Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Tản mạn Toronto


Chỉ vừa đến, mà giờ tôi đã rời khỏi Toronto rồi! 4 ngày bận rộn, chưa kịp có cơ hội để hiểu về thành phố ấy, chỉ là những ấn tượng mơ hồ, những cảm nhận thoáng qua thôi.

Nhưng những ấn tượng mà Toronto để lại trong tôi sao mà dễ thương thế không biết? Chẳng hiểu rồi tôi có bao giờ có dịp trở lại cái thành phố hiền lành, nhẹ nhõm ấy không nhỉ? Chỉ biết, tôi sẽ mãi nhớ về Toronto như một thành phố thân thiện, xanh tươi, và rất nhiều hoa tulip.

Hoa tulip, loài hoa xinh xắn với những sắc màu tươi thắm, trước khi đến Toronto tôi chỉ nhìn thấy trong ... TV, hoặc trong hình, thực vậy. Nhưng ở Toronto tôi có thể thấy bất kỳ ở đâu. Trong công viên. Trên bãi cỏ xanh trong khu building trước khách sạn. Trong các chậu hoa trồng dọc trên đường đi.

Tôi cũng sẽ nhớ những công viên với bãi cỏ xanh rì, những cây phong cổ thụ - lá xanh chứ không đỏ, vì đang là mùa xuân mà - với những chú sóc tinh nghịch, nhảy nhót dạn dĩ từ trên cây xuống đất rồi lại nhảy lên rượt đuổi nhau. Những băng ghế trong công viên, trông cổ cổ, cũ cũ, nhưng rất thân thiện và mời gọi. Gọi những bước chân mỏi mệt như của tôi, để ngồi xuống, hưởng chút gió lành lạnh, chút hương của những loài hoa đang tỏa ra lẫn với mùi cỏ cây, thơm thơm, ngai ngái, và đôi khi hăng hắc ...

Rất bình yên, đó là cảm giác của tôi khi ngồi trên một chiếc ghế như vậy, chiều hôm trước ngày rời Toronto. Chỉ có một thoáng buồn: Giá mà tôi không đang ngồi chỉ một mình như vậy, mà là ngồi với người đã cùng với tôi đi qua hơn 25 năm của cuộc đời vất vả này.

Tôi cũng sẽ nhớ những bữa ăn trong những tiệm ăn đa dạng của Toronto. Chỉ vài ngày, mà tôi đã kịp thử đến 5 loại ẩm thức khác nhau - ẩm thực Ai Cập, rồi Mễ, rồi Nhật, rồi Trung, rồi Thái. Quả là một thành phố đa văn hóa, kết quả của một dân tộc bao dung...

Tôi sẽ nhớ Toronto, và mong có ngày trở lại, nhưng không phải là một mình, Toronto nhé!

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Bé sợ lắm!

Trước hết, xin giải thích: tựa entry này là tôi nhại theo tựa phim "Bi, đừng sợ", một phim VN khá nổi đình đám gần đây, nhưng tôi chưa xem (đang định xem đây).

Còn nữa: Bé, ấy là tên ở nhà của tôi ngày tôi còn ... bé!

Gọi là bé, là vì hồi ấy tôi nhỏ con (chắc là suy dinh dưỡng), lùn mãi, không lớn. Vào lớp 6, có bạn bè đã cao đến mét tư, nặng trên 35 ký, thì tôi chưa đến mét ba, và mới có ... hai mấy ký thôi.

Lại nữa, tôi đóng vai em út trong nhà rất lâu, đến ... 5 năm (mẹ tôi trung bình 2 năm sinh một người con), do 2 đứa em kế của tôi mất rất sớm (hình như một đứa chỉ mới được có mấy ngày là mất, đứa kia thì chưa được một năm thì phải), nên mãi đến khi tôi 5 tuổi tôi mới được lên làm chị (không còn là đứa bé nhất trong nhà). Nên tôi luôn được xem là bé, theo nghĩa là không được quyền tự chủ, cái gì cũng phải có người lớn dẫn đi, cho phép, bảo bọc, chăm sóc .... Riết rồi quen, đâm ... khờ, cái gì cũng sợ!

Đến lớn thì khác. Tôi chuyển từ tâm lý đóng vai "bé" ở trong nhà, đùng một cái bỗng phải đóng vai đứa con lớn nhất trong nhà. Do chị và anh lớn của tôi đi "di tản" vào những ngày cuối của cuộc chiến tranh Nam-Bắc, nên sau năm 1975 tôi trở thành người cùng mẹ tôi tham gia vào việc cáng đáng mọi việc trong nhà (bố tôi nghỉ việc, đau ốm, và ... bất đắc chí, ngại tiếp xúc với chính quyền, do chính quyền cách mạng có nhiều cách làm, cách nghĩ không giống với cái cách mà bố tôi được học dưới thời chế độ cũ ở trường Quốc gia Hành chính).

Phải ra ngoài, phải xông pha, cáng đáng mọi việc, với một người có tính cách như tôi (nghệ sĩ, hướng nội, thích thẩn thơ, thơ thẩn, đọc sách, làm thơ, viết văn, nghe nhạc, vẽ vời ...) thực ra là khó khăn ghê lắm. Tôi phải đóng vai một người khác, không phải là tôi. Cũng phải lên gân một chút, tỏ ra tự tin một chút, khi cần cũng phải biết đòi hỏi một chút, lạnh lùng một chút ... Ôi trời ơi, thực là khó.

Tận trong lòng, thực ra tôi vẫn có một nỗi sợ gì đấy, mơ hồ ...

Sợ người ta không thích mình, sợ người ta không ủng hộ mình, sợ người ta bắt nạt mình, sợ người ta lừa dối mình. Rồi lại sợ làm phiền người khác, sợ làm không đúng yêu cầu của cấp trên, sợ không hiểu hết bối cảnh sẽ kết luận sai về người khác (tội nghiệp người ta), sợ mình không giữ được lời hứa ... Tóm lại là sợ, sợ, và sợ.

Nên gần đây, thấy có phim "Bi, đừng sợ!" đoạt giải gì đấy, là tôi thích lắm, định bụng thế nào cũng phải đi xem.

Chưa xem được, nhưng mà có xem vài cái clip, thì thấy cậu bé Bi đó hồn nhiên lắm. Chẳng sợ cái gì cả. Chỉ có người lớn mới phức tạp, bí ẩn, đen tối ... và hay lo sợ mà thôi.

Ừ nhỉ, tại sao ta không giống như Bi, cứ hồn nhiên mà sống, có gì mà sợ cơ chứ?

Mới tự nhủ thế thôi, nhưng chưa kịp thực hành, thì tôi thấy quanh tôi sao có nhiều điều đáng sợ thế không biết.

Này nhé, các vụ đụng xe ngày càng nhiều. Chết.

Rồi các vụ đâm chém nhau, mà của học sinh đấy nhé, chứ chẳng phải tội phạm thanh toán nhau gì đâu. Cũng chết. Hoặc không chết, thì cũng bị thương, bị sỉ nhục, bị hành hạ.

Rồi nữa, lại còn mấy vụ vào đồn công an, hoặc điều tra hoặc tạm giữ gì đó, được ít lâu thì ... cũng chết! Lạ lắm. Ví dụ gần đây nhất là anh Nhựt, người tự nguyện hợp tác với công an để điều tra, tự nguyện ở lại đồn công an, rồi sau đó thì ... tự chết (thì tự tử mà).

Và hôm nay đọc báo thì thấy vụ HLV LMK, người là khách hàng của VN airlines (nhưng không thể là thượng đế) hình như bị phạt hành chính vì đã gây rối trên máy bay gì đấy. Mà theo tôi hiểu thì ông chỉ đòi lại cuống vé máy bay để được thanh toán, và đòi xuống máy bay, không bay nữa vì máy bay thay đổi giờ bay nhiều lần nên làm lỡ việc của ông.

Đọc xong tin này thì tôi ... sợ lắm, thực vậy, vì tôi cũng hay đi máy bay, và thường là của VN airlines, vì mình sử dụng tiền của nhà nước mà, nên phải bay hàng không VN chứ, khi nào không có chuyến bay thì mới bay của hãng khác.

Nhưng dù có yêu nước đến mấy, thì tôi cũng phải thừa nhận rằng tôi chẳng mấy yêu hàng không VN, ít ra là vì một việc: giờ bay cứ thay đổi liên tục, và việc này xảy ra như cơm bữa, đến nỗi khách quốc tế gọi ta là Vietnam Air Lies (tức Hàng không nói dối VN, nếu muốn dịch!)

Và đến vụ LMK, thì tôi lại càng sợ: nếu đòi cuống vé (vì bị cô nhân viên mặt đất giữ mất), thì có thể vừa bị đánh, vừa bị phạt hành chính, vừa bị cấm bay. Thì ai bảo nóng tính, phản ứng có lẽ hơi gay gắt, bức xúc.

Gì chứ tôi thì tôi cũng hay phản ứng gay gắt, bức xúc như thế đấy, nếu không nhịn được nữa. Thì các cụ nhà ta đã đúc kết rồi, người hiền thường hay cục. Nhịn mãi, nhịn mãi (cho xong tội), đến lúc không nhịn được nữa, đâm bùng nổ, vậy mà.

Nhưng nếu không đòi được cuống vé, thì làm sao mà thanh toán được với nhà nước, không lẽ bỏ tiền túi ra? Mà tiền túi thì có nhiều nhặn gì cho cam, lương một người có bằng tiến sĩ (!), học ở nước ngoài cẩn thận (!), gì thì gì cũng sử dụng thành thạo tiếng Anh (!), nếu đi làm cho bên ngoài sẽ được trả vài ngàn đô (tôi có offer thật, chẳng phải nói để lòe ai), cũng "có chức" (ấy chà, đừng có ai nói lái lại nhé!), vậy mà lương tôi tất tần tật chỉ khoảng dưới 10 triệu đồng thôi (mà còn phải đóng thuế thu nhập nữa chứ!), thì lấy ở đâu ra mà bù vào số tiền vé không hề rẻ kia?????

Tôi sợ thật ấy chứ, chẳng đùa một chút nào.

Hay là ... ừ nhỉ, hay là ... từ nay tôi không bay Vietnam Airlies (ý quên, airlines) nữa vậy?

Thế còn yêu nước? Thế còn ủng hộ hàng VN, thương hiệu VN? Chà, khó nghĩ thật!

Nhưng mà bay Vietnam Airlies - à, Airlines - thì .... Ôi, chỉ nghĩ đến đã thấy vã cả mồ hôi vì sợ rồi.

Bé sợ lắm!!!!!!!

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Anh hùng, nhà báo, ngộ nhận, và ngụy biện

Anh hùng, theo định nghĩa trong từ điển của VN thì đó là (1) "người có tài năng nổi bật và khí phách đặc biệt lớn, làm nên những việc phi thường"; (2) "người có công lao đặc biệt với đất nước, nhân dân"; và (3) "danh hiệu cao quý của nhà nước tặng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích đặc biệt với đất nước". (Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa - Thông tin 1998).

Theo định nghĩa ấy, tôi nghĩ GS Ngô Bảo Châu hẳn phải là một anh hùng theo nghĩa số 1, và có thể là nghĩa thứ 3 nữa vì tôi thấy nhà nước cũng rất quan tâm đến thành tích của ông và có tặng thưởng cho ông nhà cửa, huân chương, chức vụ gì gì đấy. Nhưng thực ra, đối với tôi thì mặc dù GS Ngô Bảo Châu là một tài năng không thể chối cãi, nhưng ông cũng chẳng gây cho tôi ấn tượng hay sự mến mộ gì đặc biệt, cho đến khi ông viết bài viết ngăn ngắn ấy, bài "Về sự sợ hãi", liên quan đến vụ Cù Huy Hà Vũ.

(Hượm đã, tôi vừa nhận ra cách viết của tôi thực ra cũng bị ảnh hưởng bởi cách viết của ông trong chính bài viết ấy, dù rằng tôi vẫn luôn phủ nhận vai trò thần tượng của ông đối với tôi. Chà chà, ảnh hưởng của GS NBC có vẻ rất khó tránh, chết thật đấy!)

Trong bài viết của mình, GS Ngô Bảo Châu đã so sánh CHHV như một vị anh hùng. Tôi nghĩ mãi, không rõ là "anh hùng" ở đây được hiểu theo nghĩa nào trong 3 nghĩa nêu trên. Chắc hẳn là không phải nghĩa số 3 rồi. Nhưng vẫn còn lại 2 nghĩa, nghĩa số 1 và nghĩa số 2. Không hiểu GS NBC muốn nói đến nghĩa nào nhỉ? Cái này mà muốn biết thì chắc chỉ có cách duy nhất là hỏi GS Châu thôi. Tiếc là sau bài viết ấy chẳng hiểu sao ông lại đóng mất blog của mình rồi, nên tôi không còn cơ hội để hỏi nữa. Tiếc thật ấy chứ!

Nhưng bài viết của GS Châu cũng đã lâu lâu rồi, và mọi người có lẽ cũng đã hơi quên quên rồi. Nếu cách đây vài ngày trên báo CAND không có bài viết liên quan đến sự ngộ nhận của GS NBC, nhắc lại đúng bài viết vốn đã từng làm nóng dư luận của GS NBC. Bài viết ấy ở đây.

Một bài viết khá thú vị, đặc biệt là vì nó được đăng trên báo CAND. Bởi đây vốn là một tờ báo mà người ta không mong đợi nhiều về sự văn vẻ hoặc hàm lượng tri thức cao. Điều này có hai lý do: đã là báo Công An, thì tin tức hẳn phải tập trung vào những vấn đề lùng bắt tội phạm, vốn mang tính kể lể với nhiều tình tiết cụ thể - đôi khi ly kỳ hấp dẫn, nhưng không đòi hỏi phải đầu tư suy nghĩ; hơn nữa, vì độc giả của tờ báo, nếu không phải là những người làm việc trong ngành an ninh, thì hẳn cũng là những người bình dân chứ chắc là ít trí thức, và điều này cũng đúng với cái tên của tờ báo là công an NHÂN DÂN cơ mà.

Nhưng riêng bài viết này thì khá là văn vẻ, có vẻ có nhiều hàm lượng tri thức, đặc biệt là đoạn đầu tiên, lấp lánh kiến thức về thần thoại Hy Lạp. Các bạn thưởng thức ở dưới đây này:
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar, vua Arthur, hoàng đế Charle-magne…

Sau phần mở đầu rất hoa mỹ nói trên, phần còn lại của bài báo có vẻ như là nhằm kết luận 2 việc: GS NBC viết như thế là không đúng; TS CHHV không thể là anh hùng (như nhà báo đã mổ xẻ trong bài - sẽ bàn sau). Cho nên, khi GS NBC viết như thế thì chẳng qua đó là do GS NBC ngộ nhận mà thôi.

Nhưng ngộ nhận là gì nhỉ? Tra tiếp Đại từ điển tiếng Việt, tôi thấy định nghĩa như sau: Ngộ nhận là "Hiểu sai, nhận thức sai". Ra thế, GS NBC tài giỏi thế mà cũng hiểu sai, nhận thức sai cơ đấy. Vì dám xem CHHV là một anh hùng.

Thế tại sao theo nhà báo QT thì CHHV lại không thể là anh hùng? À, quá đơn giản. Ông ấy có những cư xử tầm thường. Ví dụ, phát biểu khi tự ứng cử vào năm 2006, ông dám tự nhận mình là có tài có đức. Điều ấy, theo nhà báo QT, tác giả của bài viết, thật là ... tầm thường; ai lại tự nhận mình như thế cơ chứ?

Nhưng thực ra, tôi thì tôi lại cho rằng ngay cả trong phát biểu ấy thì CHHV cũng thể hiện mình là không tầm thường. Một người bình thường, được nuôi dạy ở VN thì sẽ bị thấm đẫm cái văn hóa khiêm tốn (giả vờ) để không bao giờ tự nhận mình như thế. Nhưng đấy chỉ là giả vờ thôi nhé, chứ có ai tự biết mình không có tài không có đức mà lại vẫn ra tự ứng cử bao giờ? Hay là, ứng cử là do ... tổ chức phân công nhỉ? Nhưng nếu vậy, chẳng lẽ tổ chức chọn sai người, chỉ chọn những người tài hèn đức kém? Làm sao có thể như vậy được, đúng không?

Ngoài phát biểu thiếu khiêm tốn nói trên, thì theo tác giả QT, dường như CHHV lại còn có âm mưu chiếm dụng nhà đất, đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, học hành và làm việc không rõ ràng gì đấy - nhưng những cái này nhà báo chỉ đá qua một chút thôi, không thèm chứng minh. Tôi hơi thắc mắc, vì chỗ này lập luận của nhà báo có vẻ hơi ... làm sao ấy, hao hao giống chiêu "đòn gió" - cứ nói đại một cái gì đó thiếu căn cứ, xong bỏ lửng ở đó, không chứng minh, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tha hồ cho thiên hạ suy đoán, mà mình thì không chịu trách nhiệm, vì tôi có nói gì đâu mà!

Nhưng đoạn thú vị nhất trong bài viết là đoạn chót, cũng với cách viết văn vẻ như đoạn đầu, với những trích dẫn trong thần thoại Hy Lạp, rất "lấp lánh ngôn từ" (cụm này là tôi mượn ngay trong bài báo của tác giả QT đấy):
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: "Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần". Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây, những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ.


Thực ra, tôi không đọc kỹ bài viết này, vì chẳng quan tâm đến GS NBC hoặc TS CHHV. Vì vậy, tôi hoàn toàn không đọc đoạn chót của bài viết. Nhưng thật thú vị, hôm nay tôi tình cờ đọc được bài viết của GS NVT về việc trích dẫn sai trong bài viết trên. Đại khái, câu gốc (vốn của Euripides) là như thế này cơ: Nếu các thần linh muốn hủy hoại ai đó thì trước hết sẽ làm cho kẻ ấy điên dại. Nhưng tác giả QT lại viết: "Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần".

Trong bài viết của mình, GS Tuấn cho rằng đấy là trích dẫn sai. Còn tôi, tự nhiên tôi nghĩ, hay là nhà báo ... hiểu sai tiếng Anh, tức, theo định nghĩa nói trên, là ngộ nhận? Chẳng hạn, ngộ nhận "gods" là Thượng đế, trong khi thật ra Thượng đế trong tiếng Anh sẽ phải dịch là God. Cái này hẳn là do nhà báo QT vô thần mà, không phân biệt được đa thần với độc thần là như thế nào, nên mới ngộ nhận thế. Và cũng là ngộ nhận nữa khi hiểu rằng "làm cho ai đó điên dại" cũng đồng nghĩa với "biến kẻ ấy thành một vị thần". Chà, riêng cái mục này thì thật khó giải thích tại sao lại có thể ngộ nhận như thế được.

Vì tôi cứ nghĩ, đã là nhà báo thì phải nghĩ kỹ, tìm hiểu kỹ, tra cứu kỹ lưỡng, rồi mới viết chứ nhỉ? Chứ nếu mình cũng hiểu sai - tức là "ngộ nhận", theo định nghĩa của ĐTĐTV mà tôi có trích dẫn ở trên, thì còn nói được gì ai?

Nhưng nếu đó không phải là ngộ nhận, thì nên hiểu đó là gì đây? Là ngụy biện chăng?

Lại phải xem lại định nghĩa của từ này nữa, trên cùng một cuốn từ điển. Ngụy biện là "cố ý dùng lý lẽ, cách bao biện có vẻ rất hợp lý, đúng đắn nhưng thực tế là sai, để rút ra những kết luận sai lầm, dối trá". Hừm, định nghĩa này hơi nặng đấy.

Tôi thì tôi không nghĩ báo CAND lại có thể ngụy biện. Vậy chỉ còn có thể là ngộ nhận thôi. Nhưng đã ngộ nhận, thì rõ ràng không nên nói người khác là ngộ nhận. Vì cái đó cũng giống như câu ca dao trong tiếng Việt: "Chân mình đã lấm bê bê/Còn cầm bó đuốc ...".

A nhưng mà tôi nhớ ra rồi, trong tiếng Anh có câu "it takes one to know one" - dịch nghĩa đen đại khái là "mình phải có vậy thì mới nhận ra người khác cũng vậy" chứ. Hoặc dịch thoát, là "suy bụng ta ra bụng người". Nên nhà báo của CAND nhận ra GS NBC ngộ nhận, vì mình cũng rất hay ngộ nhận.

Có thế thôi mà nghĩ mãi không ra! Chứ làm sao mà báo CAND lại có thể ngụy biện được, phải không nào?

Có ai nghĩ khác, hoặc thấy tôi sai chỗ nào, thì bảo cho tôi biết với nhé!

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Một bầy sâu

Hồi còn nhỏ, tôi rất sợ sâu.

Sâu, không hiểu sao, hồi ấy lại nhiều đến thế nhỉ? Dường như chỗ nào cũng có thể có sâu được thì phải. Này nhé, trước hết là sâu gạo. Những con sâu trăng trắng, nằm trong một bọc tơ cũng trắng, mà mỗi ngày khi ngồi nhặt gạo để nấu cơm là thỉnh thoảng tôi lại bắt được một vài con.

Gạo làm sao mà lại phải nhặt nhỉ, thế nào cô bé Khuê nhà tôi cũng hỏi mẹ như thế. Thì đúng rồi, bây giờ trẻ con có phải nhặt gạo nữa đâu, gạo trắng trơn, chỉ việc xúc đổ vào nồi cơm điện, tráng nước sơ sơ đi rồi đem nấu mà thôi. Chứ hồi ấy, chẳng biết có phải là nhà tôi nghèo nên mẹ tôi mua loại gạo rẻ tiền không hay là gạo nào cũng thế, nhưng tôi nhớ là khi lấy gạo thổi cơm thì thế nào cũng phải có động tác nhặt gạo - nhặt thóc còn sót lại, nhặt sạn còn lẫn trong gạo, và ... nhặt sâu!

Cứ mỗi lần nhìn thấy con sâu gạo phải nhặt thì tôi lại rùng mình, túm lấy nhúm gạo có con sâu bỏ lên tờ báo, rồi lấy đũa gạt từng hạt gạo trả lại vào rá gạo, cho đến khi còn lại con sâu nằm ngo ngoe trên tờ báo thì vội vàng đem đi đổ vào sọt rác. Khi làm xong, cảm thấy như đạt được một chiến tích!

Không chỉ có sâu gạo, mà còn có cả sâu rau. Sâu rau cũng nhiều loại lắm, chẳng thế mà người ta mới có câu "rau nào sâu nấy". Nhưng loại sâu rau đáng sợ nhất đối với tôi là sâu rau muống.

Những con sâu đen, to, và ... nhũn nhùn nhùn, rất dễ sợ nếu chẳng may đụng tay vào nó. Vì cảm giác rất ghê rợn: nó ươn ướt, lành lạnh, nhun nhũn, rất ... kinh.

Khi nhặt rau muống, nếu đã xác định được chỗ nào có sâu thì còn đỡ, chỉ cần ngắt đoạn rau có con sâu rồi vứt đi, là xong. Nhưng chẳng may mà không thấy trước được nó, nên khi đang cầm cọng rau bỗng ... bóp phải nó, thì Chúa ơi! Mọi người sẽ nghe thấy tiếng la thất thanh của tôi, cùng động tác nhảy nhổm lên và quăng "chéo" cọng rau xuống đất. Trước khi bình tĩnh lại và nhặt cọng rau có con sâu lên, vứt vào sọt rác.

Chưa hết, vẫn còn vài loại sâu khác, nguy hiểm hơn. Vì nếu không cẩn thận thì chúng có thể có cơ hội nằm trong miệng hoặc cả trong bụng của mình. Ấy là tôi muốn nói những con sâu nằm trong trái cây, ví dụ như ổi, táo (táo ta ấy), hoặc mận (tôi muốn nói đến quả "roi" của miền Bắc ấy).

Những loại trái này rất dễ có sâu, mà ác một cái, trái nào càng ngọt lại càng dễ bị sâu, mới là lạ chứ!

Thử tưởng tượng, bạn đang cầm trái mận cắn và nhai ngon lành, suýt soa kêu lên "ừ, quả mận này ngọt quá", thì bỗng nhìn thấy nửa trái mận còn lại trên tay bạn có một con sâu đang ngo ngoe ... Thế là hét lên, và nhè luôn miếng mận đang nhai trong miệng ra xem có con nào trong đấy nữa không. Thường thì không có, nhưng cũng có khi, năm thì mười họa, cái miếng vừa cắn trong miệng khi nhè ra cũng có sâu nữa, mới ghê chứ!

Việc ấy đã xảy ra với tôi một lần, từ hồi bé. Và sau đó, tôi cứ thắc mắc mãi: có bao giờ mình ăn phải sâu mà không biết, và đã nuốt xuống bụng mất rồi, hay chưa nhỉ?

Vái trời là chuyện ấy chưa xảy ra! Chứ nếu xảy ra rồi, thì đến chết mất thôi!

Mà, biết đâu tôi đã ăn mấy con sâu vào trong bụng rồi ấy, cũng nên!

Nếu tôi không ăn, thì cũng có thể đã có người khác ăn rồi. Vì nhiều sâu thế cơ mà. Không khéo mọi người còn ăn nhiều rồi nữa là khác. Ăn sâu, rồi thậm chí đẻ cả ra sâu nữa ấy chứ.

Chứ nếu không thì làm sao lúc này sâu lại nhiều đến thế? Cả một bầy nhung nhúc kia kìa.

Ở đâu ra mà dám nói như thế, tôi nghe có người hỏi tôi như vậy.

Thì còn đâu nữa, nó ở đây này. Lãnh đạo của đất nước đã nói đàng hoàng, không phải tôi nói đâu nhé.

Chỉ tội nghiệp cho nước VN và người VN mình quá đi thôi! Một con sâu cũng đủ chết rồi, huống chi nay lại còn cả một bầy sâu!

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Càng có "phốt", càng ngồi cao!

Đấy là lời lẽ của một người bạn cũ của tôi, người gửi cho tôi đường link dẫn đến entry này của một blogger, ở đây.

Bạn tôi chưa chịu ngưng ở đó, mà còn thêm một câu nói rất quen thuộc, nhưng cũng rất ... đau lòng (trừ phi là bạn không còn có thể đau được nữa, vì đã tê buốt), đó là: Việt Nam mình nó thế!

Xin không bình luận gì thêm, vì những việc như vậy tôi đã rất quen trong cuộc đời làm việc gần 30 năm của mình.

Trước đây thì những chuyện như vậy sẽ làm cho tôi bức xúc lắm lắm. Nhưng bây giờ, thì ... thôi! Kinh nghiệm của tôi là cứ thấy chỗ nào có dấu hiệu xảy ra tình trạng như trên, thì tốt nhất là nhanh nhanh mà tránh!

Chứ gì nữa! Ở lại, để rồi mang hết rượu ngon của nhà đổ vào bình chung, còn những người như thế thì đem nước lã đổ vào đấy, rồi thì chia đều à?

Chưa kể, những người đổ toàn nước lã, nhưng có quan hệ tốt, mồm miệng dẻo, biết tung hỏa mù, "smokes and mirrors", thì lại được xem là có công to, nên phải được tưởng thưởng. Còn mấy đứa nai lưng ra làm, nhưng không có quan hệ (vì mắc làm rồi, lấy đâu thời gian mà đi ... buôn vua!), lại còn hay có ý kiến ý cò, đóng góp cho cái chung tốt lên, thì ... coi chừng bị xem là gây mất đoàn kết nội bộ đấy.

Chà, gì chứ mấy việc này thì tôi rành quá đỗi.

Thử hỏi, thế này thì làm sao mà chẳng chảy máu chất xám. Người tài có muốn đóng góp chắc cũng khó thay, tốt nhất là bắn ra làm cho nước ngoài hoặc khu vực tư nhân thôi, chứ ở trong cứ thấy mấy việc như vậy thì chỉ cần bức xúc thôi cũng gần muốn chết rồi, và sẽ chẳng làm gì được nữa, thật thế!

Thì ... "Việt Nam mình nó thế"!

Chỉ là vài giòng lẩn thẩn nhân đọc một blog entry.