Facebook hỏi tôi đang nghĩ gì?
Just for myself
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022
Facebook hỏi tôi đang nghĩ gì? (Nhân cái chết của một LM trẻ ở Pleiku)
Như bánh chưng ngày Tết
NHƯ BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT...
Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022
CÓ NGƯỜI LỚN NÀO MUỐN ĐƯỢC "THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT"?
CÓ NGƯỜI LỚN NÀO MUỐN ĐƯỢC "THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT"?
Việc cháu V.A. bị mẹ kế tương lai hành hạ đến tử vong, cái sai đã quá rõ ràng nên không còn gì để nói nữa.
Tôi chỉ lưu ý đến lý do được nại ra cho việc đánh đập hành hạ bé, đó là: bé học chậm nên cần phải "dạy dỗ" (bằng đòn roi, that is).
Bà mẹ kế tương lai của bé V.A. có thể bị cho là hành hạ bé V.A. do thù ghét - điều này tôi không có thông tin nên không dám lạm bàn. Nhưng điều đáng nói là ở VN tình trạng trẻ em bị chính người thân ruột thịt trong gia đình như cha mẹ, anh chị ruột phạt đòn roi, quỳ gối, dang nắng, bắt nhịn ăn chỉ vì học dốt (bị điểm kém) là điều không hề hiếm hoi, mà ngược lại có thể xem là phổ biến ở một số nơi, với một số người...
Với tư cách một nhà giáo, tôi thấy quả tình không có điều gì phản sư phạm hơn việc trừng phạt, đánh đập một đứa bé học chậm. Nếu có ai cần bị phạt ở đây, thì trước hết đó chính là những người có trách nhiệm giáo dục trẻ em, mà trước hết là gia đình và nhà trường, và sau nữa là toàn bộ hệ thống giáo dục và nền tảng văn hóa cùng các giá trị của xã hội nơi đứa bé sinh sống.
Một xã hội được xem là văn minh, tiến bộ và xứng đáng với giá trị và nhân phẩm con người chỉ khi nào những thành viên nhỏ bé và yếu đuối nhất của nó được tôn trọng và ưu tiên nâng đỡ. Vì nếu không làm được như vậy thì chúng ta cũng chẳng khác gì những loài thú hoang, ỷ lớn hiếp bé, mạnh được yếu thua.
Tôi nhớ lúc sinh thời mẹ tôi hay dùng câu nói "chửi vợ đánh con mắng đứa đầy tớ" để bày tỏ sự khinh bỉ đối với những người đàn ông hống hách với vợ con, về đến nhà chỉ biết quát mắng đánh đập những kẻ yếu hơn mình. Thảm hại lắm.
Tôi cũng nhớ khi còn nhỏ, tôi rất ghét - dù không nói ra với ai - những người chuyên mang bó roi mây đi rao bán cho người lớn mua về "sửa dạy" con em trong nhà. Trong lòng tôi lúc ấy xem đó là những người độc ác - dù khi lớn hơn tôi biết rằng cả người bán rồi lẫn người mua và sử dụng roi không hề nghĩ rằng mình độc ác, mà ngược lại tin rằng họ đang thực hiện trách nhiệm của mình.
Điều đó chỉ thể hiện một sự vô cùng thiếu hiểu biết về những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em, cùng sự thiếu tôn trọng trẻ em mà thôi. Thời xa xưa người ta nghĩ như vậy thì có lẽ còn hiểu được, nhưng bây giờ khoa học kỹ thuật đã tiến quá xa, thông tin và tri thức cũng được chia sẻ rộng rãi khắp nơi, thì chẳng còn lý do gì mà ta cứ bám mãi vào các truyền thống và thói quen lạc hậu - thậm chí có thể nói là man rợ - đã tồn tại quá lâu như thế.
Cuối cùng, việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm được là hãy bỏ tư duy cho rằng người lớn có thể dạy dỗ trẻ em bằng cách đánh đập, chửi bới, nhục mạ kia đi. Nên nhớ rằng ở các nước văn minh, luật pháp hoàn toàn có quyền can thiệp và tước quyền làm cha mẹ đối với những người xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân phẩm của trẻ em. Không có chuyện "con tôi, tôi dạy, can gì đến ai" đâu nhé! Hàng xóm biết trẻ bị hành hạ mà không báo thì cũng chịu trách nhiệm liên đới đó!
Hãy thương yêu trẻ em bằng sự âu yếm, và bằng cách tôn trọng các em. Nếu chúng học chậm, rất có thể là phương pháp giảng dạy hoặc môi trường giáo dục có những điểm gì đó chưa phù hợp với trẻ em. Hãy giúp các em vượt qua những khó khăn, những rào cản nếu có. Hãy bỏ thời gian tìm hiểu thiên hướng của các em và giúp chúng phát triển tốt nhất bằng cách trở thành chính các em, chứ không phải trở thành một phiên bản méo mó lệch lạc của ai đó mà cha mẹ chúng đã chọn.
Và hãy vứt ngay những roi vọt ra khỏi nhà của mỗi người. Chúng ta, mà đặc biệt là trẻ em, không cần đến loại "công cụ giáo dục" kinh khủng và man rợ ấy!
Bởi vì, như chúng ta đều biết, it doesn't work that way!!!
Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021
"Thôi đừng đến bên mộ anh mà khóc"
Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021
Dân quyền trong khuôn khổ
Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021
TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP
Bài đã đăng trên fb cá nhân hôm nay.
-----
Hôm qua thấy tin FPT mở trường để nuôi dạy hơn 1000 trẻ em mồ côi do Covid-19. Đây là tin hay nhất mà tôi đã đọc được trong mùa dịch ảm đạm vừa qua (à quên, chưa qua, vì vẫn còn lockdown đây mà).
Chợt nhớ năm 1993 (năm ấy tôi 33 tuổi), tôi được học bổng của BP (British Petroleum) để đi học 3 tháng chương trình intensive bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên tiếng Anh do Hội đồng Anh và UCLES (University of Cambridge Examinations Syndicate) thực hiện (tiền thì do BP tài trợ).
Khi phỏng vấn xong rồi, người thực hiện phỏng vấn, hình như là giám đốc nhân sự của BP Việt Nam (tôi vẫn nhớ là một vị tuổi khoảng gần 60, mặt xương xương khắc khổ, râu quai nón, hình như tên là Barry thì phải) có hỏi tôi còn câu hỏi gì không.
Câu hỏi của tôi lúc ấy, rất ngu ngơ nhưng rất thật, là: vì sao một tổ chức như BP, chuyên về khai thác, sản xuất và phân phối dầu khí, mà lại dành tiền ra để cho học bổng về giáo dục.
Không ngờ đó lại là một câu hỏi làm cho người thực hiện phỏng vấn rất thích thú. Ông nói, "Chúng tôi có một chính sách thống nhất trên toàn thế giới, đó là: khi đến đâu kinh doanh thì đều phải có trách nhiệm góp tay vào phát triển địa phương đó thông qua những hoạt động cộng đồng."
Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến điều này và nó làm cho tôi vừa kinh ngạc vừa kính phục. Sau này tôi khi biết được khái niệm "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" mà có một thời Việt Nam cũng nhắc nhiều trên báo chí, xôm tụ lắm - nhưng không thấy mấy ai làm.
Tôi nghĩ, các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ra rất nhiều tiền để làm các hoạt động quảng bá hình ảnh và thương hiệu, mà không tìm hiểu xem các hoạt động đó có thực sự mang lại lợi ích lâu bền cho việc kinh doanh của mình hay không. Theo phán đoán của tôi thì có lẽ những hoạt động này tốn rất nhiều tiền nhưng không mang lại hiệu quả cao lắm, vì ai cũng làm được, mà làm nhiều thì hóa nhàm nên sẽ không còn tác dụng.
Trong khi đó những việc như FPT đang làm chắc chắn sẽ có tác động rất lớn về mặt xã hội cũng như về mặt truyền thông. Đó chính là cách cách quảng cáo tốt nhất một cho một doanh nghiệp, vì những người được hưởng lợi từ các hành động mang tính xã hội như vậy chắc chắn sẽ luôn là người quảng cáo tuyệt vời cho doanh nghiệp mà không cần phải trả tiền cũng không sợ họ lật lọng nói ngược nói xuôi. Vì mình đã chiếm được con tim của họ, và họ sẽ sẵn sàng trả lại cho mình bất cứ khi nào họ có điều kiện.
Xã hội được lợi, nhưng chính doanh nghiệp sẽ còn được nhận lại nhiều hơn nữa. Đó chính là sự liên đới của mọi người trong một xã hội phát triển mà bất cứ một quốc gia văn minh nào cũng hiểu rõ.
Khi nào thì chúng ta sẽ có được ngày càng nhiều những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội như hành động của FPT vừa qua?