Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Họ vẫn cứ ra đi

Chép lại bài viết trên fb cuối năm 2019
------
Hôm nay là ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2018. Thêm một ngày nữa là đã bước sang năm 2019 rồi.

Thế hệ của tôi, họ bắt đầu ra đi, lác đác từ những năm 79. Đi "bán chính thức".... Đa số họ là con cái của các gia đình tư sản thành đạt từ chế độ cũ, phải ra đi vì họ không được chấp nhận trong xã hội mới. Năm ấy tôi 19 tuổi, mới vào đại học, và lòng thì phơi phới vô cùng vì nghĩ rằng chiến tranh chết chóc đã qua đi, giờ chỉ cần học xong, có một nghề nghiệp ổn định là thế hệ của chúng tôi sẽ nhanh chóng xây dựng lại đất nước để sánh vai cùng thế giới.

Thế hệ của tôi,  họ ồ ạt ra đi trong những năm 1989. Đành đoạn dứt áo ra đi tìm đường sống. Vượt biên, thuyền nhân. Đất nước khủng hoảng sau lần đổi tiền cuối cùng vào năm 1985. Lúc ấy tôi 29 tuổi, đã là giảng viên đại học, có gia đình và 1 đứa con 2 tuổi. Hai vợ chồng đi làm trong khu vực công (vì làm gì có khu vực nào khác!), và dù là gia đình "2 thu nhập" với chỉ 1 đứa con nhỏ mà chúng tôi vẫn ... đói triền miên với đồng lương nhà nước.

Những năm 1999, đất nước đã mở cửa, bắt đầu hội nhập với thế giới. Tôi đã có bằng tiến sĩ được vài năm (vô cùng hiếm hoi vào thời ấy) từ một học bổng viện trợ của Úc dành cho VN, là phó khoa của một trường đại học công lập lớn ở  Sài Gòn, và có thêm đứa con thứ hai. Lúc ấy tôi 39 tuổi, và mặc dù biết rằng bạn bè tôi đã rục rịch bắt đầu tính toán việc "vượt biên bằng máy bay", tôi vẫn tin rằng VN đã đi vào đúng quỹ đạo của thế giới tự do và phát triển, rất cần sự đóng góp của những người may mắn có cơ hội học hành tử tế như tôi. Niềm tin ấy được chia sẻ và củng cố bởi ông xã hiền lành nhân hậu của tôi, và cứ thế, chúng tôi cắm đầu làm việc, sống thanh bạch nhưng lương thiện, sinh hoạt hết sức giản dị và tiết kiệm, đến độ một người đồng nghiệp cùng khoa của tôi đã phải  thốt lên: PAnh sống như người đi tu. (Cảm giác ấy sau này cô con dâu cũng xác nhận.)

Những năm 2009, VN đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đã là thành viên WTO, nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã được thiết lập, khu vực tư nhân bắt đầu phát triển. Tôi đã 49 tuổi, đã đứng đầu một đơn vị rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng trong ĐHQG-HCM dù là một người không Đảng - được bổ nhiệm chỉ vì năng lực, bất chấp "lý lịch xấu". Tôi được quyền sử dụng ngân sách, là chủ tài khoản, toàn quyền tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự dưới quyền (trừ cấp phó), toàn quyền sử dụng tài chính và tài sản công được cấp miễn là theo đúng quy định, toàn quyền quan hệ với thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Quyền khá lớn, và tôi cũng làm được khá nhiều, nên tôi thấy khá hài lòng, trừ một việc: Lương của tôi (và của nhân viên) theo quy định của nhà nước vẫn là một đồng lương chết đói! Và để khỏi chết đói, tôi vẫn phải đi dạy vào buổi tối và cuối tuần. Không ai hiểu tại sao lại như vậy, khi công việc của tôi được xem là "khá béo bở", không cần lương, chỉ cần bổng là đủ! Bạn bè tôi - số ít ỏi còn ở lại VN - lúc ấy đã có nhiều người phất lên, (một số vì "trúng quả", đa số là do làm cho những công ty đa quốc gia, lương cao ngất ngưởng), đã/đang bắt đầu thực hiện kế hoạch cho con cái đi tỵ nạn giáo dục, còn bản thân họ thì mua nhà ở nước ngoài, mua thẻ xanh ở Canada, Mỹ, Úc.... Tóm lại, bao nhiêu năm rồi họ vẫn (cứ) ra đi.

Còn 2 ngày nữa là bắt đầu 2019, tôi bước sang tuổi 59. Rất muộn màng nhưng trễ còn hơn không bao giờ, tôi đã ra khỏi khu vực công đến nay được gần 8 năm, đã có lương hưu sau hơn 30 năm làm việc, vẫn tiếp tục không phải là (và sẽ không bao giờ là) Đảng viên, đã kịp cho cô con gái đi tỵ nạn giáo dục vài năm qua (cậu con trai đầu thì học hoàn toàn trong nước vì bố mẹ sống thanh bạch lương thiện và làm việc trong khu vực công thì tiền đâu mà cho con tỵ nạn?). Vài ngày qua, đọc tin tức về vụ LNMQ, rồi vụ đoàn du lịch VN trốn ở lại Đài Loan, nhìn lại đời mình tôi thấy tiếc những cơ hội của cá nhân mà tôi đã từ chối vì những lý tưởng ngây thơ, thấy mình thật buồn cười, và cũng thấy thật buồn. Mọi thứ trên đất nước này đã thay đổi, phải nói là đảo lộn tất cả.

Chỉ có một thứ dường như không thay đổi: Họ vẫn ra đi!

Khi kẻ chinh phục bị đồng hóa

Khi kẻ chinh phục bị đồng hóa
-----
Khi đọc lịch sử trên thế giới ta sẽ thấy có rất nhiều trường hợp kẻ đi chinh phục bị đồng hóa ngược về mặt văn hóa. Ấy là khi một nền văn minh cao hơn lại là kẻ thua cuộc do những bất lợi về thời thế, hoặc yếu kém về chính trị hoặc quân sự, như khi có kẻ nội gián phá hoại ở bên trong, hoặc khi những cải cách đúng nhưng hơi sớm và chưa được đám đông ủng hộ.

Lúc ấy, kẻ chiến thắng đại diện cho một nền văn minh thấp hơn chắc chắn sẽ thực hiện những chính sách mang tính hủy diệt đối với nền văn minh cao hơn -- đơn giản vì họ không hiểu giá trị của những gì họ phá hủy. Và cùng với đó là sự than rền rĩ không được thốt rõ thành lời, sự nghiến răng chịu đựng, thậm chí gượng cười làm vui của kẻ bị chinh phục, nuốt hận mà nhìn những thành tựu, những giá trị của nền văn minh mà trước đây mình đã từng biết bị phỉ báng, bị lăng mạ, bị đập phá ngay trước mắt mình, mà không thể phản đối hay đơn giản chỉ là giải thích, ngăn can...

Những điều đang xảy ra ở Trung Đông dưới bàn tay ISIS là một ví dụ hùng hồn cho cái chính sách hủy diệt ấy.

Và điều phải đến sẽ đến: một quá trình đồng hóa tất yếu để kéo mặt bằng văn minh của toàn xã hội xuống cho bằng trình độ của kẻ cầm quyền. Những gì mà thế hệ thứ nhất cảm thấy không thể chấp nhận sẽ trở nên chấp nhận được ở thế hệ thứ hai, và trở thành bình thường ở thế hệ thứ ba.... Và cứ thế.

Nhưng hượm đã.... Bao giờ cũng vậy, những giá trị của nền văn minh cũ tưởng đã hoàn toàn biến mất không hiểu sao bỗng từ từ trỗi dậy trong xã hội mới. Và chính con cháu của những kẻ chinh phục,  "tầng lớp ưu tú mới" lại chính là những người hăng hái khôi phục những giá trị cũ, dù không phải là hoàn toàn vì sự hạn chế về trình độ hiểu biết của họ, và cũng vì hoàn cảnh đã thay đổi ít nhiều.

Chỉ có điều những người này không biết hoặc không muốn biết và không thể thừa nhận nguồn gốc của những giá trị mới mà họ đang tạo ra (thực ra là khôi phục lại) mà thôi. Ngược lại, với sự kiêu ngạo cố hữu của người chiến thắng, họ cho rằng đó chính là những sáng tạo của họ; họ tin rằng mình là chủ nhân của một nền văn minh mới mà họ đang tạo dựng ra.

Các nhà sử học gọi đó là quá trình đồng hóa ngược khi kẻ bị chinh phục lại đồng hóa kẻ đi chinh phục - dù có ai thừa nhận điều này hay không thì cũng thế. Nhưng quá trình ấy diễn ra như thế nào thì ít người phân tích ra được. Mà cũng phải thôi, vì quá trình ấy diễn ra từ từ như như mưa dầm thấm đất; nó không có những cuộc cách mạng long trời lở đất để các nhà sử học có thể ghi lại sự kiện mà phân tích. Để hiểu quá trình này có lẽ chỉ có những người trong cuộc và phải mất hàng nửa thế kỷ trở lên mới thấy được. Vậy nên cần phải có văn học nơi số phận của những con người được ghi lại một cách cách trung thực dù không chính xác hoàn toàn về từng chi tiết.

Như một người luôn thuộc về phe thiểu số, khi đọc văn học của các quốc gia tôi đều quan tâm đến các tác giả và tác phẩm viết về những kẻ bên lề.  Như những tác giả da đen trong văn học Mỹ hoặc sau này là tác phẩm của những người nhập cư. Và tôi nghĩ, độ mở và sự bao dung của một nền văn hóa ra được thấy rõ nhất khi những người thiểu số,  những kẻ bên lề trở thành những tác gia được xã hội thừa nhận và vinh danh.

Đó cũng là lúc những giá trị của bên thua trận đã chinh phục được kẻ thắng trận, và cũng là lúc quá trình "đồng hóa ngược" được xem như là hoàn tất. Quá trình này có thể chủ động hoặc bị động, và ta cũng có thể gọi nó bằng một cái tên gọi khác dễ nghe hơn, như "quá trình giao thoa văn hóa" chẳng hạn.

Và chỉ đến lúc ấy thì mới có cái gọi là hòa hợp, hòa giải hay thông cảm gì đó vì mọi người đã suy nghĩ giống nhau sau và chấp nhận những giá trị như nhau.
------
Ghi vụn vào một ngày cuối tuần nhân dịp nghỉ 30 tháng 4 -1 tháng 5, 45 năm sau ngày ngày chấm dứt chiến tranh để mở ra một cuộc chiến khác âm thầm hơn trong mỗi lòng người....