Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Bạn vàng, bạn tốt, và phản động

Trên đời không có gì quý hơn tình bạn, có lẽ điều này ai cũng đồng ý. Có được một người bạn đã là quý, bạn tốt  thì tất nhiên quý hơn. Và một người bạn vàng thì rõ ràng là quý hơn rất nhiều.

Nhưng tình bạn giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo đúng những gì chính thức được hai nhà nước thừa nhận trên văn bản – hoặc nói đúng hơn là theo những gì người dân Việt Nam được nhà nước Việt Nam bảo cho mà biết, qua hệ thống thông tin tuyên truyền của báo chí cách mạng (mà dân thường hay gọi là báo lề phải, hoặc báo lề đảng) – thì còn đặc biệt hơn thế gấp bội phần. Không chỉ là bạn vàng, mà là bạn 16 chữ vàng, cũng không chỉ là bạn tốt, mà là bạn đến 4 lần tốt.

Sao, các bạn không hiểu ư? Thế là các bạn ít đọc báo chí lề đảng rồi. Xin nhắc lại cho các bạn về 16 chữ vàng và 4 tốt giữa Việt Nam và Trung Quốc nhé.

16 chữ vàng, tức câu phương châm có 16 chữ : "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.” Theo Wikipedia, đấy là phương châm do Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã đề ra và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đồng ý, được hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung vào tháng 2/1999[1].

Và đây là khẳng định trên báo Đảng (không chỉ là báo lề đảng, đây đúng là báo Đảng hẳn hoi nhé), một bài viết dài và nhiều mỹ từ, rất đúng kiểu Á Đông, chủ yếu viết cho đẹp còn thực tế thì chưa rõ. Ai quan tâm xin xem ở đây: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30569&cn_id=96243.

Còn 4 tốt, hay là tinh thần 4 tốt, là như thế này: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Toàn là những thứ chưa cần thêm chữ tốt thì đã tốt sẵn rồi: láng giềng, bạn bè, đồng chí, và đối tác. Nó mô tả bản chất của mối quan hệ keo sơn gắn bó của hai nước “núi liền núi, sông liền sông”, khăng khít “môi hở răng lạnh” Việt Nam và Trung Hoa.

Thế rồi … đùng một cái, Trung Quốc gọi thầu 9 lô dầu khí, tất cả đều nằm ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tin ở đây này, lề phải đàng hoàng: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/06/9-lo-dau-khi-trung-quoc-moi-thau-deu-thuoc-viet-nam/.  Nôm na mà nói thì tôi thấy rất giống một người trắng trợn treo bảng bán nhà … hàng xóm vậy.

Trước đó vài ngày thì quốc hội VN thông qua Luật biển, nghe đồn là có khẳng định ngay điều 1 về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa , và người phản đối đầu tiên và duy nhất là Trung Quốc. Nói  "nghe đồn" là bởi vì mặc dù báo chí đăng tin luật biển đảo được thông qua, nhưng đã có ai nhìn thấy mặt ngang mũi dọc của cái luật đó như thế nào đâu. Cứ y như thời Đảng ta còn hoạt động bí mật vậy.

Quay lại vụ TQ "bán nhà hàng xóm". Tất nhiên là Việt Nam phải gửi công hàm phản đối vụ mời thầu của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc thì trước đó cũng đã kịp triệu tập đại sứ Việt Nam lên để “cạo” về vụ Việt Nam dám ra luật biển xâm phạm đến “lợi ích cốt lõi” của nước này.

Đấy là chưa kể nhiều sự kiện gây bất bình khác, rất thường xuyên, đó là cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên ngư trường truyền thống của mình, đánh đập dã man, cướp tàu của ngư dân, cắt cáp tàu dầu khí của VN, đâm tàu vv, mà Việt Nam thì đố có dám phản đối, thậm chí chẳng dám gọi đích danh, thành ra bây giờ mới có cái từ rất lạ là từ … lạ – nước lạ, tàu lạ, và mới đây có mấy cái phòng khám … lạ,  tất cả đều có liên quan đến người bạn, người thầy, người đồng chí …" là lạ" kia.

Đọc trên mạng về quan hệ 2 nước thì thấy cả 2 chửi nhau loạn lên, bên này bảo bên kia vi phạm, nói trắng ra là ăn cướp. Tất nhiên đấy là phát ngôn của thường dân, hoặc giả dạng thường dân, dám lắm chứ? Còn phát ngôn chính thức trên báo chí thì thấy rõ ràng TQ rất kẻ cả đàn anh, trịch thượng lớn lối; VN thì rụt rè, giữ mồm giữ miệng, rón rén lén lút thế nào ấy. Ngay cả Luật biển đảo, thông qua rồi đấy mà dân có được đọc đâu? Công bố ra thì chắc là sợ ông anh lớn – big brother – anh ấy bắt bẻ, bắt nạt, cho vài cái bợp tai để ... răn dạy.

Thật chẳng thấy giống những gì mà tôi hiểu về một tình bạn bình thường một chút nào cả, chứ đừng nói đây là bạn vàng, bạn tốt.

Lên đọc kỹ lại entry trên Wikipedia về phương châm 16 chữ vàng, thấy có thêm thông tin về việc bọn “phản động” đã xuyên tạc 16 chữ vàng thành ra như sau:  Láng giềng khốn nạn. Lấn biển toàn diện. Cướp đất lâu dài. Thôn tính tương lai. Ở đây này: http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:Ph%C6%B0%C6%A1ng_ch%C3%A2m_16_ch%E1%BB%AF_v%C3%A0ng

Biết rằng nhà nước nói đây là bọn phản động xuyên tạc, nhưng sao tôi ngẫm cũng thấy … đúng. Thì chẳng phải chúng đã/ đang lấn biển toàn diện đó sao, trước thì lấn một chút, thấy mình im, lại làm tới, làm tới, làm tới nữa, nay chúng đã ngang nhiên coi biển Đông là của riêng chúng rồi. Còn cướp đất lâu dài ư, cái này khỏi cần kiểm tra nữa, lịch sử 4000 năm của ta với anh chàng láng giềng to xác xấu tính này đã đủ cho từ đứa trẻ con tiểu học cũng đã biết dị ứng với bọn đế quốc Trung Hoa mà người bình dân vẫn gọi là nước Tàu.

Trong khi đó thì nhà nước ta vẫn tiếp tục có thái độ trọng thị đối với người bạn 16 vàng và 4 tốt kia. Và vẫn tiếp tục gọi chúng là bạn vàng, bạn tốt. Dù nghĩ mãi cũng không hiểu cái sự vàng và sự tốt của nó nằm ở đâu?

Ai có biết thì bảo cho tôi với?

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Câu hỏi ngớ ngẩn nhân ngày nhà báo VN

Hôm nay là ngày 21/6. Là ngày nhà báo Việt Nam, cái này thì không nói ra chưa chắc đã có ai biết (trừ những người đang làm hoặc có thân nhân đang làm trong ngành báo chí).

Như tôi đã viết trên blog của tôi nhiều lần, ngày trẻ tôi đã từng mong được làm nhà báo. Kể cả bây giờ nữa, gần đây nhất nhân vụ nhà báo Ngọc Năm bị đánh ấy, tôi vẫn còn muốn làm nhà báo cơ mà, các bạn có còn nhớ đã đọc bài ấy trên blog này không?

Nhưng do số trời run rủi, tôi đã không đi vào cái nghề - đúng hơn là cái nghiệp - nhà báo, không được chọn cái "số phận vinh quang và cay đắng" này. Nên bây giờ, có viết về nghề nhà báo thì cũng chỉ có thể viết với tư cách người ngoài cuộc, đứng bên rìa nghề báo mà ... chõ mõm vào và phán lung tung, nói linh tinh thế thôi, chẳng có ý nghĩa gì đâu. Chẳng qua cũng là để mua vui cho bạn bè dăm ba phút thôi mà.

Nhưng tại sao nghề báo tại VN lại là "số phận vinh quang và cay đắng"? À, trước hết, đó là do ngày xưa còn đi học tôi đã đọc dược một cuốn sách nói về một nhà khoa học nữ nào đó, hình như là Kovalevskaya của nước Nga thì phải. Cái tựa ấy rất ấn tượng nên tôi nhớ ngay, và bây giờ chỗ nào có vẻ có liên quan là cứ tương ra nguyên cụm mà dùng

Vì vậy, nói "số phận vinh quang và cay đắng" thì thực ra đó là một câu nói do quen miệng, giống như rất nhiều thứ linh tinh tôi viết trên blog này thôi. Nhưng viết xong giòng chữ "vinh quang và cay đắng" để chỉ về nhà báo VN đúng ngày nhà báo, rồi nghĩ đến mấy việc vừa xảy ra ở VN trong thời gian gần đây, tôi bỗng thấy hình như cụm từ này dùng cho nhà báo VN dường như cũng không phải là vô nghĩa lắm thì phải?

Vậy là sao? Này nhé, làm nhà báo ở VN thì vinh quang, cái này chắc ai cũng biết. Ở thời đại này, ai cũng biết thông tin là sức mạnh, nhưng ở VN thì thông tin, cũng giống như rất nhiều thứ khác, là ... thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Nên chỉ có những người nào được nhà nước cho phép, được Đảng tin dùng, thì mới có quyền tiếp cận với thông tin, và quan trọng hơn, là được phổ biến thông tin đó đến người khác. Tất nhiên là phổ biến đến đâu thì còn tùy thuộc vào định hướng thông tin và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, vì Đảng là vầng dương sáng mà, rọi đến đâu thì ta mới thấy được mọi vật đến dó, chứ Đảng mà không rọi vào thì đêm tối mù mịt, biết đường nào mà mò?

Tóm lại, cái vinh quang đó thì ai cũng thấy rồi, tôi không phải nói thêm nhiều nữa. Bây giờ nói đến cái cay đắng đây. Nghề báo ở VN có cay đắng không nhỉ?

Chà chà chà, câu hỏi này khó trả lời quá!!!! Để tôi nghĩ một chút đã nhé.

Haizzzz .... Chẳng biết phải tìm câu trả lời ở đâu. À, hay là ... "gúc" thử xem sao?

Hurrah, thấy chưa, tôi đã có câu trả lời rồi đó! Và câu trả lời đây này: Nghề báo của VN không chỉ vinh quang, mà - mặc dù đã có sự lãnh đạo của Đảng CSVN quang vinh, để phục vụ nhân dân VN anh hùng - cũng có thể rất cay đắng nữa.

Hượm đã, tại sao lại thế được? Làm nghề báo ở VN mà cay đắng ư? Nói cái gì phản động thế hử?

À không, ý tôi muốn nói là, sự cay đắng ấy tất nhiên không phải do Đảng, nhà nước và nhân dân ta gây ra, mà là do, tất nhiên rồi, bọn thế lực thù địch ở nước ngoài đấy.

Hừm, chúng lại "chọc ngoáy" gì nữa đây, bọn phản động ấy?

Ừ, thì chúng đặt ra mấy cái trò chấm điểm, xếp hạng ấy, rồi thì phang cho chúng ta những hạng thấp lè tè, gần đội sổ, để lăng mạ chúng ta đấy ạ. Tôi muốn nói đến cái chỉ số PFI, tức là Press Freedom Index (chỉ số tự do báo chí) ấy. Chỉ số này do cái tổ chức phản động có tên là Phóng viên không biên giới (Reporter Without Borders) đây mà, nghe tên tổ chức là đã thấy phản động rồi, cái gì mà không biên giới, bộ muốn xúi người ta vượt biên hay sao, đồ phản động, phản động!

Cái tổ chức ấy, vừa qua nó đã đưa ra danh sách xếp hạng 179 quốc gia về tự do báo chí 2011-2012, và, trời ơi, nó xếp chúng ta ở vị trí top ten nhé, nhưng mà top đếm từ dưới lên, cụ thể là hạng 172/179. Không những thế, chúng còn nhục mạ chúng ta thêm bằng cách bỏ hết mấy nước anh em xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa gì đấy vào ở vị trí gần gần chúng ta - chắc là cho nó khỏi lạc đàn í mà, trong đó Bắc Triều Tiên xếp tận hạng nhì (từ dưới lên, tức 178/179), Trung Quốc thì trên ta 2 bậc (cũng tính từ dưới lên, ở hạng 174/179).

Xếp hạng như vậy, tức là chúng nói rằng nhà báo của VN chỉ là không được tự do suy nghĩ, tự do thu thập và diễn giải thông tin như những con người tự do và có tư duy độc lập, mà chỉ là những con vẹt thôi, xúc phạm chưa? Danh sách đó ở đây này: http://en.rsf.org/spip.php?page=classement&id_rubrique=1043, các bạn nhà báo vào đấy mà xem và cùng nhau viết thư phản đối nhé!!!!

Thôi, nhưng mà bọn tư bản xấu xa, phản động thù địch ấy mà, chúng nói bậy để bôi nhọ chúng ta đấy, nghe làm gì cho mệt?

Nhưng viết đến đây tôi bỗng nhớ, ơ kìa, chỉ mới trong tháng 6 này, cũng chính bọn tư bản xấu xa thù địch ấy lại xếp cho chúng ta có vị trí thứ nhì thế giới về hạnh phúc cơ mà? Chẳng lẽ chúng nói mỉa ư, hay đó là sự thực? Theo tôi hiểu, thì Đảng và nhà nước (và cả nhân dân VN anh hùng nữa) cho rằng đấy là sự thực, nên mới cho đăng báo lề phải đồng loạt suốt mấy ngày qua chứ?

OK, vậy đó là sự thực. Mà nếu báo chí tư bản nói đúng về cái chỉ số hạnh phúc (HPI) ấy, thì chúng cũng đúng về cái PFI này ư? Chà, khó nghĩ, và khó hiểu thật. Vì điều này nó mâu thuẫn quá: liệu có ai không có tự do mà lại có thể hạnh phúc được chăng? Chính Hồ chủ tịch đã dạy: " Trên đời nghìn vạn điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do"  cơ mà?

Nghĩ đến đây rồi thì tôi đâm ra ... bí lù, bí tịt, bí hoàn toàn, không biết trả lời sao cho vừa có lý mà vẫn kiên định lập trường mà Đảng và nhà nước đã định sẵn được nữa. Mặc dù tôi vẫn được bạn bè khen là biết cách vận dụng lý luận cách mạng vào trong mọi tình huống lắt léo mà bọn tư bản hay đặt ra cho mình. (Chẳng thế mà thời là sinh viên, tôi không những không bao giờ bị thi lại mà còn toàn là đạt điểm cao mấy môn Triết học Mác-Lê và Kinh tế chính trị đấy).

Đành phải viết entry với cái tựa rất vớ vẩn, là "Câu hỏi ngớ ngẩn nhân ngày nhà báo VN" này. Câu hỏi ấy, xin viết lại cho rõ, là "làm cách nào để có thể vừa thiếu tự do (ở đây là tự do báo chí), lại vừa rất hạnh phúc?" Vì rõ ràng là các nhà báo VN cũng rất hạnh phúc mà, cứ xem cách họ ăn mừng ngày 21/6 tại VN thì sẽ rõ: đèn hoa rực rỡ, mặt người hớn hở cả đấy thôi!

Thôi thì, dù có thiếu tự do, chúng ta cũng cố mà hạnh phúc vậy, chứ sao giờ. Và nhân ngày nhà báo, xin hãy xem entry này như một lời chúc mừng, hay một món quà quê mùa mà tôi tặng các anh chị, các bạn nhà báo của Việt Nam, trong đó có rất nhiều người là bạn của tôi.

Happy Vietnam's Journalism Day (in spite of everything)!

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

"Bốn nghìn năm vẫn trẻ con", và hạng nhì về hạnh phúc


Cái tựa của entry này là một phần của câu 2 câu thơ rất nổi tiếng của Tản Đà, hình như rút trong tập thơ “Khối tình con” thì phải. Hai câu ấy như sau:

Dân hai nhăm triệu, ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con

Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần có dịp đọc hoặc nghe ai nhắc đến hai câu thơ trên, tôi lại cảm thấy buồn kinh khủng; một nỗi buồn không đau nhói đột ngột mà ngấm ngầm, âm ỉ và dai dẳng không nguôi. Buồn, vì những câu thơ đã được viết bởi một nhà thơ cách đây cả một thế kỷ mà sao đến giờ vẫn cứ như là đang nói về những vấn đề hiện nay, đầy tính thời sự đến như vậy?

Vì tôi yêu thơ, nên đã nhắc đến Tản Đà thì tôi xin được nói thêm một chút về Tản Đà và các nhà thơ của thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam (“buổi giao thời” như vẫn thường được nhắc đến trong sách giáo khoa thời trước 1975). Trong số các nhà thơ lớn của giai đoạn này là Nguyễn Khuyến, Tú Xương, và Tản Đà, tôi thấy Tản Đà là nhà thơ có nhiều chất thơ nhất.

Thơ Nguyễn Khuyến tất nhiên rất hay, nhưng có một chút trang trọng, một chút sang cả, chút lạnh lẽo và có chút gì sắc lẻm, có lẽ do thơ ông chứa nhiều chất xám quá. Cũng vậy với thơ Tú Xương, dù thơ Tú Xương sử dụng phong cách bình dân chứ không có vẻ trang trọng, sang cả của Nguyễn Khuyến, nhưng vẫn có một cái gì đó quá sắc sảo, và một chút gì cay đắng.

Còn thơ Tản Đà mặc dù cũng có buồn, thỉnh thoảng cũng có chút chua chát (như trong hai câu thơ nói trên), nhưng nói chung giọng thơ của Tản Đà dù phê phán, trào phúng thì vẫn cứ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Những cái buồn trong thơ Tản Đà cứ nhẹ bỗng như không, nhưng cũng chính vì nhẹ, cho nên mới buồn lâu.

Tôi đặc biệt thích những câu thơ hơi buồn buồn, hơi trào phúng, hơi mỉa mai, nhưng bao giờ cũng rất nhẹ nhàng của Tản Đà, như những câu này:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/Trần thế em nay chán nữa rồi …

Hay

Trời sinh ra bác Tản Đà/Quê hương thì có cửa nhà thì không!

Hoặc, cả một bài thơ có nội dung khá châm biếm sâu cay, “Bức dư đồ rách”, mà dưới ngòi bút của Tản Đà vẫn cứ nhẹ nhõm, như thế này:

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.

Đau lắm chứ, phải không, khi “Biết bao lúc mới công vờn vẽ/Sao đến bây giờ rách tả tơi”, nhưng mà, “Thôi thôi có trách chi đàn trẻ/Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi”, nhẹ nhàng thế, chứ không như Tú Xương đầy vẻ cay độc:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng !

Nhưng tôi dông dài quá, làm quên mất ý chính của entry này. Có lẽ không phải lúc nào cũng nên nói về thời kỳ tối tăm, khi đất nước còn rên xiết lầm than dưới ách thực dân phong kiến nhỉ. Dù vẫn biết thời ấy thì vô cùng đau khổ, nên thỉnh thoảng cũng cần phải nhắc lại chút để con cháu hiểu rõ công lao to lớn của Đảng ta (well, tôi quen miệng ấy mà) đối với dân tộc vì đã tiến hành cuộc cách mạng long trời lở đất để đánh đổ thực dân phong kiến và đem lại độc lập, hạnh phúc, ấm no cho toàn dân như hiện nay.

Nhưng lúc nào cũng kể về thời kỳ đen tối ấy thì còn thời gian đâu mà viết về thời đại ngày nay nữa, thời đại oai hùng, khi “đất nước của Hùng Vương có Đảng/mỗi người dân đều được thấy bác Hồ” (thắc mắc: không rõ chữ “bác” ở đây có viết hoa không nhỉ, chắc là không vì đã nêu rõ bác Hồ, vậy bác là danh từ chung nên không phải viết hoa; tuy nhiên viết về bác Hồ mà không viết hoa chữ “bác” tôi vẫn thấy … ngại ngại và lạ lạ thế nào ấy, khó hiểu thế cơ chứ!).

Vậy thời nay có cái gì? À, có nhiều lắm chứ. Việt Nam ngày nay là một đất nước đang lên (rising country, giống như là ngôi sao đang lên vậy mà), và được thế giới chú ý lắm nhé. Chẳng thế mà thỉnh thoảng đọc báo chí nước ngoài lại thấy đưa tin về VN. Chỉ có điều là bọn tư bản thì thâm độc lắm, nó đưa tin về mình thì chỉ thích đưa những cái xấu để chửi mình thôi, mà chúng lại có hình ảnh chứng cứ đàng hoàng chứ không phán khơi khơi, nên có muốn cãi cũng khó.

Thì đó, mới gần đây thôi bọn báo chí Đức đã dám đưa tin cực xấu về mình, về cái vụ tàn sát khỉ (hình như là con vọc mà hôm trước tôi đã đưa tin thì phải) để nhậu một cách cực kỳ dã man ở đây này: http://www.spiegel.de/wissenschaft/natur/vietnam-affen-werden-in-restaurants-geschlachtet-a-837365.html.

Các bạn có xem thì nhớ đọc thêm cả mấy comment ở bên dưới nữa nhé, tôi thì không biết tiếng Đức đâu nhưng thấy họ viết cái gì mà chấm than, chấm than lia lịa thì hẳn là họ đang chửi mình rồi chứ còn gì nữa. Ví dụ, có một comment tôi cho lên google dịch, thấy họ đang chửi mình là “dã man” đấy. Thật đúng là bọn thế lực thù địch mà, chỉ chăm chăm lôi cái xấu của mình ra mà nói thôi.

Nhưng may quá, không chỉ có tin xấu. Thỉnh thoảng cũng có những tin rất tốt nhé. Ví dụ như hôm qua trên các tờ báo lớn của mình đồng loạt đăng tin “Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ nhì thế giới”. Đấy là kết quả bình chọn năm 2012 mới công bố của tổ chức NEF, là kết quả của vòng bình chọn thứ ba (lần đầu 2006, lần thứ hai 2009). Hay hơn nữa là lần trước VN cũng trong top 5, nhưng mà là vị trí thứ 5, còn lần này thì lên đến tận hạng 2 nhé.

Ai muốn biết thì cứ đọc ở đây này, trên trang vietnamnet: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/06/nguoi-viet-hanh-phuc-thu-nhi-the-gioi/  (kết quả 2012) và đây nữa: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/cuoc-song-do-day/2009/07/3ba10ea2/ (kết quả 2009).

Thấy chưa, bọn thế lực thù địch đừng có mà sung sướng khi moi ra được mấy cái tin xấu về VN nữa nhé. Thực sự, đọc tin này thì ngay cả tôi đây, một kẻ “bi quan” thâm căn cố đế (nên mới hay … khóc, như mọi người đã nhận ra trong mấy bài viết của tôi) cũng cảm thấy phấn chấn kỳ lạ. Phấn chấn đến độ quên luôn cả mấy con vọc mà báo chí Đức (phản động) đã lôi ra nhiếc móc mình, quên luôn cả mấy con giòi lúc nhúc dễ sợ trong pate (chết cha, sáng nay tôi mới ăn bánh mì có pate, không biết … có con gì ở trong đó không nhỉ?), quên luôn mấy cô gái sông Hương, sông Hồng chân dài chân ngắn, cả nhà báo cách mạng Ngọc Năm hay Kim Sáu gì đó bị đánh khi đi lấy tin để bênh vực chính sách cưỡng chế, cũng quên khuấy luôn cả vụ gian lận thi cử chấn động ở Đồi Ngô hay Núi Sắn gì đó mới đây ….

Mà chỉ nhớ đến mấy cái hay, cái đẹp của VN như Hạ Long, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới mới do một tổ chức tư nhân nào đó mới công nhận (dù có khá nhiều điều tiếng xung quanh, nhưng mà kệ … bà nó), hay xa xa hơn nữa là … Ngô Bảo Châu với giải Fields, một giải “Nobel toán học” rất đáng tự hào mà một người VN (hay là người Pháp nhỉ?) mới vừa nhận được cách đây vài năm …. Đẹp lắm (chứ), anh hùng lắm (chứ)/thời đại chúng ta thật là vẻ vang ….

Ôi, tự hào quá, được làm công dân của một đất nước 4000 năm văn hiến, chứ đâu có phải như mấy nước thiếu bề dày lịch sử như Mỹ, như Úc kia, chẳng văn hóa văn hiến gì cả, lịch sử ngắn cụt chỉ có hơn 200 năm, còn thua cả Sài Gòn, vùng đất mới này thôi mà cũng đã trên 300 năm rồi. Chưa cần nhắc đến Hà Nội, thủ đô yêu dấu, thành phố ngàn năm kia …. Tự nhiên tôi nhớ câu thơ cách mạng: Cảm ơn người, Hồ Chí Minh vĩ đại/Bốn nghìn năm ta lại là ta

Đang ngon trớn, viết đến đây tôi bỗng cảnh giác: Cái gì, "bốn nghìn năm ta lại là ta" à? Ơ, cái câu này, cái câu này … thực ra nó có nghĩa là gì ấy nhỉ?

Không phải tự nhiên mà tôi cảnh giác đâu ạ. Tôi hiểu, câu thơ ấy tất nhiên là dùng để ca ngợi Hồ chủ tịch, người đã có công giành lại độc lập cho dân tộc, phá ách thống trị của thực dân, để đưa dân tộc trở về tận thời hào hùng xa xưa khi chúng ta có các Vua Hùng dựng nước, làm chủ một đất nước độc lập (thì bác Hồ đã chẳng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước …” đó sao?).

Nhưng mà cái bọn thế lực thù địch phản động ở trong và ngoài nước (ở đâu ra mà lắm thế không biết) lại có những đứa xuyên tạc câu thơ ấy, rằng thì là mà, VN thì cứ mãi là VN thôi, “4000 năm ta lại là ta/từ trong hang đá chui ra/vươn vai một cái rồi ta lại vào”, chẳng thế nào khá lên được, đi loanh quanh một hồi lại trở về chỗ cũ, 4000 năm rồi thì ta vẫn cứ là ta, tức là vẫn thế, lạc hậu, ấu trĩ, trẻ con, chẳng thể nào thành người lớn được.

Và thế là tôi nhớ ra hai câu thơ nổi tiếng ấy của Tản Đà. Hừ hừ, không lẽ nhà thơ Tản Đà đã sống cách đây cả trăm năm mà lại sớm có tư tưởng phản động vậy sao? Mỉa mai nhà nước, mất niềm tin vào sự ưu việt của chế độ à? Hỏng, hỏng, hỏng!

Ồ, nhưng mà Tản Đà chỉ nói rằng có 25 triệu dân Việt chưa có ai là người lớn thôi. Còn bây giờ dân ta đã non trăm triệu rồi, cho nên nếu có 25 triệu dân Việt chưa là người lớn thì chắc là đúng rồi đấy. Non trăm triệu dân, thì chắc chắn phải có khoảng 25 triệu người dưới tuổi trưởng thành chứ, số còn lại sẽ là thanh niên, rồi trung niên, và lão niên, đúng quá rồi chứ còn gì nữa. Hú vía!

Chỉ còn lại mỗi câu “nước 4000 năm vẫn trẻ con” là cần phải giải thích thôi. À tôi biết rồi, trẻ con thì thường hồn nhiên, vui vẻ hơn người lớn, vì chúng vô lo mà. Hèn gì chúng ta đứng hạng nhì về hạnh phúc trên toàn thế giới, là đúng quá rồi! Mặc kệ Vinashin, mặc kệ Văn Giang, mặc kệ Tiên Lãng, mặc kệ Đồi Ngô, mặc kệ dưỡng liêm ở Đà Nẵng, mặc kệ, mặc kệ hết. Chỉ cần biết chúng ta đứng hạng nhì thế giới về hạnh phúc, là đủ thấy sướng rồi.

Cụ Tản Đà nhỉ?

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Báo chí cách mạng, lá cải và sông Hương, tập hạ

Báo chí cách mạng thì đã rõ. Chúng ta sắp đến ngày kỷ niệm “thành lập” nền báo chí cách mạng rồi, 21/6 ấy. Trong nền báo chí cách mạng ấy, gần đây có thêm một đặc điểm ngoài đặc điểm … cách mạng, đó là “lá cải”.

Đấy, tôi mới giải thích 2 cụm từ đầu trong tựa bài viết này rồi đó.

Nhưng lá cải thì có liên quan gì đến sông Hương nhỉ? À, có đấy. Các bạn đọc nữa đi rồi sẽ thấy.

Thế còn tập hạ là sao? Thì trước đây tôi đã viết về lá cải rồi, sông Hương cũng viết rồi, nên những bài ấy là tập thượng, còn bài này là tập hạ, nói theo văn “kiếm hiệp” í mà.

Lá cải, đúng hơn là báo lá cải, là báo chuyên viết về “cướp, hiếp, giết”. Cái này chẳng riêng gì ở các nước tư bản thối nát, mà ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em như Trung Quốc, và tất nhiên là cả VN, đất nước “môi hở răng lạnh” với người bạn vĩ đại 16 chữ vàng kia nữa, đều tồn tại, và thậm chí phát triển tốt, cứ như đang mọc trên một mảnh đất màu mỡ vậy.

Mà nó cũng chẳng phải là sự kiện của thời nay. Thời xưa (xưa là đối với tôi thôi, tức hồi tôi còn bé, khoảng cách đây chừng 40 năm gì đó) thì người ta gọi báo lá cải là loại báo chuyên viết về “xe cán chó, chó cắn xe” (hình như thế) hoặc báo 4T hoặc 7T: tình-tiền-tù tội (4T)-tu-tự tử (7T). Không hiểu Bộ 4T của nhà ta hiện nay có liên quan gì đến cái 4T của báo lá cải thời xưa không ấy nhỉ, chắc là không vì báo chí truyền thông của chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta làm sao lại có thể liên quan gì đến báo chí phản động, đồi trụy của thời Mỹ-Ngụy cơ chứ!

Nhân tiện, tôi cứ phân vân mãi không rõ Mỹ-Ngụy có nên viết hoa không; Mỹ viết hoa thì còn được vì nay ta với Mỹ đã có quan hệ chính thức và có vẻ cũng khá gần gũi rồi, hình như là để đối trọng với anh bạn vàng về vụ biển Đông ấy, nhưng còn “ngụy” ư, chả lẽ lại viết hoa một cách tôn trọng, cũng như ta hay viết hoa từ “Đảng” ấy à? Hừm …. Nhưng nếu không viết hoa thì làm sao biết được tôi đang viết về một thời đại cụ thể, tức là tên riêng, chứ không phải là từ “ngụy” với nghĩa phổ thông như trong từ “ngụy quân tử”, “ngụy khoa học” nhỉ? Thôi thì cứ viết hoa vậy, một phần vì tôi cũng là gốc Ngụy đây mà, tôn trọng nguồn gốc của mình dù nó bị coi là xấu xa thì chắc cũng không ai trách? Nếu ai thấy tôi sai thì bảo cho biết với nhé!

Tóm lại, lá cải, hay báo lá cải, thì đã rõ rồi, đâu đâu cũng có. Nhưng chẳng hiểu làm sao mà mấy ngày gần đây, trong khi gần đến dịp kỷ niệm ngày nhà báo (của nền báo chí cách mạng, tất nhiên) 21/6, thì các báo cách mạng (còn gọi là lề phải, lề Đảng) bỗng chia nhau ra làm 2 phe mà tố nhau là lá cải cứ tưng bừng hết cả lên. Chả hiểu ra làm sao nữa? Tóm lại, ai là lá cải, ai không lá cải đây trời?

Mà lá cải thì có gì xấu lắm không nếu cả thế giới người ta đều có cả? Ăn thua là ở người đọc thôi chứ, ai có gu thích ăn cải thì cứ ăn, ăn xong trúng độc mà chết thì … đem chôn (chứ sao giờ, chả lẽ để thối ra đó), tôi vốn là người theo chủ nghĩa “tự do” (liberalism) mà (chả biết có đúng đường lối của Đảng và Nhà nước không nữa, chắc là không rồi vì tôi không phải Đảng viên, chẳng có ai kèm cặp hướng dẫn gì sất, tội nghiệp thế!)

Ôi, thôi thì tố qua tố lại, hóa ra ai cũng là lá cải cả. Mà không lá cải, thì viết cái gì bây giờ? Cả mấy trăm tờ báo cứ nhai đi nhai lại thông tin chính thống ra, thì có lẽ … khó mà bán được, mà cũng hơi oải cho người viết báo vì không thể sáng tạo ra được chút nào hết. Sáng tạo ư, mấy cái tin như Văn Giang hay Tiên Lãng mà viết không theo định hướng, cứ đi mà sáng tạo đi, rồi kết cục như thế nào thì cứ chờ đi rồi biết. Đấy có một anh nhà báo Hoàng Khương dám sáng tạo ra cách lấy thông tin bằng cách “dưỡng liêm” cho cảnh sát giao thông – hình như thế, tôi không nhớ rõ ạ – và bây giờ thì đã rơi vào tình trạng “Anh đi công tác ở trong/tu (=tù) dài dằng dặc có hòng mà ra”; tôi đang học làm thơ theo phong cách Bút Tre đấy mà.

Đấy, lá cải tập hạ nó là như thế đấy.

Còn sông Hương? Hừm …

“Sông Hương nước chảy lững lờ/Dưới sông là đĩ trên bờ là quan”, chỉ cần đọc câu ca dao khốn nạn ấy thì sẽ biết sông Hương liên quan đến lá cải như thế nào, phải không ạ? Tôi đang dùng từ “khốn nạn” theo nghĩa miền Bắc chứ không phải nghĩa miền Nam đâu ạ, giống như trong câu than trách “khốn nạn thân tôi” ấy. Câu thơ ấy có từ thời phong kiến thối nát xa xưa nhưng đến nay hình như vẫn còn đúng, ai không tin thì đọc bài “Văn học cách mạng, cô gái sông Hương và bà tiến sĩ” trên blog này đi rồi sẽ rõ.

Nhưng xin nói ngoài lề một chút: hình như nãy giờ tôi dùng từ thối nát hơi nhiều ấy nhỉ, chả hiểu làm sao nó quen miệng đi rồi, khéo mà người đọc từ mấy cái nước tư bản “thối nát” như Anh, Mỹ và nhiều nước phát triển hay phong kiến “thối nát” như mấy nước Bắc Âu nó giận, rồi thì nó rút ra không ủng hộ, viện trợ cho VN nữa, thì mệt lắm. Cho nên, tôi tha thiết kiến nghị Đảng và Nhà nước ta từ nay không nên dành riêng cụm từ “thối nát” cho họ nữa; thì chúng ta cũng đã hiện đại hóa, theo kịp họ ở một vài chỗ rồi đó, ví dụ như báo chí cách mạng lá cải (ngôn ngữ sáng tạo của anh Huỳnh Ngọc Chênh), thì cũng đâu có kém gì họ ở mảng “hiếp, cướp, giết” này đâu, thế chả lẽ ta cũng thối nát sao, phải không nào?

Quay lại vụ sông Hương. Ở tập thượng, tôi đã có nhắc đến một bà tiến sĩ quan chức của Hội Phụ nữ đã nhục mạ những “cô gái sông Hương” (xin lỗi Huế, đẹp và thơ với giòng sông Hương, tôi đang dùng sông Hương ở đây theo nghĩa ám chỉ ạ, lẽ ra không nên như thế nhưng không biết làm sao để thay đổi). Nay, ở tập hạ, mọi việc có khá hơn một chút – không, nói đúng hơn là khá hơn nhiều chút mới phải.

Khá hơn như thế nào? À, gần đây có vụ cô người mẫu sông Hồng, chị em với cô gái sông Hương, ừ thì hình như cô ấy ở miền Bắc thì phải, và chắc chắn có tên là Hồng Hà, bị báo chí cách mạng lá cải của ta đập tơi tả. Đến nỗi mà trong kỳ họp quốc hội các nghị viên của nước CHXHCNVN ta đã phải nhắc tới vụ mua bán dâm trên nghị trường trang nghiêm thế.

Và có một vị đại biểu đáng kính, không, đáng kính thật ấy ạ, cũng cũng thuộc cái cơ quan to nhất của các chị em – tức là Hội Phụ nữ ấy – đã có một phát biểu nghe rất hay, rất sáng tạo, sinh động và chắc chắn là rất cách mạng – theo nghĩa thông thường của từ này, là khác hẳn, thậm chí ngược lại với những gì đang có. Phát biểu ấy, theo nhà văn Đào Tấn trên blog của ông, là (trích nguyên văn, không đạo văn đâu nhé):

Chiều qua, ĐB QH Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Phú Yên đứng trên nghị trường đề nghị “”Nếu người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh thì cũng nên đưa người mua dâm vào. Bởi không có cơ sở nào nói rằng người bán dâm thì bị bệnh mà người mua dâm thì không”. Quốc hội nghe câu này liền cười ồ tán thưởng.

(Link bài của NV Đào Tấn: http://daotuanddk.wordpress.com/2012/06/01/quyen-lam-suc-vat-cua-con-bo-quyen-lam-nguoi-cua-cao-thai-son/; hay lắm, đọc đi các bạn ạ.)

Đã chưa, cách mạng chưa? Ừ, có thế chứ. Mà bà Kim Chi nói đúng quá rồi còn gì, phải không?

Đấy, tóm lại là, sau khi viết xong thì tôi thấy cái “tập hạ” này của tôi hay hơn tập thượng rất nhiều. Hay, vì có ánh sáng cuối đường hầm. Thì có bà đại biểu quốc hội, lại thuộc Hội Phụ nữ, cái hội … cũ kỹ cổ hủ, nay lại có phát biểu dí dỏm sáng tạo và cách mạng như thế, chẳng phải là đáng mừng hay sao?

Cho nên, lá cải thì đã sao, hãy cứ cho người ta tự do nói – dù chỉ mới tự do nói về các chuyện thuộc loại cướp, hiếp, giết hay 4T, 7T gì đó, rồi thì trăm hoa đua nở, trăm người đua nghĩ, thế nào cũng sẽ nảy ra nhiều ý tốt cho xã hội, và sẽ phát sinh ra một xã hội dân sự, lành mạnh.

Chứ, “nếu cứ bắt người ta nghĩ theo ý mình, rồi thì đến một ngày kia, tất cả mọi loài hoa cúc đều nở ra cúc vạn thọ cả”, thì chán chết. Câu trích dẫn này hình như là của Cụ Phan Khôi thì phải, người cũng đã viết câu ca dao … ba phải rất nổi tiếng: “Làm chi cũng chẳng làm chi/dẫu có hề gì cũng chẳng làm sao/Làm sao cũng chẳng làm sao/dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi/Làm chi cũng chẳng làm chi …”

Làm chi – ví dụ như viết clog (!), viết (c)lách như thế này – cũng có làm chi lắm đấy chứ, phải không Cụ Phan Khôi kính mến ơi?