Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Người bạn nhỏ với bóng hồng nho nhỏ

Rất bất ngờ và thú vị, tôi nhận được thư của một người bạn nhỏ vào sáng sớm tinh mơ (4g30 sáng, cả nhà còn ngủ, chỉ có tôi với sự yên tĩnh của buổi ban mai còn nguyên vẹn chưa hề xáo động). Người bạn ấy cũng là độc giả của blog này, nhưng đang không ở VN mà ở nơi xa.

Với tư cách là chủ nhân của blog, tôi càng vui hơn khi đọc bức thư của người bạn ấy, vì nó cho thấy blog đúng là mối giây liên hệ, dù mơ hồ (như một bàn tay vô hình, hì hì, tôi mà cũng bày đặt nói chuyện lý luận về kinh tế học nữa cơ đấy). Rõ ràng có một sự đồng cảm nào đấy giữa tôi, chủ nhân blog, và những bạn đọc của blog này. Nếu không thế, thi làm sao tôi có thể nhận được những bài viết dễ thương như của anh HAD mà thực ra cho đến nay đối với tôi vẫn là một nhân vật bí ẩn (và cũng còn một vài nhân vật khác không kém dễ thương và/hoặc bí ẩn như bameque hay David Ngo và vài ba người khác nữa, hoàn toàn không biết mặt, không biết ở đâu, nhưng vẫn có tính cách rõ ràng và nhất quán, rất thật chứ không ảo một chút nào). 

Bức thư ấy có kèm một bài thơ dịch . Tôi không thể để tên người dịch vì yêu cầu của người bạn nhỏ ấy, nhưng các bạn đọc của blog này cũng chỉ cần biết nó không phải là của tôi mà thôi. Chỉ nói mí mí thêm một chút: bạn ấy nhỏ tuổi thôi, in his twenties, nên chắc chắn phải đang có một bóng hồng nho nhỏ (hay bự bự?) ở đâu đó trong đời.

Nói thêm: hình như khi người ta có chút tâm trạng thì người ta mới dễ làm thơ hoặc "cảm thơ" thì phải? Ơ nhưng nếu thế thì hình như không đúng với tôi đâu. Tôi ... tỉnh rụi, lý trí nhiều hơn cảm xúc rất nhiều. Cảm xúc của tôi, nếu có, thì bộc phát, lồng lộn như một con ngựa chứng, nên tôi cũng sợ mình rơi vào tình trạng cảm xúc lắm. Lúc nào tôi cũng chỉ muốn dùng lí trí mà thôi, và nhìn chung thì mọi người cho rằng tôi thành công. Một con người rất lý trí, sắc và lạnh, người ta bảo thế. Chả biết có đúng không nữa, mà đúng thì đã sao và không thì có sao không nhỉ? Có hề gì, tôi vẫn là tôi!

Thôi, lăng nhăng thế đủ rồi. Bức thư và bản dịch dễ thương của bài thơ ở dưới đây, các bạn đọc nhé. Và cám ơn người bạn nhỏ của tôi, nếu không có bức thư của bạn thì blog này sẽ rơi vào tình trạng nguội lạnh ít lâu đấy: tôi đang bận quá, thở không ra hơi rồi!

Ấy quên, chưa giới thiệu: Đây là một bản dịch khác của bài A Red, Red Rose của Robert Burns.
-------------------
Chào cô

Đọc blog cô xong em cũng có hứng dịch thơ, có điều chắc chỉ dám đưa cô đọc thôi chứ không tiện đăng lên chỗ nào cả. :D

Em

Em – nụ hồng chớm nở
Ngày tháng sáu tinh khôi.
Em – điệu đàn muôn thuở
Ngọt lành cả lòng tôi.

Em – dáng xinh vừa ghé
Đã đánh thức tim mòn.
Yêu. Ừ, thì yêu mãi
tới ngày biển không còn.

Tới ngày biển không còn,
Ngày đá xanh nóng chảy,
Vệt thời gian đứt gãy,
Tim mới dứt tình hồng.

Câu chào lạc giữa dòng
Phút biệt ly lặng lẽ.
Đời dẫu nhiều ngã rẽ
Vấn có lúc tao phùng.



Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

"Mai sớm bình minh" và lời chúc muộn nhân ngày 20/10

Tôi cũng giống như một số người khác ở VN, không thích ngày 20/10 và không xem ngày này là ngày phụ nữ VN. Vì vốn nó là ngày kỷ niệm thành lập Hội phụ nữ, một cái hội mà giống như một số đoàn thể chính trị khác của VN, tôi cảm thấy nó chẳng có vai trò gì trong việc bảo vệ hay đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ.  Nó cũng chẳng có chức năng thông tin về các vấn đề cần quan tâm của phụ nữ Việt Nam, chứ đừng nói đến việc nghiên cứu và đề xuất những giải pháp về các vấn đề này. Tóm lại, có thể nói đối với tôi nó hoàn toàn là một cái hội vô tích sự.

Vô tích sự thế, nhưng mà nó lại là một cái hội to đùng vật vã, có cơ quan từ trung ương đến địa phương, có cả cơ quan ngôn luận, cả trụ sở to nhỏ, và biên chế cơ man là con người, sử dụng không biết bao nhiêu là tiền ngân sách. Trong khi đó, những bài viết về phụ nữ đáng đọc, có giá trị thông tin cao vv thì tôi lại phải tìm ở những nơi xa lạ nào đó, ví dụ như trên trang web của Ngân hàng thế giới chẳng hạn!

Và dù hội này có chân rết ở khắp địa phương, từ trung ương cao chót vót đến tận cấp phường, nhưng những thân phận phụ nữ như bị bạo hành gia đình, bị buôn người bán qua biên giới, hoặc không có nghề nghiệp phải làm sex workers đầy rẫy, nhan nhản ở khắp Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn nhỏ tại VN, thậm chí ở cả vùng nông thôn nữa, thì cấm có thấy Hội ỏ ê, động tĩnh gì để giúp đỡ, giải quyết cho cuộc sống của họ tốt hơn bao giờ cả. Nếu có thì chỉ thấy họ bị chính Hội phụ nữ sỉ nhục thôi; nếu bạn muốn biết rõ hơn xin hãy tìm bài "Văn học cách mạng, cô gái sông Hương và bà tiến sĩ" trên blog này của tôi và đọc thì sẽ rõ.

Nhưng thôi, như một bạn nào đó đã nói trên facebook, đàng nào thì ngày 20/10 cũng đã (lỡ) được xem là ngày phụ nữ VN rồi, mà một ngày như thế thì cũng đáng để có, nên có ai muốn lấy ngày này để nhớ đến phụ nữ, để chúc mừng vv thì tôi tin là phụ nữ VN cũng sẽ rất vui. Hôm nay, tôi cũng nhận được một lời chúc muộn và một món quà dành cho phái nữ trong số các bạn đọc blog này. Các bạn đọc bên dưới nhé.

Và cảm ơn anh HAD đã gửi đến bloganhvu món quà này, dù có hơi muộn một chút. Cũng là để kéo dài niềm vui "là phụ nữ" ra thêm một chút mà, các bạn nhỉ.
------------------
VICTOR HUGO & BÀI THƠ NỔI TIẾNG VỀ CON GÁI
Victor Hugo sinh ngày 26 tháng 2, 1802 tại Besançon. Mất ngày 22 tháng 5, 1885 tại Paris. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch lớn của nước Pháp và thế giới. Các tác phẩm của ông rất đa dạng bao gồm tiểu thuyết, thơ, kịch, các diễn văn chính trị,... Cuốn Người cùng khổ (LesMisérables) và Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) là hai tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

Victor Hugo có một con gái đầu lòng tên Leopoldiné, mà ông rất yêu quý. Khi Leopoldiné vu quy, ông có làm một bài thơ cảm động tặng con.

Đám cưới chưa được bao lâu thì Leopoldiné qua đời trong một tai nạn đi thuyền trên sông. Ngôi mộ trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Seine.

Victor Hugo không sao nguôi ngoai được nỗi buồn , ông cảm thấy như con gái còn hiện hữu, gọi ông, đợi ông... Ông hẹn sẽ đến thăm con.

Và niềm khắc khoải đớn đau đó được thể hiện qua Demain, dès l’auble, một bài thơ ông làm năm 1847, 4 năm sau ngày Leopoldiné mất.

Nguyên tác như sau :

Demain, dès l'aube

Demain, dès l'aube, à l'heure où blanchit la campagne,
Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m'attends.
J'irai par la forêt, j'irai par la montagne.
Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.

Je marcherai les yeux fixés sur mes pensées,
Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,
Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,
Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.
Je ne regarderai ni l'or du soir qui tombe,
Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur,
Et quand j'arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.

Đây là một bài thơ thuộc vào loại nổi tiếng nhất của Victor Hugo trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, bài thơ nói trên cũng có khá nhiều bản dịch. Xin giới thiệu sau đây một số bản dịch tương đối phổ biến nhất :

Bản dịch nghĩa của Sóng Việt Đàm Giang :

Ngày Mai, Từ Rạng Đông

Ngày mai, từ rạng đông lúc trời đồng quê bắt đầu sáng 

Cha sẽ đi, Con thấy không cha biết con đang chờ cha
Cha sẽ vượt qua rừng, cha sẽ vượt qua núi.
Cha không thể nào xa cách con lâu dài hơn được nữa
Cha sẽ đi, đôi mắt chăm chú vào suy nghĩ của cha
Chẳng hề màng nhìn chung quanh, không màng nghe một tiếng động
Một mình, không ai biết, lưng còng, hai bàn tay đan nhau
Sầu buồn, và ngày đối với cha cũng tựa như đêm thôi.
Cha sẽ không màng nhìn chiều vàng đang đổ xuống,
Hay những cánh buồm xa đằng phía cảng Harfleur,
Và khi cha đến nơi, cha sẽ đặt trên mộ của con
Một bó hoa có ô-rô xanh cùng thạch thảo đang nở.

Một bản dịch chưa rõ tác giả :

NGÀY MAI, LÚC RẠNG ĐÔNG
Cha sẽ đi- phương trời - con có biết ?
Sáng mai đây khi sương sớm giăng mờ,
Cha sẽ qua bao núi đồi - con biền biệt,
Chẳng thể nào chờ lâu nữa...con thơ !
Chân cha bước, lòng chìm sâu suy tưởng,
Mắt không nhìn, tai cũng chẳng nghe đâu,
Tay nắm chặt, vai cõi còm - pho tượng
Lòng trĩu buồn, ngày chìm xuống đêm sâu...
Cha nhắm mắt , xua chiều vàng trước mặt,
Cả những cánh buồm đang lượn phía Harfleur
Khi cha đến bên con-vòng hoa trên mộ vắng
Ô-rô, thạch thảo này- hoang đắng cõi lòng cha!...

Bản dịch thơ của Tôn Thất Phú Sỹ

SÁNG SỚM NGÀY MAI

Ngày mai khi mặt trời vừa ló dạng
Tia nắng hồng nhuộm trắng cả đồng quê

Ba sẽ đi ... băng qua rừng qua núi
Và bên kia , con vẫn đợi ba về

Chân rảo bước mà hồn nghe đau nhói
Mắt mơ hồ nhìn hình bóng con thơ
Nỗi cô đơn trong khắc khoải từng giờ
Vòng tay rộng ôm cho tròn nỗi nhớ

Lòng mơ hồ theo nắng chiều rơi rụng
Cánh buồm xa thấm mệt gió muôn phương
Ôm mộ con thơm mùi hoa thạch thảo
Giọt nước mắt buồn rơi xuống Đại Dương

Bình luận ngắn :
Bài thơ nói trên cũng như bao bài thơ nước ngoài khác, hoàn toàn không dễ dịch. Kể từ khi tôi biết về Victor Hugo thì tôi cũng biết luôn bài thơ nổi tiếng Demain, dès l’auble của ông. Nghĩa là cũng mấy chục năm qua rồi. Và tôi cũng thử dịch đôi ba lần nhưng đều thất bại. Tôi tự thấy là mấy bản dịch đó của tôi nghe kỳ kỳ -  nếu hiểu theo tiếng miền Tây Nam Bộ thì có lẽ từ đó tương đương với … dở !

Nhưng bản dịch gần đây nhất vào khoảng tháng 6 năm 2002 thì có đôi chút khác. Đó gần như là một câu chuyện.Một thân hữu được tôi chia sẻ bài thơ cùng bản dịch đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện như vầy:

“ Số là tôi có một người bạn, tướng tá trông oai vệ, đẹp trai, cằm bạnh, râu quai nón, nghĩa là manly hết chỗ nói .Nhưng lạ thay hắn chỉ có con gái, không chỉ một mà tới bốn đứa con gái ! Bị bạn bè trêu ghẹo mãi, hắn đâm quạu. Hắn đâm ra ghét bỏ mấy đứa con gái của mình. Hắn thường to tiếng, thậm chí xỉ vả mấy đứa con tội nghiệp của mình vì những lý do chẳng ra sao. Hắn buồn phiền tới mức ngay cả khi mấy đứa con bệnh, hắn cũng bỏ đi nhậu với bạn bè, để mặc vợ hắn tự xoay xở. 

Một hôm, sau một chầu nhậu sương sương ở đâu đó, hắn tới nhà tôi chơi, gặp khi tôi vừa đọc xong bản dịch bài thơ Demain, dès l’auble của anh tặng, còn để trên bàn, trong khi chờ tôi pha bình trà nóng, hắn cầm lên xem rất lâu, rồi vùng ứa nước mắt, đứng lên không kịp nói gì với tôi, không nói một lời từ giả, hắn ra về, để mặc tôi đứng ngẩn ngơ với làn khói Honda còn vương lại. Ít lâu sau đó tôi nghe vợ hắn kể chuyện : lạ lắm anh ạ, giờ đây tự nhiên “ ảnh ” đã biết thương mấy đứa con, mà thương vô cùng  …Phải chăng cái nhà ông Victor Hugo với bài thơ về cô con gái bạc mệnh Leopoldiné đã làm thay đổi cả tâm hồn và tư tưởng của hắn rồi ? Anh nghĩ có đúng không? Còn tôi, tôi nghĩ chắc là vậy. Và về sau mấy lần tôi gặp hắn cùng mấy “tiểu thư” tay trong tay, tươi rói, đi siêu thị, hỏi hắn, nhưng thằng cha ấy chỉ cười cười không nói …. ”

Tôi thấy vui, nhưng cũng chỉ dám nghĩ là một sự trùng hợp ly kỳ nào đó, hoặc là mình gặp may thôi. Và thành thử, bài thơ dịch chưa bao giờ được phổ biến ra ngoài- ngoài vài ba thân hữu  .

Nhưng  hôm kia khi đọc bài  Why Vietnam needs its baby girls ? nói về xu hướng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam đăng trên báo AV , tôi thấy mình cũng nên giới thiệu bài dịch của mình, biết đâu trong muôn một, bài dịch đó cũng có thể tác động đến một vài đấng nam nhi có hoàn cảnh như của người bạn của thân hữu nói trên của tôi !  Bản dịch đó như sau :

MAI SỚM BÌNH MINH   
Con gái!
Sớm mai đây khi bình minh vừa ló dạng
chốn đợi chờ cha sẽ đến thăm con 
mấy cánh rừng rồi mấy dặm núi non
cha qua hết bởi không xa con lâu hơn được.

Cha cất bước đắm chìm trong suy tưởng
không nghe cùng không thấy gì hơn
ngày và đêm thăm thẳm nỗi cô đơn
lưng chừng nặng tay đan niềm đau đớn     

Rồi chập choạng trong bóng chiều đang xuống
những cánh buồm hoang vắng Harfleur
trên mộ con cha đặt cánh hoa xưa
thạch thảo tím ô rô xanh
đầy nước mắt…

HOÀNG ANH DŨNG dịch
06 /2002

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Tại sao Việt Nam cần con gái? (Why Vietnam needs its baby girls?)

Bài viết này vừa được đăng hôm nay trên trang web của Ngân hàng thế giới, có cả bản gốc tiếng Anh lẫn bản dịch tiếng Việt (chưa hay lắm, đọc lên vẫn còn thấy rõ là văn dịch). Nhận thấy đây là một lời cảnh báo quan trọng đối với VN, tôi đăng lên đây làm tư liệu đồng thời giới thiệu đến các bạn đọc của bloganhvu.
----------------

Tại sao Việt Nam cần trẻ em gái

Available in English
Tuần trước, tôi đọc các bài viết về Malala, cô gái 14 tuổi người Pakistan bị bắn vào đầu khi đang trên xe buýt của trường để trả thù cho sự tham gia tích cực của cô trong việc thúc đẩy các quyền về giáo dục của trẻ em gái tại Pakistan. Cùng ngày hôm đó, tôi đã giúp một người bạn biên tập các đoạn chú thích cho loạt ảnh về những cô gái rất trẻ trên toàn thế giới (một số chỉ mới 5 tuổi) nhưng đã bị ép kết hôn với những người đàn ông già hơn rất nhiều vì lý do kinh tế hoặc tập quán văn hóa.

Có lẽ cũng trong ngày hôm đó tôi thực sự cảm nhận được mình may mắn đến thế nào khi được làm việc về vấn đề giới ở một quốc gia như Việt Nam, một nước được coi là tiên phong về bình đẳng giới trong số các quốc gia phát triển và những hành động tàn bạo như vậy thường không xảy ra (mặc dù tảo hôn vẫn xảy ra ở một số khu vực miền núi của đất nước).

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn về bình đẳng giới tại Việt Nam và có lý do để sự lo ngại ngày càng gia tăng: sự chênh lệch tỉ lệ giới tính khi sinh. Tại Việt Nam, thống kê mới nhất năm 2010 cho thấy cứ 100 bé gái chào đời thì có 111 bé trai được sinh ra. Trong nhóm 20% giàu nhất của dân số và tỷ lệ con thứ ba của các cặp vợ chồng thì con số này lên tới 133 bé trai trên 100 bé gái.

Tỷ lệ các bé trai sơ sinh so với các bé gái đã tăng lên nhanh chóng trong vòng 10 năm qua, và có những dấu hiệu mạnh mẽ rằng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng do sử dụng phá thai lựa chọn giới tính để đảm bảo sinh được con trai. Các yếu tố góp phần gia tăng tỷ lệ này bao gồm chính sách hai con của Chính phủ cũng như sự phổ biến và dễ tiếp cận hơn của dịch vụ nạo phá thai và công nghệ siêu âm để xác định giới tính thai nhi.

Vậy tại sao có quá nhiều người Việt Nam thích con trai hơn con gái? Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều lời giải thích, nguyên nhân, lý do cho việc này mà phần nhiều trong số đó tôi sẽ không bao giờ thực sự biết được hoặc thấu hiểu hoàn toàn. Tuy nhiên, theo quan niệm thông thường ở Việt Nam, nguyên nhân quan trọng nhất là theo truyền thống thì đàn ông có thể chăm sóc cha mẹ già tốt hơn về mặt vật chất, và trong xã hội Việt Nam, đàn ông là người nối dõi tông đường, dòng họ và thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, một vài đồng nghiệp nam nói với tôi rằng nếu không thể có được một đứa con trai, họ cảm thấy bị coi là thiếu nam tính và bị bạn bè và gia đình trêu chọc.

Nhưng tại sao vấn đề mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh ở Việt Nam lại thực sự quan trọng? Có ít nhất hai lý do để đây thấy là một vấn đề lớn. Vấn đề hiển nhiên nhất có liên quan tới nhân khẩu học - Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA, tổ chức hàng đầu thế giới hoạt động về cân bằng tỉ lệ sinh) dự báo rằng đến năm 2035, Việt Nam sẽ “thặng dư” ít nhất 10% nam giới. 

Điều này có nghĩa là một số lượng lớn đàn ông trẻ sẽ không bao giờ kết hôn và có con. Điều này cũng đồng nghĩa với sự kém đa dạng hơn trên thị trường lao động, về văn hóa, về chính trị, cũng như có khả năng dẫn đến gia tăng nhu cầu về mại dâm và buôn bán người.

Một vấn đề khó nhìn thấy hơn là hậu quả của việc lựa chọn con trai là nó có thể gây tác hại lên bình đẳng giới và sự tự tin của phụ nữ khi một số bé gái trưởng thành với tư tưởng rằng các em không được coi trọng và cần thiết bằng các bạn khác giới. Điều này có vẻ không rõ ràng lắm trong từng gia đình, nhưng thực sự có thể nhìn thấy ở cấp độ xã hội.

Với bất kỳ phong tục ở bất kỳ quốc gia nào, thật khó để khái quát hóa và luôn có những ngoại lệ. Tôi đã trò chuyện với những phụ nữ Việt Nam bị đuổi khỏi nhà chồng hoặc bị ép ly hôn vì không sinh được con trai. Nhưng tôi cũng từng nói chuyện với cả những đàn ông và phụ nữ hạnh phúc khi chỉ có con gái và không muốn chọn con trai kể cả khi họ có thể. Và rất ít nơi trên thế giới mà tôi có thể trải nghiệm cảm giác mọi người hân hoan vui mừng với trẻ con như ở Việt Nam, không kể là bé trai hay gái. Mỗi khi một đồng nghiệp đưa con tới văn phòng chơi, các đồng nghiệp khác liền vây quanh ngưỡng mộ, vuốt ve và cù đứa trẻ con mà không bận tâm tới giới tính của bé.

Vì vậy, việc thích có con trai hơn, rõ ràng không phải xuất phát phát từ sự vô tâm, và cũng dễ hiểu khi cha mẹ và ông bà muốn đảm bảo tương lai về già của mình cũng như trân trọng phong tục và niềm tin truyền thống. Nhưng, số liệu thống kê không nói dối. Đối mặt với một vấn đề ngày càng gia tăng và có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, Việt Nam không thể lựa chọn tiếp tục hành động như vậy.

May mắn thay, Chính phủ đã nhận thức được vấn đề và thực hiện một số biện pháp, bao gồm cấm phá thai chọn lọc giới tính (mặc dù quy định này không được thực hiện nghiêm ngặt). Nhiều con mắt đang đổ dồn về Việt Nam để xem quốc gia này có thể phá vỡ xu hướng đáng lo ngại này hay không. Dù ở Việt Nam, lương của phụ nữ chỉ bằng 75% nam giới, hiện nay số lượng nữ sinh học đại học đang cao hơn nam sinh và không có gì bảo đảm rằng trong 20 hay 30 năm nữa, đàn ông sẽ là trụ cột tốt hơn của gia đình.

Cũng có những phong trào thúc đẩy phụ nữ trong việc duy trì dòng họ và thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, để thay đổi một điều đã ăn sâu vào gốc rễ truyền thống như việc yêu thích con trai là một nhiệm vụ khó khăn và cần nhiều nỗ lực nữa, bao gồm cả chính sách, chiến dịch, nâng cao nhận thức và sự cởi mở của cá nhân để thay đổi. Ngày 20/10, Việt Nam kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam và tôn vinh nhiều kết quả tích cực trong nâng cao bình đằng giới. Tôi hy vọng rằng tầm quan trọng của việc trân trọng trẻ em gái như trẻ em trai sẽ ghi vào tâm trí mỗi người khi chúng ta kỷ niệm ngày lễ này.
------------
Cập nhật tối 19/10/2012

Tôi nhận được ý kiến này của "bạn đọc blog", thấy có giá trị thông tin nên xin đăng lên đây để chia sẻ với mọi người.

Bài viết "Why Vietnam needs its baby girls?" rất có ý nghĩa, còn bài dịch thì như chủ blog đã nhận định: chưa hay lắm, đọc lên vẫn còn thấy rõ là văn dịch.

Nhưng điều quan trọng là có một đoạn rõ ràng bản dịch đã không đúng với nguyên tác, nguyên tác ghi số liệu mới nhất năm 2009, còn bản dịch " dịch " ra năm 2010 !

Cụ thể, bản dịch như sau:
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn về bình đẳng giới tại Việt Nam và có lý do để sự lo ngại ngày càng gia tăng: sự chênh lệch tỉ lệ giới tính khi sinh. Tại Việt Nam, thống kê mới nhất năm 2010 cho thấy cứ 100 bé gái chào đời thì có 111 bé trai được sinh ra. Trong nhóm 20% giàu nhất của dân số và tỷ lệ con thứ ba của các cặp vợ chồng thì con số này lên tới 133 bé trai trên 100 bé gái.

Còn nguyên tác là :
There is however one major challenge to gender equality in Vietnam, where there is reason for growing concern: the skewed sex ratio at birth. In Vietnam, the latest figures from 2009 show that for every 100 girls born, 111 boys are born. When looking at the richest 20% of the population and the rates for couples’ third child, this number increases to 133 boys for 100 girls.

Đối chiếu với các tài liệu tiếng Việt hiện có thì số liệu nói trên đúng là của năm 2009.


[Ngoài ra the skewed sex ratio at birth phải chăng nên dịch là tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh hoặc như một số tài liệu dịch là tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh ? ]
-------------------------------
Tôi - tức là chủ nhân blog này - cũng đồng ý với những nhận xét đã đăng ở trên. 2009 hoặc 2010 thì có thể xem là một sự nhầm lẫn, nhưng "the skewed sex ratio at birth" mà dịch là "sự chênh lệch tỷ lệ giới tính" như trong bài thì  chưa ổn lắm, mà phải dịch là "tỷ số chênh lệch giới tính" (hoặc tỷ lệ; thực ra thì tỷ số sẽ chính xác hơn nhưng ở VN đôi khi từ tỷ lệ cũng được dùng với nghĩa tỷ số).

Cám ơn "bạn đọc blog" đã gửi nhận xét nhé.

"Đâu là hồn cốt Ma chiến hữu" (Vũ Ngọc Tiến)

Như bạn đọc của bloganhvu đã biết, trên blog này tôi rất ít khi đăng lại bài từ nơi khác. Nhưng đôi khi vẫn có ngoại lệ.

Ví dụ như hôm nay. Mặc dù tôi đã viết đến 2 bài về nhà văn Mạc Ngôn rồi, nhưng khi đọc được bài này tôi vẫn muốn đăng lên, cũng là để kết thúc chủ đề này.

Bài viết này là của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, tác giả cuốn Rồng đá bị cấm, là cuốn sách ra đời cùng thời với cuốn Ma chiến hữu, cũng có đề cập đến cuộc chiến 1979. Vì hai cuốn sách ra đời cùng một khoảng thời gian, cùng về một chủ đề, nhưng lại có phân biệt đối xử (sách Tàu thì bán, sách ta thì dừng!) nên dư luận mới phẫn nộ như ta thấy lâu nay.

Sự phẫn nộ ấy là chính đáng nếu như mọi người hướng nó vào việc đòi hỏi phải có những tác phẩm về cuộc chiến này từ phía VN. Nhưng không, mọi người lại trút giận sang nhà văn Mạc Ngôn của TQ là người có tác phẩm được VN cho phép in trong khi tác phẩm của nhà văn trong nước thì bị cấm. Khổ quá, việc ấy Mạc Ngôn đâu có chịu trách nhiệm cơ chứ? Ông chỉ chịu trách nhiệm về tác phẩm mà ông viết ra thôi chứ nhỉ, còn viết ra rồi mà VN cho in trong khi lại cấm tác phẩm trong nước, thì Mạc Ngôn biết làm gì bây giờ?

Cảm nhận về nội dung của cuốn Ma chiến hữu tôi đã viết đến 2 entry liền rồi, nên không nói gì nữa. Nay tìm được bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, là người xứng đáng hơn ai hết có quyền giận, ghét Mạc Ngôn vì sách của Mạc Ngôn thì được in mà sách của mình thì bị cấm. Nhưng không, Vũ Ngọc Tiến - có lẽ vì ông là nhà văn - rất hiểu và trân trọng công sức lao động nghệ thuật của Mạc Ngôn, và khẳng định cuốn Ma chiến hữu là cách riêng để Mạc Ngôn lên án cuộc chiến. 

Thôi thì tôi không nói thêm gì nữa, sợ rằng lại bị cho là đã mắc mưu xâm lược, đồng hóa của bọn bá quyền nước lớn. Chỉ đăng lại bài của Vũ Ngọc Tiến và khép lại chủ đề Mạc Ngôn và Ma chiến hữu ở đây.
------------
http://quechoa.vn/2012/10/17/dau-la-hon-cot-ma-chien-huu/


Lời thưa: Giải Nobel văn học năm 2012 vừa trao cho nhà văn TQ Mạc Ngôn- tác giả Đàn Hương Hình, Vú To Mông Nở… theo thiển nghĩ của tôi là xứng đáng, mang vinh dự về cho văn học TQ và châu Á. Mấy ngày qua, có lẽ vì quá căm phẫn bọn bá quyền TQ hung hăng bành trướng độc chiếm biển Đông nên có người viết comment trên trang của anh Ba Sàm rằng “Mạc Ngôn còn nợ nhân dân VN một lời xin lỗi về cuốn Ma Chiến Hữu” hoặc như ông Vũ Xuân Tửu viết hẳn một Entry trên trang Nguyễn Trọng Tạo.org rằng “Ma Chiến Hữu xuyên tạc, bài xích VN”. Nhớ lại 4 năm trước, sau vụ án cuốn Rồng Đá, cư dân mạng lại xôn xao bàn luận quanh cuốn Ma Chiến Hữu, kết tội tác giả khá nặng nề nên theo gợi ý của anh GS.Trần Hữu Dũng- chủ trang web viet-studies, tôi đã viết bài về tác phẩm này của nhà văn Mạc Ngôn. Nay công bố lại để mọi người cùng suy ngẫm…
 Từ vài tháng nay, quanh vụ cuốn “Ma Chiến Hữu”, nhiều bạn đọc trong nước và hải ngoại chẳng hiểu sao cứ xem tôi như người trong cuộc. Họ viết thư hỏi tôi sao lại im lặng? Thật lòng mà nói, sau vụ cuốn “Rồng Đá”, tôi thấy mệt mỏi đôi chút. Mặt khác, tôi đang bận tham gia làm một bộ phim tài liệu lịch sử 2 tập về Thái sư Trần Thủ Độ với anh Minh Chuyên, chưa có dịp đọc cuốn “Ma Chiến Hữu” cho cặn kẽ nên không dám viết về nó. Giờ  bình tĩnh đọc lại, tôi cũng muốn viết đôi dòng sao cho chân thực, khách quan.
 Sơ lược về cuốn sách
“Ma Chiến Hữu” là 1 trong bộ tác phẩm gồm 7 cuốn sách của nhà văn TQ- Mạc Ngôn (Ma Chiến Hữu, Châu Chấu Đỏ, Bạch Miên Hoa, Trâu Thiến, Con Đường Nước Mắt, Hoan Lạc và Người Tình Nói Chuyện Mộng Du) do Nxb Văn Học, Chi nhánh phía Nam kết hợp với công ty Phương Nam tổ chức biên dịch và ấn hành khoảng đầu Quý I/2008. Trên bàn làm việc của tôi lúc này đang có đủ 2 cuốn “Ma Chiến Hữu”, 1 ấn hành lần đầu vào tháng 2/2008, còn 1 tái bản vào tháng 1/2009. Cuốn đầu dày 198 trang, giá bìa 23 ngàn, cuốn sau do cách trình bày hơi khác trước nên dày  214 trang, giá bìa 35 ngàn. Hình minh họa và bố cục bìa khác nhau, nhưng cả 2 đều là bìa mềm, chất lượng giấy như nhau, đủ thấy có sự tăng giá theo cung- cầu của thị trường. Nhiều người bảo tôi, cuốn đầu bày bán ê hề gần cả năm trời, nhưng ít người mua. Chỉ khi xảy ra vụ cuốn “Rồng Đá” (11-12/2008), cư dân mạng chợt xôn xao bàn tán về “Ma Chiến Hữu”, sách bỗng nhiên bán chạy và người ta liền đục nước béo cò, vội cho tái bản với giá gấp rưỡi. Mà thôi, đó chỉ là nhận xét tầm phào ở ngoài quán nước vỉa hè, tôi không dám lạm bàn sẽ sinh rắc rối. Vậy nội dung tác phẩm này của Mạc Ngôn nói gì khiến cư dân mạng xôn xao bàn luận?
 Đâu là hồn cốt “Ma Chiến Hữu”?
Giá trị của tiểu thuyết, trước hết phải là hồn cốt câu chuyện hay những thông điệp tư tưởng chuyển tải đến người đọc, thông qua hình tượng nghệ thuật và thủ pháp riêng mới của tác giả làm nên sự cuốn hút. Càng đọc kỹ, tôi càng thêm khẳng định “Ma Chiến Hữu” là tác phẩm Mạc Ngôn phản đối cuộc chiến tranh Trung- Việt (2/1979) rất vô nghĩa và bẩn thỉu. Dường như nhiều người chưa đọc hoặc đọc không kỹ, chỉ bám vào mấy lời PR của Nxb Văn Học ở đầu cuốn sách nên đã kết tội oan tác giả và tác phẩm. Cái gọi là “Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng” như lời Nxb viết, nực cười thay đó lại là cách viết mỉa mai của Mạc Ngôn về việc người ta đem khái niệm chủ nghĩa anh hùng rất chung chung, mơ hồ làm thứ Doping tinh thần cho những người lính nông dân mỏng học, nghèo xác để họ mù quáng lao vào cuộc chiến tàn khốc với Việt Nam mà thôi. Lừa lọc và giả trá là bản chất thâm căn cố đế của những kẻ chủ mưu gây nên cuộc chiến này.  

Bối cảnh câu chuyện được Mạc Ngôn mở ra bằng một trận lũ lụt bên kia biên giới sao mà giống với cảnh lũ lụt ở Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang hay ở mấy tỉnh miền Trung của Việt Nam đến thế. Vì trận lũ này mới có cuộc gặp gỡ giữa người dẫn chuyện Triệu Kim với hồn ma lính Tiền Anh Hào. 13 năm trước, họ là đồng đội của nhau, ôm giấc mộng vớ vẩn trở thành anh hùng như Đổng Tồn Thụy ngày xưa, nay họ nghe theo lời bịp bợm bảo vệ Tổ Quốc mà tràn qua biên giới đánh nhau với kẻ thù Việt Nam, không nhìn thấy địch, chỉ thấy súng đạn từ phía đối phương bắn sang cũng là súng đạn do Trung Quốc sản xuất. (từ trang 7 –  trang 45). Kể từ đây, cuộc đối thoại âm dương giữa Triệu Kim và hồn ma Tiền Anh Hào đã dẫn dắt bạn đọc vào nghĩa trang có 1600 ngôi mộ lính Trung Quốc tử trận, hằng đêm rên rỉ khóc than, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con đang phải sống điêu đứng lầm than nơi quê nhà xa lắc. Những dòng chữ viết về gia cảnh của hồn ma tử sĩ Hoa Trung Quang và Khương Bảo Châu ở quê nhà khiến người đọc ứa nước mắt. (từ trang 47- trang 73). Cái nghĩa trang tác giả hư cấu kia sao mà giống như trong lời kể của nhà báo Huy Đức rằng, ở Vị Xuyên- Hà Giang có một nghĩa trang gồm 1.680 ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam, thì 1.600 người hy sinh ngày 17/2/1979, cũng đủ vừa tròn 1 trung đoàn hồn ma lính chiến như Mạc Ngôn đã viết. Liệu còn bao nhiêu nghĩa trang như vậy ở 2 bên biên giới đang làm nhức nhối lương tâm hai dân tộc?… 

Bằng bút pháp đồng hiện và thả nổi sự kiện, có lúc ngòi bút của tác giả dắt ta ngược thời gian chứng kiến cảnh những người lính trẻ nông dân đói ăn, đói tình khi rèn cán chỉnh quân ở hậu cứ, trước ngày ra trận. Đọan văn miêu tả hồn ma Tiền Anh Hào thú nhận với Triệu Kim về cuộc làm tình chớp nhoáng giữa anh ta với cô Ngưu Lệ Phương mang tính bi hài, nhưng cũng rất người, rất lính. (từ trang 111- trang 173). Phần cuối cốt chuyện, qua lời kể của hồn ma Tiền Anh Hào, tác giả dành một số trang xúc động, mô tả chuyến hành hương tội nghiệp của ông bố ra biên giới tìm mộ và bốc hài cốt con trai về quê trong sự lưu luyến, buồn tủi của các hồn ma lính khác. Đọc đến đây, tôi bỗng bồi hồi nhớ lại chuyến đi tìm mộ chú em liệt sĩ ở Quảng Nam. Nhờ chuyến đi ấy, tôi đã có thêm tư liệu và cảm hứng viết các truyện ngắn “Vị Phồn Thực”, “Âm Bản Chiến Tranh”, “Chù Mìn Phủ Và Tôi”…
Hình như khi viết cuốn “Ma Chiến Hữu”, tác giả Mạc Ngôn còn muốn đi xa hơn nữa, mượn đề tài cuộc chiến tranh Trung- Việt làm cái cớ để phơi bầy thực trạng bất công, mục nát của xã hội Trung Quốc thời đó, đầy rẫy bi ai, đói khổ và cả những chuyện mua quan bán chức trong xã hội, thậm chí ngay cả trong quân ngũ mà Tiền Anh Hào, Quách Kim Khố, La Nhị Hổ và bao anh lính nông dân khi ra trận vẫn ôm mộng thành anh hùng quân giải phóng! Cái danh hão một thời làm con người trở nên cuồng tín, mù quáng. Cảnh hai ông bố của họ ngồi tâm sự với nhau, người này khuyên người kia đút lót cho sĩ quan phụ trách để con mình được đề bạt, thăng tiến, nhưng họ chợt nhận ra mình chẳng có gì đáng giá trong nhà, đến bán máu lấy tiền lo lót thì máu cũng kiệt khô vì đói còn đâu. Đọc những dòng như thế, tôi rùng mình kinh hãi…
 Thay lời kết
Mạc Ngôn là cây bút nổi tiếng trên văn đàn Trung Quốc đương đại, tài năng của ông được cả tỷ người Trung Quốc thừa nhận, độc giả nhiều nước hâm mộ, song không phải bất cứ tác phẩm nào của ông cũng đều là kiệt tác. Tôi rất đồng ý với TS Nguyễn Văn Diện cho rằng “Ma Chiến Hữu” là một trong những cuốn sách xuống tay nhất của Mạc Ngôn. Ở tác phẩm này ông sử dụng bút pháp thả nổi sự kiện kết hợp với hiện thực kỳ ảo đã không thành công. Nhiều chỗ không hiểu do dịch giả Trần Trung Hỷ yếu về chuyển ngữ hay do tự thân nguyên tác, văn ông trở nên rối rắm, loãng và nhạt. Độc giả nếu không đủ kiên nhẫn sẽ bỏ dở chừng hoặc đọc nhẩy quãng cho hết cuốn sách. Nói theo ngôn ngữ nghề văn là đọc không trôi trang. 

Tôi mở trang Web của siêu thị sách lớn nhất Tp Hồ Chí Minh (http://www.saharavn.com) tạm so sánh: Tại thời điểm viết bài này “Ma Chiến Hữu”  có 968 người đọc, kết quả bình chọn là không hay 18 người (82%), bình thường 1 người (4,5%), hay 1 người (4,5%), rất hay 2 người (9%). Trong khi đó mấy cuốn sách hót của tác giả Việt Nam năm 2008 rất trái ngược, có thể đơn cử như “Thời của Thánh Thần” có 4.306 người đọc, kết quả bình chọn là không hay  11 người (6%), bình thường 13 người (7%), hay 16 người (9%), rất hay 137 người ( 78%); “Dưới Chín Tầng Trời” có 2.281 người đọc, kết quả bình chọn là không hay 3 người (13%), bình thường 1 người (4%), hay 6 người (25%), rất hay 14 người (58%); “Rồng Đá” có 3.148 người đọc, kết quả bình chọn là không hay 4 người (2%), bình thường 11 người (6%), hay 21 người (11%), rất hay 156 người (81%)… 

Xem thế đủ biết bạn đọc Việt Nam đánh giá cuốn “Ma Chiến Hữu” không cao, nhưng nó vẫn được ưu ái cho phép xuất bản rồi tái bản, còn 3 cuốn sách của tác giả trong nước vừa nêu thì bị lên bờ xuống ruộng. Thật bất công, vô lý,  khi cuốn  “Ma Chiến Hữu” và truyện ngắn “Chù Mìn Phủ Và Tôi” cùng chung một đề tài cuộc chiến Việt- Trung, 1 viết bằng tâm thế người Trung Quốc, còn 1 viết bằng tâm thế người Việt chúng ta thì số phận chúng thế nào mọi người đều rõ. Biết nói sao đây? Thôi thì lại như GS Hoàng Ngọc Hiến vẫn thường hay buông lửng: “Cái nước mình nó vậy”!?…  
Hà Nội 18/3/2009
VNT  


Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Ma chiến hữu có làm cho Mạc Ngôn không xứng đáng với giải Nobel?

Sự thực là trước khi Mạc Ngôn đoạt giải Nobel, tôi chẳng hề quan tâm đến ông chút nào cả. Đúng, tôi có nghe về Cao lương đỏ, nhưng đó là do cuốn tiểu thuyết ấy được dựng thành cuốn phim rất nổi tiếng và tôi nghe về cuốn phim đó chứ chẳng phải là về cuốn tiểu thuyết hoặc tác giả của nó. Tôi cũng có đọc Ma chiến hữu - đó là lần đầu tiên tôi nhớ đến tên tác giả Mạc Ngôn. Nhưng cũng vậy, tôi tìm đọc Mạc Ngôn và Ma chiến hữu là vì có dư luận ồn ào phản đối việc NXB Văn học in cuốn tiểu thuyết này, và muốn đọc xem nó như thế nào, chứ chẳng phải vì tôi biết danh tiếng của ông như một tiểu thuyết gia.

Khi tìm được và đọc Ma chiến hữu của Mạc Ngôn lần đầu tiên tôi cũng không ấn tượng lắm. Nhưng phải nói là câu truyện cũng gợi được sự tò mò, vì viết về cuộc "trùng phùng" của hai "chiến hữu" đã từng tham gia cuộc chiến năm 1979 với VN nhưng giờ đây thì một là người và một là ma. Câu truyện  không gây ra ấn tượng gì nổi bật, chỉ  trên dưới 200 trang, chứa những câu truyện tâm tình và đùa cợt vui vẻ giữa 2 chiến hữu lâu ngày không gặp nhau, nhắc lại những hồi ức của thời còn ở chung với nhau trong quân đội, không động chạm gì đến VN ngoại trừ việc gọi cuộc chiến theo cách gọi "chính thống" ở TQ là "chiến tranh vệ quốc" (một cụm từ làm dư luận VN sôi sục). Thật ra tôi cũng không rõ Mạc Ngôn còn có thể dùng từ nào khác: các nhân vật trong câu truyện này chính là những người lính TQ, nên đương nhiên họ phải đề cập đến cuộc chiến theo đúng quan điểm và ngôn ngữ "chính thống" của chính quyền của họ (chứ không lẽ họ lại gọi là "chiến tranh xâm lược" - dù Mạc Ngôn có thực sự tin là như thế đi chăng nữa?)

Bây giờ, khi Mạc Ngôn được giải Nobel với những lời phản đối từ phía VN mà chủ yếu do cuốn tiểu thuyết Ma chiến hữu, tôi bỗng tò mò tự hỏi, thực ra trong bụng Mạc Ngôn nghĩ gì về cuộc chiến này nhỉ? Một người đồng nghiệp của tôi thậm chí đã viết bài đăng trên báo khẳng định Mạc Ngôn còn nợ VN một lời xin lỗi. Nhưng rõ ràng qua những lời ông viết trong cuốn tiểu thuyết qua các nhân vật "ma chiến hữu" (tức những người lính đã chết trong cuộc chiến) thì ông đã khẳng định quan điểm của mình, đó là cuộc chiến thật vô nghĩa. Nhưng liệu ông có nghĩ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược (như chúng ta đòi hỏi ông phải nghĩ như thế), hay ông cũng tin như ngôn ngữ của các nhân vật của ông rằng đó chính là một cuộc "chiến tranh vệ quốc"? Cái này thì rõ ràng là tôi không thể biết được, và hẳn là nếu ta có hỏi Mạc Ngôn thì có các vàng ông cũng chẳng dám trả lời nếu quả thật ông tin đó là chiến tranh xâm lược. 

Có một điều không được làm rõ ra trong tác phẩm Ma chiến hữu của ông, đó là địa điểm nơi diễn ra những trận đánh là ở trên đất Việt hay đất Tàu. Nếu trên đất Tàu thì rõ đó là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật, còn nếu trên đất Việt thì đó là chứng cớ rõ ràng để kết luận rằng đây không phải là cuộc chiến tranh vệ quốc như chính phủ TQ vẫn lu loa, mà đúng là chiến tranh xâm lược, dù Mạc Ngôn có nói thẳng ra như vậy hay không. Việc không làm rõ điều này chẳng hiểu là do ông vô tình hay hữu ý, và cũng vậy, sự thực như thế nào thì chỉ có Mạc Ngôn biết, và sẽ sống để bụng chết đem đi mà thôi.

Nhưng nếu ta tạm quên những điểm chưa rõ hoặc có thể làm cho người Việt tức giận (vì MN gọi cuộc chiến là "chiến tranh vệ quốc"), vốn là điều không thể tránh khỏi khi tác giả và độc giả của một câu truyện có liên quan đến chiến tranh lại thuộc về hai bên chiến tuyến, mà chỉ xem Mạc Ngôn chỉ như một nhà văn bất kỳ nào chứ không phải là nhà văn TQ đã viết về cuộc chiến 1979, thì ta sẽ nghĩ gì về các tác phẩm của Mạc Ngôn nhỉ? Tôi tự đặt cho mình câu hỏi như vậy để rồi tự trả lời câu hỏi là liệu Mạc Ngôn có xứng đáng bị người Việt Nam phản đối khi nhận giải Nobel văn học do đã viết ra cuốn Ma chiến hữu hay không. Phải chăng như nhiều người đã nói, việc trao giải Nobel cho Mạc Ngôn chỉ là một quyết định mang tính chính trị để o bế TQ?

Chỉ có thể trả lời câu hỏi này khi đã đọc ít nhiều các tác phẩm của Mạc Ngôn, mà tôi lại chỉ mới đọc có một cuốn thôi là cuốn Ma chiến hữu, và đang đọc dở dang một cuốn khác là Cây tỏi nổi giận - một tác phẩm rất hay mà chỉ vừa đọc chương đầu tôi đã cảm thấy lôi cuốn và nhớ ngay đến cố nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu của VN. Chỉ đọc có như vậy thôi thì chắc chắn là chưa đủ để phán đoán về một tác giả, đặc biệt là một người vừa được trao giải Nobel. Biết làm sao đây nhỉ?

Thôi thì hãy cứ có gì thì phân tích nấy vậy. Tôi xin chỉ phân tích cuốn Ma chiến hữu là cuốn mà tôi đã đọc kỹ, và cũng đã điểm qua một lần trong entry trước rồi.

Cuốn tiếu thuyết này, theo nhận định của nhiều người mà tôi đã đọc được trên mạng Internet, là cuốn tiểu thuyết viết "xuống tay" nhất của Mạc Ngôn. Quả đúng là nó cũng không quá xuất sắc, nhưng tôi thấy đây cũng là một cuốn sách khá thú vị. Viết về chiến tranh, nhân vật lại là những con ma vốn là những người lính đã chết, nhưng câu chuyện khá nhẹ nhàng, không quá u ám hoặc ghê rợn, thê lương. Đặc biệt là nhân vật con ma Tiền Anh Hào, không những không bi thảm mà lại còn có vẻ nghịch ngợm, vui đùa, phá phách (đó có lẽ là tính cách của bất kỳ người lính trẻ nào: họ còn có thể làm gì nữa trong hoàn cảnh tương tự, chẳng nhẽ cứ ngồi ủ rũ than trách chiến tranh hay chờ chết?). Thế nhưng qua giọng điệu thản nhiên, chấp nhận số phận (bị chết trẻ, hóa thành ma), thậm chí còn đùa vui nghịch ngợm của con ma Tiền Anh Hào, những chi tiết nho nhỏ nhưng nói lên toàn bộ sự thật hoặc bi thảm hoặc lố bịch hoặc tàn ác, ghê rợn vẫn cứ hiển hiện một cách ngang nhiên, không hề được che đậy, giấu giếm.

Ví dụ, các bạn hãy đọc đoạn dưới đây. Còn có cách nào phê phán thói giả dối, hèn hạ và cơ hội của một số (đa số?) các đảng viên của Đảng cộng sản Trung Quốc thẳng thừng hơn những lời này không? Nhưng Mạc Ngôn đã lấy giọng điệu tưng tửng của một con ma tính cách cũng tưng tửng ra để kể một cách tỉnh rụi, lồng nó vào trong những ký ức khác vui có buồn có, khen có chê có, nên có lẽ chính vì thế mà tác phẩm của ông đã lọt qua được bao nhiêu đôi mắt cú vọ của kiểm duyệt:

Chính trị viên chúc rượu Tiền Anh Hào, cậu ta không uống, nói: Đừng có quấy rầy tôi, đồ giả tình giả nghĩa! Chính trị viên mặt đỏ như gấc, nói: Trước đây tôi có nhiều chỗ không phải với cậu, lần này cậu ra tiền tuyến, tôi đã ghi vào lý lịch quân nhân của cậu là ở đây cậu đã làm tiểu đội trưởng - Còn chuyện vào đảng, đảng cấp trên không chuẩn y việc vào đảng quá đột xuất, chúng tôi không có cách nào hơn là chỉ ghi vào lý lịch của cậu là đối tượng đảng, hy vọng chi bộ ở đơn vị mới tiếp tục bồi dưỡng để kết nạp cậu vào đảng. Tiền Anh Hào nghe xong lại vô cùng ác khẩu, nói: Ông hãy mang lý lịch của tôi sửa lại ngay, tôi đây cả đời được sinh ra đàng hoàng thì chết cũng phải vinh quang, chỉ dựa vào năng lực bản thân, chớ có diễn vở kịch thối như cứt mèo ấy làm gì. Tôi chết đi thì bố mẹ tôi sẽ có giấy chứng nhận là gia đình liệt sĩ, mỗi năm nhận thêm hai nghìn công điểm và một trăm năm mươi nhân dân tệ. Nếu còn sống thì tôi sẽ mang huân chương đầy ngực để những người như các ông biết Tiền Anh Hào này là chân anh hào hay giả anh hào! Trung đội trưởng bảo, tôi tin cậu là chân anh hào, còn chính trị viên thì tím mặt lại, nín thinh. 

Đây là một đoạn khác về sự kiểm soát. bóp nghẹt tự do của hệ thống đảng trong quân đội TQ:

Nói cho cậu hay, đừng bao giờ nghĩ rằng bọn tớ đã chết là hoàn toàn tự do. Không có chút tự do nào hết. Ở chỗ chúng tớ có một ngàn hai trăm chín bảy ngôi mộ, tất nhiên là để chôn một ngàn hai trăm chín bảy người. Bước vào cổng nghĩa trang là phải đến chỗ trực ban để báo danh, giống như ngày nhập ngũ của chúng ta thời ấy vậy. Chúng tớ lập thành một trung đoàn, trung đoàn trưởng vốn là một trung đoàn trưởng khi còn sống, sau khi chết vẫn được đề bạt làm trung đoàn trưởng. Trung đoàn tớ tổ chức thành bảy tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gần một trăm tám mươi người. Tớ thuộc tiểu đoàn sáu. Trong ban chỉ huy trung đoàn có một vị trung đoàn phó đeo kính đến tìm tớ, đề nghị tớ làm chính trị viên tiểu đoàn. Tớ nói, tôi không phải là đảng viên thì sao lại có thể làm chính trị viên?

Lại còn nguyên do rất ngớ ngẩn dẫn đến "sự hy sinh" của con ma Tiền Anh Hào; đúng, đó chỉ là một chi tiết buồn cười, nhưng một nhà văn dày dạn như Mạc Ngôn với những tiểu thuyết lừng lẫy như Cao lương đỏ chẳng lẽ lại đưa vào một chi tiết vớ vẩn như vậy chỉ để cười chơi?

Tớ hỏi: Ai sẽ chỉ huy cùng với tôi. Trung đội phó nói: Tạm thời cử đồng chí La Nhi Hổ làm tiểu đoàn trưởng. Nghe nói cậu ấy đã từng giữ chức Tiểu đội trưởng của tiểu đội cậu phải không? Vừa nghe xong câu này tớ đã nổi dóa lên. Cậu xem, tớ làm sao có thể hợp tác chỉ huy cùng với gã ngốc nghếch ấy. Hắn chỉ biết cầm thước tre để đo chăn gấp, miệng lúc nào cũng chì biết nói: Rộng quá một phân; hẹp mất một phân. Gấp lại, gấp lại! Chỉ khi vào chiến trường, lúc cần bản lĩnh thực sự thì chân nhũn ra, tay ôm lấy đầu, ném lựu đạn thì quên rút chốt, đánh bộc phá thì chẳng giật nụ xòe, khi tấn công vào một điểm cao vô danh, nếu hắn không giơ cái mông quá cao làm lộ mục tiêu để mời hai quả pháo ập đến thì hắn đâu đến nỗi phải chết, kể cả tớ cũng đâu đến nỗi mạng vong. Nói rằng tớ chết bởi tay quân địch, nhưng thực tế thì... Phì! Triệu Kim à, cậu có thấy tớ chết oan không? Vừa vào chiến trường, một phát súng chưa kịp bắn ra, một quả lựu đạn chưa kịp ném đi mà người ta lại hồ đồ. Giấy chứng nhận liệt sĩ bố tớ đã có, nhưng thực tế tớ chết chẳng ra gì... 

Đây là gì, nếu không phải là phản chiến?

Trong chiến tranh cách mạng lâu dài này, những người hy sinh như chúng ta kể có hàng nghìn hàng vạn nhưng mà oanh liệt như Đổng Tồn Thụy, Hoàng Kế Quang thì liệu có dược mấy người. Phần nhiều các đồng chí đều giống như các cậu và tôi, chết một cách yên lặng. Bao nhiêu là kiểu chết: chết rét, chết đói, chết nước, còn có cả người chết vì bị chó cắn, chết vì bị ốm đau... Trương Ân Đức thì rơi vào hố vôi mà chết... Vì nhân dân mà chết còn nặng hơn cả Thái Sơn. Ngay cả tôi đây, khi lội qua sông bị nước chảy mạnh xô ngã mà chết chìm, tôi cũng cảm thấy vô cùng vinh dự. Đồng chí, dù gì thì chúng ta cũng đã lưu một cái tên ở trên bia mộ, còn hàng nghìn hàng vạn đồng chí của chúng ta chết mà chẳng có lấy một cái tên, thế cậu nói đi, họ là anh hùng hay là đồ vứt đi? 

Còn đây là gì, nếu không phải là lời khẳng định sự nghi ngờ vốn tồn tại ở TQ, đặc biệt là trong hàng ngũ quân nhân, về sự cần thiết của cuộc chiến tranh với VN năm 1979, và sự lố bịch của lời ca ngợi "vinh quang" dành cho những người lính TQ:

- Các đồng chí! Hôm nay toàn sư đoàn ta tập hợp là để quán triệt những chỉ thị của cấp trên. Trong thời gian gần đây chung quanh vấn đề mở cửa biên giới, nhân dân hai nước nối lại tình hữu nghị truyền thống, có một số người cảm thấy trong lòng có chút uất ức, có người còn bình luận không mấy tốt về vấn đề này, nào là “máu của chúng ta đổ một cách vô ích”, nào là “hy sinh của chúng ta chẳng có chút giá trị gì”… Các đồng chí! Những suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm. Các đồng chí! Chúng ta là quân nhân, thiên chức của chúng ta là phục tùng mệnh lệnh, cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu, chúng ta phải xông lên tới đó. Tình hình thế giới không ngừng thay đổi quan hệ giữa các nước với nhau cũng không ngừng thay đổi. Ngày ấy, chúng ta và họ dùng súng đạn để nói chuyện với nhau, qua đó mà mới có được hòa bình hôm nay. Nhân dân không có oán thù gì với nhau, chiến tranh và hòa bình đều là biểu hiện của tình hình chính trị. Chúng ta hy sinh là vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vẫn cứ vinh quang. Bất kỳ một sự hoài nghi nào về sự vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng! 

Ở đây tôi xin không trích dẫn lại đoạn ký ức của một người lính TQ khi kể lại lần về phép cuối cùng trước khi anh ta chết, một đoạn lột tả cuộc sống cùng khổ của người nông dân giai thời TQ mới đổi mới sau mấy chục năm khổ ải dưới ách Mao Trạch Đông, kẻ giết người mà một thời đã được ca ngợi ở VN như một vị anh hùng, và được so sánh với Hồ chủ tịch ("Bác Mao không ở đâu xa/Bác Hồ ta đó cũng là bác Mao"  - Thơ Tố Hữu). Tôi cũng không còn chỗ trên entry này (vì đã quá dài) để trích dẫn mấy chương cuối cùng nói về cảnh khổ của cha Tiền Anh Hào đi tìm mộ con - những đoạn văn mang tính hiện thực phê phán rất cao mà các bạn nên đọc trước khi đặt bút lên án Mạc Ngôn. Đúng, ông là đảng viên, là nhà văn quân đội TQ, và còn là lãnh đạo của Hội nhà văn TQ nữa, nên ông không thể (dù có muốn) thẳng thừng lên án chế độ, lại càng không thể có quan điểm giống chúng ta. Nhưng tôi nghĩ, thiên chức cao cả nhất của một nhà văn là thể hiện cuộc sống như nó vốn có, và bộc lộ những số phận, những suy nghĩ, những tâm hồn của những con người bình thường nhỏ bé mà lịch sử chắc chắn sẽ bỏ qua không đề cập đến thì ông đã làm, đang làm, và tôi tin là ông làm tốt.

Tôi đã trích dẫn khá nhiều, và cũng tự mình đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn tiểu thuyết ấy. Và vẫn kết luận là chúng ta không cần phải tức giận với việc Mạc Ngôn đoạt giải Nobel. Đúng, TQ là một tên hàng xóm xấu tính, khó chơi, chuyên chơi trò "ỷ lớn ăn hiếp bé". Nhưng khi thể hiện số phận của những người dân TQ đáng thương trong các tiểu thuyết của ông, kể cả trong cuốn Ma chiến hữu, cho dù bằng một cách khôn khéo để Đảng tin, dân mến, địch yêu như ai đó đã nói, chẳng phải Mạc Ngôn đã (tạm) làm tròn trách nhiệm và lương tâm của một nhà văn đích thực đó sao? Vậy thì tại sao ta lại không thể tin được rằng việc trao giải Nobel cho ông là chuyện lựa chọn dựa trên giá trị văn học của tác phẩm (dù ta có thể không cùng "gu" với Hội đồng tuyển chọn), chứ không phải là một lựa chọn chính trị như chính Mạc Ngôn đã phát biểu, hay sao?

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Đọc lại Ma chiến hữu của Mạc Ngôn

Nhân việc nhà văn Mạc Ngôn vừa đoạt giải Nobel, tôi bỗng nhớ ra nhà văn này chính là tác giả cuốn tiểu thuyết Ma chiến hữu, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam cách đây ít lâu. Và cũng đã từng gây tranh cãi om xòm trên thế giới mạng. Nói chung, đa số bạn đọc (là gọi như vậy theo thói quen thôi, chứ có thể họ chưa thực sự đọc) đều phản đối việc NXB Văn học cho dịch và phổ biến cuốn sách này, vì đó là cái nhìn của TQ về cuộc chiến 1979 giữa VN và TQ, một cuộc chiến mà cho tới giờ hầu như vẫn chưa có nhà văn Việt Nam nào dám đề cập đến (vì sợ cái gì chẳng rõ).

Chính vì những om xòm của dư luận nên lúc ây tôi cũng đi tìm cuốn Ma chiến hữu để đọc, và thấy sự phản đối kia có lẽ không hoàn toàn chính xác. Đúng, bạn đọc có thể phản đối việc nhà nước cấm cuốn Rồng đá của một nhà văn Việt trong đó có câu truyện được viết trên bối cảnh của cùng cuộc chiến tranh nói trên. Nhưng không thể nói vì Rồng đá bị cấm mà Ma chiến hữu cũng phải bị cấm cho công bằng, vì sự công bằng này là công bằng dựa trên thân thế của tác giả (Mạc Ngôn là người TQ, vậy nếu tác giả VN bị cấm thì tác giả TQ cũng bị cấm, cho nó công bằng?), chứ không dựa trên chính tác phẩm của họ. Thật là một cái nhìn mang nặng "chủ nghĩa lý lịch" mà bao lâu nay chúng ta đã lên án.

Một điều khác cũng có thể làm cho cuốn sách bị phản đối là lời giới thiệu cuốn sách của nhà xuất bản ở trang  ngoài bìa sau (trang bìa số 4). Lời giới thiệu ấy nói, cuốn sách này là "một cách ca ngợi riêng chủ nghĩa anh hùng"! Cái gì, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của những kẻ thù của chúng ta trong cuộc chiến ư, quả là xúc phạm thật, đặc biệt là trong bối cảnh TQ đang leo thang xâm lược biển đảo của VN, mà nhà nước ta thì cứ lúng ba, lúng búng như ngậm hột thị trong miệng, không phát biểu được câu nào cho dõng dạc ngoài mấy câu "chủ quyền không thể tranh cãi" vv.

Nhưng dù có hiểu được những tâm tình đó đến đâu thì tôi cũng thấy mọi người phản đối Ma chiến hữu có lẽ chỉ vì thành kiến mà thôi, vì cuốn sách ấy không hề xúc phạm Việt Nam. Nếu quả nó có xúc phạm ai đó thì phải là cuốn sách ấy xúc phạm Trung Quốc thì đúng hơn. Vì đây là một cuốn sách rõ ràng là viết với mục đích phản đối sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh ấy.

Chứ chủ nghĩa anh hùng cái quái gì mà như thế này:

Ái da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá, 
Thân hình con đã bị đạn xuyên qua. Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa, 
Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi! 
Tiếng kêu thương ấy vẫn văng vẳng bên tai con: 
Tôi chẳng tội tình gì, sao bắn vỡ đầu tôi, 
Nó ngăn trở dòng máu trong tôi, tôi sắp chết! 
Vĩnh biệt mẹ, mẹ yêu, vĩnh biệt, 
Đâu phải mẹ đưa con xông thẳng đến chiến trường 
Bao bài ca đều là tưởng tượng hoang đường. 
Viên đạn xuyên qua tôi 
lại đâm thẳng vào đầu mẹ, 

Mẹ tôi lại bị thương! 
Tiếng mẹ kêu thương còn dài hơn cả Hoàng Hà Trường Giang: 
Hãy để cho tôi hứng viên đạn đoạn trường, 
Đầu bạc tiễn đầu xanh, 
Ôi sao mà đau thuơng! 
Ôi đau quá, mẹ ơi! Con đau quá! 
Ôi đau quá, mẹ ơi! Con đau quá! 

(Bài thơ của một linh hồn người lính TQ đã chết trong cuộc chiến)

Cảm nhận về sự vô nghĩa của cuộc chiến được Mạc Ngôn nêu rất rõ ngay từ đầu cuốn sách, ví dụ như qua đoạn này:
- Trong tờ báo này có một bản tin, chỉ cần đọc qua là tôi không thể kiềm chế được nữa. 
- Tin gì? - Tiểu đoàn trưởng La hỏi. 
- Anh hãy tự xem đi! - Hoa Trung Quang đưa tờ báo cho La Nhi Hổ. 
Tôi cũng nghiêng đầu nhìn vào tờ báo, trông thấy trên tờ báo rách lỗ chỗ có một bản tin cũng bị rách lỗ chỗ. Nội dung bản tín này là, căn cứ vào tin của Bộ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu bình thường hóa. Tôi quay đầu lại hỏi Hoa Trung Quang: 
- Bản tin này làm cho cậu khóc như thế sao? 
- Chính trị viên, - Nước mắt Hoa Trung Quang vẫn còn đọng trên mắt - Tôi càng nghĩ càng cảm thấy mình chết thật là oan uổng. 

Vâng, hôm nay đọc lại Ma chiến hữu, tôi chỉ càng cảm thấy Mạc Ngôn xứng đáng được nhận giải Nobel (dù có những ý kiến này khác), chứ hoàn toàn không tức giận gì. Vì ông đã dũng cảm viết lên những điều mà chắc chắn nhà nước TQ, và cả những người dân TQ, những người đã bị xua vào cuộc chiến tranh này, sẽ không thể hài lòng. Nếu có ai tức giận, tôi nghĩ những người đó phải thuộc phía TQ, chứ không thể là phía VN.

Có một điều mà khi tôi nói ra có thể sẽ bị mọi người phản đối, đó là khi đọc cuốn sách này tôi cũng không còn thấy oán trách những người lính TQ bị xua qua biên giới VN để gây chiến, mặc dù họ đã bắn phá, giết hại không biết bao nhiêu người VN của chúng ta. Bởi suy cho cùng, họ cũng là những nạn nhân, nạn nhân của chính sách bá quyền nước lớn của nhà cầm quyền của họ  vào thời đó (lúc ấy đang là thời của Đặng Tiểu Bình). Và trên hết, họ cũng là những con người, có tình cảm, có những niềm vui, nỗi khổ y hệt như chúng ta. Ví dụ như trong đoạn sau đây, kể về tình cảnh của một gia đình người lính TQ mà anh ta đã đau đớn chứng kiến khi anh ta về phép thăm gia đình:

Đến khuya vợ mình mới về. Cô ấy vứt cái bao đầy bông nặng trình trịch trên vai xuống, lạnh lẽo gật đầu chào mình, chẳng quan tâm gì đến chuyện ăn một miếng cơm, ôm lấy con bé. Nó vội vàng dụi đầu vào ngực mẹ để tìm cái ăn, và cuối cùng nó đã tìm ra. Mình nghe tiếng nó mút, nghe tiếng nó nuốt sữa. 

Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, vợ mình nhắm nghiền đôi mắt ngồi trên chiếc băng dài, sắc mặt vàng võ, bất động, còn đứa con gái thì miệng mút, tay chụp, chân đạp... Cuối cùng thì con bé đã ngủ trong lòng mẹ nó. Vợ mình mở mắt, đặt con bé xuống chiếc giường ọp ẹp. Mẹ nói: Mẹ con Phân Phân à, ăn cơm đi! Cô ấy nói vâng rồi khoát nước trong khay nước để cho gà uống rửa tay qua loa, lau tay vào chiếc khăn đen. Dây phơi động đậy khiến hàng trăm con ruồi đang đậu trên dây bay vù loạn xạ dưới ánh đèn mờ tỏ, lát sau lại quay về vị trí cũ tiếp tục ngủ.

Những trận gió đêm thổi từ ngoài cánh đồng vào mang theo mùi lá mục. Ngọn đèn chỉ lớn hơn hạt đậu dao động, leo lét và có thể tắt bất cứ lúc nào, trông thật đáng thương. Mẹ lại giục: Ăn cơm đi! Chiếc bàn ăn nhỏ xíu đặt trên giường mẹ, trên bàn chỉ có một đĩa rau với một bát nước tương. Bố ngồi ở đầu giường, vừa hút thuốc lá cuốn vừa ho. Mẹ gắt: Đã ho thì đừng hút nữa. Bố chẳng nói chẳng rằng, đôi mắt thi thoảng lại lóe lên khi đốm thuốc lá rực đỏ lên. Mẹ nói: Mẹ của Phân Phân à, con mở vung lấy cơm đi, chân mẹ đau quá đứng lên không được - Nói xong, mẹ vịn thành giường bò lên giường. Vợ mình mở nắp vung bê ra một đĩa khoai và hai bát cơm... Thôi thôi, mình cứ lan man về chuyện này làm gì nhỉ. Chỉ chớp mắt là mười ngày phép đã qua, phải trở lại đơn vị thôi. Bố khóc, mẹ cũng khóc, làm như đưa mình vào chỗ chết không bằng. Vợ mình chẳng khóc, chỉ lặng lẽ ôm lấy Phân Phân trông như một bức tượng gỗ... Mình sờ mặt con bé, nói: Phân Phân, chờ nửa năm nữa là bố về... Lúc này nước mắt vợ mình mới trào ra... Có ai ngờ lần ấy ra đi... 


Thật là đáng thương, đúng không? Nhưng có phải tôi đang mơ hồ, không phân biệt ta, địch hay không? Không, hoàn toàn không phải thế. Hơn ai hết, tôi sẵn sàng chống lại TQ xâm lược trong điều kiện hiện có của tôi, ví dụ như tẩy chay hàng TQ từ mấy năm nay rồi. Tuyệt nhiên không mua thứ gì của TQ cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải căm ghét mọi người TQ. Và tẩy chay không đọc sách của người TQ viết ra, cho dù người ấy có đoạt giải Nobel đi chăng nữa.

Tôi nghĩ, đúng ra, càng ghét TQ thì chúng ta càng phải đọc về TQ để hiểu họ. Và văn học theo đúng nghĩa của nó phải làm cho con người xích lại gần nhau hơn, kể cả những cựu thù như VN với TQ. Văn học phải làm cho con người ta nhân đạo hơn, tôi đã đọc được ở đâu đó một câu như thế. Mà VN với TQ và những nước theo chủ nghĩa cộng sản khác thì lâu nay đã quá thiếu tính nhân đạo rồi. Suốt ngày chỉ ca ngợi chiến tranh, chiến đấu, anh hùng, hy sinh vì tổ quốc, vì Đảng quang vinh gì gì đấy thôi. Nên mới ra bao nhiêu là vấn nạn mà chúng ta đang nhìn thấy ngày hôm nay. Không, chúng ta cần phải khác đi, rõ ràng là thế. Bắt đầu từ những việc nhỏ, những suy nghĩ nho nhỏ.

Nếu ai chưa đọc cuốn Ma chiến hữu thì có thể tìm đọc ở đây này: http://kinhdotruyen.com/tac-gia-mac-ngon/truyen-ma-chien-huu.html. Các bạn đọc đi rồi cho tôi biết ý kiến nhé.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Tác giả Cao lương đỏ đoạt giải Nobel văn chương 2012



Theo thông tin (nóng hổi) từ trang web chính thức của giải Nobel (http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/2012/bio-bibl.html), giải Nobel văn học năm 2012 đã được trao cho nhà văn Mo Yan (tiếng Việt là Mạc Ngôn), một nhà văn Trung Quốc sinh năm 1955 (cùng thế hệ với tôi). Dưới đây phần tóm tắt tiểu sử của nhà văn Mo Yan, trích từ trang web nói trên.
------------

Mạc Ngôn sinh năm 1955, là con của một gia đình nông dân. Ông sinh ra và lớn lên ở Sơn Đông, một tỉnh ở vùng đông bắc Trung Quốc. Khi cách mạng văn hóa diễn ra ông mới 12 tuổi, phải nghỉ học để đi làm ruộng, sau đó vào làm tại một nhà máy. Năm 1976 ông tham gia quân đội và trong thời gian này bắt đầu theo học văn chương và bắt đầu cầm bút. Truyện ngắn đầu tay của ông ra đời năm 1981, và ông bắt đầu khẳng định được tên tuổi của mình vài năm sau đó với tiểu thuyết Touming de hong luobo năm 1986. Tiểu thuyết này đã được dịch sang tiếng Pháp dưới tựa đề  Le radis de cristal vào năm 1993.


Trong các tác phẩm của mình, Mạc Ngôn viết về các trải nghiệm tuổi thiếu thời của ông, với những biến động của thời cuộc như cuộc chiếm đóng của Nhật Bản tại TQ và cuộc sống khắc nghiệt của nông dân, công nhân TQ thời ấy. Điều này được phản ánh rất rõ qua tác phẩm lừng danh 
Hong gaoliang jiazu Cao lương đỏ (1987), được Trương Nghệ Mưu dựng thành phim trong cùng năm và sau này được dịch sang tiếng Anh với tựa Red Sorghum vào năm 1993. 


Phong cách của Mạc Ngôn được nhận định như sau: Thông qua sự kết hợp giữa trí tưởng tượng và thực tại, giữa quan điểm lịch sử và xã hội, Mo Yan đã tạo ra một thế giới vừa phảng phất hơi hướng của phong cách William Faulkner lẫn Gabriel García Márquez, đồng thời lại vẫn giữ được phong cách truyền thống của tiểu thuyết cổ của Trung Quốc. Ngoài tiểu thuyết, Mo Yan còn xuất bản nhiều truyện ngắn và tiểu luận về các chủ đề khác nhau, và bất chấp những lời chỉ trích tại chính quê hương mình, ông vẫn được xem như là một trong những tác giả đương đại quan trọng nhất.
------------------


Xin chân thành chúc mừng nhà văn Mạc Ngôn, người cùng thời của tôi!

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Khi anh vừa tròn hai mốt tuổi...

Chẳng biết tại sao, trí nhớ nghịch thường của tôi hôm nay lại dẫn dắt tôi về một bài thơ mà tôi đã dịch cách đây hơn 30 năm rồi. Lúc ấy, tôi đang học khoảng năm hai, năm ba ở Khoa Ngữ văn nước ngoài của ĐH Tổng hợp (tức ĐH Văn Khoa cũ, bây giờ là ĐH KHXH-NV), đang học văn chương Anh-Mỹ, và rất thích dịch thơ (nếu không phải là tự làm - toàn là thơ con cóc).

Thơ dịch của tôi cũng nhiều nhiều, có bài hay, bài dở, nhưng chủ yếu chỉ làm vì mình thích, gửi vài ba người bạn đọc chơi, cho vui. Rồi quên, có khi là quên sạch, thường là chỉ nhớ lõm bõm vài câu. Nhưng lâu lâu cũng có những bài mà đến giờ tôi vẫn có thể nhớ trọn vẹn; thường là những bài thơ tôi rất thích, hoặc những bản dịch mà tôi rất hài lòng, hoặc nếu không nữa thì phải gắn với một kỷ niệm nào đó.

Bài "Khi anh vừa tròn hai mốt tuổi" là một trong những bài mà ngày xưa tôi rất thích. Hình như tôi đã dịch nó vào một dịp sinh nhật thứ hai mốt của tôi, khi ấy một người bạn của tôi đang trong tình trạng "lòng bận tơ vương", học hành có ít nhiều sa sút. Còn tôi, lúc ấy tôi vẫn còn hoàn toàn "ngây thơ", "hồn nhiên", chỉ biết cắm đầu cắm cổ học, khi nào rảnh không phải học thì lại tha thẩn đọc văn làm thơ, lòng không vướng bận chi cả. Nên thấy bài thơ đó rất hợp với những gì mình nghĩ, nghĩ về chính mình và nghĩ về bạn bè.

Hôm nay lại là ngày sinh nhật của một người bạn khác, một người ở rất xa ("khoảng cách là nửa vòng trái đất" - thơ của tôi đấy). Những người bạn tuổi thơ của tôi, từ thời trung học. Có thể chính vì thế mà tôi lại nhớ lại thuở xa xưa của mình, "khi Anh vừa tròn hai mốt tuổi" (từ "anh" ở đây cần phải viết hoa, vì đó là Phương Anh đấy mà). Một thời hoa mộng, thấm thoát đó mà đã hơn 30 năm.

Chép lại ở đây để khỏi quên, và cũng là để gửi đến những người bạn tuổi thơ của tôi, để nhớ lại một thời của chúng ta, "khi mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy/làm học trò mắt sáng với môi tươi". Và Happy Birthday, bạn  nhé!

Khi anh vừa tròn hai mốt tuổi

Khi anh vừa tròn hai mốt tuổi
Một nhà thông thái đã khuyên anh
Hãy cho đi tiền bạc, tiền đồng
Đừng cho đi trái tim quý giá
Hãy cho đi ngọc ngà, châu báu
Nhưng giữ lòng đừng bận tơ vương 
Ôi, lời ông nói ích chi đâu
Khi anh chỉ vừa hai mốt tuổi?

Khi anh vừa tròn hai mốt tuổi
Cũng nhà thông thái ấy khuyên anh
Một khi đã hiến trái tim mình
Anh sẽ gặp biết bao sầu muộn
Tiếng thở dài muôn đời không ngớt
Và nỗi buồn trọn kiếp khôn nguôi
Giờ anh hai hai tuổi mất rồi
Mới hiểu trọn những lời ông nói.


Bản gốc tiếng Anh dưới đây:

When I was one-and-twenty
 A. E. Housman (1859–1936).
WHEN I was one-and-twenty
  I heard a wise man say,
‘Give crowns and pounds and guineas
  But not your heart away;
Give pearls away and rubies        5
  But keep your fancy free.’
But I was one-and-twenty,
  No use to talk to me.

When I was one-and-twenty
  I heard him say again,        10
‘The heart out of the bosom
  Was never given in vain;
’Tis paid with sighs a plenty
  And sold for endless rue.’
And I am two-and-twenty,        15
  And oh, ’tis true, ’tis true.