Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

TIẾNG CHUÔNG ĐÊM CUỐI NĂM

 TIẾNG CHUÔNG ĐÊM CUỐI NĂM 

(Thơ Gabriel Okara

Phương Anh dịch 31.12.2022)


Tiếng chuông cầu hồn đang rung lên –

một năm đã hết.

Chầm chậm trái tim tôi đánh nhịp

Theo điệu Bài ca Simêôn*

Những ước vọng và khát khao của một năm

Đã dần im tiếng

Và những bóng ma bay lượn

Vờn quanh những giấc mơ.


Giấc mơ rồi lại giấc mơ

Rực rỡ quyện vào nhau trong vầng ánh sáng

Tiếng chuông mờ dần

Rơi vào ký ức

Như những giọt mưa

Rớt xuống giòng sông.


Và tiếng chuông lại rộn rã vang lên –

Một năm nữa đến.

Reo vui trái tim tôi vào buổi bình minh.

Nhưng mọi vật giờ đây tôi nhìn thấy

Đều phủ lớp sương mờ

Sải bước trên con đường rợp bóng

Đến một bờ sông.


*Ghi chú: Nunc Dimittis còn được gọi là The Song of Simeon, tức Bài thánh ca của Simêôn, theo Phúc âm của Thánh Luca.

------

Bản tiếng Anh đây:


NEW YEAR'S EVE MIDNIGHT

(Gabriel Okara, nhà thơ Nigeria)


Now the bells are tolling –

 a year is dead.

 And my heart is slowly beating

 the Nunc Dimittis*

 to all my hopes and mute

 yearnings of a new year.

 And ghosts hover round

 dream beyond dream


 Dream beyond dream

 mingling with the brightest gleam.

 Bell-sounds fading

 into memories

 like rain drops

 falling into a river.


 And now the bells are chiming –

 a year is born.

 And my heart-bell is ringing in a dawn.

 But it’s shrouded things I see

 dimly stride

 on heart-canopied paths

 to a riverside.


Tiểu sử Gabriel Okara ở đây:

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

XIN CHÚC LÀNH VÌ TRÔNG ĐỢI

 


Cho những ai

Trong đêm dài

Đang trông đợi 

Ánh bình minh

Xin chúc lành.


Và cả những ai

Mong đêm dài

Mau đến

Để được ngủ yên.


Xin chúc lành

Cho những người

Đang chờ mong

Trong bệnh viện

Và cho những ai

Trong mong chờ

Đang cầu nguyện.


Cho những người

Đang ngóng trông

Tin tức

Đang đợi trông 

Một cú điện

Đang khao khát

Chỉ một lời

Đang đợi chờ

Một việc làm

Một mái ấm

Một trẻ thơ

Xin chúc lành cho họ.


Cho những người

Đang chờ đợi

Người trở về

Và cả những người 

Vẫn mong chờ

Người không về nữa

Xin chúc phúc.


Những người đang chờ

Trong niềm vui

Trong nỗi sợ

Trong an bình

Trong phẫn nộ

Chờ khi kết thúc

Chờ lúc khởi đầu

Chờ trong đơn độc

Hay chờ đợi cùng nhau 

Xin ban phúc. 


Những người chờ

Mà không biết 

Đang chờ gì

Hoặc tại sao

Xin hãy ban ơn lành.


Những người chờ

Khi lẽ ra không nên chờ

Những người ngồi đợi

Lúc đang cần khởi động 

Những người ngồi yên

Khi điều cần làm là đứng dậy

Những người nằm nhà

Khi cần bước ra ngoài

Xin chúc lành cho họ.


Những người chờ

Cho cuộc đợi chờ 

Mau chấm dứt

Những người trông

Chờ thời gian viên mãn

Những người đợi

Với tâm hồn trống rỗng

Rộng mở và sẵn sàng

Những người trông chờ Người

Mau đến

Xin ban phúc bình an.

BÀI GỐC TIẾNG ANH Ở ĐÂY:

Who wait

for the night

to end


bless them.


Who wait

for the night

to begin


bless them.


Who wait

in the hospital room

who wait

in the cell

who wait

in prayer


bless them.


Who wait

for news

who wait

for the phone call

who wait

for a word

who wait

for a job

a house

a child


bless them.


Who wait

for one who

will come home

who wait

for one who

will not come home


bless them.


Who wait with fear

who wait with joy

who wait with peace

who wait with rage

who wait for the end

who wait for the

beginning

who wait alone

who wait together


bless them.


Who wait

without knowing

what they wait for

or why


bless them.


Who wait

when they

should not wait

who wait

when they should be

in motion

who wait

when they need

to rise

who wait

when they need

to set out


bless them.


Who wait

for the end

of waiting

who wait

for the fullness

of time

who wait

emptied and

open and

ready

who wait

for you,


o bless.


Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, ca khúc da vàng và thân phận Việt

 Mọi người xôn xao nhiều quá về Trịnh Công sơn và Khánh Ly.


Tôi nghĩ trường hợp này cũng giống như một số nhân vật nổi tiếng khác của Việt Nam, có liên quan tới cuộc nội chiến khốc kiệt kéo dài chỉ hơn 20 năm và đã trôi qua gần 50 năm rồi.

Là một nhân chứng đã sinh ra và lớn lên trong lòng cuộc nội chiến hơn 20 năm ấy, tôi cho rằng mình cũng tạm đủ hiểu và đủ trải nghiệm về nó để có thể góp vài lời. Dù lúc ấy tôi cũng chỉ là một đứa trẻ con, không quá nhỏ đến nỗi ngu ngơ không biết gì, nhưng cũng không thể gọi là đã thực sự trưởng thành. Vì khi cuộc chiến ấy tàn thì tôi chỉ mới 15 tuổi.

Và ý kiến của tôi dưới đây:

1. Những ca khúc về tình yêu của Trịnh Công Sơn dù khá nhiều và cũng khá hay: ý tứ dễ thương, ca từ mới mẻ, nhạc điệu khá đơn giản dễ nhớ dễ hát, nhưng thực sự tôi không hề quan tâm và không cho rằng nó đã làm nên tên tuổi của TCS. Vì bên cạnh nó còn có nhiều tên tuổi khác, mỗi người đều có nét đặc sắc riêng: Ngô Thụy Miên - Cung Tiến - Vũ Thành An - Lê Uyên Phương... và còn nhiều, nhiều nữa.

2. Chính những bài hát về thân phận của người Việt Nam trong cuộc nội chiến khốc liệt mới làm nên tên tuổi của cặp nhạc sĩ, ca sĩ ấy. Những bài hát trong tập Ca khúc da vàng thực sự chạm đến trái tim của người Việt hai miền - không chỉ là người trẻ ở tuổi đôi mươi, mà ngay cả bố mẹ tôi, lúc ấy ở tuổi 30-40 cũng rất mê. Bởi chúng chạm vào nỗi niềm và lột tả thân phận của con dân nước Việt - một đất nước nhược tiểu đang oằn mình trong một cuộc nội chiến điêu tàn. 

Những câu hát, những hình ảnh như thế này, ai mà cầm lòng được:


Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người

Tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn...

Tôi đã thấy trong khu vườn một người mẹ ôm xác đứa con

Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị vỗ tay hoan hô hòa bình...


Một ngày mùa đông hai bên là rừng

Một chuyến xe tang trái mìn nổ chậm

Người chết hai lần thịt da nát tan...


Ghế đá công viên dời ra thành phố

Người già co ro nằm im tiếng thở

Từng bàn chân quen chạy ra phố chợ

Em bé lõa lồ suốt đời lang thang...


Ôi quê hương đã lầm than

Sao còn chiến tranh

Mẹ già hết chờ mong, đã ngủ yên

Buông lời ru cho hư không

Buông bàn tay con đi hoang

Con đi hoang một đời

Con đi hoang phận người...


Ai có nghe tiếng nói người Việt Nam?

Chỉ mong hòa bình

Sau đêm tăm tối chỉ mong một ngày

Tay ấm trong tay...

3. Tài năng của Trịnh Công Sơn chính là ở chỗ này. Và sự nổi tiếng của Khánh Ly, với chất giọng trời cho rất phù hợp với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, cũng có yếu tố may mắn vì nó tìm được tình thế "thiên thời, địa lợi" của thời cuộc lúc ấy.

4. Tài năng được thể hiện qua các tác phẩm của TCS cũng như phần biểu diễn của KL cần được đánh giá độc lập với các chế độ mà họ sinh sống, hoặc những cách ứng xử của họ dưới mỗi thời. Mỗi chế độ và mỗi thời đại sẽ cho phép hoặc đòi hỏi một cách hành xử khác nhau. Chế độ nào tốt, xấu ra sao - và cần được đánh giá theo những tiêu chuẩn - nào thì đã quá rõ. Và ai đứng về phe nào thì không hẳn đã hoàn toàn do họ chọn mà còn do sự đẩy đưa của hoàn cảnh. Cần gì phải cố tình tìm cho bằng được những chi tiết nọ kia trong cuộc đời của họ để phê phán, mà mục đích cuối cùng hình như vẫn là "ai thắng ai" hoặc "ai đúng, ai sai"?

5. Trịnh Công Sơn giờ cũng đã mất trên 20 năm rồi - bằng thời gian của cuộc nội chiến. Khánh Ly giờ cũng đã gần 80 tuổi, và đã sống xa Việt Nam với một thời gian gấp đôi thời gian của cuộc nội chiến đó rồi. Chúng ta không thể tôn trọng họ với tất cả lựa chọn và sự khác biệt trong quan điểm sống, trong hành động và trong lời nói được ư? 

Vậy thì xin kết bài này bằng những lời gửi gắm cùng những câu hỏi da diết của chính Trịnh Công Sơn, mà qua nửa thế kỷ vẫn còn nguyên ý nghĩa:

------

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... 

Để gió cuốn đi.


Hôm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui?


Nơi đây tôi chờ, nơi kìa anh chờ

Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù

Chờ tim người không còn nuôi những hờn căm...

Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình...

Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà...

Chờ nhìn quê hương sáng chói...


Lại gần gần lại với nhau 

Ngồi gần nhau hơn ngồi kề bên nhau

Đừng bỏ tôi đi bao nhiêu năm rồi

Còn gì cho anh, còn gì cho em

Còn gì cho nhau?

Không còn gì, còn lại trái tim.


Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây?

Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời

Hay mình đã lạc loài? 

------

Và cuối cùng, câu hát có lẽ sẽ còn đúng trong nhiều năm nữa:

Gia tài của mẹ để lại cho con... Là nước Việt buồn.

Các bạn nhỉ?

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Facebook hỏi tôi đang nghĩ gì? (Nhân cái chết của một LM trẻ ở Pleiku)

 Facebook hỏi tôi đang nghĩ gì?

...
Tôi nghĩ về hai cái chết
Hai con người
Hai lứa tuổi
Hai niềm tin
Hai cách sống
Hai tôn giáo
Hai thái độ trước cuộc đời.
Nghĩ đến cách truyền thông đưa tin về cả hai người
Lặng lẽ, âm thầm, mơ hồ, vội vã
Hay long trọng, trang nghiêm, đình đám, rộn ràng
Nghĩ về hai nước Việt Nam
Về những con đường mà người ta lựa chọn
Trên đất nước khốn khổ này.
Và tôi nghĩ đến đoạn đường
Ai đó đã đi qua hơn hai ngàn năm trước
Máu đã từng đổ xuống
Trên đồi.
Máu cũng đã đổ ra trên đất nước tôi
Như những hạt giống được gieo
Để có được những vụ mùa
Bội thu
Mãi mãi...

Như bánh chưng ngày Tết

 NHƯ BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT...

Tôi vốn thích văn của nhà văn PTH, một cây bút độc đáo với giọng văn rất riêng: Sắc sảo, thông minh, nhiều khi gai góc, đôi khi mỉa mai đến độ cay độc. Đặc biệt, chị luôn có những góc nhìn khác lạ, và đánh rất trúng không nhân nhượng vào những vấn đề cần phê phán.
Nhưng bài viết về bánh chưng mới đây của PTH - mà hiện đang làm dậy sóng dư luận, người khen cũng có nhưng dường như gạch đá còn nhiều hơn gấp bội - thì quả tình chính tôi, người hâm mộ tài văn chương của PTH, cũng không thích.
Tất nhiên tôi hiểu ý tứ của tác giả, vốn không nhắm đến việc đả phá bánh chưng (có lẽ đó chỉ là một cái cớ) cho bằng lên án một số tật xấu của người Việt. Dân ta có tật "sống và làm theo" những lời dạy bảo của các thế hệ trước, hoặc bắt chước đám đông "ai sao mình vậy", hoàn toàn thiếu tư duy phản biện (và tự phản biện).
Ngoài ra, tôi cũng đồng tình phần nào về những cái "dở" của bánh chưng mà chị PTH đã chỉ ra. Quả tình, đó đúng là món ăn của một dân tộc có một thời gian dài triền miên thiếu đói: "mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết/ để được ăn cơm no có thịt..." (thơ Nhân văn - Giai phẩm).
Nhưng xét theo một thước đo nào đó, rõ ràng nó là một món ăn khá hoàn hảo: cung cấp đủ năng lượng như một bữa ăn nhanh cho một gia đình đông đúc, 3 thế hệ chung sống với nhau. Hơn nữa, nó còn giữ được lâu trong điều kiện không có tủ lạnh - rất tiện khi có khách đến bất chợt không phải lúng túng vì không có gì để mời khách.
Có thể chỉ cần chừng một thế hệ nữa, khi cuộc sống sung túc hơn, người Việt sẽ không còn thích bánh chưng. Có thể ngay lúc này đây cũng đã có nhiều người trẻ VN không còn thích (và không ăn) bánh chưng. Bởi một món ăn được xem là ngon hay không thì không phải cứ có truyền thống hoặc được mọi người ca ngợi, hay xem là "thiêng liêng" là sẽ được thực khách thấy ngon và thích ăn.
(Điều này, ai đã từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài sẽ thấy rõ. Nhiều món ăn mà Tây khen ngon hoặc xem là truyền thống, người Việt có thích thú gì đâu.)
Bánh chưng rồi cũng sẽ chỉ là một trong nhiều lựa chọn của ngày Tết. Thực ra đối với gia đình tôi, nó đã là, từ nhiều năm nay - đơn giản chỉ vì bây giờ gia đình còn ít người quá, mà bánh chưng thì, theo truyền thống, lại to quá. Bóc một cái ra thì không thể nào ăn hết.
Nhưng bánh chưng tự nó không có tội gì cả, cho dù nó có thể là sản phẩm của một thời nghèo đói. Vì nghèo đói - và cả dốt nát nữa, vốn là hệ quả của nghèo đói - thì không phải là một cái tội. Khi hoàn cảnh thay đổi, người ta sẽ tự khắc thay đổi thôi. Vấn đề là làm sao để người ta có được hoàn cảnh sống tốt hơn.
Nếu bài viết về bánh chưng của nhà văn PTH là nhắm đến mục đích phê phán những gì cản trở việc cải thiện hoàn cảnh sống của người Việt, thì tôi không có ý kiến gì, thậm chí còn ủng hộ nữa.
Nhưng nếu bánh chưng là đối tượng mà PTH đang phê phán - dù, xin nhắc lại, không phải là không có phần đúng - thì tôi thấy bài viết này của tác giả nghe có vẻ ... ác ác (?). Nó làm tôi nghĩ đến cảm giác của một đứa bé con nhà nghèo học chung với bạn bè khá giả, hàng ngày mang lon cơm đạm bạc theo để ăn trưa và bị bạn bè nhìn chòng chọc vào rồi chê bai, dè bỉu vì "nó ăn cái gì lạ quá, chẳng giống ai."
Nhiều người phản ứng khi đọc bài viết, có lẽ là điều dễ hiểu.
(Well, có lẽ chính tôi đang cảm tính chăng? Biết đâu trong thâm tâm tôi cũng đã từng yêu mến Lang Liêu qua câu truyện truyền thuyết mà tôi đã nghe từ nhỏ - một cái tuổi rất dễ bị ấn tượng (impressionable)? Hay biết đâu trong thâm tâm tôi cũng xem bánh chưng là một cái gì "thiêng liêng" nên giờ đây ấm ức vì bị "giải thiêng" - dù chính tôi cũng không ý thức điều này? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết, khác với nhiều bài viết khác của PTH - một nhà văn tôi yêu thích - tôi đọc bài về bánh chưng mà chẳng thích chút nào.)
Nhân tiện, bánh chưng ở nhà tôi đã hết từ ngày hôm qua rồi. Nhà có 4 người lớn mà tôi chỉ mua có đúng 2 cái, một cái bóc vào sáng mùng 1 mà phải cất vào tủ lạnh, ăn 2 ngày mới hết. Cái còn lại bóc vào sáng mùng 3 nhưng không ai đụng đến. "Dửng dừng dưng như bánh chưng ngày Tết" mà lại.
Cái bánh đã bóc được cất nguyên vào tủ lạnh, đến sáng mùng 4 lại lấy ra và được chiên lên để ăn. Ăn một miếng thấy cũng ngon ngon, dù quả là nặng bụng. Thế là đã giải quyết xong, không bị thiu mốc rồi bỏ đi, như đã từng..... May quá!
Nhưng tôi tin chắc chắn đến Tết năm sau, trong nhà tôi lại có tối thiểu là một cặp bánh chưng nữa. Thì, tôi là người Việt Nam mà...

------

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

CÓ NGƯỜI LỚN NÀO MUỐN ĐƯỢC "THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT"?

CÓ NGƯỜI LỚN NÀO MUỐN ĐƯỢC "THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT"?


Việc cháu V.A. bị mẹ kế tương lai hành hạ đến tử vong, cái sai đã quá rõ ràng nên không còn gì để nói nữa.


Tôi chỉ lưu ý đến lý do được nại ra cho việc đánh đập hành hạ bé, đó là: bé học chậm nên cần phải "dạy dỗ" (bằng đòn roi, that is).


Bà mẹ kế tương lai của bé V.A. có thể bị cho là hành hạ bé V.A. do thù ghét - điều này tôi không có thông tin nên không dám lạm bàn. Nhưng điều đáng nói là ở VN tình trạng trẻ em bị chính người thân ruột thịt trong gia đình như cha mẹ, anh chị ruột phạt đòn roi, quỳ gối, dang nắng, bắt nhịn ăn chỉ vì học dốt (bị điểm kém) là điều không hề hiếm hoi, mà ngược lại có thể xem là phổ biến ở một số nơi, với một số người...


Với tư cách một nhà giáo, tôi thấy quả tình không có điều gì phản sư phạm hơn việc trừng phạt, đánh đập một đứa bé học chậm. Nếu có ai cần bị phạt ở đây, thì trước hết đó chính là những người có trách nhiệm giáo dục trẻ em, mà trước hết là gia đình và nhà trường, và sau nữa là toàn bộ hệ thống giáo dục và nền tảng văn hóa cùng các giá trị của xã hội nơi đứa bé sinh sống.


Một xã hội được xem là văn minh, tiến bộ và xứng đáng với giá trị và nhân phẩm con người chỉ khi nào những thành viên nhỏ bé và yếu đuối nhất của nó được tôn trọng và ưu tiên nâng đỡ. Vì nếu không làm được như vậy thì chúng ta cũng chẳng khác gì những loài thú hoang, ỷ lớn hiếp bé, mạnh được yếu thua.


Tôi nhớ lúc sinh thời mẹ tôi hay dùng câu nói "chửi vợ đánh con mắng đứa đầy tớ" để bày tỏ sự khinh bỉ đối với những người đàn ông hống hách với vợ con, về đến nhà chỉ biết quát mắng đánh đập những kẻ yếu hơn mình. Thảm hại lắm. 


Tôi cũng nhớ khi còn nhỏ, tôi rất ghét - dù không nói ra với ai - những người chuyên mang bó roi mây đi rao bán cho người lớn mua về "sửa dạy" con em trong nhà. Trong lòng tôi lúc ấy xem đó là những người độc ác - dù khi lớn hơn tôi biết rằng cả người bán rồi lẫn người mua và sử dụng roi không hề nghĩ rằng mình độc ác, mà ngược lại tin rằng họ đang thực hiện trách nhiệm của mình.


Điều đó chỉ thể hiện một sự vô cùng thiếu hiểu biết về những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em, cùng sự thiếu tôn trọng trẻ em mà thôi. Thời xa xưa người ta nghĩ như vậy thì có lẽ còn hiểu được, nhưng bây giờ khoa học kỹ thuật đã tiến quá xa, thông tin và tri thức cũng được chia sẻ rộng rãi khắp nơi, thì chẳng còn lý do gì mà ta cứ bám mãi vào các truyền thống và thói quen lạc hậu - thậm chí có thể nói là man rợ - đã tồn tại quá lâu như thế.


Cuối cùng, việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm được là hãy bỏ tư duy cho rằng người lớn có thể dạy dỗ trẻ em bằng cách đánh đập, chửi bới, nhục mạ kia đi. Nên nhớ rằng ở các nước văn minh, luật pháp hoàn toàn có quyền can thiệp và tước quyền làm cha mẹ đối với những người xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân phẩm của trẻ em. Không có chuyện "con tôi, tôi dạy, can gì đến ai" đâu nhé! Hàng xóm biết trẻ bị hành hạ mà không báo thì cũng chịu trách nhiệm liên đới đó!


Hãy thương yêu trẻ em bằng sự âu yếm, và bằng cách tôn trọng các em. Nếu chúng học chậm, rất có thể là phương pháp giảng dạy hoặc môi trường giáo dục có những điểm gì đó chưa phù hợp với trẻ em. Hãy giúp các em vượt qua những khó khăn, những rào cản nếu có. Hãy bỏ thời gian tìm hiểu thiên hướng của các em và giúp chúng phát triển tốt nhất bằng cách trở thành chính các em, chứ không phải trở thành một phiên bản méo mó lệch lạc của ai đó mà cha mẹ chúng đã chọn.


Và hãy vứt ngay những roi vọt ra khỏi nhà của mỗi người. Chúng ta, mà đặc biệt là trẻ em, không cần đến loại "công cụ giáo dục" kinh khủng và man rợ ấy!


Bởi vì, như chúng ta đều biết, it doesn't work that way!!!