Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Bài cũ đăng lại: "Đảng hay là nước?"

Đây là entry cũ của tôi đã đăng trên blog này vào ngày 2/10/2011.

Tôi chưa bao giờ đăng lại bài cũ của mình trên blog. Nhưng hôm nay, sau khi đọc báo mạng thấy có những dư luận liên quan đến quân đội nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi bỗng nhớ ra rằng mình đã có viết một bài liên quan đến việc này. Nên lấy ra, đăng lại, xem như góp tay một phần vào việc góp ý sửa đổi hiến pháp như chủ trương của Đảng và Nhà nước và lời kêu gọi của Quốc hội.

Nhân tiện nói thêm: Mới đây dư luận hơi ồn ào về những phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng về chỉ đạo của các ông rằng phải quan tâm lãnh đạo việc góp ý Hiến pháp, và xử lý những trường hợp lợi dụng góp ý Hiến pháp để đòi hỏi dân chủ, chống phá Nhà nước gì gì đấy. Tôi thấy hơi thất vọng về những phát biểu này, vì nó thật dở và tạo ra thêm chứng cứ để báo chí nước ngoài tiếp tục kêu ầm  lên là chúng ta không có tự do dân chủ. Tôi nghĩ, có lẽ ông TBT khi phát biểu ở Vĩnh Phúc thì quên mất là mình đang phát biểu trước ống kính truyền hình cho toàn dân xem, mà vẫn nghĩ là mình chỉ đang nói với riêng các Đảng viên mà thôi. 

Điều này thỉnh thoảng tôi vẫn thấy xảy ra trong các kỳ họp mà ngày xưa khi còn làm ở trường công tôi vẫn hay dự. Chả là tôi không phải là Đảng viên, nhưng lúc ấy lại là "cốt cán" (tức là có chức vụ), một trường hợp hiếm (nói thêm: tôi hết sức kính trọng người sếp cũ đã dám bổ nhiệm tôi vào chức vụ khi chưa/không là Đảng viên). Trong các cuộc họp cán bộ chủ chốt ấy, tuyệt đại đa số cán bộ chủ chốt là Đảng viên, nên các vị lãnh đạo ở trên cứ thoải mái nói về quần chúng có thái độ thế này, có dư luận nọ kia, cần phải chấn chỉnh như thế, như thế. Ngồi ở đó nghe những phát biểu như thế nhưng không phải là Đảng viên, tôi ý thức rất rõ cái thân phận của tôi mà bọn "không thân thiện" (hình như lời của ông nghị HHP) thường gọi là "công dân hạng hai", một người ngoài Đảng. Thậm chí đôi khi tôi còn có cảm giác Đảng vẫn đang tiếp tục tiến hành một cuộc chiến tranh giữa 2 bên, một bên là ta (Đảng), còn lại là địch (tất cả những người ngoài Đảng), nghe đôi khi rất khó chịu và chạnh lòng.

Tôi nghĩ, đây là một lối suy nghĩ đã thấm quá sâu vào dầu các vị lãnh đạo Đảng từ thời còn chiến tranh, Đảng còn hoạt động bí mật, còn bị đàn áp nên luôn phải có thái độ cảnh giác với mọi người xung quanh mình, kể cả các thường dân, và luôn phải có tư duy "ta, địch" rõ ràng. Nhưng ngày nay thì Đảng đã nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện từ mấy chục năm nay rồi mà vẫn còn như thế thì rất dở, thưa Đảng, vì nó không làm cho nhân dân thấy mình có quyền dân, quyền bình đẳng trước pháp luật giữa những người ngoài Đảng và trong Đảng, và - suy rộng ra - là quyền con người. Là những điều mà Hiến pháp Việt Nam đều khẳng định (tôi nghĩ thế?), tức là những quyền hiến định như người ta thường nói. Có lẽ Đảng cũng nên chú ý đến điều này để cho dân tin yêu hơn (và không nhao nhao đòi bỏ Điều 4 nữa, dù tôi biết có đòi thì Đảng cũng chẳng chịu đâu mà).

Tản mạn vài (chục) dòng như thế, còn dưới đây là bài cũ, xin đăng lại cho mọi người đọc, xem như là góp ý Hiến pháp cho đúng chủ trương và lời kêu gọi nhé. Chỉ còn có 1 tháng nữa thôi, hôm nay 1/3 rồi còn gì!
----------------

Đảng hay là nước?

Entry này xuất phát từ một tranh cãi nho nhỏ của bạn bè (người biết mặt, người không, người thân, người sơ) trên facebook. Đại khái, có một người nói rằng Hồ Chủ tịch đã dạy quân đội ta rằng phải “trung với Đảng, hiếu với dân”. Thế rồi có những người khác cãi, nói rằng cụ Hồ không có dạy như vậy, mà dạy là “trung với nước, hiếu với dân”.

Chỉ có thế thôi, thế là thành một cuộc tranh cãi. Mọi người ra sức chứng minh rằng mình đúng, và đi tìm nguồn dẫn chứng để cho “phe kia” thấy rằng mình đúng.

Tôi cũng tò mò muốn biết, vì tôi có nghe cả 2 phiên bản trung với Đảng và trung với nước. Mà này, các bạn chú ý, Đảng thì phải viết hoa nhé, vì người ta bảo, đấy là viết tắt của một tên riêng, tên "Đảng Cộng Sản VN”. Còn nước thì không thấy ai viết hoa bao giờ cả, mặc dù suy cho cùng thì nó cũng là một tên riêng, vì khi nói tôi yêu nước tức là thực ra đang nói một nước xác định, nước Việt Nam ấy. Và cả dân cũng thế chứ nhỉ, dân Việt Nam, chứ không phải, ví dụ, nước Tàu, dân Tàu đâu nhé.

Và kết cục là như thế này:

1. Bên ủng hộ “trung với Đảng” thì đưa ra dẫn chứng bằng bài viết trên trang web của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, link ở đây: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30234&cn_id=172539.

Trong phần đầu của bài đó, viết năm 2004, có viết rõ mồn một như sau (xin lỗi trích hơi dài tí, nhưng cần thiết, với lại lâu quá rồi tôi không học chính trị, nay cũng cần ôn lại):

Nâng cao phẩm chất, truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”

15:04 | 17/12/2004

Được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện theo nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày đầu thành lập đến nay luôn mang trong mình bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, thể hiện sâu sắc tính nhân dân và tính dân tộc. Sáu mươi năm qua, quân đội luôn vững vàng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vai trò công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên mỗi chặng đường cách mạng, quân đội đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, xây đắp nên những phẩm chất, truyền thống cách mạng vẻ vang, xứng đáng với lời ngợi khen của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Rõ rồi nhé, vì đây là bài viết đăng trên báo Đảng đàng hoàng, mà theo tiêu chuẩn VN thì cái gì Đảng nói ra là cũng phải đúng hết, thì “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng” mà lại. Chẳng gì thời đi học tôi cũng được 9 điểm môn Kinh tế chính trị, là người duy nhất đạt điểm này trong khi cả lớp thi lại đến 50% (ai không tin, cứ hỏi ở ĐH Tổng hợp năm học 80-81 ắt sẽ rõ, lúc ấy tôi học môn KTCT năm thứ ba đấy).

Thế nhưng phe kia cũng chẳng vừa. Họ cũng trưng ra bằng chứng, có hình chụp cụ Hồ nữa nhé, mặc dù link của họ thì không nặng ký bằng, vì không phải của Đảng hay Nhà nước gì ráo, mà hình như là của dân,
ở đây
: http://bee.net.vn/channel/1984/201105/Nhung-chuyen-it-biet-ve-Truong-Vo-bi-Tran-Quoc-Tuan-1800013/

Và phần mở đầu của bài viết (năm 2011) cũng rất oách, viết như vầy:
Những chuyện ít biết về Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn

23/05/2011 14:37:11

Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn - tiền thân của trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn) – là đơn vị đầu tiên vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước hiếu với dân”. Nhân kỷ niệm 65 năm lễ khai giảng khóa 1 của ngôi trường đào tạo cán bộ chính quy đầu tiên của nước Việt Nam mới (26-5-1946 – 26-5-2011), xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về những chuyện ít biết của đơn vị này.

Không chỉ có thế, phe “bênh nước” (khác với phe “bênh Đảng”) còn đưa một link khác, trong đó có hình chụp lá cờ truyền thống với 6 (không phải 16) chữ vàng rõ mồn một chẳng lẫn vào đâu được, ấy là “trung với nước, hiếu với dân”, trên trang của nhà văn Trần Nhương ở đây này: http://trannhuong.com/news_detail/9347/TRUNG-V%C6%A0%CC%81I-N%C6%AF%C6%A0%CC%81C-HI%C3%8A%CC%81U-V%C6%A0%CC%81I-D%C3%82N.


Đến đây thì tôi thua. Đầu tôi giống hệt như cái máy tính bị nhận nhiều lệnh quá cùng một lúc, treo luôn.

Vì tôi không sao trả lời được những thắc mắc này: Nếu phe bênh Đảng mà đúng, thì hóa ra có người dám bịa ra chuyện Hồ Chủ tịch với lá cờ kia á? Có mà tù mọt gông đấy, dám bịa đặt thông tin liên quan vị lãnh tụ cao nhất, đáng tôn kính nhất, cha già của dân tộc cơ mà? Chắc là không có ai dám làm thế đâu.

Nhưng nếu phe ấy đúng, thì không lẽ phe kia sai? Cũng thế, ai dám sửa lời dạy của HCT, vị cha già kính yêu của dân tộc, người đã khai sinh ra quân đội nhân dân Việt Nam? Không lẽ lại còn có ai to hơn vị lãnh tụ vĩ đại mà cả nước đang cố gắng học tập theo gương à? Hay là … báo Đảng … sai - ấy quên, đánh máy nhầm? Lỗi tại anh đánh máy?

Không sao trả lời được, thực vậy. Nên đầu của tôi lúc này mới như máy tính bị treo, là như thế.

Có ai trả lời giúp tôi với, được không?
----------
Cập nhật lúc 6:30 sáng cùng ngày:

Bài viết của tôi vừa được đăng lên thì có một bạn đọc mail cho tôi mà bảo rằng: Hãy kiểm tra lại các link tôi đưa trong bài, vì chúng không tồn tại!!!!

Tôi làm theo, và, ôi trời, quả là chúng đã mất rồi! Chẳng biết ai lấy đi thế nhỉ, mà lấy đi để làm gì cơ chứ? 

Và rồi tôi bỗng nhớ câu: "Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ"!

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Đọc lại "Bút máu" của Vũ Hạnh

Vũ Hạnh là một một nhà văn mà tôi yêu thích vào thời trước năm 1975. Không chỉ riêng tôi, mà cả gia đình tôi yêu thích, bắt đầu từ ba tôi. Tôi nhớ hồi ấy, gần như hàng tuần ba tôi đều dẫn bọn tôi ra khu trung tâm của Sài Gòn (dùng từ tiếng Anh là downtown ấy), đi dọc đại lộ Nguyễn Huệ, rồi xem hàng quán bán trên đường Lê Lợi, và cuối cùng là vào nhà sách Khai Trí. Tôi vẫn nhớ câu danh ngôn treo như một banner treo ở trên tường ngay giữa nhà sách Khai Trí: "Để lại một gia tài, không bằng để cho con một quyển sách"; nếu câu này mà đúng (và tôi nghĩ là đúng!) thì tất cả bọn tôi đều quá giàu có bởi số sách vở ba tôi để lại cho bọn tôi là rất nhiều, có thể tạo thành một thư viện không quá nhỏ. Thói quen mua sách và đọc sách của tôi chính là bắt nguồn từ ấy.

Quay trở lại Vũ Hạnh, ông có tài về ngôn ngữ, viết rất lôi cuốn, và nội dung cũng gây ấn tượng. Riêng tôi ấn tượng nhất về ông là vì 2 cuốn sách. Một là cuốn Người Việt cao quý, được viết dưới bút hiệu giả làm một người Ý viết về VN. Một cuốn sách mà lúc ấy tôi đọc thì rất xúc động, nhưng sau này cũng đồng ý với những người phê phán nó, cho rằng một người Việt mà lại lấy bút hiệu nước ngoài để viết ca ngợi chính dân tộc mình thì quả là ... kỳ, có thể nâng lên thành vấn đề đạo đức. Đồng thời nó cũng cho thấy một cái gì đó về tính cách dân tộc Việt Nam: chỉ thích khen và tự khen chứ không chấp nhận sự phê phán và tinh thần tự phê phán. Trong khi ở các nước khác thì người ta viết Người Mỹ xấu xí rồi Người Trung Quốc xấu xí, mà Mỹ với TQ thì toàn là cường quốc cả, mà VN lại đi viết Người Việt cao quý là làm sao? Nghĩ lại, thấy cũng đúng thật!

Cuốn thứ hai của Vũ Hạnh là một tập truyện ngắn với nhiều câu truyện nho nhỏ ở trong, nhưng tôi ấn tượng nhất là truyện Bút máu. Đó là một câu truyện viết với lối văn Liêu Trai chí dị, kinh dị và hoang đường, nhưng ẩn ý thì rất rõ. Nhà văn đưa ra thông điệp rằng những người cầm bút mà viết không đúng sự thật thì sẽ gây ra tác hại không kể xiết, tạo ra đầy rẫy nghiệp chướng, gây hại cho người khác vô số kể. Nên câu truyện mới có tựa là Bút máu, một cái tựa nghe là đã thấy ghê sợ rồi. Sau này, khi biết Vũ Hạnh là một nhà văn theo cách mạng từ thời trước năm 1975 (nói theo ngôn ngữ của thời ấy thì ông là Việt Cộng nằm vùng), thì tôi hiểu thâm ý của VH là phê phán sự thiếu tự do báo chí của thời ấy, và đưa ra thông điệp cho các cây bút của miền Nam là khi viết thì phải có lương tri và dũng khí của người cầm bút, để luôn luôn nói lên sự thật và bảo vệ lẽ phải. Một thông điệp hay và quan trọng đối với những nước nghèo và lạc hậu như Việt Nam, mà có lẽ thông điệp ấy đến giờ vẫn còn giá trị.

Sau năm 1975, tiếc thay, tôi không còn được thấy những tác phẩm dưới bút danh Vũ Hạnh nữa. Chẳng rõ ông bây giờ làm gì, ở đâu, và có luôn giữ được thông điệp mà chính ông đã đưa ra trong truyện ngắn "Bút máu" của mình hay không.

Xin các bạn cùng thưởng thức lại truyện ngắn "Bút máu" của Vũ Hạnh dưới đây.
-------------------
http://music.vietfun.com/trview.php?ID=1019&cat=18


Lương Sinh người ở Mãn Châu, con nhà thế phiệt, nổi tiếng thông minh đỉnh ngộ từ khi tóc để trái đàọ Lên tám đã giỏi thơ ca, từ phú, ai cũng ngợi khen là bậc thần đồng.
    Năm lên mười hai, gặp thời loạn ly, cha mẹ đều bị giặc giết. Sinh sầu thảm mấy tháng liền, mất ăn, mất ngủ, lại thêm căn tạng yếu đuối nên lâm bệnh nặng, thần kinh hốt hoảng, luôn luôn giật mình, nằm mơ thấy toàn là máu lửa, sọ xương. May có người cậu đem về săn sóc đêm ngàỵ Sau nhờ đạo sĩ họ Trình ở núi Hoa Dương dùng biệt dược trị liệu nên được lành bệnh, tâm thái trở lại an tĩnh điều hòạ Khi lên mười lăm, Sinh được người cậu gởi đến Lã Công, một quan thủ hiệu bãi chức từ lâu ở nhà mở trường dạy võ. Sinh học rất chóng, nửa năm đã làu thông cả mười hai môn võ bí truyền của nhà họ Lã. Lã Công quý mến, một hôm lấy thanh bảo kiếm của mấy mươi đời họ Lã lập công trao cho Sinh luyện tập. Giữa buổi Sinh đang múa kiếm, bỗng dừng phắt lại, đưa kiếm lên ngửi rồi cau mày, kêu lên:
    - Máu người tanh quá!
    Ðoạn đem thanh kiếm nộp trả, cáo từ mà về.
    Ðến nhà, lạy cậu thưa lên:
    - Võ nghệ không phải là con đường cháu nên theọ Máu người chảy trong cơ thể quý vô cùng nhưng dính ra ngoài lại quá hôi tanh. Kẻ cầm lưỡi dao trọn đời sao cho khỏi đổ máu người! Ðiều tàn nhẫn ấy cháu không làm được.
    Người cậu giận lắm, bảo rằng:
    - Mày thực cạn nghĩ, phụ cả lòng ta trông đợi lâu naỵ Ðành rằng máu người là quý, nhưng để máu ấy chảy trong đầu bọn ác nhân thì càng có hại cho người, lại càng có tội!
    Lương Sinh cúi thưa:
    - Ai cũng cho mình là phải, lấy đâu để nói tốt xấu rõ ràng? Làm thiện một cách hăm hở mà không ngờ rằng đấy là điều ác, lại càng có tội vì đã lừa mình, lừa ngườị Trộm nghĩ binh đao là điều dứt khoát, cháu chưa dứt khoát trong người, tự thấy không dám theo đuổị
    Cậu nói:
    - Hoài nghi như thế, e rồi không khéo mày tự mâu thuẫn với màỵ Không phân biệt được giả, chân, thiện, ác, làm sao có thể tự tin mà sống trên đời! Xã hội chưa đâu có thể gọi là chốn thiên đường, bên cạnh nhà trường còn có nhà ngục, bên cạnh ngòi bút còn có lưỡi dao, không thể chỉ lấy một chiều, chỉ yêu một cạnh. Vị tất nhà trường đã không tội lỗi, ngòi bút đã không oan khiên! Ta không có con, từ lâu kỳ vọng nơi mày, nhân thời tao loạn, những mong cho mày múa gươm trận địa hơn là múa bút rừng văn. Bây giờ, thế thôi là hết. Từ nay tùy mày định lấy đời mày, ta không nói nữạ
    Từ đấy, Lương Sinh sẵn có nếp nhà giàu đủ, chuyên nghề thơ văn, tiêu dao ngâm vịnh tháng ngàỵ Lời thơ càng gấm, ý thơ càng hoa, tiếng đồn lan xa, lan rộng như sóng trên biển chiều nổi gió. Quan lệnh trấn mới đổi đến địa phương vốn người hâm mộ văn chương, cho vời Sinh đến. Thấy Sinh tướng mạo khôi ngô, lòng cảm mến, tiếp đãi hết sức trọng hậụ Sau đó, quan lệnh mượn những thi tuyển của Sinh trong một tháng trường. Khi quan giao trả, Sinh thấy có những bài thơ hay họa lại những bài đắc ý nhất của mình dưới ký tên Tuyết Hồng, con gái của viên quan. Sinh vui mừng nghĩ rằng gặp được người hợp ý. Sau quan lệnh ngỏ lời kén Sinh làm giai tế. Sinh sung sướng nhận lờị
    Sau lễ hôn phối, Sinh mới ngỡ ngàng biết rằng Tuyết Hồng không đẹp, cũng không biết làm thơ. Càng ngày Sinh càng chán nản khôn khuây, ảo tưởng vỡ tan, tưởng như tuyệt vọng tình đờị Thiếu thốn hình ảnh giai nhân, cuộc sống tự nhiên cằn cỗị Nhân tết nguyên đán, Tuyết Hồng về thăm song thân, Sinh bèn thừa dịp, noi gương Tử Trường ngày xưa phiếm du xuân thủỵ
    Sinh chọn đường ven theo suối đẹp, đi mãi đã mười ngày, tiền lương muốn cạn, ý thơ chừng đầy, chợt đến một miền tiêu điều, dân cư thưa thớt, Sinh chán nản định quay về, nhưng ruột đói lưỡi khô, bèn đi tìm một tửu quán nghỉ chân. Qua ba dặm đồng trơ trọi vẫn chưa thấy bóng một người để hỏi thăm nơị Bỗng nghe phảng phất tiếng trống, tiếng chuông lẫn tiếng reo cườị Dò theo âm thanh vọng lại, lần bước đến nơi, thấy đám hội trước chùa, bèn vào quán nhỏ gần đấy ăn uống. Chủ quán cho biết, đã mấy năm rồi ở đây mới có một ngày hội lớn, vì quan khâm sai triều đình sắp về địa phương nên quan tổng trấn họ Lý bày ra trò vui để cho dân chúng thỏa thuê ít bữạ Chợt có tiếng hò hét và mọi người sợ hãi dạt ra, từ xa là chiếc kiệu hoa của tiểu thư Lý Duyên Hương, con quan Tổng Ðốc. Người đẹp vừa kiêu hãnh vừa sắc sảo khiến Sinh ngây ngất, nhìn đến quên ly rượu trong tay rơi xuống vỡ toang. Người đẹp quay nhìn thấy, nhoẽn miệng cườị Nụ cười lộng lẫy như hé sáng một trời tình. Sinh lảo đảo đứng lên trả tiền rồi theo chiếc kiệu chen vào chùạ Vào trong thấy Lý tiểu thư thành kính đàm đạo với mấy vị Tăng già rồi lên chánh điện lễ Phật. Sinh đến phòng kế lấy bút và giấy hoa tiên theo phỏng mấy câu:
    Tiên hoa gài mộng, vấn vương đền Phật bâng khuâng
    Ðông biếc, thoáng cười tiên nữ
    Mặt nước hồ in, xao động bốn mùa sóng gió
    Bóng đêm hang thẳm, long lanh một vẻ giai nhân.
    Rồi bẻ cành hoa kẹp vàọ Khi Lý tiểu thư lễ xong, khoan thai xuống thềm, mọi người sợ hãi bật ra hai bên thì Sinh vội vã đi theọ Ðến lúc nàng vừa lên kiệu, Sinh ném cành hoa lên chỗ nàng ngồị Lính hầu thoáng thấy kêu lên:
    - Có người ám hại tiểu thư.
    Lập tức mười lưỡi gươm dài vung lên, lính hầu vây lấy Lương Sinh. Những người xem hội thất sắc lùi lại, dồn dập đẩy vào nhau kêu la náo động. Tiểu thư ngồi trên, vén rèm nhìn xuống không nói một lờị Vẻ mặt hết sức kiêu kỳ. Lương Sinh đã toan mở lời khống chế, nhưng lính xông vào trói chàng.
    Ðám đông có tiếng thì thàọ
    - Anh ta chỉ ném một cành hoa thôi đấỵ
    - Bấy nhiêu cũng đủ héo cuộc đời rồị
    - Qua dinh Tổng trấn không lấy nón xuống đã là bay đầu, nói chi xúc phạm đến tiểu thơ vàng ngọc!
    Về đến nha môn, lính dẫn Lương Sinh nhốt vào trại giam, rồi tâu trình lên Tổng trấn. Lương Sinh nằm rầu rĩ trong bốn bức vách đá, e phải mang nhục phen nàỵ Ðang mơ màng về thế giới bên kia, chợt nghe tiếng người gọi dậy, lập tức được lính dẫn đến công đường. Tổng trấn ngồi giữa, vóc dạng phương phi, hàm én râu hàm, trên tay còn cầm tang vật là mảnh hoa tiên.
    Sinh cúi đầu thi lễ, toan tìm lời kêu oan gỡ tội thì quan ra lệnh mở tróị Trước sự kinh ngạc của Sinh, quan bước xuống thềm, dắt Sinh vào trong, kéo ghế bảo ngồi, Sinh từ chối hai ba lần không được. Quan nói:
    - Ta thường ước ao gặp được một người tài đức, nay biết người là danh sĩ nên thực hết lòng hâm mộ. Lính hầu sơ xuất phạm điều vô lễ vừa rồi, ta sẽ nghiêm trị. Gác đằng thuận nẽo gió đưa, người hãy cùng ta ở đây hưởng mấy ngày xuân vui câu xướng họa, cho thỏa tình ta khao khát lâu naỵ
    Ðoạn truyền đem rượu ngon thịt béo ra thết đãi nồng hậụ Lương Sinh thích thú uống rượu ngâm thơ suốt ngày Tổng trấn có vẻ đặc biệt kính trọng tài năng của Sinh. Ðộ chỉ hôm sau, quan tổ chức cuộc du xuân, đưa Sinh đi xem cảnh trí trong miền. Nơi nào quan cũng cho thấy kỳ công đại lực của quan tạo lập cho dân: Kia là dòng suối quanh co quan đã khai thông để để dân lấy nước cày cấy, nọ là đồng ruộng bao la trước kia toàn là rừng rậm hoang vu quan đã tốn công khai phá cho dân trồng trọt.
    Ngồi trên kiệu cao, Sinh nhìn theo ngón tay quan trỏ phía xa xa, mơ hồ thấy suối thấy đồng nhiều vẽ khác màu miệng không ngừng tán tụng. Hơi men nồng nàn, lòng Sinh chứa chan nhiệt tình đối với những bậc "Dân chi phụ mẫu" mà xưa nay Sinh thường tỏ ý rẻ khinh.
    Ðến đâu quan cũng xin Sinh lưu bút để cho khắc vào bia đá, cột đồng. Sinh phóng bút thao thao bất tuyệt. Mực thơm bút quý, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêụ Trước khi giã từ, Sinh còn lưu lại bài tán tổng kết công đức của quan để khắc vào chốn công đường và bài minh, ký để ghi tạc vào mấy cổ hồng chung tại các tháp đền quy mô trong hạt. Quan ân cần tiễn Sinh ra khỏi nha môn, đưa tặng một cỗ ngựa bạch, mấy nén vàng, nhưng Sinh một mực từ chối từ không nhận để giữ vẹn lòng thanh khiết.
    Giữa mùa xuân ấy Sinh lâm bệnh nặng, nằm liệt suốt một tháng liền, Tuyết Hồng hết sức săn sóc thuốc thang, nhiều đêm không ngủ. Bệnh cũ như muốn tái phát, thần kinh rạo rực không yên, giấc ngủ chập chờn ác mộng.
    Mấy lần chống tay ngồi dậy, nhưng lại bủn rủn nằm xuống, hơi thở nóng ran như lửạ Một sớm đang nằm, nghe tiếng chim hoàng anh hót ngoài vườn vụt tắt, thấy một tia nắng lọt qua khe cửa chợt tàn. Sinh hốt hoảng tưởng chừng mùa xuân bỏ mình mà đi, bèn gượng ngồi lên xô mạnh cửa sổ. Mấy nụ hoa thắm cười duyên trước thềm, lá xanh tươi màu nhựa mớị Sinh gọi đem nghiên bút và tập hoa tiên. Vừa cầm bút lên, Sinh bỗng kinh ngạc. Nghiên mực đỏ tươi sắc máụ Thử chấm bút vào, lăn tròn ngọn bút đưa lên, bỗng thấy nhỏ xuống từng giọt, từng giọt thắm hồng như rỉ chảy từ tim. Khiếp đảm, Sinh ngồi sửng sờ, tâm thần thác loạn. Cố viết đôi chữ lên giấy, nét chữ quánh lại, lợn cợn như vệt huyết khô trên cát. Sinh vội buông bút, tưởng chừng bàn tay cũng thấm máu đầỵ Ðưa lên ngang mũi, mùi tanh khủng khiếp. Quệt tay vào áo, đau nhói trong ngườị Sinh nằm vật xuống mê man bất tỉnh. Sau mấy ngày, Sinh tỉnh dậy, lòng lại khao khát cầm bút. Nhưng nhớ hình ảnh vừa qua, tự nhiên đâm ra e ngại. Sinh cố tập trung thần lực, men đến án thư vừa cầm bút lại thấy lãng vãng sắc máu, không sao có đủ can đảm vạch được nét nàọ Sinh ném bút, hất giấy, vô cùng khiếp sợ, tưởng như xôn xao chung quanh vô số hồn oan đòi mạng. Từ đó Sinh gầy rạc hẳn, liệu không sống thoát.
    Người cậu của Sinh từ lâu đã vào trong núi Hoa Dương ở với đạo sĩ họ Trình, một hôm tạt về thăm nhà thấy cháu suy nhược, rất là lo lắng. Sau khi nghe Sinh thuật hết những điều quái dị vừa qua, ông suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
    - Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyển hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua vì mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôị Làm cho thiếu nữ băn khoăn sầu muộn, làm cho thanh niên khinh bạc hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên nhân ái, kêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đạo nghĩa của tha nhân, hát trên bi cảnh của đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạỏ Tội ác văn chương xưa nay nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn thành ngàn dãy Thiên Sơn! Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậỵ Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chậm thêm ngày nào!
    Lương Sinh nghe xong bồi hồi tấc dạ, trí tuệ xem như minh mẫn hơn nhiều, cơn bệnh do đó lui được khá xạ Sinh đem mấy tập thi tuyển của mình đọc lại từng câu, dò lại từng chữ, thấy toàn là ý bướm tình hoa, phát triển cảm xúc mà xao lãng trí tuệ, tán tụng thiên nhiên mà bỏ mất cảnh đời, trốn tránh thực tại, từ chối tương lai, nhưng nghĩ kỹ vẫn chưa dò được lối máu từ đâụ Bỗng sực nhớ đến những lời phóng bút viết cho quan Tổng trấn, không ghi lại trong thi tuyển, tâm não trở nên bàng hoàng. Ðồng thời bao nhiêu gương mặt hốc hác trong ngày hội chùa lại hiện rõ, mấy cánh đồng trơ trọi, những tiếng thì thầm hai bên kiệu hoa, vẻ người nhớn nhác sợ hãi, những đòn dây trói, mấy dãy nhà giam, lần lượt như sống lại trước mắt. Những cảnh ấy thật trái ngược với những bài tán bài mình đã viết. Mồ hôi toát ra như tắm, Sinh đứng lên được, quyết định trở lại chốn cũ để tìm hiểu sự thật.
    Sinh đến chốn cũ vào một buổi chiều nắng vàng thê lương phủ trên cảnh vật tiêu điều xơ xác. Qua khỏi dòng suối cạn, Sinh bước vào một thôn trang vắng vẻ, thưa thớt những mái tranh nghèo, không một bóng người thấp thoáng. Ðến một gò cỏ úa héo chợt thấy một người nông phu ủ rủ trước nấm mộ mới hiu hiu mấy nén hương tàn, Sinh dừng bước, lại gần ngồi một bên, khẽ hỏi:
    - Bác khóc thương thân quyến nào vậỷ
    Người kia ngước lên không nói, ngắm nhìn lại bụi đường trường bạc thếch trên quần áo của Sinh, dịu đôi mắt xuống:
    - Người nằm dưới mồ không phải là bà con quen thuộc của tôị
    Sinh nghĩ: "Chẳng lẽ người này cũng là một kẻ thi nhân khóc thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh nào chăng?"
    Chưa kịp dò ý, người kia chợt hỏi, ra vẻ hoài nghi:
    - Ông từ đâu mà đến đâỷ
    - Tôi ở chốn xa, nhân bước đường phiêu lưu ghé tạt qua thôị Buồn thấy miền này có vẻ tiêu điều hơn các nơi khác.
    Người nông phu bỗng long lanh đôi mắt như không dằn được tấm lòng dồn nén bật lên những tiếng căn hờn:
    - Nói cho muôn ngàn khách qua đường cũng chưa hả được dạ nàỵ Ví dù phải chết ngày nay thân này chẳng tiếc, miễn sao bộc bạch cho được sự thật uất hận từ lâụ Ðã bao năm rồi, sống dưới nanh vuốt của tên Tổng trấn họ Lý độc dữ hơn hùm beo, đồng ruộng gầy khô, dân làng đói rách. Ðầu xuân này có khâm sai đi về, cụ thôn trưởng của chúng tôi, mặc dù già yếu cũng quyết vì dân làm bản trần tình, cản đầu ngựa, níu bánh xe mà tỏ bày sự thật. Thế nhưng khâm sai đi khắp mọi nơi, chỗ nào cũng thấy bia đá cột đồng đầy lời hoa mỹ tán dương công đức Tổng trấn của thằng danh sĩ đốn mạt nào đó nên ném bản trần tình, không xét, bảo rằng: "Muôn ngàn lời nói của lũ dân đen vô học đâu bằng mấy vần từ điệu cao xa của kẻ danh nhọ Danh sĩ bao giờ cũng biết tự trọng. Tổng trấn đã được hạng ấy tôn xưng, hẳn không phải bất tài". Thế đã thôi đâu, khâm sai đi rồị Tổng trấn phái sai nha về tróc nã những người đã đầu đơn tố cáo nó. Bao người phải chết vì nỗi cực hình thảm khốc, vợ góa con côi, một trời nước mắt, ruộng đồng từ đây dành để nuôi loài cỏ dại mà thôi!
    Sinh chết điếng cả người, giây lát mới gượng gạo hỏị
    - Chẳng hay bác có biết... danh sĩ ấy tên gì không?
    Người nông phu trợn trừng cặp mắt, gào lên:
    - Làm gì mà biết! Mà biết làm gì? Những hạng hiếu lợi hiếu danh, trốn trong từ chương để tiếp sức cho kẻ ác mà cứ tưởng mình thanh cao, hạng ấy thì đâu chẳng có! Dân làng đây ai cũng nguyền rủa hắn mà hắn nào có biết đâu! Nghĩ thương cho cụ trưởng tôi mấy lần đứng ra chịu nhận tội để cứu bao người mà bọn chúng chẳng chịu tha, cứ việc tàn sát thẳng tay, lôi đi lớp người này rồi đến lớp người khác, nên khi bị dẫn qua đây cụ tự móc họng cho trào máu ra mà chết để khỏi bị đày đọạ Trước khi nhắm mắt cụ còn gượng nói: "Ðược chết trên cánh đồng đã đẫm mồ hôi ta, thế là quý rồị Chôn ta ở đây cho ta gần gũi với các người". Hơi thở gần tàn cụ nói tiếp: "Tội ác là ở lũ vua quan. Tên danh sĩ kia chỉ là cái cớ để chúng vịn vào mà che lấp sự thật. Ðừng oán hờn tên danh sĩ. Ðáng thương cho nó!".
    Người nông phu dừng lại nghẹn ngào nói tiếp:
    -Nhưng bao nhiêu người khổ ở đây, bao kẻ chết nơi kia, nghĩ còn đáng thương xót gấp trăm ngàn lần!
    Ðoạn gục đầu trước mồ khóc thảm thiết.Sinh cũng sụp xuống hòa tiếng khóc theọ
    Bóng đêm xóa nhòa, gió lạnh như từ cõi âm thổi về rung động bờ lau bụi cỏ. Sinh có cảm giác như theo cơn gió, oan hồn của người đã khuất hiện về chứng kiến cho những giọt lệ chảy ra từ một tấm lòng hối hận chân thành.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Đọc lại một bài thơ Xuân Diệu

Xuân Diệu đối với bọn tôi - những đứa học sinh lớn lên trong thời VNCH, lại chọn học ban văn chương - là một cái tên vô cùng quen thuộc và thân thiết. Có ai trong bọn tôi lớn lên mà không thuộc những câu thơ như "Mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi tình non sắp già rồi ...", "Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây ...", "Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi/ Tôi mê Ly Cơ hình nhịp nhàng/ Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng/ Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi ...".

Nói vắn tắt, đối với thế hệ bọn tôi ở miền Nam thì Xuân Diệu quả là một biểu tượng của thơ mới, của sự phóng khoáng, của tình yêu đôi lứa, của những tình cảm mà nói theo quan điểm của văn học cách mạng là "ướt át, ủy mị, tiểu tư sản", vv.

Nhưng sau khi miền Bắc được giải phóng thì thơ Xuân Diệu đã khác đi, không còn tính chất lãng mạn lả lướt kia nữa. Đã có một Xuân Diệu khác (cũng như có một Huy Cận, một Chế Lan Viên khác). Nhưng ông không còn nổi tiếng nữa. Tôi hầu như chẳng nhớ được một bài thơ nào của XD sau năm 1954, mặc dù hình như tôi cũng đọc được một vài bài (dạng bài đọc thêm) trong sách Văn học lớp 12 thời ấy.

Hôm nay, nhân đọc được bài viết về Phạm Duy và Tố Hữu, tôi nhớ đến một bài thơ của Xuân Diệu mà một người bạn nhỏ đã gửi cho tôi cách đây ít lâu. Một Xuân Diệu rất khác, một XD của văn học cách mạng, không còn ướt át, ủy mị, lãng mạn, vẩn vơ, "nghệ thuật vị nghệ thuật" nữa. Mà là một XD "nghệ thuật vị nhân sinh" - hay nói đúng hơn là "nghệ thuật vị ... chống Mỹ cứu nước", viết có chủ đích rõ rệt và hẳn là theo chủ trương về văn nghệ của Đảng trong tình hình đất nước vào thời ấy (chắc chắn là phải dưới sự lãnh đạo về tư tưởng của Tố Hữu).

Bài thơ ấy là như thế này, xin gửi lên đây để các bạn đọc nhé. Nguồn ở đây: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=23138.

 Một tên Mỹ bị sập hầm chông 
 
Ngày 14-3-1962, một tiểu đoàn biệt kích ở  đồn Trung Hoà, quận Củ Chi, Thủ Dầu Một,  do một số sĩ quan Mỹ chỉ huy, tới càn quét ở xã Nhuận Đức; vừa đến nơi, thì một tên Mỹ bị sập hầm chông lòi ruột.
                 Tin các báo

Một tên Mỹ bị sập hầm chông.
Hầm chúng tôi sâu, trên phủ lá
Khoét trong đất một chí trả thù,
Chông dài, có ngạnh như câu cá.


Trung đội lính phải khiêng mày đi -
Đến chết vẫn bắt người ta khổ!
Lòi ruột rồi tên Mỹ chỉ huy,
Ta còn gửi đầu mi trên cổ!

Ở xã Nhuận Đức, quận Củ Chi
Máu Mỹ tưới kìa, toang thịt Mỹ!
Bay dựng lầu trên thịt người ta,
Chông vào, thịt Mỹ đau không nhỉ?


Khắp cả mặt đất là hầm chông,
Bước thì phải liệu, đi phải trông!
Một tờ lá rụng, một chòm cỏ
Đều giấu hờn căm ở dưới lòng!


Một tên Mỹ bị sập hầm chông
Hai tên Mỹ chôn chân giữa đồng
Trăm tên Mỹ sỗ sàng cướp nước
Nghìn tên Mỹ sẽ thành số không!

2-4-1962


Quả là một bài thơ đáng nhớ, phải không các bạn? Tôi chợt nghĩ, nếu bây giờ tôi còn đi học và phải làm đề tài nghiên cứu về văn học, tôi sẽ chọn đề tài về sự thay đổi về tư tưởng và phong cách nghệ thuật của các văn nghệ sĩ trước và sau khi có sự lãnh đạo của ĐCSVN, như trường hợp của XD, HC, Chế Lan Viên, hoặc sau này là Trịnh Công Sơn và một vài người khác nữa. Chắc chắn là sẽ nhiều phát hiện lắm đây.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

"Phạm Duy và Tố Hữu" (Khương Duy)

Tình cờ đọc được bài này trên mạng về hai nhân vật văn nghệ mà tôi cũng rất quan tâm, thấy rất hay nên tôi chép về đây để lưu và chia sẻ cho mọi người đọc. Nguồn ở đây: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/02/20/pham-duy-va-to-huu/
--------------
Phạm Duy và Tố Hữu 
(Khương Duy)

Mẹ tôi kể rằng khi tôi còn chưa biết đọc, biết viết mẹ đã dạy tôi học thuộc những câu thơ Tố Hữu, để rồi khi mẹ lúi húi trong vườn sắn, tôi ngồi vắt vẻo trên tảng đá nghêu ngao đọc:
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải
đẹp tươi lạ thường
Nhớ
Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên
đường suối reo

Mẹ thuộc rất nhiều thơ Tố Hữu. Từ những bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ nhưBà bủ, đến những bài thơ mang âm hưởng truyện thơ như Bà má Hậu Giang; từ những bài thơ hừng hực lửa nhiệt thành như Hãy nhớ lấy lời tôi,đến những bài thơ nghẹn ngào đau thương như Bác ơi… mẹ đều thuộc nằm lòng. Giọng đọc của mẹ say sưa, ấm áp đã khiến những vần thơ Tố Hữu ngấm vào tâm hồn tôi như thể người ta ăn cơm uống nước để sống và lớn lên.

Tôi vẫn còn yêu thơ Tố Hữu cho đến mãi hôm nay, dù rằng khi lớn lên tôi biết được nhiều câu thơ khác của Tố Hữu không được hay như những câu thơ mẹ đã dạy tôi thủa thiếu thời. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin. Có yêu thơ Tố Hữu đến nhường nào, tôi cũng nuốt không trôi những câu thơ nhưthế. Và khi đã biết lắng nghe bằng cả hai tai, tôi còn vỡ lẽ ra rằng bên cạnh một Tố Hữu thi sĩ với hồn thơ dâng trào như sóng cuộn biển Đông còn có một ông quan văn hóa Tố Hữu, người đã trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới một giai đoạn buồn của nền văn nghệ nước nhà với những tiêu án chẳng biết bao giờ sáng tỏ như Nhân văn – Giai phẩm. Ban đầu tôi còn hồ nghi, hay đúng hơn tôi không muốn hình ảnh nhà thơ Tố Hữu màtôi hằng yêu quý tan vỡ. Nhưng càng đọc nhiều, càng suy ngẫm nhiều, tôi buộc lòng phải chấp nhận sự thật đó. Tôi tự an ủi mình rằng một khi cóquyền lực trong tay, dẫu là nhà thơ cũng khó có thể giữ cho mình thánh thiện…
Phạm Duy
Phạm Duy
Ngược lại với Tố Hữu, tôi biết đến Phạm Duy muộn hơn nhiều. Khi tôi học lớp 11, một thầy ở Viện Ngôn ngữ học khi về Phú Thọ dạy đội tuyển Tiếng Anh đã nói tên tôi giống Phạm Duy. Có biết nhạc sĩ Phạm Duy là ai không? Thầy hỏi và tôi lắc đầu. Thầy chỉ cười. Đợt học đó thầy còn nhắc tới Phạm Duy với tôi một vài lần nữa. Tôi chỉ có thể đọc được trong ánh mắt của thầy một niềm trân trọng nhưng dường như cũng pha chút mỉa mai nào đó. Giọng nói và nụ cười của thầy như thể muốn hé mở cho tôi biết rằng nhân vật mà thầy nhắc đến phức tạp và thú vị vô cùng.

Đương nhiên hôm nay tôi đã có thể trả lời câu hỏi của thầy, bởi tôi đã biết Phạm Duy là ai. Và nếu thầy thực sự thích nhạc Phạm Duy, tôi có thể nói chuyện cùng thầy cả ngày về gia tài âm nhạc đồ sộ mà bài nào cũng lấp lánh như những viên sỏi nơi đáy nước của ông. Nhưng có lẽ tôi chẳng bao giờ còn gặp lại thầy, và nếu có thì cũng đã quá muộn bởi người nhạc sĩthiên tài ấy đã mãi mãi ra đi…
***
Đến đây, tôi muốn nói về mối tương liên giữa Phạm Duy và Tố Hữu, điều tôi đã nhận thấy từ khi bắt đầu biết nghe nhạc Phạm Duy, nhưng phải sau khi ông đi về cõi vĩnh hằng, tôi mới thấm thía và ngộ ra những điều xưa kia mình chỉ mơ hồ cảm nhận thấy. Mối tương liên ấy, nhiều người bất nhẫn hẳn sẽ cho là điều hoang đường bởi hai con người ấy có hai số phận hoàn toàn khác nhau, ngoại trừ việc họ đều là nghệ sĩ. Nhưng trên đời này, nghệ sĩ cũng có năm bảy đường, và con đường mà Phạm Duy và Tố Hữu đã chọn lại quá khác xa nhau. Nhưng hãy bình tâm và tạm quên đi cái lằn ranh về ý thức hệ vốn đã làm cho đất nước này quằn quại dưới khói lửa chiến tranh mấy mươi năm, bạn sẽ cảm nhận được ở hai ông những điểm chung mà dẫu có muốn xóa nhòa cũng không thể nào xóa nổi.

Tố Hữu sinh năm 1920, chỉ trước Phạm Duy một năm. Chẳng những làngười cùng thời mà trong suốt mấy mươi năm sống và viết, nếu như Tố Hữu trở thành cây đại thụ của nền nghệ thuật cách mạng miền Bắc thì Phạm Duy là ngôi sao sáng chói trên bầu trời nghệ thuật miền Nam. Giờ đây, khi non sông đã liền một dải thì hai ông xứng đáng được nhắc đến như hai nghệ sĩ đã bằng âm nhạc và thơ ca của mình vô tình chung tay dệt nên bức tranh đầy đủ màu sắc kể về số phận dân tộc suốt nửa sau thế kỷ XX.

Nói về thơ Tố Hữu, dẫu là người ghét ông hay yêu ông, cũng không thể nào phủ nhận được rằng, sau Nguyễn Du, Tố Hữu là một trong những nhàthơ lớn nhất của dân tộc, với tài năng đưa tiếng Việt vào thơ thành công ít ai sánh kịp. Với sức viết không mệt mỏi suốt gần một hoa giáp kể những ngày còn là chàng thanh niên Nguyễn Kim Thành, cho tới những dòng tâm sự cuối cùng của một ông lão tuổi ngoại bát tuần, thơ Tố Hữu vẫn dạt dào tuôn chảy như một dòng suối đã khơi nguồn là chảy một mạch cho tới tận cùng. Ông thành công ở nhiều thể loại thơ nhưng đặc biệt để lại dấu ấn với thể thơ lục bát. Thơ lục bát của Tố Hữu giản dị, hồn hậu nhưng cũng không kém phần trong sáng, thanh cao. Nhiều câu thơ Tố Hữu nếuđặt cạnh Truyện Kiều sẽ khó có thể nhận ra; lại có những câu thơ lẫn vào trong ca dao như tiếng hồn cha ông tự thủa nào. Trải dài với bảy tập thơ, Tố Hữu đã bền bỉ dùng tiếng Việt để diễn tả nhiều cung bậc của cảm xúc riêng – chung.

Có lúc, đó là những câu thơ ngậm ngùi cho thân phận người con gái giang hồ buôn mái chèo trên sông Hương:
Đời em buông chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em không chồng

Có lúc, đó là những câu thơ hào sảng như một dòng thác bất tậng vui say chiến thắng Điện Biên lừng lẫy:
 Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn! 

Có lúc, đó là những lời thơ tình tứ, ngọt ngào đằm thắm ca ngợi tình yêuđôi lứa:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Có lúc, đó là những câu thơ chất chứa nỗi đớn đau uất nghẹn vì nỗi mất mát quá lớn:
Đã mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa

Những ai không ưa thơ Tố Hữu vì điểm này hay điểm khác vốn chẳng mấy khi liên quan tới thơ ông, hãy trả lời thật lòng rằng những câu tôi trích ra trên đây lẽ nào không phải là thơ, và lẽ nào không phải là thơhay. Công bằng mà nói, có người chê thơ Tố Hữu nặng tính tuyên truyền, nhưng thử hỏi suốt mấy mươi năm có ai làm thơ tuyên truyền hay bằng Tố Hữu.

Xuân Diệu, Huy Cận trước 1945 làm mưa làm gió trên thi đàn nhưng viết thơ cách mạng thì dở đến mức chẳng ai muốn nhắc tới. Quả sấu non trên cao, Đoàn thuyền đánh cá là những thí dụ nhãn tiền. Nói về chính trị vàtình yêu đều nồng nàn, say đắm như nhau. Nói về lý tưởng mà ngọt ngào như viết tình thư. Nói về lãnh tụ mà ngỡ như con viết tặng cha. Nói về mẹViệt Nam mà như nói về mẹ của riêng mình… Chỉ có thể là tâm hồn thơđặc biệt của Tố Hữu, tưởng như là điểm yếu nhưng hóa ra lại là tài năng trác tuyệt của ông.

Cá nhân tôi nhận thấy thơ Tố Hữu là sản phẩm của một trí tuệ thơ vô tiền khoáng hậu, tôi sẽ không ngại ngần xếp Tố Hữu vào bảng vàng ghi danh những thi sĩ xuất sắc bậc nhất của lịch sử văn chương Việt Nam.

Còn Phạm Duy, người nhạc sĩ tài hoa đã một thời theo Việt Minh rồi chịu không nổi những gông cùm về tư tưởng rồi dinh-tê rồi vào Nam. Phải nói thêm rằng, trong hồi ký của mình, chính Phạm Duy đã thấp thoáng hémở rằng một phần hiện thân của những gông cùm ấy chính là Tố Hữu – người có quyền cầm cân nảy mực gần như tối cao trong về tư tưởng văn hóa nghệ thuật trong suốt mấy mươi năm. Chuyến đò vĩ tuyến đã đưa Phạm Duy sang một chân trời khác, nơi ông có thể tự do tự viết lên những bản nhạc tình say đắm lòng người mà không còn sợ ai dèm pha, và kể cảkhi có người dèm pha (như trường hợp bài Kỷ vật cho em) thì cũng không ai có đủ thẩm quyền để phê bình ông, để ngăn cấm ông, để ép ông từ bỏnhững đứa con tinh thần của mình; điều mà Phạm Duy không thể cóđược nếu ông ở lại miền Bắc.

Quyết định đi tìm tự do trong nghệ thuật đã đẩy Phạm Duy sang bên kia chiến tuyến với Tố Hữu. Nhưng trớ trêu thay, hai con người như nước với lửa trên lập trường chính trị ấy lại giống nhau đến lạ kỳ trong nghệ thuật. Cái âm hưởng dồn dập, da diết, trào tuôn trong thơ Tố Hữu cũng hiện hữu trong âm nhạc Phạm Duy. Hơn thế nữa, Phạm Duy cũng là người cóbiệt tài với tiếng Việt, ông đặt lời, phổ thơ điêu luyện như một nghệ nhân bậc thầy. Nhạc của ông đã đưa âm nhạc Việt Nam lên một tầm cao mới hiện đại mà không lìa thoát cái âm giai ngũ cung ngọt ngào da diết.

Đặc biệt, lời nhạc của ông bên cạnh những ca từ mới mẻ, phá cách, phần nhiều là những lời đậm đà hương vị dân ca. Hãy lắng nghe tiếng lòng ông trải rộng trongTình ca:
Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên

Và tình tứ như một lời hát giao duyên trong Đố ai:
Đố ai mấy tuổi trăng già
Để em lên tiếng mặn mà yêu anh

Phạm Duy mang cả một dải Việt Nam vào trường ca Con đường cái quan với những hình ảnh đẹp như trong cổ tích:
Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường
Ðường máu xương đã lắm oán thương
Ðổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Ði cho trăm họ được hòa bình ấm no
Ðèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô

Hồn dân tộc thấm đãm trong từng nốt nhạc, lời thơ là điều mà Phạm Duy và Tố Hữu giống nhau. Chỉ cần lắng nghe cách đưa những tiếng địa phương, những tên gọi của từng vùng miền đất nước vào thơ vào nhạc đãcó thể thấy chất dân gian đã được hai ông cùng vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn đến mức nào.

Không chỉ thế, dù bằng những cách tiếp cận khác nhau theo những ý thức nghệ thuật khác nhau nhưng chủ đề trong thơ Tố Hữu và nhạc Phạm Duy nhiều khi rất tương đồng. Con đường cái quan của Phạm Duy lẽ nào không có chút gì đồng điệu với Nước non ngàn dặm của Tố Hữu? Bà mẹquê và Bà bủ lẽ nào không phải đều là những hình ảnh đẹp đến nao lòng về người mẹ Việt Nam? Trong thơ Tố Hữu và nhạc Phạm Duy tình yêu riêng và tình yêu chung hòa quyện với nhau khéo léo đến bất ngờ, vàcũng chỉ có hai ông mới có cái biệt tài luyến láy giữa cái riêng với cái chung có duyên đến thế.

Và trên hết, Phạm Duy và Tố Hữu đều là những người đều yêu tiếng Việt và dành trọn cuộc đời nghệ thuật của mình để tô điểm cho tiếng Việt, đẩy thơ và nhạc dùng tiếng Việt lên đến đỉnh cao. Thơ Tố Hữu, nhạc Phạm Duy giống như hai mảnh ghép tưởng như khập khiễng nhưng khi ghép lại sẽ giúp chúng ta thấu hiểu tiếng lòng của con người Việt Nam trong thếkỷ XX bị cách ngăn bởi một dòng sông vĩ tuyến với đầy đủ cung bậc hờn giận yêu thương,vừa lớn lao, lộng lẫy mà rất đỗi gần gũi, chân thành…

Xin được nói thêm rằng ở thơ và nhạc của hai ông, người đọc người ngheđều thấy hiện lên sự nhiệt thành, sự cuộn chảy của cảm xúc mà tôi tin đólà cảm xúc thật sự của người nghệ sĩ.

Tố Hữu viết thơ bằng trái tim sục sôi của người chiến sĩ cộng sản, trái tim lớn không sợ gì súng đạn. Dẫu tôi hôm nay đã không còn giữ được sựnhiệt thành ngày nào khi nghe mẹ đọc Hãy nhớ lấy lời tôi, và sự hoài nghi trong lòng tôi với quá khứ ngày một lớn hơn, nhưng tôi luôn trân trọng những gì là cảm xúc chân thành của con người. Người ta có thể hoài nghiý nghĩa của một cuộc chiến tranh nhưng không được phép hoài nghi sựdũng cảm của người chiến sĩ. Tố Hữu khi viết những dòng như thác lũ ca ngợi chiến thắng Điện Biên lẽ nào ông lại không vui sướng, khi viết những dòng quặn thắt lòng người khi Hồ Chủ tịch lẽ nào ông lại không đớn đau? Tôi tin rằng thơ không nói dối cảm xúc của con người. Khoan hãy bàn đếnđúng sai tốt xấu mà hãy hiểu rằng ở thời điểm đó, ở tâm thế đó Tố Hữuđang bằng tình yêu thiêng liêng, và cảm xúc chân thành viết ra những dòng thơ lai láng và chứa chan tình cảm ấy. Chỉ có rung cảm chân thành mới giúp cho chất thơ mới tuôn chảy đầu ngọn bút không một chút ngập ngừng như thế.

Còn Phạm Duy, hẳn không cần phải nói thêm bởi những ai từng nghe nhạc của ông đều dễ dàng cảm nhận sự dâng trào của cảm xúc trong ca khúc của ông mạnh mẽ đến nhường nào. Dẫu đó là tình yêu lứa đôi hay tình yêu đất nước, Phạm Duy đều viết lên những nốt nhạc lời ca bằng cảtrái tim giàu rung cảm của mình. Giết người đi, giết người trong mộng vẫnđi về. Ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình. Tôi yêu những sông trường, biết ái tình ở dòng sông Hương, sống no đầy là nhờ Cửu Long, máu sông Hồng đỏ vì chờ mong… Những lời ca nồng nàn, dạt dào như thế lẽ nào không phải do cảm xúc chân thật mà thành.Đọc thơ của Tố Hữu và nhạc của Phạm Duy người ta thấy cảm xúc được giải phóng mãnh liệt, cảm xúc như thoát khỏi trái tim chật hẹp, tìm được tự do thoải mái vùng vẫy dọc ngang.

Nói đến tự do, tôi cho rằng Tố Hữu cũng yêu tự do lắm chứ, một người đã từng nghe hè dậy bên lòng, mà chân muốn đạp tan phòng mà ra thì lẽnào lại không yêu tự do? Vậy mới thấy tự do hóa ra là thứ tương đối. Phạm Duy không tìm được tự do cho mình dưới trời miền Bắc nhưng TốHữu lại như cá được nước, như chim trời được chắp cánh tung bay. Cho nên thơ Tố Hữu dẫu nhiều câu là thơ ”đường lối” mà nghe sao vẫn nhẹnhàng, thanh thoát, khoáng đạt đến diệu kỳ. Chỉ tiếc Tố Hữu sinh thời cólẽ đã không hiểu rằng cái khuôn khổ và hình thức tự do mà Phạm Duy cần rộng hơn thế thứ tự do mà ông có thể chấp nhận rất nhiều…
***
Phạm Duy đã có lần nói rằng suốt cả cuộc đời viết nhạc của mình, ông luôn khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, khi đất nước vui ông cũng vui, khi đất nước buồn ông cũng buồn. Chính vì thế trong kho tàng tác phẩmđồ sộ để lại, Phạm Duy đã khắc họa đầy đủ những biến động của đất nước trong suốt hơn nửa thế kỷ. Đất nước trong nhạc của ông trải từ gấm hoađẹp đẽ đến mất mát tang thương và khi ông rời bỏ quê nhà thì đất nước chỉ còn là quê hương hoài niệm. Cái nổi trôi của đất nước từ núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường cũng là cái nổi trôi của cuộc đời Phạm Duy, từ một chàng trai Hà Thành tài hoa do cuộc li loạn mà đã dạt trôi vào Sài Gòn rồi bỏ nước ra đi, để rồi mấy mươi năm sau, tha thiết nhớ quê hươngông lại trở về với đất mẹ…

Tố Hữu cũng vậy. Cuộc đời Tố Hữu với bảy tập thơ lớn trải dài theo bướcđường lịch sử dân tộc được coi như tập nhật ký bằng thơ của những chặngđường cách mạng Việt Nam. Soi mình vào thơ Tố Hữu, có thể thấy hiển hiện lên cả một thời máu và hoa, vinh quang và gian khổ. Từ những ngàyđầu tiên giác ngộ cách mạng, cho đến khi cách mạng thành công, rồi lên Việt Bắc lập chiến khu và trở về bước vào cuộc chiến hai mươi năm xẻ dọc Trường Sơn. Để đến cuối đời, những gì còn lại là nỗi trăn trở với thế sự, về cái mới và cái cũ, về cái còn và cái mất.

Tố Hữu và Phạm Duy phải chăng đều đã gặp nhau ở đây, khi mà hai ông đều biến cuộc đời mình thành thơ thành nhạc, hòa chung vào mệnh nước để viết lên những tác phẩm có tính tiêu biểu cho cả một thời đại.
***
Số phận của nhạc Phạm Duy và thơ Tố Hữu tưởng khác nhau nhưng thực ra lại rất giống nhau, bởi lẽ vừa có lắm vinh quang những cũng phải chịu quá nhiều cay đắng.

Hãy nói về nhạc của Phạm Duy trước. Dẫu là một nhạc sĩ nổi tiếng với những tác phẩm đỉnh cao nhưng số phận các tác phẩm của ông lại hết sức chìm nổi long đong. Cũng bởi những ca khúc như Bên cầu biên giới không được cách mạng chấp nhận nên ông đã cảm thấy mình cần phải rađi, để rồi thành danh ở bên kia vĩ tuyến 17. Nhạc Phạm Duy đã trở thành biểu tượng của âm nhạc Sài Gòn, đến mức những người Sài Gòn bỏ nước ra đi sau cuộc chiến đã ngậm ngùi nhớ tiếc:
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thủa ban đầu

Được yêu mến là thế, nhưng cũng có lúc ông đứng giữa hai làn đạn, vì ởphía bên kia cũng có người cho rằng nhiều ca khúc của ông như Kỷ vật cho em, Tưởng như còn người yêu quá đau thương, sầu thảm khiến cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa mất đi tinh thần chiến đấu. Phạm Duy đãtrả lời rằng, nếu như chỉ mấy câu hát mà đủ sức làm cho cả đoàn quân nhụt chí thì lỗi là ở quân sĩ chứ đâu phải ở lời ca? Tôi tâm đắc với ý kiến này và sẽ còn trở lại khi có dịp bàn về quan điểm quản lý nghệ thuật hiện nay.

Sau năm 1975 nhạc của Phạm Duy trở thành nhạc cấm, ngoại trừ những ca khúc được hát ở hải ngoại thì tuyệt đại đa số không được chính thức phổ biến trong nước. Đương nhiên, khó có thể cản dòng chảy của âm nhạc, nên dù không được cấp phép nhưng nhiều tác phẩm của ông vẫn vang lên bền bỉ suốt mấy mươi năm ông vắng nhà. Nhưng là một người nhạc sĩ, nhìn những đứa con tinh thần của mình phải sống cuộc đời ngoài vòng pháp luật, dẫu được người nghe yêu mến nhưng danh chưa chính, ngôn chưa thuận thì làm sao không đau lòng. Hơn nữa, một khi chưađược chính quyền công nhận thì sức truyền bá của những tác phẩm ấy cũng chưa thể cao xa như lẽ ra chúng phải thế.

Có lẽ vì vậy, trong những năm cuối đời, Phạm Duy vẫn luôn mong muốn ngày càng nhiều tác phẩm của ông được cấp phép. Ông nhẩm tính rằng, cho tới nay chỉ có 1/10 số nhạc phẩm của ông được nhà nước cho lưu hành, vậy thì phải mất 100 năm nữa họa chăng nhạc của ông mới được giải phóng hoàn toàn khỏi cơ chế kiểm duyệt khắt khe. Phạm Duy đauđáu nỗi niềm rằng trong cả ngàn ca khúc của ông, có vô số bài ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước, chẳng hề dính dáng tới chính trị, nên nếu như để mai một sẽ đáng tiếc vô cùng. Nhưng biết làm sao được khi cho tới gần đây, ca khúc bất hủ Mùa thu chết mới được cấp phép, vì bao năm qua người ta vẫn dè chừng ca khúc này vì cho rằng Phạm Duy nhạo báng Cách mạng tháng Tám… Với lối tư duy nghi kỵ như thế thì biết đến khi nào nhạc của ông mới đến được với công chúng trọn vẹn?

Số phận thơ Tố Hữu thoạt nhìn tưởng chừng như khác hẳn với số phận nhạc Phạm Duy. Đã có một thời, từ học sinh tiểu học cho tới sinh viên đại học đều học thơ Tố Hữu. Các đề thi từ tốt nghiệp phổ thông cho tới tuyển sinh đại học, và cả thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn đều phải ít nhiều nhắc tới thơ Tố Hữu. Nhưng trong những năm gần đây, sự hiện hiện của thơ Tố Hữu bỗng trở nên thưa thớt dần. Có người nói thơ Tố Hữu đang gặp hạn.

Thực ra, nếu nhìn thẳng vào sự thật thì thơ Tố Hữu đã gặp hạn từ lâu. Biết bao nhiêu giáo viên dạy Văn khi giảng thơ Tố Hữu đều giảng như giảng chính trị, thậm chí nhiều thầy cô không ngại tỏ ra chán chường. Giới phêbình từ lâu không còn mặn mà với thơ Tố Hữu. Người ta nửa công khai chê thơ Tố Hữu rằng đó là thơ tuyên truyền, thơ chính trị, không có giátrị nghệ thuật.

Vậy hóa ra bao nhiêu lâu nay người ta ca ngợi thơ Tố Hữu chỉ bằng sáo ngữ, người ta truyền bá thơ Tố Hữu giống như truyền bá một thứ nghịquyết, một kiểu tự nguyện trên tinh thần bắt buộc. Người ta bằng mặt nhưng không bằng lòng với thơ Tố Hữu. Hóa ra, thơ ông vào thời hoàng kim được trọng vọng vì phù hợp với chủ trương, đường lối và bởi ông làỦy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương PhóThủ tướng). Thắm lắm phai nhiều, nhất là khi sắc thắm đó nhiều phần làgiả tạo. Cho nên khi văn nghệ được cởi trói, người ta lập tức đối xử lạnh nhạt với thơ Tố Hữu, coi nó như cái gì lỗi thời, lỗi mốt, và thơ Tố Hữu nửa chính thức xuống giá trong lòng công chúng.
Về điểm này Phạm Duy có phần còn may mắn hơn Tố Hữu. Nhạc Phạm Duy bị cấm nhưng có triệu triệu khán giả thầm yêu, trong khi thơ Tố Hữuđược tôn vinh bằng những lời chót lưỡi đầu môi, còn người thực sự trân trọng thơ ông đã và đang dần rơi rụng.

Tôi xin nói rằng thái độ của chúng ta với nhạc Phạm Duy và thơ Tố Hữuđều là bất công. Những người ngồi xét duyệt công bố từng tác phẩm của Phạm Duy chỉ là hàng con cháu của ông, cả về tài về đức đều chẳng xứngđáng để người nghệ sĩ tài hoa của dân tộc phải luồn cúi trong cái cơ chếxin-cho cứng nhắc. Nhạc của Phạm Duy đa phần đều nên được và cầnđược phổ biến và tôn vinh, nhất là trong bối cảnh nền âm nhạc Việt Namđang lao đao vì thiếu đi những tài năng thực sự, và một thời tao loạn củaâm nhạc đang diễn ra với đủ thứ bát nháo mang danh nghệ thuật lên ngôi.

Về phía Tố Hữu, ở nơi chín suối, hẳn Tố Hữu cũng thiết tha mong chúng ta nhìn nhận lại cho đúng gia tài thơ đồ sộ mà ông để lại. Vẫn biết thơ TốHữu gắn liền với cuộc đời cách mạng của ông nhưng trong thơ Tố Hữuđâu chỉ có những lời giáo huấn, đâu chỉ có súng gươm, đâu chỉ có căm thù, đâu chỉ có đấu tranh. Trong thơ Tố Hữu có cả một trời quê hương,đất nước thân thương; có cả những mối tình thủy chung son sắt; có cảnhững người mẹ dịu hiền chịu thương chịu khó. Những tình cảm chân thật, giản dị mà cao cả ấy đã được Tố Hữu đưa vào thơ ông bằng những câu thơ tài hoa tuyệt diệu mà nếu kể ra ở đây e không cùng, khôn xiết.

Thơ ông còn nhiều góc cạnh đẹp lung linh mà vì cái mặc cảm chính trịngười ta đã vội quên đi. Chẳng cần nói những điều cao xa, hôm nay mỗi lần bước trên đường phố Châu Âu tuyết phủ, tôi vẫn thầm nhớ tới câu thơrất đẹp của Tố Hữu:
Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

Hay khi bước đi bên dòng sông Hương của xứ Huế, có khi nào ta không ngẩn ngơ nhớ tới câu thơ:
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên giòng Hương Giang

Cho nên chỉ cần chúng ta khơi gạn trong hàng trăm bài thơ dài ngắn củaông, sẽ thấy được cả một hồn thơ phong phú, sôi nổi mà bội phần lãng mạn, luôn mới mẻ và nồng nàn mãnh liệt. Đó là một kho báu của thi ca mà nếu không khéo chúng ta sẽ để thời gian phủ bụi lên.
****
Xin kết lại bài viết này bằng câu chuyện sau đây, câu chuyện do chính Phạm Duy kể lại về cuộc hạnh ngộ của ông với nhà thơ Tố Hữu:

Tôi quen anh Tố Hữu từ ngày Cách Mạng thành công và có nhiều dịp công tác với anh tại Huế và tại Việt Bắc trong ngày Đại Hội Văn Hóa.

Trở về quê hương năm 2001, tôi đã tới thăm một “đồng chí” xưa. Hai người đều vui vì có được môt hội ngộ không ngờ…

Chúng tôi không đả động gì tới chuyện “chính chị, chính em”, tới chuyện “đấu tranh, đánh trâu” chỉ nói chuyện “trời mưa, trời nắng, con cắng đánh nhau, bồ câu đi chữa, chốc nữa lại tạnh”.

Rồi anh Tố Hữu tự tay mở gói bánh đậu xanh Hải Dương ra mời tôi ăn…

Chia tay ra về, tôi không ngờ chỉ một năm sau, anh Tố Hữu qua đời.

Trong buổi gặp gỡ này, có mặt Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông Tin Trần Hoàn.

Anh Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920–2002) là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc.

Phối hợp tài tình ca dao, các thể thơ dân tộc và thơ mới.

Vận dụng biến hoá cách nói, cách cảm, cách so sánh ví von rất gần gũi với tâm hồn người. Phong phú vần điệu, câu thơ mượt mà, dễ thuộc dễ ngâm.

Những bài “Việt Bắc”, “Nước non ngàn dặm”, “Theo chân Bác”… là những bài thơ tuyệt bút của Tố Hữu.
 ***
Tôi tin rằng giờ ở nơi nào đó, Phạm Duy và Tố Hữu đã gặp lại nhau như những người bạn nghệ sĩ, cùng nhau nhấp chén rượu xuân và quên đi mọi chuyện đắng cay của kiếp trước. Chỉ có chúng ta vẫn loay hoay trong vòng kim cô của lập trường, quan điểm để rồi đánh mất đi những giọt vàng của hai bậc tài hoa còn lưu lại trên cõi nhân gian.
--------------
Trang của Khương Duy, tác giả bài viết trên, ở đây: http://my.opera.com/khuongduy18/blog/2013/02/17/pham-duy-va-to-huu-p1

Bạn tôi viết (10): Đời và mơ

Xin gửi đến các bạn bài viết mới của anh Nguyễn Đại Hoàng, bạn tôi.
----------
ĐỜI & MƠ

Tết vừa rồi tôi đi không nhiều. Tôi nghĩ về cuộc đời và những giấc mơ. Đời và Mơ như thể xác và tâm hồn nhưng đôi khi ta quên chúng, chúng quên ta - và chúng quên nhau. Và như một sự tình cờ là sau tết những điều tôi suy nghĩ - Đời & Mơ đã được cô PA nhắc tới ngay trong loạt bài khai xuân 2013 qua bài thơ của một tác giả người Mỹ Langston Hughes.

 
Dreams  
Hold fast to dreams 
For if dreams die
Life is a broken-winged bird
That cannot fly.


Hold fast to dreams
For when dreams go
Life is a barren field
Frozen with snow. 
 

Và xa hơn nữa, trong bài vỡ cũ năm 2011, báo AV cũng có một bài về  nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtroemer – Nobel Văn Chương 2011  với bài thơ The Tree and the Sky , bản dịch Tiếng Anh của Robin Fulton  

The Tree and the Sky

There’s a tree walking around in the rain,
it rushes past us in the pouring grey.
It has an errand. It gathers life
out of the rain like a blackbird in an orchard.
When the rain stops so does the tree.
There it is, quiet on clear nights
waiting as we do for the moment
when the snowflakes blossom in space.

Mặc dầu cô PA đã giới thiệu hai bài này cùng các bản dịch nhưng tôi cũng xin gởi tới các bạn hai bản dịch của tôi.
Bản dịch cho Dreams thì đã trên 10 năm rồi, còn bản dịch cho The Tree and the Sky thì mới hồi tháng 6 năm ngoái.

Ước mơ

Hãy tin vào ước mơ
Nếu ước mơ không còn
Đời như chim gãy cánh
Tan vỡ mộng hải hồ ! 

Hãy tin vào ước mơ 
Nếu ước mơ không còn
Đời như đồng phủ tuyết
Trăm năm cô đơn !

Langston Hughes
NĐH  2002


Cái cây & Bầu trời

Một cái cây đi trong mưa
lướt qua ta dưới màn  trời xám ướt sướt mướt
Nó có việc. Nó đi nhặt những mảnh đời phù du
ra khỏi cơn mưa như một con sáo gầy băng qua vườn lan.

Rồi mưa tạnh, cây cũng dừng việc
Ôi một cái cây đứng kia im lìm trong những đêm trời quang
Lặng lẽ chờ như ta vẫn hoài mong
Một ngày đông bông tuyết xuống kín trời mênh mông.

Transtroemer
 NĐH 2012


Cả hai bài tưởng như rất ít chi tiết, rất ít nhân vật, rất ít sự kiện, nhưng lạ lùng thay khi nghĩ kỹ lại thấy không ít chút nào. Nhiều nữa là khác. Những dòng ngắn ngủi, vô cùng ngắn ngủi, giản dị lại chuyển tải được cả Đời và Mơ. Bởi vậy đó lại là những bài thơ tuyệt hay. Các bạn có thấy không câu kết của hai bài đều nhắc đến tuyết ! Sao lại là tuyết ?

Mấy ngày đầu Xuân trong nước đang dấy lên vì vụ nói nhăng nói cuội của tay nào đó. Và trước đó là vụ Joel Brinkley. Toàn là kẻ có bằng cấp cả ! Một bên là GSTS và một bên là …trời ạ - như y tự xưng - là nhà đủ thứ học ! Nóng không thể tả ! Nhưng hãy vui lên vì sự Phẫn Nộ cùng khắp như vậy đã chứng tỏ thái độ và hành động không chấp nhận rác của đất nước chúng ta rồi. Đời quá nắng nhưng rồi Mưa sẽ xuống và Tuyết sẽ xuống. Không còn trăm năm cô đơn !

Nguyễn Đại Hoàng
2/2013
---------
Viết thêm (20:00 Feb 20, 2013)

Bài viết ở trên của anh Nguyễn Đại Hoàng khiến tôi muốn đọc lại bài thơ mình đã dịch hồi năm 2011, và để nó ở đây để dễ so sánh với bản dịch của anh Hoàng. Vì so sánh những bản chuyển dịch (tiếng Anh là "rendering") khác nhau cho cùng một bài thơ gốc bao giờ cũng là một điều thú vị. Bản dịch của tôi dưới đây:

Cái cây và bầu trời

Cái cây băng ngang tôi trong  cơn mưa
Vội vã đi dưới bầu trời đen xám
Nó bận bịu đi chắt chiu sự sống
Giữa trời mưa, như chú quạ trong vườn.

Cơn mưa tạnh, cái cây dừng đứng lại
Kia nó kìa, im ắng dưới trời đêm
Lặng lẽ chờ, như ta vẫn hằng mong
Bông tuyết trắng nở bung vào đêm tối.

(Phương Anh)

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Giá như ông Phước đừng xin lỗi!

Sáng nay vừa vào cơ quan, lướt mắt qua vài tờ báo trên mạng, tôi rất vui khi đọc được tin ông Hoàng Hữu Phước có lời xin lỗi ông Dương Trung Quốc, ở đây: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/109444/db-hoang-huu-phuoc-xin-loi-db-duong-trung-quoc.html

Vui, vì như thế có nghĩa là ông Phước đã biết lắng nghe ý kiến của người dân (tức chính là những người mà ông đang đại diện cho họ). Và càng vui hơn là vì thế có nghĩa ông đã biết phục thiện, vì một người phục thiện bao giờ cũng là người đáng quý, chứ không phải là người không bao giờ mắc sai lầm, bởi ai mà chẳng có lúc sai lầm (mặc dù cũng phải nói thêm một chút, đó là qua trang blog của ông Phước tôi thấy ông đã có quá nhiều sai lầm trong một thời gian quá dài!)

Tối nay đi làm về, cơm nước xong xuôi rồi tôi mới có thời gian đọc kỹ mẩu tin nói trên, và ... quả thật là rất thất vọng. Lý do cho sự thất vọng của tôi:

1. Ông Phước nói: ông viết về ông DTQ chẳng qua cũng là nối tiếp một công việc ông làm thường xuyên mà theo ông là , xin trích nguyên văn: "như cuốn nhật ký, giống như để thùng nước đá do mình pha chế ngoài đường có đậy nắp, ai đi ngang khát nước dừng lại uống một chút". 

Rồi lại còn "từ suy nghĩ đó tôi viết một bài hết sức vô tư, đăng trên trang mạng quen thuộc, không ngờ lại bị phản ứng như vậy" nữa chứ.

Quả thật tôi rất băn khoăn khi ông Phước cho rằng việc ông phát biểu trên blog như vậy cũng tương tự như để thùng nước đá ngoài đường cho mọi người uống khi khát, một việc làm do tốt bụng và đáng trân trọng (và vì thế, ông đã khá ngạc nhiên khi bị phản ứng). Chẳng lẽ nghe những lời phỉ báng cả tôn giáo và các bậc tu hành, miệt thị những con người vì lý do này hay khác phải làm nghề bán thân nuôi miệng (tất nhiên không ai muốn, nhưng nó vẫn tồn tại khắp đông tây kim cổ), và xúc phạm nặng nề một người đồng nhiệm như ông Phước đã làm mà lại là một điều có ích cho mọi người ư?

Nhưng chắc chắn đó là ý của ông Phước, vì đó cũng là điều ông đã khẳng định trong phần mở đầu bài viết đầy tai tiếng của mình. Trong bài ấy, ông viết đại ý là muốn làm cho mọi người biết cái hay (chắc là của ông) mà làm theo, và biết cái dở (chắc chắn là của ông Quốc) mà tránh! Quả thật ý tứ của ông chỗ này tôi không thể hiểu được, nếu loại trừ khả năng là ông có vấn đề về tâm thần như có một số người đã nghi ngờ từ lâu.

Ngoài ra, tôi không hiểu người khác cảm nhận như thế nào, nhưng với tôi, việc ông viết bài "hết sức vô tư" về ông DTQ thì cũng chẳng khác gì  một đứa trẻ con có thói quen nói năng thô lỗ, vô lễ, nên bạ đâu cũng văng ra những lời lẽ khiếm nhã, dù đó chỉ là một thói quen mà đứa bé ấy và những người quen của cô ta/cậu ta coi là bình thường. Tôi nghĩ, ngay cả với một đứa bé thì nó cũng chỉ có thể nói năng tục tĩu trong nhà hoặc với một nhóm bạn nhỏ rất thân thiết nào đó. Chứ khi ra những nơi công cộng - đi học, thậm chí chỉ cần đi ra chợ mua bán - mà nói năng như vậy thì thế nào cũng bị bắt lỗi.  Và chắc chắn là phải xin lỗi đàng hoàng, chứ không thế nói theo kiểu "không ngờ chỉ chửi tục theo thói quen thường ngày mà cũng bị bắt bẻ" như thế được, vì sẽ bị xem là hỗn, thiếu tôn trọng người khác, thậm chí có thể bị xem là vô học (ngôn ngữ bình dân sẽ gọi là "mất dạy").

2. Ông Phước nói, trích nguyên văn từ bài báo, như sau:

"Sáng 18/2, thường trực đoàn ĐBQH TP.HCM cũng có gặp tôi tìm hiểu xem vì sao mình viết cái đó, có những bức xúc gì. Tôi cũng đã trả lời thẳng thắn như vừa trình bày với các bạn. Đó là với những cái thói quen viết một cách rất là trực ngôn."

Ông đã nhấn mạnh đến 2 lần về việc ông phát biểu về ông Quốc như vậy chỉ là do tính ông nói thẳng (= trực ngôn, thẳng thắn) mà thôi. Như vậy, rõ ràng là ông vẫn tin những điều ông làm là đúng?

Mà quả nhiên là thế. Ở đoạn bên dưới của bài báo, ông nói (trích nguyên văn):

"Tôi suy nghĩ blog là một nhật ký mở, mình nói trong lúc nhà nước đang có quá nhiều cái để đương đầu, vậy mà ông Dương Trung Quốc liên tục nói về mại dâm, biểu tình, văn hóa từ chức… hãy để tập trung vào cái lớn."

Tôi không hiểu ông Phước nghĩ rằng nên nói về cái gì thì mới phù hợp trong tình hình này, nhưng theo tôi nói về luật biểu tình và văn hóa từ chức là hoàn toàn đúng nguyện vọng của nhiều người dân mà cả hai ông đều đang đại diện đấy ạ. Hay ít ra, những điều ông Quốc nói về biểu tình và về văn hóa từ chức phản ánh đúng nguyện vọng của tôi, một cử tri.

Ngoài ra, dù tôi không quan tâm đến mại dâm nhiều lắm, nhưng tôi cũng cho rằng mại dâm cần phải được quản lý công khai, chứ không nên cấm trên giấy nhưng vẫn tồn tại trên thực tế như hiện nay. Khi đả phá chuyện công khai quản lý mại dâm, ông có nhắc đến người Công giáo (ở Đồng Nai, nơi ông Quốc là đại biểu). Vậy với tư cách là một cử tri ở TP HCM, tôi cũng xin đề cập đến một chuyện khác vốn là cấm kỵ với người Công giáo, nhưng đang được nhà nước quản lý công khai vì những lợi ích lớn hơn cho xã hội, đó là chuyện phá thai. Tuy là người Công giáo và bản thân không ủng hộ việc phá thai, tôi vẫn cho rằng việc nhà nước làm liên quan đến phá thai là không sai trên quan điểm quản lý xã hội, vì nếu cấm phá thai thì sẽ có phá thai lén lút, và sự nguy hại của việc này là không tả xiết.

Như vậy, rõ ràng những điều ông Quốc nói là phản ánh nguyện vọng của (một bộ phận) dân chúng, ví dụ như tôi. Trong khi đó, những điều ông nói thì tôi chưa thấy có cái gì phản ánh nguyện vọng của tôi cả. Vậy tại sao ông Quốc lại sai (sai trầm trọng nữa chứ, mà theo từ Hán Việt mà ông có vẻ rất giỏi là "đại ngu") còn ông mới là đúng và vì thế có quyền "trực ngôn"? Thực sự tôi không hiểu logic này ông Phước ạ.

3. Tôi không chỉ thất vọng, mà còn rất bất bình, khi đọc đoạn sau đây của ông Phước (theo tờ báo đã ghi lại):

"Trong tình hình đất nước hiện nay, những kẻ xấu, các thế lực không thân thiện đang nhìn vào đất nước thì cái chuyện mình có trực ngôn, mình nêu lên, cũng như là cung cấp cho họ một cơ hội bằng vàng để họ có thể xúc xiểm QH, đại biểu QH Việt Nam. Rồi họ suy diễn tư cách của đại biểu như thế nào, môi trường QH như thế nào mà các đại biểu lại có những bức xúc không dám tranh luận ở trong nghị trường mà viết blog như thế.

Như vậy là mình tạo thời cơ cho những kẻ không có thiện cảm với Nhà nước mình. Họ có cái cớ tấn công cá nhân mình, tấn công tập thể mình đang sinh hoạt"

Tôi không rõ mình có hiểu đúng ý của ông hay không, nhưng dường như ông cho rằng những người phản đối bài viết của ông đều là kẻ xấu, là thế lực không thân thiện, những người chỉ chăm chăm nhìn vào những sơ hở của ông với tư cách là một đại biểu QH để xúc xiểm, tấn công QH? Ông là đại biểu của dân mà khi nghe dân phản ánh thì ngay lập tức nghĩ ngay rằng đó là sự xúc xiểm và tấn công đối với ông và tập thể của ông (tức là QH), thì theo ông liệu có ai dám đến phản ánh gì với ông nữa không?

Riêng tôi thì tôi nghĩ, việc người dân có ý kiến về cách ứng xử của ông, một đại biểu quốc hội, có liên quan đến ông Quốc, một đại biểu quốc hội khác, là những dấu hiệu cho thấy hoạt động của QH đã có ít nhiều được người dân quan tâm, và là một bằng chứng tốt mà nhà nước ta đang rất cần để chứng minh với thế giới về những tiến bộ về mặt dân chủ của đất nước chúng ta. Và tôi tưởng một người có ít nhiều hiểu biết và ảnh hưởng của nền học vấn phương tây của ông phải nhận ra điều này rõ hơn ai hết chứ? Ông có nghĩ rằng chính vì những cái "mác" khá to của ông (giỏi ngoại ngữ, nhiều kinh nghiệm làm việc với nước ngoài, đại diện cho doanh nghiệp, là người tự ứng cử và hình như chưa phải là Đảng viên) nên mới có những người bỏ phiếu cho ông hay không? Nay ông phát biểu như thế này, liệu ông có đang phản bội họ hay không?

 4. Cuối cùng, tôi vô cùng thất vọng và thấy không còn có gì để vớt vát cho ông khi ở cuối bài viết phóng viên đã hỏi ông xem ông có lời gì với cử tri hay không, thì ông chỉ nói (trích dẫn theo bài báo):

"Tôi tin những điều giãi bày hôm nay, cử tri đọc sẽ hiểu thêm về tôi trước khi tôi có dịp tiếp cận để nói chuyện với cử tri. Thông qua báo VietNamNet, cử tri sẽ hiểu về tôi."

Tôi không rõ bài báo có cắt bỏ hoặc sửa lại lời nào của ông không, nhưng nếu ông nói đúng như bài báo viết thì thưa ông Phước, cái mà tôi (và nhiều cử tri khác) mong chờ là không chỉ là lời xin lỗi của ông dành cho ông Quốc (là người thực ra đã không bắt lỗi ông, như các phát biểu công khai của ông Quốc cho thấy). Mà trước hết và quan trọng hơn hết là lời xin lỗi các cử tri, những người đã tín nhiệm ông, hoặc những người có thể đã không bỏ phiếu cho ông (như tôi) nhưng ông vẫn là đại diện cho họ. Có như thế thì ông mới xứng đáng với tư cách đại biểu của dân.

Thế nhưng, sau khi đã đọc đi đọc lại cả bài viết, tôi chỉ thấy ông (1) biện hộ cho chính mình, tiếp tục với những lời lẽ hay ho (như trực ngôn, thẳng thắn, vô tư ...); (2) xin lỗi QH với tư cách là "cái tập thể mà mình sinh hoạt" chứ không phải với tư cách một tổ chức đại diện cho dân, (3) xin lỗi ông Quốc với tư cách là những người sinh hoạt trong cùng tập thể (tức QH) với nhau mà lại đi nói ra ngoài thì sai phương pháp tranh luận, chứ tuyệt nhiên không có lời xin lỗi nào dành cho người dân cả. Chỉ có 2 chỗ ông nhắc đến cử tri (trực tiếp hay gián tiếp) thì những chỗ ấy tôi lại chỉ thấy ông hoặc cho họ là phần tử xấu, không thân thiện, tìm mọi cơ hội tấn công cá nhân ông và QH (xin xem lại phần đánh số 3 ở trên), hoặc cho là cử tri đã hiểu sai về ông nên ông cần phải giãi bày cho họ hiểu thêm.

Tôi không hiểu mọi người khác thì sao, nhưng quả thật qua những tóm tắt của tôi ở đoạn trên thì tôi nghĩ mình cũng đã hiểu ông khá rõ rồi: trong suy nghĩ của ông chỉ có chính bản thân ông hoặc tập thể của ông (là QH), chứ hoàn toàn không có bất cứ một chỗ nào dành cho người dân cả. Vâng ông Phước ạ, tôi càng đọc bài xin lỗi của ông thì tôi càng bất bình và càng buồn hơn bao giờ hết, vì cảm thấy hình như mình đã bị lừa và bị phản bội quá nặng nề.

Nếu ông không xin lỗi, thì tôi còn có thể bỏ qua những lời lẽ kỳ dị của ông trên blog vì nghĩ rằng ông hơi bị bất thường về tâm lý (tâm thần). Còn nay ông đã xin lỗi thì tôi bỗng nhận ra rằng không kể đến sức khỏe tâm thần của ông (là điều có thể cần phải xem lại như ai đó đã nói ở đây: http://quechoa.vn/2013/02/19/quoc-hoi-can-khan-cap-xem-xet-suc-khoe-tam-than-cua-dai-bieu-hoang-huu-phuoc-2/), rõ ràng ông rất xem thường người dân, thậm chí xem họ như là kẻ xấu, là thế lực thù địch, còn nếu không thì cũng chỉ là những kẻ ít học, trình độ thấp kém, dễ bị lợi dụng, xúi giục, hoặc ít nhất là thiếu hiểu biết nên đã không hiểu đúng về ông, một người giỏi giang, tốt bụng, và thẳng tính!

Ông Phước ơi, lời xin lỗi đó ông đã nói ra rồi. Nhưng quả thật, giá mà ông đừng xin lỗi, còn hơn! Vì ông có nghĩ rằng xin lỗi như vậy, thì cũng chẳng khác gì ông lại tiếp tục miệt thị cử tri thêm nữa, hay không?
----------
Các bạn có thể đọc thêm bài viết cách đây vài ngày của tôi về bài viết tai tiếng của ông nghị Phước ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/02/au-xuan-oc-bai-viet-cua-ong-nghi-phuoc.html.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

"Hold fast to dreams" của Langston Hughes - một bản dịch khác

Hold fast to dreams - hãy giữ chặt ước mơ - là câu đầu tiên trong bài thơ Dreams (Ước mơ) của Langston Hughes, nhà thơ Mỹ da đen của thế kỷ 20 mà tôi rất thích. Có thể đọc về Langston Hughes ở đây: http://www.poets.org/poet.php/prmPID/83

Trong số khá nhiều bài thơ của Hughes mà tôi thích, thì bài Dreams có lẽ là bài mà tôi thích nhất. Trước hết là bởi vì tôi đọc bài ấy vào năm đang học đại học, hình như là năm thứ ba, "Khi anh vừa tròn 20 tuổi", là tuổi có rất nhiều ước mơ nhất trong đời. Không những thế, cũng trong thời gian này tôi đọc được cả bản dịch rất hay của một anh bạn cùng lớp, mà hiện nay tôi chỉ còn nhớ được có khổ thơ đầu như thế này:

Hãy ôm lấy mộng vàng
Vì khi giấc mộng tàn
Đời như chim gẫy cánh
Không còn thời dọc ngang.

Bài thơ Dreams của Hughes là một bài thơ cực ngắn, chỉ có 2 khổ thơ, mỗi khổ thơ 4 câu, mỗi câu chỉ 4 âm tiết (tiếng Việt gọi là thơ 4 chữ - chữ - syllable ấy, chứ không phải là từ, word), trừ câu số 3 trong mỗi khổ thơ là 6 âm tiết. Nguyên văn bài thơ như sau:

Hold fast to dreams 
For if dreams die
Life is a broken-winged bird
That cannot fly.


Hold fast to dreams
For when dreams go
Life is a barren field
Frozen with snow.

Thông thường, bài thơ nào mà tôi thích thì trước sau gì tôi cũng sẽ tìm cách dịch ra tiếng Việt, dù chỉ để cho chính mình thưởng thức. Riêng bài Dreams thì hồi ấy sau khi đọc bản dịch quá hay của anh bạn cùng lớp nên tôi không có ý định dịch nữa, cho đến hôm nay.

Hôm nay, khi trao đổi email với một người bạn (khác, không phải là người đã dịch bài thơ), tôi chợt nhớ đến bài thơ này. Và muốn gửi tặng bản dịch của bạn tôi cho anh bạn mới (cũng rất thích thơ). Nhưng rồi nhớ mãi cũng vẫn không trọn bài mà ngày xưa tôi đã đọc (cách đây hơn 30 năm rồi!) nên tôi ... ghét quá, đành phải "ra tay" dịch bài thơ này ra tiếng Việt vậy. Và dưới đây là bản dịch của tôi:



Hãy giữ chặt ước mơ
Để đời mãi là thơ
Ước mơ kia nếu tắt
Đàn sẽ đứt đường tơ

Hãy sống trọn mộng mơ
Vì khi cạn nguồn thơ
Đời chỉ còn tuyết trắng
Phủ cánh đồng chơ vơ.

Nói thêm một chút về bản dịch của tôi: Chắc chắn là nó không hay bằng bản dịch của anh bạn tôi, trước hết hết là vì nó không giữ được hình ảnh chim gẫy cánh trong bản gốc, mà đã bị thay bằng hình ảnh đàn đứt dây. Ngoài ra, nó còn bị ảnh hưởng bởi bài thơ đã dịch trước đây, đó là dịch sang thành thơ 5 chữ trong tiếng Việt.

Đóng góp duy nhất của tôi là tôi đổi vần của bài thơ từ "vàng" sang "mơ", vì nói gì thì nói tôi cũng không thích chữ "vàng" trong bài thơ ấy lắm: nó hơi nặng, và vần một cách rất tự nhiên với chữ "tàn" của câu sau (mặc dù nó cũng rất hợp). Chữ "mơ" của tôi hy vọng nghe hay hơn (tất nhiên là chỉ đối với tôi thôi), nhẹ hơn, và nó vần với mấy chữ mà tôi thích hơn: thơ, tơ, và chơ vơ).

Nhưng thôi, hay dở gì thì còn tùy người đọc, tôi chỉ biết dịch để thỏa mãn chính mình thôi. Dịch rồi, thì đưa lên đây chia sẻ với mọi người, mua vui không biết có được trống canh nào không đây?

Enjoy các bạn nhé!
----
Cập nhật 28/2 (hết tháng 2 rồi!)

Dịch lại bài thơ đầu cho sát nghĩa hơn:

Hãy giữ chặt ước mơ
Để đời mãi là thơ
Đời như chim gãy cánh
Khi lòng hết mộng mơ.

Hãy sống trọn ước mơ
Vì khi cạn nguồn thơ
Đời chỉ còn tuyết trắng
Phủ cánh đồng chơ vơ.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Đọc bài thơ của Thanh Thảo: "Ghi trong ngày 17 tháng 2"

Hôm nay là ngày 17/2. Ba mươi bốn năm trước, vào ngày này, "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới."

Lúc ấy, tôi mới chưa tròn 19 tuổi, vừa vào đại học. Những ngày ấy, tôi nhớ cả nước sôi sục trong không khí chiến tranh, khó khăn không sao kể xiết, và trên báo, đài truyền hình, phát thanh đâu đâu cũng nghe những bài ca chiến đấu. Những bài hát như "Điệp khúc tình yêu" (Nhớ, nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em ... nhớ cái hôn đầu tiên là hôn lên đôi mắt người bạn đã hy sinh/ nhớ bản tình ca đầu tiên là hành khúc lên đường ...), "Em vẫn đợi anh về" (Em vẫn đợi anh về như buồm căng đợi gió ... như lòng em khát anh, như đời khát hòa bình ...) là những bài hát tình yêu của lứa tuổi chúng tôi, một thế hệ khổ đau, the lost generation của Việt Nam như tôi vẫn thường nói.

Có một điều mà mọi người Việt Nam đều băn khoăn, là cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc vào năm 1979 rất ít được đề cập đến trong sách vở và báo chí chính thống của VN, trong khi cuộc chiến với Mỹ thì đã mấy chục năm rồi nhưng năm nào cũng vẫn được nhắc lại đầy đủ, kỹ lưỡng. Chúng ta đều hiểu những khó khăn của nhà nước Việt Nam trong mối quan hệ với người đồng chí lớn Trung Quốc, nhưng lẽ nào sự hy sinh của các chiến sĩ đã hy sinh mạng sống để bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước lại có thể bị quên đi một cách dễ dàng như vậy?

Không, thực ra không có ai quên các anh, các chị cả, dù cho truyền thông chính thống có cố tình im lặng đi nữa (xin mở ngoặc: hôm nay trên báo Thanh Niên có một bài rất hay, nhắc về cuộc chiến này http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130217/nhin-lai-chien-tranh-bien-gioi-1979.aspx
 một cách trực diện, một sự dũng cảm đến ... bất ngờ. Hoan hô báo Thanh Niên!).

Tổ quốc và toàn dân luôn ghi công các anh hùng, liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược, cho dù chỉ là lặng lẽ trong lòng, hoặc nói ra bằng lời và đưa ra đến công chúng. Như bài thơ của nhà thơ Thanh Thảo mà tôi vừa tìm thấy trên mạng hôm nay: http://thongcao55.blogspot.com/2013/02/ghi-trong-ngay-17-thang-2.html

Xin mời các bạn cùng đọc, và hãy im lặng một phút để tưởng niệm những người con của Tổ quốc  đã bảo vệ giang sơn Việt Nam của chúng ta.


I

thú thật, có một nhà lãnh đạo Việt Nam

ngày trước tôi không mấy yêu quí:

đó là Tổng bí thư Lê Duẩn

bây giờ biết những điều ngày xưa chưa biết

bỗng thấy quí Ông vô cùng

dù đời Ông không ít sai lầm

thì đó vẫn là lãnh tụ duy nhất chống Trung Quốc bành trướng từ trong máu

người đầu tiên thoát Hán

người nhìn thấy dã tâm của “anh bạn lớn” từ rất sớm

người thề quyết chiến với một triệu rưỡi quân Tàu

ngay lúc họ mới tung chiêu “nạn kiều”



II

tháng 6/1978 tôi có mặt ở bến Nhà Rồng

chờ xem chiếc tàu Trung Quốc đón “nạn kiều”

rất nhiều người đứng trên bến tàu mặt căng thẳng

không biết họ đang nghĩ gì

tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì

chỉ biết lúc ấy

chưa ai nghĩ có một ngày 17/2/1979



Lê Duẩn đã nghĩ



vậy mà ngày 17/2/1979

Ông vẫn bất ngờ



III

những ai đã khiến Tổng bí thư ngày ấy bất ngờ ?

trả lời câu hỏi này, là tìm ra kẻ phản bội



IV

chỉ một gã thượng tá Tám Hà chiêu hồi

đủ cho cả đợt 2 Mậu Thân tơi bời



V

xưa nay, tởm nhất là bọn phản bội

nhưng đáng sợ nhất, cũng là chúng



VI

17/2/2013

những “cuộc chiến tranh mềm”

những lệnh miệng khuất lấp từ đâu đó

những ấp ứ trong cổ

báo in sợ viết hai chữ “Trung Quốc” như sợ phỏng lửa

giặc rập rình ngoài ngõ

đêm thanh vắng “người nhái Tàu” trồi lên từ chân sóng Trường Sa

cười dọa và giết


trong nhà cứ ăn nhậu vô tư


nên gọi cái này là gì nhỉ?

Nhà thơ Thanh Thảo kết thúc bài thơ bằng câu hỏi: "Nên gọi cái này là gì nhỉ?" Nhưng thực ra là ông đã trả lời rồi: Đó chính là sự phản bội.

Người Việt Nam vốn vẫn tự hào vì mình là những con người chung thủy. Chúng ta sẽ không bao giờ phản bội. Chúng ta sẽ không quên ngày 17/2.