Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

EPHATA, hãy mở ra! (Hồng Vân, T5/2016)

EPHATA, hãy mở ra!
(Hồng Vân)
-------------
Ephata, hãy mở, mở ra.
Ephata, hãy mở ra.
Ephata. Ephata.

Những dòng trên là điệp khúc của một bản thánh ca mà tôi rất thích. Thích, không chỉ vì đó là một bài hát có giai điệu tươi vui rộn ràng, lời dễ hiểu dễ thuộc, mà còn vì một kỷ niệm nho nhỏ mà tôi có với bài hát ấy.

Lần ấy, cách đây đã nhiều năm rồi, tôi có đợt công tác tại Đại học Nha Trang, một ngôi trường tuyệt đẹp nằm trên một ngọn đồi thơ mộng. Công việc khá bận rộn nên cả tuần tôi cứ chúi mũi vào sách vở, tài liệu, chẳng có thời gian để nhìn ngắm cảnh vật xung quanh. Ngày cuối cùng, công việc đã xong, tôi dậy sớm, tranh thủ đi dạo trước khi về lại Sài Gòn. Nha Trang lúc ấy vẫn chưa quá đông, cảnh vật vẫn còn nét đẹp hoang sơ. Buổi sớm, trời vẫn còn mờ sương, đang đứng ngắm vừng dương từ từ ló dạng tỏa ra những tia nắng hồng ấm áp ở trên cao và ngửi mùi gió biển nồng nàn, tôi bỗng nghe bài hát ấy vọng lên từ phía xa xa, có lẽ có ai đó đang nghe một đĩa nhạc Thánh ca: 

Lạy Chúa, xin mở mắt con biết nhìn kỳ công của Người. Trời xanh tinh tú long lanh. Hoa ngàn cùng muôn muông thú. Đồi kia ai đắp lên non? Sông dài trùng dương mênh mông… .

Tôi bỗng thấy mình run lên, dường như bài hát đó được viết riêng cho tôi. Trước đó một tuần, tôi được một người bạn khá thân và là một Đảng viên kể lại với tôi rằng trong một cuộc họp người ta đã đem trường hợp của tôi ra để bàn. Đại khái, tôi được đánh giá là có năng lực và nhiệt tình, lẽ ra đã có thể bổ nhiệm tôi vào một chức vụ nho nhỏ, nhưng vẫn còn “vướng mắc” vì cái lý lịch Công giáo và ngoài Đảng của tôi. Rồi cô bạn ấy buông nhẹ một câu, có nhiều người cũng theo đạo Chúa nhưng họ trong lý lịch họ bỏ trống không ghi; mà ghi làm gì cho nó rắc rối. Lúc ấy, tôi đã im lặng, không nói gì. 

Bên tai tôi, bài hát vẫn tiếp tục vang lên:

Lạy Chúa, xin mở môi tôi ca ngợi tình thương của Người… . 

Từ ấy, bài hát đối với tôi có ý nghĩa như một thông điệp gửi riêng tôi cho một sự “mở ra” thiêng liêng: mở mắt để thấy những kỳ công, mở tai để nghe lời phán dạy, mở lòng để đón nhận hồng ân, mở miệng để nói lời ca tụng Thiên Chúa.  

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Còn hôm nay, tôi muốn viết về ngày Chúa Nhật 15.5.2016. 

Ngày 15.5.2016 đối với tôi là một ngày quan trọng, dù nhìn theo góc độ nào đi nữa.

Đó là ngày lễ trọng, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, nếu bạn nhìn dưới góc độ là một Ki-tô hữu. Hay là một tuần lễ trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, 22.5.2016. Hoặc là tuần lễ thứ 3 kể từ khi cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra tại Sài Gòn, đặc biệt là sau lần biểu tình bị đàn áp mạnh tay ngày 8.5.2016 vừa qua.

Buổi sáng, tôi dậy sớm và vào facebook để đọc tin, nhưng mạng cứ chập chờn, rớt lên rớt xuống, dù tôi đã dùng đủ mọi cách để vượt tường lửa. Vì đã có hẹn từ trước nên hơn 8 giờ tôi mặc quần áo chỉnh tề và mở cổng, trong bụng tự hỏi không biết mình có bị chặn cửa gì không đây. Bởi hai tuần trước đó tôi cũng bị an ninh canh cổng, dù không hề tham gia biểu tình, một phần vì đang bận việc, phần khác vì … nhát. 

Quả không sai, trước sân nhà tôi là một đám xe cộ lố nhố cố tình chặn mất lối ra; một nhóm thanh niên đang ngồi uống café ở một cái quán mà ngày thường rất ế ẩm sát bên cạnh nhà tôi. Có vài khuôn mặt quen.

Khi ông xã tôi và tôi vừa bước ra khỏi cổng, chúng tôi đụng ngay anh cảnh sát khu vực mà cách đây vài hôm vừa đến “hỏi thăm” gia đình tôi. Khuôn mặt căng thẳng và hơi bối rối, câu đầu tiên anh ta hỏi tôi là: “Sáng nay cô đi đâu vậy cô?” Rất khó chịu, nhưng tôi cũng cố gắng mỉm cười và trả lời: Tôi có hẹn uống café với mấy người bạn trong trung tâm thành phố. Rồi tôi ngồi lên xe để ông xã chở, và ngay lập tức trong nhóm thanh niên đang ngồi uống café có 2 người đứng dậy, lấy xe và rồ máy, chạy theo.

Mặc kệ, mình có làm gì đâu mà phải sợ, tôi tự nhủ. Cuộc hẹn của tôi chỉ là công việc hết sức bình thường, hiền lành vô hại, để cám ơn và trao đổi xã giao với mấy chuyên gia nước ngoài vừa đến báo cáo chuyên đề về phương pháp giảng dạy ngày hôm trước. Nhưng vì biết đang bị theo dõi, nên tâm trạng của tôi rất xấu, nghĩ đến những phiền phức đã và sẽ xảy ra cho tôi. Những cuộc “thăm viếng, hỏi han” của tổ dân phố, của công an địa phương. Những cuộc “café làm việc” với an ninh tại trường. Những lời khuyên nhủ của bạn bè, đồng nghiệp. “Cẩn thận kẻo bị để ý.” “Nói làm gì, có thay đổi được gì đâu?” “Họ biết hết cả, vấn đề là họ không muốn thay đổi, mình nói chỉ thiệt thân mà thôi.” 

Những lời khuyên không phải là không có lý. Nhiều khi quá mệt mỏi, tôi cũng muốn buông xuôi, đành lòng làm “con khỉ ba không” (không nghe, không nói, không nhìn) cho xong. Vì nếu không bị xem là “ít nhiều có vấn đề” như hiện nay thì có lẽ “con đường hoạn lộ” của tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều rồi. Thực sự tôi cũng hơi ngại vì mình đã được liệt vào hạng VIP, được công an cho người chặn cửa mỗi khi có biểu tình – một việc mà tôi vẫn nghe người khác kể lại trên facebook, nhưng không nghĩ họ sẽ áp dụng cho đối tượng hiền lành là tôi, một bà giáo già về hưu, không vị trí, không chức vụ.

Trong lòng không yên nên tôi cũng không có hứng nói chuyện. Cuộc café xã giao của tôi kéo dài chỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Khi xong việc và bước ra khỏi quán, tôi ngạc nhiên thấy ông xã tôi đang đứng nói chuyện với hai thanh niên có khuôn mặt quen quen mà tôi đã nhận ra từ trước. Thấy tôi ra, họ leo lên xe rồ ga, chờ sẵn.

- Họ đi theo em hả anh? Mà anh nói chuyện gì với họ vậy? Tôi hỏi.

Ông xã tôi gật đầu. 

- Anh bảo họ: Các cháu đi theo cô chú làm chi, tốn thì giờ, tốn xăng, chưa kể còn tốn tiền thuế của dân. Mà các cháu có thấy là nhà nước xử lý quá dở không? Thảm họa môi trường, cá chết như vậy thì dân có quyền đòi minh bạch thông tin. Dù lỗi do đâu thì cũng phải minh bạch cho dân biết, chứ cứ úp úp mở mở thế này, dân bức xúc là phải.  Người ta biểu tình, nêu ý kiến ôn hòa, tay không có một tấc sắt, các cháu đàn áp họ, lại còn canh giữ cả những người về hưu như cô chú đây để làm gì? Không sợ mang tiếng với thế giới à?

- Họ nói sao? Tôi hỏi.

- Họ im lặng, chứ sao. Nhưng mình vẫn cứ phải nói cho họ hiểu. Hy vọng trong số họ vẫn còn người có chút lương tri, sẽ nhận ra đâu là phải, đâu là trái. Chẳng lẽ chấp nhận bị bịt mắt, bịt tai, bịt miệng mãi sao?

Và gần như ngay lập tức, trong đầu tôi vang lên điệp khúc của bài hát đầy ý nghĩa ấy: Ephata, hãy mở, mở ra!  

Tôi nhớ đến những gì tôi đọc và thấy được trên facebook sáng nay. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là tấm hình mà ai đó đã chụp và đưa lên: Nhà thờ Đức Bà chụp qua hàng rào kẽm gai. Thật ấn tượng, và cũng thật buồn. Đất nước đang không có chiến tranh, sao lại hàng rào kẽm gai khắp nơi như thế này?

Chưa hết shock vì bức hình, tôi lại đọc được mẩu tin tờ báo Thế giới tiếp thị vừa bị đình bản 3 tháng. Lý do: đã dám đăng lên những bài viết có ít nhiều tính chất phê phán, phản biện, liên quan đến thảm họa môi trường làm phá hủy toàn bộ hệ sinh thái biển dọc các tỉnh miền Trung của Việt Nam.

Một lần nữa, tôi thấy mình như run lên. Vâng, vì tôi vừa nhận ra một ý nghĩa khác của bài hát. Tôi, như một tín hữu, tôi cần phải mở mắt, không chỉ để nhìn trời xanh với tinh tú long lanh, mà còn để nhìn xem người ta đã phá hủy ngôi nhà chung mà Chúa đã ban cho nhân loại như thế nào. Tôi cần mở tai, để nghe những lời kêu cứu từ các ngư dân miền Trung cũng như các nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long nơi môi trường bị phá hủy. Và tôi phải mở miệng, để nói lên sự thật, để đòi hỏi công lý cho mọi người, dù tôi chắc chắn sẽ phải trả một cái giá nào đó.

Ephata. Hãy mở ra.
Ephata. Ephata.