Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Ngỡ trái ngâu vàng trước cửa vuông ...

Câu thơ tôi dùng làm tựa entry này chẳng hiểu tôi đã đọc từ đâu, chỉ biết là nó nằm sẵn trong trí nhớ của tôi, gắn chặt với những ký ức nhẹ nhàng thoảng chút hương thơm dìu dịu. Như chính mùi hương tỏa ra từ những hạt ngâu vàng nho nhỏ, xinh xinh ấy, mà từ bé tôi đã rất thích.

Sân nhà tôi hiện giờ cũng có một cây ngâu. Cái cây ngâu nho nhỏ mà ông xã tôi mua về trồng cách đây vài tháng ấy, giờ đã ra hoa đến đợt thứ hai. Cứ mỗi lần bước ra sân, tôi lại ngập trong mùi hương dịu dàng ấy, và ký ức cứ thế ùa về.

Tôi vẫn nhớ lần đầu nhìn thấy cây ngâu cổ thụ đang mùa, bông nở vàng tỏa hương ngào ngạt khắp vườn nhà của cô bạn cùng lớp thời tiểu học của tôi. Thậm chí tôi còn nhớ rõ ngôi nhà ấy, dù từ ấy đến nay đã gần nửa thế kỷ rồi, một căn biệt thự nhỏ với một khoảng sân be bé nằm trong một con hẻm đường Lê Văn Duyệt (nay là đường CMT8), thuộc xứ Thái Hòa.

Hôm ấy cũng vào mùa mưa như bây giờ, trời không mưa nhưng bầu trời không có nắng, căn nhà toát ra một vẻ gì cổ xưa,  với chiếc cửa sổ hình tròn từ căn phòng nhô ra theo hình chữ L nhìn ra vườn ngay chỗ cây ngâu. Căn phòng ấy bạn tôi bảo là gian của bà nội bạn ấy, có một vẻ thâm nghiêm, cũ kỹ làm tôi sờ sợ. Bọn tôi không đi vào nhà mà ở ngoài sân nói chuyện với nhau dưới gốc cây ngâu cổ thụ xanh um điểm vàng lấm tấm ấy, và chỉ thế thôi, mà hình ảnh cây ngâu vàng với mùi hương ngọt ngào ấy đã kịp tạo ra một ấn tượng tuyệt vời hằn sâu trong ký ức của tôi.



Và quên đi. Hồi tôi học ở tiểu học, có một thời gian gia đình tôi không có chỗ ở ổn định mà phải thuê nhà, ở những nơi khá chật chội, nên việc có một khoảnh đất trồng cây đối với tôi là điều không bao giờ có thể mơ tưởng được. Thế rồi số phận run rủi, chẳng biết sao đến khi tôi học trung học đệ nhất cấp (bây giờ là trung học cơ sở, trước nữa người ta gọi là cấp 2) thì bố mẹ tôi chuyển nhà đến ngay đối diện con hẻm của nhà cô bạn thời tiểu học của tôi. Căn nhà lầu đúc 2 tầng ở mặt đường lớn, dù không có đất để trồng cây nhưng khá rộng rãi, thoáng mát, và đặc biệt là có một ban công dài có thể đặt các chậu trồng cây. Chúng tôi chuyển đến căn nhà ấy vào khoảng giữa năm 73, vào lúc chiến tranh VN ở vào giai đoạn cuối …. 

Rồi thì những mẩu ký ức nhòe nhoẹt quanh sự kiện 30/4, và sau đó là bố tôi không còn đi làm dù chỉ mới ngoài 40. Lý do chinh thức là vì sức khỏe, và điều này không phải là không đúng, nhưng tôi nghĩ một phần (và là phần lớn) nguyên nhân của việc bố tôi nghỉ việc là vì ông không cảm thấy có thể hòa nhập vào hệ thống mới. Điều này lúc ấy tôi không hiểu, mà phải mãi đến sau này, khi tôi có gia đình và trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, tôi mới có thể hiểu được.

Bố tôi, một người đàn ông vừa mới ngoài 40, trong độ tuổi vừa chin, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp,  là trụ cột của giai đình, thì mọi sự dưng bỗng đảo lộn: mẹ tôi, và phụ với mẹ là chính tôi, lúc ấy vẫn còn là một đứa trẻ con, trở thành những người gánh vác gia đình về kinh tế, còn bố tôi thì quanh quẩn ở nhà nội trợ, đọc sách, và quanh quẩn trồng cây.

Trên chiếc sân thượng mà trước đây bố tôi mua những cây cảnh để chưng cho đẹp (tôi vẫn nhớ hai chậu cây kiểng với hình con nai rất đẹp mà sau năm 75 chẳng hiểu sao cũng bị héo tàn) giờ được trồng linh tinh những cây thuốc nam – trồng theo phong trào được nhà nước khuyến khích, vì lúc ấy VN rơi vào tình trạng bị cô lập, thiếu thốn dược phẩm, bệnh tật chẳng có thuốc men gì. Nào xuyên tâm liên thay cho thuốc kháng sinh, nào húng chanh để trị ho, rồi cái gì mà “rễ tranh, rau má, cỏ mần chầu …”. Bố tôi còn đặt ra cả một bài thơ về công dụng của các cây thuốc nam nữa cơ, nhưng đã lâu qua nên tôi quên mất rồi. 

Giờ đây nhớ lại, tôi nghĩ lúc ấy chắc bố tôi buồn lắm. Vợ con đầu tắt mặt tối đi làm, đi học, đi lao động “xã hội chủ nghĩa” (đào kênh – kênh Nhiêu Lộc trong xanh ngày nay, hồi ấy đã có nhiều mồ hôi của tôi đổ xuống), thì bố tôi lại chỉ quanh quẩn ở nhà – ừ thì cũng có bạn bè, những người hoàn cảnh cũng không khá hơn gì bố tôi là mấy, rồi thì họ hàng, tổ dân phố, và cả nhà dòng nữa (bố tôi vào dòng ba Phan Sinh, và tìm thấy ở đó một nguồn an ủi thực sự, tôi tin như vậy). Nhưng bạn bè đích thực của ông là mảnh “vườn” trên ban công. Ông trồng đủ thứ, hết rau thơm lại đến thuốc nam, cứ rộ lên phong trào gì ông lại trồng thứ đó, có một dạo đầy sâm đại hành, rồi sau đó chán, lại nhổ bỏ, trồng thứ khác.

Và rồi, đến một lúc nào đó tôi chẳng rõ, chính trên ban công nhà tôi xuất hiện một cây ngâu. Hình như đời sống đã dễ thở hơn một chút, người dân dược tự do buôn bán (trước đó, tiểu thương bị xem là chân rết của bọn tư sản mại bản, phá hoại chính sách nhà nước …). Tôi đã lập gia đình, chỉ thỉnh thoảng mới về nhà thăm cha mẹ. Trên thị trường, hàng hóa đã dồi dào hơn, thuốc men cũng đã có, không còn cảnh mọi người dân đi khám bệnh ở các trạm y tế đều được xuyên tâm liên trị bá bệnh…. Sân thượng, mảnh vườn của bố tôi, cũng không còn các loại rau thuốc nam, mà đã lại xuất hiện các cây cảnh. Tôi nhớ có một cây bông lài, hình như có cả lan đất, nhưng tôi nhớ nhất là cây ngâu.

Được trồng từ một cây giống nhỏ chỉ khoảng  hơn nửa mét, đến lúc tôi để ý đến nó thì cây ngâu mà bố tôi trồng trong lu nước trên sân thượng đã cao cao lớn, cành lá xum xuê. Cứ đến mùa mưa là hoa ngâu lại nở đầy, nếu không kịp hái thì những hạt ngâu vàng vàng nho nhỏ như hạt cườm lại rụng đầy mặt đất, rất đẹp. 

Nhưng tất nhiên là bố tôi không  bao giờ để phí phạm thế. Vì hoa ngâu có thể dùng để ướp trà, mặc dù như một loại trà ướp hương thì trà ngâu không ngọt ngào và phổ biến như trà lài, không sang trọng như trà sen, không nồng nàn như trà sói, không thanh tao như trà cúc, nhưng nó có một nét rất riêng, nhuần nhụy và ấm áp. Và vì vậy, cứ mỗi lần hoa ngâu nở nhiều là bố tôi lại lui cui đi hái bỏ vào một cái chén, để khi mẹ tôi đi bán hàng về sẽ đưa cho mẹ tôi.

Tôi cũng nhớ rất rõ cảnh mẹ tôi hí hửng bưng chén ngâu đầy mà bố tôi để dành cho mẹ tôi (những lúc hoa nở rộ và hái khéo léo) đưa lên ngửi, thở một hơi dài khoan khoái, và sau đó lụi hụi bỏ vào một chiếc hộp thiếc và trộn vào đấy một ít trà mộc mà nhà tôi lúc nào cũng có sẵn vì mẹ tôi làm nghề ướp trà, rồi để dành để uống. Những đốm sáng trong ký ức của tôi về những năm tháng tối tăm ấy, những niềm vui thật nhỏ bé nhưng cũng thật cần thiết cho cuộc sống cực nhọc bộn bề sau năm 75 mà bố mẹ tôi đã trải qua.  

Tất cả những điều này thực ra tôi chỉ mới hiểu đây thôi, chứ hồi ấy tôi không nghĩ gì cả. Mọi thứ cứ diễn ra trước mắt tôi, và bộ não tôi chỉ chăm chỉ làm nhiệm vụ ghi lại một cách trung thành những gì đã xảy ra, như một máy quay phim vô hồn thế thôi.

Tôi hiểu ra khi giờ đây chính tôi ở tuổi của bố tôi thời ấy. Và tôi thấy mình mỗi chiều lại lui cui mò mẫm bên cây ngâu vẫn còn gầy còm mảnh khảnh trong sân nhà tôi,  canh chừng cho ngâu vừa chín để  hái, dù chỉ được một bụm nhỏ trong tay chứ không bao giờ được cả chén như bố tôi ngày ấy. Dù ít, nhưng gần như ngày nào tôi cũng phải canh để hái. Vì ngâu hái sớm thì sẽ không có hương, nhưng khi đã chín thì phải rất nhẹ tay, nếu không thì hạt ngâu sẽ rụng hết.

Và rồi, cũng như mẹ tôi, tôi nâng niu từng hạt vàng, bỏ vào chiếc hộp thiếc đựng trà, để những cánh trà khô sẽ hút hết hương thơm dịu dàng vào trong ấy. Để rồi khi đưa tách trà vàng nhạt nghi ngút khói lên miệng, tôi lại thấy ngây ngất một mùi hương, và tự dung thấy mình rưng rưng muốn khóc ….

Không, không phải hương trà, mà là hương của thời gian. 

Hương thời gian không nồng/Hương thời gian thanh thanh (Đoàn Phú Tứ).