Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Dream a little dream ...

Chỉ là nghe lại những bản nhạc của một thời.

1. Dream a little dream of me, ở đây.
"Say ninety-nine and kiss me ..."

2. Stardust, ở đây.
"Love is now a stardust of yesterday..."

3. Fly me to the moon, ở đây.
"In other words/I love you..."

4. Mona Lisa, ở đây.
"Or is it your way to hide a broken heart?"

5. Smile, ở đây.
"Although a tear may be ever so near..."

6. Autumn leaves, ở đây.
"I miss you most of all, darling/when autumn leaves start to fall..."

7. The very thought of you, ở đây.
"I see you face in every flower"

8. Moon river, ở đây.
"Wherever you're going, I'm going your way..."

9. Try to remember, ở đây.
"Deep in December it's nice to remember ..."

10. Twilight time, ở đây.
Nhạc không lời. Rock and roll, rất hay.

Hôm nay ngày gì?

Xời ơi, hỏi cái gì mà "quê" vậy? Tất nhiên hôm nay là ngày 30/4, một trong những ngày lễ lớn. Public holiday, nói theo kiểu tiếng Anh ấy.

Nhưng 30/4 là ngày gì mới được chứ? Thôi đi, đừng làm bộ nữa nghen, cứ mở báo ra đọc thì biết ngay, chứ sao lại hỏi cắc cớ vậy? Thì đó, 36 năm kỷ niệm "ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Cụm từ "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" là một cụm từ tôi nghe đã rất quen, theo kiểu hơi nhồi sọ, giống như khi nghe quảng cáo mãi rồi nhập tâm vậy. Tò mò, tôi lên mạng gõ nguyên si những từ ấy (theo cú pháp như thế này: "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước") và có ngay kết quả hơn hai triệu tư lượt. Thế là đã rõ.

Ừ thì là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thống nhất đất nước thì rõ rồi, nhưng mà ... còn cái vụ "giải phóng" thì có vẻ có những người không ưng cho lắm, trong đó có cả tôi nữa.

Những người ấy, xin nói lại là trong đó có tôi, vẫn cứ lấn cấn thế nào ấy, với từ "giải phóng".

Sao lại lấn cấn nhỉ? Ừ thì về nghĩa của từ "giải phóng", chứ sao.

Giải phóng, nói vắn tắt là đem lại tự do. Có lẽ ngày ấy quả thật là đem lại tự do cho những người đã bị tù đày, bắt bớ vì theo cộng sản trước năm 1975 thật. Đối với những người ấy, quả là một thật ngày vui, vì là một ngày chiến thắng.

Nhưng với nhiều người dân miền Nam, trong đó có tôi, gia đình họ hàng tôi, và rất nhiều, thật nhiều người khác mà tôi biết - thực ra là toàn bộ những người tôi biết, thì ngày ấy không thể là một ngày vui được. Như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần phát biểu. Hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn.

Không thể vui, vì sau ngày ấy, bố tôi không còn việc làm; mẹ tôi không còn tự do buôn bán. Gia đình tôi - như rất nhiều người khác ở miền Nam lúc ấy - cũng không còn nguyên vẹn. Anh em bọn tôi không có quyền ưu tiên vào đại học, và cũng chẳng có ưu tiên nhận vào làm việc ở những cơ quan nhà nước (đồng nghĩa với thất nghiệp, nuôi heo, bán rau, đạp xích lô, bán chợ trời, hoặc đi vượt biên!) Bạn bè, thân quyến của tôi có nhiều người chọn con đường đi vượt biên, có người đến nơi nhưng cũng nhiều người bỏ mạng nơi biển cả mênh mông, những người ra đi với ý thức "một là con nuôi cá, hai là má nuôi con", nhưng vẫn quyết tâm ra đi không hẹn ngày trở lại ....

Cũng không thể vui, vì cuộc sống ngày càng đi xuống, phú quý giật lùi. Đồ đạc trong nhà đội nón ra đi, nào xe vespa, honda, tivi radio, bếp gas máy giặt, rồi cả tủ gỗ, giường gỗ nữa, cái gì có người mua (ai mua nhỉ?) thì đều đem bán sạch. Rồi bán hết đồ đạc thì chuyển sang nghề ... bán vàng. Nhà nhà bán vàng, người người bán vàng, nghề bán vàng trở thành một nghề phổ biến nhất vào thời ấy.

Cái gì, nói cái gì thế, nhà nhà làm nghề bán vàng ư? Ở đâu ra thế?

Thì từ từ rồi tôi giải thích: người ta lấy vàng dành dụm, tích cóp từ trước năm 1975 (dân ta có thói quen tiết kiệm bằng vàng mà lại), đem ra bán dần đi mà sống, và đó là nguồn thu nhập chủ yếu, vậy chẳng phải là làm nghề bán vàng sao? Có lý quá, đúng không?

Đấy, đối với tôi, dù muốn dù không, ngày hôm nay vẫn gợi lại cho tôi những ký ức như thế.

Những ký ức rời, vụn, nhòe nhoẹt, và không đẹp. Nhớ đêm 29 tháng 4, gia đình tôi lúc ấy ở trên đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), đường tiến quân, đêm xe tăng đi rầm rập, và đạn pháo nổ thùm thụp liên tục cả đêm.

Nhớ sáng 30/4, mở cửa ra nhìn ra đường, tôi còn kịp thấy một người lính cộng hòa bị bắn rơi từ trên sân thượng của căn nhà trước mặt, rớt xuống đường. Và những xác người của một chuyến xe lam bị trúng pháo kích, nằm la liệt trên khúc đường Lê Văn Duyệt gần Ngã ba ông Tạ, cũng ngày 30/4 lịch sử ấy.

Nhớ trưa 30/4, sau khi nghe tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh, mọi người vứt lá cờ vàng ba sọc đỏ ra đầy đường, và có những người chạy ra đường reo hò đón "quân giải phóng" (những người mà tôi đoán sau này đã trở thành "ông ba mươi" của thời ấy, lúc đất nước còn đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng). Những lá cờ vàng ba sọc đỏ mà hàng tuần mọi công chức và học sinh đều nghiêm trang đứng chào vì đại diện cho một đất nước, một chính thể, trong ngày 30/4 ấy đã bị vất vương vãi trên đường như rác rưởi để cho những giòng người chạy ngược xuôi xéo lên.

Nhớ mẹ tôi đã lắc đầu, nhặt những lá cờ vàng nằm trước sân nhà tôi, đem vào trong nhà châm lửa, vừa đốt vừa lẩm bẩm: sao lại có thể làm như thế được? Và nhớ cũng lá cờ ấy của gia đình tôi thì bố tôi nghiêm trang gói vào trong giấy báo, rồi mới đem đi đốt. Nghiêm trang và im lặng, suy tư. Bố tôi, một công chức nhỏ của chế độ cũ.

Nhớ tối 30/4, bố tôi và mẹ tôi nghe radio (đài cách mạng!), nghe thông báo tất cả "ngụy quân, ngụy quyền" phải đến cơ quan trình diện, hai người thì thầm nói chuyện rất lâu trong bóng tối lờ mờ của một thành phố hình như đang bị cúp điện, một tâm trạng lo âu đè nặng đến ngột thở. Tôi lúc ấy chưa trọn 15 tuổi, chỉ hơn con gái của tôi hiện nay có 1 tuổi thôi. Nhưng cũng lờ mờ hiểu được một tương lai vô định đang chờ đợi cả gia đình...

Nhớ sau đó, gia đình dòng họ của tôi bắt đầu giai đoạn lo lắng triền miên, các bác, các chú rất nhiều người bắt đầu thời kỳ "đi học tập" mà mới đầu được thông báo là chỉ 3 ngày (mỗi người đem theo vật dụng cá nhân), mà sau đó thì trở thành một cuộc "tập trung" không biết ngày biết tháng, vì còn tùy thuộc vào "sự tiếp thu" của từng người khi "học tập".

"Học tập", ấy là uyển ngữ đầu tiên mà tôi nghe của chính quyền CM rất giàu uyển ngữ này, mà khi dịch sang tiếng Anh thì các thế lực thù địch chúng bảo là "concentration camp", y như trại tập trung của Đức Quốc Xã, láo thế! Tôi tự hỏi, chẳng hiểu trên thế giới sau khi thay đổi một chế độ, có nước nào có cách làm độc đáo như nước ta thời ấy không nhỉ?

Có thể ở các nước người ta sẽ xử tử và bỏ tù một số nhân vật chóp bu, có thể tạo ra scandal chính trị, gây shock, phẫn nộ, hay sợ hãi trong ít lâu. Nhưng rồi thôi. Còn việc "trừng phạt" theo kiểu cho chờ đợi mỏi mòn, lo lắng không yên trong một thời gian dài như thế, và với rất nhiều con người như thế chứ không phải chỉ là những người trực tiếp tham gia chính quyền cũ - để tạo ra tình trạng cha đi học tập, mẹ bán chợ trời, con đi vượt biên, hoặc thất học lang thang ... - trong đó có nhiều người cũng thuộc thành phần ưu tú, hoặc ít ra cũng là công dân tốt của chế độ trước, thì có lẽ đây là cách làm duy nhất chỉ có ở VN thì phải?

Và tôi tự nghĩ, phải chăng đó là một sai lầm ghê gớm về con người, một sự phí phạm vô cùng lớn lao sức mạnh đoàn kết, niềm tin và tài năng của một dân tộc? Phải có lúc nào các nhà lãnh đạo của ta nghĩ về việc này và trả lời cho mọi người chứ nhỉ? Như cố thủ tướng VVK đã từng làm.

Thực ra, tôi không muốn nhớ những điều này, vì nó chẳng hay ho gì. Nhưng ký ức về những việc có thật đó nó vẫn tự đến với tôi vào ngày này, và đòi hỏi tôi phải nói ra. Nói để cho các thế hệ sau cùng biết - và rút kinh nghiệm? - và nói, để những người chiến thắng hiểu được nửa bên kia của câu chuyện quê hương

Nói, để có thể một ngày nào đó, giống như TCS, "mong sẽ quên chuyện non nước mình".

Một ngày trên tổ quốc chung của mọi người Việt chúng ta với những anh em có tâm sự và tâm trạng giống như tôi, chưa kể là những người Việt đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới, có nhiều người đã từng quay lại VN nhưng cũng có nhiều người khác không những tự mình hứa là sẽ không bao giờ về (trừ phi ...), mà còn cấm những người thân của mình không được về. Thì việc những người VN khác, những người anh em cùng một bào thai trăm trứng của mẹ Âu Cơ xem đó là "ngày giải phóng", "ngày chiến thắng", và ăn mừng "chiến công rực rõ" của mình, ngày "đất nước trọn niềm vui", liệu điều đó có nên không?

Cho nên tôi rất mong có lúc nào đó trong đời tôi (không còn dài nữa) được thấy ngày 30/4 được gọi bằng một tên gọi khác. Và những hành động khác để mừng ngày lễ ấy. Ví dụ, cầu siêu cho tất cả các nạn nhân trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, không kể bên nào. Vì đều là người VN, da vàng máu đỏ.

Như TCS cũng đã nói dùm cho chúng ta từ rất lâu: "Người Việt nào da không vàng??Mẹ Việt nào nhớ xác con?"

Lại nhớ một câu khác của TCS: "Hôm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui?"

Hôm nay ngày gì, vâng, hôm nay là ngày gì thế? Có vị lãnh đạo nào của đất nước này, những người VN giống như tôi, đang suy nghĩ những điều tương tự như tôi không nhỉ?

Thế mà người ta đang kêu gọi hòa giải, hòa hợp, yêu thương gì cơ đấy! Ở đây này.
---
Tình cờ đọc được entry này, thấy rất đồng cảm, nên đưa về đây để chung. Cám ơn bạn Hanwonders gì đấy đã nói hộ tôi và nhiều người khác nhé.

My horoscope for April 29, 2011

Get out in the garden today and harvest what you have sewn, phuong-anh. It is time to move the weeds to the side and pull up the vegetables. Once you have reaped everything from your hard labor, it is then time to rot tiller the garden for the next planting. Clean out your cupboards and throw away old clothes. It is time to take care of chores and errands that require your patience and a detail-oriented mind.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Tôi đi nghe nhạc Jazz

Nói ra thì xấu hổ quá, nhưng đó là lần đầu tiên tôi đi nghe (xem?) biểu diễn nhạc Jazz, live show.

Buổi biểu diễn ấy do Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM tổ chức, và tôi được bạn bè rủ đi, vé mời có sẵn, 1 người 2 vé (thì đi nghe nhạc mà, phải đi có đôi chứ!), chỉ việc vác xác đến nghe.

Đã hứa hẹn với bạn bè có vẻ hùng hổ, xôm tụ lắm, nhưng quả thật đến gần giờ đi nghe nhạc tôi cũng cảm thấy ngại ghê lắm. Vì nó rơi vào một buổi tối ngày thường, sau một ngày làm việc vất vả. Về đến nhà rồi, đúng là không còn muốn đi đến đâu nữa, kể cả đi nghe nhạc, dù có là nhạc Jazz đi chăng nữa, kể cả có giấy mời, dù đó là giấy mời từ Lãnh sự quán Mỹ đi chăng nữa ... Vì mệt quá!

Nhưng mà ... đã hứa với bạn bè rồi, không đi thì làm cho bạn bè thất vọng. Thực ra, nếu chỉ thất vọng thôi thì cũng ... không sao (kệ bà nó, hì hì), nhưng e rằng lần sau mà gặp thì chúng ... chửi cho mà nghe, hoặc chúng ... tẩy chay không thèm chơi với mình nữa, thì buồn chết, nên ... thôi cũng ráng bấm bụng mà đi vậy.

Mà đi nghe nhạc ở nhạc viện chứ bộ, cho nên phải đi cho sớm sủa, để mà vào ngồi cho đầy rạp trước khi nghệ sĩ người ta ra sân khấu. Ấy là ông xã tôi nhắc như thế. Mặc dù ông ấy không chịu cùng đi, hừm (nhưng thật ra cái này thì tôi biết rồi, ai mà rủ ông ấy đi xem bóng đá thì ông ấy sẽ vứt hết mọi công chuyện mà đi, chứ còn đi nghe nhạc hả, thôi, em đi một mình đi, anh mệt lắm, vả lại còn bao nhiêu việc đây này ...).

Đấy, tôi đi nghe nhạc Jazz với tâm trạng như thế đấy.

Nhưng vào rồi, thì ... rất bất ngờ. Ban nhạc tên là Ari Roland, gồm 4 người, gồm 1 tay trống, một tay cello, và 2 tay kèn saxophone (phải vậy không ta, nếu tôi nói sai thì ai biết sửa giúp nhé, vì về 3 cái khoản âm nhạc này thì tôi mù tịt ấy mà, kém lắm). Anh chàng chơi cello đóng luôn vai người dẫn chương trình, khá duyên dáng. Tay trống thì ngồi bên trong, bị che bởi dàn trống, nên tôi không thấy mặt, mặc dù anh ta biểu diễn rất xuất sắc, chỉ một mình mà chơi cả một dàn trống rộn rã liên hồi.

Hai cây saxophone thì có một anh chàng có khuôn mặt dễ thương giống như trẻ thơ được giới thiệu tên là Chris (hình như thế), mặc dù có lẽ là không còn trẻ vì ban nhạc này đã chơi với nhau hơn 20 năm rồi, tôi nghe thế không biết có đúng không. Nhưng người làm tôi ấn tượng nhất là tay kèn saxophone người da đen, có khuôn mặt rất nghiêm chỉnh. Dường như việc chơi nhạc đối với anh là một việc làm hết sức quan trọng cần phải được thực hiện với thái độ nghiêm cẩn.

Nhạc jazz. Không phải là tôi chưa nghe bao giờ, vì có những bài hát rất nổi tiếng của thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Những bài mà bất cứ khi nào tôi nghe thì nó cũng gợi lên một thời vàng son cũ, một thời đã qua lâu lắm rồi và để lại cho mọi người một sự tiếc nuối khôn nguôi. Những tình cảm rất nhẹ nhàng nhưng da diết. Những bài nhạc có tiết tấu chậm rãi, buồn, nhớ, như bài What a wonderful world mà ban nhạc ấy đã chơi tối hôm qua.

Nhưng đêm qua quả đúng là một bữa tiệc âm nhạc bất ngờ, quá thịnh soạn. Không chỉ có những bài nhạc jazz nổi tiếng của Mỹ (tôi chỉ biết tên có mỗi một bài là What a wonderful world thôi, tệ thế), mà chỉ mới chơi vài bài thôi là ban nhạc ấy đã làm cho mọi người rất bất ngờ khi chơi bản Qua cầu gió bay của VN, tất nhiên theo là phong cách jazz. Rồi sau đó là bài Trống cơm, mà anh chàng chơi cello kèm vai trò dẫn chương trình dịch đùa là Rice Drum! Rồi sự xuất hiện và cùng diễn của các nghệ sĩ Việt Nam trong buổi biểu diễn, mà trong đó nổi bật nhất là tay saxophone của VN Trần Mạnh Tuấn. Lại có cả 2 nghệ sĩ hát nhạc dân tộc, hát kiểu Bắc, "liền anh liền chị", mặc áo dài Việt Nam, chơi đàn nguyệt, rất hay, rất quyến rũ. Bài hát ấy tôi mới nghe lần đầu, "Mục hạ vô nhân", rất thú vị.

Chỉ có thể nói là một đêm biểu diễn rất hay. Không tiếc công một chút nào hết. Và chắc chắn tôi phải đi xem/nghe biểu diễn âm nhạc nhiều hơn nữa.

Nhân tiện, hôm nay viết bài này tôi tò mò lên youtube tìm xem ban nhạc Ari Roland này có nổi tiếng không, thì hóa ra là có đấy. Các bạn có thể vào
link này
để nghe và xem họ. Và nếu thích thì chắc có thể google ra được nhiều hơn thế rất nhiều.

Một sự kiện văn hóa rất thú vị, có ý nghĩa. Tôi yêu nước Mỹ hơn một tí sau buổi biểu diễn này, thật vậy. Một đất nước có chỗ cho tất cả mọi người để theo đuổi talent của mình. Một đất nước cho phép người ta có những giấc mơ, well, giấc mơ Mỹ.

Tôi cũng có một giấc mơ Mỹ, nhưng mà là giấc mơ Mỹ cho VN. Rất đơn giản: chúng ta có thể chú trọng hơn một chút vào việc dạy cho trẻ em biết chơi, biết vui, biết là chính các em, hồn nhiên, yêu đời, thích âm nhạc, thích nghệ thuật, có được không? Thay vì tối ngày cứ nhồi nhét học thêm, văn toán lý hóa Anh văn, rồi tụng bài sử địa công dân vv để qua các kỳ thi, hết kỳ này đến kỳ khác, năm này qua năm khác...

Có thể như thế sẽ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề dường như không giải quyết được, là học sinh đánh nhau, xã hội bạo lực, vợ đốt chồng, chồng đâm chém vợ, rồi công an lỡ tay đánh chết phạm nhân .... Vâng, tôi tin rằng thế.

Nhưng có thể đó chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ Mỹ... Mơ màng như buổi nghe nhạc jazz, tối hôm qua.

Và cuối cùng, là lời cám ơn Lãnh sự quán Mỹ đã làm cho buổi biểu diễn hôm qua có thể xảy ra tại VN. Và cám ơn 4 nghệ sĩ trong ban nhạc Ari Roland. Biết đâu lại có thể gặp lại các anh ở đâu đó, ví dụ như New York, nơi các anh chơi jazz hàng tuần, thì sao nhỉ? Có lẽ tôi nên bắt đầu mua vé số, hàng ngày, từ hôm nay ...

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Lẩn thẩn về horoscope

Lại horoscope! Là mẩu ngăn ngắn bằng tiếng Anh mà tôi chép ở cuối entry này, gửi vào mailbox của tôi hôm nay.

Việc chép lại horoscope ấy chẳng có gì là hay ho cả, vì nó cũng cho thấy sự trống rỗng trong đầu tôi lúc này. Khi người ta không biết phải làm gì, do không có đủ thông tin, hoặc do tình một đằng mà lý một nẻo, thì người ta thường mong đợi một dấu hiệu nào đó, dù ngẫu nhiên, dù vô nghĩa, từ phía bên ngoài.

Nhưng kệ nó, tôi cứ lưu mẩu horoscope này lại đây, vì lúc này tôi thấy nó đúng.

Và đó là lý do tại sao trên khắp thế giới, đông tây kim cổ, con người luôn có nhu cầu về tâm linh, về tín ngưỡng, về tôn giáo, và về những điều gì đó có ít nhiều huyền bí.

Dù có thể nó chỉ phục vụ những lúc người ta có tâm trạng mà thôi.

Lại sực nhớ đến một câu nói mà một người đồng nghiệp già của tôi, giờ đã về hưu, hay nói: Tiếng Việt có từ "suy nghĩ" rất hay, vì con người ta (hình như) "suy" rồi mới chịu "nghĩ"!

Quá hay, phải không?

Chỉ là những giòng lẩn thẩn!

---------------
This is no time to be a stick in the mud, phuong-anh. Don't be the weak link in the chain. You will find that the energy of the day is to get up and go. So either lead, follow, or get out of the way. There are no excuses for you to back down. When opportunity knocks, you need to be ready with your bags packed. Your emotions may lead you down new and unexpected paths.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

4, 9, và 2020, hay sự bí ẩn của những con số

Trước hết, cần giải thích mấy con số 4, 9, và 2020.

2020, đấy là năm 2020. Là một năm quan trọng đối với tôi, bởi vì lúc ấy tôi đúng 60 tuổi, đúng một vòng 60 năm cuộc đời, khi Canh Tý lại trở về Canh Tý. (Mở ngoặc nói thêm: năm 2020 sẽ là năm Canh Tý các bạn ạ. Tôi biết rõ, vì tôi sinh năm 1960 là năm Canh Tý, và 60 năm sau nó, tức năm 2020 cũng sẽ là năm Canh Tý).

Nó còn quan trọng với tôi và ông xã tôi là vì ... lúc ấy 2 hợp đồng bảo hiểm mà tôi mua sẽ đáo hạn sau 20 năm đóng phí. Vì là người lo xa, nên năm 2001 khi mới ngoài 40 (hic, thanh xuân bất tái lai), tôi đã là một trong những người hiếm hoi thời ấy quyết định mua cho mình và ông xã 2 hợp đồng bảo hiểm đóng phí trong 20 năm (một mình tôi đóng phí), để khi về hưu có một cục tiền kha khá mà sử dụng (có lẽ chủ yếu là ... để mua thuốc đau lưng nhức mỏi, dầu gió xoa bóp, và có tí đồng tiền lẻ cho con cháu khi chúng đến chơi nhà, chắc là thế).

Nhưng 2020 không chỉ có ý nghĩa cho riêng tôi, mà hình như nó còn là một năm rất quan trọng cho cả dân tộc Việt Nam nữa. Tại sao tôi lại dám lộng ngôn như thế? Ừ thì có lý do cả đấy. Này nhé, chỉ tính riêng ngành giáo dục thôi thì năm 2020 chúng ta cũng sẽ có quá nhiều thành tựu rực rỡ rồi. Ta sẽ có một trường lọt vào top 200 của thế giới. Sẽ có thêm 20 ngàn tiến sĩ, trong đó có 10 ngàn được đào tạo tại Mỹ. Tiếng Anh lúc đó sẽ trở thành thế mạnh của người Việt Nam. Học sinh tốt nghiệp trung học sẽ có đủ trình độ tiếng Anh để đi học trong môi trường nói tiếng Anh (vd: các nước sử dụng tiếng Anh bản ngữ), và sinh viên tốt nghiệp đại học có khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc mang tính quốc tế. Quá chuẩn luôn! Một tương lai rạng rỡ cho ngành giáo dục VN; tiếc là đến lúc ấy tôi đã nghỉ hưu rồi, không thể hãnh diện lây với những thành quả chung của ngành giáo dục nữa, uổng thật!

Thế còn số 9? À, thì rõ ràng số 9 là số hên mà, cái đó ai chẳng biết. Nhưng thực ra, số 9 mà tôi đề cập ở đây có ý nghĩa rất đơn giản: nó là thời gian 9 năm tính từ bây giờ đến mốc 2020 rực rỡ ấy. Chín năm là thời gian dài hay ngắn nhỉ? Hừm.... Có lẽ nó không dài, bởi vì cứ xét theo công việc của tôi thôi, thì từ lúc tôi rời khoa Anh của trường XHNV đến giờ cũng đã gần 8 năm rồi. Công việc nặng thế, đi xa thế, lương ít thế, mà tôi vẫn tồn tại được, thì việc chờ 9 năm để có mấy cái thành tựu kia hoàn toàn là dễ dàng, và thời gian sẽ qua đi nhanh lắm.

Nhưng mà ... nếu 9 năm là một thời gian không dài, thì liệu mấy cái chỉ tiêu hơi tham vọng kia có đạt được không nhỉ? Không phải là tôi không có chút băn khoăn nào về mấy chỉ tiêu kia đâu, vì gì chứ riêng chuyện dạy tiếng Anh thì tôi biết là không dễ. Đừng nói đâu xa, chỉ cần nhìn sang Malaysia thì mới thấy rằng để Mã Lai có thể có được trình độ tiếng Anh hiện nay (hôm trước EF có làm cái survey cho thấy trình độ tiếng Anh của Mã cũng chỉ thuộc hàng trung bình, tất nhiên là hơn Trung Quốc - thuộc hạng yếu - và chắc chắn là hơn hẳn VN, vốn thuộc hạng ... bét!) thì ông cựu thủ tướng Mahatthir của Mã cũng đã phải tốn rất nhiều thời gian và công sức trong vòng mấy chục năm, chứ không chỉ vỏn vẹn chưa tới chục năm như VN vậy đâu.

Đang băn khoăn thế, thì tôi bỗng nhớ ra câu thơ: "Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", và chợt ngộ ra: Chín năm không dài, nhưng cũng có thể tạo ra những kỳ tích, nếu ta có quyết tâm chính trị. Bất chấp những quy luật thông thường của thiên nhiên, của vũ trụ, của tạo hóa gì gì đấy. Chứ gì nữa, lịch sử VN - và hình như cả lịch sử thế giới nữa đó - đã chứng minh điều đó. Vậy là được rồi, cứ yên tâm đi, nghen!

Rồi, bây giờ chỉ còn cần giải thích con số 4 mà thôi.

Hà hà, số 4. Nó là "số" của tôi đó, nói theo "numerology". Tôi chẳng biết numerology dịch ra tiếng Việt sao cho hợp, nhưng đại khái các bạn có thể hiểu nôm na như thế này. Mỗi chúng ta sinh ra đời đều có "số", đây là số nói theo nghĩa đen ấy, cũng giống như là mỗi người chúng ta có một cái tên. Cũng như ai đi dạy học và có đi chấm thi trong những kỳ thi quan trọng thì biết, thay vì chấm bài của học sinh với những cái tên cụ thể (như Hoa, Hồng, Hùng, Hạnh vv) thì để bảo đảm tính "vô danh" người ta sẽ thay từng bài thi thành một con số, gọi là số phách. Vậy là sẽ chấm bài của số 1, số 2, thay vì bài của Hoa, của Hùng. Tức thay tên người bằng một con số.

Và numerology làm đúng như thế. Nó cho công thức quy đổi những mẫu tự trong tên người thành ra những con số. Rất đơn giản, vì chỉ có 9 số. Mỗi con số đó là một loại tính cách con người. Và người số 2 sẽ hợp với người số 6 nhưng không hợp với người số 5, chẳng hạn thế. Rất thú vị.

Cái trò quy tên ra số để đọc tính cách là do bố tôi bày ra khi bọn tôi còn nhỏ. Bố tôi mua được ở đâu đó một cuốn sách nho nhỏ giới thiệu về numerology, và bèn đè bọn tôi ra tính toán thử. Bọn tôi rất thích thú, và ai cũng biết "số" của mọi người trong gia đình. Ví dụ, bố tôi số 8, mẹ tôi số 1, anh trai tôi số 9, chị tôi số 5. Còn tôi, thì tất nhiên là số 4!

Số 4, một con số cực kỳ hay - chuyện, số của tôi mà lại!;-). Vì nó là "tứ trụ" (cũng là "bát tự", tức năm, tháng, ngày, và giờ sinh dùng để đoán số mạng), là "tứ tượng" (trong "lưỡng nghi sinh tứ tượng"), là "tứ hải" (trong "tứ hải giai huynh đệ"), là "tứ trụ triều đình", là 4 góc của một hình vuông vững chãi ....

Chà chà, nghe cực kỳ ấn tượng, phải không các bạn? Tôi nổ đấy, nói lốp bốp chứ chẳng hiểu quái gì đâu. Nhưng con số 4 phải nói là rất ấn tượng, phải không? Chẳng thế mà chính phủ ta đã quyết định xây 4 trường đẳng cấp quốc tế - 4, chứ không phải 3, rõ chửa, dù chỉ có 3 miền, sao không là 3 trường, mỗi trường một miền?

Đấy, cái tựa của entry này tôi đã giải thích xong rồi. Vậy các bạn còn thắc mắc gì nữa không? Hy vọng là các bạn đọc xong đến đây thì thỏa mãn, không cảm thấy ... ấm ức như bị lừa đấy chứ?

Chắc là vẫn còn bực bực, chưa thỏa mãn, phải không? Vì hẳn là các bạn vẫn thắc mắc tôi lôi ở đâu ra mấy con số 4, 9 và 2020 kia, rồi viết linh tinh phét lác nãy giờ ở trên, chẳng ra đầu ra đũa chi cả?

Thôi thì nói thực nhé, cặp 3 con số "4, 9 và 2020" và ý tưởng để viết entry này là do tôi "chôm" từ bài viết mà tôi mới đọc sáng nay trên báo Tuổi trẻ về phát triển chiều cao của người Việt đấy. Chín năm nữa, tức đến năm 2020, chiều cao của người Việt sẽ tăng thêm 4 phân. Ở đây này.

Được như thế thì quá tốt. Chúng ta sẽ không còn phải ngước lên khi nói chuyện với bọn Tây từ các nước tư bản giãy chết nữa.

Chỉ e rằng 9 năm nữa thì quá ngắn để làm được điều này, cũng như một lô những chỉ tiêu định lượng khác nữa, mà thôi. Vì 9 năm, tức 3 lần thời gian 3 năm. Vậy mà theo kinh nghiệm của tôi, việc thực hiện cải cách tuyển sinh của VN, bỏ kỳ thi 3 chung, đã được nhắc đến từ năm 2008, đến nay 2011 là 3 năm rồi, vẫn còn chưa nhúc nhích gì cả, kia kìa! Cũng như đề án 2020, nhắc tới từ đâu năm 2007, đến nay là 2011, tức 4 năm (gần 1/2 thời gian của 9 năm), cũng chỉ mới bắt đầu khởi động "thí điểm" ở cấp thấp nhất là tiểu học ở một số trường tại một số địa phương có điều kiện mà thôi!

Tôi nghĩ, khi sử dụng những con số cụ thể để đưa ra những chỉ tiêu phát triển liên quan đến những vấn đề xã hội thì ta cần phải có rất nhiều nghiên cứu dựa trên những số liệu chính xác được thu thập trên diện rộng và trong thời gian dài. Tất cả những điều này chúng ta vẫn còn chưa có. Hoặc là số liệu không có, hoặc có nhưng không chính xác, hoặc chính xác nhưng không đủ rộng, hoặc đủ rộng nhưng lại trong thời gian ngắn. Và quan trọng hơn là rất ít nghiên cứu, hoặc có nghiên cứu nhưng kết quả nghiên cứu ít được phổ biến cho mọi người đọc và phản biện.

Nhưng hình như chúng ta đã rất quen đưa ra những chỉ tiêu với những con số hoành tráng như thế này rồi hay sao ấy.

Hay là tại vì chúng ta tin vào sự bí ẩn của những con số?

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Ai là thượng đế?

Chắc sẽ có nhiều bạn trả lời là "khách hàng".

Trả lời như thế, chắc là do thuộc lòng mà buột miệng ra thôi. Ở đâu chứ ở VN, đặc biệt là những người sử dụng dịch vụ do những nhà cung cấp thuộc nhà nước, ví dụ như điện, nước, hàng không, thì khách hàng chắc chắn không thể nào là thượng đế được.

Thượng đế, theo tôi hiểu, là đấng toàn năng, cho nên muốn làm gì cũng được. Muốn tạo ra vũ trụ, cũng chỉ cần phán, hoặc chỉ tay, hoặc ... gõ đũa thần, tùy ý, thì có ngay vũ trụ. Chứ nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, như ... cái cuống vé máy bay chẳng hạn?

Vậy mà tôi mới đọc báo thấy có một khách hàng của Vietnam Airlines, hình như là dám yêu cầu tiếp viên trả lại đúng cuống vé cho mình thôi, nhưng không được. Mà lại nhận được cái khác cơ, làm tốn kém rất nhiều chi phí cơ hội của VN Airlines. Ai không biết vụ này, thì xin đọc ở đây này, và đây nữa. Báo lề phải đàng hoàng đó nghe, ai đọc blog tôi thì thấy tôi luôn trích dẫn báo lề phải, chẳng thèm trích dẫn báo lề trái bao giờ. Chứ gì nữa, mình là viên chức nhà nước, công dân tốt mà, ai lại thế. (Dù có bị gọi là con cừu, chứ gọi là con gì nữa, ví dụ như con mèo bị trấn nước trên VTV mới đây, chắc cũng cam lòng!)

Đọc xong cái tin ấy, thực ra tôi có rất nhiều câu hỏi. Tại sao VN Airlines làm thế? Tại sao tiếp viên không thực hiện yêu cầu chính đáng của khách hàng, để rắc rối thế? Tại sao phi công lại phải gọi an ninh? Tại sao an ninh lại đánh người tơi tả thế? Tại sao lại khóa tay cụ già? Và câu hỏi lớn nhất: Ai cho phép Vietnam Airlines đối xử với khách hàng như thế?

Có trời mà biết, phải không? Ơ mà, trời, tức là thượng đế ấy, trong cái vụ này, là ai nhỉ?

Nên mới có cái tựa entry này, "Ai là thượng đế?"

Ai đọc xong mà biết câu trả lời, thì bảo cho tôi với nhé!

Tôi chỉ biết rõ, khách hàng của Vietnam Airlines (trong đó thỉnh thoảng có cả tôi nữa) còn lâu lắm mới là thượng đế! Vậy không là thượng đế thì khách hàng là cái gì, thì điều này tôi cũng không biết nữa! Nếu ai biết, thì cũng bảo nốt giúp cho tôi!
----
Vừa đọc thêm tin liên quan đến vụ này, cũng báo lề phải nữa nghe, ở đây. Nhưng thông tin thì trái ngược, vì bài này có ý chứng minh Vietnam Airlines là đúng. Nếu vậy là mấy bài kia sai? Cũng có nghĩa là một bên là lề trái, một bên là lề phải?

Ủa mà cả 2 tờ báo đều là báo của nhà nước mà, đâu phải của thế lực thù địch nào bên ngoài đâu ta? Vậy phải chăng có nhiều loại lề phải - phải phải, phải trung bình và phải ... trái?

Chà, nghe lùng bùng lỗ tai, mệt quá!
----
Cập nhật ngày 22/4/2011
Sáng nay Tuổi trẻ có đăng bài mới về vụ này, và lại thêm thông tin khẳng định khách hàng của VNA chắc chắn KHÔNG phải là thượng đế. Các bạn đọc ở đây này.


Lại cập nhật chiều cùng ngày
Ai quan tâm đến vụ này thì đọc nữa ở đây này. Đọc xong mấy thông tin trong bài viết xong, tôi cứ nghi nghi ... có lẽ VNA sai thật rồi.

Tôi không biết ông Khương là ai, và cũng chẳng có lý do gì để ghét VNA - thực ra, tôi còn là "khách hàng thân thiết" của nó, vì có thẻ hội viên, đã có lúc lên đến thành thẻ Titan, nhưng giờ lại rơi xuống thẻ bạc mất rồi. Nhưng tôi cứ nghĩ rằng vụ này sao giống mấy vụ gần đây của truyền thông báo chí quá. Hình như vì là các công ty, các cơ quan thuộc khối sự nghiệp (gọi nôm na là cung cấp các dịch vụ, mặc dù cũng hơi chuyên nghiệp một chút) công, do quen nghĩ mình là "nhà nước" rồi, nên không bao giờ chịu thừa nhận cái sai của mình và chịu xin lỗi "khách hàng" thì phải?

Hay là ... chính họ là thượng đế? Vì chỉ có thượng đế thì mới toàn thiện, toàn năng = luôn luôn đúng?

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Sáu bài quốc ca, mèo, tai nạn và đạo đức nghề nghiệp

Entry này tôi bắt đầu viết từ cách đây mấy hôm, khi đọc được tin về "vụ" quốc ca VN "hào hùng" nhất thế giới. Lúc bắt đầu viết, tôi chỉ đơn thuần nghĩ đến một loại "tai nạn nghề nghiệp" thôi, đó là việc hiểu tiếng Anh không đầy đủ dẫn đến đọc sai thông tin và viết bài sai. Vì vậy, tựa đầu tiên mà tôi đặt cho entry này có khác một chút, đó là "Sáu bài quốc ca, dịch, và tai nạn nghề nghiệp".

Vì muốn nói đến tai nạn nghề nghiệp do "dịch" nên tôi viết dở dang thì dừng lại vì muốn tìm một vài ví dụ minh họa cho "tai nạn nghề nghiệp" do dịch sai. Thực ra thì tôi cũng đã có ví dụ rồi, nhưng không muốn sử dụng vì có liên quan đến một số người mà tôi đã từng có quan hệ, nên chẳng thể dùng. Vì nếu sử dụng chúng thì biết đâu lại bị hiểu sai là tôi kiếm cớ viết bài này là để nhắm vào người này người khác vì mục đích gì đấy. Trong khi đó, tôi lại đang trong tâm trạng hoàn toàn không muốn dính líu chút nào đến những việc không đâu mất thời gian, vì vậy tránh là tốt nhất.

Nhưng cũng vì tránh không dùng những ví dụ có sẵn nên tôi phải ngưng lại mấy ngày nay để chờ có thời gian tìm ví dụ, rồi sau đó đâm mất hứng, không muốn viết nữa. Thì hôm nay tôi lại đọc được một mẩu tin về vụ "mèo". Cũng lại là một tai nạn nghề nghiệp, nhưng lần này là loại tai nạn khác. Không phải là yếu về nghiệp vụ (cụ thể là trình độ đọc hiểu tiếng Anh còn yếu), mà là thiếu hiểu biết về những giá trị nhân văn thông thường, như không được hành hạ súc vật, chẳng hạn.

Nên tôi thấy lại phải viết tiếp entry này, trước hết để lưu lại suy nghĩ của chính tôi về những vấn đề xã hội hiện nay mà tôi có ít nhiều quan tâm. Và cũng là để chia sẻ những suy nghĩ của mình đến những ai có đọc blog này - đa phần là những bạn bè, đồng nghiệp của tôi, nhưng cũng có những người khác nữa. Những người biết tôi hoặc không biết tôi ở ngoài đời, những người yêu mến tôi, và có cả những người chẳng mấy gì yêu quý tôi nữa.

Dù là ai, thì các bạn đã vào đây, cũng xem là bạn, hoặc nếu không phải là bạn, thì là khách vậy. Thôi thì có "bữa cơm rau" gọi là, các bạn "nếm thử" qua nếu có gì hay thì báo cho tôi biết để mừng, còn nếu dở thì cũng xin lượng thứ.

Đùa chơi một chút cho vui, bây giờ xin các bạn đọc dưới đây nhé!

-----------
Tình cờ, tôi đọc được những mẩu tin (khá om xòm) trên mạng về việc một trang mạng nào đó bình chọn quốc ca Việt Nam là "hào hùng nhất thế giới". Tin ấy thật ra đã khá lâu rồi, từ năm 2008 lận, nhưng chẳng hiểu sao đến bây giờ được một tờ báo trong nước đưa lên. Tuy nhiên, sau những phản hồi của bạn đọc trên mạng rằng đấy chỉ là một tin ... tếu, có tính diễu cợt và mỉa mai, chứ chẳng có gì đáng tự hào ("hào hùng", mà một số trang blog cá nhân và "báo lề trái" diễu thành "hãi hùng") như tờ báo ấy đã đưa tin, thì mẩu tin đó giờ đã bị rút xuống. Mà cũng may, hình như chỉ mới đăng trên trang online thôi nên chưa bị lưu lại trên giấy trắng mực đen gì cả, hú vía!

Tò mò, tôi đi tìm trang gốc có bài viết ấy bằng tiếng Anh. Chỉ cần gõ "cracked.com" (địa chỉ của trang web đã đăng bài gốc bằng tiếng Anh) và "national athem", "vietnam" là tôi ngay lập tức tìm được thôi mà. Nó ở đây này các bạn tha hồ đọc cho biết nhé.

Còn những ai không có điều kiện để đọc, thì thật ra cũng chẳng cần đọc làm gì. Đại khái nó đưa ra 6 bài quốc ca "dễ sợ" nhất thế giới - dễ sợ vì trong đó ca ngợi chiến tranh (ừ thì chiến tranh vệ quốc), đầu rơi máu chảy, xương trắng thành đồng, vv và vv - nhưng trong số đó thì VN đứng tận hạng nhất lận! Vì, cũng theo chúng, thì 5 bài quốc ca khác dù có ca ngợi chiến tranh cũng còn có chỗ ca ngợi hòa bình, còn riêng ta thì từ trên xuống dưới chỉ rặt chiến tranh và đổ máu. Ấy, bọn báo chí tư bản láo thế đấy.

Nhưng thôi ta cũng không thèm chấp, vì cái trang ấy nhảm nhí ấy mà. Chỉ cần nghe cách đặt tên trang ấy thì cũng rõ rồi. Trang đàng hoàng thì ai lại đặt là cracked.com như thế. Lại nữa, ngay chình ình trên đầu trang có một câu tự giới thiệu: "America's only humor site since 1958", cái này cũng hơi khó hiểu đây vì năm 1958 thì làm gì đã có mạng nhỉ, hay là nó gõ lại tất cả những gì đã viết trước đó (trên báo giấy) rồi đưa lên đây à? Thôi thì cái này sẽ tìm hiểu sau vậy, bây giờ phải nói cho hết ý của entry này đã.

Chỉ bao nhiêu đó thôi thì cũng thấy là người phóng viên nào đó khi đã đưa mẩu tin này đã không làm việc kỹ càng, chuyên nghiệp - hơi giống vụ VTV và cô Lượm, do không kiểm tra kỹ, không làm việc chuyên nghiệp nên bị xảy ra một scandal không đáng có. Nhưng đó cũng không phải là ý chính của entry này, mà thực ra tôi muốn nói đến tai nạn nghề nghiệp đối với những người làm nghề có liên quan đến dịch - hoặc là dịch giả chuyên nghiệp, hoặc là những người cần lấy thông tin từ nước ngoài để tổng hợp thành bài viết của mình, vd như các nhà báo, hoặc cũng có thể là những người đi học, nghiên cứu sinh hoặc "nghiên cứu viên" (là từ của VN để chỉ những người làm việc trong môi trường hàn lâm nhưng không phải được vào biên chế giảng dạy) của nơi này nơi khác.

Việc hiểu sai, dịch sai một ngoại ngữ có lẽ cũng là việc bình thường trong điều kiện hiện nay của VN, một nước nghèo, kém phát triển, lại đóng cửa với thế giới trong một thời gian dài. Nhưng tôi nghĩ những người đã làm công tác báo chí, truyền thông, hoặc làm việc nghiên cứu, thì không được quyền để xảy ra những việc như vậy. Vì công việc của những người này là cung cấp thông tin chính xác và trung thực đến độc giả. Đó là đòi hỏi của đạo đức nghề nghiệp.

Tất nhiên, ai làm nghề nào thì cũng có lúc bị tai nạn ở nghề đó - sinh nghề tử nghiệp mà. Nên làm báo hoặc làm nghiên cứu thì có thể lấy và cung cấp thông tin sai, cũng như làm nghề thầy thuốc thì có thể gặp tai nạn nghề nghiệp làm chết bệnh nhân, kiểu như tay bác sĩ riêng của Michael Jackson bị nghi (hay đã bị kết tội? tôi không theo dõi vụ này nên không rành lắm) là đã cho ca sĩ này uống quá liều thuốc giảm đau (thực chất là một loại thuốc gây nghiện, tức nôm na là thuốc phiện, một loại thuốc độc) nên mới làm cho ông vua nhạc pop này phải chết.

Vấn đề là, tai nạn xảy ra rồi thì làm gì? Thông cảm, bỏ qua, thậm chí còn phải an ủi, chia sẻ nữa, vì ... đó là tai nạn mà, chứ ai muốn thế đâu? Hay lên án, trừng phạt, tẩy chay, hoặc ít ra cũng phải treo giò, treo bút, treo giấy phép hành nghề ít lâu cho rút kinh nghiệm, rồi sau đó tùy theo mức độ tiến bộ rồi mới tính tiếp?

Chà, câu trả lời cho câu hỏi này có lẽ khó đây! Tôi chỉ biết, ở các nước tư bản phương tây thì chắc là người ta phải chọn cách thứ hai, vì đã làm nghề chuyên nghiệp, thì phải có năng lực phán đoán khả năng rủi ro, gặp tai nạn nghề nghiệp, để mà tránh những tình huống ấy. Và nếu năng lực không đủ để phán đoán khiến thường xuyên xảy ra tai nạn nghề nghiệp, thì, well, thôi xin mời bác "rửa tay gác kiếm" và về nhà nghỉ chơi, nhường chỗ cho người khác người ta làm nghề chuyên nghiệp, bác ạ!

Điều ấy theo tôi chính là biểu hiện, mà cũng là nguyên nhân tạo ra, duy trì và củng cố, của “cái gọi là đạo đức nghề nghiệp" ở phương Tây. Còn ở "phương ta" thì điều phổ biến hơn lại là cách làm thứ nhất mà tôi đã nêu ở trên. Mà nếu thế thì chẳng lẽ chúng ta lại không có/ chưa có "cái gọi là ...” ấy?
-----------
Ghi chú: Chỗ này là chỗ tôi ngưng lại hôm trước, không viết thêm được nữa. Cho tới hôm nay, khi đổi tên entry, thay chữ "dịch" bằng chữ "mèo", "tai nạn nghề nghiệp" thành "tai nạn và đạo đức nghề nghiệp". Mời các bạn đọc tiếp nhé.

OK, OK, vụ sáu bài quốc ca thì xem như đã rõ, nó là tai nạn nghề nghiệp, cũng có thể có vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong ấy nữa nhưng cái đó ... tùy người đối diện. Nhưng còn con mèo, nó có liên quan gì đến ai trong entry này mà lại đưa nó vào tựa của entry nhỉ?

Ôi, con mèo. Ừ, cái con mèo con ấy, chả hiểu giờ thì nó ra sao, nhưng nếu nó còn sống sót và mọi việc không đến nỗi quá tồi tệ, thì có lẽ nó phải cám ơn cậu bé trong chương trình đã làm cho nó trở nên nổi tiếng như thế này ấy nhỉ. Vì thực sự nó đã nổi tiếng lắm rồi, qua cái clip được đưa lên mạng. Có thể tìm đọc về nó ở đây này. Hoặc thậm chí có thể xem clip nữa, cứ gõ "hành hạ mèo" và "VTV" vào google thì sẽ ra ngay thôi, ví dụ ở đây này.

Vâng, mèo ở đây là như thế đấy. Thế mà đấy là một chương trình giáo dục, mới đáng nói chứ. Hừm ...

Vâng, tôi đồng ý, đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp thôi, không hơn không kém. Những người làm chương trình chỉ muốn có một ví dụ thật, có tính giáo dục, nhưng đồng thời cũng phải sinh động và hấp dẫn. Và ... họ đã làm ra một đoạn phim như thế. Đúng là xui xẻo!

Tai nạn nghề nghiệp, đúng quá. Sinh nghề, tử nghiệp mà. Nhưng sau tai nạn thì xử lý ra sao nhỉ? Tôi chưa rõ. Cái này chắc lại liên quan đến phạm trù đạo đức nghề nghiệp rồi đây. Mà đạo đức nghề nghiệp là gì, có quan trọng không, thì hình như chúng ta chưa (thể) thống nhất? Vậy chẳng lẽ lại phải chờ đến lúc thống nhất rồi mới viết ư? Thế thì lâu quá!

Nên thôi, thì cứ viết lăng nhăng entry này đăng lên blog đây, để chia sẻ với các bạn. Các bạn đọc rồi thì xúm vào đóng góp cho tôi với nhé!

Hay là thôi, vì có đóng góp hay không thì rồi "mèo (dù ướt hay khô, sống hay chết) lại (cũng vẫn) hoàn mèo" thôi mà? Có gì đâu mà rộn?

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

My horoscope for today (Monday 18 April 2011)

Which somehow feels very true, so here goes:

If there is one lesson you should learn during this period, phuong-anh, it is this: Make yourself happy! In your case, this likely means giving yourself some time off. Just for once, do not think of duty or obligations. Do things just for the sheer joy of doing them. Your path is one of confrontation, so no more hiding behind your work!


Yeah, is there anything more true than this?

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Con lừa và tôi

"Con lừa và tôi" là tên một cuốn truyện nhỏ khác mà tôi đã đọc khi còn bé. Ai chưa đọc (hẳn phải là thế hệ sau tôi, vì thế hệ của tôi hẳn là không ai lại không biết đến cuốn truyện ấy) có thể vào đây để đọc.

Dưới đây là phần giới thiệu cuốn sách này, chép từ trang đã đưa link ở trên.

Juan Ramón Jiménez
JUAN RAMÓN JIMÉNEZ thi sĩ Tây Ban Nha, sinh ở Moguer (1881 –1958), đoạt giải thưởng Nobel Văn chương năm 1956.

CON LỪA VÀ TÔI: chuyện của một con lừa tên là La Rô (Platero) và chủ nhân là thi sĩ, mà người ta quen sánh với cuốn HOÀNG TỬ BÉ của Antoine de Saint-Exupéry, vì hình thức văn chương và nội dung thơ mộng của nó.

Đây là một chuỗi chuyện ngắn nối tiếp nhau, đầy cảnh sắc và tình tiết của một ngôi làng Tây Ban Nha rất gần gũi với một ngôi làng Việt Nam: con chim én, giếng nước, rặng bìm bịp…..Người với vật gắn bó với nhau như đôi bạn, quen mặt từng gã Bô-hê-miên, thằng mọi, đứa bé nghèo khó hay tật nguyền, nhớ từng gốc cây bạc hà, cùng mơ những giấc mơ hẩm hiu giống nhau, đem lòng yêu những vẻ đẹp phù du nhất….cho đến ngay cuối cùng bỗng hóa thành thê lương. Truyện kết thúc ở cảnh thi sĩ ra đồng đứng bên ngôi mộ của lừa.

ĐỂ TƯỞNG NHỚ AGUEDILLA , NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN ĐÁNG THƯƠNG Ở ĐƯỜNG MẶT TRỜI ĐÃ GỬI CHO TÔI MẤY QUẢ DÂU VÀ HOA CẨM CHƯỚNG.

---------------
Và những đoạn trích từ cuốn truyện nói trên, những câu chuyện nho nhỏ, bình thường mà thật cảm động.

THẰNG BÉ NGÂY THƠ

Cứ mỗi lần chúng tôi trở về qua con đường Thánh Joseph, thằng bé thơ ngây ngồi trước cửa nhà, trên chiếc ghế nhỏ, nhìn người ta qua lại.

Đây là một thằng bé khổ sở, suốt đời không thể nói năng, mà cũng không được trời ban cho một hình hài đẹp đẽ. Một thằng bé vui tính, nhưng buồn bã cho con mắt nào nhìn vào; nó là tất cả đối với mẹ nó nhưng không là gì hết đối với mọi người.

Một hôm – hôm ấy một ngọn gió đen oan nghiệt thổi qua con đường trắng, tôi không còn trông thấy thằng bé trước cửa nữa. Một con chim cất tiếng hót nơi thềm vắng, và tôi nhớ Curros một người cha tốt nhưng là một thi sĩ xoàng, khi mất đứa con, ở Galice, cất lời hỏi bướm:

- Ơi con bướm nhỏ cánh vàng….

Nay xuân trở về, tôi tưởng nhớ thằng bé ngây thơ giã từ đường Thánh Joseph bỏ lên trời. Ngồi ở trời cao, trên chiếc ghế nhỏ, giữa muôn đoá hồng lý tưởng, nó sẽ ngắm nhìn bằng đôi mắt mở to, từng đoàn chư thần vàng ánh….

CHỊ RU EM

Xinh xắn mà dơ như đồng tiền, mắt đen láy, môi mọng và dày, lấm tấm mồ hóng xung quanh, đứa con gái của bác bán than, ngồi trên tấm ngói trước cửa nhà tranh, đang dỗ dành em ngủ…

Giờ này, tháng năm, phừng phừng, nóng cháy và sáng như trung tâm điểm của mặt trời. Trong không khí bình yên chói rạng, ta nghe tiếng rỉ rích bên ngoài, ngựa hí ngoài đồng, con gió bể thì nhởn nhơ trong bụi cây bạc hà.

Nhưng người con gái bán than đã cất tiếng hát, truyền cảm và âu yếm:

Ngủ à nghê, bé à nghê.
Nhờ là nhờ chị vỗ về bé nghê.
Im lặng. Gió. Gió vờn đọt cây.
Ngủ à nghê, bé à nghê.
Chị là chị vỗ về bé nghê.

Gió….La Rô đang khoan thai bước qua mấy cây thông cháy xém, chầm chậm lại gần….

Rồi qụy mình trên đất nâu, được đẩy đưa theo tiếng ru hời mẫu tỷ, nó thiu thiu ngủ, như đứa bé.

ĐÓA HOA BÊN ĐƯỜNG

Này La Rô, đoá hoa đẹp và thanh ghê, đoá hoa bên đường kìa! Lớp lớp đi qua – bò, dê, ngựa, cả người nữa.

Thế mà hoa, nõn nà mảnh mai thế kia, vẫn còn đấy, không suy suyển, tím nhạt và nhỏ nhắn, bên bờ dậu chơ vơ, không hề vấy bẩn, không hề uế tạp.

Ngày ngày, hễ đi đường tắt cách chân dốc một đoạn, là ngươi có thể trông thấy nó, trong lùm xanh. Đôi khi nó tựa kề một con chim thật nhỏ, chim này bay mất - tại sao chứ? – khi thấy bóng chúng tôi.

Đôi khi làn nước trong, từ đám mây hè, ứ lại trong hoa, làm thành một chiếc cốc nhỏ xíu; cũng có khi hoa đành lòng cho ong bẻ nhụy, cho bướm đổi thay mượn áo.

Đoá hoa này sẽ sống ngắn hạn, La Rô ạ, vẫn biết kỷ niệm về nó có thể bất diệt. Đời sống của nó, sẽ giống như một ngày trong xuân thì của ngươi, như một mùa xuân của đời ta….

Giá như ta có quyền cho, thì ta sẽ lấy cái gì đem cho mùa thu, hả La Rô, để mùa thu tha mạng cho đoá hoa trời, và để cho hoa, mỗi lúc là biểu tượng đơn sơ và bất diệt của đời sống?

Con lừa và tôi. Đôi khi tôi tự hỏi, tôi và con lừa, ai là ai?

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru ...

Đấy là mấy câu trong những giòng đầu tiên của truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam mà tôi đã được học vào những năm đầu tiên của thời cấp 2 (hồi ấy gọi là trung học đệ nhất cấp).

Các bạn có thể tìm đọc lại đầy đủ truyện ngắn ấy ở đây.

Cũng giống như Liên trong truyện ngắn ấy, tôi rất thích những buổi chiều tà. Và thích ngồi yên trong bóng tôi chập choạng để mơ mộng, để tưởng nhớ những gì không rõ, để buồn buồn, nhưng chỉ là buồn không đâu mà thôi. Buồn, nhưng không hiểu vì sao tôi buồn, giống như trong bài thơ nào đấy của Xuân Diệu thì phải.

Xin chép ra đây những câu mà tôi đã học thuộc lòng từ thời đi học, dễ đến 40 năm rồi. Thế mà vẫn còn nhớ. Ai bảo học môn văn là không có ích lợi nhỉ? Mà sao ngày nay trẻ con lại không thích văn, và các môn khoa học xã hội nữa? Văn tức là người, vậy mà cả người và xã hội đều không có ai quan tâm, thì mọi việc sẽ đi về đâu?

Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mắt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.

Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru...

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Người chết hai lần

"Người chết hai lần" là một câu trong bài hát có tên là Ngụ ngôn mùa đông của Trịnh Công Sơn.

Một bài hát nằm trong tập Ca khúc da vàng, hình như thế, mà ngày xưa bố tôi rất thích, có mua một cuộn băng (thời đó còn sử dụng băng nhựa) về và mở nghe suốt ngày, khiến tôi thuộc gần như nằm lòng hết cả những bài hát trong cuộn băng ấy.

Tôi, thì tôi không thích cuộn băng ấy lắm. Lúc ấy còn trẻ, tôi thích những bản nhạc tình của Trịnh Công Sơn hơn. Những bài như "Diễm xưa", hay "Ướt mi", "Tuổi đá buồn", "Như cánh vạc bay", rất thơ mộng, trong sáng, hồn nhiên, và nếu có buồn thì cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Còn Ca khúc da vàng của ông là một loại khác. Tất nhiên là khác chủ đề, nhưng tôi muốn nói đến âm điệu và màu sắc của chúng. Rất u ám và thê thảm. Ngột ngạt, không có lối thoát. Và ... ma quái, chết chóc. Có lẽ cũng đúng thôi, những bài hát ấy hát về một Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Kinh hoàng.

Ngụ ngôn mùa đông có lẽ là đỉnh cao tập trung các hình ảnh chết chóc thê lương. Tôi vẫn còn nhớ tiếng hát của Khánh Ly, nghe lanh lảnh và thật thê thảm với những câu hát dễ sợ ấy:


Một ngày mùa đông
Một người Việt Nam
Đi ra dòng sông
Nhớ về cuội nguồn
Nhớ về đoạn đường
Từ đó ra đi
Nhớ về biển rộng
Thuyền ghe lướt sóng
Nhớ về nghìn trùng
Nòi giống của Chim...

[..]

Một ngày mùa đông
Rồi người Việt Nam
Thôi ra dòng sông
Súng từ thị thành
Súng từ ruộng làng
Nổ xé da con
Phố chợ thật buồn
Cuộn dây gai chắn
Chắc mẹ hiền lành
Rồi cũng tủi thân

[...]

Một ngày mùa đông
Hai bên là rừng
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan...


Trong tập Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn không chỉ có bài Ngụ ngôn mùa đông ấy. Tôi vẫn nhớ một vài bài khác, không nhớ rõ tựa bài, nhưng có những câu như Đại bác đêm đêm vọng về thành phố/Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe/Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy/Đại bác qua đây con thơ buồn tủi/Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi .... Hoặc bài hát "Bài ca dành cho những xác người", với những câu như Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng/Trong giáo đường thành phố/Trên những đường quanh co [...] Mùa Xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày/Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai/Đường đi tới dù chông gai thì quanh đây đã có người ....

Tôi đã nói ở trên là hồi còn bé tôi không thích những bài hát ấy. Nhưng dù không thích thì nó cũng mãi ám ảnh tôi, và càng về sau thì tôi càng thích nó. Đặc biệt là thời những năm sau ngày 30/4/1975, khi hai miền đã thống nhất. Lúc ấy, tâm trạng mọi người thật hoang mang, lo sợ. Kinh tế thì đi xuống, bên ngoài thì loạn lạc. Tự nhiên những bài hát của TCS thời trước với âm sắc u ám, thê thảm ngày nào sao bỗng trở nên rất đúng với tâm trạng của bọn thanh niên mới lớn của tôi ngày trước đến thế. Nhất là những câu như Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây, hình như trong bài "Phúc âm buồn" thì phải...

Rồi mọi việc cứ cuốn đi như vũ bão. Những thay đổi lớn lao đã xảy ra trong tình hình thế giới và trong đời sống chính trị của VN. Đổi mới. Mở cửa. Kinh tế nhiều thành phần. Cổ phần hóa, tư nhân hóa thay cho quốc hữu hóa của ngày mới giải phóng (từ này là tôi dùng quen miệng, chứ tôi biết có những người không thích dùng từ "giải phóng" này, mà chỉ dùng từ "thống nhất" mà thôi). Những bài hát thê thảm, u ám đó của TCS cũng bị quên đi (thật ra, chúng không hề được phổ biến, mà vẫn nằm trong danh sách bị cấm thì phải. Nếu quả là chúng bị cấm, tôi cũng hiểu tại sao: chúng thê thảm và u ám quá!)

Tôi đã quên những bài hát thê thảm, u ám đó từ lâu rồi. Để hôm nay câu "người chết hai lần/thịt da nát tan" lại bật ra trên môi, khi tôi đọc một mẩu tin sáng nay trên Tuổi trẻ online.

Tin như thế nào ư? Đây: Xe cứu thương chở quan tài đụng xe tải: 4 người chết.

Rơi đúng vào tình huống mà TCS đã dự báo: người trong quan tài bị chết lần thứ hai.
Nhưng không phải chết vì bom, vì pháo. Mà chết vì tai nạn giao thông, một tai nạn khốc liệt.

Mà chẳng phải là một tai nạn hiếm hoi gì. Gần đây, tai nạn giao thông nhiều quá!

Cuối tuần qua tôi ở Hà Nội, đi ăn sáng ở một tiệm phở, mọi người vẫn còn xôn xao vì một tai nạn thảm khốc khác.

Và nhiều lắm, nhiều lắm, chỉ cần lên mạng, gõ những từ "tai nạn giao thông" thì sẽ rõ. Một ví dụ đây này: Gần 300 người chết vì tai nạn giao thông dịp Tết.

Ba trăm người, nhớ nhé. Ngày xưa khi chiến tranh, nếu có một làng nào bị tàn sát 300 người trong vòng vài ngày thì có lẽ lời kêu than, oán trách đã lên đến tận trời xanh.

Còn ngày nay, trong vài ngày Tết vui chơi, 300 người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông, hình như cũng chỉ là chuyện bình thường.

Thiên tai như Nhật thì chúng ta không (chưa?) bị, địch họa chúng ta đã may mắn thoát khỏi. Chúng ta đã đổ bao xương máu để dành lại đất nước cho mình, một đất nước trọn vẹn chủ quyền và độc lập, ngẩng cao đầu với thế giới.

Thế còn những tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày như cơm bữa như thế này, và những hố tử thần rình rập nữa, rồi những vụ đua xe như điên dại của tuổi choai choai, rồi nhà sập, cầu sập ... thì trách nhiệm ở đâu?

Tôi không rõ. Chỉ biết không thể đổ cho thiên tai, địch họa được nữa. Có lẽ chính mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc đời mình. Và cuộc sống xung quanh mình nữa, tất nhiên rồi.

Nếu chúng ta không muốn thấy cảnh ấy tiếp tục xảy ra nữa: Người chết hai lần, thịt da nát tan.

Nhân tiện, ai muốn nghe bài hát Ngụ ngôn mùa đông của TCS do Khánh Ly hát thì vào đây để tải về nhé.

Đọc thơ Trần Dần

Nhắc đến Trần Dần, có lẽ không có người Việt Nam nào lại không biết. Tôi cũng vậy, dù chỉ biết loáng thoáng rằng ông là một trong những nhân vật của nhóm Nhân văn - Giai phẩm ngày nào.

Và tất nhiên, tôi biết ông là một nhà thơ. Nhưng thơ ông viết ra sao thì quả thực tôi chưa bao giờ đọc. Trừ một vài câu rất nổi tiếng như "Tôi bước đi, không thấy phố không thấy nhà/Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ".

Đối với tôi, thì chỉ cần mấy câu thơ ấy thôi cũng đủ cho thấy văn tài của Trần Dần là như thế nào rồi. Những câu thơ đau đáu, những hình tượng thật ám ảnh. Không khí của cả một thời đại được vẽ lên trong chỉ vài câu thơ mà thôi.

Trần Dần nhà thơ là như thế đấy. Chỉ vài câu thơ, mà hoàn toàn chinh phục tôi với tư cách một người đọc.

Và hôm nay tôi lại tìm được một vài bài thơ khác của Trần Dần. Cũng vậy, một giọng thơ ám ảnh. Tôi đọc, và không thể không suy nghĩ. Một thông điệp ở đâu đó trong thơ ông, rất rõ ràng nhưng lại cũng rất mơ hồ.

Chép lại ở đây cho chính mình, và cho các bạn bè, thân hữu của tôi.

Nhân tiện, Trần Dần cũng là người Nam Định, nơi quê cha của tôi đó! Giữa ông với tôi có chút gì giống nhau không?

------------
Sổ bụi 1989

.canh bạc giao thừa - thua cũng được?
đời
đau - thi
cách rõ ràng…

.quán thế - con mắt chiêm bao?
tia mắt chiêm bao ngạt ngào quanh thế?
người về bang cũ có buồn không? cố quốc
cố nhân bang mới buồn như khói? tấm lòng ga cuối lặng như đêm? trăng?

.ba bang chẳng có người chờ? không ai chung đắp mùng mưa chín vùng? não nùng ga cuối thu không? tàu đi?
chưa bừng con mắt chiêm bao? mưa còn lã chã nỗi đau thế trần?

.ngã ba đen? ngã ba đen?
sự vật không đèn?
ai khóc?
ngã ba tim?

.chôn sống tôi?
hãy chôn sống tôi?
ngay
đêm nay?
tôi nằm thênh
thang
dưới sao thắp
- bạt ngàn?

.tôi sẽ về chiêm bao trong vĩnh cửu đất
dưới một trời ay áy náy sao bay?

.hoa soi? hoa sói. hoa sòi. hoa khói? ga cuối của lòng? tim cuối? hai bàn chân cuối? “đây rồi phố cuối - khóc đi thôi?”

.tuổi cuối?
hai bàn chân cuối vẫn ra đi?

.tuổi cuối đi về xứ cuối?
có còn tia cuối nào không?

.tim cuối lê về phố cuối
hay là tia khói cuối đã tan đi?
nghĩ gì
xá gì khi khói - cuối đã bay đi?
mây cuối của lòng?
con mắt cuối vẫn chong trong?
đắm đuối cuối - cuối chân mây? khói cuối cay xè đôi mắt cuối?
tuổi cuối?
ga cuối của lòng
nghe hát thương hoa…

.bóng cuối?
cuối? cuối?
nhảy qua bóng cuối của mình?

.mùa quả cuối - cho nhau ngày hạ cuối? - chân trời bóng cuối chung đôi? - ngã ba tim…

.người tuổi cuối nô cô cô người cuối tuổi? là tô lồ tồ ngày - năm tháng hạc hà bay? - mêli mêlô gì khúc cuối thương hoa - vết máu ngã ba tim?

.ngã ba tim - từ ngã ba tuổi - từ đèn ngã ba? - ông già hòe? ông già kòe? tôi iêu ông già hòe? không iêu ông già kòe? - tôi êu ông già kòe? tôi iêu ông già hòe?

.tìm gì?
ráng lạc ngã ba tim?
tìm gì? tìm?
cô lộ ngã ba tim?
tìm gì?
Tư Mã ngã ba tim?
tìm gì?
nam nữ - ngã ba tim?

.mùng khói? ba sinh - mùng khói? ngỡ rằng bén khói để bay đi? ngỡ rằng khói bén để bay đi? ngỡ rằng él-khói để bay đi?
ba sinh mùng khói? đâu dè él - khói chẳng bay đi? đâu dè bén khói chẳng bay đi?

.cho tôi ngồi phố khói? ga khói của lòng? bướm khói liệng sân ga? tàu khói - chung nhau màu tuổi khói? đâu dè mắt khói chói chiêm bao. mây bay? chung đôi ngồi kể khói? mưa rất xưa mà thu rất xanh - mắt khói thế này - mắt khói để cho ai?


-----
Uẩn khúc ga cuối (Sổ bụi 1988)

ga cuối của lòng
chẳng nói -
sợ rằng như khói
- nói bay đi…
sợ rằng như nói
- khói bay đi...
ga cuối của lòng…

.ngày 23 tháng 1 năm 89. tức 10 chạp thìn.
dương đã 89 - âm vẫn chửa sang trang kỉ tị. thời gian châu Á vẫn tiêu sâm... tôi chẳng muốn mang sang gì cả. nỗi buồn ga cuối còn nguyên.

-----------
Thơ mi-ni

Tác phẩm là bản gốc ? đời là bản sao ?
Ối Ôi, luôn tam sao thất bản

Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời

tôi khóc những chân trời - bụi đỏ
Ở đó: vắng người
không có người biết khóc – các chân mây

vô tư như thuở ngày xưa
Nhìn một vì sao
buồn bên ngưỡng cửa

Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ.
Đừng đau mứt lệ hạ huyền
Nỗi buồn sáng thế còn nguyên.

1988 - 1989

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

"How to fail"

Bài viết ngắn ấy của Seth Godin vừa được gửi vào hộp thư của tôi cách đây một tiếng đồng hồ.

Seth là ai, tôi hoàn toàn không biết. Chỉ biết anh ta (ông ta?) là một fellow blogger, viết bằng tiếng Anh. Một ngày đẹp trời nào đó, tôi đã tìm ra blog của anh qua google, khi đang tìm tài liệu cho một vấn đề gì đó.

Theo đường dẫn do Google cung cấp, tôi vào blog của Seth, và cảm thấy thú vị vì những bài viết ngắn, dễ đọc nhưng rất thâm thúy của anh. Và vì thấy trang blog này có công cụ cho phép đăng ký để nhận mail mỗi khi có entry mới, tôi đã đăng ký để hàng ngày nhận update từ trang của anh, và hầu như không bao giờ trở lại blog ấy nữa (vì mọi thứ cần đọc thì đã được gửi vào trong mail rồi).

Cũng không phải bài viết nào của Seth thì tôi cũng đọc. Ngược lại thì đúng hơn: rất ít bài của Seth được gửi đến tôi đã được đọc. Thường thì tôi chỉ nhìn cái tựa, và nếu không thấy có gì đáng quan tâm thì bỏ qua.

Nhưng cái tựa entry mới hôm nay đã làm tôi dừng lại đọc. Và thấy bài viết thật sâu sắc, đáng suy nghĩ. Nên đưa nó lên đây để lưu, để suy gẫm, và để chia sẻ với các bạn bè của tôi.

Mọi người đọc dưới đây nhé. Còn ai muốn vào tận trang blog của Seth để tìm hiểu thì vào đây.

Chúc các bạn rút ra được những kết luận có ý nghĩa cho riêng mình từ bài viết của Seth.

------------
How to fail
By Seth Godin


There are some significant misunderstandings about failure. A common one, similar to one we seem to have about death, is that if you don't plan for it, it won't happen.

All of us fail. Successful people fail often, and, worth noting, learn more from that failure than everyone else.

Two habits that don't help:
- Getting good at avoiding blame and casting doubt
- Not signing up for visible and important projects

While it may seem like these two choices increase your chances for survival or even promotion, in fact they merely insulate you from worthwhile failures.

I think it's worth noting that my definition of failure does not include being unlucky enough to be involved in a project where random external events kept you from succeeding. That's the cost of showing up, not the definition of failure.

Identifying these random events, of course, is part of the art of doing ever better. Many of the things we'd like to blame as being out of our control are in fact avoidable or can be planned around.

Here are six random ideas that will help you fail better, more often and with an inevitably positive upside:
- Whenever possible, take on specific projects.
- Make detailed promises about what success looks like and when it will occur.
- Engage others in your projects. If you fail, they should be involved and know that they will fail with you.
- Be really clear about what the true risks are. Ignore the vivid, unlikely and ultimately non-fatal risks that take so much of our focus away.
- Concentrate your energy and will on the elements of the project that you have influence on, ignore external events that you can't avoid or change.
- When you fail (and you will) be clear about it, call it by name and outline specifically what you learned so you won't make the same mistake twice. People who blame others for failure will never be good at failing, because they've never done it.

If that list frightened you, you might be getting to the nub of the matter. If that list feels like the sort of thing you'd like your freelancers, employees or even bosses to adopt, then perhaps it's resonating as a plan going forward for you.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Tôi là cựu sinh viên La Trobe!


Tôi vừa nhận được bản tin điện tử của Hội cựu sinh viên La Trobe gửi đến hộp thư của mình.

Và rất bất ngờ, cũng như thú vị, khi thấy mẩu tin về buổi gặp mặt cựu sinh viên La Trobe cách đây ít lâu tại TP HCM. Mà không chỉ có thế, còn có cả hình của tôi (chụp cùng với 2 bạn cựu sinh viên La Trobe khác) nữa chứ. Ở đây này.

La Trobe. Đã xa lắm rồi. Tôi rời La Trobe vào sáng ngày 30/12/1996 sau đúng 36 tháng dùi mài kinh sử. Sống ở Melbourne 3 năm mà chẳng biết gì ngoài ký túc xá Chisholm College dành cho sinh viên quốc tế, thư viện Bundoora, văn phòng làm việc trong Graduate School of Education nơi tôi học. Và siêu thị gần nhà, trạm xe buýt .... Chấm hết!

Nghĩ lại mà xem, lúc ấy tôi chỉ mới có 36 tuổi, thật không ai ngờ được! Một con bé (well, 36 tuổi thì chẳng còn trẻ nữa nhưng ở VN thì vẫn bị xem là con nít, không được quyền có chính kiến). Về nước với tấm bằng tiến sĩ đầu tiên ở trường XHNV (lúc ấy cả hiệu trưởng, hiệu phó của tôi đều vẫn còn là Phó Tiến sĩ, chưa có chủ trương quy ngang thành tiến sĩ), từ một nước tư bản về trong khi tất cả những người khác nếu có bằng sau đại học thì đều thuộc khối Đông Âu. Tôi đã khó khăn biết chừng nào để hòa nhập lại với cộng đồng. And, of course, I did it by keeping a low profile - for a long time.

Đã ý thức vậy, mà cũng không nhịn được với những bất bình xung quanh, để cuối cùng phải bật ra khỏi cái khoa mà lúc ấy tôi vô cùng tâm huyết với nó, vì nghĩ rằng nó sẽ làm được rất nhiều việc cho một đất nước lúc ấy đang bắt đầu mở cửa.

Để giờ đây, đến năm 2011 này thì tôi giật mình: tôi đã có 15 năm tiến sĩ rồi đó. Nhìn lại mình, đời đã xanh rêu. Tôi đã làm được gì chưa cho chính mình, cho gia đình, và quan trọng hơn (phải không?) là cho xã hội nhỉ?

Hy vọng là cũng có một chút! Để những năm dài đằng đẵng nơi quê người cũng không đến nỗi uổng công.

Nhưng dù gì thì gì, tôi vẫn rất yêu La Trobe, nơi đã đem lại cho tôi sự trưởng thành về trí tuệ, để tôi là tôi ngày nay.

Và rất cám ơn nước Úc với chính sách cấp học bổng cho các nước nghèo trong khu vực, trong đó có VN, ròng rã hơn hai thập niên qua (bắt đầu từ cuối thập niên 1980, sau khi VN rút khỏi Campuchia).

Vâng, tôi là cựu sinh viên La Trobe. Và rất tự hào là cựu sinh viên La Trobe người VN đầu tiên.

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Bạn bè tôi

Chỉ là lưu lại vài tấm hình đàn đúm với bạn bè.

Tấm này hình như là ở Nhà hàng Hoàng Yến, trước ngày tôi đi Indo, trong tháng 3 vừa qua.

Còn tấm này thì mới chủ nhật vừa qua, 3/4/2011, ở nhà (chị của) Lộc. Một kiểu ăn tân gia. Nhà rất đẹp, riêng phòng của Lộc thì còn thiếu đồ, ai có dư đồ, hoặc có đồ cũ không dùng, thì xin cứ alô cho Lộc đến lấy, Lộc sẽ đa tạ (phải vậy không Lộc?)

Đấy là những bạn bè chí cốt của tôi, những tình bạn trên 20 năm, những người từ thời ĐH Tổng hợp vẫn còn chưa bị mất tên.

Thôi ta còn bạn bè, đó là những lời của TCS. Luôn luôn đúng.

Đọc lại "Hoàng tử bé" của Saint Exupery


Có lẽ không ai trong thế hệ chúng tôi là không biết đến cuốn truyện nho nhỏ ấy, cuốn "Hoàng tử bé" của Saint Exupery.

Tôi nhớ lúc ấy tôi khoảng 12, 13 tuổi, đang học cấp 2 ở trường Gia Long. Cuốn "Hoàng tử bé" hình như có bìa màu vàng, trên vẽ hình cậu bé mặc áo choàng, mặt mày trông ngơ ngác lắm. Tôi tìm được nó trên kệ sách thiếu nhi của nhà sách Khai Trí, một địa điểm mà bố tôi thường đưa anh chị em tôi đến gần như hàng tuần. Một cuốn sách nhỏ và mỏng, chỉ khoảng vài chục trang thì phải.

Tôi đọc cuốn sách ấy một lần, nó dễ đọc, kể lại câu chuyện một cậu hoàng tử bé tí rơi từ hành tinh khác đến trái đất, gặp gỡ và trò chuyện một vị phi công bị rớt máy bay trong sa mạc. Câu chuyện không đầu không đuôi, và lần đầu tiên đọc nó (khi còn là thiếu niên), tôi không có ấn tượng gì mạnh mẽ lắm. Vì câu chuyện được viết với giọng văn hơi buồn buồn, đều đều, nhàn nhạt - ấy là ấn tượng về cuốn truyện ấy của một đứa bé 12, 13 tuổi là tôi lúc đọc nó lần đầu.

Tôi đọc xong, rồi quên phắt cuốn truyện, cũng chẳng giữ lại nó nữa (tôi có thói quen lưu giữ những gì mình cho là quý báu hoặc quan trọng). Nhưng điều tôi không ngờ là rất nhiều câu văn trong cuốn truyện be bé ấy lại in sâu trong ký ức của tôi. Để mỗi khi có dịp thì nó tuôn ra ào ạt.

Chẳng hạn như "mùa quân sự" (tức một tháng học quân sự trong chương trình bắt buộc của sinh viên đại học) năm ấy, năm học 1978-1979. Lúc ấy, VN đang có chiến tranh với Campuchia ở vùng biên giới Tây Nam, và chiến tranh với TQ ở vùng biên giới phía Bắc. Bọn tôi lúc ấy 18-19 tuổi, đang học năm thứ nhất, những kẻ cực kỳ may mắn được học đại học, vì thời ấy việc lọt qua kỳ thi đại học là vô cùng khó khăn, đặc biệt là những đứa có lý lịch không lấy gì làm sạch sẽ như tôi.

Nếu không đậu đại học, và nếu là con trai, thì chắc chắn là phải đi nghĩa vụ quân sự, vì lúc ấy đất nước đang có chiến tranh mà. Thực ra, có cả những "đứa" thi đậu rồi nhưng chưa kịp nhận giấy báo trúng tuyển của trường (có thể là vì bưu điện làm trễ?) thì đã nhận được giấy báo trúng tuyển ... nghĩa vụ quân sự, thế là lên đường - chỉ 3 năm sau khi chiến tranh hai miền Nam Bắc vừa chấm dứt:

Chưa yên vui cho trọn ngày
Áo lính lại khoác vào ngay ...


Đấy là bối cảnh chính trị-xã hội của đất nước mà thế hệ của chúng tôi đã lớn lên thời ấy. Trên nền của bối cảnh lớn ấy, đám thanh niên nam nữ 18-19 tuổi của bọn tôi được tập trung lên Thủ Đức 1 tháng để rèn luyện quân sự, theo chủ trương quốc phòng toàn dân của nhà nước ta. Thủ Đức thời ấy còn rất hoang vu, thơ mộng. Bọn tôi thì ở tập trung, ngày thì đi tập lăn lê bò toài, nhưng đến tối, và chủ nhật (ngày ấy chưa được nghỉ thứ bảy) thì rảnh, nên thường đi dạo chơi thơ thẩn. Và ... buồn, một nỗi buồn vu vơ ....

Tôi không biết những người khác trong lớp thì như thế nào, nhưng riêng tôi thì mùa quân sự năm ấy tôi buồn lắm. Buồn, mà chẳng hiểu tại sao. Có lẽ vì nhớ nhà, mẹ tôi lúc ấy một tay buôn bán tần tảo nuôi cả gia đình (bố tôi nghỉ việc sau năm 1975), các em tôi thì còn bé, anh chị ruột của tôi thì đi di tản và thỉnh thoảng vẫn viết thư về nhà nhưng không đều như mẹ tôi mong muốn. Tôi trở thành chỗ dựa tinh thần đồng thời là chân tay, đầu sai duy nhất của mẹ tôi (các em tôi thì còn nhỏ, vì đứa em trai kế tôi thua tôi đến 5 tuổi), vì thế, đi xa nhà trong thời gian dài (một tháng) lần đầu tiên trong đời cũng làm tôi bồn chồn, không yên tâm lắm.

Mà cũng có có thể cái buồn đó là vì tôi đang lớn, xung quanh thì khung cảnh hữu tình, hồ nước xanh, hoa mua tím, cỏ dại và lau sậy ngút ngàn ... khiến tâm hồn "thi nhân" của tôi (!) cứ thế mà trỗi dậy. Buổi trưa, tôi không ngủ (thói quen từ nhỏ) nên hay đi lang thang, hái hoa bứt cỏ, thơ thẩn .... Buổi chiều sau khi ăn cơm xong, tôi cũng hay đi như thế, nhìn mặt trời hoàng hôn dần xuống, một màu đỏ rất lạ lùng, có khi đỏ cam, có khi đỏ tím, nhưng bao giờ cũng buồn hiu hắt....

Và trong bối cảnh như vậy, tự nhiên trong đầu tôi bỗng "tua" lại như một cuộn băng, những giòng chữ, những mẩu đối thoại trong cuốn Hoàng tử bé mà tôi đã đọc từ khi học cấp 2:
"Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!"

Và ít lâu sau, chú nói thêm:

"Bác biết đó... lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao..."

"Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?

Nhưng hoàng tử bé không đáp.

Đấy chỉ là một ví dụ về Hoàng tử bé. Tôi cũng nhớ nhiều câu, nhiều đoạn khác trong cuốn truyện nhỏ của Saint Exupery, ví dụ như mẩu truyện về những con số. Đại khái là khi anh tả ngôi nhà xinh xắn của anh, với hoa thơm cỏ lạ trong vườn, thì chẳng ai có ấn tượng chi. Nhưng khi anh nói rằng căn nhà đó có giá, well, 2 triệu đô la Mỹ chẳng hạn, thì mọi người bỗng ồ lên, "ôi, sao mà xinh thế!".

Và dễ thương vô cùng là những lời hỏi đáp giữa hoàng tử bé và đóa hồng kiêu sa với những trò dối trá ranh ma, láu cá của cô. Cậu hoàng tử dù biết rằng cô dối trá, nhưng đã quá yêu nên vẫn thấy tất cả con người cô là đáng yêu, chỉ có cậu là đáng ghét. Cậu hoàng con của tôi thất tình ...

Một cuốn truyện vô cùng dễ thương, nhưng dường như thế hệ của các con tôi thời nay không đọc. Trong khi tôi nghĩ, lẽ ra cuốn truyện này phải được đưa vào chương trình chính thức, phần giới thiệu văn học nước ngoài. Vì nó phù hợp với tâm lý học sinh biết bao, và - dù tác giả có lẽ không đặt ra mục đích này - nó thật có tác dụng làm thanh lọc tâm hồn, nó dạy ta những tình cảm dịu dàng, những triết lý đơn sơ về cuộc sống. Nó trò chuyện với từng người, nó chạm đến từng thớ tim, những ngóc ngách sâu kín nhất của tâm hồn của mỗi cá nhân. Nó giống như một người bạn thân tình, lắng nghe và an ủi những nỗi buồn của chúng ta, ân cần, thủ thỉ ...

Nhưng tại sao tôi cần đọc lại Hoàng tử bé vào lúc này nhỉ? Ừ, tôi cũng có một chút buồn.

Chiều hôm qua, tôi thấy mình cũng như ngày Hoàng tử bé trong ngày nhìn ngắm mặt trời lặn đến bốn mươi ba lần ấy.

Ai chưa đọc Hoàng tử bé, hoặc đọc rồi nhưng vẫn muốn đọc lại, xin vào đây.

Để gặp lại người bạn tâm giao của mình qua cuốn sách nho nhỏ ấy.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Bài đáng đọc và suy nghĩ: "Minh bạch trong quản lý"

Đọc Tuần VN sáng nay, tôi chú ý đến bài viết của tác giả Vũ Quốc Tuấn với tựa đề mà tôi đã đưa trong tựa của entry này: Minh bạch trong quản lý. Bài ấy ở đây.

Toàn bộ bài viết đều đáng đọc, nhưng ở đây tôi chỉ xin trích một vài đoạn mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất.
Trong tình hình nước ta hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền của dân trong tham gia quản lý đất nước, mà quan trọng hơn nữa, chính là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tệ nạn tham nhũng - nỗi nhức nhối của xã hội, làm trong sạch bộ máy và củng cố niềm tin của dân đối với Nhà nước. Trên thế giới, khi nêu ra vấn đề kiểm soát tham nhũng, người ta cũng đã nêu ra phương trình: Tham nhũng (corruption) = Độc quyền (monopoly) + Quyền tự quyết định (discretion) - Trách nhiệm giải trình (accountability) - Tính minh bạch (transparency) (theo Klitgaard, Robert E. 1988, "Controlling Corruption").


Trong đoạn trích ở trên, đáng chú ý nhất là công thức về tham nhũng, trong đó minh bạch (hoặc không minh bạch) là một trong 4 yếu tố có tác động đến tình trạng tham nhũng. Khi thử áp dụng công thức đó vào những công việc hàng ngày ở các cơ quan nhà nước - kể cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các cơ quan sự nghiệp công - thì tôi thấy rõ lý do tại sao mà VN lại đứng trong top đầu các quốc gia có tệ nạn tham nhũng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (cụ thể là đứng hạng 5 trên tổng số 16 nước), như tin đã đưa ngày 30/3/2011 trên trang mạng ABS-CBNNews, có thể tìm thấy ở đây.

Tại sao thế? Đây này:

- Độc quyền: Chắc chắn là chúng ta có nạn độc quyền, mặc dù Nhà nước đang ngày càng cố gắng giảm bớt (nhưng những nỗ lực này dường như chưa thành công lắm). Ví dụ minh họa thì đầy khắp nơi, cụ thể là việc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sắp tới. Rõ ràng là chỉ có đảng viên mới có đầy đủ quyền công dân mà thôi (= quyền ứng cử vào các cơ quan lập pháp, mặc dù trên nguyên tắc thì ai cũng có thể tự ứng cử). Còn những người khác thì ... xin lỗi nhé, đi chỗ khác chơi cho người lớn nói chuyện.

Cũng vậy, trong các chức vụ "chính quyền" (tôi dùng từ chính quyền theo nghĩa rộng, tức những bao hàm cả những vị trí điều hành, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công) thì cũng chỉ có đảng viên là có đầy đủ thông tin, biết trước các định hướng phát triển của đơn vị, biết rõ những gì sẽ xảy ra về mặt nhân sự, ngoài ra còn được quyền diễn giải thông tin được cung cấp theo cách riêng của mình mà không có mặt những người không đảng để có thể trao đổi, và làm rõ vấn đề. Tình trạng độc quyền thông tin này khiến cho chỉ có những người trong đảng mới có thể làm việc và phát triển thực sự (tất nhiên, nếu có thực tài), còn tất cả những người khác thì bị rơi vào tình trạng cạnh tranh ở thế yếu. Độc quyền như thế tất sẽ dẫn đến tham nhũng, như công thức trên đã chỉ rõ.

2. Quyền tự quyết định: Theo kinh nghiệm của tôi (có thể không chính xác 100%, nhưng tôi cũng rất mong là mình sai vì như thế có nghĩa là thực tế tốt hơn những gì tôi cảm nhận và viết ở đây) thì mặc dù Nhà nước đang kêu gọi toàn dân sống và hành động theo pháp luật, nhưng dường như pháp luật chỉ dành cho thường dân không Đảng, còn đảng viên thì trước hết và trên hết cần phải làm theo nghị quyết Đảng. Nói chung, tôi tin rằng các đảng viên đều là người tốt vì đã trải qua một quá trình sàng lọc, lựa chọn rất gắt gao, rồi sau đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong đảng. Như vậy, hẳn là các quyết định của những con người ưu tú như thế hẳn phải đúng đắn nhất cho từng tình huống cụ thể. Nhưng tôi vẫn rất băn khoăn khi thấy có nhiều trường hợp một nghị quyết của đảng bộ của một đơn vị có tác dụng phủ quyết mọi quy định sẵn có trước đó trong đơn vị.

Tôi hiểu là theo luật của VN thì Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện trên mọi mặt hoạt động của xã hội và ở mọi cấp độ của quản lý, nhưng nếu vậy thì tôi không hiểu là dân thường, không có đảng phái nào cả sẽ làm sao để theo kịp các chủ trương, quyết nghị, nghị quyết (hai từ này dường như có khác nhau, nhưng tôi không rõ chúng thực sự khác như thế nào) của Đảng để mà làm cho đúng nhỉ? Và, ngộ nhỡ các đảng viên lỡ (vô tình hoặc cố ý) làm sai quy định của pháp luật, rồi sau đó lại ra nghị quyết chấp nhận những điều sai quy định đó, thì sao?

3. Trách nhiệm giải trình: Riêng khoản này thì tôi tin rằng Nhà nước đang cố gắng thực hiện, ví dụ như trước đây đâu có những cuộc chất vấn của Hội đồng nhân dân hoặc Quốc hội đối với chính quyền như hiện nay. Việc buộc chính quyền, tức cơ quan hành pháp, phải giải trình trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tức cơ quan lập pháp, là một bước tiến rất xa trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ tại VN. Tôi không than phiền gì về điều này cả, chỉ mong là quá trình dân chủ hóa này ngày càng được đẩy mạnh ở mọi nơi và mọi cấp. Vì như thế sẽ có tác dụng giảm bớt tham nhũng, như theo công thức ở trên.

4. Minh bạch: Theo tôi, đây là cốt lõi của vấn đề. Mặc dù theo công thức tham nhũng ở trên thì minh bạch là yếu tố cuối cùng, và chỉ là một trong 4 yếu tố, nhưng tôi cho rằng nó lại là yếu tố quyết định cho việc chống tham nhũng. Vì tham nhũng chỉ xảy ra được khi không có ai biết. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì phải có giám sát toàn dân, mà giám sát toàn dân thì chỉ thực hiện được nếu mọi người đều có được một lượng thông tin ngang nhau và cùng một lúc. Nhưng làm sao để có được điều đó?

Tôi nghĩ, vai trò của một hệ thống thông tin, truyền thông-báo chí ở đây là rất lớn. Ở các nước tiên tiến, người ta gọi truyền thông là quyền lực thứ tư (ba quyền lực kia là lập pháp, hành pháp và tư pháp). Nhưng liệu ở VN thì truyền thông có thể, có nên, và nếu có thì khi nào, được trao cái quyền lực ghê gớm ấy không, và nếu không thì tại sao - đấy lại là một câu hỏi quá lớn vượt quá tầm hiểu biết của tôi, một bà già ngoài 50 tuổi (một cô giáo làng, actually) với kiến thức về chính trị và xã hội có lẽ còn ít ỏi hơn nắm xôi cúa Bờm nữa, thì tôi hoàn toàn chịu phép không trả lời được.

Thế tác giả của bài viết nói gì? Xin đọc tiếp đoạn trích sau:
[C]ần có cơ chế ràng buộc mọi cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng đắn các quy định về công khai, minh bạch trong quản lý. Những vấn đề hoặc văn bản nhà nước thuộc loại "mật" hoặc "tuyệt mật" cần được quy định chặt chẽ, có giám sát, phòng ngừa những trường hợp lạm dụng để hạn chế quyền được thông tin và quyền giám sát của dân. Chúng ta đã có khá nhiều quy định về vấn đề này, như lấy ý kiến của dân trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy chế dân chủ ở cơ sở, v.v... nay cần được thực hiện nghiêm túc
.
Những điều tác giả nêu ở trên đều đúng. Tác giả đã chỉ ra được là chúng ta cần phải làm gì. Vấn đề còn lại là: làm như thế nào? Nhưng điều này hình như cũng vượt quá tầm của tác giả mất rồi. Cũng giống như rất nhiều việc khác ở VN.

Lấy một ví dụ trong giáo dục: chúng ta dều biết là hiện nay cần phải làm gì, vd cần giảm tải chương trình, cần nâng cao năng lực giáo viên, cần chú trọng các kỹ năng mềm, cần đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Tất cả đều đúng. Nhưng làm như thế nào, ai có thể làm được, và làm sao biết là cách làm của mình sẽ đem lại thành công, thì dường như không ai thống nhất với ai, mỗi người kéo đi một hướng. Cứ y như trong hình phạt "tứ mã phân thây" vậy: 4 con ngựa kéo đi bốn hướng.

Thế nên, đọc thì đọc, nghĩ thì nghĩ, nhưng hình như vẫn chưa ai tìm được giải pháp cả. Vì giải pháp không chỉ là nêu ra cần phải làm gì, mà quan trọng không kém (nếu không muốn nói là quan trọng hơn) là phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu, ai làm?

Nhưng hình như cứ đến chỗ này thì mọi câu hỏi đều trở thành câu hỏi lớn không lời đáp!

Có người hỏi tôi ...

"Có người hỏi tôi" là mấy từ trong câu đầu tiên của một bài hát ngày xưa mà có thời tôi rất thích. Đại khái, câu hát ấy như thế này: "Có người hỏi tôi, hỏi sao lâu rồi không về thăm quê miền Trung...".

Nhưng entry này của tôi không liên quan đến bài hát ấy, mà chẳng qua là có một vài bạn bè cũ của tôi gọi đến, hỏi: đang làm việc hẳn hoi, công việc đang phát triển vậy, cũng còn đến gần 5 năm nữa mới hưu, rồi đùng một cái tự nhiên viết mấy bài về "từ quan" nghe rầu quá vậy, là sao?

Xin thưa: tôi vẫn làm việc chứ, vì không hiểu người khác thì sao, chứ với tôi, làm việc là một nhu cầu rất căn bản, giống như ăn, như thở. Nhưng làm việc gì, và quan trọng hơn nữa là làm với ai, thì đó là điều tôi luôn cho phép mình được quyền lựa chọn, dù có phải trả giá đôi chút.

Huống gì tôi đã ngoài 50 rồi - dù vẫn còn rất ngơ ngác - mà đi làm cũng chỉ còn 2 năm nữa là trọn 30 năm, lại đã phải trải qua những công việc và kinh nghiệm việc làm gay go, mệt mỏi nhất, và sức khỏe cũng giảm sút nhiều, thì tại sao đến lúc này tôi lại không thể cho phép tôi nghỉ ngơi một chút?

Chưa kể, từ chức hay nghỉ việc là một cách hữu hiệu để bày tỏ thái độ của mình một cách dứt khoát.

Tôi nhớ đến Nguyễn Khuyến, người đã cáo quan để về dạy học. Và nhớ 2 câu thơ nổi tiếng sau của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao...


Từ quan ... có gì đâu, sao mọi người lại quan tâm đến thế? Chẳng phải là ở VN ta vẫn nói, "quan nhất thời dân vạn đại" đó sao?