Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

But only God can make a tree (1)


Gã khờ cũng biết làm thơ
Cây xanh lá thắm xin chờ Chúa thôi!

Hai câu lục bát chú thích cho bức hình trên đây là bản dịch ... con cóc của tôi cho hai câu cuối của bài thơ Trees nổi tiếng lẫy lừng của nhả thơ Joyce Kilmer cách đây đúng 101 năm. Nguyên văn bài thơ mà bất kỳ một đứa trẻ em Mỹ nào cũng biết ấy như sau:

I THINK that I shall never see
A poem lovely as a tree.
  
A tree whose hungry mouth is prest
Against the sweet earth's flowing breast;
  
A tree that looks at God all day,         5
And lifts her leafy arms to pray;
  
A tree that may in summer wear
A nest of robins in her hair;
  
Upon whose bosom snow has lain;
Who intimately lives with rain.  10
  
Poems are made by fools like me,
But only God can make a tree.

 (Nguồn: http://www.bartleby.com/104/119.html)

Thực ra, không phải ai cũng thích bài thơ này. Đã có nhiều bài phân tích, phê bình những chỗ nhược  của bài thơ, như các ẩn dụ trong bài không hợp lý, sáo mòn, đôi khi mâu thuẫn với nhau; nhịp điệu của bài thơ nhàm chán, giống như vè, thiếu sáng tạo, vv. Nhưng dù ai có nói thì nói, bài thơ Trees vẫn cứ là một bài thơ được yêu thích và luôn xuất hiện trong các tuyển tập (anthology) giới thiệu các tác giả, tác phẩm của nền văn học Mỹ. Có lẽ chính cái nhịp điệu nhàm chán của bài thơ lại là đặc điểm giúp cho nó trở nên phổ biến và được ưa thích đến như vậy: Nó đơn giản, không cầu kỳ, và vì vậy rất dễ nhớ. Đặc biệt, nó có hai câu đầu và hai câu cuối rất ấn tượng dù có thể nói là hơi sáo mòn và ngoa ngữ - ừ, thì biết làm sao được, có phải ai cũng thích những gì cầu kỳ rắc rối đâu. Đơn giản một chút cho nó dễ hiểu, cho đời bớt mệt mà. Và, cũng giống như nhiều con người bình thường, bình dân khác, tôi rất thích bài thơ Trees, dù đã đọc không thiếu một bài phân tích nào, kể cả - hoặc đúng hơn là đặc biệt là - những bài phê phán nó, và hoàn toàn đồng ý với những lời phân tích ấy.

Nhưng có một bài thơ khác của VN, cũng nói về cây, cũng làm tôi thích đến độ "ám ảnh" không kém bài thơ Trees vừa nêu (tôi thuộc cả hai bài này - well, thuộc một phần - vào cùng một khoảng thời gian, lúc tôi học cỡ lớp 8, lớp 9 trường Gia Long trước năm 1975), mà lại chẳng hề đơn giản hay sáo mòn một chút nào cả. Thực ra, trên blog này tôi đã nhắc đến bài thơ đó nhiều lần, nhiều đến độ chắc chắn người bạn thân nào của tôi và hay đọc những gì tôi viết ra đều biết bài thơ ấy. Ngặt một nỗi là giờ đây tôi không còn nhớ tên và tác giả của bài thơ, và cũng không sao tìm được trên mạng, chỉ biết nó là thơ của một tác giả miền Nam trước năm 1975. Để tôi chép lại cho các bạn đọc nhé, tôi nghĩ các bạn cũng sẽ thích nó:

Anh còn yêu vô cùng
Những bóng cây bên đường
Mỗi bóng cây như mỗi đời chúng ta
Có bao giờ giống nhau
Từ những cây thẳng đứng vươn cao
Đến những cây cằn cỗi
Những hoa lá rì rào
Những cây đong sầu muôn nỗi ....

Và hôm nay trên đường xa gió bụi
Anh chợt thấy bên đường
Một cây khô vừa chết
Với cành héo khẳng khiu
Mang theo nỗi cô liêu ngàn đời không hết ....

Bài thơ có một cái gì buồn hiu hắt phải không các bạn? Chính vì vậy mà tôi thích nó, ngoài chuyện tôi còn thích nó hình ảnh và ý tưởng lạ lùng, giọng thơ hơi trúc trắc để chở cái tâm trạng khắc khoải bất an của tác giả. Nhưng thích nhất là nó so sánh cuộc đời thăng trầm của mỗi người như những bóng cây (mỗi bóng cây như mỗi đời chúng ta/có bao giờ giống nhau). Tôi tự hỏi, bài hát "Một đời người một rừng cây" phải chăng cũng bị ảnh hưởng bởi bài thơ này, hay là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thế nhỉ? Nhưng dù là trùng hợp hay bị ảnh hưởng thì tôi vẫn nhận ra điều này: Hình tượng trees (bóng cây, thân cây, cái cây ...) là một hình tượng rất gần gũi trong tâm trí của mọi người, không chỉ ở VN mà còn trên khắp thế giới. Sự gần gũi này hẳn phải nói lên một điều gì đấy. Thì chẳng phải trước khi con người trở nên văn minh, tiến bộ và ... phá hoại thiên nhiên như ngày nay, chính cây và rừng đã gắn bó với con người hết sức mật thiết đó sao. Rừng/cây cung cấp cho ta cả nơi ăn chốn ở, lại cung cấp cả cái ăn, và còn bảo vệ môi trường sống của con người, giúp lọc không khí, ngăn chặn sói mòn, lũ lụt, lại cũng là nguồn năng lượng để sưởi ấm, nấu chín thức ăn .... Chẳng phải trong buổi hoang sơ ấy, nếu không có rừng thì con người đã bị tước hết nguồn sống trên trái đất hay sao?

Vâng, tôi bị mê hoặc bởi cây cối, cả những cây cổ thụ hùng vĩ cao vút đến tận trời xanh lần những loài cỏ dại mọc thấp lè tè sát mặt đất, bị bao bàn chân người đạp lên nhưng vẫn tồn tại dai dẳng không bao giờ có thể  trị dứt. Đi đâu tôi cũng nhìn và chụp hình cây, và ghi nhận được những quan sát thú vị. Tôi nghĩ, cách một quốc gia đối xử với cây cối trong phạm vi quốc gia của mình, cách người ta bố trí cây xanh và các loại cây người ta trồng trong đô thị hiện đại, luôn nói lên một điều gì đó về tính cách dân tộc ấy hoặc thời đại đã tạo ra nó. Chẳng hạn như khi đi sang thành phố Bangalore (Ấn Độ) cách đây vài năm, tôi vô cùng ấn tượng với những cây cổ thụ khắp nơi, thân cây to như cột nhà, đen xì và khúc khuỷu, với những tán là xanh um, rễ nổi lên trên mặt đất như những con trăn lớn, và đôi khi có cả cành cây nghiêng nằm rạp sát mặt đất. Những cây như thế có thể thấy ở khắp nơi, không chỉ ở những vùng ngoại ô xa thành phố, mà ngay cả trong trung tâm thành phố cũng rất nhiều. Và thỉnh thoảng dưới gốc những cây cổ thụ lớn lại thấy có một miếu nhỏ thờ thần, thì Ấn Độ vốn lắm thần mà lại. Hình ảnh ấy làm cho tôi nhớ câu "cây đa cậy thần thần cậy cây đa", và tự hỏi, phải chăng tục thờ thần của người VN chính là một biểu hiện của tín ngưỡng đa thần của người Ấn Độ?

Tôi nhớ có một hôm được chở đi mua sắm ở một khu trung tâm thương mại nhưng tôi không có nhu cầu mua nên đã được thả cùng một số người khác đồng cảnh ngộ tại một công viên to rộng gần đó. Có lẽ gọi là công viên cũng không hẳn đúng vì nó chỉ là một bãi đất trống không có tường rào, tương tự những bãi đất làng, nơi trẻ con thả diều, đá banh, tụ họp vui chơi.... Hôm ấy trời rất nóng (mà ở Ấn Độ có bao giờ trời không rất nóng không nhỉ? :-) ), nhưng ở công viên thì không khí dịu hẳn. Dưới mỗi bóng cây lại thấy có một anh/chú bán dạo với chiếc xe đẩy trên có ít hàng hóa, họ bán nước uống giải khát, đồ ăn vặt, vật lưu niệm, vv, với các anh chàng Ấn Độ lè phè đang ngồi tán gẫu, dường như không phải họ đang buôn bán mà đang nghỉ ngơi hưởng nhàn, quan tâm đến cuộc tán gẫu của mình hơn là quan tâm đến khách hàng, mà khách hàng thì cũng vô cùng thưa thớt.

Trong cái tạm gọi là công viên mở ấy không chỉ có rất nhiều cây cổ thụ, nhiều người bán hàng rong, mà còn có cả ... những chú bò đứng đủng đỉnh nhìn trời nhìn đất, và một bầy quạ đen rất đông, cũng với kiểu cách đủng đỉnh như những con bò và những anh/chú bán hàng rong xung quanh. Ai cũng an nhiên, tự tại, ai cũng có chỗ đứng của mình dưới ánh mặt trời (theo nghĩa đen), không ai tranh giành, vội vã, không ai lấn chiếm hay xua đuổi ai. Một khung cảnh nhàn nhã, thanh bình, và tạo ra một ấn tượng lạ lùng khó quên đối với tôi - một người đến từ một đất nước chiến tranh liên miên, ra đường mọi người lúc nào cũng hối hả bon chen giành giựt và chen lấn.

Nhìn cảnh tượng công viên hôm ấy, tự nhiên tôi nhận ra cái gọi là đặc tính "hiếu sinh" của nền văn hóa Ấn Độ: Không cần nói nhiều, chẳng cần lý luận, hiếu sinh là như thế đó: cây cỏ, chim muông, người và thú cùng chung sống với nhau trên một mảnh đất hiền lành, ai cũng có chỗ của mình và ai cũng tôn trọng quyền được sống của người khác. Cần gì phải quảng bá niềm tin hay đạo pháp làm gì, hãy cứ sống điều mình tin, thì đó chính là cách quảng bá hay nhất, có phải không, các bạn nhỉ?

(còn tiếp)


3 nhận xét:

  1. Tôi cũng là người yêu thích cây nên rất đồng cảm với niềm đam mê cây cối của chị. Hãy thử nhìn xem, xung quanh chúng ta đều là cỏ cây thực vật, hơn thế nữa, hình ảnh lưu vực của 1 con sông hay những rặng núi điệp trùng cũng chia cành rẽ nhánh; trong xã hội loài người thì tổ chức của một chính phủ, của các tập đoàn, công ty đều là những cây phân cấp; trong mỗi gia đình có Cây gia phả,v.v... Có thể nói tất cả đều là Trees vậy , có lẽ Chúa đã dùng bí quyết nào đó để tạo ra muôn loài trees trên trái đất này và chỉ có Chúa mới có thể làm được những điều kì diệu đó, Cây đời, Cây sự sống chính là tác phẩm, là công trình vĩ đại của Ngài.

    Sigmund Freud cũng từng thốt lên rằng "Mọi quan hệ đều là cha - con" ý nói rằng mô hình cây là phổ biến trong cả tự nhiên lẫn xã hội. Ngay trong cơ thể của mỗi chúng ta, khung xương, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh,... cũng là hình ảnh của các cây.
    Biết vậy, tại sao chúng ta lại không “học tập, làm theo” chính Chúa Trời, Thượng Đế là Đấng Sáng thế, Người Cha vĩ đại của chúng ta mà lại hô hào, bắt ép nhau “học” những mánh khoé, thủ đoạn, hữu hạn tầm thường khác. Hãy quan sát và suy ngẫm, hãy tìm những giá trị Minh Triết trong kho tàng tri thức của loài người để tìm và ứng dụng những giá trị đó vào cuộc sống. Hệ thống Triết lý/ Lý thuyết về trees có lẽ là một trong những hệ tư tưởng quan trọng giúp con người trở nên gắn bó, yêu và biết quý trọng thiên nhiên hơn.
    Trong lĩnh vực công nghệ thông tin các phần mềm “dạng Cây” sẽ giúp cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, sô liệu một cách hiệu quả và mạnh mẽ. Chẳng hạn, nếu chúng ta gây trồng 1 Cây dân số thì chỉ qua 6 mức (TW Tỉnh, TP  Quận, huyện  Phường xã  Thôn, làng  Xóm, Tổ DP) được kết nối mạng Internet để thành một hệ thống “sống động”, trực tuyến (online) thì việc nắm thông tin về người dân của cả nước đâu còn khó khăn nữa. Dân số VN chưa đến 100 triệu, cả thế giới là 7 tỷ người, trong đó cơ thể của mỗi người là tập hợp của 60-80 nghìn tỷ tế bào các loại đang được một “phần mềm (Software) nào đó của Chúa Trời” quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ, liên tục hàng chục năm trời. Tìm ra cách thức, bí quyết, thuật toán mà thiên nhiên sử dụng để quản trị hàng chục nghìn tỉ đối tượng chính là cái mà con người của thời đại công nghệ thông tin cần phải “học tập, làm theo”.
    Xin cảm ơn chị - người đam mê cây cối và giàu lòng trắc ẩn./.

    Trả lờiXóa
  2. Bài của chị chưa kết thúc nên tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi thần lực “make a tree”, cứ có cây là có rừng, có sự sống ở bất cứ đâu trên trái đất này. Chúa Trời đã tạo ra những cây và cũng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, và Ngài lại âm thầm truyền dạy cho loài người biết gieo gặt (giá sắc) để nuôi dưỡng, giữ gìn sự sống. Có lẽ gieo trồng luôn là một hình thái kinh tế bền vững nhất: sử dụng năng lượng vô tận mặt trời và chất khoáng của đất, của nước để tạo ra sản phẩm GTGT, sự tái sinh cứ tiếp diễn trong những chu kỳ khép kín.
    Việt Nam là một nước có nền văn minh nông nghiệp lâu đời nên sự gắn bó với thiên nhiên, hoà nhập với tự nhiên chắc đã ghi vào tâm khảm của biết bao thế hệ cha ông.

    Tôi chẳng có trang trại nào để trồng cây, có chăng ngoài ban công trồng được mấy chậu cây bé nhỏ, song chúng tôi lại đang theo đuổi để tìm hiểu và thực hiện một thông điệp mà tiền nhân có nhắc đến trong một bài Sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Đông A âm vị nhi thuyền/ Nam phương kỳ mộc bỗng liền lại sinh”. Kỳ mộc là loại cây nào mà quan trọng đến thế, nó dùng để chữa bệnh?, dùng để cứu đói?, dùng để làm hàng xuất khẩu?... Có lẽ không hẳn vậy, nó phải có một ý nghĩa nào đó ở tầm cứu cánh. Rồi Cụ Trạng lại viết “Bất chiến tự nhiên thành”, “Tả hữu phù trì, cây cỏ làm binh”, không tham chiến mà thành công, mà thắng lợi (kiểu Vô vi của Lão Tử); và chỉ dùng “cây cỏ” làm binh, làm lính nếu buộc phải …chiến!.
    Như vậy kỳ mộc phải là một thứ bảo bối có sức mạnh thần kỳ và thực sự cần thiết cho đất Việt. Thời đại công nghệ thông tin thật thú vị, nó làm cho thế giới thật và ảo cứ đan xen nhau, những gì người xưa mong ước như quyền năng “nghìn mắt, nghìn tay” của Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát giờ đã thành hiện thực (các hệ thống tổng đài điện thoại, hệ thống máy tính, mạng Internet không chỉ nghìn mà là hàng triệu, hàng tỉ tay chân, mắt miệng vươn toả thoắt ẩn, thoắt hiện ra khắp nơi trên trái đất này, có khi còn vươn đến tận Sao Hoả!).
    Phải chăng, CNTT đã đem đến cho chúng ta một cuộc cách mạng mới, những nhận thức mới và hình thành nên một thế giới mới của kỷ nguyên số, và nếu vậy, “Nam phương kỳ mộc” – một loài Cây diệu kì của Trời Nam mà chúng tôi mong ước sẽ sớm được “gieo trồng, canh tác” trên thế giới đó.

    Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn thầm nhủ rằng “Chỉ có Chúa mới tạo ra được Kỳ mộc”, mỗi chúng ta chỉ là công cụ, phương tiện của Ngài, và thật phúc cho những ai được lựa chọn để thực thi những công việc nhiều ý nghĩa./.

    Trả lờiXóa

  3. Những hàng cây

    Tôi cứ nghĩ chẳng bao giờ biết được
    Bài thơ nào đẹp tựa những hàng cây
    Những hàng cây miệng khát hãy còn đây
    Dòng nước ngọt đất lành bầu sữa mẹ
    Những hàng cây luôn hướng về Thượng Đế
    Vươn những lá cành cầu nguyện suốt bao niên
    Hàng cây xanh trong làn tóc xanh xanh
    Có Hồng Tước tổ xây ngày tháng Hạ
    Trên ngực cây tuyết rơi đầy trắng xóa
    Cây sống yên bình dưới những cơn mưa
    Khờ khạo như tôi bất quá chỉ làm thơ
    Duy Thượng Đế làm những hàng cây vời vợi ...

    NGUYỄN ĐẠI HOÀNG - 10 / 2005

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.