Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Hãy nắm vững chủ trương, hỡi những người yêu nước chưa đúng cách!

Rất tình cờ, tôi đọc được một bài viết trên báo QĐND, vào cùng cái ngày mà theo thông tin trên blog NXD thì các nhân sĩ trí thức Hà Nội đã đến gặp Đài truyền hình VN để trao đổi về yêu cầu đính chính, cải chính việc chụp mũ người biểu tình yêu nước.



Và cũng đúng vào cái ngày mà báo ANTĐ đăng một bài viết hợp lòng dân (ừ, thì tôi là dân mà) một cách bất ngờ, bài viết với cái tựa “Đối thoại, một phẩm chất phải có trong thời đại thông tin”, ở đây.



Hai sự kiện mà tôi vừa nêu – cuộc đối thoại giữa Đài truyền hình VN và trí thức HN, và bài viết về sự cần thiết của đối thoại – khiến cho lòng tôi khấp khởi mừng thầm, rằng dấu hiệu của sự đổi thay từ phía nhà nước VN dường như đang đến.



Suýt chút nữa thì tôi đã viết một bài ca ngợi chính quyền, cũng giống như lần trước. Nhưng, lại cũng giống như lần trước, chưa kịp viết thì tôi đọc được một bài viết khác, bài viết trên báo QĐND mà tôi đã đề cập đến ở đầu entry này. Các bạn đọc nguyên văn ở đây.



Tôi cũng đã đọc.



Đọc xong, và … choáng luôn! Bàng hoàng, không thể nghĩ được nữa, chứ đừng nói là viết. Phải dừng lại để định thần một lúc đã, cho hoàn hồn, rồi mới viết tiếp được.



….

….

….

….



Rồi, bây giờ thì tôi sẽ giải thích tại sao tôi lại choáng. Đây, các bạn đọc nguyên văn lời trích ở đây này:



Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn. “Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu và nhấn mạnh thêm:“Có một thực tế là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc!". Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở những khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế quy định và về lâu dài sẽ tìm giải pháp xử lý mà hai bên có thể chấp nhận được, nhưng “trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.


Đấy là phần phát biểu của đại diện nhà nước ta trong cuộc họp với bên Trung Quốc mới đây.



Phần trích của tôi khá dài, trong đó có nhiều điều tôi muốn phản hồi lại, nhưng tất nhiên phải tìm hiểu kỹ hơn đã, vì nếu hiểu chưa đúng mà đã có phản hồi thì đó là một hành động vô trách nhiệm, chưa kể sẽ bị … chụp mũ phản động hay xử lý nghiêm khắc gì đó. Nhưng câu đầu tiên của đoạn trích ấy (mà tôi đã in đậm lên cho rõ) thì chắc chắn là tôi hiểu đúng: tụ tập đông người (để làm bất cứ điều gì, hay chỉ để biểu tình yêu nước, chống TQ xâm lấn nhỉ, tôi chưa rõ???) sẽ bị xử lý một cách kiên quyết. Và chắc chắn là việc này không còn cơ hội tái diễn nữa đâu nhé.



Nghe rõ chửa, những người yêu nước chưa đúng cách? Hãy nắm cho vững chủ trương nhé!



Tôi đang nghĩ, có lẽ tôi cần nghiên cứu, tìm hiểu xem như thế nào là yêu nước đúng cách, vì nắm được rồi thì dám tôi có thể mở lớp dạy thu tiền, đắt hàng lắm chứ chẳng chơi đâu. Vì có cầu thì có cung mà. Chứ dân VN đang sục sôi tinh thần yêu nước thế, mà chẳng biết biểu hiện như thế nào cho đúng cách, nay có người mở lớp dạy cách thể hiện lòng yêu nước “đúng cách” (nhớ nhé) thì tại sao lại không học cơ chứ?

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Yêu nước như thế nào mới là đúng cách? (3)

Kể lể dài dòng trong 2 kỳ trước, tôi không chỉ muốn ghi lại và chia sẻ những cảm xúc của mình (tất nhiên ghi lại cho người khác hiểu cũng tốt), mà thực ra muốn khẳng định một điều: tôi đã từng tham gia biểu tình ở HN (dù là tự phát), nên tôi tin rằng tôi có thể nói tiếng nói của người trong cuộc.



Và thông điệp mà tôi muốn đưa ra là như thế này: tôi tin rằng tuyệt đại đa số những người đi biểu tình – nếu không muốn nói là tất cả – đều là những người giống như tôi: muốn biểu lộ ra bên ngoài, tất nhiên không phải là cho những người hàng xóm, hay cho cơ quan, mà chủ yếu là cho nhà nước, cho thế giới, và chắc chắn là cho đối tượng bị phản đối trong cuộc biểu tình, tức là nhà cầm quyền TQ ấy, hiểu rõ nguyện vọng về độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, và ý chí bảo vệ tổ quốc khi bị xâm chiếm của người dân Việt Nam.



Tất nhiên, theo cách nghĩ của nhiều người VN, trong đó có cả tôi nữa, là việc này dường như không mấy an toàn, vì hình như không được nhà nước ủng hộ, bật đèn xanh. Đó là lý do tại sao khi tham gia tôi lại lo lắng đến như vậy. Đến nỗi khi đoàn biểu tình bị chia cắt, giải tán, thì lá cờ tổ quốc mà trước đó tôi cầm chung với người khác cuối cùng nằm một mình trong tay tôi. Và tôi vội gấp nhỏ lá cờ ấy lại, cất vào trong túi mà lòng thì vô cùng sợ hãi, thực sự thế. Kèm một ý nghĩ chua chát thoáng qua trong đầu: tôi mang cờ tổ quốc, mà sao sợ hãi như đang mang hàng quốc cấm?



Nhưng tôi đã làm gì sai? Tôi chỉ biểu lộ lòng yêu nước, có thể tự phát, nhưng hoàn toàn không hề phạm pháp (lúc ấy nào đã có ai ra quy định cấm?), có thể không theo chỉ đạo của nhà nước, nhưng nếu tôi muốn biểu lộ một cách có tổ chức, thì tôi sẽ nói với ai đây? Khi xung quanh tôi, cơ quan tôi, tổ dân phố, báo chí truyền thông, và các đoàn hội, mọi người đều im thin thít, dường như né tránh đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung này. Trong khi trên báo chí, truyền thông của thế giới và của cả Trung Quốc, thì người ta đưa ra đủ loại thông tin về Hoàng Sa (mà TQ bảo là của họ, không thể tranh cãi, trong khi tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một trận hải chiến năm 1974 của quân đội VNCH với Trung Quốc – mà lúc ấy chính quyền miền Nam gọi là Trung Cộng), về tranh chấp biển Đông, toàn là những thông tin bất lợi cho VN. Trong khi ngư dân VN thì cứ ra biển là bị đánh, bị bắt, bị giam, bị hành hạ, bị nộp tiền phạt, và nhà nước VN thì vẫn chẳng có thái độ rõ ràng, hoặc giải thích cho dân hiểu gì cả.



Mà đây có phải là lần đầu tiên ở VN có biểu tình biểu lộ lòng yêu nước một cách tự phát đâu nhỉ? Tôi nhớ năm tôi 18-19 tuổi, đang học năm thứ nhất ở ĐH Tổng hợp, chỉ mới hơn 3 năm sau ngày đất nước thống nhất, thì Pol Pot gây hấn, giết hại dân người Việt Nam ở biên giới Tây Nam (tôi có những người bạn ở Tây Ninh chạy lên Sài Gòn, với những ký ức kinh hoàng về giặc Pol Pot), còn TQ thì tấn công ở biên giới phía Bắc. Tôi nhớ lúc ấy bọn thanh niên chúng tôi – và có lẽ cả người lớn nữa? – quên hết những oán giận của người miền Nam (những người thua cuộc), để say sưa hát những bài hát yêu nước của chế độ mới, thời đại mới của chúng tôi: “Chưa yên vui cho trọn ngày/ Áo lính lại khoác vào ngay…”, hay “Từng đôi mắt mang hình viên đạn/ Từng đôi mắt sáng lên, cháy lên như ngàn ánh lửa …”.



Tôi vẫn nhớ, hôm nghe tin Trung Quốc tấn công vào biên giới phía Bắc, đám thanh niên trong lớp tôi đã tự phát tổ chức một cuộc biểu tình mini, tự tập hợp nhau lại trong ký túc xá, hát những bài ca yêu nước, và hô to “Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh” hay một cái gì tương tự như vậy. Không bị ai giải tán hay phê bình, bắt bớ gì cả. Rồi hôm Campuchea được giải phóng, tôi nhớ hôm ấy là gần Tết (hình như là giao thừa?), đêm ấy sinh viên trong ký túc xá cũng đã biểu tình, đốt lửa trại ăn mừng, ca hát …. Cũng không có ai giải tán, phê bình, bắt bớ gì cả, mà hình như còn được … khen?



Nhưng lần này thì khác. Biểu tình ở SG chỉ được 1, 2 lần là bị trấn áp hoàn toàn. Hà Nội thì kéo dài được một số lần, ngày càng hoành tráng hơn, có vẻ có tổ chức hơn, mà không bị đàn áp. Nên hôm 17/7 tôi mới hăng hái tham gia biểu tình để thực sự cảm nhận mọi điều như một người trong cuộc. Và tôi cũng đã thực sự muốn viết bài ca ngợi chính quyền Hà Nội. Vì ngay cả với vụ đạp mặt người yêu nước, thì công an Hà Nội dường như cũng tử tế hơn, và đặc biệt là giám đốc CA Hà Nội cũng đã phát biểu cho rằng biểu tình là yêu nước – khác hẳn với sự trấn áp lạnh lùng, không giải thích của CA Sài Gòn.



Thế mà mấy hôm nay tôi xem được những mẩu tin trên VTV phê phán biểu tình yêu nước, cùng với loạt bài phê phán trên các báo HNM, ANTĐ, QĐND về “những trò lố” của “nhúm người” biểu tình với những lời lẽ nặng nề, xúc phạm nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra, vào thời điểm đầu thế kỷ 21 như thế này. Mà nhúm người ấy có những ai nhỉ? Có thể Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A thì tôi không thực sự quen biết, nên không thể nói gì hơn. Nhưng còn nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của Đất nước đứng lên, chẳng lẽ là phản động ư? Còn GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Đại học của Bộ Giáo dục, người mà tôi rất kính trọng, chẳng lẽ cũng là phản động ư?



Tôi hoang mang lắm, vì chẳng biết biểu lộ lòng yêu nước ra như thế nào nữa. Hình như viết blog như thế này cũng là … phản động thì phải, vì đó là điều tôi thấy được ám chỉ trong những bài viết mà tôi nhắc ở trên. Biểu tình thì đã bị cấm (ở Hà Nội) rồi, dường như thế, qua cái thông báo … kỳ kỳ không có người ký mà chỉ có dấu treo ấy.



Biểu lộ lòng yêu nước có tổ chức thì dường như hôm 21/8 người ta cũng tổ chức ở Hà Nội đấy, nhưng qua hình ảnh trên mạng thì tôi cũng thấy … kỳ kỳ, không hợp gu của tôi, khi thấy mấy cô gái trẻ ăn mặc khá hở hang, hao hao giống như sườn xám, nhảy nhót trên sân khấu. Chẳng lẽ chỉ cần do Đoàn, Hội của nhà nước tổ chức thì nó trở thành đúng, còn do dân tự nghĩ ra thì nó là sai hay sao? Mà già như tôi, muốn biểu lộ lòng yêu nước theo kiểu của mấy cô gái ấy, cũng làm sao mà làm được?



Nên câu hỏi của tôi, mà đến giờ vẫn chưa thể nào trả lời được, đó là: Yêu nước như thế nào mới là đúng cách đây?

-------------

Viết thêm ngày 29/8/2011

Sau khi đăng loạt bài này lên, tôi nhận được khá nhiều phản hồi của bạn đọc, trong đó có một vài người chất vấn tôi - một cách hoàn toàn chính đáng - về việc tôi cho rằng các nhân sĩ, trí thức như Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang A, hay Nguyễn Huệ Chi là yêu nước "không đúng cách". Ví dụ như anh Phùng Hoài Ngọc ở An Giang.



Thực ra, khi viết bài này, tôi có ý định sẽ phân tích một số bài viết của các tác giả trên báo lề phải như QĐND, ANTĐ, hoặc HNM, về thế nào là yêu nước "đúng cách" theo quan điểm của họ (cũng là quan điểm của nhà nước, hẳn là thế). Vì vậy nên mới có câu: "nhưng ấy là việc sau này". Nhưng sau đó, khi thấy bài viết quá dài, nên tôi đã không phân tích những chi tiết này nữa, khiến cho đoạn tôi viết về sự "không đúng cách" của các nhân sĩ nói trên có một điều gì đó không rõ ràng, như thể tôi có ám chỉ gì đó đến nhân cách của các vị ấy.



Nay xin được làm rõ ý của tôi như sau: Trong toàn bộ bài viết này, tôi muốn nói rằng hiện nay của nhà nước đang hành xử theo cách chỉ cái gì nhà nước làm hoặc cho phép làm thì mới được xem là "đúng cách", còn tất cả những cái gì khác - do người dân tự nghĩ ra, chẳng hạn như việc biểu tình tự phát - đều là "không đúng cách". Như vậy, tất cả mọi người biểu tình vừa qua đều không đúng cách, nên bây giờ phải nghiêm cấm (!), vì mọi người (kể cả tôi) khi đi biểu tình là đã làm trò lố lăng, với động cơ tự đánh bóng bản thân, hoặc nếu không thì cũng ngây ngô, để cho bọn xấu xúi giục. Tất nhiên, đối với tôi, cũng như đối với nhiều người khác, ví dụ như các nhân sĩ nói trên, thì đó là một sự phỉ báng, xỉ nhục, và chụp mũ. Đó là lý do tại sao một số vị đã có công văn phản đối, và đã được mời lên đối thoại với chính quyền Hà Nội. Một thái độ rất đáng khen từ phía chính quyền.



Phần tôi, vì tôi chẳng tham gia gì nhiều, bởi chính tôi cũng rất ... hèn nhát, không dám biểu lộ lòng yêu nước chính đáng của mình dù biết chẳng có gì là phạm pháp (nay thì đã bị cấm rồi, mặc dù theo một số lý luận thì hình như việc cấm biểu tình vẫn còn những điều chưa hợp lý), thì tôi không có ý định khiếu nại, phản đối gì cả. Mà chỉ nêu lên những suy nghĩ, những cảm xúc của tôi, về những điều tôi quan tâm và xem là quan trọng, mà thôi.



Vài hàng xin giải thích, và mong tôi đã không vô tình làm xúc phạm đến những vị nhân sĩ, trí thức mà tôi đã nêu tên, là những người mà tôi đã và vẫn tiếp tục kính trọng về lòng yêu nước và sự kiên trì, dũng cảm bày tỏ tình cảm của mình đối với đất nước, cho dù không theo "đúng cách" mà chính quyền Hà Nội muốn.



Giải thích như vậy, đã được chưa hả anh PHN ơi?

Yêu nước như thế nào mới là đúng cách? (2)

(tiếp theo – xin xem từ Phần 1, entry trước)



Lần đầu tiên tham gia nên tôi cũng chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn, đứng nghe, mà không thực sự hiểu chuyện gì có thể xảy ra cho mình. Chỉ biết mình không có ý đồ gì ngoài việc biểu thị lòng yêu nước và phản đối TQ, không làm gì sai, không bị ai xúi giục, không có ý định gây rối, chống đối, hay làm bất cứ điều gì trái pháp luật, và nếu có bị công an cấm, bị ngăn cản, thì sẽ ngưng ngay lập tức. Vì tôi luôn tuân thủ pháp luật, vả lại, tôi còn có việc bay vào Đà Nẵng vào buổi chiều hôm đó, nếu có gì thì rầy rà lắm.



Nhắc lại: sau một hồi tranh luận, công an cũng cho những người biểu tình đi qua. Tôi đi tay không theo đoàn biểu tình, không biểu ngữ, không cờ quạt gì, vì đâu có chuẩn bị gì đâu, và có lẽ mặt tôi lúc ấy căng thẳng, lo lắng lắm. Một vài người trong đoàn nhìn tôi, ngờ ngợ, vì thấy người lạ, chắc thế (có khi lại còn nghĩ tôi là … công an chìm cũng nên, vì tôi đeo kiếng, lẳng lặng đi không nói gì, lại mặc áo … đen, trông thật là … hình sự).



Đi thêm một lúc thì có nhiều người nhập thêm vào đoàn. Có một người cầm cờ bằng 2 tay, thấy tôi không có gì trong tay bèn đưa cho tôi một bên. Thế là tôi đi, tay cầm cờ, đi trong hàng người, với những tiếng hô: Trường Sa – Việt Nam. Hoàng Sa – Việt Nam, tự nhiên tôi vô cùng xúc động.



Có một em gái trẻ, khoảng 18, 20, ở đâu không rõ cũng nhập vào hàng, cùng đi với tôi, và nói: “Cháu bức xúc chuyện TQ xâm lấn biển đảo quá mà không biết làm gì, chỉ biết cùng đi với mọi người thôi.” Cảnh mọi người Hà Nội cùng đi trong trật tự, mà chỉ do lòng yêu nước của mỗi cá nhân, tự nguyện tập hợp nhau lại để biểu hiện ra bên ngoài, đã làm cho tôi, một người Sài Gòn, thấy thật tự hào về Hà Nội, thủ đô của đất nước. Một hình ảnh xóa hết những ấn tượng xấu về cảnh các nam thanh nữ tú đạp lên cỏ, chen lấn nhau để bẻ hoa trong các lễ hội hoa đào trước đây.



Tôi không rành đường phố Hà Nội, nên chẳng nhớ mình theo đoàn biểu tình đi đến đâu, nhưng tôi nhớ có một đoạn đi trên một con phố nhỏ, số người theo đoàn đã rất đông, và số người hiếu kỳ ở hai bên đường cũng rất đông. Rồi sau đó, đoàn biểu tình đi ra một con đường lớn, đường gì tôi cũng chẳng nhớ tên nữa, thì công an ở đâu ra rất nhiều, chia cắt đoàn biểu tình thành từng nhóm nhỏ, chặn đầu, chặn đuôi, không đi được nữa, với thái độ khá hung dữ, luôn miệng quát: “giải tán đi, giải tán đi”; và “thôi đi, không thể như thế này mãi được đâu nhé” – thì tôi cảm thấy hình như nhà nước (mà đại diện là công an Hà Nội) không ủng hộ việc biểu tình yêu nước thì phải. Thôi, thế thì rút, cho … yên thân. Thế là tôi lẳng lặng … chuồn.



(còn tiếp)



PS: Tôi tưởng viết 2 kỳ là hết, nhưng không dè ký ức của tôi về cuộc biểu tình 17/7 còn rõ quá, và tôi lại có thói quen dài dòng nữa, nên viết đến đây vẫn … chưa đến đâu. Thôi thì các bạn cố chờ đến kỳ sau vậy, xin hứa sẽ gói ghém tất cả những gì muốn nói ở trong đó.

Yêu nước như thế nào mới là đúng cách? (1)

Như vậy là hôm nay 28/8 ở HN không có biểu tình, sau 11 lần gần như liên tục từ tháng 6 đến nay.

Là một người dân bình thường nhưng yêu nước (thì … yêu nước theo kiểu suy nghĩ của dân thường), tôi cảm thấy cách biểu hiện lòng yêu nước của các vị nhân sĩ, trí thức HN trong thời gian qua quả là rất hay. Rất đáng ngưỡng mộ.

Vì sao đáng ngưỡng mộ ư? Tôi thấy mọi người đi biểu tình vừa hào hùng, hừng hực khí thế (nào là áo thun đỏ có in sao vàng, màu cờ của tổ quốc, nào là quốc kỳ cầm tay, rồi biểu ngữ với những khẩu hiệu rất có ý nghĩa, ví dụ như: “Tổ quốc lâm nguy, xin đừng vô cảm”, hoặc “Đất nước không phải là của riêng ai”, vv), lại vừa trật tự, trang nghiêm, không đạp lên cỏ, không gây rối trật tự, không có xô xát, chống đối công an, kể cả khi công an có hơi mạnh tay, mạnh chân một chút, có cả … lỡ chân đạp trúng … mặt người yêu nước (thì người yêu nước lúc ấy đang được khiêng lên xe buýt theo kiểu khiêng … heo mà lại, tức nắm 4 chi mà khiêng rồi vứt lên sàn xe ấy).

Tôi cũng có một lời … tự thú nho nhỏ: Đúng vào sáng ngày 17/7, cùng cái hôm công an đạp mặt Nguyễn Chí Đức (người được khiêng như heo mà tôi đã kể ở trên), tôi cũng có mặt ở Hà Nội (tôi ở HN một tuần để tham gia phỏng vấn các ứng viên xin học bổng của AusAID – tổ chức viện trợ phát triển của chính phủ Úc, và ngày 17/7 là ngày cuối, buổi chiều sẽ bay vào Đà Nẵng). Và, trời xui đất khiến thế nào, đúng sáng hôm đó tôi lại ngồi uống café với một người bạn ở đúng quán café Trung Nguyên ở trên đường Điện Biên Phủ, hình như là số 36.

Tôi đến sớm, ngồi một mình chờ bạn đến, thì thấy Nguyễn Xuân Diện đi vào, ngồi ở một bàn khác. Ai chứ NXD thì tôi biết mặt, vì cùng là dân chơi blog với nhau mà, lại cùng giới, dù không chơi với nhau. Chắc chắn là một người đàng hoàng, tử tế, và yêu nước – mặc dù sau này tôi mới biết ra là biểu hiện lòng yêu nước của Diện và nhiều người khác nữa là chưa đúng cách. Nhưng ấy là việc sau này.

Ngồi một lúc nữa thỉ bạn tôi đến. Rồi tôi lại thấy một người nổi tiếng khác là bác Phạm Duy Hiển cùng phu nhân, hình như thế. Hình như ở HN mọi người đều biết nhau thì phải, nên bác Hiển đến chào người bạn của tôi, nói dăm ba câu rồi bảo, đến giờ rồi, phải đi. Tôi hỏi bạn tôi là mọi người đi đâu, và được trả lời là mọi người đi biểu tình phản đối TQ.

Biểu tình chống TQ là một việc theo tôi là rất hay. Nó là một cách biểu hiện lòng yêu nước của người dân, phản đối sự xâm lấn của TQ, và là thước đo tinh thần quật khởi, ý thức chủ quyền dân tộc của người VN. Cách đó hơn một tháng, ở SG cũng đã từng có một cuộc biểu tình lớn vào đầu tháng 6, nhưng không hiểu sao sau đó phong trào bị dập tắt. Nên hôm ấy thấy sĩ phu HN mạnh dạn nói về việc đi biểu tình, mà toàn là những nhân sĩ, trí thức tử tế, nên không hẹn trước, tự nhiên tôi bảo, cho tôi đi với. Vì tôi cũng yêu nước mà, và cũng muốn bày tỏ sự bức xúc với sự xâm lấn của TQ, để cho nhà nước biết lòng của người dân chứ.

Và thế là tôi đi. Ra đến gần ĐSQ Trung Quốc, thấy có thêm các vị nhân sĩ khác mà tôi biết mặt như TS Nguyễn Quang A, như Nguyễn Huệ Chi – những người mà tôi chỉ biết qua mạng, nhưng rất cảm phục vì sự dũng cảm và lòng yêu nước của họ. Chúng tôi cùng đi, nhưng chỉ vừa đi được vài bước là đã gặp công an ra ngăn cản không cho đi rồi. Sau đó là tranh luận giữa những người trong đoàn – đại khái là sao lại không cho đi, nơi này không có lệnh cấm của Ủy ban, vv.

Tranh cãi một lúc, thì công an cũng cho chúng tôi đi qua, nhưng lùa cho đi nhanh nhanh và quẹo vào một con đường gần đấy. Mọi người đứng lại, có người lấy ra tấm quốc kỳ, rồi có thêm vài người khác đến, tất cả cùng chụp hình trước khi xuất phát. Ngay lúc ấy, có người trong đoàn cho biết có một số người vừa mới bị “hốt” lên xe buýt chở đi, chừng vài chục người gì đó.

(còn tiếp)

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Y phục Trung Quốc và vua Quang Trung

Trước hết, hãy nói về y phục TQ. Thực ra, tựa đầu của entry này tôi đã đặt là “Cảnh giác với y phục sản xuất từ Trung Quốc”.



Đấy là cái tựa do tôi dịch thoát tựa một bài báo đăng trên trang Thời báo Trung Quốc (China Times) ngày hôm nay, 23/8 theo giờ của phương Tây, còn nếu tính theo giờ VN thì đã ngày 24/8 rồi. Bài báo ấy có thể đọc ở đây.



Đấy là những ai có thời gian, và có thể đọc bằng tiếng Anh (bài viết cũng ngắn thôi, nhưng các nghiên cứu kèm theo thì dài). Còn những ai không có thời gian (tức là đa số), hoặc không đọc tiếng Anh (chắc cũng là đa số), thì xin dịch hầu một vài đoạn đáng quan tâm như dưới đây:



The NGO has revealed yesterday the presence of toxic substances in the products of 14 brands of clothing, manufactured in China and Southeast Asia. These substances can threaten the growth and fertility of the people in contact with these products.


Tổ chức phi chính phủ với tên gọi Hòa Bình Xanh hôm qua vừa đưa tin về sự tồn tại của các chất độc hại trong sản phẩm của 14 thương hiệu y phục được sản xuất tại TQ và Đông Nam Á. Những chất độc này có thể gây nguy hại cho sự tăng trưởng và khả năng sinh sản của những ai có tiếp xúc với các sản phẩm này.



Trời ơi, đọc đến đây là tôi đã cảm thấy … rất lo, không đọc được nữa. Chứ gì nữa, làm gì mà tôi chẳng đã sử dụng vài món hàng (y phục) TQ trong nhà rồi, thì hàng TQ đầy ra đấy, có một số mặt hàng ở VN có khi còn tìm khó hơn hàng TQ ấy chứ. Mà đấy là tôi cũng đã rất có ý thức “Người VN dùng hàng VN” rồi đấy nhé.



Chợt nhớ thời trước năm 1975 có khẩu hiệu “Người VN dùng hàng nội hóa” (khoảng đâu những năm 73, 74 gì đó); thời ấy tôi đi học ở Gia Long toàn mặc áo dài tơ (nhân tạo) của VN thôi, áo dài tơ trắng có hình lá trúc, hoa cúc hoặc hình chữ thọ chìm trên vải ấy, nhẹ nhàng và đẹp lắm, đến nỗi mà nhà thơ Nguyên Sa đã phải thốt lên hai câu thơ: Chẳng biết mưa hay là nắng đây/ Một đàn bướm trắng nhởn nhơ bay khi thấy các tà áo trắng từ trong lớp ùa ra sân trường trong giờ ra chơi ở trường Gia Long – cảnh tượng thơ mộng ấy tôi cũng đã từng nhiều lần ngắm nhìn, và quả thật là đẹp.



Nhưng tôi mơ mộng gì thế nhỉ, viết tiếp về y phục sản xuất tại TQ đi chứ. Ừ, thì mặc quần áo do TQ sản xuất, coi chừng bị độc hại, không phát triển được, hoặc không có con. Tôi thì không sao, dù gì cũng đã già, chẳng thể phát triển được nữa, con cái thì cũng đủ chỉ tiêu 2 đứa rồi. Nhưng con cái tôi, liệu chúng nó có bị gì không? Nguy quá, lo quá đi mất.



Nhưng chưa hết đâu. Còn nữa này:

The ecological impact is also alarming. On 13 July, Greenpeace (Dirty Laundry 1) on the Chinese river pollution caused by the use of NPEs in two Chinese factories partner of most major brands at issue. Puma and Nike had committed, after publication, to eliminate these toxic products of their production by 2020. But the problem is not limited only to China, Greenpeace said. When clothes are washed in the machine in our country, NPE contaminate the water and rivers, before reaching the fish and landed on our plates.


Tác hại đối với môi trường cũng rất đáng báo động. Ngày 13/7, tổ chức Hòa Bình Xanh đã đưa ra một báo cáo sơ bộ (Y phục bẩn số 1) về ô nhiễm sông ngòi tại TQ do chất NPE [một chất độc hại có trên y phục sản xuất tại TQ] trong hai xưởng sản xuất gia công cho các thương hiệu có liên quan nói trên. Hai hãng Puma và Nike đã cam kết (sau khi đọc được báo cáo nói trên) là sẽ loại trừ hoàn toàn các chất độc ra khỏi sản phẩm vào năm 2020. Nhưng khi những y phục đó được nhập vào đất nước chúng ta [tức các nước phương tây, nhưng nếu nói cho VN thì cũng đúng] thì chất độc đó sẽ theo nước giặt quần áo mà đổ ra sông biển làm ô nhiễm nguồn nước, rồi sẽ gây hại cho các loài cá sống trong nguồn nước ấy, và cuối cùng sẽ theo chúng lên đến tận bàn ăn của chúng ta.



Sợ chưa? Hôm trước trong một bài viết khác tôi đã nhắc đến việc người VN ta ăn phải đũa của TQ rồi. Nay lại mặc quần áo sản xuất từ TQ, thì sẽ tự đầu độc chính mình (kém tăng trưởng, vô sinh), rồi đầu độc môi trường của mình (ô nhiễm nguồn nước), và lại còn truyền lại cho đời sau nữa chứ (cá bị ô nhiễm, lên bàn ăn của chúng ta và con cháu chúng ta) …



Chừng hai mươi năm nữa (lúc ấy tôi ngoài 70 tuổi, chả biết có còn tồn tại không nhỉ), không hiểu lúc ấy ta có còn cần giữ gìn tình hữu nghị Việt – Trung nữa hay không, hay đã ... nên một với người đồng chí 16 chữ ấy rồi nhỉ? Chứ cứ ham của rẻ như thế này, mặc quần áo TQ, ăn bằng chén bát TQ, ăn phải đũa TQ, xỉa răng bằng tăm TQ, thôi thì nói quách tiếng Trung đi cho xong, cũng dễ học lắm mà (thì mình đã có sẵn vốn từ Hán – Việt rồi đó, đâu cũng đến 60, 70% từ vựng của mình rồi – thì, nào là công nhân, học đường, giáo dục, chính trị, văn hóa, … và cả thực phẩm và y phục nữa, chẳng phải đều là từ gốc Hán cả đó sao?)



Ừ, hèn gì mà có ai đó – vị nào ấy, cũng to lắm – đã bảo rằng, trước đây cha ông chúng ta cứ sau khi đánh nhau với TQ thì lại sang triều cống, xin thần phục, xin được phong vương, xin quốc hiệu, đủ cả; vậy thì chống làm gì, biểu tình làm chi, hỡi những kẻ lố lăng vừa mới bị các báo QĐND và ANTĐ vạch mặt sau khi biểu tình chỉ được có 30 phút vào ngày chủ nhật 21/8 vừa qua?



Thế còn vua Quang Trung trong cái tựa mới của bài viết này?



À, thì viết đến đoạn nói về biểu tình bên trên, với mục đích hô hào đồng bào ta (nhân dân ta, nói theo gu của báo chí lề phải) đừng bị bọn phản động nước ngoài xúi giục, bỗng tôi sực nhớ ra và tự hỏi mình, trong lịch sử VN đã từng có kẻ “phản động” nào thế nhỉ, đã hô hào “đánh cho để đen răng/ đánh cho để dài tóc/ đánh cho nó chích luân bất phản/ đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”????



Tôi tìm trên mạng, và được trả lời, đấy là mấy câu thơ Nôm của vua Quang Trung, một vị anh hùng dân tộc.



Và tôi cứ băn khoăn mãi, rồi trộm nghĩ: cũng may cho vua QT, vì ông sinh sống ở thời trước. Chứ nếu ông sống ở thời nay thì …?



Nghĩ đến đây tôi bỗng bị tắc tị, không nghĩ được nữa, các bạn ạ. Chả hiểu tại sao?

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Tôi đang định viết bài ca ngợi chính quyền Hà Nội!

Ca ngợi chính quyền là một việc tôi ít khi làm, và thực ra cho đến nay tôi chưa làm bao giờ trong đời.



Tại sao lại ít ca ngợi? Well, tôi nghĩ rằng trách nhiệm của chính quyền là phải chăm lo cho dân, đó là lẽ đương nhiên, và chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên và ca ngợi cả. Nếu ca ngợi chính quyền vì chính quyền chăm lo cho dân, thì chẳng khác nào tấm tắc khen ngợi một người đi làm là anh ta đến cơ quan mà cũng có làm việc cơ đấy, chứ không chỉ ngồi chơi games thôi đâu.



Thế tại sao bây giờ lại định ca ngợi chính quyền HN? À, thì mọi người biết rồi đấy, trong nhiều tuần qua do bức xúc với chuyện TQ gây hấn với VN về vụ Biển Đông, nên dân HN đã biểu tình để tỏ thái độ, dù chỉ là tự phát, nhưng rất hoành tráng. Sự biểu lộ lòng yêu nước của sĩ phu HN đã khiến dân chúng cả nước, trong đó có tôi, cảm thấy rất cảm phục. Trong khi đó, ở SG hẳn là mọi người cũng yêu nước và cũng muốn bày tỏ thái độ, nhưng chỉ mới được vài tuần thì … tịt hẳn, một phần là do công an trấn áp dữ quá nên mọi người cũng ngại, mà cũng có thể là do chính người dân chẳng mấy gì quan tâm đến tình hình đất nước gì cả, nên chẳng mảy may quan tâm gì sất.



Nhân sĩ trí thức HN đi biểu tình, thì rõ là đáng ca ngợi rồi, nhưng như tôi đã viết trong cái tựa của entry này, tôi định ca ngợi chính quyền HN cơ, chứ không phải là nhân dân. Lý do là vì trong khi ở TP HCM thì công an rất “rắn” trong việc cấm tụ tập tự phát, dù là tụ tập chỉ để biểu lộ tinh thần yêu nước chống TQ gây hấn và xâm lược, thì ở HN mọi việc khác hẳn. Ngoài vụ CA “lỡ … chân” đạp vào mặt người yêu nước, thì nhìn chung ngành CA ở HN thân thiện hơn, mềm mỏng hơn, và có thái độ ủng hộ rõ ràng với việc biểu tình yêu nước. Thì chẳng phải ông Nguyên Đức Nhanh của CA Hà Nội đã tuyển bố việc biểu tình là yêu nước đó sao? Mà dám tuyên bố thẳng thừng, công khai như vậy mới ghê chứ, trong khi ở SG thì chính quyền nhà ta cứ sợ biểu tình là sẽ có kẻ xấu trà trộn. Đấy, HN người ta tự tin thế, chứ có đâu như SG, cái gì cũng sợ, sợ, và sợ!



Vâng, tôi định ca ngợi chính quyền HN bằng một entry trên blog, để cám ơn và cổ vũ cho cách làm của HN, để cho TP HCM cùng các nơi khác học tập với chứ. Nhưng chưa kịp viết, vì còn đang bận nhiều việc khác.



Chưa viết, nhưng bây giờ thì không thể viết được nữa. Vì tôi đã đọc được thông báo của chính quyền thành phố HN về việc không ủng hộ biểu tình, e rằng bị lợi dụng. Cái thông báo hơi … kỳ kỳ vì không có ai ký tên, cũng không có số công văn, mặc dù vẫn có dấu treo, và thông báo này đã được các báo lề phải đăng lên, tức là nó chính thức.



Tôi cũng đọc được trên mạng (tức báo lề trái, hay còn được gọi là “rác rưởi” theo cách nhìn của một vài nhân vật nào đấy, tôi quên rồi) về những ý kiến của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và nhà nghiên cứu Hán – Nôm Nguyễn Xuân Diện quanh sự kiện được công an đến thăm nhà và kêu gọi không đi biểu tình (chắc lại sợ bị lợi dụng!)



Là một người dân thường, lại là phụ nữ, vừa nhát gan, vừa ngoan ngoãn, tính chấp hành cao (chứ gì nữa), tôi biết rằng nếu tôi có bao giờ đi biểu tình mà sau đó được công an đến tận nhà vận động như các vị nhân sĩ HN thì có lẽ tôi sẽ không còn dám đi nữa.



Nhưng tôi cũng biết chắc chắn tôi sẽ thấy bực bội lắm, vì cảm thấy một cái quyền rất cơ bản của mình đã bị tước mất. Và có lẽ sẽ có những nghi ngờ về đủ thứ, tại sao, tại sao, tại sao? Từ nghi ngờ, dẫn đến mất niềm tin vào chính quyền sẽ là một bước không dài lắm.



Quay lại chuyện biểu tình. Hóa ra là bây giờ SG và HN giống nhau rồi, ít ra là về cái vụ biểu tình kia. Không có chuyện HN được quyền tự do biểu tình đâu nhé, vì như thế là bất công với SG đấy.



Đấy, TCS ngày xưa có viết: “Huế, SG, Hà Nội, hai mươi năm sao vẫn còn xa”. Bây giờ thì hết xa rồi nhé, bay từ HN vào SG chỉ 2 tiếng thôi, và SG cấm biểu tình thì HN cũng thế, chẳng khác gì.



Thế mà tôi đã định viết bài ca ngợi chính quyền HN cơ đấy!

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

“Hãy ngồi xuống đây” (3): Người Việt nhìn sao xa lạ?

Một loại hồi ký nhiều tập của tôi – xin xem bài số 1 và số 2 trong 2 entries trước.

*********

Rồi cũng qua đi, buổi đầu hỗn loạn của SG sau ngày 30/4. Cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường (well, kind of) của nó. Tôi trở lại trường để học, lúc ấy là bắt đầu cấp 3, lớp 10.



Vẫn ngôi trường cũ, cổ kính và thơ mộng. Vẫn bạn bè đó, trừ việc có thêm các bạn từ Bắc vào, và tất nhiên, mất đi những bạn đã cùng gia đình rời bỏ quê hương sau cuộc chiến.



Và cũng vẫn các thầy cô cũ, trừ một số thầy cô dạy các môn Văn, Sử, và Chính trị được bổ sung thêm. Một vài thầy cô trong nhóm bổ sung này là từ ngoài Bắc vào, trong đó tôi vẫn nhớ cô Tần, dạy môn Văn. Cô không dạy lớp tôi, nhưng có dạy thay một buổi. Tôi không thể quên giọng của cô rất Hà Nội, thanh, nhẹ, và điệu đà, với rất nhiều hơi gió khi phát lên những từ như “giản dị”, “dịu dàng”, “du dương”, hoặc “chuyên chính” (vô sản), “chiều chuộng”. Rất khác với giọng Sài Gòn, không có hơi, vì đã bị ngạc hoá (yu yương, yịu yàng).



Cũng có những thầy cô có lẽ từ bưng ra, hay người miền Nam tập kết có học tập ở miền Bắc, có lẽ thế, giọng miền Trung, Quảng Ngãi hoặc Đà Nẵng gì đó, nghe rất nặng và chát chúa, thậm chí có chút gì sắt máu, với âm sắc rất cao. Tôi vẫn nhớ một thầy dạy chính trị nói giọng Đà Nẵng nghe rất sắc, đặc biệt khi phát âm các từ vần trắc. Giờ đây, nhắm mắt lại tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai những lời đầy sắt máu của thầy khi giảng bài như: Các đồng chí của chúng ta; vi tm lòng son sắt; không qun ngại khó khăn, tù đày đàn áp; quyết tâm theo Đng; giành lại độc lập cho đt nưc … - những chỗ tôi in đậm là những chỗ nghe chát chúa như đinh đóng vào tai, rất khó chịu, và … khó quên).



Vâng, nếu tính ra thì hầu hết mọi việc nhìn bên ngoài vẫn như cũ, nhưng sao tôi vẫn thấy có một sự thay đổi rất căn bản, và những ngày hoa mộng cũ bỗng đột nhiên hoàn toàn biến mất, như có phép thần hô biến. Có một điều tôi cảm nhận được rất rõ ràng là không khí âu lo tràn ngập, cùng với sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm học sinh trong lớp với nhau, rất giống những lời trong bài hát của Trịnh Công Sơn, “Một ngày dài trên quê hương”:



Ngày thật dài trong âu lo/[…] Người Việt nhìn sao xa lạ/ Người Việt nhìn nhau căm hờn …



Chia rẽ, thì thực ra ở đâu và khi nào cũng sẽ có. Ví dụ trong lớp cũ của tôi có sự chia rẽ giữa “xóm nhà lầu” và “xóm nhà lá”, tức những học sinh ngồi mấy dãy đầu lớp và những học sinh ngồi mấy dãy cuối lớp. Nhóm trên thì ngoan ngoãn, học giỏi, được thầy cô cưng, còn nhóm dưới thì quậy phá, học dốt, và bị thầy cô chửi. Hai “xóm” này tất nhiên chẳng thích nhau một chút nào, và thường lờ nhau, coi nhau như không tồn tại.



Nhưng sự chia rẽ mà tôi cảm nhận được trong lớp tôi sau ngày giải phóng thì trầm trọng hơn nhiều. Trước hết, phải kể nhóm các học sinh ngoài Bắc vào. Họ là con của những người chiến thắng, tất nhiên, đa số học khá, rất vâng lời, được xem là gương mẫu, thường có các chức vụ trong lớp như lớp trưởng, lớp phó, bí thư, chi hội trưởng, hoặc bét ra cũng tổ trưởng vv. Những bạn này chỉ chơi với nhau, có cách ăn mặc khác, ngôn ngữ khác, các mối quan tâm khác, và tất nhiên suy nghĩ cũng khác. Họ là một thiểu số tuyệt đối, là tầng lớp thượng lưu, một loại “xóm nhà lầu” mới. Đa số các bạn khác không thích họ, nhưng cũng không (thể?) làm gì, mà chỉ mặc kệ, không thèm … chấp (nói cho oai tí!).



Rồi đến nhóm các bạn trong phong trào sinh viên học sinh trước năm 75, hay nói theo ngôn ngữ “ác cảm” là những người nằm vùng (trước năm 75, báo chí miền Nam gọi là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”). Những bạn này, chẳng hiểu tôi và các bạn khác trong lớp tôi có thành kiến không, thường bị ghét nhất, trước hết là vì các bạn ấy tỏ vẻ “cách mạng” nhiều nhất, hay phát biểu ý kiến trong các buổi thảo luận chính trị, tỏ ra rất “xung” (tinh thần xung kích mà lại), lại hay sửa lưng và lên án những người khác không có hành vi và tư tưởng giống như mình. Trong nhóm bạn này có cả người bạn quý mà tôi đã đề cập đến trong entry trước.



(còn tiếp)

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

“Hãy ngồi xuống đây” (2): Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm

(Xin xem từ bài 1, trong entry trước)



******

Rồi thì hòa bình … ập đến – vâng, ập đến một cách hết sức bất ngờ, và theo cái cách mà dân SG có lẽ không bao giờ ngờ được: miền Nam được giải phóng!



Những trận đánh kinh hoàng trong cuộc “tổng tấn công mùa Xuân lịch sử 1975” (cụm từ này là tôi học được từ môn Sử, môn học mà chúng tôi phải tụng cả năm trời để qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học của thời ấy, vì lúc ấy tôi chọn ban B tức là ban Văn, Sử, Ngoại ngữ - việc chọn ban này là sự điều chỉnh dựa trên việc phân ban thời trước năm 1975).



Những chết chóc ghê rợn thôi không nhắc lại ở đây nữa vì các sách báo đã viết nhiều rồi, tôi chỉ ghi lại ở đây một kỷ niệm, ký ức rất riêng mà nếu không nói ra thì không ai biết được. Ký ức ấy có liên quan đến bài hát “Hãy ngồi xuống đây” mà tôi đưa làm tựa của entry này.



Lúc ấy, do đánh nhau quá nên học sinh đã được nghỉ học mặc dù năm học chưa hết. Tôi còn nhớ ngày đi học gần cuối là ngày Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập, chúng tôi đang học giờ Hóa ở trường Gia Long, và cô giáo (hình như là cô Diệp) đang dạy bọn tôi không giảng được nữa, mà nói về cuộc chiến. Tôi nhớ cô có nói một câu: nếu họ định sai tọa độ thì vụ ném bom đó hoàn toàn có thể rơi vào trường Gia Long của chúng tôi, vốn cách Dinh Độc Lập không bao xa.



Chúng tôi không đến trường trong vòng khoảng hơn một tuần, rồi sau đó thì được gọi tập trung lại tại trường. Cũng chẳng rõ tại sao cái tin tập trung ấy lại đến với mình nữa. Hình như “giải phóng” SG xong được mấy ngày thì tôi tự đến trường để xem thông báo. Hôm ấy khi vào trường, tôi thấy rất ngỡ ngàng, xa lạ. Ngôi trường Gia Long đẹp đẽ thế, hôm tôi đến trông khá giống một trại tị nạn. Giày dép để một đống ngay trước cổng trường, chẳng rõ là của ai, không hiểu có phải là của những người dân tạm trú trong những ngày chiến sự kinh hoàng vừa qua không.



Bên trong sân trường, lố nhố các bạn “cán bộ đoàn”, những khuôn mặt rất xa lạ và … đáng sợ, do tôi bị ám ảnh về sự thù địch 2 miền. Những bạn ấy là con em các vị tướng lãnh người miền Nam ra Bắc tập kết, nay trở về. Một đặc điểm đập vào mắt tôi là các bạn ấy ăn mặc khá giống nhau: bím tóc dài ở sau lưng, quần đen ống nhỏ (lúc ấy SG đang có mốt quần ống loe), áo trắng dài tay cổ lá sen, bằng một loại vải hình như giống nhau, một loại vải hơi thô, trông giản dị một cách khắc khổ, hơi giống kiểu ăn mặc của các nữ tu.



Có nhiều bạn rất xinh, nhưng có vẻ lạnh lùng, khắc nghiệt, và có tác phong rất chỉ huy, nữ tướng, hoặc cán bộ tuyên truyền, hay là do tôi sợ mà tưởng tượng ra thế. Chẳng giống các cô SG yểu điệu, áo dài thướt tha, “nắng SG anh đi mà chợt mát/ bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, “chẳng biết mưa hay là nắng đây/ một đàn bướm trắng ngẩn ngơ bay” trong thơ Nguyên Sa (cũng là thầy giáo dạy Triết ở trường Gia Long trước năm 75) một chút nào hết.



Một trong những thông báo mà tôi đọc được trong sân trường là việc tổ chức mít-tinh (à, viết đúng như vậy các bạn ạ, mít-tinh, chứ không phải là meeting, họp mặt) và tuần hành ngay hôm sau để chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5. Các học sinh sẽ được tập hợp trong trường từ buổi tối, rồi sáng sớm sẽ tuần hành đến lễ đài, tức ngay trước Dinh Độc Lập.



Ngoan ngoãn, tôi về báo với gia đình để đến tối ôm bọc vào trường – lần đầu tiên đi khỏi nhà vào ban đêm – để mít-tinh chuẩn bị sáng hôm sau tuần hành đi mừng chiến thắng Điện Biên – những cái tên tôi được nghe lần đầu tiên trong đời.



Tối hôm ấy, vào trường, tôi chỉ gặp được có 2, 3 người bạn cùng lớp cũ, và một số bạn cùng khóa, khác lớp. Gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, dù chỉ mới xa nhau có ít ngày, nhưng mà biến cố lịch sử quá lớn, bọn tôi thực sự vẫn còn rất ngỡ ngàng, bàng hoàng lắm. Cập nhật tình hình cho nhau, mới biết bạn bè nhiều đứa đã theo gia đình đi di tản rồi. Cũng phải thôi, hồi ấy học sinh Gia Long có nhiều con em của tướng tá, quan chức cao cấp của chế độ cũ lắm.



Trong lớp tôi có cả bạn Bích Lan, con của Thiếu tướng Lê Minh Đảo, người bị kẹt lại và phải tập trung đi học tập cải tạo, nhà ở Cư xá Sĩ quan Bắc Hải nghe nói bị tịch thu, sau đó hình như anh trai thì có người đi TNXP (để cải tạo bớt lý lịch xấu của mình đi, tôi nhớ hồi đó người ta tin như vậy, và cũng thường được khuyên như vậy), có người đi vượt biên (chẳng rõ có thoát không), mẹ thì đi bán thuốc tây ở chợ trời. Ấy là chuyện sau này, sẽ nói sau.



Cũng trong đêm hôm ấy, tôi ngỡ ngàng nhận ra một khuôn mặt “cán bộ” nằm vùng trong số bạn bè của mình. Một người bạn mà tôi có thời gian cùng chơi, và đã có vài lần nhờ đưa thư cho một người ở gần nhà (sau này tôi nghĩ, có lẽ tôi đã làm giao liên không công cho bạn ấy, mà không được báo cho biết!).



Hồi trước bạn ấy rất điệu đà, diêm dúa, nay bỗng như thoát xác, thoắt một cái cũng áo bà ba trắng bằng một loại vải rẻ tiền, quần ny-lông ống túm, lôi thôi lếch thếch như nữ dân quân ở trong bưng ra. Bạn ấy lăng xăng, lít xít, thái độ (tôi có ác cảm không nhỉ) rất phát-xít, ra lệnh cho người này làm cái này, người kia làm cái khác ….



Ôi chao, đổi đời, mọi sự đảo ngược thật rồi, đó là điều tôi cảm nhận trực tiếp chứ không phải đọc trong sách báo nữa, ngay trong đêm 6/5 ấy.



Chúng tôi được chia thành những nhóm, hình như là phân theo tiểu đội như trong quân đội, được sinh hoạt một chút về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên, rồi sau đó thì được tự do. Cả một đêm dài trước mặt, mà bạn bè thì tụ họp với nhau như thế, chúng tôi tản ra sân trường, ngồi thành từng nhóm, nói chuyện, tâm sự, hát hò.



Và một bạn nào đó đã cất lên lời hát, trong nhóm nhỏ thôi, tất nhiên, của bài hát mà tôi rất thích đó: “Hãy ngồi xuống đây/ Hãy ngồi xuống đây, hãy ngồi xuống đây xa cơn buồn phiền/ Dẫu biết chia phôi, nhưng không/ Cuộc đời vẫn có đôi ta …”.



Bài hát đang rất hay, tôi còn đang rất hào hứng gật gù theo nhịp điệu của bài hát, thì có một bạn nào đó – một trong những bạn “cán bộ” từ miền Bắc vào mà tôi mô tả hồi nãy – cất lên bằng giọng xa lạ và lạnh tanh: “Đề nghị các đồng chí tuyệt đối không hát nhạc đồi trụy, phản động!”



Vâng, đó là sự tiếp cận đầu tiên của chúng tôi, của cá nhân tôi, với nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Sau này sẽ còn nhiều nữa, nhiều nữa, nhưng tôi không bao giờ quên “cái đêm hôm ấy” (mượn lời của Phùng Gia Lộc).



Tôi nhìn lên, và thấy ngoài bạn “cán bộ” từ miền Bắc mới vào, là người bạn cùng lớp của tôi, người ngoài việc nhờ tôi đưa thư, còn đã rủ tôi đi sinh hoạt, cắm trại chung, có một lần đến Giồng Ông Tố, nơi sau này tôi mới biết là khu căn cứ cách mạng, nằm vùng từ trước 1975, và tôi cũng đã được dạy cho hát bài hát “Tự nguyện” (Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng …) nữa, từ năm 1974!



Thậm chí, lúc ấy tôi còn đã từng viết một mẩu cho tờ báo (chui) của các bạn ấy nữa, đã được đăng lên, mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ, mẩu ấy có tựa là “Trong một giờ Sử”. Trong bài viết ấy, tôi viết lên mong ước hòa bình, thống nhất Bắc Nam, và sự đau đớn về những chia cắt của lòng người, những sông Gianh và sông Bến Hải của lịch sử VN.



Tôi viết thật lòng, vì tôi hiểu tâm trạng của bố tôi, người con trai duy nhất còn lại của ông nội tôi (bố tôi còn một người anh ruột là liệt sĩ, bị mất tích trong thời chống Pháp), đã rời quê hương vào Nam, để lại ông nội tôi ngoài Bắc với hy vọng tìm được xác người con đã hy sinh (mà đến giờ vẫn chưa tìm được). Tóm lại, lúc ấy tôi và bạn ấy khá thân thiết với nhau, và bạn ấy còn đến nhà tôi chơi mấy lần, mẹ tôi biết rõ.



Vậy mà giờ đây người bạn ấy nhìn tôi, lúc ấy đang gật gù theo nhịp của bài hát “Hãy ngồi xuống đây”, không phải bằng cái nhìn thân thiện như thời trước đây còn … ve vãn tôi tham gia các sinh hoạt của nhóm bạn ấy nữa, mà là một đôi mắt lạnh lùng, dò xét, “đôi mắt mang hình viên đạn” như cách người ta vẫn nói bây giờ.



Và ngay lập tức, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu một cách vô cùng trực tiếp, ý nghĩa của lời hát tưởng như vô nghĩa của Trịnh Công Sơn, bài “Vẫn nhớ cuộc đời”:



Một ngày còn sống góp tiếng mong manh

Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm

Một ngày đảo điên giết chết linh hồn…




(còn tiếp)

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

"Hãy ngồi xuống đây", tất cả chúng ta! (1)

“Hãy ngồi xuống đây” là tên một bài hát mà tôi rất thích của Lê Uyên Phương.



Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này là khoảng năm 1974, có lẽ thế. Vào thời điểm ấy, cuộc chiến tranh VN đã gần kết thúc, vì Hiệp định Paris đã được ký vào năm 1973. Theo trí nhớ của tôi, thì phong trào âm nhạc tại SG lúc ấy đã rất phát triển, và có nhiều trường phái khác nhau.



Hai cây đại thụ phải kể tất nhiên là Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. TCS thì đã rất nổi tiếng từ trước với giòng nhạc lên án chiến tranh và than thở về thân phận nhược tiểu của VN, trong tập Ca khúc da vàng mà ngày nay vẫn chưa được chính thức phổ biến. Những bài hát với ca từ ghê rợn, ma quái: “Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người”, xót xa, đau đớn như ”Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây”.



Một đôi khi, ca khúc của TCS chở những lời ca ngợi hòa bình, thống nhất, và nghe hao hao có âm hưởng của nhạc cách mạng (lúc ấy người dân SG không gọi là CM, tất nhiên, mà gọi là thân cộng): “ta đã thấy gì trong đêm nay, cờ bay muôn vạn cờ bay”, hoặc ”khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm”).



Những bài hát đó tôi không thực sự hiểu, nhưng cũng cảm nhận rất rõ một điều gì đấy đang lơ lửng trên không, một dự cảm mơ hồ về những thay đổi rất lớn (chưa rõ là tốt hay xấu) đang sắp diễn ra.



Còn Phạm Duy, thì lúc này lại bắt đầu đổi “mốt” để viết những bản nhạc cho tuổi thơ, nhí nhảnh (“em ước mơ mơ gì, tuổi 12, tuổi 13…”), hoặc những bản nhạc nhuốm mùi đạo, rất đạo hạnh, khói hương nghi ngút (“đầu mùa xuân cùng em đi lễ/ lễ chùa này, vườn nắng tung bay”). Hình như những bài nhạc có mùi đạo này được Phạm Duy gọi là “tâm ca” thì phải.



Bên cạnh hai tên tuổi lẫy lừng là Phạm Duy vàTrịnh Công Sơn cũng còn một lô các nhạc sĩ và các giòng nhạc khác nữa, hiện đại hơn, mà tôi có thể biết tên hoặc không biết tên, trong đó có những bài rất hay. Một trong những bài hát thuộc giòng nhạc mới mẻ này là bài “Hãy ngồi xuống đây” của Lê Uyên Phương mà tôi đã nhắc đến ở trên.



Bài hát này hay ở chỗ nào nhỉ? Trước hết, nó hay vì tiết tấu nhanh, dứt khoát, và nhạc điệu tươi trẻ, tự tin, yêu đời. Và đặc biệt là vì ca từ của nó rất phóng khoáng – có lẽ phải nói là phóng túng – và hơi nổi loạn, rất … hợp với suy nghĩ của thế hệ trẻ chúng tôi thời đó (và cả bây giờ nữa, hẳn là thế chứ?)



Hãy ngồi xuống đây

Hãy ngồi xuống đây, hãy ngồi xuống đây xa cơn buồn phiền

Dẫu biết chia phôi, nhưng không

Cuộc đời vẫn có đôi ta …



[…]



Hãy ngồi xuống đây

Hãy ngồi xuống đây, như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng

Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ



[…]



Hãy ngồi xuống đây trên con vực này

Ngó xuống thương đau…




Nhân tiện, bạn nào (thuộc thế hệ trẻ hiện nay, hoặc cũng đã … già như tôi, nhưng ở phía bên kia chiến tuyến thời trước 1975) chưa nghe bài này bao giờ thì tôi nghĩ nên nghe qua ít nhất là một lần, ở đây này. Xem thử tôi khen bài ấy có đúng không nhé.



Riêng đối với tôi, bài hát ấy luôn nhắc cho tôi không khí của SG những năm 1973, 1974. Lúc ấy, hiệp định Paris đã được ký kết, ngưng bắn. Cuộc sống của dân SG theo trí nhớ của tôi lúc ấy sung túc lắm. Gia đình tôi đã sắm được mọi tiện nghi như bếp gas, tủ lạnh, tivi, xe gắn máy (lúc ấy ba tôi đi xe Vespa Sprint, còn chị tôi thì đi xe Honda PC), đã ở nhà lầu, có phòng riêng. Chiến sự dường như đã lùi xa trong ký ức của người SG – không còn những trận đánh kinh hoàng của Tết Mậu Thân 1968 hay mùa hè đỏ lửa 1972 nữa. Hình như hòa bình đang đến? Tôi vẫn nhớ mang máng đâu đó có bài hát như thế này:



Rồi hòa bình sẽ đến đến cho dân tộc Việt

Đôi chim bồ câu trắng rủ nhau bay về đảo xa …


(tiếc là tôi chỉ nhớ được có hai câu đó thôi!)



(ký ức dài và tản mạn, nên viết mất nhiều thì giờ quá; tôi phải đi làm đã, tối về viết tiếp nếu có thời gian).

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

TQ 2013 và nạn mất trí nhớ tập thể

Mặc dù cái tựa thì to tát, nhưng entry này của tôi sẽ là một blog entry đúng nghĩa, tức là một mẩu nhật ký cá nhân trên mạng mà thôi. Cũng có nghĩa là nó sẽ tản mạn, chủ yếu ghi lại những suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi thôi.

Trước hết, xin giải thích cái tựa. Số là hôm qua tôi có đọc được bài báo trên Tuần VN giới thiệu cuốn sách mới của nhà văn Hong Kong viết về tương lai (rất gần) của TQ, năm 2013. Một cuốn sách thú vị, đáng đọc, nhưng có lẽ sẽ không sớm có ở VN, khi cuốn sách còn đang bị cấm tại TQ. Ai quan tâm, xin đọc tại đây. Bản gốc tiếng Anh của bài giới thiệu nói trên có thể tìm được ở đây.

Riêng với những ai không có thì giờ để đọc bất kỳ chỗ nào khác, xin được dịch hầu một đoạn tóm tắt rất ngắn sau đây:
TRUTH IS NOT AN OPTION Beijing, sometime in the near future: a month has gone missing from official records. No one has any memory of it, and no one can care less. Except for a small circle of friends, who will stop at nothing to get to the bottom of the sinister cheerfulness and amnesia that has possessed the Chinese nation. When they kidnap a high-ranking official and force him to reveal all, what they learn - not only about their leaders, but also about their own people - stuns them to the core.

KHÔNG CÓ QUYỀN LỰA CHỌN SỰ THẬT. Bắc Kinh, một lúc nào đó trong tương lai gần: một tháng trời bỗng biến mất hoàn toàn trong mọi hồ sơ, sổ sách. Chẳng còn ai nhớ đến nó, và cũng chẳng ai quan tâm làm gì. Chỉ có một nhúm bạn bè, những người bằng mọi giá muốn tìm ra căn nguyên của cái nạn mất trí nhớ tập thể và tâm trạng mừng vui hớn hở mà toàn dân TQ vừa bị nhiễm phải lúc này. Những người này đã bắt cóc một viên chức cao cấp và buộc ông ta phải kể ra tất cả sự thật - không chỉ sự thật về những nhà lãnh đạo, mà còn là sự thật về dân chúng của họ - và sự thật này đã làm cho họ thực sự bàng hoàng sửng sốt.
Nguồn: http://pjmooney.typepad.com/my-blog/2011/06/the-fat-years.html#tp

Sự thật gì mà ghê rợn vậy? À, cũng không có gì là ghê rợn lắm đâu. Lúc ấy, năm 2013 ấy, sắp đến rồi còn gì, TQ đã là một quốc gia "thái bình thịnh trị", dân chúng thì vô cùng hài lòng với cuộc sống và với nhà nước, kinh tế thì phát triển, tiện nghi vật chất thì đầy đủ, quốc gia này nổi lên thành một cường quốc lớn trên thế giới. Tốt quá, chứ có gì mà ghê rợn nhỉ?

Chỉ có một điểm duy nhất có vẻ không được hay lắm theo một cái nhìn (phản động?) nào đấy, đó là trước khi TQ đến được giai đoạn đó, thì đất nước đang trong tình trạng loạn lạc, thiếu đói, cướp bóc, và tranh giành quyền lãnh đạo đất nước giữa các phe nhóm. Chính quyền mới khi giành được quyền vào tay mình bèn pha thuốc gì đấy vào cho mọi người uống để họ quên sạch thời gian đó đi, để khi tỉnh dậy thì thấy đất nước TQ thái bình thịnh trị như trên.

Ai cũng vui vẻ, phấn khởi, hài lòng, mặc dù tất cả mọi người đều đang ở trong một tình trạng lạ kỳ: mất trí nhớ tập thể! Chỉ nhớ những gì có lợi cho nhà nước, cho chế độ, và quên sạch mọi thứ khác.

Vâng, chỉ có vậy. Có thể sẽ có những người thấy là không hay, nhạt. Nhưng sao đối với tôi, cuốn sách lại làm tôi xúc động đến lặng người đi như vậy? Phải chăng do thời điểm tôi đọc về cuốn sách đó thì ở VN đang xảy ra một số việc khiến tôi không thể không nghĩ đến cụm từ "mất trí nhớ tập thể" ở trên?

Này nhé, nào là kỳ thi Sử với hàng ngàn điểm không. Môn Sử, phải chăng nó là nơi chứa ký ức của một dân tộc, về tất cả những gì đã xảy ra, dù chiến thắng hào hùng, hay đau thương mất mát? Nhưng bây giờ không mấy ai thích học hoặc dạy nó nữa. Tại sao vậy? Sau này thì thế hệ hiện nay, vốn là sản phẩm của một nền giáo dục nơi mà môn Sử được học sinh xem là thuốc gây mê như vậy, liệu có bị chứng mất trí nhớ tập thể hay không?

Và những gì đang được dạy trong môn Sử hiện nay nữa, có phải cũng đã là một loại "ký ức được tuyển chọn" (selective memory) theo quan điểm và lợi ích của một nhóm người - những người được quyền viết sử và viết sách giáo khoa lịch sử - hay không?

Rồi lại việc anh thanh niên Nguyễn Chí Đức, xem trên báo lề trái thì rõ ràng bị đạp vào mặt thế, mà nay trên các phương tiện truyền thông chính thức lại hoàn toàn không hề bị hành hung gì, thậm chí còn được quan tâm giúp đỡ, đưa lên xe buýt .... Vậy ký ức của tôi, một người có mặt tại HN vào ngày 17/7 và có chứng kiến một vài cảnh tượng của cuộc biểu tình, nên hoàn toàn tin vào clip đã đưa lên mạng, và ký ức của công an HN, ký ức nào sẽ được tuyển chọn đây? Và trí nhớ nào thì sẽ cần được làm mất đi, theo kiểu mất trí nhớ tập thể ấy?

Cũng vậy, chuyện phiên tòa phúc thẩm của CHHV ngày 2/8. Tin tức trên báo chí lề trái liên tục, dồn dập trong mầy ngày qua cũng rất khác với tin tức rên các báo nhà nước, vậy phải đưa vào ký ức tập thể của người VN những thông tin như thế nào về việc xử án đây?

Và còn rất nhiều ví dụ về những ký ức khác mà tôi chưa nói đến, có lẽ là không muốn, hoặc là chưa dám, hoặc là cả hai, về cuộc chiến tranh "thần thánh" của VN trước năm 1975, từ cái nhìn của một người dân miền Nam. Người ấy là tôi đây, lúc ấy tôi chỉ mới là một công dân nhí, đến năm 75 cũng chỉ mới 15 tuổi. Nhưng không nói ra, thì liệu đến thế hệ sau có còn ai nhớ đến nữa hay không?

Hình như chưa đến 2013, mà VN cũng không là đối tượng mà cuốn sách nói đến, nhưng nạn mất trí nhớ tập thể đã đang xảy ra ở VN rồi hay sao ấy?

Quay trở lại cuốn sách trước khi kết thúc entry này. Cuốn TQ 2013 ấy cho ta thấy trước viễn cảnh về sự phát triển theo kiểu TQ như hiện nay sẽ dẫn đến một xã hội "hạnh phúc mà không cần tự do", là điều mà phương Tây không thể nào hình dung được. Vì đối với họ, hạnh phúc vốn đã bao hàm ý nghĩa tự do rồi.

Thì Hồ Chủ tịch trước đây cũng đã từng nói như thế: "đau khổ chi bằng mất tự do" mà lại.

Đó là lý do tại sao hầu hết các nước đều cho phép tự do biểu tình, tự do ngôn luận, như một quyền cơ bản của con người, để có hạnh phúc. Nhưng ở các nước XHCN như VN hay TQ, thì những quyền ấy đang được hy sinh để có được sự "bình ổn và phát triển", nhằm đem lại hạnh phúc (nếu thành công, that is). Một thứ hạnh phúc không tự do.

Chúng ta có muốn điều này không, đó là câu hỏi cho mọi người cùng suy nghĩ. Tôi thì có câu trả lời rồi các bạn ạ, nhưng sẽ không nói ở đây. Không muốn nói, không dám nói, hoặc cả hai, tùy các bạn hiểu!!!!

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Sản xuất hàng dỏm tại TQ (2): Lời cuối của tác giả

Phần dưới đây là Lời cuối của tác giả cuốn sách, Midler, do tôi dịch, và đã đăng trên Tia Sáng (link trong entry trước). Tuy nhiên, do không đủ đất, hoặc do ... nhạy cảm (?), nên TS có cắt đi một số đoạn ngắn. Tôi đăng lại đây bản đầy đủ để các bạn thưởng thức nhé.
-------------------

Lời cuối

(Paul Midler, PA dịch)

Ngay sau khi cuốn sách Poorly made in China được xuất bản vào mùa Xuân năm 2009, tôi được WFAE mời phỏng vấn trong một tiếng đồng hồ trên radio. WFAE là chi nhánh phát thanh của NPR, truyền thanh từ thành phố Charlotte thuộc bang North Carolina. Trong cuộc phỏng vấn ấy, Mike Collins, người phụ trách chương trình đã hỏi tôi: Tại sao tôi lại viết cuốn sách này?

Lúc ấy bản thảo cuốn sách của tôi đã được nộp đến nhà xuất bản được nhiều tháng, và tôi mới trở lại nước Mỹ từ Đông Á. Tôi chưa quen với những cuộc phỏng vấn long trọng, và không hiểu sao tôi thấy mình thật lúng túng trước câu hỏi này. Để viết cuốn sách ấy tôi đã phải bỏ ra 2 năm trời ròng rã, vì vậy lẽ ra tôi phải trả lời được dễ dàng câu hỏi đó. Nhưng quả thật lúc ấy tôi hoàn toàn không biết trả lời như thế nào cả, nên đã nói lan man chẳng ra đâu vào đâu.

Sau cuộc phỏng vấn ấy, tôi đã có thêm thời gian để suy nghĩ về động cơ viết sách của mình. Có người viết sách để kiếm tiền, và người khác thì viết vì mong được chút danh. Riêng tôi, dù đã được nhận tiền trước để viết cuốn sách này, nhưng thời gian để viết cuốn sách đã kéo dài hơn tôi nghĩ nhiều, và tôi đã phải bù tiền túi của mình vào để hoàn tất cuốn sách. Tôi không phải lànhà báo, cuốn sách ấy đối với tôi không phải là một sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Tôi đã phải ngưng công việc chính của mình trong suốt thời gian viết sách.

Nếu xét về danh tiếng thì những quan tâm của độc giả đến cuốn sách này chỉ làm cho tôi lo lắng. Do bản chất của cuốn sách – và nhất là do cái tựa gay gắt của nó – nên tôi đã sợ rằng sau khi xuất bản cuốn sách tôi có thể sẽ không được phép làm việc ở Trung Quốc nữa, hoặc nếu vẫn còn được phép trở lại đất nước này thì các đối tác phía TQ cũng sẽ nhìn tôi với cặp mắt thiếu thiện cảm. Thực ra lúc ấy một số lo lắng của tôi cũng đã trở thành hiện thực: tôi bắt đầu vấp phải cách đối xử lạnh nhạt và những bức thư điện tử không được trả lời.

Ngay sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, đứng trước cửa phòng thu của mình Mike cám ơn tôi đã đồng ý thực hiện cuộc phỏng vấn này, và tiếp tục nhắc lại câu hỏi ban nãy – chỉ có điều lần này câu trả lời của tôi sẽ không được thu và phát đến độc giả nữa. Rõ ràng là tôi chẳng có mấy lợi ích trong việc viết một cuốn sách như Poorly made in China, vì vậy Mike thực sự tò mò muốn biết tại sao tôi lại phải nhọc công đến thế?

Tôi thoáng ngập ngừng và suy nghĩ rất nhanh. Tôi hiểu anh ta muốn ám chỉ cái gì. Lúc này, vì không còn áp lực phỏng vấn nữa, nên tôi đã nở một nụ cười yếu ớt và đưa ra câu trả lời có chút riêng tư: “Ừ, nhưng chắc cũng phải có ai viết ra những điều ấy chứ!” Câu trả lời của tôi đã khiến Mike nhìn tôi với một vẻ tôi không thể nào quên, đầy thất vọng và tiếc rẻ, anh ta bảo tôi rằng anh ấy ước gì trong lúc phỏng vấn tôi đã nói đúng như thế.

Kỹ năng trả lời phỏng vấn của tôi hôm ấy thật kém, nhưng trong mấy tháng sau đó tôi cũng đã làm hết sức mình để cổ động cuốn sách của tôi. Tôi có thêm một số cuộc phỏng vấn khác, đa số là do các đài địa phương thực hiện, và cuốn sách của tôi có thêm một số nhận xét tích cực trong các bài điểm sách, cũng từ các tờ báo nho nhỏ. Rồi thì sau khi cuốn sách ra đời được khoảng 9 tháng, một vận may lớn đã xảy ra. Tạp chí The Economist và một số các nhà xuất bản liên bang khác đã chọn cuốn Poorly made in China làm cuốn sách hay nhất trong năm. Đó là một vinh dự, giúp thu hút sự chú ý của độc giả đến cái tựa sách này. Rồi tiếp theo đó là những nhà phê bình – hoặc ít ra là những nhà phê bình nghiệp dư.

Bất kể tôi đi đến đâu, người ta cũng đều có thái độ theo kiểu “ừ tôi có biết, nhưng cũng thường thôi” về cuốn sách này. Không ai nói là họ không thích cuốn sách, nhưng họ đều ám chỉ rằng cuốn sách này được chọn làm cuốn sách của năm chỉ vì nó có đúng chủ đề mọi người đang quan tâm. TQ lúc ấy đang dính rất nhiều vụ tai tiếng về chất lượng hàng hóa, vì thế mọi người muốn biết thêm về chủ đề này, có thế thôi. “Anh đã có mặt đúng chỗ vào đúng thời điểm”, người ta bảo tôi thế, hàm ý rằng nếu như trước đó đã có một vài cuốn sách nào khác về chủ đề này thì cuốn sách của tôi thậm chí chẳng ai buồn để ý đến.

Những nhận xét như trên đã làm cho tôi nhận ra một điều mà trước đó tôi hoàn toàn không nhận ra: cuốn sách của tôi hóa ra là cuốn sách duy nhất đã đưa ra những lý giải về sự yếu kém chất lượng của hàng hóa TQ. Điều này quả là lạ, tôi nghĩ thế. Trong vòng đời của các tin tức thời sự, thông thường khi một chủ đề được báo chí đề cập thật nhiều trong một thời gian, thì y như rằng trong khoảng từ 12 đến 18 tháng sau thế nào cũng có ít ra là một vài cuốn sách viết về chủ đề ấy. Trong khi đó, scandal lớn đầu về chất lượng hàng hóa TQ đã nổ ra tại Mỹ cho đến nay là đã gần 3 năm, chất lượng thì cứ tiếp tục tồi tệ, vậy mà cho đến giờ chỉ mới có một cuốn sách của tôi.

Tôi chẳng phiền giận gì với những nhận xét theo kiểu “có mặt đúng chỗ vào đúng thời điểm” về cuốn sách của tôi, vì điều đó là chính xác: Tôi có kinh nghiệm làm việc với các nhà sản xuất TQ, nên tôi có chất liệu để viết. Nhưng những nhận xét như tôi đã nêu ở trên tạo cho ta cái cảm giác rằng chỉ có một mình tôi mới có kinh nghiệm làm việc với các nhà sản xuất. Thế còn hàng ngàn người ngoại quốc khác đang làm việc tại TQ thì sao? Và còn một số lượng lớn hơn rất nhiều những người TQ – con số hẳn phải lên đến hàng chục triệu, theo nghĩa đen – cũng đang làm việc trong lãnh vực sản xuất? Rõ ràng là tất cả những người này đều phải có ít nhiều hiểu biết về những bí mật đen tối và sâu kín nhất của các ngành công nghiệp chứ nhỉ?

Lẽ ra tôi đã phải có cảm giác tự hào vì mình là người duy nhất xuất bản được cuốn sách về chủ đề ấy, nhưng tôi không hề cảm thấy thế. Trái lại là khác: tôi cảm thấy rất băn khoăn vì tại sao lại có quá ít người lên tiếng như vậy. Tôi có cảm giác là có nhiều người có thể viết được, nhưng chỉ rất ít người viết vì ở TQ nói chung là người ta khó chấp nhận sự phê phán. Có vẻ như mọi người đều tin vào giả định này, mà không phải là không có cơ sở, là không nên viết những điều phê phán về đất nước này; chính phủ TQ kiểm soát chặt chẽ và khá cứng rắn; ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra.

Từ khi cuốn sách được xuất bản, tôi thường bị người khác hỏi liệu tôi có còn được cho phép quay lại TQ nữa hay không. Câu trả lời đơn giản nhất là tôi vẫn được vào – tại sao lại không nhỉ? Tôi vẫn tiếp tục đóng vai trò trung gian giữa các công ty của Mỹ và các nhà sản xuất tại TQ. Công việc trung gian của tôi đã giúp tạo ra dòng chảy của đồng Mỹ kim vào một nền kinh tế đang rất cần ngoại tệ. Hàng triệu đô la Mỹ mà tôi giúp để đưa vào Trung Quốc cuối cùng sẽ đóng góp vào việc củng cố sức mạnh của Đảng Cộng sản TQ thôi.

Nhưng xin các bạn đừng nhầm lẫn: không hề có chuyện TQ đang trải thảm đỏ để đón rước tác giả của cuốn sách này. Nơi xuất bản cuốn sách của tôi đã phải mất nhiều tháng để xin phép nhập bản tiếng Anh của cuốn sách này vào TQ, và cho đến nay chúng tôi vẫn còn chưa tìm được nhà xuất bản nào ở TQ sẵn lòng mua tác quyền để dịch cuốn sách này ra cho thị trường nội địa.

Ở những nước châu Á khác, các nhà xuất bản đã rất nhiệt tình mua tác quyền của các tác phẩm nước ngoài. Nhiều hợp đồng đã được ký tại Việt Nam, Ấn Độ, và Indonesia. Ngay cả Hồng Kông và Đài Loan cũng đã mua lại tác quyền của nước ngoài để xuất bản bằng tiếng Hoa dạng phồn thể. Nhưng để xuất bản bằng tiếng Trung (giản thể) , chưa hề có một ai làm điều này cả.

Cá nhân tôi cũng có những nỗ lực tìm kiếm một nhà xuất bản tại TQ, và đã trao đổi với một nhà xuất bản mà một người bạn tôi là nhà văn đã giới thiệu cho tôi. Ban đầu họ cũng tỏ ra rất quan tâm vì đã đọc qua những bài điểm sách, nhưng sau đó họ lại tỏ ra lạnh nhạt. Họ nói thẳng cho tôi biết rằng cuốn sách của tôi đem lại quá nhiều rủi ro cho họ, bởi vì nó có thể sẽ tạo ra một sự quan tâm không đúng hướng.

Người biên tập viên chịu trách nhiệm xem xét nội dung cuốn sách rõ ràng là không đọc quá vài trang, tôi có cảm giác như thế. Tôi có nhận được một lời nhắn từ người biên tập viên này, trong đó có nhắc đến một số “vấn đề nhạy cảm” (chẳng hạn như tôi đã sử dụng từ “sweatshop”, tạm dịch sang tiếng Việt là “xưởng mồ hôi”, ở trang 2 của cuốn sách).

Trong những câu hỏi khó trả lời nhất mà tôi đã nhận được từ lúc cuốn sách được xuất bản, đặc biệt là liên quan đến vấn đề chất lượng hàng hóa, đó là: Mọi việc chắc phải khá hơn rồi chứ? Giá mà trả lời được rằng giai đoạn hoang sơ đã qua rồi thì tốt quá, nhưng với một quốc gia mà bất cứ ai và bất cứ lúc nào người ta cũng phải tự kiểm duyệt, thì ta biết nói gì về nó đây?

Khi được yêu cầu dự đoán xem trong tương lai liệu có còn những vụ tai tiếng về chất lượng hàng hóa TQ nữa hay không, tôi không ngần ngại gì cả mà trả lời rằng chắc chắn những scandal như vậy vẫn còn xảy ra nữa. Vì không thể có sự tiến bộ nào ở một đất nước nơi các nhà xuất bản thì e ngại không dám xuất bản, còn người dân thì sợ hãi đến nỗi không thể mở miệng ra./-

(còn tiếp nhiều kỳ)

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

“Sản xuất hàng dỏm tại Trung Quốc” (1)

Bài giới thiệu sách này của tôi vừa được đăng trên tờ Tia Sáng số ra ngày 5/8/2011. Có thể đọc bài ấy trên trang mạng của Tia Sáng ở đây. Còn dưới đây là nguyên văn bản gốc của tôi.
-----------
Nói đến hàng “sản xuất tại Trung Quốc”, người ta nghĩ ngay đến các loại hàng hóa rẻ tiền và kém phẩm chất, có khả năng gây hại cho môi trường và đe dọa sự an toàn tính mạng của người sử dụng. Nhưng tại sao những loại hàng hóa có phẩm chất tồi tệ như thế lại vào được thị trường Mỹ? Phải chăng các doanh nhân Mỹ do quá tham lợi nên đã nhập hàng hóa kém chất lượng của TQ, hay chính họ là nạn nhân của những doanh nhân Trung Quốc ranh ma, láu cá? Câu trả lời cho những câu hỏi trên có trong cuốn sách xuất bản lần đầu tiên năm 2009 và được tái bản năm 2011 của Paul Midler. Cuốn sách có tựa tiếng Anh là Poorly made in China, có thể tạm dịch sang tiếng Việt là “Sản xuất (hàng dỏm) tại Trung Quốc”.

Theo Midler, cuốn sách này của ông thoạt đầu chỉ là một bài viết ngắn theo đặt hàng của Wharton School of Business thuộc ĐH Pennsylvania, Mỹ vào năm 2007. Đó là năm mà một loạt vấn đề về chất lượng của hàng hóa TQ đã bị phát hiện, nào là sữa cho trẻ em và thức ăn cho thú cưng (pet) bị nhiễm melamin, lốp xe mới toanh bị nổ banh giữa đường, và đồ chơi trẻ em bị nhiễm chì khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Dư luận Mỹ đưa ra lời cáo buộc rằng chính các nhà nhập khẩu Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự cố trên do đã nhập hàng dỏm từ Trung Quốc vào nước Mỹ.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm sống và làm việc tại TQ trong vai trò người đại diện cho các công ty nhập khẩu của Mỹ để làm việc với các nhà sản xuất tại Trung Quốc, Midler có một cái nhìn khác về việc này. Theo ông, thực ra những công ty của Mỹ đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, họ đã quá ngây ngô, khờ khạo khi làm ăn tại TQ, khi đối tác của họ là những thương nhân ranh ma, quỷ quyệt, đã dùng mọi thủ đoạn để lấy được hợp đồng rồi sau đó lẳng lặng giảm dần các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm để gia tăng lợi nhuận. Các sản phẩm nhập vào Mỹ từ TQ thực ra ban đầu cũng đạt chất lượng, nhưng sau đó chất lượng giảm dần một cách tinh vi rất khó nhận ra cho đến khi quá muộn. Hiện tượng nói trên được Midler gọi bằng một cụm từ rất thú vị là “quality fade”, tức là “nhạt phai chất lượng”, hay còn có thể gọi là hiện tượng “chất lượng bốc hơi”.

Bài viết ngắn của Paul Midler đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm và phản hồi của độc giả, đặc biệt là những độc giả từ các doanh nghiệp của Mỹ đang làm ăn hoặc có ý định làm ăn với TQ. Điều này đã khuyến khích Midler đồng ý chia sẻ thêm những kinh nghiệm và hiểu biết của mình về đất nước TQ dưới dạng một cuốn sách. Kết quả chính là cuốn sách Poorly made in China dài gần 250 trang, đã được nhà xuất bản Wiley xuất bản vào năm 2009. Thật bất ngờ cho một tác giả với cuốn sách đầu tay, cuốn Poorly made in China đã được chọn để trao giải thưởng Cuốn sách hay nhất t(Best book of the year) trong lãnh vực doanh thương của Tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) của năm 2009. Một vinh dự mà tác giả không bao giờ ngờ đến.

Vì sao cuốn Poorly made in China lại hấp dẫn độc giả đến vậy? Rất đơn giản: cuốn sách đã đưa ra một góc nhìn riêng mà chỉ có những người có kinh nghiệm sống lâu năm trong lòng đất nước Trung Quốc như Midler mới có thể có được. Đa số các tác giả khác khi viết về Trung Quốc đều dùng loại văn nghị luận và nhìn dưới góc độ đơn thuần chuyên môn – hoặc kinh tế, hoặc kỹ thuật, hoặc chính trị. Cuốn sách của Midler thì khác: ông không dùng văn nghị luận mà viết dưới dạng một câu chuyện với các nhân vật, và tất cả những thông điệp về TQ đều được Midler cung cấp cho độc giả thông qua lăng kính văn hóa. Điều này khiến cho cuốn sách trở nên nhẹ nhàng, dễ đọc, nhưng các kiến giải của tác giả về các sự kiện ở Trung Quốc lại có được một sự sâu sắc không dễ tìm thấy ở nhiều tác giả khác.

Qua những mẩu chuyện trong Poorly made in China, độc giả nhận ra rằng việc sản xuất kém chất lượng ở Trung Quốc không chỉ do non kém về tay nghề, hoặc chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, hoặc thậm chí có thể giả định là do âm mưu ám hại người tiêu dùng Mỹ (!), như tác giả của cuốn Death by China đã ám chỉ. Theo Midler, rất nhiều những trục trặc xảy trong mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc có nguyên nhân sâu xa từ những thói quen hoặc những giá trị văn hóa của đất nước này. Người Trung Quốc hầu như không bao giờ có thể thừa nhận là mình đã sai lầm (vì sợ bị mất mặt), mặt khác cũng luôn tránh không bao giờ chỉ thẳng ra với đối tác những điều mình chưa hài lòng (vì sợ mất hòa khí).

Bên cạnh những quan niệm nói trên, TQ còn có một truyền thống giao tiếp thương mại theo nguyên tắc cố lấy được thật nhiều thông tin từ người khác, đồng thời phải cố giữ bí mật thông tin về phía mình, vì họ biết rất rõ sự lợi hại của vũ khí thông tin. Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp thì hợp đồng ký chỉ để mà ký, còn khi thực hiện hợp đồng thì các nhà sản xuất phía Trung Quốc sẽ tự thực hiện theo ý mình, tất nhiên là để bảo vệ lợi ích của mình. Họ hoàn toàn không cần biết phía đối tác có bị thiệt hại gì không, và với những kẻ non nớt, chưa có nhiều kinh nghiệm làm ăn với TQ, thì những thiệt hại có thể sẽ rất đáng kể.

Cuốn sách bao gồm 22 chương, mỗi chương là một mẩu truyện liên quan đến quá trình giao dịch làm ăn giữa một đối tác của Mỹ và một đối tác ở miền Nam TQ (tỉnh Quảng Châu). Mặc dù cuốn sách nhằm giúp ta nhìn ra được mặt trái của quá trình sản xuất (hàng dỏm) tại TQ, nhưng những mẩu chuyện trong sách vẫn toát ra một vẻ nhẹ nhàng, thân thiện, thậm chí một tình yêu đối với một đất nước lạ lùng mà tác giả của nó đã làm việc và sinh sống rất lâu đến nỗi ông tự xem mình là người địa phương. Một cuốn sách rất đáng đọc đối với những ai muốn làm ăn với Trung Quốc, và cả với những ai chỉ muốn hiểu thêm về đất nước và con người Trung Quốc.

Hiểu, để có những cảnh giác cần thiết, để không rơi vào tình trạng bất ngờ với những thiệt hại mà khi biết ra thì đã quá muộn. Một cuốn sách rất cần đối với mọi người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, không chỉ cho các doanh nhân, mà còn cả các vị lãnh đạo, để có được những đối sách cần thiết trong mối quan hệ với người hàng xóm lạ kỳ này.

Để độc giả có thể phần nào thưởng thức cuốn sách, trong những số tới chúng tôi sẽ trích dịch một số chương tiêu biểu của cuốn sách này. Riêng lần này, chúng tôi xin bắt đầu với một quy trình ngược, đó là giới thiệu trước bản dịch Lời cuối của tác giả. Lời cuối này không phải là phần kết của cuốn sách, mà là những trăn trở còn đọng lại của tác giả sau khi viết xong cuốn sách. Và một câu hỏi mà dường như cho đến tận bây giờ tác giả vẫn chưa tìm ra lời giải đáp dứt khoát: Vì sao nước Mỹ, và xa hơn nữa là toàn thế giới, lại dễ dàng rơi vào bẫy của Trung Quốc như vậy? Phải chăng đó là do ngây thơ, thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lãnh, hay do lòng tham? Hay đúng hơn, là do tất cả những điều này cộng lại?

Một câu hỏi cũng đang rất cần được mọi người Việt Nam trả lời cho mình trong giai đoạn hiện nay!

(còn tiếp nhiều kỳ)