Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Gió có nghe thấy tôi nói gì không?

Đã khá lâu rồi tôi không viết blog. Vì nhiều lý do, nhưng lý do chính là bởi vì tôi thấy hình như mình đã nói đủ. Có nói nữa thì cũng thế mà thôi, nước đổ lá môn ...

Nhưng rồi hôm nay thì tôi lại phải nói, vì không thể không nói. Phải nói, mặc dù tôi đã nói và viết về điều này không ít hơn 3 lần (quá tam ba bận), và tất nhiên là không chỉ tôi nói, mà cả nước đều nói. Vâng, lần gần đây nhất là lần mà người ta quyết định đốn hạ mấy ngàn cây cổ thụ ở Hà Nội, cả nước đã xôn xao, và cuối cùng, việc tàn sát cây xanh đã phải tạm dừng lại. Lúc ấy, ở SG người ta cũng đốn cây, nhưng mà đốn in ít thôi, không như ở Hà Nội. Tưởng rằng họ đã thấy phản ứng của dân quanh việc chặt cây ở Hà Nội mà dừng lại. Nhưng không, chẳng hiểu sao mà quay qua quay lại, lại thấy họ quyết định chặt cây.

Vâng, tất nhiên tôi biết, lý do người ta đưa ra là cần phải chặt cây để phát triển. Nhưng phải chăng sự phát triển luôn luôn phải đi ngược với sự bảo tồn các giá trị lâu dài, bền vững, như cảnh quan đô thị, môi trường sống, và các di tích lịch sử của hàng trăm năm trước? Những cái cây, ví dụ như cây đa Tân Trào mà người ta hay nhắc đến, chẳng phải là những di tích sống, những chứng nhân của lịch sử, những người giữ linh hồn của một vùng đất đó sao? N ếu nói rằng việc đốn cây, đập bỏ di tích là việc chẳng đặng đừng phải làm để phát triển, vậy những quốc gia phát triển ở Châu Âu và những nơi khác trên thế giới sẽ chỉ có bê tông, cốt thép và cây xanh chừng vài năm tuổi thôi sao?

Không, hoàn toàn không phải thế. Tôi đã đi nhiều nơi, đã đến những thành phố trên thế giới, cả ở thế giới thứ nhất như London , Washington DC, Salzburg, Paris, Melbourne, Sydney, Canberra, Osaka, đến những nước kém phát triển hơn như Bangalore (Ấn Độ),  Colombo (Sri Lanka), Bandung (Indo), Kuala Lumpur, và cả Chiangmai (Thái Lan), rồi Siam Riep (Campuchia) nữa, và điều đầu tiên đập vào mắt tôi, cũng là điều cuối cùng tôi còn lưu giữ trong đầu về những nơi chốn ấy, chính là những cây cổ thụ xum xuê, lá xanh um vươn tới tận trời cao, thân to xù xì, dáng hình cổ quái, đẹp mê hồn.

Ở các nước ấy, mỗi khi chính quyền thành phố có kế hoạch xây dựng, phát triển, là người ta phải cân nhắc rất kỹ mọi phương án, làm cách nào đó để tránh tổn hại đến môi trường, bảo vệ được các cây cổ thụ đến mức cao nhất, xem đó là ưu tiên hàng đầu. Nếu có bao giờ không còn cách nào khác mà phải buộc đốn hạ cây xanh (ví dụ, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hay bảo vệ an ninh quốc gia), thì họ cũng phải có những phương án bù đắp những thiệt hại do việc mất cây xanh, chẳng hạn kế hoạch trồng lại cây, kế hoạch mở rộng mảng xanh ở những nơi lân cận vv.

Mà những  phương án ấy còn phải được trình công khai và phải được người dân chấp thuận - bởi, ở các nước dân chủ vừa vừa ấy (còn lâu mới dân chủ được bằng VN) thì ý dân là ý trời; Đảng cầm quyền nào mà trong thời gian cầm quyền làm trái ý dân thì nhiệm kỳ sau chắc chắn sẽ được dân cho về vườn - thì mới được phép triển khai. Chứ không phải vì đã là chính quyền, là tha hồ toàn quyền quyết định, bất chấp môi trường, bất chấp di sản, bất chấp ý dân ..., ta thấy cần làm, và muốn làm theo cách như thế này, thế này, thì ta cứ thế ta làm thôi, dân chúng kêu ca gì cũng bỏ ngoài tai, mà kêu ca nhiều thì coi chừng đấy, đã có sẵn các cái mũ "quấy rối", "phá hoại". "phản động", "bị bọn xấu xúi giục" gì gì đấy,  không khéo thì những cái mũ ấy sẽ tự động được ai đó úp chụp lên đầu, thì ... thôi rồi Lượm ơi!

Tôi đang bi quan, nên nói quá, có lẽ thế. Vì quan điểm bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, đặc biệt là những di sản sống như những cây cổ thụ có tuổi hàng trăm năm mà chúng ta đều phải gọi bằng "cụ", đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, đâu chỉ có ở nước ngoài.

Tinh thần bảo vệ cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ, nó cũng tồn tại ở ngay VN đó thôi. Thì đó, ví dụ như ở Trà Vinh, một tỉnh vùng sâu vùng xa chỉ có khoảng 1 triệu dân, trong có đến 30% là người Khmer (nguồn: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/25287302-tra-vinh-quan-tam-dao-tao-su-dung-nguon-nhan-luc-nguoi-dan-toc-khmer.html), người ta cũng đưa việc bảo vệ cây xanh lên hàng đầu, quy hoạch phát triển có quan trọng gì thì không biết nhưng cứ phải tránh cây xanh ra, "không được đụng đến cây xanh" (như một thời khẩu hiệu của ta là "không được đụng đến VN" vậy). Đây, các bạn có thể đọc ở đây này: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150323/noi-cay-xanh-song-binh-yen/724049.html.

Một tỉnh nghèo ở vùng sâu vùng xa mà nghĩ được như vậy, thì rõ ràng chặt cây đâu có phải là truyền thống của người Việt, mà cũng chẳng phải là tư duy chung của các quan chức trong chế độ XHCN ưu việt. Vậy tại sao TP HCM và Hà Nội, hai thành phố lớn nhất, phát triển nhất của cả nước, thì tư duy của các lãnh đạo lại khác như vậy? Chẳng lẽ đối với họ, phát triển và môi trường phải như nước với lửa, có cái này thì không có cái kia hay sao?

Mà có phải là dân chúng, trí thức không lên tiếng? Đây, nếu ai quên thì xin đọc lại: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150322/giu-tung-cay-xanh/723743.html 

Đấy chỉ là một trong rất nhiều bài viết vào khoảng thời gian này năm ngoái. Lắng xuống một chút, rồi bây giờ họ lại làm.

Chán quá, chẳng muốn nói thêm gì nữa. Nhưng đây là thành phố của chung mọi người dân SG, và của cả nước nữa. À mà lại còn mang tên TP HCM nữa chứ. Chẳng phải Hồ chủ tịch là người đưa ra phong trào trồng cây đó sao, năm nào đầu năm ở TP HCM cũng có tổ chức trồng cây, các lãnh đạo VN đi đến đâu cũng trồng cây ở đó để lưu niệm. Vậy sao họ lại quyết định chặt cây? Thật sự là tôi không hiểu nổi!!!


Mấy ngày qua dân SG cũng có nhiều người biểu tình ôn hòa phản đối chật cây. Sáng nay, thấy có lời kêu gọi ký tên để đề nghị chính quyền thành phố dừng chặt cây. Tôi cũng đã ký.  Nhưng không hiểu rồi sẽ ra sao đây. Họ vẫn cứ nhất quyết chặt cây chứ?

Hu hu, thế này thì làm sao mà chơi với thế giới được ạ? Ai thèm đến du lịch, nghỉ ngơi, làm việc với một nơi trơ trụi, không có cây xanh, môi trường bị hủy hoại như thế này chứ?

Nhưng hình như tôi đang nói vào không trung thì phải.

Gió có nghe thấy tôi nói gì không?




Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Tản mạn nhân ngày 8/3

Dẫn: Bài này tôi đã đăng trên fb, giờ đem về đây để lưu cho dễ tìm, vì fb sẽ trôi mất.
-----------
Hôm nay là ngày 8/3, kỷ niệm ngày phụ nữ quốc tế. Cái này thì ai cũng biết, dù đối với riêng tôi thì nó cũng chỉ như mọi ngày khác mà thôi. Nhưng quả là có một ngày như thế, vậy ngày này bắt đầu từ lúc nào, do đâu, và ý nghĩa của nó là gì? Có lẽ không có nhiều người biết, cũng giống như tôi. Tại sao thế nhỉ?

Một trong nhiều lý do, có lẽ là vì ở VN chúng ta có quá nhiều ngày kỷ niệm, đến độ chúng trở nên nhàm chán và vô nghĩa. Có ý nghĩa làm sao được khi ngày nào rồi thì cũng kỷ niệm giống giống nhau, cũng đều do Công đoàn hoặc Đoàn TN, Hội SV đứng ra tổ chức theo chủ trương thống nhất của Đảng quang vinh người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng VN, cũng “loa, kèn, đèn, trống”, cũng ca nhạc tập thể, lập thành tích chào mừng, nơi nào xôm tụ thì khen thưởng lấy lệ mỗi người 100, 200 ngàn, vv và thế là xong được một ngày, hoàn hồn thở phào nhẹ nhõm để chờ mừng một ngày lễ khác sắp đến (hu hu).

Nếu ai không tin thì thử nghĩ lại xem từ cuối năm 2015 đến nay chúng ta đã có bao nhiêu dịp lễ rồi nào? Này nhé, 20/10 ngày phụ nữ VN, 20/11 ngày nhà giáo VN, 24/12 ngày quân đội nhân dân, không chính thức nhưng vẫn ảnh hưởng đến thời gian và tinh thần làm việc của mọi người là ngày 25/12 Noel của những người theo đạo Thiên Chúa, rồi mừng Đảng quang vinh 3/2, rồi nghỉ Tết âm lịch 9 ngày với bao nhiêu là lễ hội, rồi rằm tháng giêng (cách đây đúng nửa tháng), rồi lễ tình nhân 24/2 cũng không chính thức nhưng vẫn hết sức rộn ràng ầm ĩ, rồi 27/2 ngày thầy thuốc VN, và hôm nay là 8/3 ngày quốc tế phụ nữ cũng là ngày cuối cùng của “tháng ăn chơi” là tháng giêng ta (hôm nay 30 tháng giêng, ngày mai là 1 tháng hai ta).

Nhưng năm vẫn chưa hết, và chúng ta còn dồn dập lễ giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 ta (năm nay là 16/4 dương lịch), 30/4 ngày thống nhất (hay là ngày chiến thắng nhỉ, mà ai thắng ai mới được chứ, cộng sản thắng tư bản ư hay là thế nào, rắc rối quá), 1/5 ngày quốc tế lao động, 19/5 sinh nhật “bác” (bây giờ thì phải là cụ, thậm chí là kỵ, mới đúng chứ nhỉ, sao cứ “bác” mãi thế này?), 1/6 ngày quốc tế thiếu nhi, rồi lâu lâu lại xen mấy ngày lễ tết phải tính theo lịch ta như ngày 5/5 giết sâu bọ, rồi ngày rằm tháng 8 trung thu, rồi trở lại lịch tây có ngày 27/7 thương binh liệt sĩ, rồi kỷ niệm cách mạng tháng 8 (19/8), rồi 2/9 ngày quốc khánh, rồi ngày 23/9 Nam Bộ kháng chiến, rồi trở lại 20/10....

Phù!!!!! Tôi đã kể xong những ngày lễ cơ bản của một năm rồi. Không biết tôi có sót ngày nào không, nếu tôi thiếu thì các bạn bổ sung vào nhé!

Đấy, “ngày” thì nhiều như thế, nhưng nếu đè một người có liên quan trực tiếp đến một ngày kỷ niệm nào đó mà hỏi - ví dụ như hôm nay, hỏi bất kỳ một người phụ nữ nào về ý nghĩa và nguồn gốc của ngày 8/3 - thì tôi dám chắc đến 80% trở lên không ai biết nó là gì cả. Cũng vậy đối với ngày 27/2 vừa qua, hay ngày 1/6 sắp đến.

Điều này nói lên cái gì? Tôi có thể chủ quan, nhưng tôi nghĩ nó cho thấy người VN quả thực là hời hợt, làm gì cũng hình thức, chiếu lệ cho qua, và cũng chẳng mấy ai thắc mắc về điều này. Mọi người còn đang hỉ hả chúc mừng nhau, các cửa hàng bán hoa hôm nay đắt hàng lên một chút, cũng sẽ có một vài bà vợ cằn nhằn ra mặt hoặc ấm ức trong bụng vì ông chồng chẳng (còn) nhớ đến ngày này để mua cho mình một bông hoa, một món quà nho nhỏ .... Không ai thắc mắc rằng tại sao phụ nữ lại phải có riêng một ngày mà đàn ông không có, vậy có phải là bất bình đẳng giới tính không (thực ra đã có nhiều người đặt câu hỏi như vậy, nhưng hình như ai cũng cho đấy là câu hỏi đùa, nên không ai thèm/buồn trả lời).

Nếu xét về lễ và ngày thì phụ nữ VN có lẽ sướng nhất thế giới (có đến 2 ngày kỷ niệm) và đàn ông VN có lẽ là gallant nhất thế giới vì luôn nhớ để tặng hoa, tặng thơ, tặng quà cho mọi phụ nữ mình quen, từ những người buộc phải tặng vì bổn phận như vợ, như sếp nữ ở cơ quan, như các nữ đồng nghiệp, đến những người mà ngày 8/3 chỉ là cái cớ để các anh, các chú, các ông được công khai và chính thức bày tỏ sự quan tâm của mình đến những em, những cháu nào đấy ...

Cũng trong ngày 8/3, ở đâu đó trên khắp thế giới này, có hàng ngàn hàng vạn cô dâu và công nhân xuất khẩu là phụ nữ VN, đang chịu khổ, chịu rét, chịu cái nắng nóng của sa mạc, chịu sự tủi nhục khinh rẻ của gia đình chồng hay những ông, những bà chủ độc ác ... Và cũng ở đâu đó trên khắp VN này, có những bà già còng trên 80 tuổi vẫn phải hàng ngày ngồi bán hàng (ở gần nhà tôi có một bà già bán hàng đã lâu lắm, bà dường như không có tuổi nữa, lưng còng gập làm đôi nên hầu như không đứng dậy mà chỉ ngồi xổm, hỏi thì bà nói con cháu nghèo khổ đi làm ăn xa nên không giúp được gì ...), có những người phụ nữ sống với những ông chồng vũ phu nhậu nhẹt xong rồi thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bạo hành gia đình xảy ra hàng ngày, những em bé gái học đến lớp 7, lớp 9 thì phải nghỉ học phụ gia đình, trở thành bà mẹ “nhí” để chăm sóc lũ em đông đúc ....

Những người ấy, có ai nhớ đến họ không, có ai tặng cho họ một bông hoa, một lời chúc, một nụ cười, một cử chỉ đẹp không. Và chính họ, họ có nhớ hôm này là ngày của họ hay không, ngày mà dường như phụ nữ VN được vinh danh, ít ra là ở đầu môi và trên giấy ...

Nhân tiện, ai chưa biết xuất xứ và ý nghĩa ngày 8/3 thì xin đọc ở đây, trang của Liên hiệp quốc (UN): http://www.un.org/en/events/womensd.... Ngắn gọn, nó là ngày phụ nữ đấu tranh cho một thế giới bình đẳng hơn, tốt đẹp hơn cho phụ nữ. Ngày 8/3 chính thức được Liên hiệp quốc chọn làm ngày phụ nữ quốc tế bắt đầu từ năm 1975, cũng là năm mà người miền Nam được hân hạnh bước chân vào nền văn hóa đầy những ngày lễ với “loa kèn đèn trống” mà tôi đã kể ở trên.

“Ôi hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em ...” Mặc kệ cô dâu Việt ở nước ngoài, mặc kệ bà mẹ còng ngồi bán khoai nhặt nhạnh từng đồng tự nuôi thân, mặc kệ các em bé gái với tỉ lệ bỏ học cao hơn hẳn các em trai, chúng ta hãy hát vang lên những bài hát đầy lạc quan cách mạng, “cuộc đời vẫn đẹp sao!”

Hu hu hu ...

PS: Vì tôi là phụ nữ, mà hôm nay là 8/3, nên cũng xin có một ước mơ nho nhỏ. Thay vì bỏ tiền ra tổ chức mấy ngày kỷ niệm này ở khắp nơi, hãy gom tiền mua hoa, tổ chức lễ mừng với ca nhạc kỷ niệm, in bandrole, backdrop cho ngày lễ 8/3 để cứu lấy một vài cô gái Việt bị lừa vào những ổ mãi dâm bên Thái, bên Mã Lai, hoặc tạo ra thêm vài công việc cho phụ nữ Việt, thì hay biết mấy?

Nhỉ!