Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Alice Munro: "Boys and girls" và thân phận (RFI, 31/12/2013)

Hẳn các bạn còn nhớ, hôm trước tôi đã dịch và đăng lên trên blog này truyện ngắn Boys and Girls của Alice Munro (mà khi dịch tôi đã đổi sang thành Con gái, con trai cho dễ nghe hơn trong tiếng Việt).

Nay đọc được trên RFI một bài giới thiệu và bình luận dài về Munro và các tác phẩm của bà, trong đó có nhắc đến Boys and Girls. Phần phân tích không dài nhưng cũng đủ để giúp các bạn hiểu truyện ngắn khá dài với nhiều chi tiết mà tôi đã dịch và đăng lên đây. Các bạn đọc thêm để biết, và để yêu thích Munro hơn, nhé!

Link đây: http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131231-nu-hoang-truyen-ngan-alice-munro
------------
“Boys and Girls” và thân phận
 
Một truyện của Munro mà tôi đặc biệt ưa thích là Trai và Gái (Boys and Girls). Văn viết uyển chuyển. Tâm lý sâu sắc. Diễn biến tế nhị.

My father was a fox farmer.” Munro vào truyện, rõ ràng, chính xác, không những không che dấu nguồn gốc khiêm nhượng, miệt vườn của mình mà còn như có vẻ ngạo mạn, thách đố.


Alice Munro thường dùng cái thế giới mà bà biết rõ nhất, miền tây-nam Ontario, làm nền trong các tác phẩm. Trai và Gái là truyện xẩy ra ở vùng này trong đó Munro kể lại những năm thơ ấu của mình vào thời kỳ kinh tế suy thoái.

Một gia đình sống trong một trang trại nuôi cáo, gồm cha làm nghề nuôi cáo, mẹ nội trợ và hai chị em, cô chị 11 tuổi là người kể truyện. Truyện tả sự trưởng thành của hai chị em, nhất là cô chị, với tất cả những bối rối gai góc của nó. Hai chị em thường phụ giúp cha, thằng bé em lóng ngóng làm việc lặt vặt nơi chuồng cáo, còn cô là người quán xuyến hết mọi việc. Cô cảm thấy vai trò của mình trong trang trại được đảm bảo; cha cô có lần nói chuyện với khách, chỉ cô giới thiệu, “Tay đàn ông phụ việc tôi mới thuê,” khiến cô đỏ mặt vì vui sướng.


Như một bản nhạc gồm hai giọng chạy theo nhau, quyện lấy nhau. Hai cuộc đời triển khai theo nhịp sống của trang trại; phụ giúp cha trông nom, cho cáo ăn uống rồi giết cáo để lấy da. Cuộc đời tưởng như không có gì thay đổi, nhưng mùa đông này cô nhận ra rằng mẹ cô không muốn cô cả ngày lúi húi dưới chuồng cáo mà muốn cô giúp bà với việc trong nhà.  

Một trong những nét nổi bật nhất của câu chuyện là sự tương phản gợi ra bởi ý tưởng “cậu bé” và “cô gái”, luôn luôn phản ảnh trong mọi khía cạnh của thế giới người kể truyện. Truyện tiếp tục kể chi tiết về thời gian trong cuộc sống của cô khi cô qua khỏi thời thơ ấu, bỏ lại đằng sau sự tự do, nhận ra rằng mình là một “cô gái” và cuối cùng, một phụ nữ. Đứa trẻ bắt đầu hiểu rõ phân loại xã hội đòi hỏi những tác động nghiêm trọng. Do đó trở thành một “cô gái” trên đường đến phái nữ là một thời gian đầy khó khăn cho nhân vật chính bởi vì cô quan niệm phụ nữ thuộc giai cấp thấp hơn (“đỏ mặt vì vui sướng” chỉ vì được bố gọi là tay đàn ông). Ban đầu, cô cố gắng chống lại nỗ lực của cha mẹ cố đào tạo cho cô những sở thích, thói quen, hành vi và công việc của một phụ nữ. Tuy nhiên, kháng cự này vô ích. Cô gái kết thúc câu chuyện rõ ràng là xã hội đã dành riêng một chỗ đứng cho cô, một cô gái; một cái gì đó làm cô lo sợ, ngại ngùng.

Mặc dù Munro không là người quan tâm đến nữ quyền một cách rõ ràng và thuyết phục, câu chuyện có thể được xem như một dụ ngôn, chứng minh hùng hồn công việc người phụ nữ cần làm để thay đổi vị trí xã hội của họ.

Cuộc đời trôi đi, cho đến một hôm cô biết cha cô có ý định giết một con ngựa để nuôi cáo; không suy tính trước, cô thả con ngựa. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời cô không vâng lời cha, không những không đóng cửa trang trại mà còn mở rộng cho ngựa chạy ra. Thằng bé em đi theo bố suốt buổi để đuổi bắt rồi giết ngựa, trở về, quần áo dính máu, nó đã nghiễm nhiên chiếm chỗ của cô; không những thế nó còn mách lẻo với bố là cô đã giúp cho ngựa chạy.

Cô không ngạc nhiên về việc bố bắt lại được con ngựa nhưng ngạc nhiên thấy ông không tức giận và không trừng phạt cô; như cam chịu, đôi chút cởi mở, ông nói, “Nó chỉ là một cô gái.” Ngạc nhiên hơn nữa là phản ứng của cô gái trước câu nói của bố: “Tôi không phản đối điều đó, ngay tự trong thâm tâm tôi. Có lẽ đó là sự thật.” Bữa cơm gia đình tối hôm đó là một bức tranh đẹp tuyệt vời.

I didn’t protest that, even in my heart. Maybe it was true.” Chấm hết, một ngày không tốt mấy cho nữ quyền.

Ghi vụn trong những phút cuối năm 2013

Chỉ còn ít phút nữa là đã sang năm mới 2014 rồi. Dù chỉ là giao thừa Tây thôi, nhưng cũng là một thời khắc quan trọng, vì nó đánh dấu sự kết thúc của một khoảng thời gian, và sự bắt đầu của một khoảng thời gian khác. Chính xác là một khoảng thời gian dài 365 ngày.

Năm 2013 vừa qua đối với cả nước là một năm có quá nhiều sự kiện mà đa số là những sự kiện buồn. Toàn những sự kiện khổng lồ, to tát, chấn động, kinh khủng, bàng hoàng. Rất nhiều cái chết. Như cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vụ nổ nhà máy pháo hoa, xả lũ chết người, bệnh nhân đi giải phẫu thẩm mỹ bị sự cố mất mạng, bị bác sĩ thủ tiêu mất xác mà đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Những cái chết trong đồn công an. Những vụ đắm đò, chết đuối của các học sinh Hay, cũng là những cái chết, nhưng nạn nhân không phải là người mà là những tổ chức. Một Vinashin được khai tử và đầu thai dưới một cái tên khác. Hoặc một cái chết khác đã được báo trước của SGTT, mặc dù tên vẫn còn, nhưng chỉ còn dưới dạng ốc mượn hồn, còn cái vỏ nhưng ruột thì sẽ khác.

Và có rất nhiều chuyện xấu xa, tồi tệ, lừa đảo, bạo hành, hôi của .... Chuyện những nhà ngoại cảm dỏm, dùng những mẩu xương thú vật giả làm hài cốt liệt sĩ để trục lợi. Chuyện bảo mẫu đánh trẻ em. Chuyện cướp tiền, hôi bia trên đường phố .... Ôi, thực là thượng vàng hạ cám, dường như không còn chỗ nào là không có sự cố nữa.

Nhưng không phải mọi việc đều xấu. Ở thời điểm cuối năm, dân cư mạng, trong đó có tôi, đều cảm thấy ấm lòng với hai sự kiện. Nụ cười của anh Hậu khi trả tiền lại cho những người giúp đỡ mình do hãng bia Tiger không bắt anh đền phần bia đã bị cướp mất. Và đặc biệt là tấm bảng của ông Tâm với lời thông báo sửa xe miễn phí cho các cháu học sinh. Những sự kiện rất nhỏ, những con người bình thường, nhưng theo tôi, chính những cái nhỏ bé, tầm thường mà tốt đẹp ấy góp lại mới làm nên những cái phi thường mà bền vững.

Đã có bình chọn những sự kiện của 2013. Tôi cũng có những bình chọn riêng của mình cho các sự kiện đại diện cho các mảng hoạt động cũng như những tâm trạng khác nhau trong năm 2013. Nhưng nếu tôi chỉ được quyền chọn một sự kiện thôi, thì có lẽ tôi sẽ chọn sự kiện ông Tâm với tấm bảng ấy. Vì nó không đòi hỏi điều kiện gì cả, ai cũng có thể thực hiện, chỉ cần người ta có một tấm lòng.

Chỉ cần có một tấm lòng! Và đó cũng là tất cả mong ước của tôi cho năm 2014, cho tôi, cho người thân, cho bạn bè, và cho tất cả "người trong một nước". Vâng, "phải thương nhau cùng", nhớ nhé, mọi người ơi!

Tôi đang nghe thấy tiếng pháo hoa bắn đì đùng ở ngoài kia. Năm 2014 đã đến rồi. Cho dù năm 2013 có ra sao, thì chúng ta cũng sẽ đón năm mới với tất cả niềm hy vọng cho tương lai của đất nước và của toàn dân Việt các bạn nhé.

Chợt nhớ câu chào tôi hay đọc trên facebook: Năm nay tới Hoàng Sa!

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Gò Vấp, mấy ngày cận Giáng Sinh ...

Hôm nay Chủ nhật ngày 22/12, chỉ còn 2 ngày nữa là đúng đêm Giáng Sinh. Năm nay đêm 24/12 không nhằm cuối tuần, đúng ngày ấy mọi người vẫn phải đi làm, đi học bình thường. Thành ra, Chủ nhật 22/12 sẽ là ngày Chủ nhật chộn rộn nhất trong năm 2013 này.

Đối với tôi, một người theo đạo Thiên Chúa - dù không phải là một con chiên ngoan đạo - thì những cận Giáng Sinh cũng tương tự như những ngày cận Tết ta. Có một chút gì đó ngậm ngùi, tống tiễn một năm nữa đã qua trong đời. Cuộc đời mà tôi đã quá nửa, để trở thành người tri thiên mệnh. Ngậm ngùi, vì thời gian đi nhanh quá.

Nhưng cũng luôn có một chút gì đó mong chờ, hy vọng. Như tinh thần của mùa Giáng Sinh, mùa của hy vọng. Mặc dù chẳng biết cơ sở của niềm hy vọng đó .... Thì, người ta bao giờ cũng cần có hy vọng để mà sống, chắc là thế.

Muốn viết một cái gì đó, nhưng chẳng hiểu sao tôi không viết được. Có thể là lòng ngổn ngang quá, chưa lắng đọng lại để viết. Nhưng cũng không thể không viết gì, vì sao cứ có gì đó thôi thúc. Thôi thì mượn hình ảnh để ghi lại cuộc sống quanh mình, và nói hộ lòng mình vậy.

Vâng, mấy tấm ảnh tôi và con gái chụp chiều hôm qua, khi đi xuống khu chợ Xóm Mới, xem quang cảnh chuẩn bị Giáng Sinh của những người lao động nghèo Công Giáo, những người di cư năm 54 và con cái của họ .... Con cái của Chúa, nói theo lời những người dân ngoan đạo ở đây.

Đây, những cây thông Giáng Sinh

Ngã năm (?), đường mới mở ở Gò Vấp (gần khu nhà tôi), chưa biết tên gì

Nhà thờ Xóm Thuốc, trên đường QuangTrung

Vẫn những hàng quán như thế này, như có thể tìm thấy ở bất kỳ xóm nghèo nào

Đường Thống Nhất, Gò Vấp

Hang đá Giáng Sinh mắc kẹt giữa đám dây điện, nhưng có hề gì!

Dấu hiệu của một gia đình có đạo

Chợ chiều, thứ Bảy cận Giáng Sinh

Ở một xóm nghèo

Ngôi sao dẫn đường cho Ba Vua đến với Hài Nhi

Cái gì cũng muốn mua!

Mua thêm mấy thứ đi mẹ!

Nhà thờ Hạnh Thông Tây, trên đường Quang Trung (ngã tư Lê Văn Thọ)
Giáng Sinh, chỉ còn 2 ngày nữa. Cuộc sống vẫn bộn bề, nhưng chúng ta vẫn cần hy vọng, phải không mọi người ơi. Ít ra là vào dịp Giáng Sinh ...

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Sài Gòn, tháng mười hai ...

(Bài viết cho báo, gửi đi từ đầu tháng 12, nay đăng lên blog cho bạn bè cùng đọc.)

Sài Gòn, tháng mười hai …

Phương Anh
------------

Sài Gòn, lúc này trời đã hơi lành lạnh. “Lạnh”ở đây là một khái niệm hết sức tương đối, khoảng chừng 24, 25 độ, nói theo cảm nhận của dân Sài Gòn, nơi thời tiết quanh năm nắng ấm. Một nơi không có mùa Đông, như câu thơ đẹp đã được phổ nhạc của một anh lính Bắc khi đón “mùa Xuân đầu tiên” đầy ấn tượng đẹp đẽ ở Sài Gòn sau năm 1975: Anh ở trong này chưa thấy mùa Đông/Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ....

Tháng 12, những tờ lịch cuối cùng của năm đã sắp rơi xuống hết. Bước ra đường, không khí Giáng Sinh đã tràn ngập. Các cửa hàng, tiệm ăn lớn nhỏ đều thấy đẹp đẽ, sáng sủa hơn, đón chờ một mùa ăn chơi, mua sắm mới. Dù năm 2013 không phải là một năm may mắn và thịnh vượng như những lời chúc tốt đẹp đầu Xuân mà mọi người Sài Gòn luôn hào phóng ban phát cho nhau.

Đã lại thấy xuất hiện, một năm đúng một lần tại Sài Gòn, cảnh mùa đông với thông xanh và tuyết phủ. Những cây thông xanh tươi được vẽ lên, dán lên cửa kính của các cửa hàng, các văn phòng ở khắp nơi. Những cây thông bạc trắng xóa làm bằng giấy kim loại lấp lánh dựng ở khu vực tiếp tân của các văn phòng hoặc đặt nơi sảnh của khách sạn, các trung tâm thương mại sang trọng mà nhữ người dân Sài Gòn một năm chỉ bước chỉ một vài lần, và trong khoảng chừng 5 lần bước vào thì chỉ có một lần mua một món đồ gì đó khi có big sale giảm giá còn dưới 50% so với giá gốc. Những cây thông xanh thẫm quanh những khu bán đồ Noel, những cây thông đắt tiền nhập từ nước ngoài và cả những cây thông “nội địa” rẻ tiền được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo của người Việt, với nhánh cây khô, những cọng rơm được tết lại và quét sơn xanh, hơi thô thô, xù xì mà lại tự nhiên hơn, giống thật hơn.

Cây thông ở khắp nơi, năm nào cũng thấy, dù chỉ là cây giả, nên hình ảnh của nó thân thuộc đối với người Sài Gòn như cây dừa, cây chuối. Thậm chí, có lẽ đối với đám trẻ con Sài Gòn thì cây thông còn quen thuộc hơn là cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa này đang oằn mình trĩu nặng với những hạt lúa chín vàng ôm trong lòng những hạt gạo như những hạt ngọc trắng thơm tinh khiết.

Sài Gòn mùa này ở khu trung tâm Quận 1 có lẽ không khác lắm với những khu thương mại ở Singapore, Malaysia hay Philippines. Tưng bừng một mùa mua sắm, ăn chơi, và chuẩn bị đón mừng năm mới 2014. Nhưng để hiểu được không khí thật của tháng 12 tại Sài Gòn, bạn hãy đi ra khỏi trung tâm để đến những quận xa hơn, ở vùng ven. Vào mùa này, đi về phía Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, những khu lao động nghèo có nhiều người Công giáo, ta mới nhận được đầy đủ cái cảm giác giao mùa.

Có một cái đó gì trong không khí, lúc thì mơ hồ khi lại rõ mồn một, như là sự chờ mong, sự tất tả chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, một ánh lạc quan bừng lên trên những khuôn mặt xạm đen mà ngày thường vẫn chất chứa âu lo. Hình như ông xe ôm cộc cằn bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn, bà bán thịt đanh đá nói năng tử tế hơn, và con nhỏ bán rau cau có hàng ngày nay bỗng dễ thương hơn, thỉnh thoảng khi đưa bó rau cho khách còn biết nhoẻn một nụ cười, nhẹ nhàng nhận tiền từ tay khách chứ không giựt phăng thô lỗ làm cho khách chưng hửng như mọi hôm.

Đi qua các xứ đạo, đã thấy các nhà thờ chộn rộn chuẩn bị làm hang đá, ngôi sao. Những buổi lễ chủ nhật dường như đông đủ giáo dân hơn; mọi người ăn mặc có tươm tất hơn, ánh nhìn như tươi vui hơn, dù năm qua chắc chắn là một năm vô cùng vất vả. Sau buổi lễ, thanh niên nam nữ trong giáo xứ chưa vội về nhà mà còn nán lại, nhóm dọn dẹp sân nhà thờ, ngắm nghĩa chỗ đặt hang đá, nhóm lo làm thiệp, trang trí cây thông, các ca đoàn thì lo tập lại những bài hát sẽ hát trong đêm Giáng Sinh, tất cả với một không khí rộn ràng của một mùa lễ hội.

Và những bản nhạc Giáng Sinh đã bắt đầu vang lên rộn rã đó đây. Những bản nhạc cổ điển sang trọng và thánh thiện của nhà thờ phương Tây sáng tác từ cách đây mấy trăm năm nhưng giờ đã hoàn toàn Việt hóa (Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần …), những bản nhạc do các nhạc sĩ-linh mục Việt sáng tác cho giáo dân Việt mang đậm chất tôn giáo, ca ngợi Thiên Chúa Giáng Sinh (Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa/ Trong hang Bê-lem, ánh sáng tỏa lan tưng bừng …) , và cả những bản nhạc của một nền “âm nhạc thị trường” miền Nam trước năm 1975, cả nhạc Tây lẫn nhạc ta, tiếng ta lẫn tiếng Tây (Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Nô-en năm nào chúng mình có nhau …; You’d better not cry I’m telling you why, Santa Claus is coming to town …), tất cả đều có cơ hội vang lên bình đẳng như nhau. Kể cả những bài hát Giáng Sinh mà trong đó có hình ảnh người lính Cộng hòa năm cũ:

Lại một Nô-en nữa/ Mấy mùa Giáng Sinh rồi/ Anh ở đồn biên giới/ Thương về một khung trời./ Chắc Đà Lạt vui lắm

Không rõ Đà Lạt có vui lắm không, nhưng chắc chắn mùa này Sài Gòn vui lắm. Tháng 12 ở Sài Gòn, mùa Giáng Sinh. Mùa của hy vọng, của niềm tin, của hòa bình. Hòa bình cho thế giới, hòa bình cho những người thiện tâm, hòa bình trong lòng người Sài Gòn, xóa đi mọi vách ngăn chia rẽ. Như trong những câu cuối cùng của bài hát Giáng Sinh đã lừng lẫy một thời trước năm 1975 và sẽ vẫn nổi tiếng mãi mãi về sau:

Cùng cầu cho thế giới/ Cho nhân loại hòa bình/ Cho chúng ta gặp lại/ Trong một mùa Giáng Sinh.

Thương yêu lắm, Sài Gòn tháng mười hai ….

(Viết xong 1/12/2013)

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Lưu tư liệu: Báo cáo của Liên hiệp quốc về các quyền văn hóa ở VN: Kết luận và khuyến nghị sơ bộ (29/11/2013)

Dẫn: Cao Ủy về Nhân quyền của LHQ mới công bố một báo cáo sơ bộ về các quyền văn hóa ở VN. Đây là một báo cáo với nhiều nhận định sâu sắc và khuyến nghị quan trọng, và tôi nghĩ mọi người cần đọc, chia sẻ rộng rãi, và thảo luận để có thể cải thiện tình hình nhân quyền ở VN, đặc biệt là trong tình hình VN vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
---------
Nguồn:
http://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=14035&LangID=E



Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền văn hoá
Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 18-29/11/2013 
Các kết luận và khuyến nghị sơ bộ
Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2013.
Thưa báo giới, thưa các quý bà quý ông,
Tôi rất vui mừng được chia sẻ với quý vị kết quả quan sát sơ bộ của tôi khi kết thúc chuyến thăm chính thức trong 12 ngày với tư cách là Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền văn hoá.
Tôi xin được bắt đầu bằng lời cảm ơn trân trọng gửi tới Chính phủ Việt Nam đã mời tôi tới thăm và làm việc chính thức, và cũng cảm ơn Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ sắp xếp chương trình làm việc cũng như bố trí các cuộc họp toàn diện và lý thú.
Tôi xin được nhấn mạnh tầm quan trọng của lời mời này. Việc đảm bảo quyền thụ hưởng văn hoá của tất cả mọi người là một vấn đề phức tạp và để hoàn thành nhiệm vụ này là việc không hề dễ dàng. Điều này đã được minh chứng qua các chủđề cụ thể tôi đã đề cập đến trong suốt chuyến thăm của mình, đó là: quyền được thụ hưởng nghệ thuật, tự do sáng tạo và biểuđạt nghệ thuật, quyền của người dân trong việc thể hiện bản dạng văn hoá của họ, và quyền tiếp cận và thụ hưởng di sản văn hoá của chính họ cũng như của người khác, vấn đề về dạy lịch sử trong nhà trường, và tác động của du lịch đối với việc thụ hưởng các quyền văn hoá.
Trong suốt chuyến thăm và làm việc của tôi tại Việt Nam, Tôi đã đi thăm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Sa Pa, cũng như một số làng bản ở Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Lào Cai. Tôi đã có cơ hội gặp mặt và làm việc với nhiều quan chức Chính phủ ở cấp quốc gia và địa phương, phụ trách các lĩnh vực văn hoá, du lịch, giáo dục, thông tin truyền thông, công tác dân tộc thiểu số, cũng như rất nhiều quan chức khác của Uỷ ban nhân dân các cấp, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Uỷ ban Trung ương Đảng, đại biểu quốc hội và đại diện các hội và hiệp hội. Tôi cũng đã gặp gỡ với các nghệ sĩ, giới học giả, giám đốc và cán bộ công tác tại các viên nghiên cứu hoặc các thiết chế văn hoá, đại diện của xã hội dân sự, thành viên của các cộng đồng dân tộc, những người tham gia trực tiếp vào lĩnh vực du lịch, và các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả các cá nhân và tổ chức đã dành thời gian gặp mặt, tiếp đón nồng nhiệt, và trên hết là đã nhiệt tình chia sẻ với tôi rất nhiều thông tin.
Tôi xin được làm rõ rằng tôi là chuyên gia độc lập thực hiện báo cáo cho Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc và Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam vừa trúng cử thành viên của Hội đồng ngay trong tháng này. Mặc dù được Hội Đồng Nhân Quyền bổ nhiệm, nhưng tôi không phải nhân viên chính thức của Liên Hợp Quốc và vị trí hiện tại tôi của tôi là vị trí danh dự. Tư cách độc lập của tôi có vai trò rất quan trọng và nó cho phép tôi thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình một cách trung lập.
Ngày hôm nay, tôi sẽ chỉ đưa ra một số ý kiến ban đầu của mình. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục phát triển các ý kiến đánh giá của mình trong báo cáo chính thức, khi đó tôi mới đưa ra các khuyến nghị cụ thể. Tôi sẽ trình bày báo cáo này tại kỳ họp lần thứ 25 của Hội Đồng Nhân Quyền vào tháng 3 năm 2014 tại Geneva.
Thưa quý vị,

Việt Nam hiện đang ở một thời khắc quan trọng, tại đó các bạn đạt được những tiến bộ to lớn về phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, và đã có nhiều nỗ lực hướng tới việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Những tiến bộ này là vô cùng ấn tượng. Tôi có thể lấy dẫn chứng là ở các bản làng nông thôn mà tôi đã đến thăm, đường xá đã được xây dựng nhiều, trường học được thành lập và nhiều nhà cửa đã được hỗ trợ hoặc tu sửa.

Tôi tin rằng các chương trình như vậy sẽ trở nên hiệu quả hơn nữanếu sự tham gia của các cộng đồng địa phương và việcsử dụng tri thức của họ, trong đó có cả tri thức truyền thống, được đảm bảo. Sự cứng nhắc trong quá trình thiết kế và thực hiện các chương trình, cùng với hướng tiếp cận từ trên xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các chương trình này.Ví dụ, ở các làng, bản thường xuyên bị lũ lụt thì các mô hình nhà truyền thống của người dân thích hợp với đối phó lũ hơn rất nhiều so với mô hình nhà mà các chương trình hỗ trợ của chính phủ đang khuyến khích.Tôi đánh giá cao việc phát huy kiến trúc truyền thống trong việc xây các nhà văn hoá ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, tôi khuyến khích Chính  phủ nên cho người dân được thực sự lựa chọn mô hình kiến trúc mà họ muốn, dù là truyền thống hay hiện đại,đối với ngôi nhà riêng của họ, khi Chính phủ mở rộng các chương trình hỗ trợ về nhà ở. Nói tổng quát hơn, tôi khuyến khích Chính phủ cần đảm bảo có nhiều sự linh hoạt hơn trong chính sách và tham vấn thực sự với các cộng đồng có liên quan khi phát triển các chương trình. Cần xây dựng một mô hình thực hành mới trong đó người dân có được không gian để đóng góp vào việc thiết kế các chương trình có ảnh hưởng to lớn tới lối sống của họ.

Tôi tin rằng Chính phủ cũng như nhiều bên liên quan khác trong xã hội Việt Nam đã để ý thấy các chương trình phát triển có thể có tác động tiêu cực đối với các quyền văn hoá của con người, đặc biệt là các quyền của các dân tộc thiểu số. Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc xác định và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực này để cho đất nước được hưởng lợi đầy đủ từ chính sức mạnh của các nền văn hoá đa dạng của các dân tộcnhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Điều này có liên quan mật thiết đối với lĩnh vực du lịch.Với việc sử dụng văn hoá như một nguồn lực để phát triển, Việt Nam đang hấp dẫn một số lượng ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.Rất nhiều chương trình đã được phát triển nhằm giúp người dân của các cộng đồng dân tộc bán được sản phẩm nghề thủ công của họ và tiếp cận được với thị trường, cũng như biểu diễn minh hoạ văn hoá truyền thống của họ thông qua nhiều lễ hội và chương trình biểu diễn khác nhau. Điều này đã cho phép các cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế ở khu vực họ sinh sống, và cũng giúp Chính phủ thúc đẩy hình ảnh về một đất nước đa văn hoá.

Tuy vậy, nhiều thách thức vẫn còn đó. Như quý vị đã biết, tôi đã đi thăm Sa Pa và các làng bản xung quanh. Ở đó, tôi có thể thấy rằng, mặc dù du lịch đã mang lại nguồn sinh kế phụ trợ cho người dân địa phương, nhưng họ lại không phải là đối tượng hưởng lợi chủ yếu từ nguồn doanh thu này. Cần có các biện pháp đảm bảo rằng những người dân mà di sản của họ được đem ra sử dụng để thúc đẩy du lịch, phải được trao quyền để quản lý các hoạt động này theo hướng có lợi nhất cho họ.

Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt quan ngại đối với những tình huống trong đó con người ta được yêu cầu trình diễn chứ không phải thực sống đời sống văn hoá riêng của họ, hoặc là để lưu giữ một cách mô phỏng một số khía cạnh cụ thể trong văn hoá của họ để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch, hoặc, ngược lại, thay đổi một số khía cạnh cụ thể trong văn hoá của họ nhằm thoả mãn các nhu cầu đó ví dụ như thay đổi truyền thống ăn ở, hay rút ngắn việc thực hiện một số tập quán, hoặc bán vé cho những người muốn tham gia. Tôi muốn nói đến ví dụ lễ hội đua bò Bảy Núi truyền thống của người Khmer ở một số tỉnh miền nam Việt Nam.

Một ví dụ khác là về Cồng chiêng.Nhiều cộng đồng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn đang chơi Cồng chiêng vàđã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể.Cồng chiêng được coi là một nhạc cụ linh thiêng và quý giá, chỉ được đem ra chơi vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên ngày nay Cồng chiêng còn được đem ra biểu diễn theo yêu cầu của khách du lịch ở một số nơi, và rõ ràng điều này đã làm mất đi tầm quan trọng văn hoá ban đầu của sinh hoạt này. Tôi thực sự thấy rằng trong những trường hợp như vậy, các cộng đồng có liên quan phải được tham vấn là có nên trình diễn hay không, như thế nào, bao giờ và ở đâu, và được chia sẻ các khía cạnh có liên quan đến di sản văn hoá của họ.

Tất nhiên, khó có thể ngăn cản hoặc thậm chí dù chỉ mong muốn ngăn cản sự tiến hóa của những thực hành văn hóa đang diễn ra hàng ngày sống động khi các nhóm có sự giao lưu tương tác với nhau.Điều này có thể là rất tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo rằng du lịch không dẫn đến chỉ còn sân khấu hóa những thực hành văn hóa, còn chủ nhân của văn hóa chỉ đóng vai văn hóa của mình, hay vắn tắt hóa con người xuống thành một số hình thức thể hiện văn hóa của họ mà không thừa nhận tính nhân văn trong đó.

Vì thế, rất cần phải để cho các cộng đồng tự do phát triển văn hóa của họ, ở cả bên ngoài các khu vực phát triển du lịch. Chính phủ nên hỗ trợ không chỉ các hoạt động biểu diễn văn hóa hay sản phẩm truyền thống dành cho du khách mà cũng cần cùng với cộng đồng có liên quan, trên cơ sở nguyện vọng của họ, xây dựng những chương trình để tiếp tục thực hành văn hóa của họ nếu đó là nguyện vọng của họ. .

Tôi cũng quan ngại trước những trường hợp đời sống và văn hóa của cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng thiểu số đã bị các chương trình phát triển phá vỡ hoàn toàn. Ví dụ, tôi được biết rằng người dân ở giáo phận Cồn Dầu ở Đà Nẵng đã và vẫn đang tiếp tục bị cưỡng chế khỏi mảnh đất họ đã sống lâu đời để dọn đường cho một dự án nhà ở tư nhân lớn. Tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ kịp thời can thiệp để giải quyết trường hợp cụ thể này. Nhìn chung hơn, tôi khuyến nghị Chính phủ đảm bảo việc công nhận sở hữu tập thể đối với đất đai cho những cộng đồng có ước muốn giữ và phát triển nếp sống truyền thống của họ, thường là dựa vào nông nghiệp, vào rừng, chăn nuôi hay đánh cá. 

Tôi cũng đã thảo luận một vấn đề nữa liên quan đến định nghĩa thế nào là hủ tục hay tập quán không tốt cũng như “mê tín dị đoan”. Theo tôi hiểu, những khái niệm này cần được làm rõ như là những thực hành mâu thuẫn với các quyền con người hay hạ thấp nhân phẩm. Tôi cũng khuyến khích chính quyền xác định những thực hành này thông qua các cuộc thảo luận với những cộng đồng liên quan.

Tôi hoan nghênh những sáng kiến tích cực đã được Chính phủ thực hiện. Những sáng kiến này bao gồm công việc của Viện Ngôn ngữ học trong việc tài liệu hóa và bảo tồn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và xây dựng các bộ chữ viết, cũng như dự án nghiên cứu thí điểm tiến hành cùng UNICEF để thúc đẩy giáo dục song ngữ cho người H’mong, J’rai và Khmer, ba trong số những nhóm thiểu số lớn, ở cấp mầm non và tiểu học. Nghiên cứu đã chứng minh, học sinh được thụ hưởng những chương trình này có kết quả học tập tốt, và tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ tiếp tục hỗ trợ dự án giáo dục song ngữ, mở rộng phạm vi đến các nhóm khác, các khu vực khác và các cấp học khác. Đồng thời, một số người đã thông tin cho tôi, qua đó bày tỏ quan ngại đối với bộ chữ đang được áp dụng cho một số nhóm. Ở đây, một lần nữa, cách thức tích cực để giải quyết những quan ngại đó là mời các nhà nghiên cứu và giới học thuật của chính những cộng đồng dân cư liên quan tham gia vào quá trình ra quyết định.

Thưa quý bà, quý ông,

Một trong những vấn đề then chốt với Việt Nam ngày nay là có một không gian cho các cuộc tranh luận và biểu đạt những quan điểm đa nguyên.Một ví dụ rõ ràng liên quan đến vấn đề này, mà tôi rất quan tâm, là việc dạy môn lịch sử với chỉ một bộ sách giáo khoa trong các nhà trường. Như đã đề cập trong báo cáo chuyên đề của tôi về viết sách sử và dạy sử trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc năm nay (A/68/296), việc dạy sử nên khuyến khích tư duy phê phán, học tập từ phân tích và tranh luận, và tạo cách tiếp cận so sánh và đa chiều hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều. Cách tiếp cận này đặc biệt cần sử dụng rộng rãi nhiều loại học liệu, bao gồm nhiều loại sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản.Tôi khuyến khích nhiều bên liên quan ở Việt Nam tham khảo báo cáo này của tôi.

Tôi có ấn tượng tích cực rằng Chính phủ và xã hội dân sự hiện nay đang nỗ lực định nghĩa lại biên độ không gian cho những tiếng nói đa dạng có thể cất lên.Tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ mở rộng hơn không gian ấy, trên cơ sở Hiến pháp của các bạn cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ chế chính trị và cấu trúc của chính quyền hiện nay ở Việt Nam, cùng với rất nhiều các hội đoàn thể đang hoạt động chủ yếu như các phương tiện truyền đạt những quyết định của chính phủ, để lại không gian rất nhỏ bé cho xã hội dân sự tự biểu đạt mình, đặc biệt với những người làm công tác nghiên cứu hay các nghệ sỹ và những người khác có thể có tư duy phê phán đối với những chính sách của Chính phủ.

Đã đến lúc Việt Nam đảm bảo tự do nhiều hơn cho các biểu đạt nghệ thuật cũng như cho các tự do học thuật, và cho phép những tiếng nói đa dạng tìm được chỗ đứng của mình. Sự thiếu vắng các nhà xuất bản tư nhân đã làm giảm đáng kể phạm vi cất lên của những tiếng nói độc lập có thể được nghe thấy. Hiến pháp quy định những quyền cơ bản, nhưng thường rất khó có thể thụ hưởng những quyền này do rất nhiều các quy định và sự thiếu rõ ràng cụ thể trong quy định việc nào là chấp nhận được, việc nào là không.

Không may là các quy trình tư pháp vẫn chưa giúp làm rõ những thước đo rõ ràng của các luật cụ thể.  

Thưa các quý bà và quý ông,

Các nghệ sỹ có thể giải trí cho người dân, nhưng họ cũng có thể đóng góp vào những tranh luận xã hội, đôi khi đưa ra những diễn ngôn đối lập. Trong lúc tôi rất vui vì một số người cung cấp thông tin cho tôi nói rằng họ đã thấy một không gian mở hơn để tự biểu đạt, tôi cũng quan ngại sâu sắc trước tình trạng một số nghệ sỹ đã bị tầm soát, sách nhiễu, hoặc bị giam giữ. Trong các cuộc thảo luận của tôi với chính quyền, ví dụ, tôi đã nêu ra những trường hợp bị kết tội theo điều 88 Bộ luật Hình sự do “tiến hành tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những biểu đạt nghệ thuật là một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa và là trái tim của những nền văn hóa sinh động cũng như trong hoạt động của một xã hội dân chủ. Vì thế, tôi chân thành hy vọng rằng Chính phủ sẽ xem xét lại chính sách của mình để đảm bảo tự do hơn cho các biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo, tuân theo những tiêu chuẩn quốc tế. 

Tôi vô cùng biết ơn Chính phủ Việt Nam đã mời tôi tiến hành chuyến thăm này, cho phép tôi được hiểu sâu thêm những vấn đề hết sức nhạy cảm mà quan trọng. Lời mời của Chính phủ đã khẳng định việc Chính phủthực sự coi trọng những vấn đề liên quan đến thụ hưởng các quyền văn hóa. Tôi hiểu rằng điều này thật sự rất khó khăn, đặc biệt thách thức với Chính phủ để đảm bảo “sự đồng thuận” mà Chính phủ khuyến khích dựa trên những quan điểm, biểu đạt và văn hóa đa dạng của người dân.