Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Google, ngữ học dữ liệu, Hồ Chủ tịch, và “kẻ phi thường” (1)

Tựa của bài viết này có sẽ làm cho một số người khó chịu, vì các cụm từ trong cái tựa ấy chẳng ăn nhập gì với nhau cả, hình như thế. Thôi thì các bạn cứ chịu khó đọc đến cuối đi mà, năn nỉ đó ;-).

Bài viết này của tôi thực ra là ăn theo bài viết của anh Hoàng Dũng (hình như là ở Khoa Văn ĐHSP, nếu tôi không lầm), mà tôi đọc được trên mạng, sau khi dọc bài Cú điện thoại lúc 12 giờ trưa trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập, ở đây.

Nói vắn tắt, cả hai bài viết ấy đều có liên quan đến một sự kiện làm dư luận (mạng) xôn xao, ấy là sự kiện tấm bia khắc thơ Hồ Chủ tịch tại đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết ở TP Vinh đã bị thay thế (đục bỏ?). Bài viết ấy đã được đăng nhiều trên mạng, ví dụ như cũng trên trang của NQL, ở đây.

Thú thực, khi đọc về việc bài thơ của HCT bị đục bỏ (hay thay thế gì đấy) thì tôi cũng bức xúc lắm, hay nói như nhà văn NQL, là thấy thực đau xót và nhục nhã. Nên sau khi đọc bài về cú điện thoại lúc 12 giờ trưa, tôi bỗng băn khoăn tự nghĩ, biết đâu lời giải thích của người trả lời điện thoại, đại khái rằng bài thơ của HCT bị thay thế (đục bỏ) vì nó có vẻ nôm na, lại còn gọi vua Quang Trung là “kẻ” (nguyên văn là “kẻ phi thường”) thì có vẻ không được kính trọng lắm, nên mới thay bằng bài khác, chứ chẳng có liên quan gì đến việc bài thơ đó chống Tàu gì đâu.

Vâng, tôi muốn tin như thế. Nhưng để tin được, thì tôi phải xem thử là có đúng chữ “kẻ” chỉ dùng cho những người xấu thôi, hay không.

Về điều ấy, anh Hoàng Dũng trong bài viết “kẻ phi thường” của mình đã nói rõ rồi. Anh ấy bảo:

[P]phải chăng ngày nay “kẻ” đã chuyển từ sắc thái trung hoà sang sắc thái xấu nghĩa? Và như thế, đứng trên quan điểm ngày nay, phải viết “người phi thường”, chứ không thể “kẻ phi thường”?

Không hẳn! Ngày nay, “kẻ” vẫn còn có cách dùng trung hoà: có “kẻ cắp”, “kẻ cướp”, “kẻ thù”, “kẻ trộm”, … nhưng vẫn có “kẻ sĩ”, “kẻ đàn anh”, “kẻ ở người đi”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,… Và không hiếm người vẫn dùng “kẻ phi thường”: Mộng Bình Sơn trong bản dịch Hán Sở tranh hùng (nhà xuất bản Hương Hoa, 1962) viết: “Lời nói của Ðại vương theo thông thường thì cho là chí lý. Song đây là kẻ phi thường. Kẻ phi thường có thể có những hoàn cảnh phi thường”; Tràng Thiên trong Tiểu thuyết hiện đại (nhà xuất bản Thời mới, 1963) viết: “Nhân vật tiểu thuyết thuở đầu tiên là những kẻ phi thường, hành tung gây nên kinh ngạc”; Hoà thượng Thích Thanh Từ trong Nhặt lá bồ đề (nhà xuất bản Tôn giáo, 2003) viết: “Thật một kẻ phi thường. Việc kiến đạo giải thoát đâu phải chỉ dành cho kẻ trí thức đạo gia. Một tay thợ rèn, khi quăng búa tắt lò thì liền đó bể lửa hóa thanh lương, rảnh tay dạo khúc vô sanh”.

Vâng, viết như thế có lẽ là đã rõ. Nhưng … tôi vẫn băn khoăn một chút: có thể là mấy chỗ anh Dũng trích dẫn chỉ là ngoại lệ hiếm hoi, những người viết theo văn phong cổ, còn hiện nay thì “kẻ” chỉ có thể là kẻ xấu?

Muốn xác định điều này thì chỉ có cách dùng ngữ học dữ liệu (corpus linguistics). Đây là một thuật ngữ trong ngôn ngữ học (nghề của anh HD), nhưng tôi tạm giải thích nôm na thế này: nếu ta có được một cơ sở dữ liệu ngôn ngữ (có nơi gọi là ngữ liệu), ta có thể từ đó xác định xem một từ hoặc một cụm từ có phổ biến hay không, được dùng trong những văn cảnh nào, thời đại nào, ai dùng vv. Ứng dụng của ngữ học dữ liệu thì nhiều lắm, nhưng trong trường hợp cụ thể này thì nó giúp ta trả lời câu hỏi của tôi, cũng là của anh HD đặt ra, đó là: phải chăng thời nay từ “kẻ” chỉ còn nghĩa xấu, mặc dù thời xưa (thời HCT) nó có thể có nghĩa trung tính? Một sự biến đổi ngôn ngữ qua thời gian?

Thế cơ sở dữ liệu ngôn ngữ lấy ở đâu để mà xác định việc này nhỉ? Ôi, may quá, thời xưa cách đây 10 năm thì không thể lấy đâu ra cơ sở dữ liệu như thế (hồi ấy tôi còn ở khoa Anh ĐHKHXH-NV, là người đầu tiên giới thiệu khái niệm ngữ học dữ liệu ở VN, thật đấy!), nhưng ngày nay thì đã có google, một cơ sở dữ liệu ngôn ngữ miễn phí rồi, tha hồ mà dùng. Và tôi đã dùng google để tìm cụm từ “kẻ phi thường”.

Tìm, và đã thấy. Nhưng bài viết của tôi đã quá dài rồi, đêm thì đã khuya, nên … sorry các bạn nhé, tôi stop ở đây, mai viết tiếp! Ai mà sốt ruột thì … tự search google trước đi vậy! Thực ra, dừng lại ở đỉnh điểm cũng là một cách gây hồi hộp, một kiểu câu khách ý mà! ;-)

Hẹn gặp các bạn ở entry sau nhé! Nó ở đây này.

4 nhận xét:

  1. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An học lớp mấy? Có lẽ cũng tiến sĩ hoá khá nhiều rồi. Tỉnh Nghệ An có nhiều GV Ngữ văn cấp 3 đủ để lý giải "kẻ phi thường" là đúng hay sai. Sao lãnh đạo Tỉnh không đi hỏi họ, lại đi nghe một quân sư quạt mo-"kẻ bất thường" nào đó mà liều mạng đục bỏ thơ cụ Hồ, bậc tiên liệt của xứ Nghệ. Tục ngữ nói"Con hơn cha là nhà có phúc". Nơi đây, con ngu hơn cha là nhà gì vậy?

    Phùng Hoài Ngọc

    Trả lờiXóa
  2. Chào anh Ngọc,
    Rất vui gặp anh ở đây, và cám ơn anh đã đọc và đồng cảm.
    PA

    Trả lờiXóa
  3. Thành ngữ :
    Thứ nhất sợ kẻ anh hùng.
    Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân.
    " Kẻ " là từ cổ chỉ người. Xấu tốt còn phụ thuộc vào định ngữ đi kèm. Kẻ anh hùng, kẻ phi thường, kẻ sĩ,...đâu phải là sấu.Có lẽ ông tổng Lông mất chức, các họ khác ở Nghệ An đang nổi muốn thay đổi như dạo những năm 80 của thế kỷ trước người ta đã mở cuộc thi sáng tác quốc ca mới nhưng bất thành. Vua Quang Trung và Bác Hồ vốn cùng họ Hồ mà ( Cả Nghệ An ai chẳng biết ). Chỉ có điều mau quá nhanh quá khi ông tổng mới còn chưa ấm chỗ. Chắc sau này sẽ còn lắm sụ bất ngờ .

    Trả lờiXóa
  4. Tôi không chuyên môn về ngôn ngữ học; nhưng thấy bạn nêu lên một vấn đề hay nên tôi cũng ráng tìm hiểu và nhân đó cũng học thêm được nhiều điều mới mẻ.
    Trong cụm từ KẺ PHI THƯỜNG ta có từ KẺ + PHI THƯỜNG trong đó:
    PHI THƯỜNG là tĩnh từ (adjective) nhưng được dùng như danh từ (noun). Một thí dụ tưong tự trong tiếng Pháp "Les Miserables" (Những "kẻ" khốn nạn). Điều này dể hiểu.

    KẺ là Danh Từ Đơn Vị (DTĐV; Cao Xuân Hạo trang 248)nhưng trong trường hợp này được dùng như là một quán từ dùng để chỉ về người.
    Trong những trương hợp khác thí dụ như KẺ CƯỚP, KẺ THÙ, KẺ SĨ, KẺ ĐÀN ANH v.v. thì từ KẺ là hư từ (xin hiểu là nó là một từ hư chứ không phải là một thứ từ hư hỏng hay hư ảo).
    Trong câu "ăn quả nhớ KẺ trồng cây", từ KẺ là danh từ trung tâm (Vân Lăng; Nguyễn Tài Cẩn)có quán tính để chỉ về người.

    Nếu ta hiểu từ KẺ như tôi vừa trình bày thì chính nó đâu có dùng để biểu thị cho tính chất những danh từ mà nó bổ nghĩa (thí dụ KẺ PHI THƯỜNG, KẺ SĨ = tốt; KẺ CƯỚP, KẺ TRỘM = xấu).

    sách tham khảo:
    "TIẾNG VIỆT Mấy Vấn Đề Ngữ Âm Ngữ Pháp Ngữ Nghĩa" của Cao Xuân Hạo (NXB Giáo Dục, Tái bản lần thứ nhất, 2001) trang 248 va chương về "Loại Từ" trang 241.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.