Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Viết nhân dịp nhận món quà của người bạn nhỏ

Tôi thích gọi em là người bạn nhỏ, dù em bằng đúng tuổi con trai tôi. Và dù tôi với em xưng hô cô và em, theo kiểu thầy trò, giống như tôi vẫn thường xưng hô với những sinh viên của mình, dù tuổi của họ có khi còn hơn tuổi tôi hoặc thường là chỉ kém trong vòng chục tuổi đổ lại (đối với học viên sau đại học), hoặc chỉ bằng con cháu tôi, như trường hợp của em. Vâng, dù có xưng hô như thế nào, và tuổi tác ra sao, tôi vẫn xem em như một người bạn đúng nghĩa - một người bạn nhỏ, that is.

Hôm nay, tôi nhận được món quà của em, người bạn nhỏ ấy. Không bất ngờ, vì hôm trước (lâu lâu rồi) đã thấy em gửi mail hỏi địa chỉ để gửi sách. Em vốn là ... mọt sách (có lẽ thế), và điều này cũng khá giống tôi, nên tôi cũng thấy bình thường, nghĩ rằng chắc em thấy một cuốn sách gì hay nên muốn gửi cho tôi. Tôi trả lời, rồi quên mất. Mãi cho đến hôm nay, khi nhận cuốn sách, và là món quà sinh nhật muộn của em gửi đến tôi. Muộn đến 2 tháng, nên em bèn cân bằng nó bằng cách đề tặng nó cho tôi nhân dịp Noel, và lần này thì sớm - sớm hẳn hai tháng. Như vậy, xét về thời gian mà nói thì nó đúng là perfect timing, không sớm và cũng không muộn một chút nào cả. Brilliant! :-D

Có một điều lạ lùng là sinh nhật tôi cũng rất gần sinh nhật của em, chỉ cách nhau có vài ngày. Đủ gần để tôi với em có cùng một lá số tử vi của phương tây - cùng là Virgo, tuổi Xử Nữ. Tuổi của những con người im im, buồn buồn, có vẻ hiền hiền nhưng thực ra cũng rất ... lì (well, kiên trì, nếu ai muốn dùng một từ đẹp đẽ hơn). Những người thích ở nhà đọc sách hơn là đi ra ngoài vui chơi, đàn đúm. Nếu có gặp gỡ bạn bè, những người ấy cũng chỉ thích gặp một nhóm nhỏ vài người quen rất thân. Có lẽ sẽ là một quán cà phê nho nhỏ nào đó ở một nơi yên tĩnh. Những người có ít bạn, nhưng tình bạn của họ có thể kéo dài nhiều chục năm trời. (Riêng tôi thì phải thêm câu này nữa: Và một khi đã nghỉ chơi với ai - do thấy rằng người ấy không còn xứng đáng với tình bạn của mình vì lý do nào đó - thì sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau nữa!!)

Cuốn sách của em tặng tôi là cuốn tuyển tập truyện ngắn của nhà văn nữ đoạt giải Nobel văn học năm 2013. Hẳn là em nghĩ tôi thích tác giả này (mà quả là tôi thích thật), vì tôi đã bỏ công dịch hết một truyện ngắn của bà sang tiếng Việt và đăng trên blog. Thậm chí tôi còn rủ rê một người bạn khác của tôi - một người mà tôi có thể gọi là người bạn lớn, giống như tôi gọi em là người bạn nhỏ - cùng dịch và tìm cách xuất bản một tập truyện của Alice Munro nữa cơ. Nhưng rồi ... cái tính "cả thèm chóng chán" (lời của mẹ tôi) cố hữu của tôi đã thắng thế: tôi chỉ dịch được đúng 1 truyện đó, và đang dịch dở dang một truyện khác, và ... bỏ dở hoàn toàn.

Well, tôi cũng có thể tự bào chữa cho mình bằng cách nói (chống chế) rằng thời gian qua tôi có nhiều thay đổi trong công việc khiến không thể tập trung được. Nhưng tôi cũng biết nếu không có gì thay đổi thì có lẽ tôi cũng vẫn .. " cả thèm chóng chán" như thế thôi. Nói cho chính xác thì cũng không phải là chán, mà vì tôi quá say sưa với cuộc sống này, nên đã biết qua về Alice Munro rồi (vd thế) thì tôi sẽ phải tạm gác lại để lại lao vào những cuộc tìm hiểu, những đợt phiêu lưu với những điều khác đang diễn ra quanh mình. Như ... biểu tình ở Hongkong, với cuộc cách mạng dù, chẳng hạn. Hoặc ... phân tầng xếp hạng trường đại học, ví dụ thế. Danh sách có thể còn dài thêm nhiều nữa.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi quên hẳn những thói quen cũ, những người quen cũ, những "tình yêu" cũ (tình yêu nói theo nghĩa rộng, các bạn nhé!). Tôi sẽ nhớ đến họ, đến chúng khi tôi đã quá mệt mỏi với những đợt tìm hiểu, những cuộc phiêu lưu với cái mới, và cần một chút không gian riêng để thở, một chút thời gian riêng để lắng lại. Và cuốn truyện ngắn chọn lọc của Alice Munro đến với tôi vào một lúc tôi đang cần lắng lại như thế.

Hai mươi ba truyện ngắn trong một cuốn sách hơn bốn trăm trang giấy khổ nhỏ (paperback). Tôi sẽ nhâm nhi đọc nó trong một thời gian chưa biết là dài hay ngắn. Tôi không bao giờ biết được, vì đối với tôi, đời là một chuyến đi, và cuộc đi quan trọng hơn đích đến. Cứ tha thẩn ngắm đường, còn đến nơi thì không cần thiết, mà thậm chí là điều không mong đợi. Vì đến nơi là chấm dứt cuộc đi. Tôi sẽ đọc nhẩn nha khi nào mình cần, khi nào có thời gian, khi nào có tâm trạng, hoặc khi nào không có tâm trạng gì cả, chỉ trống không, trống không. Lúc này là một lúc tôi quá đầy nên trở thành trống không như thế.

Mấy giòng chữ đề tặng của em mềm và hơi run. Có ai biết rằng tôi là người biết xem chữ viết để đoán tính cách không nhỉ? Tôi nghĩ, có lẽ em mua cuốn sách này trong một buổi đi nhà sách, lang thang một mình, thơ thẩn nhớ nhà, và chợt nghĩ đến tôi. Tôi nghĩ em giống tôi nhiều điểm, mà cũng khác rất nhiều. Nếu không tin, hãy nhìn chữ viết (tôi đùa đấy!). Nhưng quả thật, chữ của em đều đặn, nét mỏng và mềm, hơi run. Chữ viết của tôi thì ngược lại, mạnh, đậm, dứt khoát, rất không đều (tiếng Anh có lẽ là rugged), cứng, không bao giờ run. Xét theo tử vi phương Đông thì tôi với em là hai thái cực, trái ngược nhau hoàn toàn. Tôi là dương nam, còn em là âm nữ (cùng tuổi con trai tôi). Tuổi mèo, nên  có chút gì mềm mỏng, uể oải, bẽn lẽn, nhưng xa cách và ... chảnh của loài mèo. Tôi là chuột, xù xì, xấu xí, có sao để vậy, không dressed up, thô ráp, nhưng năng động, chạy đôn chạy đáo suốt ngày đêm. Sao tôi với em lại có ít nhiều đồng cảm, nhỉ? Không biết được, tình bạn đối với tôi cũng là một món quà. Một bông hoa đẹp, hoặc thơm, hoặc vừa thơm vừa đẹp, trên đoạn đường tôi đi qua.

Cám ơn em về món quà, về tình bạn, về hương thơm em đã tỏa ra trên đường tôi đi. Tôi đã bị attracted bởi vẻ đẹp và hương thơm của hoa, tôi đã dừng lại, và đã viết bài này ghi lại những cảm xúc. Rồi tôi sẽ tiếp tục đi, sẽ quên em, sẽ bận rộn với nhiều cái mới mẻ khác. Để một lúc nào đó khi cần lắng lại, kỷ niệm về tình bạn dễ thương ấy lại ùa về. Và làm cho tôi mỉm cười, và thấy trong lòng nhẹ nhõm.

Bài viết này cũng là một món quà nhỏ mà tôi tặng cho em. Cho một sinh nhật muộn, và một Giáng sinh sớm. Và là một lời cám ơn, một lời cầu chúc. Ở nơi xa, mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với em, em nhé, người bạn nhỏ của tôi.







Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Lảm nhảm về những việc không đâu ...

Chẳng hiểu tại sao, hôm nay tôi lại muốn nghe lại một số bản nhạc tiếng Anh mà bọn tôi đã rất thích thời còn là sinh viên.

Thời sinh viên của chúng tôi là cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Và chẳng biết tôi có thiên vị không, nhưng tôi cảm thấy nhạc pop của thập niên 70 và 80 là hay nhất. Cái này chắc là hội chứng tô phở đầu tiên quá!

Ai chưa biết thì xin giải thích: Phở Bắc vốn xuất phát từ miền Bắc, nhưng khi vào Nam nó bị thay đổi rất nhiều. Cho nên người Bắc ở ngoài Bắc vào mà ăn phở của miền Nam thì chê ghê lắm. Mất hết vị phở, chằng còn nhận ra đó là phở nữa! Phở gì mà lại ăn với rau húng quế (vốn chỉ để ăn ... tiết canh), rồi giá trụng, lại còn xịt tương đen tương đỏ vào nữa, hầm bà lằn hết! Thật là ... không biết phải nói thế nào nữa!

Nhưng với những người sinh ra và lớn lên ở miền Nam như tôi (dù tôi là gốc Bắc Kỳ, nói chính xác là Bắc Kỳ 54 tức BK 9 nút) thì phở Nam mới đúng là phở! Vì tô phở đầu tiên mà tôi được ăn là tô phở như tôi mô tả ở trên, và I fell in love with it, như người ta thường nói. Nên lần đầu tiên tôi ăn phở Bắc - được hẳn một người Bắc sành ăn dẫn đi ăn, "thế này mới đúng là phở chứ" - thì quả thật, tôi thấy ... chẳng ngon gì cả.

Cái gì mà chỉ có bánh, thịt, nước dùng, có rắc hành ngò ở trên. Sao, hết rồi ư? Thế còn mấy bình tương đen, tương đỏ, rồi đĩa rau, đĩa giá của tôi đâu? Hừ hừ ...

Nào, lạc đề thế đủ rồi. Giờ quay lại mấy bản nhạc của thập niên 70, 80 chứ.

Nhạc tiếng Anh thời ấy tôi đã nghe nhiều, và thích cũng nhiều. Mỗi bài sẽ phù hợp với những tâm trạng khác nhau. Nhưng có một bài mà lúc nào tôi cũng thích - và bây giờ đang rất muốn nghe lại - là bài Imagine của John Lennon.

Vâng, hãy chúng ta hãy tưởng tượng ...

Tưởng tượng một đất nước thanh bình, dân chủ, tự do và phát triển ...

Tưởng tượng một xã hội công bằng, con người được tôn trọng, và chan chứa tình thương ...

Tưởng tượng đi các bạn, có ai đánh thuế mình đâu?

Và xin các bạn thưởng thức bài hát qua giọng hát vô cùng đáng yêu của cô bé tài năng Connie Talbot:

https://www.youtube.com/watch?v=GPeB6kGxWY0

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Joshua Wong với việc giảng dạy đạo đức và lòng yêu nước theo "mô hình TQ" ở Hongkong

Báo chí thế giới hiện đang liên tục đưa tin về cậu bé Joshua Wong, cậu bé chỉ mới 17 tuổi (còn chưa đủ tuổi lái xe) nhưng đã là thủ lĩnh có kinh nghiệm của phong trào dân chủ trong học sinh ở Hongkong. Từ năm 15 tuổi, cậu đã thành lập nhóm "Scholarism" năm 2012 để phản đối việc giảng dạy đạo đức và lòng yêu nước theo "mô hình Trung Quốc" cho học sinh Hongkong. Bài viết dưới đây, được đăng trên trang blog của tờ Wall Street Journal từ năm 2012, cho chúng ta biết thêm về bối cảnh ra đời của nhóm Scholarism.
-----------------
Nguồn: http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2012/07/16/hong-kong-school-leaflets-praise-one-party-system/


16 tháng 07, 2012, 4:18p.m HKT
Tài liệu giảng dạy về 'Mô hình Trung Quốc' làm Hồng Kông phẫn nộ (Blog WSJ, 16/7/2012)

Chính phủ Trung Quốc hiện nay đang được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo "tiến bộ, vị tha, và đoàn kết", đó là nội dung trích từ một cuốn sách nhỏ được gửi đến tất cả các trường công tại Hong Kong, và điều này đã gây ra một cuộc tranh cãi tại thành phố này; các nhà phê bình gọi đó là "sự tẩy não".
"Mô hình Trung Quốc", cuốn sách nhỏ in màu dài 34 trang, nhằm mục đích bày tỏ sự kính trọng đối với hệ thống độc đảng của Trung Quốc và lên án hệ các thống đa đảng tương tự như ở Mỹ, vì chúng sẽ gây ra “những tranh chấp đảng phái ác liệt.”
Cuốn sách nhỏ này đã được Trung tâm Quốc gia Dịch vụ Giáo dục Hồng Kông (một tổ chức nhận tài trợ của nhà nước) in ra để thúc đẩy sự hiểu biết và quảng bá sâu rộng hơn về văn hóa và lịch sử của Trung Quốc tại Hồng Kông.
"Cuốn sách này chỉ là một tài liệu tham khảo cho giáo viên nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về Trung Quốc", ông Wong Chi Ming (Hoàng Chí Minh), giám đốc trung tâm cho biết. Từ năm 2008 đến năm 2011, trung tâm này đã nhận được khoảng 8.000.000 đô la Hồng Kông (khoảng 1 triệu USD) từ chính phủ Hồng Kông, trong đó 2.300.000 đô la Hồng Kông (297.000 USD) được dùng để xuất bản các tài liệu giảng dạy.
Cuộc tranh cãi về cuốn sách "Mô hình Trung Quốc" nổ ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Hồng Kông với Trung Quốc. Mặc dù vùng đất vốn là thuộc địa cũ của Anh này đã được trả về cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997, nhưng nó vẫn tiếp tục vận hành theo hệ thống chính trị độc lập của riêng mình với đầy đủ các quyền tự do. Vào ngày 01 tháng 07 vừa qua, hàng chục ngàn người đã tràn ngập đường phố của Hồng Kông trong một cuộc biểu tình chỉ trích sự can thiệp của Bắc Kinh vào các hoạt động chính trị địa phương, và kêu gọi ông Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh), thị trưởng vừa tuyên thệ nhậm chức mới đây, phải từ chức, vì những người ủng hộ dân chủ của thành phố cho rằng ông ta quá “thân thiết” với chính quyền Bắc Kinh.
"Chúng ta nên tìm kiếm sự thật, và không nên nhắm mắt hoặc giấu đi tất cả những điều không tốt về đất nước của mình", nghị sĩ Wong Chi-sing (Hoàng Tinh Trì) nói. Ông là một trong một số những nhà lập pháp lên tiếng phê phán chính phủ đã hỗ trợ cho việc xuất bản các tài liệu giáo dục đầy thiên lệch trong một buổi điều trần gần đây tại Quốc hội.. “Cách làm này, vốn đã được dùng trong Cách mạng văn hóa, là hoàn toàn không thể chấp nhận được bởi vì đó chính là tẩy não."
Ngoài việc ca ngợi những ưu điểm của hệ thống chính trị của Trung Quốc, cuốn sách này – đã được phân phát 30.000 bản trong vòng hai tháng vừa qua – còn có hình ảnh tươi cười của Chủ tịch Trung Quốc Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) khi đến thăm nông dân ở Hà Nam và hình ảnh một người lính giải phóng quân Trung Quốc mặc đồng phục đang phát thuốc cho dân chúng ở châu Phi. Các giáo viên được toàn quyền sử dụng tập sách theo phán đoán của riêng mình.
Ban đầu Hồng Kông dự định bắt buộc phải dạy môn "đạo đức và lòng yêu nước" trong tất cả mọi trường công bắt đầu từ tháng chín này, nhưng sự phẫn nộ tràn lan của dân chúng đã khiến chính phủ phải hoãn việc thực hiện chương trình giáo dục mới cho đến năm 2015. Theo kết quả dò của Đại học Hong Kong, chỉ có 37% người dân Hồng Kông cho biết họ tự hào khi được trở thành công dân Trung Quốc sau khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2001.
Bộ trưởng giáo dục Hong Kong, Eddie Ng (Ngô Khắc Kiện) cho biết mục đích của việc giáo dục đạo đức và lòng yêu nước là nhằm "khuyến khích học sinh thảo luận các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau", và khẳng định thêm rằng không có quy định nào cấm thảo luận về những chủ đề nhạy cảm.
Chẳng hạn, cuốn sách nhỏ này cũng nêu những vấn đề gây tranh cãi như vụ phần mềm kiểm duyệt "Green Dam" của Trung Quốc, hoặc sự cố sữa nhiễm độc và vụ tai tiếng “Bố tao là Lý Cường", trong đó người con trai của một quan chức có nhiều mối quan hệ chính trị khi lái xe đụng phải một phụ nữ trẻ trong khuôn viên một trường đại học đã thách thức như vậy trước khi rời khỏi hiện trường.
- Te-Ping Chen và Trinna Leong