Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tản mạn cuối tháng Tư (1)

Entry này của tôi sẽ dài, thậm chí có thể rất dài. Vì nói một cách nào đó, nó được viết không chỉ cho những ngày này của năm nay, 2012, mà là cho cả thời gian gần 40 năm tính từ tháng Tư lịch sử đó.

Vâng, tháng Tư, mà nhất là thời điểm cuối tháng Tư, đối với tôi và có lẽ đối với rất nhiều người VN khác nữa, luôn là một thời gian có nhiều cảm xúc. Mọi năm, cứ đến ngày này thì tôi lại viết một chút trên blog, hoặc chỉ để thổ lộ ra cho vơi bớt những cảm xúc đầy tràn cứ ứ lên mà không biết đổ vào đâu, hoặc là một nỗ lực ghi lại những ký ức của tôi như một nhân chứng, để bức tranh lịch sử ấy được đầy đủ các chi tiết hơn, và vì thế hy vọng sẽ chân thực hơn một chút. Dù vẫn biết chắc dù bức tranh có chi tiết và chính xác đến độ nào đi chăng nữa thì  mỗi người vẫn sẽ có những diễn giải và cảm xúc khác nhau về sự kiện lịch sử này.

Nhưng năm nay thì tôi cứ trăn trở mãi, không hiểu có nên viết thêm về ngày này nữa hay không. Một nửa của tôi đã tự nhủ thôi đừng viết nữa, vì nói đi nói lại mãi rồi cũng thế mà thôi. Sẽ vẫn là những ký ức đau buồn, bom đạn của chiến tranh, chết chóc và mất mát, rồi sau đó  là buổi loạn ly, thiếu ăn thiếu mặc, và với một số người kém may mắn hơn là thiếu cả cơ hội học hành và có công ăn việc tử tế. Mà hệ quả tất nhiên là những làn sóng vượt biên mà có lẽ bất kỳ ai ở Sài Gòn vào thời ấy cũng có ít nhiều dính líu – hoặc chính mình đã từng vượt biên.

Những người này, ai thành công thì giờ này đã là Việt kiều, hoàn toàn ổn định ở quê hương mới, ai không thành công, đi mãi không lọt thì đành chấp nhận ở lại VN, rồi trôi dạt vào đâu đó, sống qua kiếp đời bèo bọt. Còn những người kém may mắn hơn nữa thì chẳng bao giờ đến được “miền đất hứa”, mà cũng chẳng quay trở về. Một lần tiễn đưa bỗng trở thành thiên thu vĩnh biệt, đau đớn, đắng cay khôn xiết. Những ký ức u buồn, những vết thương mà dẫu gần 40 năm rồi nhưng khi chạm đến vẫn còn có khả năng làm đau buốt. Vậy thì nhắc nữa, nghĩ nữa để làm gì?

Vâng, một nửa của tôi đã bảo với tôi, “hãy cố quên đi mà sống”, như bấy lâu tôi vẫn làm, suốt gần 40 năm ròng rã, từ ngày tôi chỉ mới là một đứa trẻ 15, đúng bằng tuổi con gái tôi ngày nay, cho đến khi đã trở thành một bà già tuổi ngoại ngũ tuần. Nhưng nửa kia của tôi thì sao vẫn muốn viết, vì không khí của những ngày này – cái nóng cháy da cháy thịt, và những trận mưa hối hả của tháng Tư – sao vẫn gây cho tôi những cảm xúc mãnh liệt như bao giờ.


Và thế là tôi lại hì hục ngồi vào máy tính để viết.  Thực ra, tôi đã bắt đầu một bài viết cho tháng tư của năm nay được ít lâu rồi, một bài viết với tựa đề là “Cảm xúc tháng tư”. Nhưng quả thật, không hiểu sao năm nay tôi chỉ viết được vài giòng thì ngưng lại, không viết được nữa. Vì tôi thấy bài viết của mình sao nhạt nhẽo, dường như không còn cảm xúc thực sự nữa. Mà nếu không có cảm xúc thì viết để làm gì cơ chứ?

Tại sao, tại sao, tại sao nhỉ? Phải chăng vì thời gian đã đủ lâu để vết thương thành sẹo và không còn đau đớn nữa? Nhưng nếu thế thì tại sao chỉ mới năm ngoái thôi tôi vẫn còn viết được một bài dài, mà là viết liền một mạch trong xúc động, và bài viết đó cũng làm xúc động nhiều người? Hay tại năm nay ở thời điểm này có quá nhiều sự kiện khiến tôi bận rộn và không còn thì giờ để nghĩ đến cái gì khác nữa?

***

Có lẽ thế thật. Năm nay, rõ ràng là chủ đề 30/4 không còn chiếm ngôi vị hàng đầu trong tâm trí của tôi nữa. Có thể là vì chỉ mới vài tháng nay thôi, tôi bỗng tìm lại được một lúc đến mấy chục người bạn cũ cách đây đến gần 40 năm, những người cùng với tôi ngồi trong ngôi trường trung học cổ kính trăm tuổi ấy, cùng trải qua với tôi những ngày gian khó nhất của ngày đầu “giải phóng”. Trong số những người bạn ấy, đến quá nửa giờ đây đang sinh sống ở nước ngoài, những người đã (cảm thấy) không thể sống được ở quê hương, phải “bỏ xứ ra đi”, “tha phương cầu thực”. Chắc chắn là họ đã vô cùng vất vả trong những năm đầu, nhưng nay hoàn toàn hội nhập với quê hương thứ hai của mình, có thể giàu có hoặc chỉ đủ ăn, thậm chí chật vật, nhưng vẫn đĩnh đạc với tư cách là những công dân Âu Mỹ với những giá trị của xã hội ấy. Dù bên ngoài họ vẫn là người Việt (well, gốc Việt), vẫn nói tiếng Việt và ăn đồ ăn Việt, có lẽ với ít nhiều biến tấu, bắt buộc hoặc tự nguyện.



Trò chuyện (chủ yếu là qua mail), quan sát (theo nghĩa bóng, tức là chủ yếu qua những hình dung và tưởng tượng của tôi qua những gì mà các bạn ấy viết), và ngẫm nghĩ về những người bạn cũ nay lưu lạc khắp bốn phương trời đã ngốn hết của tôi không biết bao nhiêu thời gian. Những người bạn ấy sống trong một môi trường văn hóa-chính trị-xã hội hoàn toàn khác với chúng tôi, đã rất quen với một nền giáo dục tự do, nơi sự tự do về tư tưởng và ngôn luận là những quyền cơ bản không thể bị tước đi (unalienable rights đấy nhé), có quan điểm giáo dục cởi mở đối với con cái, chấp nhận và thậm chí khuyến khích sự độc lập của thế hệ trẻ.


Nói tóm tắt, tất cả những điều mà chúng tôi (hay ít ra là tôi, người làm trong lãnh vực giáo dục, và cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây mà tôi đã may mắn (rủi ro?) được hưởng) luôn đặt làm mục tiêu phấn đấu, luôn nói về nó như một đích đến cho mọi sự cải tổ, đổi mới, một ước mơ đẹp đẽ, ngọt ngào mà ai cũng mong ước nhưng trong thâm tâm thì cũng không dám tin chắc đến bao giờ cái thiên đường giáo dục ấy mới có thể đến được cho các thế hệ tương lai của VN, thì đối với họ, tất cả đã là một hiện thực hiển nhiên mà họ được hưởng free, không ai đánh thuế!



Nhìn sự phát triển ổn định của họ, và nhất là nhìn trưởng thành, tự tin, lạc quan và chững chạc của con cái họ, những người đã “chạy trốn” khỏi mảnh đất hình chữ S tang thương này vào những năm mà cuộc sống khó khăn đến tưởng chừng không vượt qua được, thì những ký ức về 30/4 và thời VNCH, về những khổ đau, mất mát mà chúng tôi – và tất cả chúng ta – đã trải qua, bỗng trở nên vô cùng mờ nhạt và vô nghĩa. Và điều thực sự đáng quan tâm, câu hỏi có ý nghĩa duy nhất đối với tôi  vào lúc này, vâng, vào dịp lễ kỷ niệm 30/4 năm nay, là, chúng ta, những con người VN đang ở VN và cả những người ở khắp nơi trên thế giới nữa, bất chấp khuynh hướng và quan điểm chỉnh trị, chúng ta cần làm gì và sẽ làm gì với tương lai sắp đến của chính chúng ta, của con cái chúng ta, của cộng đồng, và to tát hơn, trừu tượng hơn nhưng không kém phần chân thực, là của quê hương, đất nước chúng ta?



Viết đến đây tôi bỗng nhớ  lại lời của một người bạn học thời đại học, những lời đã tóm gọn được một cách những suy nghĩ tản mạn của tôi, điều mà tôi đang đau đáu hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong “mùa 30/4” năm nay, đó là , “Bọn mình phải làm gì  để thoát ra hả PA, hay là vẫn sẽ tiếp tục sống như thế này?” Một câu hỏi mà bạn tôi đã gửi bâng quơ trên facebook.



“Thoát ra, hay tiếp tục sống như thế này”, theo như tôi hiểu, hoàn toàn không giống như những năm 1980 khi những người VN ra đi trước hết là để tìm kế mưu sinh, mà là một tiếng kêu, một sự đòi hỏi khẩn thiết về những giá trị tinh thần, dù mơ hồ nhưng cũng rất thật, như sờ thấy được.


Thoát ra, hay tiếp tục chấp nhận những quyết định vô lý của những người có chút quyền hạn – kể cả dù chỉ cỏn con – trong hệ thống, chẳng hạn như bắt buộc đóng tiền mua đồng phục học sinh, bắt buộc đóng các loại phí cho nhà trường phổ thông một cách tự nguyện trong một đất nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản thối nát, chấp nhận phải đổi giờ làm, giờ học vào những thời gian tréo ngoe và phi lý, phi sư phạm nhất, chấp nhận đóng thuế xe hơi, và chấp nhận không có quyền sở hữu đất đai vì nó đã thuộc sở hữu toàn dân (mặc dù trong số toàn dân ấy trên nguyên tắc đã có từng người trong chúng ta)….



Thoát ra, hay tiếp tục chấp nhận mọi thông tin đều phải được định hướng, mọi diễn giải ý nghĩa thông tin đều đã có người làm giúp, chấp nhận không nói khác, hoặc thậm chí nghĩ khác, những gì mà hệ thống đã phê duyệt và đưa ra làm những quan điểm chính thống. Chấp nhận đối phó, luồn lách, quan hệ, đút lót, mua chuộc, nếu không muốn chịu luôn luôn thua thiệt.

Chỉ kể ra sơ sơ thôi là tôi đã thấy ngột ngạt rồi, mặc dù từ lâu rồi tôi không còn phải quá lo lắng về cơm ăn, áo mặc hàng ngày như cách đây vào thập niên nữa. Vì vậy, câu hỏi lớn nhất, mối quan tâm lớn nhất của tôi trong dịp 30/4 năm nay là, chúng ta – những người VN hiện đang sinh sống trên dải đất hình chữ S thân yêu này, chúng ta sẽ làm gì, hay cứ tiếp tục sống như thế?



***

(còn tiếp)




Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Mười ngàn tỷ và một trăm ngàn

Hôm nay ngồi đọc báo mạng, đọc xong, tự nhiên tôi đâm thắc mắc: 10 ngàn tỷ so với 100 ngàn là bao nhiêu?

Trước hết, hãy nói về con số 10 ngàn tỷ. 10 ngàn tỷ, đó một con số quá lớn đối với tôi, đến nỗi ban đầu tôi không dám viết nó ra bằng số (quá nhiều số không!!!!) mà chỉ dám viết chữ mà thôi. Vì thực ra nếu viết bằng số có khi tôi lại viết sai cũng nên, khổ quá, cả đời có bao giờ được tính toán đến tiền tỷ đâu mà dám chắc là mình viết đúng!

Thôi, thì cũng phải viết thử ra xem chứ nhỉ, chẳng lẽ lại chịu thua? Để xem nào, 1 triệu là 6 số không, vậy 1 tỷ là 9 số không. Một ngàn thì thêm 3 số không nữa, vậy là 12 số không. 10 ngàn thì lại thêm vào đấy 1 số không nữa, vậy tổng cộng là 13 con số không, dẫn đầu bằng một con số 1. Trông nó như thế này đây: 10 000 000 000 000. Hừm,  một con số mà tôi không lấy gì làm thiện cảm, vì có đến 13 con số không – nhưng có lẽ đó cũng chỉ là cảm tính mà thôi, đàn bà ấy mà các bạn ạ, chấp làm gì cho mệt.

Nhưng 10 ngàn tỷ của đơn vị gì mới được chứ? À, thì đơn vị là tiền (tức là Việt Nam đồng, VND ấy ạ), chứ còn gì nữa. Tiền tỷ. Tiền nhiều ngàn tỷ, để xây dựng trụ sở của một Bộ mà gần đây bỗng trở nên nổi đình đám quá sức do có một vị bộ trưởng mới, trẻ, năng động, và có nhiều sáng kiến mà bọn phản động, thế lực thù địch, chống phá vv và vv chúng dám gọi là tối kiến.

Tôi thì tôi chẳng dám có ý kiến gì ở đây cả, vì thậm chí viết cho đúng con số 10 ngàn tỷ đối với tôi còn khó khăn, thì làm sao tôi dám ho he gì về việc số tiền đó nhiều hay là ít, để mà xây dựng và hiện đại hóa các trụ sở và nơi làm việc của một bộ tối quan trọng thế kia. Chứ gì nữa, thử nghĩ nếu không có trụ sở cho tử tế, công việc giao thông vận tải chỉ cần ngưng lại một ngày thôi, thì có mà tai họa lớn cho cả nước! Vả lại, chắc là 10 ngàn tỷ của cái thời vật giá leo thang, giá xăng mới tăng và mọi thứ khác chắc chắn sẽ tăng theo chứ không hề chịu thua kém, chắc nó cũng chẳng lấy gì làm to lớn cho lắm, chắc là thế. (Chứ nếu không thì làm sao mà bộ trưởng của chúng ta lại dám phê duyệt số tiền ấy một cách dễ dàng đến thế?)

Cho nên, nói gì thì nói, dù cho có ai nói ngả nói nghiêng gì, tôi là tôi cứ hoan hô việc hiện đại hóa trụ sở của bộ ấy, 10 ngàn tỷ chứ 100 ngàn tỷ hay 1 triệu tỷ, gì gì nữa thì tôi cũng cứ thông hết (nói thế cho oai mà lại, chứ ai người ta thèm đến mình mà đòi thông với chả không thông?)

Tóm lại, 10 ngàn tỷ là số tiền mà bộ trưởng nổi tiếng của chúng ta đã phê duyệt để xây dựng trụ sở làm việc của toàn ngành giao thông vận tải trong thời gian tới. Tôi nói có sách mach có chứng cả đấy, ai không tin thì vào đọc ở đây này: http://www.baomoi.com/Hang-tram-ngan-ti-dong-de-hien-dai-hoa-o-mot-bo/45/8332729.epi.

Thế còn một trăm ngàn? À, con số này thì đối với tôi dễ chịu hơn nhiều, vì nó quen thuộc đối với tôi. 100 ngàn là số tiền mà hôm qua ở sân bay Nội Bài, trong khi chờ chuyến bay lúc 8 giờ tối, tôi đã phải tiêu tốn hết để ăn một bữa nhẹ lúc 7g, gồm một gói mì ăn liền và một ly nước cam tươi (hình như cũng còn dư vài ngàn). Hoặc bằng 4 bữa cơm trưa văn phòng tôi ăn ở căng-tin của trường, gồm một chén cơm (úp ngược) và một ít thịt/cá/trứng và một chén canh (mỗi bữa là 25 ngàn). Rất dễ để tính toán, đối với một người dốt toán như tôi.

Cho nên câu hỏi 100 ngàn thì bằng một phần bao nhiêu của mười ngàn tỷ đối với tôi quả thật là một bài toán khó. Khó, nhưng không phải là không giải được, thì cứ tính từ từ rồi cũng sẽ ra thôi. Để tôi tính cho mà xem nhé, 10 ngàn tỷ với 100 ngàn thì cũng như 10 tỷ với 100 (vì giản lược cái phần “ngàn” đi rồi). Mà 10 tỷ thì có 10 con số không, còn 100 thì có 2 con số không. Tức là chênh lệch đến 8 con số không. Mà 6 con số không thì là hàng triệu, vậy 8 số không thì là hàng 100 triệu. Hay nói cách khác, 10 ngàn tỷ thì gấp 100 triệu lần con số 100 ngàn. Một trăm triệu lần. Đấy, 10 ngàn tỷ so với 100 ngàn là như vậy đấy.

Nhưng thế thì sao, tại sao lại đem con số 10 ngàn tỷ xây dựng trụ sở của Bộ GTVT ra mà so sánh với con số một trăm ngàn, số tiền mà hôm qua tôi mới sử dụng để ăn một bát mì gói và uống một ly cam vắt ở sân bay nhỉ? Ừ thì … đó là số tiền đền bù đất một mét đất cho nông dân ở  Văn Giang, một số tiền mà theo những nhà đầu tư và cả nhà nước ở địa phương ấy nữa, là đã hoàn toàn thỏa đáng. Tin ấy ở khắp nơi trên mạng mấy ngày nay rồi, ai không tin hoặc chưa đọc thì có thể đọc ở đây này: http://viettri.vn/tintuc/15747-hon-160-ho-dan-bi-cuong-che-thu-hoi-dat-tai-du-an-ecopark.aspx. Cũng vì cái giá đền bù 100 ngàn ấy mà mấy ngày nay nhà nước ở địa phương phải nhọc công đem lực lượng đến cưỡng chế đến cả ngàn người, tôi xem hình thấy trùng trùng điệp điệp như cái lúc chúng ta còn đang “tất cả cho tiền tuyến” ấy, trông đến mà sợ.

100 ngàn, ai định ra con số ấy để đền bù cho dân nhỉ? Tôi cũng chẳng biết, 100 ngàn đối với tôi (vâng, ngay cả tôi, một người chưa bao giờ có nhiều tiền) thì cũng hơi ít, nhưng với Văn Giang thì tôi tin rằng có lẽ nó cũng đúng thôi. Chứ sao, chả đúng mà chính quyền lại đứng ra bênh vực cho người đầu tư và đem lực lượng đi cưỡng chế đất đai, mất lòng dân đến thế để làm gì? Chẳng qua là có mấy người chắc là bị ai xúi giục nên mới không chịu nhận số tiền (kể ra cũng ít ỏi thực) ấy. Thì, nông dân ấy mà, cần gì nhiều tiền, có tiền lại chẳng biết cách tiêu, rồi thì cũng phung phí hết mà thôi. Thế mà, chẳng hiểu ai xúi giục, mấy người nông dân chân đất ở Văn Giang lại dám chống lại lệnh cưỡng chế, để nhà nước phải đưa lực lượng vào giải tán, trông thật chẳng lấy gì làm đẹp mắt, lại có cớ cho bọn báo chí nước ngoài thọc vào nhao nhao nói xấu chế độ ta.

Hay là, hay là, tôi tự hỏi, trong số người dân Văn Giang ấy, cũng có người biết làm toán so sánh kiểu tiểu học giống như tôi, nên thấy rằng số tiền đền bù cho họ so với tiền xây trụ sở cho bộ GTVT là quá nhỏ, nên mới thắc mắc thế? Ừ, dám lắm chứ, vì VN ta vốn nổi tiếng thế giới về thành tích xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho toàn dân mà? Học xong, thế nào chẳng có người còn nhớ, nay có việc đụng đến lợi ích của mình thì về nhà áp dụng tính tính toán toán, rồi mới đâm ra bất bình, mới bướng bỉnh thế?

Thì, tôi cũng lẩn thẩn nghĩ thế, chả biết đúng hay sai nữa đây?

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Báo vàng, chữ đỏ, lá cải tươi và Hà Nội mới

Cái tựa của entry này chắc chắn là cần được giải thích.


Trước hết là báo vàng. Đấy là cụm từ tôi mới chế ra (!) để dịch thuật ngữ “yellow journalism” trong tiếng Anh. Còn yellow journalism là gì ư, thì định nghĩa đây, lấy từ trang thefreedictionary, link đây: http://www.thefreedictionary.com/yellow+journalism


Journalism that exploits, distorts, or exaggerates the news to create sensations and attract readers.

Loại báo chuyên khai thác, bóp méo sự thật, hay xuyên tạc thông tin để tạo sự giật gân và thu hút độc giả.

Cũng từ trang web nói trên, ta còn tìm được thông tin về nguồn gốc của từ báo vàng này. Theo đó, cụm từ này xuất hiện cách đây đã hơn 100 năm, từ năm 1885, ban đầu vốn là Yellow Kid Journalism để chỉ cái biếm họa có tên Yellow Kid (Thằng nhóc vàng – vàng đây là vàng của lá úa, chứ không phải là vàng thứ kim loại quý hiếm mà ở VN hiện nay nhà nước đang độc quyền quản lý vv đâu ạ) trên tờ New York World, tờ báo chuyên khai thác đề tài giật gân của thời đó.

Tóm lại, báo vàng, cũng giống như nhạc vàng vốn bị nghiêm cấm hồi mới “giải phóng”, là một loại báo tồi tệ, độc hại, là văn hóa phẩm đồi trụy, đáng phải tịch thu và đốt sạch. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ thời tôi mới vào học đại học năm 1978 thì đang có đợt vận động truy quét văn hóa phẩm đồi trụy mà sinh viên tụi tôi cũng phải/được tham gia; sách vở bị thu gom về đổ thành đống trong sân trường, chẳng biết sau đó được chở đi đâu và làm gì. Bố tôi có mấy băng cassette ghi nhạc Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát, đặc biệt là mấy bài trong tập Ca khúc da vàng, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành mà nộp đi hết, sau này tiếc đứt ruột.

Rồi, vậy là xong chuyện báo vàng. Thế còn chữ đỏ? Phải chăng chữ đỏ là chữ của cách mạng, là “ánh dương soi đời mới”, xua tan sự u tối của tinh thần là hậu quả của cái văn hóa đồi trụy phản dộng do mấy tờ báo vàng kia gây ra?

Ôi, nếu các bạn nghĩ thế thì không phải đâu ạ, nhầm to rồi, mặc dù tôi hoàn toàn hiểu được tại sao các bạn lại nhầm như thế. Chứ nếu không thì bao nhiêu năm ăn học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, ngay từ thời “em là búp măng non em lớn lên trong thời cách mạng”, được Đảng quang vinh và nhà nước ta chăm lo giáo dục kèm cặp, rồi lại được hưởng thụ một nền báo chí cách mạng vốn lành mạnh và trong sạch như vậy, chẳng lẽ uổng công sao, phải không?

Thực ra, chữ đỏ là từ tôi cũng mới nghĩ ra để dịch cụm từ « red top » trong tiếng Anh (chủ yếu dùng ở Anh Quốc, UK), mà nghĩa của nó thì cũng tương tự với cụm từ “báo vàng” ở trên. Xem giải thích ở đây này, cũng lấy trên mạng, link đây: http://www.enotes.com/topic/Red_tops

In the United Kingdom, the red tops are newspapersthat have a red masthead, and which share an emphasis on entertainmentnews, celebrities, sportsand political scandals. The red tops are all printed in the tabloidformat, and include The Sun, the Daily Mirror and the Daily Star, along with various local and regional newspapers.

Dịch tóm tắt: Ở UK, đó là những tờ báo có tựa được viết bằng chữ đỏ, có nội dung nhấn mạnh các tin tức về giải trí, các nhân vật của công chúng, thể thao và các vụ tai tiếng chính trị. Một vài tờ báo “chữ đỏ” tiêu biểu là The Sun, the Daily Mirror, the Daily Star chẳng hạn.

Tóm lại, cả “báo vàng” lẫn “chữ đỏ” đều chỉ một loại báo mà ở VN ta hay gọi là “báo lá cải”. Tại sao lại gọi là báo lá cải ư, tôi cũng chẳng rõ nữa. Tìm ở mấy mục giải đáp trên mạng thì thấy có mấy giải thích như thế này:

Cái này mình gọi theo Tây: feuille de chou (mauvais journal) - lá cải (tờ báo xấu)
Còn tại sao Tây gọi thế thì có lẽ: thứ nhứt, feuille vừa có nghĩa là tờ giấy báo, vừa có nghĩa là chiếc lá. Thứ hai, có thể lá cải là một thứ rau rẻ tiền. Hai ngữ nghĩa này đủ tư cách thể hiện thuộc tính tờ báo mà nó miêu tả.
-----------------
Ý kiến thêm: Feuille de chou dịch ra là lá củ su. Củ su thì hữu dụng, còn lá của nó là đồ vứt đi. Vậy báo lá cải - feuille de chou - là thứ báo chí "vứt đi" (ý kiến riêng của người viết
).
-----------------
Ngày trước khi coi thường thì người ta gọi vậy,như hôm nay gọi thế cũng tủi thân cho lá cải lắm.Ở báo "lá cải" toàn bọn lái cả,đưa tin lăng nhăng,thất thiệt có khi hại người ta tan cửa nát nhà thân bại danh liệt, còn độc hơn thuốc độc phải gọi "lá ngón" mới đúng.


Lại còn có câu trả lời này mới thú vị này:
Các bác nhầm nhọt hết.
Báo lá cải là xuất phát từ tiếng việt 100%, còn tiếng pháp là mượn từ tiếng việt.
Vì sao gọi là báo lá cải: đơn giản vì từ xưa đến giờ lá cải rất nhiều sâu, nhiều lỗ thủng, giống như các bài viết bây giờ, rất nhiều sâu. Đến ngày nay lá cải đã ít sâu đi, nhưng vì sao vẫn gọi là báo lá cải, vì đơn giản là để ít sâu thì người ta phun rất nhiều thuốc trừ sâu => độc hại vô cùng.
Vì thế mà bây giờ nhiều nông dân trồng rau cũng rất lưu ý xem rau có bị sâu xia gì không.

Đấy cái lý do nó đơn giản thế thôi.

Hừm, đọc hết mấy cái giải thích này xong thì rối cả lên, chẳng biết cái cụm từ báo lá cải xuất phát từ đâu nữa. Nếu là từ tiếng Pháp thì thật ra phải gọi là “báo lá su” mới đúng chứ nhỉ. Còn nếu xuất phát từ tiếng Việt như lời giải thích cuối cùng thì cũng hơi lạ là tại sao lời giải thích này không mấy phổ biến? Vả lại, cải là một loại rau rất phổ biến của người VN, đặc biệt là của người bình dân, lại được nông dân mình trong khắp nơi. Hơn nữa, cảnh đồng cải lá xanh hoa vàng là một trong những hình ảnh đẹp đẽ của quê hương; gọi như thế thì hóa ra là xúc phạm người nông dân và thóa mạ một hình ảnh thân thương của đất nước hay sao? Không thể thế được.



Khó nghĩ thật. Thật là “Anh biết tin ai bây giờ”, hèn chi mà nhà nước ta cứ phải định hướng báo chí để cho thông tin nó thống nhất, khỏi gây hoang mang cho dân chúng như tôi bây giờ đây này. Đúng là nhà nước ta quả là sáng suốt.

Nhưng thôi, dù có gọi là lá cải tươi hay chữ đỏ hay báo vàng, thì nó cũng chỉ nói đến một loại báo chí thôi, đó là báo chí chất lượng thấp, viết theo kiểu giật gân, đưa tin nhảm nhí, moi móc đời tư cá nhân, những trò vặt vãnh rẻ tiền để câu độc giả. Một loại sản phẩm tồi tệ của bọn tư bản giãy chết (mà quả thực nó giãy quá cơ, giãy mãi mà sao vẫn không chết), chứ làm sao mà có thể tồn tại ở một đất nước xã hội chủ nghĩa tươi đẹp như Việt Nam.

Thế còn Hà Nội Mới, có liên quan gì? Vâng, tôi biết. Tờ HNM là một tờ báo Đảng, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, thủ đô yêu dấu. Tôi không bao giờ dám nghĩ chứ đừng nói là tin rằng tờ báo ấy lại có thể gọi báo vàng, chữ đỏ, hay báo lá cải – thứ báo chí nhảm nhí, rẻ tiền như nhiều người vẫn nghĩ.

Nhưng hôm nay, thấy mấy trang mạng của bọn phản động, thế lực thù địch trong và ngoài nước (ở đâu ra mà lắm thế không biết) nhắc đến và chỉ trích mấy bài viết trên tờ HNM về chị Bùi Thị Minh Hằng, một người đang được cưỡng chế giáo dục cải tạo ở trại Thanh Hà vì lý do tụ tập đông người (hình như cũng không đông lắm thì phải, vì dân Việt ta rất ngoan, mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo rồi). Chị ấy được cho là có tội lợi dụng lòng yêu nước chống Tàu của đại đa số người Việt để gây mất trật tự công cộng làm cho nhà nước ta lo lắng. Tôi tò mò vào đọc, xem thử bọn phản động thù địch này nó xuyên tạc nhà nước ta những gì, để mà còn cải chính giúp.

Nhưng khi đọc xong mấy bài báo ấy thì, xuỵt, nói nhỏ nhỏ thôi nhé, kỳ lắm các bạn ơi, tôi thấy bọn phản động, thế lực thù địch trong và ngoài nó nói không oan chút nào. Cái tờ HNM ấy, nó giống lắm, giống quá … "Oản … giống oản; xôi … giống xôi". Đây, mấy bài viết ấy ở đây này, các bạn đọc thử mà xem: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/544340/bai-1-dua-con-bat-hieu-bat-nghia.



Nên mới bật ra cái tựa bài viết này, mà tôi mất công giải thích dài dòng từ nãy đến giờ, là thế.

Khó hiểu, và khó nghĩ quá, các bạn ạ.

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Làm sao mà tôi không khóc cho được?


Tôi đang muốn khóc. Không, nói đúng hơn, tôi đang khóc. Khóc âm thầm, nước mắt không tuôn ra bên ngoài, mà chảy vào bên trong nên không ai thấy, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không khóc.



Làm sao mà khóc, hử? Có chồng con đề huề, có nhà cửa và việc làm ổn định, lại có cả xe cộ để đi lại – 3 người trưởng thành mỗi người một chiếc xe máy, còn con bé 15 tuổi thì một chiếc xe đạp – tóm lại là mọi thứ đều có cả rồi, mắc mớ chi mà (muốn) khóc? Ông xã tôi gằn giọng, hỏi tôi như thế.



Trời ơi, “làm sao mà tôi không khóc cho được?” Cái câu cửa miệng của tôi, vốn lấy ra từ câu chuyện “Cáo, thỏ và gà trống” của trẻ em mẫu giáo, trước giờ chỉ để đùa vui, nhưng bây giờ bỗng trở thành sự thực, một sự thực làm quặn thắt lòng tôi.



Ừ, làm sao mà tôi không khóc cho được cơ chứ, khi một người yêu nước như tôi, mà bây giờ lại bị người ta tước mất cái quyền đóng góp cho đất nước như thế này?



Cái gì, ai, đứa nào đã tước đi của em cái quyền đóng góp cho đất nước? Ông xã tôi bảo. Nhưng, em có nói ra thì anh cũng có thay đổi được gì đâu? Thì cứ nói ra xem đã nào, ông xã tôi gắt. Ừ, thôi thì nói vậy.



Là như thế này. Mới đây ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT có đưa ra kế hoạch thu phí ô tô, xe máy. Theo đó, mọi người sử dụng đường xá để đi lại thì rõ ràng cần phải đóng góp vào là lẽ đương nhiên, thế mà hiện nay người ta lại chưa thu hết, mà chỉ mới thu phí ở một số tuyến đường thôi. Nên bây giờ phải tiếp tục tận thu, cho đủ. Ai sử dụng đường xá cũng phải đóng cả.



Đúng quá, phải không. Nhưng dân ta, vốn quen thói sử dụng chùa mọi thứ, ví dụ như … không khí để thở, và tất nhiên là … đường xá để đi lại (trừ những đoạn có thu phí, nhưng mà ít lắm, mà nếu muốn tránh thì hoàn toàn có thể đi đường khác), mới nghe đến chuyện đóng phí là đã la ầm lên, không chịu. Dân gì mà hư thế không biết.



Vì dân chưa đồng thuận, nên Bộ trưởng đã giãn kế hoạch ra, chưa thu ngay tất cả, mà chỉ mới định thu phí xe ô tô thôi. Số lượng người có xe ô tô sắp phải đóng phí, theo tính toán của Bộ trưởng, là cỡ 600,000 người. Sáu trăm ngàn người, nghe cho rõ nhé, trên một đất nước gần chín mươi triệu dân. Tức là chưa đến 1%. Quá ít, vì một trăm người vẫn chưa có nổi một người, chẳng thấm vào đâu cả. Và tất nhiên, tôi không nằm trong số sáu trăm ngàn người đó.



Thế thì sao, không phải đóng phí chứ gì, vậy có gì mà khóc? Ối trời ơi anh ơi, làm sao mà em không khóc cho được? Anh không nghe Bộ trưởng nói kia à, ông tin rằng những người dân (được đóng phí) sẽ tự hào, hạnh phúc khi đóng phí, vì đó là đóng góp cho đất nước cơ mà. Đóng vào, để nhà nước ta có tiền mà cải thiện hệ thống đường xá, hạ tầng giao thông của đất nước chứ. Để tệ hại như hiện nay thì coi sao được? Quá đúng.



Đấy, thế mà tôi, một người cũng sử dụng phương tiện giao thông hàng ngày, không những thế còn đi rất xa, trước đây là chạy tít lên Thủ Đức (gần Bình Dương, xa hơn Suối Tiên) đi làm hàng ngày, nay lại chạy xuống tận cầu Tham Lương (quận 12) cũng hàng ngày, mà lại không phải đóng phí gì cả, là sao? Hóa ra là tôi đang xài chùa, ăn bám vào nhà nước? Mà chỉ là do tôi không có đủ tiền để mua xe ô tô thôi, nên không có được niềm tự hào, hạnh phúc được đóng góp?



Lẩn thẩn, tôi tự hỏi, tại làm sao mà tôi không có tiền để mua xe ô tô nhỉ? Ừ thì tôi học xong thì được giữ lại trường, hãnh diện lắm, rồi làm miết, làm miết tới giờ (chính xác là tới tháng 8 năm ngoái), bao lần có cơ hội làm bên ngoài, làm cho công ty nước ngoài hoặc tư nhân, lương khá hơn gấp cả chục lần, nhưng tôi lại cứ kiên trì bám vào khu vực công. Vì tôi nghĩ như thế mới là yêu nước, là đóng góp.



Mà đã làm cho nhà nước thì làm sao mà có tiền mua ô tô riêng được nhỉ, tôi tự hỏi (mặc dù vẫn thấy có nhiều người làm cho nhà nước nhưng giàu lắm). Ví dụ như trường hợp của tôi, cho đến khi tôi nghỉ nhà nước cách đây gần 1 năm là tôi đã làm được 28 năm liên tục, và mức lương của tôi khi nghỉ, đã cộng tất cả các khoản trợ cấp vv, là … chưa đến 10 triệu. Tất nhiên, đó đã là mức phải đóng thuế thu nhập rồi, và tôi luôn đóng rất chăm chỉ, chưa bao giờ trốn, kể cả những thu nhập lắt nhắt như lâu lâu có dạy thêm chỗ này, chỗ khác, hoặc viết bài báo được vài trăm ngàn đồng.



Trong khi đó, bạn bè tôi, những đứa nhanh chân bỏ nhà nước vào thời mới mở cửa để đi làm cho tư bản nước ngoài, hừm, cái bọn bóc lột ấy mà, hoặc bỏ nghề đi làm kinh doanh, buôn bán, giờ thì đứa nào đứa nấy đều có xe hơi cả rồi. Tức là lọt vào trong cái số 600,000 người sắp được quyền tự hào và hạnh phúc vì được đóng phí để góp phần nâng cao chất lượng của hạ tầng giao thông của đất nước, vốn cũng là bộ mặt của nước VN, và là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế gì gì đấy. Trời ơi, tại sao trong số 600,000 người ấy lại không có tôi, một người thiết tha yêu nước? Tại sao, tại sao, tại sao????



Cho nên mới hỏi, “làm sao mà tôi không khóc cho được?”  Vì ông xã tôi nghe đến đấy thì … cũng im luôn rồi, không nói thêm được gì nữa.



Làm sao mà tôi không khóc cho được, cơ chứ?