Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

BÀI THƠ CỦA CHÚA (Tập san GHXHCG số 17)

Bài đã đăng trên Tập san GHXHCG số 17, có thể tải tại đây: https://songductin20.files.wordpress.com/2015/05/so-17-web.pdf 

--------------
Có một bài thơ tôi đã đọc khi còn là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn nước ngoài của trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cách đây đã gần 40 năm. Nó có cái tựa chỉ một từ ngắn ngủn:  Trees (cây), mà khi dịch sang tiếng Việt chắc chắn người ta phải thêm vào một chữ để nghe khỏi cộc lốc: Cây xanh.

Bài thơ ấy đã được viết cách đây hơn 100 năm rồi, chính xác là vào năm 1913. Tác giả của bài thơ là Joyce Kilmer, một nhà thơ người Mỹ, một chiến sĩ đã từng chiến đấu trong thế chiến thứ nhất và hy sinh trước khi cuộc chiến kết thúc không lâu. Ông viết không nhiều, và thơ của ông không được đánh giá quá cao về giá trị nghệ thuật. Ngay cả Trees, bài thơ được biết đến nhiều nhất của ông, cũng bị các nhà phê bình chê là ngô nghê, đơn điệu, và mang quan niệm "văn dĩ tải đạo" quá lộ liễu. Thậm chí, tên nhà thơ còn được đặt cho một cuộc thi thơ ... dở hàng năm tại trường đại hoc Columbia nơi ông đã theo học lúc sinh thời. Cuộc thi có tên là Joyce Kilmer Memorial Bad Poetry Contest (Cuộc thi thơ dở để tưởng niệm Joyce Kilmer), tồn tại đã gần 30 năm, từ năm 1986 đến nay. Và để tưởng niệm nhà thơ đã sáng tạo ra bài thơ ... dở nhất, người ta luôn kết thúc cuộc thi bằng việc đọc bài thơ Trees mà hầu như bất cứ người Mỹ nào cũng biết.

Bài thơ ấy dở như thế nào? Hãy xem những giòng nhận định về bài thơ Trees viết từ năm 1935 của Heywood Broun, nhà báo người Mỹ cùng thời với tác giả bài thơ. Broun viết:

Bài thơ Trees làm cho tôi phát cáu, bởi nó có những câu thơ sáo rỗng nhất đã từng được con người viết ra. Khi Kilmer viết câu "thơ được tạo ra bởi những kẻ ngu dốt như tôi", hẳn nhà thơ chẳng tin chút nào vào điều mình nói. [http://www.nytimes.com/1987/12/05/nyregion/about-new-york-no-not-a-curse-but-a-jersey-prize-for-worst-verse.html]

Câu thơ mà Broun nhắc đến trong nhận định trên thuộc hai câu thơ cuối của bài thơ Trees. Hai câu thơ ấy trong tiếng Anh là "Poems are made by fools like me/But only God can make a tree" ("thơ được tạo ra bởi những kẻ ngu dốt như tôi, nhưng chỉ có Chúa mới tạo ra được một cái cây). Hai câu thơ ấy vọng lại ý tưởng của hai câu đầu, cũng bị chê là không kém phần sáo rỗng, như thế này: "I think I shall never see/A poem as lovely as a tree" (tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ được thấy /một bài thơ đẹp như một cái cây). Hai câu thơ này không những sáo, mà còn ngô nghê nữa, vì sự so sánh quá khập khiễng: Làm gì có sự tương đồng nào giữa thơ và cây cối mà tác giả lại so sánh như vậy?

Nếu chỉ có 4 câu thơ ấy thôi thì có lẽ tác giả của bài thơ cũng không đến nỗi bị chọn để đặt tên cho giải thưởng thơ ... dở. Bài thơ còn có những lỗi về nghệ thuật khác, đặc biệt là về cách dùng phép so sánh, ẩn dụ và nhân hóa. Trong bài thơ, những cái cây được tả bằng những hình ảnh đứa trẻ há miệng ngoạm lấy bầu vú căng tròn của bà mẹ đất để hút sữa, tàn cây cả ngày nhìn lên trời với những cành lá như những cánh tay vươn lên trời cao như trong giây phút nguyện cầu. Những hình ảnh ấy đã bị các nhà phê bình chỉ ra một cách chế diễu rằng cái cây của Kilmer hẳn phải là một tạo vật kỳ quái khi cùng một lúc vừa có thể cúi mặt xuống ngậm bầu vú của mẹ đất lại vừa có thể ngước nhìn trời giơ tay cầu nguyện.

Quả là khi phân tích như trên thì bài thơ vô lý thật. Vậy mà khi vừa ra đời bài thơ Trees ngắn và đơn giản ấy đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Bài thơ ngắn, chỉ gồm 6 khổ, mỗi khổ là 2 câu vần với nhau theo kiểu liên vận (hai câu liên tiếp có vần với nhau), tổng cộng chỉ có 12 câu. Nhiều nhà phân tích cho rằng bài thơ thành công phần lớn là vì nó gợi lên tình cảm tôn giáo vốn rất phổ biến tại nước Mỹ vào thời đầu thế kỷ 20. Chính những hình ảnh ước lệ, thiếu sáng tạo, thậm chí có thể bị xem là vô lý (đứa bé ngậm bầu sữa mẹ, người tín đồ ngửa mặt lên trời giơ tay cầu nguyện) bị các nhà phê bình chê bai ấy lại làm cho những người bình dân thấy dễ hiểu và dễ rung động. Bài thơ thường xuyên được đưa vào sách giáo khoa cho trẻ em học vì sự đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ của nó, và đã làm rung động con tim của biết bao thế hệ người Mỹ vì, theo lời của Holliday, nó "ngỏ lời bằng những giai điệu chân tình đến những tấm lòng đơn sơ nhất". Và, nói gì thì nói, Trees vẫn cứ là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất ở nước Mỹ và đem lại tên tuổi cho tác giả của nó.

Bài thơ Trees nổi tiếng ấy hầu như chưa bao giờ được nhắc đến tại Việt Nam, kể cả trong chương trình văn học Anh - Mỹ của các sinh viên chuyên ngữ tại các trường đại học. Tôi biết đến bài thơ này cũng chỉ do tình cờ đọc một tuyển tập thơ dành cho trẻ em Mỹ trong những ngày còn rảnh rang khi học năm thứ nhất đại học. Đọc bài thơ thấy thích ngay, nhưng khi đọc những bài phân tích phê bình rất có lý về bài thơ, tôi cũng cảm thấy giá trị (ít ra là giá trị nghệ thuật) của bài thơ có giảm đi đôi chút. Nhưng dù sao thì tôi cũng rất thích hai câu cuối, mà tôi đã từng dịch ra thành "Gã khờ cũng biết làm thơ/Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi". Dịch xong, cảm thấy sung sướng và hãnh diện lắm, vì vừa giữ được ý nghĩa của câu thơ, lại chuyển sang được thành câu thơ lục bát thuần Việt. Thậm chí còn tự nhủ, khi có dịp sẽ cố gắng dịch cả bài thơ ra để chia sẻ cho mọi người thưởng thức.

Tự nhủ như vậy, rồi quên đi. Đời sống bộn bề, bận rộn quay cuồng khiến tôi chẳng còn thời gian để ngắm nhìn bầu trời xanh hay tha thẩn  dưới những tán cây tìm những bông hoa dại xinh xinh như thời còn bé. Tuy vậy, mỗi lần đi đến đâu mà nhìn thấy một cây cổ thụ cao lớn, thân đen nhám xù xì, lá xanh um vươn cao lên  đến tận trời thì tôi lại nhớ đến hai câu thơ kia và thấy trong lòng dâng lên một niềm yêu mến và cả sự kính sợ nữa. Mặc dù tôi chẳng rõ tình cảm ấy là do đâu.

Nhưng hôm nay thì tôi đã hiểu rõ rồi. Hiểu tình cảm của tôi, và hiểu vì sao bài thơ lại được yêu thích, mến chuộng đến thế, mặc cho những lỗi nghệ thuật của bài thơ mà các nhà phê bình uyên bác đã chỉ ra. Tôi hiểu ra khi thấy sự phẫn nộ của dân chúng cả nước trước việc chính quyền Hà Nội quyệt định chặt bỏ nhiều ngàn cây cổ thụ trên gần 200 tuyến đường ở Hà Nội. Tôi cảm nhận sự đau đớn của mọi người - và cả chính tôi - khi nhìn thấy những hàng cây xanh xum thẳng đứng vươn cao giờ bị chặt ngang trơ gốc, thân tóe máu và tóc xanh rơi rụng khắp nơi. Đau như chính người thân của tôi bị chém. 

Tôi bỗng hiểu ra tại sao bài thơ bị các nhà phê bình chê là thô thiển và sáo rỗng mà vẫn được mọi người yêu mến như vậy. Tình yêu thiên nhiên có lẽ đã được cài sẵn trong mỗi chúng ta như một bản năng, cũng như mỗi người sinh ra đều yêu mến mẹ cha và những người ruột thịt của mình Tôi hiểu ra rằng cũng như tôi, tác giả bài thơ Trees thực sự nhìn những cây xanh như những người anh em ruột thịt, và chẳng hề giả dối khi viết hai câu thơ "Gã khờ cũng biết làm thơ/Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi". Chẳng phải cây cối, cũng như con người, đều do Thiên Chúa tạo dựng đó sao? Nếu bảo vệ người thân là trách nhiệm đương nhiên của từng người, thì sao ta có thể thản nhiên khi thiên nhiên bị phá hủy? 


"Một Ki-tô hữu mà không bảo vệ thiên nhiên, không để cho thiên nhiên phát triển, là một Ki-tô hữu không quan tâm đến sự sáng tạo của Thiên Chúa - sự sáng tạo sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại" - Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã dạy như vậy trong một bài giảng vào tháng Hai vừa qua. [http://www.religionnews.com/2015/02/09/pope-francis-christian-not-protect-creation-not-care-work-god/]

Có một điều lâu nay tôi vẫn ngờ ngợ về tác giả của bài thơ, và  tôi cần đi tìm lời khẳng định. Giờ thì tôi đã có thể khẳng định được rồi, vì tôi vừa đọc tiểu sử của tác giả: Joyce Kilmer là một người Công giáo.

Tôi cũng vừa tìm ra mối liên hệ trong phép so sánh của hai câu thơ "I think I shall never see/A poem as lovely as a tree" (tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ được thấy /một bài thơ đẹp như một cái cây) mà tôi mới vừa dịch thoát ra:như thế này: "Kẻ khờ chỉ biết làm thơ/Câu thơ ngơ ngẩn bao giờ [đẹp] như cây". Câu thơ ấy bị các nhà phê bình chê là so sánh khập khiễng vì giữa hai vật được so sánh chẳng có mối liên hệ nào cả.

Rất rõ ràng, mối liên hệ ấy đây:

Mỗi cái cây là một bài thơ của Chúa.


Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

5 triệu đồng yen, Bphone và hình ảnh của người Việt

Vụ 5 triệu đồng yen hẳn là ai cũng biết, vì nó đã được báo chí đề cập om xòm suốt bao lâu nay. Nói vắn tắt cho ai chưa biết, có một chị ve chai nhặt được 5 triệu đồng yen trong mớ đồ ve chai của mình cách đây cả năm trời, và chị đã báo công an. Công an đã tạm giữ để xem có người nào cớ mất tiền thì sẽ trả lại cho họ, còn nếu không ai nhận thì chị ve chai sẽ được hưởng.

Một năm đã trôi qua, gần đến thời hạn trả lại số tiền đã nhặt được thì có một phụ nữ xuất hiện và nhận số tiền ấy là của chồng mình. Tuy nhiên, công an khi xác minh thì thấy người mà phụ nữ kia nhận là chồng có khá nhiều điểm không rõ ràng, thậm chí khả nghi, về giấy tờ và nhân thân, nên đã không giao tiền cho người phụ nữ ấy. Tóm lại, số tiền giờ đây sắp thuộc về chị ve chai.

Tưởng rằng mọi việc đến đây là kết thúc, thì vụ việc lại nóng lên khi có một ông giám đốc doanh nghiệp viết thư cho chị Hồng (chị ve chai), khuyên chị hãy trả lại số tiền cho chính phủ Nhật để xây dựng hình ảnh đẹp của người VN trong mắt người Nhật và các bạn bè quốc tế. Việc ấy xảy ra cách đây đã vài ngày, và chị Hồng đã từ chối (hoàn toàn hiểu được), nhưng vụ việc chưa đóng lại mà vẫn còn được mọi người bàn tán. Không ít người đã đặt vấn đề về động cơ của ông giám đốc doanh nghiệp kia, tạo nên một cuộc tranh luận mới khiến vụ 5 triệu đồng yen vẫn tiếp tục là một chủ đề "hot" để báo chí khai thác viết bài, bán báo.

Chẳng hạn, trên Vietnamnet sáng nay 30/5/2015 mới có bài viết với tựa đề như sau:

"Khuyên chị ve chai trả tiền vì muốn XD [sic] hình ảnh người Việt". Xem bài ấy ở đây: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/240149/khuyen-chi-ve-chai-tra-tien-vi-muon-xd-hinh-anh-nguoi-viet.html

Lẽ ra, tôi đã chẳng quan tâm đến bài viết này, hay ông giám đốc kia. Có ý kiến khác lạ là quyền của ông ấy, và nghe hoặc không nghe ý kiến ấy là quyền của chị Hồng ve chai, chẳng có gì đáng nói. Mà chửi ông giám đốc vì ý kiến khác lạ kia thì cũng là quyền của các độc giả, chẳng có lý do gì mà tôi quan tâm "xía mồm" vào đấy làm gì.

Tuy nhiên, khi lang thang trên mạng tôi lại tình cờ nhìn thấy vài bài báo khác, về một vụ scandal khác mà tôi vừa đề cập đến hôm qua, vụ Bphone của anh chàng Quảng nổ. Và bỗng thấy có một sự liên hệ giữa hai vụ việc này.

Trước hết, xin giới thiệu vài bài viết mới về Bphone mà tôi đọc được sáng nay.

Bài viết "mắng nhiếc" sự thiếu ủng hộ "gà nhà" của người Việt so với người Nhật: "Dìm Bphone, 10 người Việt không bằng 1 người Nhật". Ở đây: http://tccl.info/vn/thoi-cuoc/goc-nhin/30321/dim-bphone-10-nguoi-viet-khong-bang-1-nguoi-nhat-.html

Một bài khác cũng liên quan đến người Nhật. "Người Nhật nói gì về 'siêu phẩm' Bphone sau màn PR của Nguyễn Tử Quảng". Ở đây: http://kenh13.info/nguoi-nhat-noi-gi-ve-sieu-pham-bphone-sau-man-pr-cua-nguyen-tu-quang.html

 Và đây, tự hào quá. "Bphone lên báo Mỹ". Ở đây: http://kenh13.info/bphone-len-bao-my.html

Nhưng, Bphone thì liên quan gì đến chị Hồng ve chai hay 5 triệu đồng yen hoặc hình ảnh của người Việt chứ? À à, có liên hệ đấy.

Liên hệ ở chỗ, ông Long (giám đốc doanh nghiệp) đã cố công viết thư để khuyên chị Hồng một điều mà khá nhiều người cho là vô lý là trả tiền lại cho chính phủ Nhật, thậm chí đã hứa vận động đóng góp hỗ trợ chị để chị không bị thiệt khi trả tiền cho chính phủ Nhật. Vâng, ông Long mất bao công sức, thậm chí bị hiểu lầm, bị chê trách ném đá, chẳng qua là vì quá yêu nước, yêu dân tộc VN, muốn xây dựng một hình ảnh đẹp cho VN mà thôi.

Chỉ có điều, ông ấy yêu nước Việt  và muốn chị Hồng làm một cử chỉ để tạo ra hình ảnh đẹp cho người Việt - trong đó có ông và doanh nghiệp của ông - nhưng lại không nghĩ đến cái thiệt của chị Hồng khi làm nghĩa cử đó. Nếu chị ấy giàu có, rủng rỉnh tiền bạc, hoặc ít ra cũng có điều kiện như ông thì may ra chị ấy mới có thể nghĩ đến, còn đằng này chị ấy nghèo, và cũng đã rất đàng hoàng chờ cả năm nay rồi, sao lại có thể đơn giản bắt chị ấy hy sinh như vậy được?

Cũng tương tự như vậy, các bài báo có liên quan đến Bphone lâu nay không tập trung vào mô tả những ưu thế vượt trội của Bphone so với các sản phẩm tương tự, mà chỉ tập trung vào một thứ mang tên là "niềm tự hào VN", dù tôi nghĩ mãi vẫn chưa thấy tại sao lại phải tự hào.

Thậm chí, nhiều bài báo (như những bài báo tôi đưa link ở trên) lại còn lớn lối chê trách người Việt rằng chỉ thích "dìm" nhau, không chịu ủng hộ hàng Việt, tóm lại chúng ta là một dân tộc kém cỏi, không được như người Nhật, nên các bài báo ấy phải đưa người Nhật ra để dạy dỗ chúng ta.

Nhưng quả tình là tôi không thể hiểu tại sao tác giả của các bài báo ấy lại phải lớn lối như vậy. Một sản phẩm vừa ra đời đã được quảng cáo rất kêu, tất nhiên sẽ được công chúng quan tâm. Và từ sự quan tâm ấy thì những bàn tán về nó, có người khen có người chê, rõ ràng là điều dễ hiểu.

Và nếu Bphone có bị chê nhiều hơn khen, thì tác giả của nó cũng nên nghĩ xem tại sao lại như thế.

Riêng tôi thì tôi thấy, nếu xét về kỹ thuật, hình như Bphone chẳng có gì mới, mà chỉ sao chép những sản phẩm có sẵn. Nếu xét về mỹ thuật hoặc sự tiện lợi cho khách hàng, tôi cũng không thấy nó có gì là mới mẻ. Nói cách khác, với tư cách một người sử dụng điện thoại tôi chẳng thấy có lý do gì phải đổi chiếc điện thoại mà trước đây tôi vẫn đùng quen để sử dụng một chiếc Bphone mà tôi chưa rõ chất lượng ra sao.

Tất nhiên, sẽ có người bảo: Chúng ta là nước nghèo, kém phát triển, chúng ta bắt chước được người khác cũng đã là giỏi lắm rồi. Còn thì phải từ từ học lên nữa chứ.

Đúng. Nhưng nếu thế, thì ít ra sản phẩm ấy cũng phải làm được mấy việc nho nhỏ sau đây, trước khi đòi hỏi được ủng hộ và vinh danh.

Mấy việc ấy có thể là:
- Tạo công ăn việc làm cho người Việt. Sinh viên VN đang thất nghiệp quá chừng chừng kia kìa, vậy nhà máy sản xuất của Bphone đang đặt ở đâu, và đang sử dụng bao nhiêu công nhân VN ấy nhỉ?

Và/hoặc:
- Có giá bán mềm hơn các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, để người VN có thể mua được.

Bphone chưa hề nghĩ đến những điều này, rõ  ràng là thế. Nhưng, nếu anh là sản phẩm mới vào thị trường, chưa có uy tín, chưa có thương hiệu, thì anh phải có chiến lược cạnh tranh nào đó để người tiêu dùng Việt có thể tin dùng được chứ?

Thế còn hình ảnh của người Việt, còn niềm tự hào VN thì sao nhỉ? Well, tôi nghĩ đơn giản thế này: Hình ảnh ấy, niềm tự hào ấy không thể có được chỉ qua một cử chỉ hoặc chỉ một sản phẩm (chưa được khẳng định về chất lượng). Mà ngược lại, hình ảnh ấy được xây dựng hàng ngày, hàng giờ, bởi từng cử chỉ, lời nói, hành động nhỏ nhặt của mỗi con người VN.

Nếu bạn muốn xây dựng hình ảnh VN, hãy bắt đầu bằng việc bớt vứt rác ra đường, bớt chen lấn nơi công cộng, bớt nói dối, làm dối, bớt ăn cắp, đặc biệt là ăn cắp ở nước ngoài (và được báo chí truyền thông nước ngoài bêu xấu khắp nơi), bớt đâm chém nhau vì những xung đột lặt vặt, bớt phá hoại môi trường, đốn bỏ cây xanh, phá hủy các di tích lịch sử vv và vv. Well, có nhiều việc cần làm ngay lắm lắm.

Cũng vậy, muốn có niềm tự hào VN, hãy làm từ những điều nhỏ nhất. Hãy thôi nhập từ cây tăm, từ đôi đũa, từ cục gôm, cây viết chì trở đi, mà hãy sản xuất những sản phẩm ấy một cách chăm chút, cẩn thận, có chất lượng và giá thành rẻ ngay từ trong nước. Hãy làm ăn đàng hoàng, có uy tín, hãy có trách nhiệm trong mỗi việc mình làm, để khi nói đến VN, là người ta nghĩ ngay đến những con người với những đức tính nào đó, hoặc những sản phẩm - dù nhỏ - nhưng lẫy lừng thế giới và không nước nào có thể thay thế.

Ví dụ, chúng ta là một đất nước chủ yếu là nông nghiệp, chúng ta những nông dân rất giỏi và những nông phẩm độc đáo; vậy chúng ta đang phát triển nông nghiệp của VN ra sao, hay chỉ loay hoay giúp nông dân hết bán dưa hấu lại đến thanh long rồi trái vải vv. Hãy nhỉn vào một nước láng giềng cũng dựa vào nông nghiệp để phát triển là Thái Lan, và thử nghĩ xem chúng ta có gì hơn họ để tự hào.

Vâng, nếu muốn xây dựng hình ảnh người Việt, chúng ta đừng mất thời gian lên án nhau, tranh cãi với nhau, lên lớp hoặc chụp mũ nhau như hiện nay nữa. Ngược lại, mỗi người hãy im lặng và bắt đầu từ những việc rất nhỏ mà mỗi người đều có thể làm, và chấp nhận cách làm, cách nghĩ của người khác.

Tôi chân thành tin rằng mọi việc sẽ đổi thay từ đó.

Phải không các bạn?

Người Việt Nam, dùng hàng gì?



"Người VN, dùng hàng VN" là một slogan (khẩu hiệu) mà hầu hết mọi người VN đều quen nghe, và chấp nhận như một chân lý. Tất nhiên, trong đó có tôi.

Nhưng hóa ra, "chân lý" không phải lúc nào cũng đúng. Ý tôi muốn nói là, những gì được (một số người) xem là chân lý ở lúc này, chỗ này, thì không phải sẽ luôn luôn đúng ở chỗ khác, lúc khác.

Điều này có lẽ không có gì là khó hiểu đối với mọi người (trong đó, tất nhiên có tôi, vâng đúng thế). Nhưng thường khi chúng ta lại chẳng nhớ đến, cho đến khi có một sự cố nào đó nhắc cho chúng ta nhớ lại điều ấy.

"Sự cố nào đó" vừa xảy ra với tôi hôm qua. Nó liên quan đến chiếc điện thoại Bphone của anh chàng tác giả phần mềm BKAV Nguyễn Tử Quảng, một người đã quá nổi tiếng ở VN nên tôi chắc chắn là không cần giới thiệu thêm. Cũng vậy, về chiếc điện thoại Bphone của anh ta, mà báo chí lề phải lề trái, mạng xã hội các kiểu vv đang bàn tán xôn xao cả tuần nay. Nghe nói, nó còn lên cả truyền thông nước ngoài nữa.

Và tất nhiên, nó cũng chui vào các cuộc trao đổi trong các gia đình, giữa bạn bè, người thân vv. Và chui vào cả các cơ quan nữa. Ví dụ, nó đã chui vào trong cơ quan của tôi hôm qua, trong bữa ăn trưa.

Mẩu chuyện ấy tôi đã đăng lên trên fb, nay chỉ chép lại thôi. Nguyên văn như sau:
-------------
Hôm qua, tại cơ quan của tôi, mọi người nhắc đến cái điện thoại Bphone  này. Một bạn bảo: "Sẽ để dành tiền mua điện thoại này, để ủng hộ hàng VN."

Đa số hồ hởi đồng ý. Thì, người Việt Nam nào chẳng yêu nước. Và "yêu" đối với đa số người VN thì đồng nghĩa với "bênh", với "bỏ qua những khiếm khuyết", với "chấp nhận toàn bộ" vv và vv. Ai cũng bảo, sẽ mua để ủng hộ, dù giá của điện thoại này không mềm một chút nào. Và cũng chưa biết nó có tốt hay không....

Bỗng nhiên có một bạn trẻ hỏi: "Nếu vừa đắt vừa không biết có tốt không thì tại sao lại phải mua?"
Câu hỏi làm mọi người ớ ra. Rồi cô bạn đã khởi xướng vụ ủng hộ Bphone trả lời: "Thì, người VN dùng hàng VN mà."

Và bạn trẻ kia lắc đầu, nhún vai: "Tại sao lại phải như vậy? Tại sao không là: Người VN dùng hàng tốt?"
Cuộc đối thoại dừng ở đó. Tôi chẳng rõ mọi người nghĩ gì.

Có lẽ mọi người nghĩ: "Ừ nhỉ?"
---------------
Vâng, nguyên văn câu chuyện mà tôi đã kể lại trên fb của tôi là như thế. Còn bạn, bạn nghĩ gì?

Tôi thì đang nghĩ: Ở nước ngoài (tôi muốn nói các nước tiên tiến), một trong những chiến lược dạy học mà người ta áp dụng ngay từ tiểu học, là khuyến khích trẻ em lật ngược lại mọi vấn đề, và hỏi: Tại sao? Bất cứ điều gì mà ta tin là đúng không cần chứng minh đều bị lật ngược lại và buộc người có niềm tin ấy phải chứng minh.

Nếu chứng minh được, thì đó là một niềm tin có căn cứ, có cơ sở, có lập luận, và sẽ được tiếp tục củng cố. Hoặc nếu không chứng minh được, thì người có niềm tin ấy phải xem lại niềm tin của mình, hiểu rằng niềm tin ấy chỉ là "tin theo" người khác chứ chưa phải là niềm tin của riêng mình. Và càng tìm hiểu, thì niềm tin càng được củng cố nếu nó có cơ sở, hoặc sẽ bị gạt bỏ khi thấy nó là một niềm tin vô căn cứ.

Có phải vì như thế mà nền giáo dục của họ, và con người của họ, tốt hơn chúng ta hay không?

(Đó chỉ là một câu hỏi, chưa phải là niềm tin của tôi đâu, các bạn nhé. Nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu!)

----------
Có một bạn đọc nhận xét: Chưa thể trả lời câu hỏi của tác giả vì chưa biết tác giả nói "tốt" ở đây có nghĩa là gì. Vậy xin được trả lời như sau:

- Một hệ thống tốt là một hệ thống có cơ chế tự sửa sai, để loại dần những điều bất hợp lý sẵn có trong hệ thống, hoặc những điều mới phát sinh mà hệ thống ban đầu chưa lường trước được. Ví dụ, chủ nghĩa tư bản là một cơ chế tự sửa sai, vì nó đã từng có lúc đáng lên án khi nó dựa trên quy luật cạnh tranh mạnh được yếu thua, nhưng đã dần dần hoàn thiện cho đến ngày nay.

- Một con người tốt cũng là một con người biết tự nhận ra những điều chưa hoàn thiện ở bản thân mình hoặc ở hệ thống mà mình là một phần, và tìm cách hoàn thiện dần bằng cách học hỏi từ những người khác. Có như vậy thì con người mới có thể tiến bộ. Thực tế cho thấy, người VN khi sinh sống ở nước ngoài đa số đều có thể phát triển các tiềm năng của họ cao hơn nhiều so với chính họ nếu họ phải sinh sống ở trong nước.

Người ta hay nói rằng người VN thiếu tư duy phê phán. Tôi muốn nói thêm, người Việt không hề thiếu tư duy phê phán. Chỉ có điều, họ chỉ áp dụng cái tư duy phê phán ấy cho người khác, mà quên rằng đối tượng của sự phê phán ấy trước hết phải là chính họ. Và đó là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề tại VN, đôi khi dường như không thể có cách giải quyết - that is, nếu người VN không chịu thay đổi những thói quen và tính cách của mình.

Không hiểu tôi viết thêm như vậy đã rõ chưa nhỉ?

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Du lịch miền Tây 30/4 - 1/5/2015


Entry này sẽ không có chữ, chỉ có hình. Một tấm hình hơn vạn lời nói cơ mà, thế mà entry này của tôi sẽ rất nhiều hình, có nghĩa là nó rất là dài đấy nhỉ!

Các bạn xem hình và tự đoán ra nhé! Có thể xem thời gian chụp hình để biết tôi đang ở đâu. Lịch trình của tôi: xuất phát từ SG lúc 6 giờ sáng 30/4, về lại SG lúc 5 giờ chiều 1/5. Đi cũng là một cách để trốn lễ! :-)