Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Bánh mì pate, con vọc, cơm 2000 và chuyện khối C


Bánh mì pate là một trong những thứ tôi thích ăn từ nhỏ. Đặc biệt là thời sinh viên nghèo đói của những năm 80 của thế kỷ trước. Đang đói, mà có được một ổ bánh mì pate kiểu Sài Gòn, với vị dòn dòn của bánh mì, béo béo của pate, thêm một chút nước tương (xì dầu) mằn mặn, vài lát dưa leo cho có chất tươi, vài lát ớt cay xé (ăn vào xuýt xoa, cho có cảm giác mạnh mà), vài cọng ngò thơm thơm … Còn gì bằng nữa, phải không, hỡi những sinh viên hoặc công nhân nghèo, đang lúc bụng đói.


Vâng, bánh mì pate là món ăn khoái khẩu của tôi, thích từ hồi nhỏ cho tới tận bây giờ. Không, nói chính xác là thích cho đến cách đây khoảng 10 phút.


Thích cho đến cách đây khoảng 10 phút, là sao? À, thì cách đây 10 phút tôi đọc được một bài trên báo mạng. Đọc xong, xin thề là tôi suýt ói, may mà bụng đói (muốn ói và bụng đói, tự nhiên thành vần, hay quá ta ơi!) nên đã không nôn thốc nôn tháo ra. Thôi, các bạn tự xem đi, chứ đừng bắt tôi tả lại nữa. Nếu không sợ ói, thì đọc bài xong nên xem luôn cả đoạn video clip nghen! Link dưới đây nè.






Còn con vọc, thì tôi mới nghe tên đây thôi. Xưa nay chưa nghe ai nói đến con này bao giờ. Nhưng gần đây thì tên của con vật này được đưa lên báo. Khổ, người VN nào mà chẳng biết cứ hễ được nêu lên báo là có chuyện chẳng lành. Người cũng vậy, mà con vọc – vốn là một con có họ hàng gần với loài người, nghe nói thế – cũng rứa mà thôi. Nên chuyện con vọc lên báo chẳng có gì là hay ho cho con vọc đâu, tôi biết trước là thế.



Biết là chẳng có gì tốt lành, nhưng ghê rợn như thế này thì quả tình tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Chẳng biết mấy “đại gia” ấy nghĩ cái gì nữa, vừa man rợ, vừa dốt nát, ăn sống nuốt tươi, như dã thú, sợ quá. Trướcđây tôi có nghe đến Từ Hy Thái hậu với thói quen ăn uống man rợ như ăn óc khỉ sống (!), nhưng cứ nghĩ đó là chuyện hiếm hoi của ngày xưa, lại có thêm mắm dặm muối của người đời sau, nên mới thế. Nhưng đây là chuyện ngày nay, thế kỷ 21, lại sờ sờ ở Việt Nam? Thực không biết nói gì hơn là thành ngữ quen thuộc thời “a còng” (không biết a còng là gì hả, nó là cái dấu này nè: @): bó tay chấm com, hết!




Các bạn muốn biết tôi nói gì phải không? Xin đọc ở đây, link:



http://www.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/73346/an-thit-vooc--thu-choi-man-ro-cua-dai-gia.html


Đọc đến đây, thế nào cũng có người trách móc, phê bình tôi, sao chỉ toàn nhìn vào những điều đen tối, nhìn vào mặt trái không thôi. Như thế là mất niềm tin vào cuộc sống, biết chưa? Mà mất niềm tin vào cuộc sống hiện nay, trong đất nước VN xã hội chủ nghĩa giàu đẹp (rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu/các nước anh em giúp đỡ nhiều – thơ Hồ chủ tịch đó) , tức là mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng ta (dù tôi không phải là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, nên technically gọi "Đảng ta" như thế là không đúng, nhưng mà quen … mẹ nó mất rồi). Vậy là sao???? Mầm mống phản động hả????? Chết chết …


Không ạ, tôi thề là không dám thế, chẳng qua là tình cờ đọc được mấy cái link nó xuất hiện trên facebook của mình nên mới vào đọc thôi, mà toàn là báo lề phải đấy chứ, có phải đọc của đài địch, báo địch gì đâu. Thôi, cũng phải tìm một cái gì tích cực mà nhắc đến, chứ không thì lại bị người khác nghĩ sai, tưởng mình phản động thì nguy hiểm quá. Ai chứ tôi thì làm sao có thể phản động được, có muốn phản động cũng phải … gan gan một chút, chứ hèn như tôi á, chưa khảo đã xưng, thì phản động thế nào được?



Thì đây, không cần phải tìm nhiều, cũng trên facebook, có ngay: Cơm 2000 đấy.


Không, không phải cơm dành cho Clinton ăn khi sang thăm VN, giống như Phở2000 đâu. Đây là cơm được bán với giá 2000 đồng tiền VN ạ. Cơm từ thiện, nhưng không phải bố thí, mà được bán đàng hoàng, theo kiểu trợ giá của nhà nước XHCN thời bao cấp í mà. Chỉ có điều, đây không phải là nhà nước, mà là tư nhân, một nhóm người tự nguyện đứng ra làm thôi. Các bạn đọc theo các cái link ở đây nhé (nếu không có nhiều thời gian chỉ cần đọc cái đầu tiên thôi):








Đọc, thấy ấm lòng. Có thế chứ, “cuộc đời vẫn đẹp sao” mà lại. Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người sống để yêu nhau”, Tố Hữu đã nói trong bài thơ nào đấy của ông. Những câu thơ cứ phơi phới, lồng lộng như thế, là bởi vì “Đảng cho ta trái tim giàu/Thẳng lưng mà bước ngửng đầu mà đi”; phải thế chứ, sao lại cứ bới móc mấy cái xấu xa ra mà nói, những cái ấy nó chỉ là hiện tượng thôi chứ không phải là bản chất đâu, hiểu chửa?



OK, bánh mì pate nói xong rồi, con vọc cũng nói rồi, và cơm 2000 cũng đã giải thích. Chỉ còn lại khối C trong cái tựa của tôi thôi. Nó là cái gì thế?



Á à, khối C ấy hả, có cái gì lạ đâu. Lâu nay, nhiều năm ròng rã, khối này cứ mất dần tính hấp dẫn đối với học sinh. Không giống thời của tôi, cách đây đến 40 năm rồi, khi những đứa học khối C (trước năm 75 cũng gọiđúng là ban C, tức là ban văn-sinh ngữ, nhưng sau năm 75 lúc bọn tôi học thì đổi thành ban A-B, trong đó A là văn-sử-địa và B là văn-ngoại ngữ) tuy vẫn bị xem là … khác thường, nhưng dẫu sao sự khác thường ấy cũng có thể được xem là biểu hiện của (một loại) tài năng.



Hồi ấy, những người học ban này xong thì ra đa số hoạt động trong lãnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, dịch thuật vv. Vốn là giới văn nghệ sĩ, nên họ bất thường, họ lập dị, và họ … nghèo, nhưng mà nghênh ngang, coi trời bằng vung, thậm chí tự cao tự đại (theo kiểu Cao Bá Quát, “trong thiên hạ có 4 bồ chữ, mình ta đã chiếm hết 2 bồ”), và được mọi người kính trọng theo một kiểu nào đấy. Mà những người ấy cũng có tài thật chứ, họ viết lách, họ tranh luận, họ có ảnh hưởng đến công chúng, họ tạo nên một cuộc sống văn hóa sôi động cho xã hội. Họ nói tiếng Tây, tiếng Tàu, đi Đông, đi Tây, có nhãn quan rộng, tầm nhìn xa, có lý luận, có khiếu ăn nói, có óc khôi hài, có … (thực ra còn nhiều thứ khác lắm các bạn ạ, nhưng nói nhiều quá thì người ta nghĩ rằng mình không khiêm tốn, hóa ra lại trái với lời dạy của Các Mác, hình như thế, rằng “khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa”, thì oan quá, nên …thôi, không khen nữa).


Thế mà bây giờ, khối C ấy chẳng còn ai thèm học nữa. Chỉ có mấy đứa dốt dốt (xin lỗi các bạn khối C nhé, tôi không nghĩ vậy đâu, vì tôi học khối C mà, nhưng mà xã hội người ta nghĩ thế các bạn ạ), học mấy cái khác không được, nên mới đành cắn răng vào mà học cái khối … thổ tả ấy thôi. (Viết đến đây, bất giác tôi thấy mình mắt ươn ướt, mũi cay cay, chả hiểu sao lại thế).



Để tự an ủi mình (rằng cuộc đời vẫn đẹp sao), tôi lại mò vào trang của nhóm Cơm 2000 để đọc. Để được thấy ấm lòng vì những nghĩa cử đẹp đẽcủa những con người giầu lòng nhân ái, có lý tưởng cao đẹp là phục vụ xã hội, giúp đỡ cộng đồng. Mặc dù những người ấy có lẽ không giàu về của cải, thậm chí tôi còn tin là họ nghèo nữa. Vì không lo kiếm tiền, chỉ lo chuyện bao đồng như thế, thì giàu ở đâu ra?



Nghèo, mà vẫn lo chuyện bao đồng; giàu, tiền không biết đổ đâu cho hết, nên phải … ăn thịt con vọc theo phong cách Từ Hy Thái hậu; nguyên nhân của việc này là do đâu nhỉ?



Còn do đâu nữa, cái gì mà chẳng do giáo dục mà ra? Tôi nghe văng vẳng bên tai có tiếng trả lời như vậy. Ừ, thì vì giáo dục, cũng đúng thôi. Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà lại, quan trọng thế còn gì. Chính vì nền giáo dục xã hội chủ nghĩa cao đẹp của chúng ta nên mới có được những con người tốt đẹp, cao thượng với những quán cơm 2000 đầy ắp tình người như thế,chứ còn gì nữa?



Tự nhiên tôi nghĩ, chẳng hiểu việc mấy người làm bánh mì pate có thêm mấy con … dòi bò lúc nhúc, miễn sao bán có lời, cũng như những kẻ đại gia lắm tiền có thú ăn thịt con vọc một cách man rợ kia, có liên quan gì đến sự khủng hoảng của khối C, hay nói văn hoa hơn là của những ngành nhân văn – con người và văn hóa – hay không nhỉ?


Ai biết bảo cho tôi với nhé.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Sau Văn Giang, tôi vẫn muốn làm nhà báo!

Làm nhà báo ở VN thì khổ, khổ như chó, thậm chí khổ hơn chó nữa. Điều này gần đây mọi người đã nói nhiều, kể từ vụ 2 nhà báo bị đánh khi đi làm nhiệm vụ ở Văn Giang.



Bị đánh tơi tả, bị còng tay, áp giải về đồn công an, bị thu thẻ nhà báo, thu cả thẻ Đảng (vật thiêng liêng mà các Đảng viên luôn để trong túi áo trái, phía trái tim, tôi nghe nói thế), mà khi được thả về vẫn viết được một bài viết đúng đường lối về vụ cưỡng chế. Vâng, chính anh Ngọc Năm, sau khi đã chứng kiến tận mắt và trải nghiệm bằng chính thân xác mình về những nỗi đau tinh thần và thể xác mà anh phải gánh chịu, vẫn tiếp tục viết bài ca ngợi về sự an toàn và đúng luật của đợt cưỡng chế này. Và vẫn nhẫn nhục, theo lời anh là “bình tĩnh”, chờ đợi sự lên tiếng và giải quyết của các cơ quan cấp trên có trách nhiệm về vụ cưỡng chế.



Nhiều người nói, như thế là quá nhục. Rằng ngay cả con chó, khi bị đánh, cũng còn “ẳng” lên được vài tiếng, well, ít ra là một tiếng. Còn đây, mang tiếng là nhà báo ở cơ quan to đùng, tứ trụ cẩn thận, mà bị đàn áp như thế vẫn phải chịu im tiếng, chẳng phải nhục sao?



Thực ra thì sau một hồi im ắng, bây giờ vụ việc đang rục rịch được đề cập đến và hy vọng sẽ được giải quyết theo một hướng nào đó. Tất nhiên là giải quyết như thế nào cũng  cần phải bàn. Ông xã tôi, một người có bằng ĐH Luật (dù không làm luật ngày nào cả) thì nói rằng việc này có gì khó đâu, nhà báo Ngọc Năm kiện về việc bị đánh, thì đưa hồ sơ ấy ra tòa, tòa sẽ có trách nhiệm tổ chức xét xử, nếu nhà báo Ngọc Năm vu cáo thì sẽ xử nhà báo Ngọc Năm, còn nếu có việc đánh người thật (thì thương tích trên mình còn đó, nhân chứng vật chứng còn sờ sờ ra đó, anh ta bị đưa vào đồn lúc nào, tại sao, ai đưa vào, trên mình có thương tích gì, biên bản đâu vv) thì cứ theo luật mà áp dụng. Có gì đâu mà khó, mà cứ phải đẩy tới đẩy lui hết người này đến người kia trả lời, lúng ta lúng túng như thế?



Tôi nghĩ mọi việc không đơn giản như ông xã tôi nói được. Vì đây là việc … nhạy cảm (sao tôi dị ứng với cái từ nhạy cảm thế không biết). Nếu đã có lệnh (miệng) rằng bằng mọi giá phải giải tỏa cho được, nhưng phải làm nhanh, gọn và không gây dư luận, thì rõ ràng là lực lượng cưỡng chế thấy rằng mình phải làm mọi cách để không có bất cứ hình ảnh xấu nào lọt ra ngoài. Thì phải mạnh tay chứ sao (!).  Mạnh để trấn áp kẻ dám chống lại lệnh cấm, và còn để làm nhụt chí những kẻ nào đang có ý đồ lăm le chống lệnh, chụp ảnh quay phim tung lên mạng để bôi nhọ hình ảnh của một chế độ tươi đẹp mà ta đã phải dày công tô vẽ bao lâu nay.




Chứ gì nữa, làm mạnh thế mà vẫn có ngay các video clip “xấu xa” được tung lên mạng ngay lập tức; nếu không mạnh tay thì có mà loạn à, làm sao tiếp tục giữ vững chế độ để mà kiên định trên con đường xã hội chủ nghĩa được nữa. Người VN ta vốn chung thủy mà, sao lại có thể bỏ cái khối XHCN lúc đang khó khăn thế này, ngày càng thu hẹp, chỉ còn có mấy nước anh hùng, kiên trì theo đuổi như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều, và Việt Nam mà thôi. Vẫn cứ phải tuyên truyền đẹp lắm chứ, anh hùng lắm chứ, thời đại chúng ta, thật là vẻ vang …, y như trong bài ngày xưa, cái gì mà chị Sáu dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, hai chị em trên hai trận tuyến … ấy.



Tóm lại, chẳng biết ai nghĩ thế nào, chứ tôi nghĩ là những vụ cưỡng chế như thế này vẫn còn tiếp tục diễn ra, và mọi người cứ nhìn vào vụ ăn đòn của mấy nhà báo vừa qua mà lấy đó làm gương. Đừng có dại mà láng cháng đến quay phim, chụp ảnh ở mấy cái chỗ cấm (bằng lệnh miệng) như thế. Đừng có mà hy vọng tranh luận, “giấy tờ đâu”, “luật có cấm không”, “tôi là nhà báo” …. Giấy với chẳng dó, luật với chả lệ, nhà báo với chẳng nhà beo …. Quên đi nhé.



Thế tại sao tôi lại vẫn muốn làm nhà báo? À, thì thế này. Tôi theo dõi vụ hai nhà báo bị đánh thì thấy có mấy phát biểu của mấy vị to to (chẳng nhớ là ai) rất đáng chú ý liên quan đến nhà báo. Ví dụ, khi bị đánh có xưng là nhà báo hay không? Rồi thì đi làm nhiệm vụ có đúng các quy định hay không? Rồi sau đó là những lời hối tiếc vì đã đánh nhầm nhà báo. Tóm lại, những lời nói đó khiến tôi cho có thể suy đoán vài điều.




Điều đầu tiên có thể suy ra là việc đánh đập dã man đó là được phép chứ không hề vi phạm gì cả. Nhưng riêng việc đánh trúng nhà báo đang đi làm nhiệm vụ đúng quy định thì cũng hơi đáng tiếc một chút, và đấy là sự nhầm lẫn. Vì dù có bưng bít thông tin đến đâu thì các cơ quan truyền thông của nhà nước cũng vẫn cần một số thông tin, hình ảnh thật để mà chế biến thành các bài tuyên truyền cho đúng chủ trương đường lối chứ. Vì dù là bài tuyên truyền, mà được viết một cách tương đối đúng nghiệp vụ – tức phóng viên phải có mặt tại hiện trường, phải có hình ảnh thật – thì hiệu quả tuyên truyền vẫn cứ cao hơn.



Như vậy có nghĩa là vẫn có một vài nhà báo được phép của cơ quan mình (không phải của lực lượng cưỡng chế) để đến những nơi nóng bỏng, nhạy cảm ấy. Tức là được trải nghiệm, được biết những sự thật thuộc loại “thâm cung bí sử”, dù rằng sau này họ viết cái gì lại là chuyện khác. Mà sự thật thì bao giờ cũng hấp dẫn đối với tôi (dù chỉ để biết thôi chứ chẳng thể làm gì, chỉ sống để bụng chết đem đi mà thôi).



Và quan trọng hơn nữa là điều này: lâu nay việc công an đánh dân ở VN, thậm chí đánh đến chết, có phải là điều gì mới mẻ nữa đâu, mà cũng có anh nào bị xử gì đâu. Chỉ có lần này đánh nhà báo mới thấy các vị tai to mặt lớn lên tiếng một chút, rồi lúng ta lúng túng xin thông cảm vì sự nhầm lẫn, thế thôi. Chứ nếu đó mà là dân ấy à, đánh thế chứ đánh nữa cũng chẳng là cái gì đâu nhá, nhá! Đừng có mà lôi thôi, bị đánh, bị đưa vào đồn công an rồi thả về thì mừng hết lớn rồi, có cho tiền cũng chẳng muốn dây vào các ông hùm ấy nữa. Có mà quỳ xuống lạy xin các ông ấy tha cho, chứ lại lôi thôi muốn kiện cáo à?


Chỉ có nhà báo mới dám kiện, dám trả lời đài địch phỏng vấn (mặc dù trả lời cũng rất kiềm chế, nhẹ hều), và nay mới thấy có lời xin thông cảm từ phía các vị quan to đấy thôi. Chứng tỏ ở VN người ta rất coi trọng nhà báo; nhà báo có quyền tự do cực kỳ cao, và được bảo vệ, được tôn trọng hết mức. Hoàn toàn không giống như luận điệu tuyên truyền của bọn phản động thù địch nước ngoài cho rằng không có quyền tự do báo chí ở VN!


Như thế, nếu tôi có muốn làm nhà báo, thì chẳng phải là hợp lý lắm sao? Cho dù nhà báo An Nam hiện nay bị người ta cho là khổ (nhục) … hơn cả chó!

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Văn Giang, Ngọc Năm và thơ Nguyễn Vĩ


Bài này tôi viết vội trước khi đi làm. Biết là sẽ không hay vì viết vội, nhưng vẫn không thể không viết. Tại sao thì các bạn cứ đọc đi rồi sẽ rõ.

Trước hết xin nói về Nguyễn Vĩ. Đó là tên một nhà thơ tiền chiến được nêu trong cuốn “Việt Nam thi nhân tiền chiến” của Hoài Thanh-Hoài Chân. Đọc đã lâu rồi, từ trước năm 1975, nên tôi chẳng còn nhớ gì mấy về nhà thơ này, trừ việc ông đã có mấy câu thơ bất hủ:

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó

Nhà văn An Nam khổ như chó…

Đấy là tình cảnh của nhà văn nước ta thời Pháp thuộc, bị nô lệ, mất nước, vô cùng khổ nhục. Thế nên dân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta (mở ngoặc chút: tôi vẫncứ thắc mắc về việc viết hoa chữ Đảng trong “Đảng ta” mà chữ dân trong “dân ta”thì lại phải viết thường; nhưng thôi, quy ước như thế nào thì tôi cứ viết như thế ấy, cho nó … lành, vì tôi là công dân tốt của nước CHXHCNVN mà lại) đã phải tiến hành cuộc cách mạng để lật đổ thực dân,phong kiến, để xây dựng nên một chế độ ưu việt, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản. Wow, tôi phục mình quá, viết một lèo, câu dài ngoằng mà vẫn trơn tru khôngvấp, và quan trọng hơn là vô cùng đúng đường lối. Ấy là do nền giáo dục và truyền thông xã hội chủ nghĩa ưu việt mà tôi đã được hưởng từ năm 15 tuổi tới giờ, tức ngoài 50 rồi.


 Ngoài hai câu thơ trên, tôi cũng nhớ một câu thơ khác của Nguyễn Vĩ, đó là “Chửi Đông, chửi Tây, chửi tất cả”. Ý của ông là ông chửi lung tung, vì chán đời, vì ngông nghênh, thì nhà văn An Nam mà, đằng nào cũng đã khổ như chó rồi, còn sợ mất gì nữa mà không chửi vung thiên địa lên cho nó … sướng miệng. Thế nhưng, cũng chính vì câu thơ này mà ông đã bị mật thám Pháp mời lên làm việc, và hỏi: “Anh nói anh chửi Tây là anh chửi ai?” Chết cha, Tây … cũng là cách mà người Việt ta gọi bọn thực dân Pháp, vì chúng từ phương Tây đến mà. Mặc dù nếu nói như thế thì ta cũng có thể gọi … Ấn Độ, hoặc thậm chí Campuchia là Tây, vì những nước này cũng ở phía Tây của VN.



Đúng là khổ thật, người dân của một xứ nô lệ, mất nước mà, nên chẳng có tự do gì cả, nói gì cũng bị chụp mũ, bắt bớ, phiền hà …


Vâng, đấy là tất cả những gì tôi muốn nói về Nguyễn Vĩ, một nhà thơ mà theo đánh giá của Hoài Thanh-Hoài Chân là “chí lớn mà tài mọn”, chẳng có gì đáng nhớ, ngoài mấy giai thoại cỏn con nêu trên. Nhưng không hiểu sao hôm nay tôi lại nhớ đến Nguyễn Vĩ, khi đọc báo về vụ Văn Giang.

Văn Giang là gì ư, chắc tôi  không cần giải thích, vì chắc chắn là ở VN không có ai là không biết. Mà không chỉ ở VN, ở nước ngoài, nói thẳngra là trên truyền thông thế giới, Văn Giang (và cùng với nó là Ecopark) đã trởnên một địa danh nổi tiếng. Với bức hình của “đoàn cưỡng chế” trùng trùng điệp điệp cả ngàn người, đầu đội nón bảo hiểm san sát nhau, đông lúc nhúc như mộtđàn ốc bươu xanh tràn vào phá nát ruộng đồng. Nhìn mà đau đớn, quặn cả ruột gan – tất nhiên, nếu đó là sự thật.

Nhưng may quá, đấy chỉ là sự xuyêntạc của bọn thế lực thù địch, phản động, chuyên chống phá nhà nước ta mà thôi. Chứ mộtnhà nước thực sự dân chủ, của dân, do dân, vì dân như nhà nước của ta thì ailại làm thế. Những hình ảnh, video clip về vụ cưỡng chế lạnh lùng và tàn nhẫn, dứt khoát triệt hạ những người nông dân không chịu giao đất cho … bọn tư bản trong và ngoài nước (vốn một thời là đối tượng phải tiêu diệt của cuộc cách mạng XHCN), đối xử với dân đúng như đối xử với kẻ thù ghê gớm nhất, hóa ra chỉ là hình ảnh giả, ngụy tạo để bôi xấu, chống đối nhà nước ta mà thôi.

Bạn hỏi tại sao tôi  phát biểu chắc như đinh đóng cột, tự tin như thế ư? Thì đó chính là lời của ông Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ mà. Nguyên văn lời của Ông Hào như sau:

“Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ vớinhững phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền.”

OK, sự thực về Văn Giang là như thế đó. Thế còn Ngọc Năm thì sao?

À, đấy là tên của một trong hai nhà báo mà nghe đồn là đã bị đánh đập, hành hung tàn nhẫn vì dám thực hiện phân công của cơ quan (là Đài Tiếng nói Việt Nam) đến Văn Giang để lấy tin. Tin đồn về vụ ông và một đồng nghiệp khác bị đánh đập dã man đã râm ran trên mạng (truyền thông lề trái) ít lâu, nhưng rất lạ là sau đó cũng xuất hiện trên báo chí lề phải. Hừm, không lẽ báo lề phải cũng đã có bọn thế lực phản động chui vào rồi ư? Lại thấy cả cuộc phỏng vấn ông Ngọc Năm trên BBC (hìnhnhư là của thế lực thù địch, phản động nước ngoài?) nữa chứ. Tôi thắc mắc quá nên cũng có tò mò để nghe lời phỏng vấn ông trên đài, và thấy ông cũng xác nhận điều đó. Hừm, lạ quá.

 Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm thấy mừng, vì phải nói rằng ông Ngọc Năm là một công chức/viên chức rất ngoan, thực sự là một con người gương mẫu, là sản phẩm lý tưởng của nền giáo dục XHCN ưu việt. Những gìông nói trong cuộc phỏng vấn cho thấy ông hoàn toàn tin tưởng vào chế độ và cótính chấp hành rất cao, dù “tinh thần có hơi mệt mỏi” do bị hành hung, đánh đập bởi các anh công an, vốn lãnh lương từ tiền thuế của dân để bảo vệ dân, khi đang làm nhiệm vụ. Theo thông tin lề trái thì ông không chỉ bị đánh mà còn bị chửi mắng thậm tệ, thậm chí bị sỉ nhục. Thế mà trong phần trả lời phỏng vấn của ông thì vẫn hết sức nhỏ nhẹ, không hề nóng giận, không có một câu nào thanphiền, dù đơn thư của ông gửi đi để khiếu nại đã bao ngày nay cũng chưa hề có cơ quan chức năng nào hồi đáp. Ông vẫn thế, vẫn kiên định một lòng tin vào chế độ, và vẫn “bình tĩnh chờ”, như tất cả mọi người dân VN vẫn bình tĩnh chờ, chờ một ngày mai tươi sáng hơn khi chúng ta xây dựng thành công thiên đường cộng sản trên đất nước này.

Chỉ có điều, nghe ông nói xong, tôi bỗng thấy cổ họng đắng nghét, nghẹn ngào, và cay cay ở mắt.



Và, rất lạ, chẳng hiểu sao tôi bỗng nhớ Nguyễn Vĩ với mấy câu thơ bất hủ của nhà thơ ... khổ như chó ấy.

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

“Dưỡng liêm”, và … khóc!

Tôi đang định viết tiếp cái entry nhiều kỳ “Tản mạn cuối tháng 4” cho nó xong dịp 30/4 như đã hứa, nhưng ông xã tôi lại cứ muốn tôi phải viết một bài về “dưỡng liêm” cơ.


Nói chính xác, ông ấy đặt cho tôi một câu hỏi như thế này: “Em nghĩ gì về cái gọi là tiền dưỡng liêm?” Tôi đã nói là tôi không biết gì về việc này và cũng quan tâm đến vấn đề đó, vì còn đang bận quan tâm đến 30/4. Nhưng ông ấy bảo, chuyện 30/4 là chuyện đã cũ xì rồi, muốn hay không thì nó cũng đã xảy ra và trở thành lịch sử, trong khi dưỡng liêm là việc mới, cần phải quan tâm, và tốt nhất là tôi nên viết một bài để mọi người cùng quan tâm nữa.


Vậy cũng được, OK, viết về “dưỡng liêm”. Nhưng muốn viết về cái chủ đề đó thì phải tìm hiểu đã chứ, tôi có biết gì đâu mà viết. Và thế là tôi hì hục lên mạng tìm hiểu về cái vấn đề nghe rất chi là … “tàu phù”, phong kiến đó: “dưỡng liêm”. Tôi nghĩ cái từ “dưỡng liêm” này chắc cần phải giải thích một chút, vì có lẽ không phải ai cũng hiểu được “dưỡng liêm” là gì, đặc biệt là những người Việt xa quê, “khúc ruột ngàn dặm” dài lê thê (thấy mà ghê) theo cách gọi của nhà nước khi cần “lấy lòng” Việt kiều để họ tiếp tục chuyển tiền về nước (nghe nói một năm cũng nhiều tỷ đô la gì đấy ?).


Dưỡng liêm là gì? Nói nôm na thì “dưỡng liêm” có nghĩa là để nuôi (= dưỡng) sự liêm khiết, ở đây có nghĩa là cung cấp cho họ một số tiền ưu đãi để họ đủ sống bằng đồng tiền lương thiện và không phải kiếm chác thêm bằng cách hạch họe dân nữa. Hừm hừm, thế là thế nào nhỉ, tóm lại ngành nào càng hay hạch họe dân thì càng có cơ hội được thưởng bằng tiền dưỡng liêm? Kể cũng lạ.


Nhưng thôi, tạm quên chữ nghĩa của từ này, hãy quay lại tìm hiểu thực tế của chính sách dưỡng liêm cái đã. Tôi chỉ cần google một cái, thế là có ngay một lô một lốc thông tin về việc dưỡng liêm. Chuyện gần nhất, và nổi đình đám nhất, là việc cách đây ít lâu ông bí thư thành ủy Đà Nẵng, nhân vật nổi tiếng Nguyễn Bá Thanh, đã đưa ra một chủ trương rất táo bạo là cấp tiền “dưỡng liêm” cho CSGT mỗi người 5 triệu đồng một tháng.


Hừ hừ, khó thở quá; tôi chỉ cần đọc đến đây thôi là cơn bức xúc nổi lên liền tắp lự. Nhớ nhá, 5 triệu một tháng mà chỉ là dưỡng liêm thôi, chưa kể lương chính? Và cho một cảnh sát giao thông, là cấp quyền lực thấp nhất trong ngành các an ninh, cảnh sát? Vậy thì có ai giải thích được cho tôi hiểu logic của mức lương mà nhà nước cấp cho tôi sau gần 30 năm làm việc trong một trường đại học không nhỉ?


Tôi, một người có bằng tiến sĩ hẳn hoi, học ở nước tư bản cẩn thận (từ lúc có bằng tiến sĩ đến giờ cũng một đúng thập niên rưỡi rồi); chưa kể tôi sử dụng được tiếng Anh thành thạo, nghe nói đọc viết đủ cả, vi tính cũng không tồi, lại còn biết cả phân tích thống kê (không giỏi lắm, nhưng làm được) nữa nhé, còn viết lách ư, chuyện nhỏ, khi có hứng thì viết vài ba trang trong vòng vài ba tiếng chỉ là trò trẻ con. Vậy mà lương của tôi cách đây gần một năm (bây giờ thì tôi nghỉ nhà nước rồi) chỉ mới được khoảng gần 5 triệu thôi, cộng thêm các loại trợ cấp (chức vụ, trợ cấp giảng viên vv), và cả tiền làm thêm của cơ quan nữa, mới được xấp xỉ 8 triệu. Thế này thì công bằng ở chỗ nào chứ???


Thế nhưng chủ trương này không phải là không có người ủng hộ nhé. Có nhiều người cho đó là một chủ trương hay, ví dụ như “Cu Vinh” tức nhà văn Nguyễn Quang Vinh thì cho đây là một điều rất nên làm, và trên thực tế thì đó là một chủ trương mà chính các vua chúa thời nhà Nguyễn ngày xưa cũng đã làm chứ chẳng phải đến thời nay mới có. Link của bài viết ở đây này: http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/03/21/2910/.


Tò mò, tôi tìm hiểu thêm về việc dưỡng liêm của thời phong kiến, và tìm thấy entry trên wikipedia. Thì ra việc dưỡng liêm đã có từ rất lâu, không phải chỉ có thời Nguyễn mà tận thời Lê, trước hết là như một phần thưởng cho sự liêm chính của các quan, hoặc cấp ruộng để cày cấy như một phần hỗ trợ bù thêm thu nhập cho các quan. Mãi về sau, sang đời nhà Nguyễn thì dưỡng liêm mới có hình thức là một món tiền bù thêm để khuyến khích sự liêm chính (tức có đồng lương đủ sống nên không cần phải “kiếm chác”). Cũng theo wikipedia, chính vì có chính sách dưỡng liêm này mà (phần lớn) quan lại dưới thời nhà Nguyễn giữ được sự liêm khiết của mình.


Ái chà, thế này thì … cũng hay đấy chứ, gì chứ tham nhũng thì tôi cực ghét. Mà chẳng riêng gì tôi, tôi tin là ai cũng ghét, kể cả nhà nước, nhưng dường như ai cũng biết là đành phải bó tay, chấp nhận sống chung với tham nhũng thôi, vì khó lòng mà chống được nó. Nhưng nay đọc xong về dưỡng liêm, bỗng ngộ ra rằng, hóa ra chống tham nhũng cũng … dễ ra phết nhỉ? Cứ ngành nào tham nhũng càng nhiều thì chỉ cần bỏ tiền ngân sách ra (tức là tiền người dân đóng thuế ấy), dưỡng liêm nhiều nhiều một chút, là hết sạch tham nhũng. Dù có tốn kém một tí, nhưng lại được tiếng là nhà nước trong sạch, dân thì không sợ bị nhũng nhiễu nữa, như thế là lòng tin vào nhà nước sẽ được cải thiện rất nhiều, chế độ sẽ vững vàng, không sợ bị bọn thế lực thù địch chọc phá, âm mưu … gì gì nữa hết.


Đang ngẫm nghĩ như vậy thì ông xã tôi hỏi, “sao, em đọc xong, và suy nghĩ xong về vụ dưỡng liêm chưa?”


Xong rồi anh ạ. Mới đầu thì em hơi bức xúc, nghĩ rằng điều này không công bằng, nhưng nghĩ lại thì em thấy thực ra đó lại là một điều tốt. Đúng là cần phải có chính sách dưỡng liêm, dù có thể sẽ có người phản đối lúc đầu. Và đúng là ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng hay thật đấy, dám nghĩ dám làm, dám là nơi đưa chính sách dưỡng liêm vào áp dụng ở Đà Nẵng nơi ông đang lãnh đạo. Bla ba bla …


Đang say sưa nói thao thao (dò trúng đài?) thì ông xã tôi đột ngột ngắt lời làm tôi cụt hứng quá. Ông ấy bảo, “Thôi, nghe đáp án đây này: Đó chẳng phải là sáng kiến gì của ai cả, chẳng phải của ông Nguyễn Bá Thanh mà cũng chẳng phải của vua chúa phong kiến nhà Nguyễn hay nhà Lê gì sất. Mà đó là một việc dân mình đã biết làm từ rất lâu, làm một cách tự nguyện, tự giác, thậm chí làm một cách bất giác, làm không suy nghĩ, làm như một bản năng. Ai cũng làm, thời nào cũng làm, chẳng có gì lạ cả.”


Cái gì? Anh nói gì em chưa hiểu?


Thì hôm nào em cứ thử ngồi quán cóc, chỗ hay có mấy anh CSGT đứng thổi phạt, rồi quan sát một buổi xem, thấy ngay ấy mà?


Thấy cái gì mới được chứ?


Chẳng phải đa số người VN bị thổi phạt đều biết cách năn nỉ, và ... biết rút tiền bồi dưỡng cho CSGT, để khỏi bị vặn vẹo, hạch họe, bị giữ giấy tờ đó sao? Đấy là ... dưỡng liêm, chứ còn gì nữa? Các anh CSGT các anh ấy lương thấp, lại phải đứng ngoài đường nắng chang chang, mặt mày mệt mỏi cau có; thì người dân người ta tự động dưỡng liêm cho các anh ấy, để các anh ấy vui vẻ, nhiệt tình lên một chút, cho cả hai bên cùng vui mà?


Nghe xong đến đây, tôi bỗng ... òa khóc. Khóc nức nở, mà chẳng biết tại sao lại thế. Chỉ biết, cái cảm xúc lúc này của tôi còn dữ dội hơn hôm tôi khóc vì không được lọt vào danh sách 600 ngàn người có xe hơi sắp phải phải đóng phí hạn chế giao thông do bộ trưởng Đinh La Thăng sáng kiến ra mà tôi đã viết trên blog hôm nọ thôi.


Đúng là kỳ cục quá nhỉ, có ai giải thích giúp tôi xem tại sao lai như thế không?


Ôi, dưỡng liêm ôi là dưỡng liêm, hu hu hu hu ...