một thú tiêu khiển. Ai tìm được chút kỷ niệm, chút hương vị quê nhà, chút lạ lẫm, hoặc một chút mình trong các entry của tôi, thì tôi sẽ rất vui. Bằng không, nó chỉ là một mảnh đất con con với đầy cây cỏ dại của tâm hồn tôi, để dành riêng cho tôi, mà thôi.

Lại nhớ 2 câu thơ này của Xuân Diệu:

Lòng tôi đó một vườn hoa cháy nắng
Xin lòng người mở cửa ngó lòng tôi.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Lòng nhân đạo và làm việc thiện

Tôi đã định viết một entry nêu những suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi về lòng nhân đạo và làm việc thiện trên blog này nhiều lần rồi.

Nhưng hôm nay sẽ không có thời gian để viết, mà chỉ kêu gọi lòng từ thiện của mọi người thôi. Xin mọi người xem ở đây: Một em bé cần được giúp đỡ. Trên blog của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: http://ngngtu.blogspot.com/.

Tôi tin là sẽ có nhiều người giúp đỡ em bé. Tôi cũng sẽ giúp, ít thôi, nhưng là một miếng khi đói.

Mặc dù đang lẩn thẩn nghĩ rằng, đây là một trường hợp mình biết nên mình giúp, còn những trường hợp khác thì sao? Và đâu là nguyên nhân của những tình trạng tương tự như thế này nhỉ? Liệu giúp đỡ như vậy có giải quyết được gốc rễ của vấn đề không?

Thực ra, tôi cũng đã từng làm từ thiện từ thời trẻ, rồi cũng chấm dứt vì được thuyết phục rằng làm từ thiện thì không đi đến đâu, mà quan trọng hơn là lần ra được căn nguyên của vấn đề để mà giải quyết.

Nhưng những nạn nhân như thế này có lẽ không chờ được đến khi vấn đề được giải quyết một cách dứt điểm, các bạn nhỉ? Thành ra, thôi thì ai làm được gì thì cho ai, thì phải ráng làm thôi.

Vì cuộc đời này ngắn ngủi vô cùng, thực vậy, nên phải chăng chúng ta mỗi người đều phải cố gắng góp sức cho cuộc sống tốt đẹp hơn lên?
---
Cập nhật lúc 12:36 trưa Thứ Bảy 3/7/2010

Sáng nay tôi đã ghé BV Ung bướu (vì khá gần nhà) và gặp hai mẹ con bé Tường, cùng cô Út là người thân cùng đi. Bé đang ở Khoa Nhi, Lầu 2, Khu B của BV, hiện còn đang chưa có giường, phải ở ngoài hành lang. Lúc tôi đến (khoảng 8:30) thì thấy bé có vẻ tỉnh táo, sắc diện bình thường.

Tôi có nói chuyện với chị Hồng Nhen (= hồng nhan), mẹ của bé, thì biết bé được bệnh viện đồng ý cho nhập viện nhưng chưa có giường, mới được cho uống thuốc giảm đau, hướng điều trị và chi phí thì chưa biết do hôm nay là Thứ Bảy chưa có bác sĩ. Đúng như nhà văn NNT nói, chị Hồng Nhen trông ngơ ngác, "ở Cà Mau mới lên", và như rất nhiều người nông dân hiền lành chất phác của VN, chị có sự nhẫn nại, chịu đựng và phó thác của một người chẳng biết gì hơn là chấp nhận mọi sự may rủi của cuộc đời.

Về bệnh tình của bé Tường, chị nói cách đây khoảng vài tháng bé có cái nhọt (u?) nhỏ, kêu đau, đi bác sĩ tư ở Cà Mau, họ thực hiện một tiểu phẫu. Nhưng sau đó thì chỗ mổ ngày càng u lên như đã thấy trong hình. Cách đây ít hôm vào BV ở Cà Mau, rồi ở đó chuyển viện lên BV Ung bướu của TP.

Tôi hỏi chị Nhen về tiền bạc mang theo, thì thấy nói có vài triệu trong người, chưa biết mọi việc ra sao, còn phải chờ đó! Tôi hỏi thêm là có ai giúp đỡ gì không, thì thấy nói có 2 người đến thăm bé và mua sữa, mua thức ăn cho bé. Vì chưa biết là chi phí sẽ ra sao, cần giúp đỡ thế nào, nên tôi chỉ gửi cho chị một món tiền tượng trưng là 200 ngàn để đỡ thêm vào chi phí ăn ở hàng ngày, đồng thời có gửi cho chị một mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của tôi, dặn rằng nếu có gì gấp mà cần giúp đỡ thì cứ gọi, vì nhà của tôi gần BV (tất nhiên ngày thường thì tôi phải đi làm, rất xa thành phố).

Tình hình thì như thế. Tóm lại là cho đến nay thì mọi việc sẽ phải chờ, có lẽ đến Thứ Hai mới có được thông tin gì mới. Nếu ai có hảo tâm, xin giúp đỡ, vì tôi e rằng chi phí sẽ rất cao, riêng xét nghiệm chắc cũng đã tốn bộn, rồi thuốc men, điều trị, ăn ở .... Và quan trọng, là mẹ con chị ngơ ngác ở thành phố này (chị Nhen lại còn không biết chữ nữa). Nên của ít lòng nhiều, nếu có bất kỳ sự giúp đỡ nào thì chắc chị cũng sẽ ấm lòng.

Trong những ngày tới có gì mới tôi sẽ cập nhật tiếp.

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Nơi trú ẩn của tôi ...

Hôm nay trời vào thu...

Không, không đúng, chẳng qua là tôi tưởng tượng ra thế. Sài Gòn làm gì có mùa thu, vì miền Nam chỉ có 2 mùa mưa nắng thôi mà. Và bây giờ Sài Gòn đang là mùa mưa.

Mưa Sài Gòn, giống hệt tính người Sài Gòn. Chẳng cần báo trước, đang dưng không bỗng ào ào giận dữ, nước tuôn xối xả từ trời xuống, báo hại ai đang đi ngoài đường không kịp dừng lại mặc áo mưa, sẽ ướt lướt thướt như chuột lột, đồ vía đồ lớn đi họp, đi ăn cưới, xem như ... tiêu!

Rồi cũng vô căn vô cớ như vậy, cơn mưa chợt đến lại chợt đi. Chỉ 5 phút sau cơn mưa, là hoàn toàn không còn dấu vết: trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn vàng, và mọi người cũng quên hẳn cơn mưa. À quên, đó là thời xưa, còn thời nay thì người Sài Gòn chưa thể dễ quên cơn mưa như thế, vì nhân chứng của cơn mưa chính là những vùng lầy, vũng ngập khắp nơi trên đường phố. Nhưng ý tôi muốn nói là, dù sao thì sau cơn mưa, trời Sài Gòn lại sáng (of course), và hơn thế nữa, trời lại ... nóng (và điện thì vẫn cúp!)

Nhưng hôm nay thì khác, như thỉnh thoảng vẫn thế: Trời cũng mưa ào ào như trút, nhưng dai dẳng hết cơn này đến cơn khác, chứ không chợt đến chợt đi như trong thơ Nguyên Sa: Em chợt đến chợt đi anh vẫn biết/Trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu. Và sau cơn mưa, thì trời không sáng, mà u u, sầu sầu, bầu trời trĩu nước, thấp và nặng, kèm những cơn gió lạnh. Gợi chút thương thương, nhớ nhớ, buồn buồn, da diết ...

Chẳng hiểu sao, tôi nghĩ trời như thế này thật giống một buổi chiều thu, chiều thu Hà Nội - dù thực ra tôi chưa bao giờ được hưởng một chiều thu Hà Nội thực sự. Chỉ là tưởng tượng thôi, qua văn thơ của Tự Lực Văn Đoàn, của Thạch Lam, hay của Nguyễn Tuân, chắc thế. Hay của Vũ Bằng với "Thương nhớ mười hai" (chà chà, mấy cái này tôi đọc lâu lắm rồi, chẳng rõ có còn nhớ đúng hay không). Thì cũng ... giàu trí tưởng bở vậy mà!

Hoa sữa
Và, quả là nhờ trời (trời = thời tiết), tôi vừa làm ngay được một bài thơ, có ghê không kia chứ! Tôi làm thơ, có ai tin được không, sau đến gần 30 năm hoàn toàn bỏ thơ ca để làm vợ, làm mẹ, làm tiến sĩ (hic hic hic, vừa khổ sở vừa lương thấp), làm mẹ nữa, làm giảng viên, làm nhà quản lý, và đi cày 2, 3 jobs, làm ngày làm đêm để kiếm cơm ...

Lạ thật chứ, vì để làm thơ, tôi chỉ cần chút trời hiu hắt, chút lãng mạn mới tìm lại được từ những mẩu ký ức cũ, chút đồng cảm của những người bạn không biết mặt từ thế giới ảo, là một bài thơ cứ thế tự động viết ra trong đầu tôi, trong vòng 30 phút tôi chạy xe từ Hồ Con Rùa về nhà ở Bình Thạnh, dưới "bầu trời thu" hiếm hoi của SG, nơi "anh ở trong này chưa thấy mùa đông/nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ" của một nhà thơ, anh lính Bắc viết năm 1976.

Chắc chắn là thơ con cóc! Nhưng có hề gì, Thơ tôi là để cho tôi/Ai mà chê trách là tôi ... bụp liền (câu này tôi xuất khẩu thành thơ, mới chế ra đó các bạn). Ai thích, thì xin đọc, ai không thích, no star where, xin đọc bên trên chỗ in nghiêng nghiêng nhé! ;-)

Vâng, bài thơ ấy đây. Tựa của nó là tựa của entry này, và cũng là câu đầu tiên của bài thơ đấy. Nào, a lê hấp, nó đây:

Nơi trú ẩn của tôi

Nơi trú ẩn của tôi
Là thơ đấy
Nhắm mắt lại nghe giòng suối chảy
Nghe gió xanh
Nghe tiếng chim thanh
Mở mắt ra là cõi đời bát nháo
Là gạo tiền cơm áo
Là cuộc sống quẩn quanh
Vòng đời xoay nhanh, xoay nhanh
Ôi những con chuột chạy
Vật lộn giành tranh, bon chen rồi cũng vậy
Tôi tìm về thơ.

Ghi chú: 'gió xanh' và 'tiếng chim thanh' là mượn từ trong bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Còn 'những con chuột chạy' là Việt hóa cụm từ 'the rat race - cuộc chạy đua của những con chuột', tức cuộc bon chen, ganh đua của kiếp người.


Vâng, thơ là nơi trú ẩn của tôi. Đã là, đang là, và sẽ là. Tôi vẫn muốn có một lúc nào đó, vứt hết công việc, vứt hết mọi thứ, đi lang thang đâu đó trong rừng, hay bên hồ, chỉ tôi với thiên nhiên, lang thang tha thẩn, và ... làm thơ. Thì chắc là thú vị lắm. Sẽ làm cho tôi bình tâm lại, thanh thản lại, vui vẻ lại, để tiếp tục cuộc sống mệt mỏi này.

Và thêm một ghi chú, cái này cho ông xã tôi: Bài thơ này tôi định làm 2 "khổ" cơ. Khổ đầu thì xong rồi, đăng ở trên. Khổ thứ hai sẽ bắt đầu như thế này: Nơi trú ẩn của em/Là anh đấy. Nhưng chỉ mới viết được tới đó, thì ... tịt mất rồi. Nên tạm dừng ở đây vậy. Chờ khi nào Sài Gòn lại vào thu, như hôm nay, thì thi hứng sẽ đến, rồi khổ thơ thứ hai sẽ hoàn tất được. Còn không, sẽ là một trong những công trình dần xây, anh nhé. Có hề gì, phải không anh, nói ra hay không nói ra, thì nó vẫn thế thôi mà!

Linh tinh thật, ông xã tôi thế nào cũng nói thế cho mà xem!