Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

But only God can make a tree (2): Bài thơ của Chúa

Bài thơ của Chúa thật ra là cái tựa tôi đặt cho mẩu tùy bút mà tôi mới viết cho một tờ báo lưu hành nội bộ của một nhóm giáo dân Công giáo. Mẩu tùy bút ấy viết về bài thơ Trees mà tôi có nhắc đến trong bài viết Hồn cây đăng trên Tạp chí Tia  Sáng ngày 20/3 vừa qua, và đã đăng lại trên trang blog này. Khi nào bài tùy bút kia được đăng thì tôi cũng sẽ đăng lên blog, các bạn đón đọc nhé.

Quay lại bài thơ Trees. Việc dịch bài thơ này là một điều tôi đã muốn làm từ rất lâu, nhưng không làm, do tính cách tùy hứng của tôi. Hứng thì rõ ràng là không kiểm soát được, nên nếu nó không đến tôi cũng đành ... bó tay thôi. Nhưng mấy ngày qua, nhân vụ chặt cây ở Hà Nội, vấn đề bảo vệ cây cối, bảo vệ môi trường bỗng trở nên một đề tài nóng, và bài thơ bỗng trở nên hợp thời. Tôi đọc lại bài thơ, viết về nó, rồi lại đọc về tác giả, đọc cả những lời bình luận về bài thơ mà chủ yếu là chê bai về mặt nghệ thuật, tìm ra được cả một giải thưởng thơ ... dở (giống giải Cù nèo vàng của VN) mang tên Joyce Kilmer, tác giả của bài thơ, trong đó bài thơ Trees của ông được chọn là hình mẫu tiêu biểu của thơ ... dở!

Thiệt là hết nói!


Thật ra khi đọc kỹ, tôi thấy rằng việc đưa tên nhà thơ Joyce Kilmer vào đặt tên cho giải thưởng thơ ... dở không phải là để phê phán hoặc hạ bệ ông, mà vẫn là để tưởng niệm và tôn vinh nhà thơ. Việc chỉ ra sự ngô nghê trong bài thơ, thừa nhận là nó không hay (thậm chí là ... dở!) về mặt nghệ thuật được người ta thực hiện một cách thẳng thắn nhưng trìu mến. Nói ngắn gọn, rõ ràng là dù bài thơ hay dở như thế nào thì nó vẫn rất nổi tiếng và được nhiều người yêu mến.


Vì sao chứ? Tôi không biết. Well, thật ra thì tôi biết, nhưng nếu giải thích ra, rồi lại phải chứng minh nữa chứ, thì dài dòng lắm. Mà ngay lúc này thì tôi không muốn làm những việc đầy lý tính như vậy. Chỉ muốn nghỉ ngơi, chỉ muốn cho tâm trí trôi đi theo những suy nghĩ lan man, đẩy đưa như một giòng sông vô định.

Theo kinh nghiệm của tôi thì trong những lúc như vậy, dịch thơ là phù hợp nhất. Ừ nhỉ, sao tôi không dịch cho xong bài thơ mà tôi đã tự hứa với mình là sẽ dịch cho xong vào lúc nào đấy. Còn chờ đến bao giờ, lúc ấy là lúc này chứ còn gì nữa.

Vậy thì đây, bài thơ Trees, mà giờ đây đối với tôi, nó đã trở thành Bài thơ của Chúa. Nói đúng hơn, nó là bài thơ viết về cây cối trong cảm xúc quy về Thiên Chúa. Nhưng ai lại đặt cái tựa dài dòng như thế bao giờ. Đối với tôi, nó sẽ là Bài thơ của Chúa. Ai thích thì hoan nghênh, còn ai không thích thì cấm hó hé nhé, chỉ được giữ yên trong bụng mà thôi, hi hi.

Đây, bài thơ của Chúa, qua phần phỏng dịch của tôi. Nếu bản dịch hay, đấy là do tài viết văn của tôi ạ (!). Còn nếu nó dở, ngây ngô, giống như vè, well, chẳng phải bản gốc cũng thế đó sao? Vậy là tôi đã dịch rất thành công rồi đó! (a win-win situation, ha ha!)

PS: Nhân tiện xin bật mí: bài thơ này giờ đã có vài người dịch sang tiếng Việt rồi. Có hẳn một phong trào đọc, dịch và phổ biến bài thơ này đang nhen nhúm thì phải - vì nó khá hợp thời. Thế nào cũng có những bài hay hơn bản phỏng dịch của tôi dưới đây nhiều. Nhưng dù có thế, thì bản của tôi vẫn là (một trong) những bản dịch đầu tiên, có tính lịch sử của nó đấy nha các bạn! :-D

-----------------
Bài thơ của Chúa
Tác giả: Joyce Kilmer 1913
Phương Anh dịch 2015

I think I will never see
A poem lovely as a tree.
Trần gian nô nức làm thơ
Câu thơ ngơ ngẩn bao giờ như cây?


A tree whose hungry mouth is prest
Against the earth’s sweet flowing breast;
Cành cao vươn tận trời mây
 Rễ sâu bám chặt bầu đầy sữa thơm.


A tree that looks at God all day,
And lifts her leafy arms to pray;
Tàn xanh ngước mặt ngày đêm
Trông lên Thượng đế linh thiêng nguyện cầu.


A tree that may in Summer wear
A nest of robins in her hair;
Hè sang  rộn rã rừng sâu
Lừng vang chim hót, muôn màu lá hoa.


Upon whose bosom snow has lain;
Who intimately lives with rain.
Đông về tuyết phủ bao la
Vẫn quen gió rét mưa sa đợi chờ.


Poems are made by fools like me
But only God can make a tree.
Gã khờ cũng biết làm thơ
Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi.  


-------------
Nhân dịp, xin giới thiệu bản dịch trung thành hơn của một bạn trẻ mà tôi có biên tập lại đôi chút:

Tôi vẫn biết chẳng thể nào tìm thấy
Bài thơ nào đẹp đẽ tựa nàng cây

Rễ cắm sâu đầy háo hức khát khao
Tìm giòng sữa ngọt ngào từ đất mẹ

Ngày lại ngày cây ngắm nhìn Thiên Chúa
Vươn lên cao đôi tay lá nguyện cầu

Mùa hè sang nàng lại khoác trên đầu
Tổ Hồng tước làm duyên trên mái tóc

Đông lại về tuyết phủ đầy trên ngực
Nàng cây hiền thân thiết sống cùng mưa

Thơ tôi đây những con chữ dại khờ
Chỉ có Chúa mới tạo thành cây cối

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Viết nhân quyết định chặt 6,700 cây cổ thụ tại Hà Nội

Mẩu tùy bút này tôi viết trong buổi sáng nay, sau khi đọc nhiều mẩu tin không muốn đọc về việc chặt cây ở Hà Nội. Viết gần xong thì Tạp chí Tia Sáng liên hệ nhờ viết bài về vụ chặt cây đang gây bức xúc rộng rãi trên toàn xã hội này. Bèn hoàn tất và gửi luôn cho Tia Sáng.

Giờ, đã nhận được tin báo là bài viết đã được đưa lên trang mạng của tờ tạp chí này, có biên tập lại chút ít. Điều làm tôi thích nhất là tòa soạn đã đặt lại giúp tôi cái tựa là "Hồn cây". Rất đúng ý của tôi.

Nay, xin đăng lại bài gốc chưa biên tập lên đây để chia sẻ với các bạn. Cũng là một cách để cảm ơn những nhà lãnh đạo Hà Nội đã quyết định (tạm?) dừng dự án đầy tính phá hoại kia. Và hơn nữa, là để cảm ơn những người đã lên tiếng về việc này - từ những người nổi tiếng như Trần Đăng Tuấn, Ngô Bảo Châu, đến những người trẻ Hà Nội đã không chỉ lên tiếng mà còn hành động với những thông điệp gắn lên từng gốc cây kèm theo chiếc nơ xanh: "Tôi đang khỏe mạnh. Xin đừng giết tôi."

Vâng, bức ảnh độc đáo nhất mà tôi đã thấy trên facebook trong buổi sáng này là hình ảnh một thanh niên chỉ khoảng mười tám, đôi mươi, mặc áo sơ mi trắng đứng giang tay trong một cái hố vốn trước đó là một cây cổ thụ giờ đã bị đốn, trước ngực đeo tấm bảng: I am a tree - Tôi là cây xanh.

Và cuối cùng, trước khi bạn đọc mẩu tùy bút của tôi, xin hãy đọc lại mấy câu thơ của Joyce Kilmer. Đó là hai câu đầu và hai câu cuối, với phần dịch của tôi:


I think that I shall never see/A poem lovely as a tree. 
(Kẻ khờ chỉ biết làm thơ/Câu thơ ngơ ngẩn bao giờ [đẹp] như cây?)
Poems are made by fools like me/But only God can make a tree.
(Gã khờ cũng biết làm thơ/Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi.) 
Hãy nhớ rằng chúng ta không phải là Thượng đế, các bạn nhé!
Link bài đã đăng trên Tia Sáng ở đây: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=8484&CategoryID=42
---------------------------
Hồn cây
Tháng ba, Sài Gòn đang nóng lên từng ngày dưới cái nắng gay gắt báo hiệu sự khởi đầu của mùa khô ngột ngạt và ọi bức. Buổi trưa đi trên đường, ai cũng cố tìm những đoạn đường có cây xanh mà đi, để được hưởng chút bóng râm và hít làn không khí mát rượi vào đầy lồng ngực. Không phải con đường nào ở SG cũng có cây xanh; nói đúng hơn, hầu hết các con đường ở Sài Gòn là thiếu bóng mát.  Di chuyển trên những đoạn đường như vậy vào buổi trưa quả là một cực hình, và chắc chắn không có một ai lại không mong tất cả mọi con đường ở Sài Gòn – và mơ mộng hơn nữa là khắp đất nước Việt Nam – đều có cây xanh bao phủ.
Nhắc đến cây xanh, có lẽ ngay lúc này đây không ai không nghĩ đến Hà Nội. Thành phố với bề dày lịch sử trên ngàn năm này có lẽ là nơi có nhiều cây cổ thụ đẹp nhất nước. Ai đến Hà Nội mà không biết về những con đường bốn mùa rợp bóng cây, mỗi khu vực là một loại cây đặc trưng, nào xà cừ, lim đen, long não – những cây cao bóng cả vốn đã làm nên linh hồn của thủ đô và sẽ còn mãi mãi trong tâm tưởng mọi người qua những câu thơ, những bài hát mà ai cũng thuộc. Người Hà Nội hẳn ai cũng yêu quý và hãnh diện về hồn phố của mình. Vậy mà đùng một cái, người ta quyết định đốn hạ đến 6,700 cây xanh trên 190 tuyến phố.
Nói, là làm. Như một chiến dịch đang lúc cao điểm, mấy ngày qua Hà Nội bắt đầu phải chứng kiến cảnh cây cối bị đốn hạ la liệt. Tiếng cưa máy râm ran, cảnh cưa cây, kéo cành, đào rễ nhộn nhịp, cây đổ ngổn ngang. Những chiếc xe tải chở thân cây đã bị đốn chạy ngược xuôi trên đường, chẳng khác gì cảnh tượng sau một trận đánh, với những tổn thất về tài sản và nhân mạng. Những cành cây bị chặt ngang để lộ thân đỏ au như máu. Những gốc cây đã bị chặt trơ trụi để lại một khoảng trống mênh mang trên bầu trời và trong lòng người. Mà không chỉ lòng người Hà Nội ….
Hoang mang và đớn đau khi hàng ngày phải đọc những mẩu tin không ai muốn tin, nhìn những tấm hình không ai muốn thấy, tôi lẩn thẩn lên mạng tìm hình ảnh cây xanh ở thành phố tôi đang sống. Vâng, vẫn còn đó một vài con đường rợp bóng cây quanh khu trung tâm của Sài Gòn và Chợ Lớn cũ, những con đường Nguyễn Du, Lý Tự Trọng ở Quận 1, những An Dương Vương ở Quận 5. Nhưng nhìn chung thì Sài Gòn của tôi không có nhiều cây xanh, tôi biết. Cứ mỗi lần đi trên những đoạn đường không có cây xanh dưới bầu trờ nắng chang chang và đầy bụi khói vào mùa khô như đường Lý Thường Kiệt, đoạn từ Quận 11 xuống đến Quận Tân Bình, hoặc đoạn đường Quang Trung, Nguyễn Kiệm ở khu vực Gò Vấp, tôi lại tiếc đến quặn lòng hàng cây cổ thụ mà người ta đã đốn hạ trước Nhà hát thành phố để xây dựng trạm Metro. Và không chỉ có thế, mà có hẳn một kế hoạch chặt cây đã được duyệt từ trước, sẽ được thực hiện tuần tự theo thời gian.
Vẫn biết việc phát triển giao thông cho thành phố ngày càng đông dân này là cần thiết, nhưng phải chăng chặt phá cây xanh là cách làm duy nhất khi cần phát triển? Phải chăng người ta chỉ cần thức ăn cho thể xác mà không cần sự nuôi dưỡng tâm hồn? Đã 40 năm rồi, mà tôi vẫn nhớ những con đường đầy cây xanh đẹp tuyệt vời mà tôi đã biết  thời niên thiếu. Một trong những hình ảnh mà tôi nhớ mãi là đoạn đường Trần Quý Cáp (giờ là Võ Văn Tần) từ Lê Văn Duyệt (giờ là Cách Mạng Tháng Tám) đến Hồ Con Rùa, nơi vào mùa mưa, lá me non lên xanh mơn mởn, hai bên đường hai hàng me có tán lá giao nhau đẹp tuyệt đẹp mà bọn học trò Gia Long thời của tôi đã đạp xe qua lại không biết bao nhiêu lần.
Tôi vẫn nhớ thời ấy, tâm hồn chúng tôi vui sướng thảnh thơi, dù bên ngoài là chiến tranh khốc liệt nhưng bên trong từng ngôi trường vẫn là một khungcảnh bình yên để nuôi dưỡng cái đẹp của tâm hồn. Xa trường, chúng tôi vẫn mãi nhớ gốc Phượng đỏ rực vào mùa hè, nhớ hàng cây nhạc ngựa trên đường Bà Huyện Thanh Quan ngay bên hông trường với những chùm hoa xanh xanh và những trái to nâu xù xì, khi già chin rụng những hạt có cánh màu nâu cánh gián bay bay trong gió….
Có phải vì tâm hồn trẻ thơ đã được nuôi dưỡng trong môi trường xanh tươi êm ả như vậy mà những ngôi trường truyền thống như Gia Long (giờ là Nguyễn Thị Minh Khai), Petrus Ký (giờ là Lê Hồng Phong) đã tạo ra không biết bao nhiêu tài năng cho đất nước trong suốt lịch sử tồn tại và phát triển của chúng hay chăng?
Tôi lẩn thẩn nghĩ đến ngày hôm nay. Nghĩ đến một nữ sinh cấp hai bị lớp trưởng đánh đập tàn nhẫn đến đổ máu trước sự chứng kiến và thậm chí giúp sức của những bạn bè cùng lớp – vụ việc chỉ mới xảy ra cách đây ít lâu ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nghĩ đến mấy ngàn vụ đánh nhau đến bị thương phải nhập viện trong các lễ hội vào dịp Tết nguyên đán vừa qua. Nghĩ đến sự thản nhiên, thậm chí thích thú của người dân trong các lễ hội chém lợn, đập trâu ở các tỉnh phía Bắc. Nghĩ tới cụm từ “sa mạc hóa tâm linh” mà một bài viết nào đó đã nhắc đến khi bình luận về những biểu hiện trầm trọng của sa sút về tâm hồn của con người Việt Nam qua những ứng xử công cộng trong dịp Tết vừa qua. Và không thể không thấy sự tương đồng và mối liên hệ khăng khít giữa những hình ảnh lễ hội mang tính chém giết máu me ghê rợn ấy với những cảnh cây cối bị đốn hạ ngổn ngang, thân cây tóe máu, gốc cây cụt lủn như những thân lợn bị chém ở cái lễ hội man rợ kia.
Có một bài thơ cách đây hơn 100 năm có tựa là Trees của Joyce Kilmer, một nhà thơ người Mỹ. Bài thơ khá đơn giản, dễ thuộc và rất nổi tiếng, thường được đưa vào sách giáo khoa cho trẻ em Mỹ học, nhưng cũng bị chê là hơi ngô nghê như vè vì nó quá đơn giản cả về ngôn từ lẫn nhịp điệu, thiếu vẻ đẹp cầu kỳ, trúc trắc của văn chương bác học. Bài thơ chủ yếu nhằm giáo dục về lòng yêu thiên nhiên cho trẻ em. Vâng, mục tiêu giáo dục của bài thơ lộ liễu quá nên thiếu tính văn chương, nhưng tôi lại rất yêu thích vì nó đúng với suy nghĩ của mình, và càng đúng cho bối cảnh của Việt Nam hiện nay.  Bài thơ ấy có hai câu chót như thế này:
Poems are made by fools like me/But only God can make a tree. (Gã khờ cũng biết làm thơ/Cây xanh lá thắm phải chờ Chúa thôi – tôi dịch).
Vâng, đối với những người phương Tây có lòng tin thì chỉ Thiên Chúa mới có thể tạo ra những loài cây.  Tất nhiên, Thiên Chúa cũng tạo ra con người nữa. Một cách nào đó, cây cối với con người là anh em. Điều này cũng giống với tín ngưỡng bản địa của người Việt, nơi mỗi cái cây, mỗi hòn đá đều có linh hồn – “cây gạo có ma, cây da có hồn” như trong câu nói dân gian.  Ai xâm phạm đến các linh hồn ấy chắc chắn sẽ phải trả giá bằng cách này hay cách – niềm tin ngây thơ của người dân Việt xa xưa đã dạy cho chúng ta như thế.


Tôi bỗng chợt hỏi mình: Phải chăng sự tuột dốc về nhân cách và sa sút về đạo đức ngày càng ở mức báo động trên diện rộng ở Việt Nam chính là cái giá mà chúng ta đang phải trả cho sự tàn phá môi trường sống an lành đẹp đẽ mà chúng ta đã thừa hưởng của cha ông?
Và lờ mờ nhận ra giải pháp cho việc giáo dục nhân cách, cho việc bồi đắp các giá trị “nhân ái, nghĩa tình” của người Việt mà Hội đồng lý luận trung ương vừa chỉ ra cách đây ít lâu, và cho phong trào “giáo dục môi trường” hiện nay đang được quan tâm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam trước xu thế hội nhập quốc tế  của đất nước. Những điều mà chúng ta đang cố gắng nhắm đến một cách rất khó khăn, hóa ra lại có thể bắt đầu một cách vô cùng đơn giản: Hãy bắt đầu bằng sự cẩn trọng và cân nhắc hết mức của các cấp lãnh đạo mỗi khi phải ra quyết định phá hủy môi trường dưới danh nghĩa của sự phát triển. Và bằng thái độ và hành động yêu quý, trân trọng từng gốc cây, từng ngọn cỏ, từng bông hoa của mỗi người lớn chúng ta.
Để câu hát của Trịnh Công Sơn không còn ám ảnh: “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.”

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Lên đường đầu năm: Hung hãn và nhân ái (Hồng Vân, IJAVN)



Lên đường đầu năm: Hung hãn và nhân ái

Có một bài viết trên blog cá nhân vào dịp Tết Ất Mùi của NS Tuấn Khanh đang được cộng đồng mạng rất quan tâm và chia sẻ. Tác giả đã mô tả tình trạng hỗn độn và bạo lực tràn lan của xã hội Việt Nam trong mấy ngày Tết bằng một đoạn văn ngắn:

Sự hung hãn của [...] xã hội [...] được mô tả bằng bản tin hơn 5000 người Việt đánh nhau đến nhập viện trong một mùa xuân cầu mong yên lành. Sự hung hãn được chỉ định bằng việc giết heo trong lễ hội theo lối yêu trảm (chém ngang lưng) du nhập từ đời nhà Tần phương Bắc sang Việt Nam. Sự hung hãn được xác nhận như phần cần thiết của lễ hội mua thần bán thánh, từ miệng của một quan chức cấp cao, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân Dân Sóc Sơn “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường”. 

Chỉ vài dòng, mà cả một xã hội nhốn nháo, u mê và độc ác đã lồ lộ hiện ra. Cái xã hội xấu xí ấy vừa hung hăng giành giựt ăn thua đủ với nhau về những vấn đề vớ vẩn, vừa rất đớn hèn khi cần dũng khí, như khi có giặc ngoại xâm, hay khi cần bệnh vực người yếu chống lại kẻ ác.

Bài viết của NS Tuấn Khanh đúng lắm và đau lắm.

Đau đến độ bạn đọc không thể không đặt câu hỏi “vì sao hung hãn và hèn nhát hả anh Tuấn Khanh?” Hỏi, rồi tự trả lời:

Thanh niên và toàn thể  công dân được tự do làm và nêu ý kiến về mọi thứ [...] trừ lãnh vực chính trị. Khi nói đến chính trị thì phải nói trong khuôn khổ của Đảng [...]. Thanh niên ngày nay làm sao được phép trào ra nhiệt tình hừng hực trong mình vào chuyện quốc gia đại sự [...]. Thế thì sức mạnh cuồn cuộn của tuổi trẻ phải hướng vào đâu để giải tỏa năng lượng, nếu như không hướng vào những chuyện vô bổ mà nhà cầm quyền thả lơ không cấm đoán. 

Phân tích của blogger Huỳnh Ngọc Chênh trong viết bài phản hồi cho NS Tuấn Khanh vừa được trích ở trên đã chạm đúng ngay tâm của vấn đề. Ở đất nước mà độc quyền lãnh đạo của một đảng duy nhất đã trở thành một quy định trong hiến pháp thì mọi cách thể hiện mối quan tâm đối với những vấn đề của đất nước khi chưa hay không có sự chỉ đạo hoặc cho phép từ trên đều bị xem là phạm pháp. Đó là lý do tại sao trước mọi vấn đề hệ trọng của đất nước, đa số người Việt đều có thái độ dửng dưng, chờ đợi, hoặc né tránh.

Khi không được quan tâm đến những vấn đề có ý nghĩa thì việc người Việt dồn sức lực thừa thãi của mình vào những cuộc đua tranh cãi vã về những điều tầm thường vô bổ với một sự hung hăng cuồng nộ hiếm thấy như hiện nay chỉ là một điều tất yếu.

Giải pháp để cải thiện tình trạng hiện nay có thể là gì?

Nói đến giải pháp là nói đến hệ thống. Nhưng ai cũng thấy hệ thống hiện nay chưa sẵn sàng để thay đổi – giả định rằng họ cũng chấp nhận có lúc sẽ phải thay đổi. Trong hoàn cảnh như vậy, tìm được một giải pháp cá nhân để góp phần làm thay đổi tình hình thực là khó, khó lắm.

Trong cái chộn rộn của ngày Tết, có một mẩu tin nhỏ có lẽ ít ai chú ý. Sáng ngày 27/2 (tức mùng 9 Tết) tại Hà Nội, Hội đồng lý luận trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng xây dựng hệ giá trị con người - giá trị văn hóa VN trong giai đoạn mới". Trong danh sách 7 giá trị của con người VN được đưa ra, có các giá trị "nhân ái" và "nghĩa tình" được xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong danh sách. 

Như thế có nghĩa là nhà cầm quyền VN cuối cùng cũng đã nhận ra những lỗ hổng quan trọng về giá trị cần được bổ sung ở con người để hy vọng giữ cho xã hội được ổn định và phát triển – kể cả theo cái cách mà hệ thống ấy mong muốn.

Nhưng nhân ái với nghĩa tình không là giá trị mới ở Việt Nam. Chúng là những giá trị đạo đức căn bản của các tôn giáo lớn có mặt trên đất nước này từ nhiều thế kỷ và góp phần tạo nên hệ giá trị Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Cái thiếu hiện nay chỉ là môi trường phù hợp để gieo cấy và dưỡng nuôi tinh thần nhân ái và nghĩa tình mà mỗi người Việt Nam đều đã có sẵn mà thôi.

Môi trường giáo dục của Việt Nam là một môi trường rất thiếu vắng các giá trị tinh thần và hầu như không có chỗ để phát triển lòng nhân. Ngay từ bé, học sinh Việt Nam đã bị đẩy vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt với bạn bè đồng trang lứa. Cả gia đình và nhà trường đều muốn các em đạt điểm cao trong mọi môn học bằng mọi giá, không loại trừ sự dối trá và sự tiếp tay của người lớn – một hiện tượng mà người ta công khai thừa nhận dưới tên gọi là bệnh thành tích. Chương trình học và cách thi cử nặng nề khiến các em phải chúi mũi vào những cuốn sách dày cộm, phải đi học thêm, không có thời gian nghỉ ngơi, không tiếp xúc với thiên nhiên, rất ít tiếp xúc với họ hàng và cả người thân, không có kỹ năng sống, không được vun đắp và bồi bổ về những giá trị làm người như lòng thương người, vị tha, sự hiểu biết về thế giới và tôn trọng những điều khác biệt vv. Ngược lại, môi trường đó đã gián tiếp dạy cho các em – dù không cố ý – quy luật mạnh được yếu thua và khả năng giải quyết mọi vấn đề bằng quyền lực, bằng đồng tiền hoặc thậm chí bằng cả nắm đấm qua cách hành xử của người lớn với nhau.

Ngoài xã hội, mọi thành công đều được đo bằng giá trị vật chất thô thiển, bằng bề ngoài hào nhoáng, bằng chức vụ, bằng những thăng tiến mà người ta cố gắng đạt được bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức. Hệ quả là những gì đã được bày ra qua những lễ hội đông người nhân dịp Tết vừa qua. Người ta thản nhiên nhét tiền vào tay vào mồm các pho tượng để hối lộ thần thánh, dẫm đạp lên cỏ cây, ngắt lá bẻ cành, xô đẩy chen lấn giành giựt để “cướp” lộc, “cướp” ấn, hò reo kích động thích thú trước những cảnh dã man đổ máu chém lợn chém trâu .... Chính môi trường như vậy đã sản sinh ra những vụ nữ sinh lăn xả vào lột áo đánh nhau rồi quay clip đưa lên mạng, nam sinh rút dao đâm bạn chỉ vì nói khích hay nhìn đểu, người dân quê xúm đông xúm đỏ la hét và tự xử những kẻ ăn trộm chó bằng cách đánh dã man cho đến chết mà không cần sự can thiệp của pháp luật - những ví dụ rùng rợn này còn có thể tiếp tục kéo dài mãi.

Có thể khẳng định rằng bất chấp những phát triển kinh tế có lúc ở mức ngoạn mục trong vòng hai thập niên qua, chất lượng sống của người Việt Nam ở nhiều khía cạnh đã trở nên tệ đi đến mức báo động.

“Hãy bảo vệ trái đất” là thông điệp thường xuyên được gửi đến mọi nơi trên thế giới để nhắc nhở từng cá nhân về trách nhiệm bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn nhân loại. Nhưng môi trường sống của con người không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, trong đó có cả khía cạnh tâm linh nữa. Đúng như trong Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa đã viết: “Người ta sống không nguyên bởi bánh”.

Dường như những chính sách sai lầm nghiêm trọng về tôn giáo và tín ngưỡng trước đây, và ngay cả hiện nay nữa, đã tạo ra quá trình sa mạc hóa về mặt tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một bãi hoang chỉ có thể chấp nhận các loại bụi gai hay xương rồng mà không thể trồng các loài cây có bóng mát, có hoa thơm và cho trái ngọt.

Phải chăng, để ngăn chặn tình trạng cứ mỗi mùa Tết lại có vài ngàn người đánh nhau u đầu sứt trán đến đổ máu và phải nhập viện như năm nay, công việc cần làm trước hết là cải tạo và bảo vệ chính môi trường tâm linh của người Việt Nam? Vâng, có lẽ điều thiết thực nhất mà mỗi người có thể làm là đẩy ngược quá trình sa mạc hóa tâm linh bằng cách tẩy chay và dẹp bỏ mọi hình thức của bạo lực và hận thù, cố gắng khơi ngòi, tích tụ và nuôi dưỡng dòng nước ngầm tâm linh ngọt ngào của lòng nhân ái và nghĩa tình vốn là đặc điểm lâu đời của dân tộc Việt – chứ chẳng phải những giá trị mới của người VN theo một nghị quyết nào đó của Đảng mới chỉ ra?

Chúng ta hãy làm tất cả để một ngày không xa, tâm hồn của từng người Việt Nam sẽ rợp ngời bóng mát yêu thương.

Nào “ta cùng lên đường, đi xây lại tình thương”, các bạn ơi!