Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Lãnh tụ học sinh “cực đoan” 17 tuổi của Hồng Kông bị bắt trong đợt biểu tình dân chủ quy mô lớn

Dẫn:
Mặc dù khi tôi sắp đăng bài này lên thì đã nhận được tin Joshua Wong đã được thả vô điều kiện, nhưng bài viết mà tôi đã chọn để dịch (con trai dịch thô, mẹ biên tập lại) dưới đây vẫn là một bài đáng đọc để hiểu chi tiết những diễn biến đang xảy ra tại Hongkong, và đưa ra những dự báo cho thời gian sắp tới.
-----------


Joshua Wong[1], nhà hoạt động học sinh mới 17 tuổi, đồng thời là lãnh đạo của phong trào Scholarism tại Hồng Kông, được cho là đã bị cảnh sát bắt trong đợt biểu tình phản đối chính quyền của sinh viên vừa qua.

Theo thông tin do bà Yvonne Leung Lai-kwok[2], chủ tịch hội sinh viên Đại học Hong Kong, cung cấp cho tờ Nhật Báo Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) thì Wong đã bị bắt cùng với bốn người biểu tình khác tại trụ sở chính phủ Hong Kong, và hiện đang bị cáo buộc tội danh tấn công cảnh sát.

Vụ việc trên xảy ra vào cuối đợt bãi khóa kéo dài cả tuần lễ của học sinh  nhằm phản đối hành động bác bỏ quyền phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông, một điều  vốn đã được chính phủ Trung Quốc hứa hẹn trước đây.

Có hơn 5.000 học sinh, sinh viên Hồng Kông đã tiến hành biểu tình phản đối “trái luật” trước trụ sở cơ quan chính phủ Hong Kong tại công viên Tamar trong vòng năm ngày liên tiếp. Tối ngày 26 tháng 09 vừa qua, đã có ít nhất 100 học sinh, sinh viên đột nhập vào Quảng trường Dân sự (Civic Square), khu vực công cộng vốn đã được phong tỏa từ vài tháng trước.

Ngay sau đó, cảnh sát trang bị bình xịt hơi cay đã được điều động để giải tán cuộc biểu tình và bắt giữ những người đột nhập vào quảng trường.
Khi Hồng Kông được chính phủ Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, hai bên đã đồng ý thỏa thuận việc thuộc địa cũ này của Anh sẽ tồn tại song song với Trung Quốc theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", đồng nghĩa với việc Hồng Kông được phép được tự chủ, thậm chí được phép có nền dân chủ thực sự. Tuy nhiên, những lời hứa đó đã không bao giờ được thực hiện, và điều này đã làm cho người dân Hồng Kông thực sự thất vọng.  
Tháng trước, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép người Hồng Kông bỏ phiếu bầu lãnh đạo kế tiếp của họ vào năm 2017 như đã hứa, nhưng các ứng cử viên phải được sự chấp thuận của một ủy ban do Bắc Kinh lựa chọn. Những nhà hoạt dân chủ như Wong cho biết điều đó sẽ phá tan mọi hy vọng về một lựa chọn dân chủ thực sự.
Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều người dân Hồng Kông. Lãnh đạo các trường đại học, giảng viên và liên đoàn giáo viên lớn nhất tại Hồng Kông đã cam kết ủng hộ việc biểu tình. Hầu hết các trường đại học đều tuyên bố rằng những sinh viên tham gia vào các cuộc biểu tình sẽ không bị nhà trường trừng phạt.

Về phần Wong, cậu đã là một trong những lãnh đạo của phong trào học sinh, sinh viên kể từ năm 2011. Cậu bắt đầu hoạt động chính trị của mình từ năm 15 tuổi, ngay sau khi chính phủ trung ương có ý định áp  dụng chương trình “Giáo dục đạo đức và lòng yêu nước” thân cộng tại những trường công lập tại Hồng Kông. Để đáp lại hành đông ấy, Wong đã khởi xướng phong trào biểu tình sinh viên Scholarism. Vào tháng 9 năm 2012, phong trào đã tập hợp được 120.000 người biểu tình và tổ chức 13 đợt tuyệt thực để thực hiện “chiếm đóng” trụ sở chính phủ tại Hồng Kông. Trước tình hình đó, giới lãnh đạo Hồng Kông đã rút lại đề xuất của mình.

Thành công của phong trào Scholarism đã khích lệ giới trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội. Scholarism có 300 thành viên thường trực là học sinh, sinh viên, và chính họ đã giúp tổ chức cuộc biểu tình trong tuần vừa qua.

Những nỗ lực của Wong đã khiến cậu bị các cơ quan truyền thông của chính chủ gắn cái mác “cực đoan”.

Mặc dù Wong có một phong cách lịch sự và hòa nhã, nhưng những phát biểu hùng hồn của cậu đã không giúp xua tan được cáo buộc  của chính quyền rằng cậu là một người theo “chủ nghĩa cực đoan”.

"Bạn phải xem mỗi trận đánh như là trận đánh cuối cùng của mình - chỉ khi như thế, bạn mới có đủ quyết tâm và dũng khí để chiến đấu (cho tự do, dân chủ)” – trích phát biểu gần đây của Wong với CNN.


[1]黃之鋒: Hoàng Chi Phong – sinh ngày 13 tháng 10, năm 1996 – lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên, người vận động & sáng lập phong trào Scholarism tại Hong Kong.
[2] 梁麗幗: Lương Lệ Quắc

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Vâng, lịch sử chẳng phải để hận thù ...

(Bài đã đăng trên IJAVN)
Nhặt được lời dẫn này trên trang blog Phó Nhòm Tây Bắc (http://ngocduonglc.blogspot.com), thấy hay nên chép về đây để lưu.


PNTB: Chắc chắn tác giả bài báo "Lịch sử không phải để thù hận" còn trẻ lắm, chị cũng chỉ biết CCRD qua sách báo và một số người già kể lại? Còn ta: "mắt thấy, tai nghe"... Theo ta: "Lịch sử không phải để hận thù", nhưng nó phải là bài học cho những kẻ hậu thế. Muốn vậy, phải tôn trọng sự thật lịch sử, phải học cho nghiêm túc, mới mong tránh được những điều tàn ác đối với đồng loại, mới mong xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho con người....
-----------

Vâng, lịch sử chẳng phải để hận thù …

Tôi đã chẳng viết bài này nếu không đọc được phản ứng của “cô ấy” trên facebook. 

“Cô ấy” là một phóng viên trẻ, là tác giả của bài viết có tựa đề “Lịch sử không phải để thù hận”[1] vừa đăng trên VnExpress cách đây vài ngày, liên quan đến cuộc triển lãm cải cách ruộng đất vừa mới mở ra đã bị đóng cửa, có lẽ vì … nhạy cảm.

Khi nghe về cuộc triển lãm, tôi đã tự nhủ là sẽ cố tránh, không nói gì hoặc viết gì để gợi thêm những ký ức đau lòng đã tạm lắng nhiều thập niên, nay đang được dịp tuôn ra. Vì tôi đã nghe quá nhiều về những “ông đội” đằng đằng sát khí, những cuộc đấu tố vào ban đêm với đèn đuốc sáng trưng và tử khí ngút trời. 

Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, từ thời tiểu học tôi đã được xem bộ phim “Chúng tôi muốn sống”, bộ phim mà những người đã trải qua thời cải cách ruộng đất như bố mẹ tôi đánh giá khá cao vì tính chân thực. Tôi nhớ mình chỉ xem được một lúc rồi bỏ dở vì sợ hãi, và mãi đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ muốn xem lại dù bộ phim ấy có đầy trên Internet. 

Tôi cũng có người thân là nạn nhân trực tiếp của cải cách ruộng đất. Bác họ tôi – chị họ của bố tôi – bị kẹt lại ở Nam Định khi bác trai đưa mấy người con vào Hải Phòng trước, chờ người đưa bác gái ra sau để cùng di cư vào Nam nhưng không được, đành bỏ bác lại ở quê. Bác gái, một người chăm chỉ làm ăn và hà tiện đến “vắt cổ chày ra nước”, bị quy là địa chủ vì có chút của ăn của để hơn người. Hai bác ở vậy chờ nhau suốt  21 năm; luật đạo Công giáo không cho phép lấy vợ, lấy chồng khác khi người phối ngẫu chưa qua đời. Sau năm 1975, bác gái vào đoàn tụ với gia đình ở miền Nam, và mỗi khi có dịp thì bác lại tuôn ra hàng tràng ký ức của một thời mà bác không bao giờ quên được. 

Những ký ức rùng rợn, những hành động bạo tàn, những con người độc ác … tôi nghe mãi cũng nhàm. Tôi chẳng bao giờ kể lại, cũng chẳng bao giờ muốn nhớ. Nhưng, giống như nhân vật trong bài báo, bác tôi không thể quên. Dù bác chẳng có vẻ gì là thù hận với những kẻ đã đấu tố bác ngày xưa. Kể xong, bác chép miệng, “số phận của họ rồi sau cũng chẳng ra gì. Ông trời có mắt”.  

“Ông trời có mắt” là đạo đức căn bản của người Việt Nam.  Với đạo đức ấy, những người nông dân hiền lành đã sống với nhau hàng nghìn năm trong tình làng nghĩa xóm, và có lẽ đã chỉ (lỡ dại một lần) làm những điều trái đạo lý vì bị cuốn theo cuộc cách mạng trời long đất lở lúc ấy mà thôi.

Người ta cần tha thứ và quên đi để sống. Vì không ai có thể sống an lành với một vết thương sâu hoắm và nhức nhối trong lòng. Vì vậy, dù còn nhiều điều không đồng ý với bài viết của tác giả, tôi đã không tranh luận. Cũng như tác giả, tôi hiểu cải cách ruộng đất là một vấn đề lớn và còn quá nhiều câu hỏi mà một cuộc triển lãm nhỏ không thể trả lời hết. Tôi cũng hiểu có nhiều điều vẫn chưa thể trưng ra, vì nếu không có câu trả lời ổn thỏa thì sẽ xoáy thêm vào một vết thương chưa lành trong lịch sử dân tộc Việt. 

Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc được phản ứng trên facebook của tác giả, mà bạn bè đã chép lại một đoạn[2] và đề nghị tôi bình luận. Đoạn ấy như sau:

Ôi thế các ông các bà muốn gì ạ? Không cho bày thì bảo bưng bít. Không cho nói thì bảo bị bịt mồm. Giờ người ta bắt đầu cất lời, hé sạp hé mẹt thì các ông các bà chửi xối xả là bày ra cho nhục nhã. Tư liệu đấy, hiện vật đấy, các ông các bà tự hiểu lấy, đừng vin vào mấy nhời phi lộ rất quan phương của nhà chức trách rồi bảo bị bóp méo, bảo ngoan cố tranh công chối tội.”

Tôi đã chẳng ngạc nhiên khi đọc trong bài báo những lời ca ngợi thành quả của cải cách ruộng đất. Tôi hiểu tác giả có lẽ phải có phần bênh vực sau khi đã thẳng thắn nhắc đến những nỗi đau của nạn nhân. Tôi đã tin dụng ý của tác giả là muốn ủng hộ sự bạch hóa dần dần một vấn đề gai góc và đau thương trong lịch sử Việt Nam.

Nhưng khi tác giả khẳng định “tư liệu đấy, hiện vật đấy, các ông bà tự hiểu lấy”, và nhớ lại những gì đã được trưng bày trong cuộc triển lãm, tôi bỗng hiểu rằng tác giả rất chân thành tin cuộc cải cách ruộng đất là cần thiết. Chân thành khi nói về niềm vui của các nông dân “dắt con trâu ra đồng với tư cách chủ nhân ông”,ăn cơm trên bộ tràng kỷ mát lạnh xa lạ mà ba đời cha ông mình không dám mơ ước”. Dù những tài sản này không phải là thành quả sức lao động của chính họ, mà là kết quả của cuộc cách mạng “đánh đổ giai cấp địa chủ bóc lột”, như những văn kiện của Đảng đã rành mạch chỉ ra.

Thật đau lòng khi giai cấp mà cách mạng thấy cần phải tiêu diệt (trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ) có cả những người như ông bà của tác giả và người bác của tôi. Từ lúc nào, những người nông dân hiền lương bỗng chốc trở nên độc ác, căm hờn trong những cuộc đấu tố dã man, và làm sao họ vẫn có thể vui mừng hớn hở khi được chia “quả thực”, khi xác chết máu me của những người mới hôm qua còn là láng giềng vẫn còn nằm phơi ở ngoài kia hoặc chỉ mới được sơ sài chôn lấp. 

Không, tôi không nhắc lại để hận thù. Nhưng tôi và tất cả mọi người Việt Nam có lương tri đều cần trả lời câu hỏi: “Vì sao?”

Vì sao cùng trên một đất nước, cùng một nền văn hóa, cùng là người Việt da vàng máu đỏ, cùng với mục tiêu mang lại sự công bằng về sở hữu ruộng đất, giúp người nông dân làm chủ luống cày, mà ở miền Nam thì mọi việc xảy ra hiền hòa, êm ả, còn miền Bắc thì lại xảy ra những cảnh tượng đau lòng đến vậy? Để mãi đến 60 năm sau, thời gian đủ dài để hầu hết những người đã tận mắt chứng kiến những cuộc đấu tố đã không còn tồn tại, mà khi nhắc đến thì cải cách ruộng đất vẫn còn là một sự nhức nhối không nguôi?

Câu hỏi ấy chắc chắn một lúc nào đó phải được trả lời. Những sai lầm của giai đoạn đau thương ấy – và di hại mãi về sau của nó – chắn chắn rồi sẽ phải được phân tích cặn kẽ và sòng phẳng. Để bài học lịch sử được hiểu rõ, chứ không thể mãi né tránh.

Bởi, khi chúng ta không chịu học từ những sai lầm của lịch sử, thì lịch sử sẽ bắt chúng ta trở thành nạn nhân của chính những sai lầm ấy, cho đến khi bài học đã được học thuộc.
-------

Tôi đã chẳng viết bài này nếu không đọc được phản ứng của “cô ấy” trên facebook.

“Cô ấy” là một phóng viên trẻ, là tác giả của bài viết có tựa đề “Lịch sử không phải để thù hận” vừa đăng trên VnExpress cách đây vài ngày, liên quan đến cuộc triển lãm cải cách ruộng đất vừa mới mở ra đã bị đóng cửa, có lẽ vì … nhạy cảm.

Khi nghe về cuộc triển lãm, tôi đã tự nhủ là sẽ cố tránh, không nói gì hoặc viết gì để gợi thêm những ký ức đau lòng đã tạm lắng nhiều thập niên, nay đang được dịp tuôn ra. Vì tôi đã nghe quá nhiều về những “ông đội” đằng đằng sát khí, những cuộc đấu tố vào ban đêm với đèn đuốc sáng trưng và tử khí ngút trời.

Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, từ thời tiểu học tôi đã được xem bộ phim “Chúng tôi muốn sống”, bộ phim mà những người đã trải qua thời cải cách ruộng đất như bố mẹ tôi đánh giá khá cao vì tính chân thực. Tôi nhớ mình chỉ xem được một lúc rồi bỏ dở vì sợ hãi, và mãi đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ muốn xem lại dù bộ phim ấy có đầy trên Internet.

Tôi cũng có người thân là nạn nhân trực tiếp của cải cách ruộng đất. Bác họ tôi – chị họ của bố tôi – bị kẹt lại ở Nam Định khi bác trai đưa mấy người con vào Hải Phòng trước, chờ người đưa bác gái ra sau để cùng di cư vào Nam nhưng không được, đành bỏ bác lại ở quê. Bác gái, một người chăm chỉ làm ăn và hà tiện đến “vắt cổ chày ra nước”, bị quy là địa chủ vì có chút của ăn của để hơn người. Hai bác ở vậy chờ nhau suốt 21 năm; luật đạo của Công giáo không cho phép lấy vợ, lấy chồng khác khi người phối ngẫu chưa qua đời. Sau năm 1975, bác gái vào đoàn tụ với gia đình ở miền Nam, và mỗi khi có dịp thì bác lại tuôn ra hàng tràng ký ức của một thời mà bác không bao giờ quên được.

Những ký ức rùng rợn, những hành động bạo tàn, những con người độc ác … tôi nghe mãi cũng nhàm. Tôi chẳng bao giờ kể lại, cũng chẳng bao giờ muốn nhớ. Nhưng, giống như nhân vật trong bài báo, bác tôi không thể quên. Dù bác chẳng có vẻ gì là thù hận với những kẻ đã đấu tố bác ngày xưa. Kể xong, bác chép miệng, “số phận của họ rồi sau cũng chẳng ra gì. Ông trời có mắt”.

“Ông trời có mắt” là đạo đức căn bản của người Việt Nam. Với đạo đức ấy, những người nông dân hiền lành đã sống với nhau hàng nghìn năm trong tình làng nghĩa xóm, và có lẽ đã chỉ (lỡ dại một lần) làm những điều trái đạo lý vì bị cuốn theo cuộc cách mạng trời long đất lở lúc ấy mà thôi.

Người ta cần tha thứ và quên đi để sống. Vì không ai có thể sống an lành với một vết thương sâu hoắm và nhức nhối trong lòng. Vì vậy, dù còn nhiều điều không đồng ý với bài viết của tác giả, tôi đã không tranh luận. Cũng như tác giả, tôi hiểu cải cách ruộng đất là một vấn đề lớn và còn quá nhiều câu hỏi mà một cuộc triển lãm nhỏ không thể trả lời hết. Tôi cũng hiểu có nhiều điều vẫn chưa thể trưng ra, vì nếu không có câu trả lời ổn thỏa thì sẽ xoáy thêm vào một vết thương chưa lành trong lịch sử dân tộc Việt.

Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc được phản ứng trên facebook của tác giả, mà bạn bè tôi đã chép lại một đoạn[1] và đề nghị tôi bình luận. Đoạn ấy như sau:

“Ôi thế các ông các bà muốn gì ạ? Không cho bày thì bảo bưng bít. Không cho nói thì bảo bị bịt mồm. Giờ người ta bắt đầu cất lời, hé sạp hé mẹt thì các ông các bà chửi xối xả là bày ra cho nhục nhã. Tư liệu đấy, hiện vật đấy, các ông các bà tự hiểu lấy, đừng vin vào mấy nhời phi lộ rất quan phương của nhà chức trách rồi bảo bị bóp méo, bảo ngoan cố tranh công chối tội.”

Tôi đã chẳng ngạc nhiên khi đọc trong bài báo những lời ca ngợi thành quả của CCRĐ. Tôi hiểu tác giả có lẽ phải có phần bênh vực sau khi đã thẳng thắn nhắc đến nỗi đau của nạn nhân. Tôi đã tin dụng ý của tác giả là muốn ủng hộ sự bạch hóa dần dần một vấn đề gai góc và đau thương trong lịch sử Việt Nam. Nhưng khi tác giả khẳng định “tư liệu đấy, hiện vật đấy, các ông bà tự hiểu lấy”, và nhớ lại những gì đã được trưng bày trong cuộc triển lãm, tôi bỗng hiểu rằng tác giả rất chân thành tin cuộc CCRĐ là cần thiết. Chân thành khi nói về niềm vui của các nông dân “dắt con trâu ra đồng với tư cách chủ nhân ông”, “ăn cơm trên bộ tràng kỷ mát lạnh xa lạ mà ba đời cha ông mình không dám mơ ước”. Dù những tài sản này không phải là thành quả của sức lao động của chính họ, mà là kết quả của cuộc cách mạng “đánh đổ giai cấp địa chủ bóc lột”, như những văn kiện của Đảng đã rành mạch chỉ ra.

Thật đau lòng khi giai cấp mà cách mạng cần phải tiêu diệt (trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ) có cả những người như ông bà của tác giả và bà bác của tôi. Từ lúc nào, những người nông dân hiền lương bỗng chốc trở nên độc ác, căm hờn trong những cuộc đấu tố dã man, và làm sao họ vẫn có thể vui mừng hớn hở khi được chia “quả thực”, khi các xác chết máu me của những người mới hôm qua còn là láng giềng vẫn còn nằm phơi ở ngoài kia hoặc chỉ mới được chôn lấp sơ sài ….

Không, tôi không nhắc lại để thù hận. Nhưng tôi và tất cả mọi người Việt Nam có lương tri đều cần trả lời câu hỏi: “Vì sao?”

Vì sao cùng trên một đất nước, cùng một nền văn hóa, cùng là người Việt da vàng máu đỏ, cùng với mục tiêu mang lại sự công bằng về sở hữu ruộng đất, giúp người nông dân làm chủ luống cày, mà ở miền Nam thì mọi việc xảy ra hiền hòa, êm ả, còn miền Bắc thì lại xảy ra những cảnh tượng đau lòng đến vậy? Để mãi đến 60 năm sau, thời gian đủ dài để hầu hết những người đã tận mắt chứng kiến cải cải cách ruộng đất đã không còn tồn tại, mà khi nhắc đến thì cải cách ruộng đất vẫn còn là một sự nhức nhối không nguôi?

Câu hỏi ấy chắc chắn một lúc nào đó phải được trả lời. Những sai lầm của giai đoạn đau thương ấy – và di hại mãi về sau của nó – chắn chắn rồi sẽ phải được phân tích cặn kẽ và sòng phẳng. Để bài học lịch sử được hiểu rõ, chứ không thể mãi né tránh.

Bởi, khi chúng ta không chịu học từ những sai lầm của lịch sử, thì lịch sử sẽ bắt chúng ta trở thành nạn nhân của chính những sai lầm ấy, cho đến khi bài học được học thuộc. - See more at: http://www.haydanhthoigian.info/2014/09/vang-lich-su-chang-phai-e-han-thu.html#sthash.FK9x5kjq.dpuf

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Nghĩ vụn về Cải cách ruộng đất ở miền Bắc và Cải cách điền địa ở miền Nam

Mấy ngày nay tôi cứ loay hoay đọc về cải cách ruộng đất ở miền Bắc và cải cách điền địa ở miền Nam (cũng là cải cách ruộng đất, nhưng phải đặt tên khác để khỏi nhầm lẫn, chắc thế). Tôi muốn trả lời một thắc mắc, tại sao cũng cùng mục đích chia ruộng đất cho nông dân, mà hai miền lại làm quá khác nhau. Một bên thì "long trời lở đất", sắt máu, tử khí ngút trời; bên kia thì êm ả, nhân văn, lại còn có cả sự "biết ơn tinh thần hy sinh của các điền chủ" nữa (à, miền Bắc gọi là địa chủ nhưng miền Nam gọi là điền chủ, và theo tôi đây là một sự khác biệt rất có ý nghĩa các bạn nhé).

Tất nhiên tôi không tìm hiểu để tiếp tục hận thù, như một bạn phóng viên trẻ nào đó đã lên lớp mọi người với bài viết có tựa là "Lịch sử không phải để thù hận". Mà tôi muốn hiểu, vì tại sao cùng một mục đích, cùng là người Việt, cùng một nền văn hóa, cùng là máu mủ ruột rà, mà hai bên lại khác nhau đến như vậy? Đến nỗi hận thù còn hằn sau trong tâm khảm người Việt tận bây giờ, dù tôi tin chắc chắn rằng chẳng ai muốn thế. Người ta cần quên đi, để người ta có thể sống tử tế. Vì không ai có thể sống an lành với một vết thương sâu hoắm và nhức nhối ở trong lòng.

Để trả lời, tôi đã đọc, đọc và đọc. Tôi tìm đọc các văn bản pháp lý do chính Đảng, Quốc hội và Chính phủ thời ấy đưa ra để khách quan, chứ không dám đọc những ký ức rùng rợn và chất chứa căm hờn. Bởi tôi cũng đã biết khá rõ về CCRĐ rồi, qua các tác phẩm văn học, các hồi ký, qua cuốn phim Cải cách ruộng đất thời VNCH mà tôi đã xem một phần ngắn rồi bỏ dở, chính vì sự tàn ác của nó - vì tôi đâu muốn căm thù?

Tôi cũng đã từng được nghe về CCRĐ qua lời kể trực tiếp của một nạn nhân là bác họ của tôi, một người phụ nữ nông dân bị kẹt lại ở Nam Định sau khi bác trai đưa được mấy đưa con vào Hải Phòng để di cư vào Nam nhưng không kịp quay lại để đón bác. Hai bên chờ đợi nhau mấy chục năm, không ai tái giá vì họ là những người Công giáo, không thể lấy vợ, lấy chồng khác khi người phối ngẫu của mình chưa qua đời. Sau năm 75, bác trai tìm đường về quê đưa bác gái vào Nam, và cứ mỗi lần gặp họ hàng thì một trong những câu chuyện mà bác kể lại cho mọi người lại là câu chuyện thời cải cách ruộng đất.

Rùng rợn lắm, tàn ác lắm, đau lòng lắm, nhưng ... tôi đã nghe chán lắm rồi.

Tôi không muốn đào sâu vào vết thương ấy nữa. Hãy để ngày ấy lụi tàn, hãy tha thứ, và hãy quên. Khổ nỗi, tha thứ thì tôi có thể (vì thực ra tôi cũng không phải là nạn nhân trực tiếp), nhưng quên thì không. Bởi tôi vẫn cứ giữ trong đầu nỗi thắc mắc không thể giải tỏa: Tại sao, tại sao, tại sao?

Thắc mắc ấy tôi đã nêu ở đầu của status này: Tại sao cùng một dân tộc, cùng một nền văn hóa, cùng một mục tiêu là cải cách ruộng đất, đem lại sự công bằng trong sở hữu, tạo điều kiện cho người nông dân làm chủ mảnh ruộng của mình, mà hai miền khác quá xa nhau về sự tàn ác như vậy?

Và chợt phát hiện ra một chân lý: Thực ra, mục tiêu của hai miền không hề giống nhau. Đối với miền Nam, mục tiêu của cải cách điền địa đúng là để chia ruộng đất cho nông dân, từ đó khuyến khích sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập, phát triển kinh tế, đảm bảo quyền tư hữu cho tất cả mọi người chứ không phải là một thiểu số ít ỏi các điền chủ như thời phong kiến, thực dân. Vì vậy, họ đã chọn cách làm êm ả nhất, và không hề lên án những người đã tích lũy được của cải ruộng đất trong chế độ trước đó, mà chỉ đưa ra những luật lệ nhằm hạn chế bớt tác hại của sự phân phối đất đai không đều (hạn mức sở hữu ruộng). Nói ngắn gọn: Họ tôn trọng quyền tư hữu, và tôn trọng những người có tài sản vì nó là dấu hiệu hữu hình của tài năng làm ra tài sản, miễn là không vi phạm luật pháp. Nhà nước chỉ can thiệp khi quyền tư hữu ấy gây tác hại cho xã hội (eg, bất công hoặc độc quyền) mà thôi.
 
Ngược lại, mục tiêu của miền Bắc trước sau vẫn là "tiêu diệt" giai cấp địa chủ "bóc lột", tạo sự căm thù với giai cấp mà họ cần lật đổ, để đưa giai cấp công nông (ở nông thôn là các bần cố nông) lên thành giai cấp lãnh đạo theo đúng lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, việc đấu tố, sỉ nhục trước khi xử tử bằng những biện pháp bạo tàn gần như là đương nhiên, vì nó là phương tiện để đạt được mục tiêu "tiêu diệt" giai cấp. Nó để lại một dấu ấn đời đời không phai nhạt trong lòng người dân; con cháu của giai cấp địa chủ/tư sản "bóc lột" đời đời sẽ không bao giờ dám "ngóc đầu" lên nữa dù có nhìn thấy cơ hội nào đó. (Những từ tôi dùng trong ngoặc kép là trích trong các văn bản của Đảng, QH, và Chính phủ miền Bắc thời CCRĐ, không phải là từ của tôi.)

Về căn bản, không chỉ tài sản, đất đai và quyền tư hữu, mà cả nền tảng văn hóa, đạo đức cho sự tồn tại của giai cấp địa chủ/tư sản, những người có của cải mà không do Đảng CS trao cho, đã hoàn toàn bị tiêu diệt đến tận gốc rễ, không còn có cơ hội nào để phục hồi lại nữa. Đó cũng là một "châm ngôn" của Đảng CS do TBT Trần Phú đã đưa ra: "Trí phú địa hào - đào tận gốc, trốc tận rễ." Để ngày nay trong xã hội VN, những ai có tài sản to lớn nhất chỉ có thể là những người có chân trong bộ máy chính quyền đã được thiết lập ra từ ngày ấy đến giờ mà thôi. Chỉ có họ mới là không phải giai cấp bóc lột và vì thế, chỉ có công, không có tội, dù vẫn sở hữu những tài sản lớn.

Nếu ai không tin, hãy đọc các văn bản do Đảng, Quốc hội và Chính phủ thời ấy viết ra. Ví dụ, tài liệu về việc sửa chữa sai lầm của CCRĐ năm 1956 do Thủ tướng PVĐ đã ký. Các bạn hãy đọc và suy nghĩ.
http://thuvienphapluat.vn/archive/Van-ban-khac/Ke-hoach-sua-chua-sai-lam-cai-cach-ruong-dat-vb53946t33.aspx

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Chương 3: Chính sách Cải cách Ruộng đất (GS Lê Xuân Khoa)

Đang có cuộc triển lãm CCRĐ ở Hà Nội, nên mọi người VN bỗng quan tâm đến chủ đề này. Về việc này tôi cũng đã nghe từ cha mẹ kể lại, nhưng đã quá lâu rồi, nên tôi cũng chỉ còn nhớ lõm bõm. Nay tìm thấy tài liệu này, xin đăng lại ở đây để lưu cho mình và chia sẻ cho thế hệ con cháu của tôi được biết thêm về lịch sử nước nhà dưới một cái nhìn đa diện.
--------------
Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/viet-nam-1945-1995/

Chương 3: Chính sách Cải cách Ruộng đất

GS Lê Xuân Khoa
Ông Hoàng Quốc Việt kể lại rằng hồi ấy, ông chạy về trung ương, báo cáo việc hệ trọng này với ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ chăm chú nghe rồi phát biểu: “Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ và lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản và là mẹ một Chính ủy trung đoàn Quân đội Nhân dân đang tại chức.” Ông hẹn sẽ can thiệp, sẽ nói ông Trường Chinh về chuyện hệ trọng và cấp bách này!
Thế nhưng không có gì động đậy theo hướng đó cả! Bởi vì người ta mượn cớ là đã quá chậm. Các phóng viên hạ phóng tham gia cải cách đã viết sẵn bài tố cáo, lên án, kết tội bà Năm rồi. Lập luận của “những phái viên đặc biệt của Mao Chủ tịch” là: “Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối, nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại. Bản chất của giai cấp địa chủ là rất ngoan cố, xảo quyệt, tàn bạo, chúng không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng. Nông dân phải luôn luôn sáng suốt, nhận rõ kẻ thù của mình, dù chúng dở thủ đoạn nào.”
Tôi hỏi ông Hoàng Quốc Việt vậy thì ông nghĩ sao về câu chuyện này? Lúc ấy là năm 1987, đã có “đổi mới”, “nói thẳng và nói thật”. Ông nói: “Đến bác Hồ biết là không đúng cũng không dám nói với họ!”15
…..
Bài học về những sai lầm trong quá khứ không những chỉ giúp tránh lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai mà còn giúp cho việc xác định đúng hướng đi và thiết lập được những chính sách có hiệu lực trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ tinh thần độc lập của dân tộc, nhất là trước nỗi đe dọa thường trực của đầu óc bá quyền Trung Quốc.
Đây là nguyên nhân thứ ba và cũng là nguyên nhân trực tiếp gây nên cuộc di cư ào ạt vào Nam của ngót một triệu dân miền Bắc. Mặc dù theo hiệp định Genève 1954, việc chia đôi đất nước chỉ là tạm thời và một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng Bảy 1956 để cho nhân dân hai miền bỏ phiếu về vấn đề thống nhất đất nước,1 gần một triệu người đã quyết định từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả tổ tiên, công việc làm ăn và bà con bạn bè để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu không có gì đảm bảo cho tương lai, chỉ vì muốn có một đời sống tự do hơn. Số người ra đi đáng lẽ đã không nhiều nếu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) cứ tập trung nỗ lực vào công cuộc kháng chiến và khoan thi hành chính sách cải cách ruộng đất cùng phong trào chỉnh huấn nhằm thanh lọc hàng ngũ cán bộ và trí thức. Những biện pháp này bắt đầu được áp dụng lẻ tẻ từ sau Cách Mạng tháng Tám 1945 và, sau nhiều lần điều chỉnh bổ sung, được chính thức thi hành từng bước từ 1953 cho đến 1955 mới trở thành toàn diện và triệt để. Vì có nhiều sai lầm tai hại, chiến dịch cải cách ruộng đất phải chấm dứt vào tháng Bảy 1956.
Lúc đầu, chính sách cải cách mộng đất được giới hạn tại những vùng do Việt Minh kiểm soát với mục đích động viên một lực lượng chiến đấu và sản xuất quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Những biện pháp “giảm tô, giảm tức”2 và phân phối một số ruộng đất cho giới bần cố nông thi hành trong những năm đầu là những bước chuẩn bị cho cuộc cách mạng “long trời lở đất” ở nông thôn sau khi chiến tranh chấm dứt. Để có thể huy động sự ủng hộ của mọi thành phần nhân dân vào các nỗ lực kháng chiến, chính sách cải cách ruộng đất được thi hành dẫn dần từng bước một. Điều đó cũng phù hợp với đường lối của đảng cộns sản trong giai đoạn chuyển tiếp là thực hiện cuộc cách mạng dân chủ tư sản trước khi tiến đến chuyên chính vô sản. Lập trường đấu tranh giai cấp trong giai đoạn này là: “Dựa vững chắc vào bần nông và cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trang nông và liên minh với phú nông; phá bỏ sự bóc lột của phong kiến từng bước một trong khi phân biệt rõ các thành phần nông thôn khác nhau; gia tăng sản xuất; đẩy mạnh kháng chiến tiến lên.”3 Từ 1949, nhà nước đã xác định chính sách bằng nhiều sắc lệnh và thông tư nhưng đến tháng Mười Hai 1953 thì quốc hội mới hoàn chỉnh sắc lệnh qui định toàn bộ chính sách và thể thức thi hành cải cách ruộng đất.4
Mặc dù mới chỉ là những bước thí nghiệm và chuẩn bị, khi nhà nước tiến đến việc chỉnh huấn cán bộ và trí thức, phân định thành phần nông thôn, vận động quần chúng đấu tranh chống địa chủ và thiết lập toà án nhân dân, thì nỗi kinh hoàng đã lan tràn trong mọi giới, ngoại trừ thành phần bần cố nông và giới lãnh đạo đảng cộng sản. Do đó, chỉ trong thời hạn 300 ngày ấn định bởi hiệp định Genève5 đã có ngót 900 ngàn người rời bỏ miền Bắc vào miền Nam trong khi chỉ có trên 4,000 người ở trong Nam chọn trở về ngoài Bắc sinh sống, không kể khoảng 140,000 bộ đội Việt Minh phải rút ra Bắc theo quyết định của hội nghị Genève.
Trong phạm vi lịch sử tị nạn 1954, chương sách này sẽ chỉ đề cập đến những chính sách và biện pháp cải cách ruộng đất trong khoảng từ tháng Giêng 1948 đến tháng Năm 1955, tức là từ lúc chính sách bắt đầu được hoạch định qui mô cho đến những ngày cuối cùng của thời hạn người dân được phép di cư giữa hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, để phù hợp với mục đích của cuốn sách là rút ra những bài học của quá khứ, chương này cũng sẽ trình bày một cái nhìn bao quát về cao điểm của chiến dịch “phóng tay phát động quần chúng” trong những năm 1955-1956, tiêu diệt giai cấp địa chủ một cách máy móc và tàn khốc với những hậu quả nguy hại cho chính chế độ khiến cho nhà nước phải ngưng thi hành chính sách, công khai nhìn nhận lỗi lầm và tìm cách sửa sai.
Cải cách ruộng đất vốn là một chính sách trọng yếu của chủ nghĩa cộng sản. Sau cuộc cách mạng tháng Mười 1917, Lenin đã cho thực hiện ở Nga một cuộc cải cách ruộng đất sâu rộng và triệt để, làm gương mẫu cho tất cả các nước cộng sản khác ở Đông Âu và Á châu. Theo chính sách này, trước hết nông dân nghèo được cấp phát ruộng đất đồng đều để không còn bị lệ thuộc vào địa chủ nào khác hơn là chính mình, sau đó sẽ được tổ chức và hướng dẫn vào sinh hoạt canh tác tập thể để cho cuộc sống dưới chế độ bao cấp được đảm bảo hơn về mọi mặt. Như Lenin đã viết:
Người công nhân vô sản nói với nông dân: “chúng tôi sẽ giúp cho các bạn đạt tới ‘chủ nghĩa tư bản lý tưởng’, vì tình trạng bình đẳng về tư hữu ruộng đất chính là chủ nghĩa tư bản được lý tưởng hoá trên quan điểm của người hữu sản nhỏ. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ chứng tỏ cho các bạn thấy sự thiếu sót của hệ thống này và sự cần thiết phải tiến tới việc canh tác đất đai tập thể.”6
Theo tác giả Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), thì ngay từ khi thành lập năm 1930, đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là “…một mặt tranh đấu phá hủy tàn tích của chế độ phong kiến, những hình thức bóc lột của thời tiền tư bản và hoàn tất cuộc cách mạng triệt để về ruộng đất; mặt khác, tranh đấu phá hủy nền thống trị của chủ nghĩa đế quốc Pháp và giành lại độc lập hoàn toàn cho các nước Đông Dương. Hai nhiệm vụ này quan hệ chặt chẽ với nhau, vì việc lật đổ giai cấp phong kiến và hoàn thành cuộc cách mạng ruộng đất đòi hỏi sự hủy diệt chủ nghĩa đế quốc; ngược lại, không có việc phá bỏ hệ thống phong kiến thì việc hủy diệt chủ nghĩa đế quốc cũng không thể thành tựu được.”7
Trong giai đoạn đầu, đảng CSĐD chủ trương liên kết thành phần công nông với mọi thành phần xã hội khác để thực hiện cuộc cách mạng dân chủ tư sản chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Tháng Năm năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 của ủy Ban Trung Ương Đảng họp tại Pắc Bó, Cao Bằng, chính thức hoá việc thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, với ý nghĩa của một mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc đồng thời chuẩn bị thực hiện cuộc cách mạng dân chủ tư sản này. Sau khi Việt Minh giành được chính quyền bằng Cách Mạng tháng Tám 1945, chính quyền địa phương ở một số nơi đã tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và “Việt gian” để phân chia cho các tá điền, đồng thời cắt giảm địa tô mà tá điền phải trả cho địa chủ. Để khuyến khích nông dân tham gia tranh đấu, Bộ Nội vụ VNDCCH đã ra một thông tư trong tháng Mười một 1945 cắt giảm địa tô xuống còn 25 phần trăm.
Tháng Giêng năm 1948, Hội nghị ủy Ban Trung Ương Đảng đưa ra những biện pháp cụ thể để thi hành chính sách ruộng đất, gồm có:
- thi hành toàn diện biện pháp giảm tô 25% mà nhiều nơi còn trễ nải;
- bãi bỏ mọi khoản tiền thúê phải trả thêm;
- bãi bỏ hệ thống trung gian trong việc thuê ruộng đất;
- thực hiện công bằng việc phân chia công điền công thổ;
- trao cho nông dân những ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp, và tổ chức lại những đất đai của Pháp mà Chính phủ đang tạm thời quản lý;
- tạm thời trao lại cho nông dân hoặc cho quân đội khai thác những đất đai tài sản của những người Việt Nam đã đi sang hàng ngũ địch;
- đặt dưới quyền sử dụng của các uỷ ban Kháng chiến tỉnh những đất đai tài sản của những địa chủ đã vắng mặt một thời gian hoặc đang cư ngụ trong vùng địch chiếm đóng, để cho những tài sản này được dùng vào việc tiếp tế cho nạn nhân chiến tranh hay cấp khí giới cho việc phòng thủ làng xã, v.v. Chính phủ bảo đảm hoàn trả tiền thuê mướn cho điền chủ khi họ trở về nếu họ được công nhận là xứng đáng được bồi hoàn;
- thực hiện cuộc điều tra các món nợ của nông dân để ấn định lại lãi suất.8
Một “Hội đồng Giảm tô” được thành lập do sắc lệnh số 78/SL ngày 14 tháng Bảy 1949, tiếp theo là thông tư liên bộ số 152/NVI ngày 23.07.49 miễn giảm tô cho các chiến sĩ và nhân viên chính phủ làm chủ đất miễn là diện tích ruộng cho thuê không quá ba mẫu. Ngày 21.08.49 lại có thông tư liên bộ số 33/NVL hướng dẫn việc phân chia đất của “Pháp kiều và Việt gian” cho nông dân không có ruộng, ưu tiên dành cho thương binh và gia đình tử sĩ, nhưng nhấn mạnh rằng việc phân chia này chỉ có tính chất tạm thời; đến ngày 21.12.49 thì có thông tư bổ túc bỏ hai chữ “tạm thời” trong thông tư trước. Sau đó, vì nhận thấy có sự phức tạp trong việc chia những ruộng đất bỏ trống, nhà nước ra pháp lệnh số 25/FL ngày 19 tháng Hai 1950 về quản lý ruộng đất, ấn định ba loại đất bỏ trống: đất của “Việt gian” hợp tác với Pháp, đất của những người còn đang sống trong vùng địch nhưng không hợp tác với Pháp, và đất của những người không biết đang ở đâu. Đối với loại thứ nhất, đất bị tịch thu làm của công; đốì với loại thứ hai, đất bị trưng dụng toàn bộ hay một phần và sau này có thể trả lại cho chủ đất sau khi khấu trừ các chi phí hành chánh; đối với loại thứ ba, đất chỉ bị tạm giữ và sẽ được trả lại cho chủ đất sau khi khấu trừ chi phí.
Ngày 22 tháng Năm, 1950, chính phủ ban hành pháp lệnh số 89/FL xoá bỏ tất cả những món nợ mà nông dân vay trước 1945, những món nợ sau 1945 mà tổng cộng số tiền lời đã trả cao hơn 100% số vốn vay, những món nợ mà người vay là những người đã bỏ mình vì kháng chiến, và những món nợ mà chủ nợ là những kẻ có tội với kháng chiến. Cũng trong ngày 22.05.1950 lại có pháp lệnh số 9Q/FL ấn định việc quốc hữu hóa đất đai và chia cho nông dân nghèo với những điều khoản đáng chú ý như:
Điều 2 – Tất cả những đồng ruộng không được chủ đất canh tác trong thời gian 5 năm sau ngày ban hành pháp lệnh này đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Điều 3 – Tất cả những ruộng đất bỏ hoang ấy, sau khi bị tịch thu, sẽ được tạm thời cấp phát cho nông dân nghèo.
Điều 4 qui định việc tạm cấp đất cho nông dân nghèo trong 10 năm, miễn thuế trong 3 năm, và điều 5 qui định rằng đối với những đất bỏ trông chưa tới 5 năm, chủ đất có thể bị bắt buộc phải canh tác ngay lập tức, hoặc phải để cho quân đội nhân dân canh tác, hoặc phải cho người khác mượn để canh tác. Nếu chủ đất không chịu tự nguyện cho mượn đất, uỷ Ban Kháng Chiến/Hành Chánh địa phương sẽ can thiệp và ấn định các điều kiện của hợp đồng cho thuê đất. Điều 6 cho biết thêm là trong trường hợp UBKC/HC phải can thiệp, thời gian cho thuê đất sẽ được ấn định là từ ba đến mười năm, tuỳ theo khả năng khai thác và sản xuất mau hay chậm. Sau cùng, điều 8 xác định hai trường hợp không áp dụng pháp lệnh này: (1) những đồn điền trồng cây kỹ nghệ có thâu hoạch theo mùa hàng năm; (2) những đất bỏ trông vì chủ nhân tham gia kháng chiến nên không trồng trọt được.9
Trong những năm đầu, vì tình hình chiến sự và những vùng đất do Việt Minh kiểm soát còn giới hạn, công cuộc cải cách ruộng đất chỉ được thi hành lẻ tẻ dưới hình thức giảm tô giảm tức và phân chia những thửa ruộng đã tịch thu cho nông dân nghèo để họ hết lòng phục vụ kháng chiến, nhất là xung vào những đoàn dân công đi làm đường và tải súng đạn cho quân đội. Nhưng kể từ 1950, sau khi VNDCCH được Trung Quốc và Liên Xô chính thức bang giao và thúc giục công khai hoá đảng cộng sản,10 nhiều văn bản pháp lý về cải cách ruộng đất đã được ban hành và thực hiện qui mô hơn, sau đó được đúc kết trong sắc lệnh số 87/SL ngày 5 tháng Năm, 1952. Sắc lệnh này nói chung vẫn dành cho giai đoạn chuyển tiếp hơn là thiết lập một qui chế mới và lâu dài về vấn đề sở hữu đất. Mục đích của sắc lệnh như được ghi trong “lời mở đầu” và “nguyên tắc tổng quát” là để cho việc phân chia ruộng đất được thi hành một cách thích hợp hơn trong thời gian kháng chiến, tăng gia sản xuất, tăng cường sự kết hợp lực lượng nông dân lao động. Một điểm quan trọng khác trong sắc lệnh này là việc bãi bỏ công điền công thổ đã có từ lâu đời — kể cả đất dùng trong việc thờ cúng các thần linh — để chia cho nông dân trong làng hay huyện. Những đất bán công như đất do các vua chúa đời trước cấp cho các vị công thần, đất do tư nhân hiến tặng cho chùa chiền hay nhà thờ và những đất bỏ hoang cũng đều nằm trong loại này.
Việc chia đất được giới hạn tối đa cho gia đình bần cố nông là 0.5 ha mỗi đầu người, được coi là vừa đủ cho họ tự nuôi sống và đóng thuế nông nghiệp. Vì không có đủ đất để chia cho tất cả mọi nông dân nghèo nên ưu tiên sẽ dành cho cựu chiến sĩ, gia đình liệt sĩ, đoàn viên các lực lượng du kích, v.v… Một hệ thống luân phiên sử dụng cũng được thiết lập trong trường hợp phân chia đất công: người thụ hưởng được sử dụng đất từ 3 đến 5 năm, sau đó phải trả lại cho làng để giao cho người kế tiếp trên danh sách. Một “ủy ban nông nghiệp” có trách nhiệm phân phát ruộng đất công được thành lập ở mỗi làng gồm có chủ tịch hay đại diện UBKC/HC, đại diện mặt trận Liên Việt, đại diện ủy ban nông nghiệp và một hay hai đại diện nông dân.
Sắc lệnh 87/SL được bổ sung bằng sắc lệnh số 149/SL ngày 12.04.1953, trước hết giảm địa tô thêm 25 phần trăm hay hơn nữa “để cho tiền thuê đất không thể vượt quá trị giá 1/3 số hoa màu thu hoạch được.” Sắc lệnh 149/SL xác nhận pháp lệnh số 89/FL năm 1950 với một số điều bổ sung, xoá bỏ hết các món nợ vay trước Cách mạng tháng Tám 1945 và cho tạm ngưng trả những món nợ sau Cách mạng nếu con nợ thuộc thành phần được ưu đãi (cựu chiến sĩ, gia đình liệt sĩ…) và chủ nợ còn đang sống trong vùng “địch” kiểm soát. Tất cả tài sản ruộng đất của “đế quốc” Pháp, “Việt gian” và “địa chủ ác ôn” đều bị tịch thu để cấp phát cho những nông dân vô sản chưa được chia phần trước đây, ưu tiên vẫn được dành cho thành phần ưu đãi của chế độ. Sắc lệnh số 149/SL cũng xác nhận và bổ sung pháp lệnh số 90/FL năm 1950 về ruộng đất bỏ hoang của những người sống trong vùng quốc gia kiểm soát. Ruộng đất này được tạm thời cấp phát cho nông dân nghèo canh tác mà không phải trả địa tô, nhưng khi chủ nhân trở về họ sẽ được ưả lại ruộng đất nếu không bị kết tội phản động. Đất bỏ hoang khôna được canh tác trong hai năm (thay vì 5 năm) sẽ thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Để cho việc thi hành chính sách được đồng đều. một “ủy ban Nông nghiệp” được thành lập ở mọi cấp, từ chính phủ trung ương xuống đến UBKC/HC cấp làng xã. Ủy ban nông nghiệp trung ương ngoài Thủ tướng làm chủ tịch, còn có Bộ trưởng Canh nông, Bộ trưởng Nội vụ, một đại diện Mặt trận Liên Việt và hai đại diện nông dân.
Với chính sách giảm tô, xoá nợ và phân chia ruộng đất như vậy, nhiều địa chủ đã phải lập công với kháng chiến bằng cách “tự nguyện” cống hiến một phần lớn tài sản của mình cho chính phủ. Những thành tích tốt đẹp này đều được tuyên dương trên báo chí và đài phát thanh, chẳng hạn ngày 26 tháng Hai 1951, đài Tiếng Nói Việt Nam đã loan báo: “Ông Nguyễn Duy Diễn, địa chủ ở Bắc Giang… đã tặng cho chính phủ 700 mẫu ruộng (khoảng 660 acres), 19 con trâu và một số gia súc khác. Hơn nữa, ông còn giảm địa tô xuống dưới mức ấn định bởi chính phủ. Ông đã tặng nhiều hơn tất cả những địa chủ mà ông quen biết…”11 Sau này, khi việc qui định thành phần nông thôn đã được chính thức ấn định và phong trào “tố khổ” địa chủ bắt đầu lan rộng, việc tự nguyện hiến đất cho chính phủ trở thành một ân huệ chỉ dành cho những địa chủ có công với cách mạng. Có nhiều trường hợp, nhất là khi có cố vấn Trung quốc trực tiếp chỉ đạo (như sẽ được nói đến dưới đây), thì ngay cả những địa chủ có công với cách mạng cũng không còn được phép cống hiến ruộng đất mà sẽ bị tịch thu toàn bộ tài sản và bị đem ra toà án nhân dân xét xử. Theo quan điểm đấu tranh giai cấp, địa chủ đương nhiên là thành phần thù địch của nông dân cho nên mọi hành động tỏ ra yêu nước hay có công với cách mạng của địa chủ đều chỉ là thủ đoạn xảo trá, che giấu mưu đồ đen tối trong khi chờ đợi cơ hội khôi phục lại quyền lực. Nhân dân cần phải tỉnh táo và thẳng tay tiêu diệt họ. Việc thiết lập các “nông hội” ở mỗi làng xã với thành phần đa số là bần cố nông và thiểu số là trung nông nhằm loại bỏ hoàn toàn thành phần phú nông và địa chủ.
Cũng nên biết thêm là chính sách ruộng đất luôn luôn đi đôi với một hệ thống thuế nông nghiệp thiết lập năm 1951 nhằm cải thiện đời sống của giới nông dân nghèo. Thuế này được đánh trên căn bản tổng gộp lợi tức nông nghiệp, từ 6 đến 10 phần trăm đôi với bần nông, 15 đến 20 phần trăm đối với trung nông và từ 30 đến 50 phần trăm đối với phú nông. Đây là chính sách bần cùng hoá trung nông và phú nông nhưng thực tế thì ngay cả bần cố nông cũng vẫn không đủ ăn, rốt cuộc tất cả đều phải tham gia canh tác tập thể và hợp tác xã nông nghiệp, đúng với đường lối của Lênin.
Để phân biệt được “bạn” với “thù” trong việc thi hành chính sách ruộng đất, sắc lệnh số 239/B.TLP ngày 2 tháng Ba 1953 qui định năm thành phần nông thôn, nội dung khá phức tạp và không được rõ ràng, để cho các UBKC/HC địa phương tùy tiện quyết định. Đại khái, năm thành phần nông thôn gồm có:
  1. Địa chủ là những người có nhiều ruộng đất nhưng không trực tiếp canh tác mà chỉ thâu địa tô, thường thường qua người trung gian vì nhiều địa chủ còn có nghề nghiệp và cơ sở làm ăn ở thành thị.
  2. Phú nông là những người không có nhiều ruộng đất bằng địa chủ, có tham gia vào việc canh tác nhưng cũng cần mướn tá điền hoặc cho thuê đất lấy địa tô.
  3. Trung nông là những người chỉ có vừa đủ ruộng đất, gia súc và dụng cụ canh tác để nuôi sống gia đình mình.
  4. Bần nông là những nông dân có ít ruộng đất, không đủ nuôi sống gia đình nên phải đi làm thêm hoặc phải thuê đất và trâu cày của địa chủ.
  5. Cố nông là những nông dân vô sản chỉ có thể sinh sống bằng cách đi làm thuê cho địa chủ hoặc phú nông.
Ngoài ra, còn hai thành phần trung nông và phú nông đặc biệt khác: (1) những cán bộ, chiến sĩ có công, gia đình tử sĩ, V. V. trở thành trang nông sau khi được chia đất nhưng vì nhiệm vụ kháng chiến hay trong hoàn cảnh không thể tự mình canh tác nên phải thuê người làm giống như phú nông; (2) những nông dân nghèo được chia đất từ những ngày đầu, sau một thời gian làm ăn, đã trở nên khá giả. Những người này được gọi là “phú nông mới”, do sức cần lao của chính họ, khác với loại phú nông giàu sẵn. Hai thành phần đặc biệt này chỉ được dung dưỡng vài năm và cũng bị loại bỏ khi phong trào Cải cách Ruộng đất được triệt để thi hành trong những năm 1955-1956.
Cuối cùng, sắc lệnh 239/B.TLP còn phân biệt nhiều thành phần khác trong xã hội như: nghề tự do (bác sĩ, luật sư, kỹ sư, văn nghệ sĩ…) chủ tàu đánh cá, chủ ruộng muôi, tiểu thương, tiểu công nghệ. Đáng chú ý là một số qui định sau đây:
-          Chiến sĩ cách mạng là những người đang phục vụ trong quân đội các ngành, các cấp. Con cái của các địa chủ hay phú nông chỉ được kể là chiến sĩ cách mạng sau khi đã phục vụ trong quân ngũ được ít nhất là một năm.
-          Con cái của địa chủ và phú nông khi còn ở trong gia đình thì đương nhiên thuộc thành phần xã hội của gia đình mình. Khi trưởng thành, nếu ra ở riêng, họ sẽ được xếp loại theo nghề nghiệp xã hội của họ.
-          Con cái của địa chủ và phú nông có vợ hay chồng là công nhân hay nông dân được kể là thuộc giai cấp công nông sau khi đã làm việc bằng lao động được một năm.
-          Con cái của công nhân hay nông dân được địa chủ hay phú nông nhận nuôi làm con và đã sống trong gia đình cha mẹ nuôi được hơn một năm (từ 10 tuổi trở lên) được kể là thuộc giai cấp của gia đình cha mẹ nuôi.
-          Trí thức không được coi là một giai cấp đặc biệt. Việc qui định thành phần xã hội của mỗi người được căn cứ vào gốc gia đình của người đó. Những người đã tách ra khỏi gia đình để làm công việc khác được ít nhất là một năm và không nhận sự giúp đỡ nào của gia đình sẽ được qui định thuộc thành phần xã hội do nghề nghiệp của họ.
Trong phần kết thúc, sắc lệnh nhận định rằng việc qui định thành phần xã hội là cần thiết nhưng cũng là “một công việc rất phức tạp, dễ mắc phải sai lầm.” Nhưng để giải quyết tình trạng khó khăn ấy, những nhà làm chính sách lại đề ra một phương cách thực hiện có thể còn phức tạp và chủ quan hơn: “Phương cách tốt nhất để tránh khỏi lỗi lầm tai hại là hội họp quần chúng để trình bày trường hợp cần được cứu xét, tham khảo ý kiến của họ, và việc qui định thành phần chỉ được tiến hành khi đã nắm vững đầy đủ các yếu tố” 12
Trước triển vọng lạc quan về tình hình chiến sự, Quốc hội VNDCCH nhóm họp vào tháng Mười Một và tháng Mười Hai 1953 (lần đầu tiên kể từ tháng Mười Một 1946 và là lần thứ ba kể từ ngày bầu cử 6 tháng Giêng 1946.) Trong số 444 đại biểu quốc hội, trừ 70 người của VNQDĐ và VNCMĐMH đã bị loại sau những cuộc khủng bố đối lập và một số người khác vì chiến tranh không thể tham dự, chỉ có 171 đại biểu hiện diện để thảo luận, sửa đổi sắc lệnh 149/SL và thông qua dự luật mới về cải cách ruộng đất mang số 197/HL. Dự luật này được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ban hành ngày 19 tháng Mười Hai 1953 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến, mang tên là “Luật Cải Cách Ruộng Đất.” Đáng chú ý là ủy Ban Chấp Hành Trung Ương và Đại hội Toàn quốc Đảng Lao Động cũng họp trong thời gian này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của chính sách ruộng đất và việc đảng cộng sản chuẩn bị thi hành chính sách này một cách thống nhất và sâu rộng trên toàn quốc khi không còn phải lo việc chiến tranh. Trong khi chờ đợi, đảng quyết định rằng các biện pháp phải được “thi hành thận trọng từng bước một theo đúng kế hoạch đã chuẩn bị kỹ càng.”
Bernard Fall nhận xét rằng chính sách ruộng đất của VNDCCH khác với chính sách áp dụng ở Nga Sô và có đặc tính Á châu theo mô hình Trung quốc và Bắc Triều tiên. Trong khi ở Nga Sô quyền tư hữu đất bị xoá bỏ vĩnh viễn thì ở bên Á đông, nông dân có quyền làm chủ mảnh đất của mình. Nhận xét của Fall không đúng hẳn vì quyền tư hữu này ở tất cả các nước cộng sản chỉ có giá trị trong thời gian chuyển tiếp, cuối cùng vẫn thuộc về nhà nước quản lý và canh tác tập thể như lời của Lenin về “chủ nghĩa tư bản lý tưởng” đã dẫn trên đây. Tuy nhiên, Việt Nam (cộng sản) và Trung Quốc khác với Bắc Triều Tiên ở chỗ, trong thời gian chuyển tiếp, nông dân được chia đất có thể chuyển nhượng cho người thừa kế, thế chấp, bán lại hoặc tặng cho người khác phần đất của mình.
Do kinh nghiệm trong những năm trước, luật cải cách ruộng đất tháng Mười Hai 1953 dự liệu một số biện pháp mới đối với những đất đai bị tịch thu. Có một số chủ đất vì muốn khỏi bị tịch thu đã đem bán hoặc sang nhượng đất cho người khác. Để ngăn chặn việc này, luật quyết định hủy bỏ mọi việc mua bán hay chuyển nhượng sau ngày ban hành sắc lệnh về “Vận Động Quần Chúng” 12 tháng Tư, 1953. Nhà nước sẽ tịch thu hoặc trưng thu đất nếu người mua là địa chủ và phú nông, trưng mua đất và trả bằng trái phiếu nếu người mua là trung nông, họặc những người này phải bán lại đất cho bần cố nông trên căn bản “thiện chí”.
Việc thi hành luật cải cách ruộng đất “thận trọng từng bước một” trong giai đoạn chuyển tiếp này còn thấy rõ ở hai trường hợp: một số ruộng đất có thể được giữ lại cho mục đích tôn giáo hay thờ tự nếu được xét là cần thiết, nhưng người phụ trách phải tự lo việc cày cấy hay trồng trọt; những đất đai dùng vào việc thương mại hay kỹ nghệ cũng được tiếp tục sử dụng để phát triển kinh tế và không bị tịch thu. Đất kỹ nghệ và thương mại bao gồm những khu đồn điền, đất có mỏ than hay kim loại, các dòng nước và cơ sở thủy lực, đất ở dọc theo các trục lộ giao thông hoặc gần các đô thị, khu quân sự, và đất đai dùng vào việc công ích; những khu di tích lịch sử như đền đài lăng tẩm cũng được kể trong loại này. Tất cả những đất công này đều không được phân phát cho dân nghèo.
Trên nguyên tắc, quyền sở hữu đất đai của ngoại kiều bị bãi bỏ nhưng việc tịch thu ruộng đất không áp dụng đối với “những người ngoại quốc cho đến nay vẫn sống nhờ hoa màu trên đất đai của họ.” Ngoài ra, ngoại kiều cũng được chia cấp đất “nếu họ không có nghề nghiệp gì khác để sinh sống.” Những ngoại lệ này rõ ràng được dành cho một số Hoa kiều vì nhà nước cần phải nhượng bộ Trung Quốc là nguồn viện trợ quân sự quan trọng cho cuộc chiến tranh chống Pháp.
Phương tiện tối quan trọng trong việc thi hành cải cách ruộng đất là “toà án nhân dân” được thiết lập từ 1950 sau khi một Hội nghị Tư pháp Toàn quốc được triệu tập ở Liên Khu III đã san định bộ dân luật và hình luật của Việt Nam phỏng theo luật của Pháp, nhưng sửa đổi lại hệ thống và thẩm quyền của tòa án. Ở mỗi cấp xử án đều có một hội thẩm đoàn nhân dân có quyền lực rất mạnh trong vấn đề xét xử và tuyên án. Vị thẩm phán chuyên nghiệp chỉ đóng vai trò cố vấn kỹ thuật. Bị can không có quyền chống án vì “tòa án nhân dân không thể sai lầm.” Điểm khác thường là luật này đặc biệt khuyến khích những vụ tố cáo và không trừng phạt những trường hợp “lầm lẫn”, do đó đã có nhiều vụ tố cáo bừa bãi và nhiều người đã là nạn nhân của những vụ vu cáo hay thổi phồng tội ác do thù oán cá nhân. Điều 373 Hình luật VNDCCH năm 1950 ghi rằng “mỗi công dân có nhiệm vụ phải báo cáo mọi sự vi phạm mà mình được biết. Vì vậy, người nào đã tố giác… vì sai lầm và không có chủ ý hãm hại thì sẽ không có tội… Luật bác bỏ tục lệ cũ trừng phạt người tố cáo cùng một hình phạt mà kẻ bị tố cáo có thể đã phải chịu.”13
Bộ hình luật 1950 được bổ túc bằng sắc lệnh số 151/SL ngày 12 tháng Tư 1953, thành lập những “tọà án nhân dân đặc biệt” để trừng phạt nặng nề mọi hành vi phá hoại công cuộc cải cách ruộng đất. Tội nhân có thể bị kết án tử hình và khi đó bản án sẽ được thi hành tại chỗ. Hình thức công lý khác thường này được coi là dân chủ thật sự vì có sự tham gia trực tiếp của “nhân dân” vào việc xét xử người bị cáo. Như nhật báo Cứu Quốc, cơ quan chính thức của Đảng cộng sản hồi đó, đã thuật lại lời một nông dân rằng đây là “một tòa án dân chủ, quảng đại đối với nhân dân và quyết liệt đổì với bọn địa chủ phản động.”14
Ban lãnh đạo chính sách ruộng đất chủ yếu gồm có Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng: Trưởng Ban Chỉ Đạo cải Cách Ruộng Đất; Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng: Trưởng ban Chỉ đạo thí điểm cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên; Lê Văn Lương, ủy viên Thường Vụ Trung Ương Đảng: Trưởng ban Chỉ đạo thí điểm chỉnh đốn tổ chức ở Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngoài ra, còn có Hồ Viết Thắng, ủy viên Trung ương đảng, giữ chức Giám đốc trực tiếp điều hành chiến dịch.
Trường hợp điển hình của cải cách ruộng đất được thi hành triệt để ngay trong thời gian làm thí điểm năm 1953 là trường hợp xử tử bà Nguyễn Thị Năm, chủ đồn điền Đồng Bẩm ở Thái Nguyên, một “bà mẹ chiến sĩ” rất có công với cách mạng. Câu chuyện đấu tố bà Năm do cựu Đại tá Bùi Tín kể lại sau đây không phải là chuyện tưởng tượng trong tiểu thuyết mà là một sự thật đau lòng còn in sâu trong tâm trí của nhiều người đã trải qua thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc:
Bà từng ủng hộ các chiến sĩ cộng sản từ thời bí mật, từ những năm 1937,1938. Chính các ông Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt đã được bà che chở, nuôi dưỡng. Hai con trai bà hoạt động Việt Minh từ thời bí mật, đi bộ đội giải phóng và đến 1954, một anh tên Nguyễn Công là Chính ủy Trung đoàn, một anh tên Nguyễn Hanh là Đại đội phó Bộ đội Thông tin. Cố vấn Trung Quốc nhận định bừa rằng đây là mụ địa chủ ác bá, có nghĩa là cần lấy đầu. Một số nông dân chất phác ngây thơ, kể rằng bà Năm rất tốt, nhân từ, hay đi chùa, làm việc thiện, có nhiều cán bộ chiến sĩ là con nuôi của bà, bà có công với kháng chiến, nên xếp là địa chủ kháng chiến. Những người ấy bị cố vấn Tầu và ông Đội trưởng quê ở Nghệ An kết tội là tay sai, định bênh che, chạy tội cho địa chủ. Không khí ngột ngạt bắt đầu, sau bắt rễ xâu chuỗi, đến bước đấu tranh trực diện của nông dân, kể tội và luận tội về kinh tế và chính trị, chuẩn bị cho toà án nhân dân với màn xử bắn.
Ông Hoàng Quốc Việt kể lại rằng hồi ấy, ông chạy về trung ương, báo cáo việc hệ trọng này với ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ chăm chú nghe rồi phát biểu: “Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ và lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản và là mẹ một Chính ủy trung đoàn Quân đội Nhân dân đang tại chức.” Ông hẹn sẽ can thiệp, sẽ nói ông Trường Chinh về chuyện hệ trọng và cấp bách này!
Thế nhưng không có gì động đậy theo hướng đó cả! Bởi vì người ta mượn cớ là đã quá chậm. Các phóng viên hạ phóng tham gia cải cách đã viết sẵn bài tố cáo, lên án, kết tội bà Năm rồi. Lập luận của “những phái viên đặc biệt của Mao Chủ tịch” là: “Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối, nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại. Bản chất của giai cấp địa chủ là rất ngoan cố, xảo quyệt, tàn bạo, chúng không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng. Nông dân phải luôn luôn sáng suốt, nhận rõ kẻ thù của mình, dù chúng giở thủ đoạn nào.”
Tôi hỏi ông Hoàng Quốc Việt vậy thì ông nghĩ sao về câu chuyện này? Lúc ấy là năm 1987, đã có “đổi mới”, “nói thẳng và nói thật”. Ông nói: “Đến bác Hồ biết là không đúng cũng không dám nói với họ!”15
Trong một cuộc gặp gỡ thân mật với một số bạn cũ ở Washing­ton DC, khi có người nhắc đến những chuyện kinh hoàng của thời kỳ cải cách ruộng đất, ông Bùi Tín còn kể lại cái chết đau thương của cụ Nguyễn Khắc Niêm, thân phụ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một trí thức nổi tiếng lầu năm trong giới Việt kiều ở Pháp rất có công với nhà nước VNDCCH. Cụ Niêm làm quan tham tri của triều đình Huế, bị đội cải cách kết tội địa chủ phong kiến và nhốt vào chuồng nuôi hươu. Đến bữa ăn, họ đổ cơm lên lá chuối trên mặt đất, bắt cụ phải quỳ xuống và sủa “gâu, gâu” rồi mới được ăn. Cụ tham tri nhất định không chịu và đành nhịn đói cho đến chết.
Một nhân chứng khác là Nguyễn Minh Cần, cựu đảng viên cộng sản cao cấp đã bỏ Việt Nam sang Nga từ những năm 1960. Vào đầu năm 2003, ông Cần có viết một bài tưởng niệm 50 năm thi hành cải cách ruộng đất và đưa lên mạng thông tin điện tử ở hải ngoại. Bài này nhan đề “Xin đừng quên nửa thế kỷ trước: vấy máu Cải Cách Ruộng Đất” là một tài liệu bổ túc đáng lưu giữ trong tình trạng khan hiếm những kinh nghiệm sống về cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Đoạn dưới đây trích trong bài của ông Cần là một thí dụ điển hình khác về những trường hợp khó tin nhưng có thật chỉ có thể xảy ra trong thời kỳ cải cách ruộng đất 1953-1956 ở miền Bắc, nhất là trong những đợt ba, bốn và năm từ đầu 1955 đến giữa 1956.
Ở khu Bốn hồi đó ai cũng biết danh Chu Văn Biên, Bí thư Khu ủy, và Đặng Thí, phó bí thư Khu ủy, khét tiếng hiếu sát trong CCRĐ, họ đều là trưởng và phó đoàn CCRĐ. Thậm chí trong dân gian lưu truyền bài vè có câu “Giết người nổi tiếng gã Chu Biên”. Anh bạn tôi kể chuyện Đặng Thí ký hai án tử hình trên ghi-đông xe đạp. Chuyện như sau: một đội tới làm CCRĐ ở một xã nghèo ở Nghệ An, quê hương của ông Hồ Chí Minh và Hồ Viết Thắng, tìm mãi không thể quy ai là địa chủ được (những ai đã từng đến tỉnh này đều biết cảnh nghèo chung của dân chúng ở đây.) Đặng Thí đả thông tư tưởng là cố vấn Trung Quốc dạy rồi, phải có 5 phần trăm địa chủ. Đội sợ trên đì, tính ra cả làng từng này hộ, từng ấy nhân khẩu, thôi thì cũng buộc phải tính ra 5 phần trăm địa chủ. Tưởng thế là xong, nào ngờ khi báo cáo lại cho Đặng Thí thì… liếc mắt qua không thấy có danh sách “lên thớt”, bực mình Thí mới xạc cho “anh đội” một trận: “Có địa chủ mà không bắn thằng nào cả à?” và ném cả tập giấy vào mặt đội trưởng. Cuối cùng thì đội cũng lọc ra được “hai địa chủ để bắn”, vội chạy lên đoàn báo cáo. Giữa đường gặp Đặng Thí đang đi xe đạp, tay đội trưởng đưa báo cáo và danh sách bắn hai người. Thí còn đang vội, vẫn ngồi trên yên xe, chẳng thèm xem hết nội dung, đặt “Đơn đề nghị bắn hai người” lên ghi đông xe đạp, mở vội xà- cột, rút bút ký toẹt vào. Xong rồi Thí đạp xe đi thẳng.
Đi kèm với chiến dịch cải cách ruộng đất là phong trào chỉnh huấn và chỉnh đốn tổ chức bắt đầu từ 1950, nhằm thanh lọc bộ máy đảng, chính quyền và quân đội để củng cố tư tưởng chuyên chính vô sản trong hàng ngũ cán bộ thuộc mọi ngành dân sự hay quân sự. Phong trào chỉnh huấn nhắm vào thành phần trí thức trong các cơ quan chính quyền và đoàn thể nhân dân, trong nội bộ đảng thì gọi là chỉnh đảng, trong quân đội thì gọi là chỉnh quân. Phong trào này được phát động sau khi những những cán bộ cao cấp được gửi sang Trung quốc học tập về “thổ địa cải cách” và “chỉnh đốn tác phong” (gọi tắt là chỉnh phong). Ảnh hưởng sâu đậm của Trung Quốc bắt đầu từ lúc này, một phần vì các nhà cách mạng cộng sản Việt Nam thật tình thán phục “Chủ tịch Mao Trạch Đông và cuộc chiến thắng vĩ đại của Trung Quốc,” một phần do sự ép buộc của các cố vấn Trung Quốc, “những phái viên đặc biệt của Mao Chủ tịch,” mà ai cũng sợ không dám cưỡng lại. “Điều lệ Đảng đã ghi rõ từ tháng 12, 1951 là nền tảng chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam là tư tưởng Mao Trạch Đông.”16 Những người bất đồng ý với đường lối Trung Quốc và khó chịu với thái độ trịch thượng của các cố vấn cũng đành phải giữ ở trong lòng hoặc chỉ dám thì thầm riêng với nhau mà thôi.
Vũ Thư Hiên, một nhà văn miền Bắc chống chế độ và bỏ việc làm ở Nga chạy sang Pháp tị nạn từ 1996, đã kể lại kinh nghiệm bản thân về học tập chỉnh huấn năm 1951 như sau:
Chỉnh huấn là chuyện hết sức lạ lùng đối với chúng tôi, những chàng trai học trò vừa xếp bút nghiên lên đường kháng chiến. Cứ đinh ninh rằng mình cũng tựa như những tráng sĩ thời xưa, thanh gươm yên ngựa ra sa trường. Đến chỉnh huấn mới ngã ngửa ra rằng không phải: đi theo cách mạng trước hết là để cải tạo những tư tưởng thối tha, bao giờ cũng có sẵn trong mình như một thứ tội tổ tông truyền. Phải cải tạo tư tưởng để xứng đáng là người của Đảng, của xã hội mới…
Những cán bộ vừa dự chỉnh phong ở Hoa Nam về làm hướng dẫn viên. Những người vừa qua một cuộc đại tẩy não bên nước bạn rất nghiêm nghị, ít cười nói, trong bộ đồng phục cán bộ Trung quốc, với cây bút Kim Tinh cài trước ngực, với cuốn sổ tay có hình Mao chủ tịch phương phi.
Thoạt đầu hướng dẫn viên giới thiệu một số tài liệu — bài giảng của Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Ngãi Tư Kỳ— dành cho cán bộ. Sau đó, mỗi học viên liên hệ những điều học hỏi được với tư tưởng và hành động của bản thân, đưa những thu hoạch ra trình bày truớc tổ để tập thể góp ý, phân tích, phê phán. Chúng tôi lén gọi những buổi phê phán là những tự xỉ vả. Ai tự xỉ vả nhiều được coi là thành khẩn. Những bản cung khai tội lỗi xuất sắc nhất được báo cáo trước toàn hội nghị, gọi là báo cáo điển hình.17
Georges Boudarel, một trí thức tả phái người Pháp bỏ nghề dạy học ở Saigon để theo Việt Minh vì lý tưởng từ 1950 đến 1964, đã mô tả lớp chỉnh huấn được diễn ra trong “một không khí tu viện” hoàn toàn cắt đứt mọi liên hệ với đời sống bên ngoài. “Những bài giảng không nhằm vào việc gợi óc suy tư hay phê phán bằng lý trí mà chính là để diệt trừ những khả năng này như một căn bệnh tâm thần… Cuối cùng là một bản thú tội công khai như trong những buổi sinh hoạt xưng tội của tôn giáo.”18
Mục đích của chỉnh huấn là tẩy não trí thức khiến họ phải thành khẩn nhìn nhận tội lỗi của giai cấp tư sản và chịu khuất phục trước giá trị của giai cấp vô sản, phải tự kiểm thảo và tự hạ mình xuống thân phận kẻ bị trị. Nỗi đau khổ nhất của trí thức là phải viết đi viết lại lý lịch của mình nhiều lần, vì sau mỗi lần viết là một lần đưa ra kiểm thảo, tra hỏi và yêu cầu thú nhận thêm tội lỗi thành khẩn hơn nữa. Nói như Nguyễn Văn Trấn: “Họ nói khổ sở không phải là nói ra lỗi lầm, mà khổ sở là phải bịa ra lỗi lầm để bản kiểm thảo được coi là thành khẩn.”19 Có người chịu không nổi sự hành hạ tinh thần này đã tự kết liễu đời mình cho được yên thân. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ có kể lại câu chuyện ông được chứng kiến trong thời gian phục vụ kháng chiến: một cán bộ trong một khóa “chỉnh quân” đã tự tử, bị sĩ quan chỉ huy cho là không xứng đáng với tác phong chiến sĩ nên bắt quăng xác vào rừng. Do lời yêu cầu của đồng đội, ngày hôm sau xác của anh được phép đem chôn nhưng thi thể đã bị thú rừng xé nát.20 Nguyễn Văn Trấn thì nhắc đến kết quả khóa học của ông ở Bắc Kinh: “một đồng chí cũng cấp cao bị động viên “thản bạch”, ban chiều lên hội trường nói ra những hành động tham ô, tối lại mua bia táo đãi anh em, rồi khuya viết thư từ giã vợ và treo cổ.”21, (“thản bạch” có nghĩa là nói thẳng nói thật).
Dưới chế độ cộng sản, nhà nước quản lý nhân dân bằng lý lịch, cho nên ở Việt Nam cho đến khi có chính sách “đổi mới”, yếu tố tài năng không quan trọng bằng thành phần xã hội hay liên hệ chính trị. Lý lịch cá nhân với những nhận xét được cập nhật hoá thường xuyên của cơ quan làm việc hay của công an có tính cách quyết định đối với vận mệnh của mỗi cán bộ và công dân. Một cán bộ gôc bần nông hay cố nông được tin cậy và thăng tiến dễ dàng hơn một người sinh trưởng trong một gia đình tư sản, phú nông hay địa chủ. Đáng lo nhất hồi đó là những lý lịch có “liên quan” đến gia đình địa chủ bóc lột, có thân nhân gia nhập các đảng phái quốc gia hay hợp tác với “địch”, thậm chí gồm cả bà con làm việc ở miền Nam. Có bà con ở nước ngoài cũng là có vấn đề, và nếu ở một nước “đế quốc” thì lại càng phức tạp. “Một gạch chéo, một dấu hỏi, thế là ở vào một thế kẹt cứng. Tất cả mọi chuyện sẽ bị chặn lại hết, từ vào đoàn, vào đảng, lên đại học, đi học nước ngoài, hoặc lên lương, lên cấp, lên chức cũng vì vậy mà… để xem đã.”22
Nếu mục đích của chỉnh huấn là cải tạo tư tưởng (tức tẩy não) thành phần trí thức tư sản thì chỉnh đốn tổ chức là hành động thực tế nhằm củng cố hệ thống đảng và nhà nước qua việc thanh trừng nội bộ, loại bỏ hay giáng cấp những cán bộ thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản trong các cơ quan dân sự và quân sự. Boudarel nhận xét đúng khi nói rằng chỉnh đảng và chỉnh đốn tổ chức là “động cơ của cải cách ruộng đất.” Vì muốn trả lại đất cho nông dân thì phải dựa vào đảng cộng sản mà đảng chỉ có thể thuần nhất nếu không bị những phần tử phản động, kẻ thù của giai cấp công nông, lọt vào lũng đoạn. Để loại trừ những phần tử phá hoại này, song với việc trừng trị các thành phần thù địch ở nông thôn qua côna tác vận động quần chúng, cần phải thanh lọc hàng ngũ trí thức tiểu tư sản thành thị qua công tác củng cố tổ chức được thực hiện xuyên suốt từ địa phương tới trung ương. Trong khi đó phải tăng cường bộ máy đảng bằng việc tuyển mộ đảng viên mới và đưa những cán bộ có “đạo đức cách mạng” vào những chức vụ lãnh đạo. Tiêu chuẩn chọn lựa không căn cứ vào học thức hay khả năng chuyên môn mà thuộc thành phần xã hội tốt (bần cố nông), có quyết tâm và thành tích cao về đấu tranh giai cấp.23
Những lớp chỉnh huấn và cải tạo tư tưởng trong vài năm đầu mới chỉ chứng tỏ được lợi ích về mặt lý thuyết nhưng thiếu bài học thực tế vì còn “xa rời quần chúng.” Các cán bộ đã học tập do đó được huy động về nông thôn để thi hành công tác “vận động quần chúng,” tức là thúc đẩy bần cố nông dứt khoát tiêu diệt thành phần địa chủ. Trước hết, cán bộ thực hiện “tam cùng” tức là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các gia đình bần cố nông. Trong thời gian này, cán bộ thăm hỏi hoàn cảnh nghèo khổ của nông dân lao động, giải thích bản chất xấu xa và các kỹ thuật bóc lột của phú nông và địa chủ, với mục đích khuyến khích họ căm thù, nhận diện và tố cáo những thành phần này ở trong làng. Công tác “thăm nghèo hỏi khổ” dẫn đến việc “bắt rễ xâu chuỗi” tức là liên kết những bần cố nông đã “giác ngộ” lại với nhau và giúp đỡ họ chuẩn bị việc “đấu tố” các địa chủ và phú nông trước “tòa án nhân dân.”
Dưới sự chỉ đạo của ủy Ban Cải Cách Ruộng Đất do Hồ Viết Thắng trực tiếp điều hành, chiến dịch CCRĐ được thực hiện bởi các “đoàn cải cách” (cấp tỉnh, huyện) và các “đội chủ công” (cấp làng xã), nhận lệnh trực tiếp từ ủy Ban trung ương và có quyền quyết định tuyệt đối. Ở đây cần phải nhắc lại vai trò quan trọng của các cố vấn Trung quốc không những chỉ trong việc thiết lập chính sách mà ngay cả trong những quyết định tối hậu như trường hợp xử bắn bà “mẹ chiến sĩ” Nguyễn Thị Năm đã nói ở trên. Tác giả cuốn Viết cho Mẹ và Quốc Hội, khi được cử làm đội trưởng tham gia thí điểm cải cách ruộng đất ở Thanh Hoá, đã xác nhận rằng “Đội chủ công là đội ruột của Đoàn nhưng nhiều việc không nghe lời đoàn mà chúng tôi coi đó là lệnh của mấy ông cố Tàu.”24 Sau này, các đội trưởng đều là những người thuộc thành phần bần cố nông và các đội cải cách đi phát động tới đâu là gieo nỗi kinh hoàng tới đó, thậm chí đương thời đã có câu tục ngữ “nhất đội nhì trời.”
Các phiên xử của toà án nhân dân thực ra chỉ là những phiên “tố khổ” các bị cáo do những nhân chứng tự nhận mình là nạn nhân của những hành động tàn ác hay dâm ô của bị cáo. Những tội trạng thật hay giả đều được tố giác bằng thái độ giận dữ và những lời lẽ hằn học đã được học tập trong thời gian “thăm nghèo hỏi khổ” của các cán bộ cải cách. Bị cáo không có luật sư biện hộ và nếu chối cãi sẽ bị xỉ vả, đánh đập cho đến khi nhận tội. Trong số quần chúng tham dự đã có sẵn những cán bộ hướng dẫn và những người phụ họa la hét để áp đảo tinh thần của bị can. Không có những vụ tha bổng trong các phiên xử của toà án nhân dân. Bản án nhẹ nhất là tịch thu tài sản và quản thúc tại gia. Án tử hình được thi hành ngay tại chỗ, thường bằng cách đem bắn, chôn sống, hay bỏ vào bao trấn xuống nước. Vì mục đích của cải cách mộng đất là tiêu diệt giai cấp địa chủ nên việc thi hành không tránh khỏi tính cách máy móc và những vụ trả thù cá nhân khiến cho nhiều người bị kết tội oan uổng. Nhiều trung nông bị đôn lên thành phú nông và phú nông thành địa chủ để đem ra xử tội, nhất là khi cần phải có đủ tỉ lệ 5% trên số bần cố nông trong xã, như đã được qui định bởi các cố vấn Trung Quốc. Nạn nhân không những chỉ là thường dân mà gồm cả những cán bộ có công với Đảng.
Trong một cuộc đàm thoại với cựu ngoại trưởng Ung Văn Khiêm (khi đó là ủy viên trung ương đảng, sau này cũng bị thanh trừng), Nguyễn Văn Trấn có nhắc đến chuyện một ông đồ ở Hải Dương treo cổ tự tử vì bị xỉ nhục là “thằng” và lãnh án quản thúc tại gia khi bà vợ lớn bị toà xử về tội bóc lột sức lao động của tá điền. Ông cũng đặc biệt nhắc đến chuyện một đảng viên bị tra tấn và xử tử. Sau đây là lời Nguyễn văn Trấn kể lại câu chuyện giữa hai cán bộ trí thức cộng sản:
“…Người nhà nho ấy chết vì Đảng đã phát động người ta chà đạp đạo lý luân thường. Anh nghe, anh có thấy tội nặng của trung ương các anh không?
Anh Khiêm nói hóm:
-          Theo chú mày là tội gì nè? Ông già tự vận chớ có ai đem bắn ổng đâu!
-          Trời ơi! Anh chà đạp con người là anh đã giết ổng rồi, truớc khi ổng tự tử!
Tôi phải nói tiếp theo một tội các anh giết người đồng chí. Đồng chí ấy tên là Nguyễn Văn Soạn, đương bí thơ liên chi tứ xã Lâm Thao. Bị qui đủ ba tội để được tử hình.
Tội đầu: phản động chui vào hàng ngũ Đảng.
Tội kế: địch cài để làm chiến tranh tâm lý.
Tội ba: địa chủ bóc lột, cho dân mướn đất để cho dân cám ơn địa chủ nuôi mình.
Anh bị tra tấn gì anh cũng không nhận mình có tội.
Bị đấu tố và giam chung với anh là một quần chúng tốt. Người ta cũng dựng lên theo đúng thủ tục, có đủ ba tội mà tội đầu là tuyên truyền nhục mạ Đảng. Mới bị sơ vài cây đòn gánh vào lưng, anh đã: “dạ, thưa có hết”.
Đồng chí Soạn hỏi: ‘sao vậy?’
Người quần chúng trả lời rằng: ‘đời tôi có đảng, mà đảng đã phát động người của đảng giết tôi thì tôi chỉ có chịu chết mà thôi. Bây giờ đồng chí cùng tôi ôm nhau mà chết. Khác nhau chỉ có một điều: thân thể của đồng chí thì bầm dập còn của tôi thì lành’.
Các đoàn cải cách đã rút kinh nghiệm về cách đem phạm nhơn đi bắn, và đã cho lính bắn sau lưng kẻ thọ hình. Vì kinh nghiệm cho thấy, đem trói nó vào nọc trụ để bắn thì nó sẽ la: Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Kẻ địch của ta chúng nó gian ác lắm. Chúng nó vẫn dùng hơi thở cuối cùng để bôi xấu chế độ ta!”25
Như đã nói ở đầu chương, chính sách cải cách ruộng đất được thi hành toàn diện và triệt để từ tháng Ba 1955 cho đến tháng Bảy 195626 thì phải chấm dứt vì kết quả tàn khốc của nó đã gây nên những vụ chống đối kịch liệt của dân chúng và cả trong hàng ngũ đảng viên. Tuy nhiên, việc áp dụng cải cách ruộng đất cùng với phong trào chỉnh huấn và vận động quần chúng trong những năm tháng trước hội nghị Genève 1954 cho đến cuối thời hạn 300 ngày di cư (tháng Năm 1955) —dù chỉ giới hạn ở một số địa phương trong vùng Việt Minh kiểm soát— đã đủ gây nên tâm trạng kinh hoàng trong dân chúng toàn miền Bắc khiến cho số dân kéo nhau vào miền Nam tị nạn lên đến trên 850,000 người.
Công cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam đã đạt đến mức độ khủng khiếp nhất và phạm phải những sai lầm nghiêm trọng nhất, căn bản là do chủ trương đấu tranh giai cấp, tiêu diệt địa chủ nông thôn và tư bản thành thị để tiến đến chuyên chính vô sản. Từ chủ trương ấy, với ảnh hưởng của lãnh tụ Mao Trạch Đông và uy quyền của các cố vấn Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam lại áp dụng máy móc các biện pháp cực đoan về “thổ địa cải cách” của Trung Quốc đối với thành phần địa chủ, trí thức và đảng phái quốc gia mà không phân biệt hoàn cảnh khác nhau ở mỗi nước.
Ở Việt Nam, nhất là đồng bằng miền Bắc, đất đai không rộng lớn như ở Trung Quốc, đại đa số là trung nông và bần nông do đó việc qui định thành phần địa chủ để đem ra đấu tố rất là cưỡng ép. Vả lại, tổ chức xã thôn ở nước ta đã tồn tại hàng ngàn năm trong tinh thần tương thân tương trợ với những sinh hoạt truyền thống yên vui, hội hè đình đám quanh năm như đã thấy trong bài hát dân gian: “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè…”
Dù không tránh khỏi tình trạng một số người giàu bóc lột dân nghèo, xã hội đồng ruộng không bao giờ có xung đột giai cấp giữa bần cố nông và điạ chủ. Cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập ở Việt Nam cũng không giống cuộc nội chiến Mao-Tưởng ở Trung Quốc, cho nên thành phần trí thức yêu nước không cộng sản ở Việt Nam không thể đương nhiên bị qui kết là phản động hoặc cần được giác ngộ bằng học tập lao động, tự xỉ nhục và tự thú để lãnh sự trừng phạt nặng nề hay ít ra cũng bị đối xử như những công dân hạng nhì. Ngoài ra, ở Trung Quốc, Trung Hoa Quốc Dân Đảng cầm quyền suốt mấy chục năm nên mọi cấp bậc trong guồng máy hành chính trên toàn quốc đều do các đảng viên hoặc cảm tình viên của Quốc Dân Đảng nắm giữ. Do đó, đảng cộng sản Trung quốc phải gấp rút chỉnh đốn tổ chức, loại trừ mọi nhân viên của chế độ cũ bằng những biện pháp trả thù và hình phạt tàn ác. Còn ở Việt Nam, trước khi Việt Minh nắm chính quyền chỉ có một chính phủ không đảng phái do học giả Trần Trọng Kim cầm đầu chưa đầy năm tháng và nhiều bộ trưởng sau đó cũng đã gia nhập Mặt trận Việt Minh để chống Pháp. Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và các đảng phái quốc gia khác đều đã bị tiêu diệt ở trong nước từ 1946, số đảng viên còn lại đều phải chạy vào miền Nam hoặc sống lưu vong ở nước ngoài, vấn đề “chỉnh đốn tổ chức” để thanh trừng phe đảng quốc gia trong guồng máy hành chánh theo kiểu Trung Quốc do đó không cần thiết, mà hậu quả chỉ là những vụ truy lùng gượng ép, trả thù cá nhân và “ta đánh cả ta”, làm tê liệt nguồn nhân lực xây dựng đất nước.
Nguy hiểm nhất là cuộc cải cách ruộng đất đã được thực hiện theo một khẩu hiệu của Đảng cộng sản là “thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch.”27 Đây cũng lại là một hình thức áp dụng huấn thị của Mao Trạch Đông: “Kiểu uông tất tu quá chỉnh” mà Nguyễn Văn Trấn trong lúc đi học ở Bắc Kinh đã được giảng là: “như cái cây nó cong về bên hữu, ta muốn uốn cho nó ngay thì tất nhiên là phải bẻ cong nó về bên tả. Buông ra nó trở lại là vừa.” Và ông đã phải kêu lên: “Trời ơi! Đảng của tôi đã nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật trở lại giết chết bao nhiêu vạn sanh linh”28 Quả thật, chỉ cần đọc những vần thơ khát máu của Tố Hữu và Xuân Diệu hối thúc nông dân thẳng tay tàn sát địa chủ, người ta cũng có thể hình dung được cảnh tượng “long trời lở đất” của chiến dịch cải cách ruộng đất trong những năm 1953-1956 ở miền Bắc Việt Nam.29
Kết quả là chiến dịch cải cách ruộng đất đã hành hạ và tàn sát quá nhiều người vô tội, kể cả những đảng viên và những người dân có công với kháng chiến, gây nên những vụ chống đối kịch liệt trong dân chúng. Ban lãnh đạo Đảng đã kịp nhận ra những sai lầm nghiêm trọng đó nên ngay từ Hội nghị Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam lần thứ 14 vào tháng Hai 1956 đã nêu rõ: “Do nhận thức về hai nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta chưa sâu sắc, do đánh giá tình hình nông thôn miền Bắc không được toàn diện vì thiếu điều tra nghiên cứu một cách đầy đủ và cụ thể cho nên đã phạm một số sai lầm về qui định chính sách cũng như về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, phương châm, chính sách cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.”30 Tiếp theo đó, trong kỳ họp lần thứ 4 của Quốc Hội từ 20 đến 26.3.1955, chính phủ báo cáo việc bổ sung chính sách nhằm “nâng cao hiệu lực của pháp luật, giảm bớt áp lực “đấu tố” của quần chúng… Tuy vậy, thực tế cho đến khi sửa sai thì thấy những điều chỉnh bổ sung về chính sách đều không được nghiêm túc thi hành.”31 Bản báo cáo này ghi rõ:
  1. Mọi địa chủ nào không phải là cường hào gian ác thì đều không bị đưa ra truy tô’ trước tòa án nhân dân, đặc biệt là ruộng đất, tài sản được trưng mua.
  2. Những địa chủ cường hào gian ác đã phạm nhiều tội ác như chiếm đoạt ruộng đất, giết hại nông dân, phá hoại cuộc vận động cải cách ruộng đất, v.v…, từ nay sẽ đưa ra tòa án nhân dân đặc biệt xét xử theo pháp luật, tại đó nhân dân có quyền tố khổ. Sẽ không tổ chức đấu.
  3. Những cha cố, sư sãi… quản lý nhà đất của nhà Chung, nhà Chùa, hoặc có ruộng riêng cho phát canh, đều không quy là địa chủ nhưng vẫn phải chấp hành đúng chính sách ruộng đất.
  4. Những nhà công thương nghiệp kiêm địa chủ sống ở thành thị nói chung không bị gọi về nông thôn để qui thành phần khi ở địa phương phát động quần chúng giảm tô hoặc cải cách ruộng đất.
  5. Những địa chủ nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường, bản thân hoặc có con tham gia Quân đội Nhân dân, làm cán bộ, làm công chức của chính quyền nhân dân, những công chức lưu dụng và những nhà công nghiệp, thương nghiệp ở thành thị thuộc thành phần địa chủ nhưng không phải là cường hào gian ác đều được phép hiến ruộng đất theo những nghuyên tắc pháp luật đã quy định.32
Vì các đội cải cách có toàn quyền sinh sát từ những ngày đầu của chiến dịch “phóng tay phát động quần chúng” đã có thói quen đi tới đâu gây thảm họa tới đó, “đánh tràn lan vào trung nông, phú nông và những người có một ít ruộng đất cho thuê, đánh tràn lan cả vào cơ sở Đảng”33 khiến cho không những chỉ có dân chúng mà cả đến các cấp chính quyền dân sự và quân sự địa phương đều phải khiếp sợ. Với thói quen lộng hành ấy, họ đã không quan tâm đến những biện pháp “điều chỉnh bổ sung” của chính phủ. Bởi thế, ngày 20.7.1956, lãnh đạo Đảng phải hạ lệnh chấm dứt giai đoạn V cải cách ruộng đất và bắt đầu cho thi hành những biện pháp “sửa sai”.
Ngày 18.8.1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ nhìn nhận có những sai lầm trong cải cách ruộng đất và thông báo “Trung ương Đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm khuyết điểm ấy… và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.”34 Ngày 24.8, nhật báo Nhân Dân công khai nhìn nhận rằng có những đảng viên trung kiên, kể cả chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, đã bị hành quyết và bêu xấu, đến nỗi “Anh em trong cùng một gia đình không còn dám đến thăm nhau, và dân chúng không dám chào hỏi nhau khi gặp nhau ngoài đường phố”.35
Tháng Chín 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã duyệt xét kỹ lưỡng tình hình, nhận định các nguyên nhân sai lầm và đề ra 12 điểm chính sách để sửa sai. Trong kỳ họp kéo dài một tháng này, Hội nghị cũng qui lỗi lãnh đạo sai lầm vào Ủy ban Cải cách Ruộng đất và đưa ra biện pháp kỷ luật: Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư Đảng, Hoàng Quốc Việt và Lê văn Lương bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị, và Hồ Viết Thắng bị loại ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 29.10, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, vốn không có trách nhiệm gì về cải cách ruộng đất và còn đang giữ được hình ảnh của “người hùng Điện Biên Phủ” trong dân chúng, được cử ra thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản báo cáo của hội nghị Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam trước một cuộc mít-tinh lớn tại Nhà Hát Nhân Dân Hà Nội, chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ. Bản báo cáo rất dài giải thích “đường lối nông thôn của Đảng và Chính phủ đã không được chấp hành đầy đủ”, phân tích các sai lầm đã phạm, “chủ yếu là trong các vấn đề quy định thành phần, đánh địch và chỉnh đốn tổ chức.” Riêng về mặt lãnh đạo, bản báo cáo nhấn mạnh:
“Nghị quyết của Hội nghị Trung ương đã phê phán nghiêm khắc và nêu rõ đặc điểm của những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất. Sau khi nhắc đến việc hoàn thành về căn bản nhiệm vụ cách mạng phản phong, nghị quyết nói: Tuy nhiên, trong cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất, về mặt lãnh đạo, chủ yếu là trong việc chỉ đạo thực hiện, chúng ta đã phạm nhiều sai lầm. Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, trái với chế độ pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi thu được mà lại gây ra những tổn thất cho cơ sở của Đảng ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà.”36
Nhưng chỉ mấy ngày sau, 2.11.1956, một vụ nổi loạn và đàn áp đẫm máu đã xảy ra ngay tại Nghệ An, sinh quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bernard Fall thuật lại chuyên này theo sự ghi nhận của các đại biểu Canada trong ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến. Hôm đó, nhân dịp ủy hội đi công tác, một số dân làng kéo đến chỗ xe Jeep của đoàn và đưa đơn xin can thiệp cho được phép di cư vào Nam. Một bộ đội Việt Minh dùng báng súng để giải tán dân làng nhưng bị họ đánh trả và cướp mất súng. Người lính Việt Minh trở lại với một số đồng đội nhưng bị nông dân kéo ra đông hơn và chống lại kịch liệt. Tới chiều dân chúng tụ tập mỗi lúc một đông và chuẩn bị kéo nhau lên tỉnh giống như cuộc nổi loạn So­viet Nghệ tĩnh phản đối Pháp năm 1930. Trước sự đe dọa ấy, Hà Nội đưa Sư đoàn 325 vào dẹp loạn, số người bị giết và bị bắt lên đến gần 6,000 người. Vì đúng vào lúc đó có vụ Liên Xô đàn áp cuộc nổi loạn ở Hung-ga-ri và cuộc khủng hoảng kênh Suez cho nên dư luận thế giới không chú ý đến tấn thảm kịch ở Nghệ An.37
Sau vụ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần phải sử dụng đài phát thanh và báo chí xin lỗi đồng bào, nhất là vì “người đã chết không thể sống lại được.”38 Chiến dịch sửa sai được phát động mạnh mẽ. Báo Nhân Dân ngày 16.2.1957 loan tin những đảng viên được phục hồi chức vụ đòi bắt giữ những kẻ đã tố cáo họ. Cũng báo đó ngày 19.2 nhận định rằng “những sai lầm phạm phải trong cải cách ruộng đất đã tác động nghiêm trọng đến các bộ phận Đảng trên toàn quốc.” Ba mươi tám năm sau, trong khóa họp để tổng kết một số vấn đề lịch sử Đảng thời kỳ 1954-1975, khi đánh giá lại cuộc cải cách ruộng đất, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kết luận như sau:
Căn cứ trên những kết quả đạt được và căn cứ vào hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ, thì việc tiếp tục giải quyết vấn đề ruộng đất, xóa bỏ những tàn dư của chế độ phong kiến là cần thiết.
Căn cứ tình hình thực tế nông thôn miền Bắc nước ta sau năm 1954, căn cứ vào số ruộng chia cho nông dân trong cải cách ruộng đất, căn cứ tác hại rất nghiêm trọng của sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, thì chủ trương cải cách như đã làm là không cần thiết. Đó là vì trước khi tiến hành cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ, chế độ phong kiến đã căn bản bị xoá bỏ và mục tiêu người cày có ruộng đã căn bản thực hiện với tỉ lệ hơn 2/3 ruộng đất đã vào tay nông dân, với quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn đã được thực hiện từ Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến chống Pháp. Kinh nghiệm ở miền Nam sau khi hoàn toàn giải phóng cho thấy, mặc dầu vấn đề ruộng đất có những phức tạp, nhưng có thể thực hiện mục tiêu người cày có ruộng bằng con đường thích hợp nhất.”39
Chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc, không kể đợt thí điểm ở Thái Nguyên từ 25.12.1953 đến 31.3.1954, được tiến hành tổng cộng trong năm đợt:
Đợt một (01.04.54 đến 22.10.54) được tiến hành một cách chậm chạp khi trận Điện Biên Phủ đang diễn ra cho đến ngay sau Hội nghị Genève.
Đợt hai (23.10.54 đến 15.01.55) thực hiện ở 22 xã thuộc Thái Nguyên, 100 xã thuộc Phú Thọ, 22 xã thuộc Bắc Giang và 66 xã thuộc Thanh Hoá, cộng là 210 xã.
Đợt ba (18.02.55 đến 20.06.55) thực hiện ở 106 xã thuộc Phú Thọ, 84 xã thuộc Bắc Giang, 65 xã thuộc Vĩnh Phúc, 22 xã thuộc Sơn Tây, 115 xã thuộc Thanh Hoá và 74 xã thuộc nghệ An, cộng là 466 xã.
Đợt bốn (27.06.55 đến 31.12.55) thực hiện ở 17 xã thuộc Phú Thọ, 1 xã thuộc Bắc Giang, 111 xã thuộc Vĩnh Phúc, 60 xã thuộc Bắc Ninh, 71 xã thuộc Sơn Tây, 98 xã thuộc Hà Nam, 47 xã thuộc Ninh Bình, 207 xã thuộc Thanh Hoá, 5 xã thuộc Nghệ An, 227 xã thuộc Hà Tĩnh, cộng là 859 xã.
Đợt năm (25.12.55 đến 30.07.56) thực hiện ở 8 xã thuộc Bắc Ninh, 45 xã thuộc Ninh Bình, 163 xã thuộc Nghệ An, 6 xã thuộc Hà Tĩnh, 118 xã thuộc Quảng Bình, 21 xã thuộc Vĩnh Linh, 217 xã thuộc Hải Dương, 149 xã thuộc Hưng Yên, 294 xã thuộc Thái Bình, 83 xã thuộc Kiến An, 47 xã thuộc Hà Nội, 9 xã thuộc Hải Phòng, 40 xã thuộc Hồng Quảng, cộng là 1,720 xã.
Ngoài ra có tổng cộng tám đợt giảm tô tiến hành ở 1,875 xã trong suốt thời gian cải cách ruộng đất. 40
Như vậy, cải cách ruộng đất đã được chính thức thực hiện trong thời gian hơn ba năm ở 3,314 xã (sau chia lại thành 3,653 xã) thuộc 22 tỉnh bao trùm cả đồng bằng và trung du miền Bắc, gồm 2,435,518 gia đình với 10,699,504 nhân khẩu. Tổng số cán bộ đoàn, đội cải cách được điều động vào công tác là 48,818 người.
Kết quả về giảm tô đã thu được trong 1,875 xã là: địa chủ, phú nông phải trả lại 31,110 tấn thóc tô, và tịch thu của “địa chủ Việt gian, phản động, cuờng hào gian ác” 15,475 ha ruộng đất và 8,246 trâu bò.
Về cải cách ruộng đất, đã tịch thu, trưng thu, trưng mua 810,000 ha ruộng đất, 106,448 trâu bò, 1,846,000 nông cụ và 148,565 nhà cửa, tất cả đem chia cho 2,104,138 hộ nông dân và nhân dân lao động gồm 8,323,636 nhân khẩu, tức 72,8% số hộ ở những nơi đã cải cách ruộng đất.40
Nếu lấy tổng số tịch thu, trưng thu và trưng mua trên đây chia cho 2,104,138 hộ nông dân thì mỗi hộ được 0.38 ha ruộng, chưa được 1 nông cụ, chưa được 1/10 ngôi nhà (tức là khoảng 14 hộ ở chung một ngôi nhà). Trên căn bản đó, đời sống nông dân còn nghèo đói hơn nhiều so với thời làm thuê làm mướn trước cách mạng.
Trở lại vấn đề “sửa sai”, các biện pháp được thi hành gồm có trước hết là phục hồi danh dự cho các cán bộ đảng viên đã bị xử lý oan ức bằng cách thu nhận họ trở lại đảng và cho trở về chức vụ cũ. Những người đã bị giết hay đã chết trong thời gian chịu án thì được ghi nhận là “thành phần yêu nước đã hi sinh cho cách mạng.” Thân nhân và con cái họ được đền bù bằng những ân huệ tương xứng với công lao của người quá cố. Đối với các địa chủ, phú nông bị kết án oan, Nhà nước cho qui định lại thành phần (thí dụ từ địa chủ xuống phú nông, từ phú nông xuống trung nông.) Nếu họ đã chết thì thân nhân và con cháu họ được bồi thường thiệt hại vật chất và đối xử không phân biệt về nguồn gốc giai cấp.
Tính đến tháng Chín 1957, theo báo cáo của các khu tỉnh ở đồng bằng và trung du sau khi đã sửa sai thì chính quyền đã duyệt xét lại được 63,113 hộ bị quy là địa chủ ở 2,035 xã, kết quả chỉ còn 31,269 hộ (49.5%) bị qui định là địa chủ thực sự, chiếm tỉ lệ 2,2% trên tổng số hộ ở 2,035 xã (không phải 5% như tỉ lệ do cố vấn Trung quốc đã áp đặt), ở khu Tự trị Việt Bắc, có 2,245 hộ ở 393 xã đã bị quy là địa chủ, sau khi sửa sai chỉ còn 381 hộ bị quy là địa chủ thực sự, tức là đã có 1,864 hộ (83%) bị oan ức. Ở miền biển, tỉ lệ quy sai trung bình cũng lên tới 70%.
Về địa chủ cường hào gian ác, vẫn theo báo cáo đã nhận được từ 2,035 xã ở đồng bằng và trung du tính đến tháng Chín 1957, có 14,908 người đã bị đem ra xét xử, sau khi sửa sai thì thấy có 10,976 người (74%) bị xử oan. Về địa chủ có công với kháng chiến, trong cải cách ruộng đất chỉ công nhận có 461 người. Sau khi sửa sai, con số lên tới 2,696 người (gần gấp sáu lần).
Về xử lý tài sản, theo tài liệu của 431 xã ở các tỉnh đã được thống kê, có 4,777 hộ bị quy sai, bị tịch thu, trưng thu hay trưng mua 18,856 mẫu 5 sào 10 thước ruộng đất, 5,048 trâu bò và 3,772 căn nhà. Sau kỳ sửa sai tháng Chín 1957, chính phủ đã đền bù cho họ được 3,857 mẫu 3 thước cộng với 4,742 mẫu 9 sào 6 thước đã được để lại. về trâu bò, đã đền bù đựợc 1,708 con, còn thiếu 3,340 con. về nhà cửa, đã trả lại nhà cũ cho 2,263 hộ, ngoài ra còn có 975 hộ được trả lại nhà cũ nhưng vui lòng nhường lại cho bần cố nông đang thiếu chỗ ở. Đối với các hộ trung nông bị quy sai, nếu bị trả lại thiếu ruộng đất trâu bò, chính phủ quyết định sẽ trích ngân sách nhà nước ra để đền bù và trả dần trong 5 năm.41
Trên thực tế, vấn đề “sửa sai” không đơn giản như các con số đã báo cáo. Nguyễn Minh cần, trong phần cuối bài “Xin đừng quên….” đã dẫn ở trên, vì đã từng được giao trách nhiệm sửa sai nên thấy rõ nội tình phức tạp của vấn đề này:
Có nhiều cái sai không thể nào sửa được. Bắn giết người ta, làm què quặt thân thể, làm tổn hại tinh thần người ta (có không ít người bị điên, bị mất trí, bị lẩn thẩn,) làm gia đình người ta tan vỡ thì chỉ có Trời mới sửa được! Ngay cả những việc tưởng chừng không khó sửa lắm nhưng cũng không thể sửa nổi, chẳng hạn gia đình bị quy là địa chủ, nhà cửa bị tịch thu chia cho mấy hộ nông dân, khi được xét là quy oan phải trả lại nhà cho người chủ cũ. Nhưng khi biết là phải trả lại nhà, các ông bà nông dân bèn cạy gạch, cạy cửa, rỡ ngói, rút rui mè, cất giấu hết, phá phách gần như tan nát cả ngôi nhà họ đang ở. Nên cái nhà được trả lại đâu còn nguyên vẹn như trước. Còn các “quả thực” khác khi đã chia rồi thì sửa sai làm sao được! Thóc lúa, nông dân ăn hết bán hết rồi (hoặc khai như thế), nông cụ bị tiêu tán hết (hoặc khai hư hỏng rồi) thì lấy gì mà trả lại cho người ta. Đó là không nói đến những quan hệ tình cảm đã bị tổn thương giữa vợ chồng, giữa anh em, giữa họ hàng, giữa thầy trò, giữa hàng xóm láng giềng thì chẳng làm gì được ngoài việc khuyên nhủ chung chung. Trong sửa sai chỉ có việc này làm được, là trả tự do cho những người bị tù oan. Còn việc khôi phục lại chức vụ cho một số cán bộ đã bị đấu tố cũng đã thực hiện, nhưng cũng không giản đơn vì quan hệ khá phức tạp giữa cán bộ mới với cán bộ cũ.
Về số nạn nhân bị giết oan, không có con số chính thức nào được công bố. Theo những nguồn tin và những cách tính toán khác nhau thì tổng số người bị sát hại trong cải cách ruộng đất là từ 10,000 đến 200,000 người. Theo Bernard Fall, người đã về Việt Nam nghiên cứu năm 1962, không thể biết đích xác các con số, nhưng “con số ước đoán có cơ sở nhất là vào khoảng gần 50,000 người ở miền Bắc bị xử tử trong những vụ liên quan đến cải cách ruộng đất và số người bị bắt và đưa đi lao động cưỡng bách ít nhất cũng gấp đôi con số đó.”42 Nguyễn Minh cần, trong bài viết nói trên, kể chuyện có hỏi tướng Võ Nguyên Giáp về số nạn nhân bị giết thì được ông Giáp trả lời rất nhanh là khoảng 20,000. Con số dường như có cơ sở vững chắc hơn cả là khoảng 15,000. Người đầu tiên đưa ra con số này là nhà báo Tibor Mende khi thuật lại lời ông Hồ Chí Minh là có từ 12,000 đến 15,000 người bị giết oan. Người thứ hai là T.s. Võ Nhân Trí, cựu đảng viên cộng sản cao cấp, tác giả cuốn Croissance Economique de la République Démocratique du Vietnam (1945-1965). Ông Trí cho biết trong khi soạn cuốn sách này cho Hà Nội xuất bản, ông đã được đọc trong Văn khố của ủy ban Trung ương Đảng bản báo cáo của Công an gửi cho ủy ban Trung Ương Đảng năm 1956, trong đó có nói đến 15,000 người vô tội bị tử hình. Tuần báo Time số ra ngày 1 tháng Bảy 1957 thuật lại việc “15,000 người bị giết đã được an táng tử tế khi sửa sai.” Con số này sát với thực tế nếu ta lấy con số 10,976 người trong báo cáo về sửa sai trên đây của riêng miền đồng bằng và trung du cộng với những con số ít hơn ở khu Tự trị Việt Bắc và miền biển mà tỉ lệ số hộ bị quy sai còn cao hơn nhiều. Số người bị tù đày do cải cách ruộng đất cũng không được biết rõ là bao nhiêu. Theo Joseph Buttinger thì có khoảng từ 50,000 đến 100,000 người, về số người bị giam cầm được thả khi sửa sai, Tibor Mende cho biết có khoảng 20,000 người.43
Ở trong nước, từ mấy chục năm nay, vấn đề cải cách ruộng đất vẫn là một đề tài cấm kỵ. Ngoài một số tài liệu giáo khoa và bài vở nghiên cứu lịch sử theo quan điểm chính thức, như bài “The Land Reform” của Trần Phương trong tạp chí Vietnamese Studies đã được trích dẫn ở đầu chương, chưa có một công trình nghiên cứu đầy đủ và xác thực về chính sách, những thể thức thi hành và kết quả của cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Công việc này chỉ có thể thực hiện bởi những nhà nghiên cứu khách quan có điều kiện sưu tầm tư liệu ở các thư viện và kho lưu trữ cuả các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Hà Nội gồm các văn kiện chính thức về hành chánh và pháp lý, các bản báo cáo về kết quả của những đợt cải cách, học tập cải tạo, thanh trừng hàng ngũ và cán bộ, các phiên xử của tòa án nhân dân, về phản ứng chống đối của các thành phần dân chúng cũng như trong hàng ngũ cán bộ đảng viên, các bài báo và bản tín phát thanh, biên bản các phiên họp của ban lãnh đạo về các biện pháp đối phó hay sửa đổi, v.v… Cho đến khi có được những điều kiện nghiên cứu khách quan đó, các học giả chỉ có thể dựa vào những tài liệu chính thức đã công bố và những thông tin do các nhân chứng thuật lại bằng miệng cho người thân ở trong nước hoặc ghi chép và phổ biến công khai khi đã ra ngoài nước. Những nhân chứng này đều đã lớn tuổi nên những câu chuyện như của cựu Đại tá Bùi Tín hay các cựu đảng viên cao cấp như Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Minh cần và Võ Nhân Trí kể lại trên đây đều là những tài liệu hiếm có. Dù có giọng văn chỉ trích hay châm biếm chế độ, các tác giả này đều đã thuật lại những sự thực lịch sử cần phải được ghi lại làm bài học.
Mặc dù công nhận sai lầm về lãnh đạo trong cải cách ruộng đất, do đó đã sửa sai để làm nguôi nỗi đau thương và oán hận trong hàng ngũ cán bộ và dân chúng, Đảng và Nhà nước vẫn khẳng định rằng cải cách ruộng đất không những là đúng và cần thiết mà, hơn thế nữa, còn là một thắng lợi to lớn: “Cải cách ruộng đất đã thực hiện được khẩu hiệu người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, mở đường cho nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện thắng lợi cho công nghiệp hóa… Thắng lợi đó là to lớn và căn bản… là có tính chất chiến lược”.44
Quả thật, trong hoàn cảnh Việt Nam sau thời kỳ phong kiến và thuộc địa, cải cách ruộng đất để đem lại công bằng xã hội và phát triển đất nước là cần thiết, vì thế ở miền Nam, các chính phủ của hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hoà cũng thiết lập và thực hiện chính sách “cải cách điền địa,” gia tăng thành phần tiểu điền chủ ở nông thôn bằng việc giúp cho tá điền mua ruộng truất hữu của một số địa chủ hoặc cấp đất cho họ do đạo luật “Người Cày Có Ruộng”. Tuy nhiên, cuộc cải cách điền địa ôn hòa ở miền Nam, nhất là dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, vẫn còn mang tính chất nửa vời và có nhiều điều sơ hở dễ để cho đối phương khai thác. Cuộc cải cách điền địa ở miền Nam sẽ được đề cập tới trong chương 10 của sách này.
Như vậy, sai lầm của cải cách ruộng đất ở miền Bắc không phải do nhu cầu cải cách mà do đường lối lãnh đạo và phương cách thực hiện. Đúng như nhận định thẳng thắn nhưng rất chân thành của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, những sai lầm này “chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát của những thiếu sót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao Động… vì không những trong cải cách ruộng đất chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà cả trong nhiều khu vực khác nữa. Trong các khu vực này, sai lầm cũng đưa một số người trong quần chúng đến cái chết thê thảm.” Ông Tường phân tích ba nguyên nhân trực tiếp gồm có: “mơ hồ trong quan niệm về ta và địch, bất chấp pháp luật và bất chấp chuyên môn.” Ông cũng luận giải về nguyên nhân sâu xa hơn là “sự lãnh đạo của ta thiếu dân chủ, xa lìa quần chúng.” Cuối cùng, ông đã đề nghị phương hướng sửa chữa các sai lầm về lãnh đạo là “một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.”
Những điều ông Tường nói về hậu quả của lãnh đạo thiếu dân chủ của Đảng Lao Động cho ta thấy tình trạng xã hội đói nghèo và lạc hậu trong những năm sau thắng lợi chống Pháp vẫn không có gì thay đổi trong những năm sau thắng lợi chống Mỹ. Rõ ràng là trong suốt mấy chục năm đảng cộng sản Việt Nam đã không học bài học lịch sử và không chịu tham gia vào nhịp tiến hoá chung của nhân loại. Những điều ông Tường đề nghị về chế độ pháp trị và dân chủ trong tinh thần “đóng góp ý kiến xây dựng” cách đây gần nửa thế kỷ cũng không khác gì những đề nghị và đóng góp hiện thời của một số cựu đảng viên cao cấp và những trí thức tiến bộ ở trong nước. Bởi vì chế độ pháp trị chân chính và dân chủ thực sự thì ở nơi nào và thời nào cũng “đại đồng tiểu dị”, tức là đều tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của công dân, chỉ khác nhau ở hình thức biểu hiện, tùy theo tính chất văn hoá và lịch sử đặc thù của mỗi dân tộc. Ngay cả trong những nước còn duy trì chế độ quân chủ lập hiến như Anh, Nhật, Hoà Lan, mọi quyền tự do của công dân cũng đều được đảm bảo.
Từ cuối thập kỷ 1980, sau những biến động lịch sử làm tan rã chế độ cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đường lối lãnh đạo ở Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Đảng và Nhà nước đã nhận ra hậu quả tai hại của chế độ độc tài khép kín và chính sách kinh tế tập trung, do đó đã chủ trương “đổi mới kinh tế”, mở cửa giao thiệp với nưức ngoài và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Gần đây, trong đường lối xây dựng đất nước, giới lãnh đạo lại đưa thêm “dân chủ” vào trong mục tiêu chung: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.” Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những âm hưởng yếu ớt của những lời kêu gọi bị bóp nghẹt ở thời trước cũng như thời nay. Chỉ khác một điều là ngày nay những lời kêu gọi và đòi hỏi về nhân quyền, dân. chủ và tự do mỗi ngày một nhiều hơn và mạnh hơn, lại được sự hỗ trợ của các chính phủ và tổ chức quốc tế, thêm vào đó là những lời tố cáo tham nhũng trên báo chí, những cuộc biểu tình của dân chúng chống bộ máy hành chính quan liêu, và các viên chức lạm dụng quyền thế để ức hiếp và bóc lột nhân dân..
Trước những yêu cầu bức xúc của nhân dân và những đảng viên cấp tiến thức thời, trước những thay đổi không tránh khỏi trong các quan hệ hợp tác và tham gia vào đời sống của thế giới văn minh dân chủ, các nhà lãnh đạo ở Việt Nam một mặt tìm cách đáp ứng những đòi hỏi của tình thế, một mặt lo duy trì và bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Do sự khó khăn lúng túng trong các quyết định về chính sách, Đảng và Nhà nước rất lo ngại cho tương lai của chế độ nên đã có những phản ứng rất mạnh đối với những sáng kiến thay đổi không phải do chính phủ chủ trương và kiểm soát. Mọi yêu cầu hay đề nghị từ bên ngoài, ngay cả từ những cựu đảng viên vẫn có thiện chí đối với đảng, đều bị coi là những “âm mưu diễn biến hoà bình của những thế lực thù địch” cần phải được đập tan.
Làm thế nào xác định được đường lối và kế hoạch hiện đại hóa và dân chủ hóa Việt Nam trong những điều kiện ổn định và thích hợp với đặc tính văn hóa của dân tộc, làm thế nào có thể huy động được sự đóng góp của mọi tầng lớp dân chúng trong nước, với sự hỗ trợ của các cộng đồng ở ngoài nước, vào việc giải quyết những vấn đề quan tâm chung và thực hiện mục tiêu chung, đó là những câu hỏi cần được giải đáp bằng rất nhiều thiện chí và can đảm từ mọi phía, đặc biệt là những người làm chính sách hiện thời ở Việt Nam. Bài học về những sai lầm trong quá khứ không những chỉ giúp tránh lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai mà còn giúp cho việc xác định đúng hướng đi và thiết lập được những chính sách có hiệu lực trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ tinh thần độc lập của dân tộc, nhất là trước nỗi đe dọa thường trực của đầu óc bá quyền Trung Quốc.
_____
Ghi chú:
[1] Điều 7 trong bản Tuyên cáo của Hội nghị Genève ngày 21.7.1954 với chữ ký của Anh, Nga (đồng chủ tịch), Pháp, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Cam-bốt và Lào. Hai nước tham dự là Hoa Kỳ và Quốc Gia Việt Nam không ký vào bản Tuyên cáo này.
2 “Tô” hay địa tô là tiền thuê ruộng đất mà người nông dân làm thuê (tá điền) phải trả cho chủ ruộng (địa chủ) sau mỗi mùa gặt. Địa tô có thể được trả bằng một phần hoa màu thu hoạch được hoặc bằng tiền mặt tính trên trị giá phần hoa màu phải nộp cho địa chủ. Thông thường, địa tô được ấn định là 50 phần trăm, tức là hoa màu thu hoạch sau mỗi vụ mùa được chia đều cho đôi bên, kẻ có của người có công. Địa chủ cung cấp hạt giống, trâu bò và vật dụng canh tác, còn tá điền thì đóng góp sức lao động. Sau cách mạng tháng Tám, địa tô được giảm xuống 25 phần trăm tức là tá điền chỉ phải nộp cho địa chủ 25 phần trăm hoa màu thu họach được. “Tức” là tiền lời tính trên số tiền mà người nông dân vay của chủ ruộng khi có chuyện cần. Lãi suất được ấn định tùy theo sự thỏa thuận giữa đôi bên.
3 Dẫn bởi Trần Phương ,“The Land Reform” trong Vietnamese Studies: Pages of History 1945-1954 (Hanoi: 1966), 179. Vì không có điều kiện tham chiếu nguyên bản tiếng Việt của tác giả, tôi đã phải dịch lại câu trích dẫn từ tiếng Anh, như vậy có thể không hoàn toàn đúng với bản tiếng Việt của tác giả.
4 Đây là nói về chính sách cải cách ruộng đất trước khi có cuộc di cư tị nạn năm 1954. Những đợt cải cách “long trời lở đất” chỉ thực sự thi hành năm 1955 và 1956.
5 Điều 2 trong bản thỏa hiệp đình chiến 20.7.1954 ấn định thời hạn hai bên rút quân về hai bên vĩ tuyến 17 là 300 ngày kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Điều 14(d) ấn định rằng trong thời hạn 300 ngày nói trên, dân chúng sống ở trong vùng kiểm soát của một bên muốn dời sang vùng kiểm soát của bên kia sẽ được chính quyền địa phương cho phép và giúp đỡ cho họ ra đi.
6 V.I. Lénine, La Révolution Prolétarienne et le Renégat Kautsky (Paris: Éditions sociales, 1953), 92.
7 Trần Phương, 167.
8 Ibid., 172.
9 Bernard Fall, The Vietminh Regime, 120-121.
10 Cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín thuật lại rằng trong chuyến đi Nga năm 1950, Hồ Chí Minh đã bị Stalin chất vấn hai điều: tại sao giải tán Đảng CSĐD năm 1945? và tại sao chưa tiến hành cải cách ruộng đất? (Thành Tín, Mặt Thật: Hồi Ký Chính Trị của Bùi Tín, Turpin Press, 1994, 67-68).
11 Bernard Fall, The Vietminh Regime, 121.
12 Ibid., 172-177. Tài liệu về việc quy định thành phần nhân dân được trình bày tóm lược dựa theo bản địch Anh ngữ sắc lệnh 239/B.TLP. Cũng như trường hợp đã nói đến ở chú thích số 3 trên đây, những chỗ dịch từ bản tiếng Anh chắc chắn không thể giống với bản gốc tiếng Việt.
13 Ibid., 34.
14 Cứu Quốc, ngày 18.9.1953. Dẫn bởi Bemard Fall, ibid., 34.
15 Thành Tín, 37-38. Bà Nguyễn Thị Năm còn thường được gọi là bà Cát Hanh Long, tức là tên thương hiệu do hai vợ chồng bà thành lập. Ông Cát Hanh Long qua đời trước cách mạng. Chuyện đấu tố ba lần mới xử bắn được bà “Mẹ Chiến sĩ” này cũng được George Boudarel mô tả trong Cent Fleurs Ecloses dans la Nuit du Vietnam (Paris: Jacques Bertoin, 1991), 174-175. Một nhân chứng khác, Đinh Xuân cầu, từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, thuật lại chuyện này trong cuốn Bên Kia Bến Hải.
16 Thành Tín, 58. Một tác giả khác, Nguyễn Văn Trấn, cũng ghi rằng trong bản báo cáo chính trị ông Hồ Chí Minh đọc trước Đại hội Đảng kỳ II có câu: “Về lý luận, Đảng Lao Động Việt Nam… lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.” Ông Trấn nhận xét thêm rằng câu “tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo cho đảng ta” vẫn có trong bản báo cáo chính trị in sau Đại hội II, nhưng theo tài liệu mới in gần đây thì tư tưởng ấy trốn mất (sic)” cho nên ông không thể ghi lại cho thật chính xác được. (Nguyễn Văn Trân, Viết cho Mẹ và Quốc Hội. California: Văn Nghệ, 1995, 150).
17 Vũ ThưHiên, Đêm Giữa Ban Ngày (California: Văn Nghệ, 1997), 158-159.
18 Georges Boudarel, 151-152.
19 Nguyễn Văn Trân, 173.
20 Doãn Quốc Sỹ, Khu Rừng Lau.
21 Nguyễn Vân Trấn, 165.
22 Thành Tín, 133.
23 Hai thí dụ điển hình của việc chọn lựa này là Thiếu tướng Lê Nam Thắng, Tư lệnh Quân khu IV, sau làm Tư lệnh Quân khu Thủ đô, và Đại tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông Bùi Tín kể cho tôi nghe rằng hai ông đều xuất thân từ gốc bần cố nông. Tướng Lê Nam Thắng là người học chữ quốc ngữ ở trong tù và được nhiều người biết về chữ ký nguệch ngoạc rất lớn của ông trên các văn kiện. Còn Tướng Chu Huy Mân cùng với tướng Văn Tiến Dũng, vì mang tiếng tham nhũng, đã không được bầu trong số 72 đại diện được cử đi dự Hội nghị Toàn quân năm 1980. Do việc tướng Nguyễn Chí Thanh thình lình tử nạn, tướng Văn Tiến Dũng, xếp hạng thứ 13, mới được đôn lên để đi thay.
24 Nguyễn Văn Trấn, 168. Cũng trong sách này (tr. 166), ông Trấn còn mỉa mai gọi ông Hồ Viết Thắng, chỉ huy trực tiếp của mình, là “ấu chúa” của đoàn cố vấn Trung Quốc.
25 Ibid., 269-270.
26 Theo Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại Cương Lịch Sử Việt nam, tập III, 1945- 2000 (Hà Nội: NXB Giáo Dục, 2001), 137-138: “Tại kỳ họp thứ 4 (3-1955) Quốc Hội thông qua nghị quyết tán thành một số điểm bổ sung của chính phủ về cải cách ruộng đất, nhằm tạo cơ sở pháp lí cho việc triển khai cải cách ruộng đất trên quy mô lớn miền Bắc trong điều kiện mới… Ngày 20.7.1956, đợt V của cải cách ruộng đất đã kết thúc.”
27 Dẫn bởi luật sư Nguyễn Mạnh Tường trong bài diễn văn trước hội nghị của Mặt Trận Tổ Quốc ngày 30.10.1956 ở Hà Nội. Đối chiếu với khẩu hiệu của Đảng, ông Tường nhận định: “Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: thà mười địch sót còn hơn một người bị kết án oan.” Nguyên văn bài này được in lại trong Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của Hoàng văn Chí (Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, Sài gòn, 1959.) Sau bài diễn văn này, L.s. Nguyễn Mạnh Tường bị tước hết mọi chức vụ nghề nghiệp và lột hết mọi danh vị trong các tổ chức. Xem Phụ Lục c.
28 Nguyễn Văn Trấn, 266.
29 Thơ Tố Hữu: Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt!
và Xuân Diệu:
Anh em ơi! quyết chung lòng,
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung kẻ thù.
Địa hào, đối lập ra tro,
Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương.
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây,
Bắt quỳ gục xuống đoạ đầy chết thôi.
30 Những Sự Kiện Lịch Sử Đảng, tập IV về “Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam: 1954-1975 (Hà Nội: NXB Thông Tin Lý Luận, 1982), 88-89.
31 Cao Văn Lượng, chủ biên, Lịch Sử Việt Nam 1954-1965 (Hà Nội: NXB Khoa Học Xã hội, 1995), 32.
32 Ibid.
33 Hoàng Văn Hoan, Giọt Nước Trong Biển Cả (Portland, OR: NXB Tìm Hiểu Lịch Sử, 1991), 361.
34 Hồ Chí Minh Toàn Tập (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 1995), 236.
35 Bemard Fall, The Two Vietnams, 156.
36 Nguyên văn bản báo cáo này được đăng trên nhật báo Nhân Dân, ngày 31.10.1956 dưới nhan đề “Bài Nói chuyện của Đồng chí Võ Nguyên Giáp”.
37 Fall, The Two Vietnams, 157.
38 H. c. Taussig, “Land Reform Abuses,” South China Morning Post (Hong Kong), 28.11.1956. Cũng xem Georges Chaffard, “Le gouvernement nord emamien doit affronter à son tour le mécontentement populaire,” Le Monde Paris), 5.12. 1956. Dẫn bởi Fall, The Two Vietnams, 157.
39 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết luận về tổng kết cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và một số vấn đề lịch sử Đảng thời kỳ 1954-1975, ngày 25.5.1994.
40 Tài liệu về 5 đợt CCRĐ được thuật theo Cao Văn Lượng, chủ biên, 30- 31
41 Ibid., 33-34.
42 Fall, The Two Vietnams, 156.
43 Những con số của Tibor Mende, Võ Nhân Trí, báo Time, và Joseph Buttinger đều lấy từ Georges Boudarel, trang -203-204 và chú thích số 193. Ông Võ Nhân Trí, hiện ở Pháp, cho tôi biết thêm rằng bản báo cáo về số người chết oan trong CCRĐ là do Đảng đoàn Bộ Nội vụ trình lên ủy ban Trung Ương Đảng. Cuốn sách của ông hoàn tất năm 1962 nhưng bị Ban Tư tưởng Trung ương bắt sửa đi sửa lại nhiều lần đến 1995 mới chấp thuận cho xuất bản. Việc phát hành lại gặp khó khăn vì có báo cáo rằng cuốn sách tiết lộ nhiều tin tức về các cơ sở công nghiệp rất dễ cho máy bay Mĩ dội bom tàn phá. Sau này, khi viết cuốn Vietnam’s Economic Policy since 1975, ông mới được thực sự tự do viết ra những nhận xét trung thực của mình.
44 Những Sự Kiện Lịch Sử Đảng, tập IV. Kết luận này mâu thuẫn với kết luận của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng như đã dẫn ở bên trên.