Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Nhỏ nhắn, xinh xắn, San Antonio


Bai nay viet lau roi, tu hom moi den Pittsburgh, ma hom nay moi post duoc. Enjoy!
---------

Bây giờ là 4:30 sáng ở Pittsburgh. Chuyến bay từ San Antonio qua Dallas đáp xuống sân bay Pittsburgh vào 1 giờ sáng, và tôi không thể ngủ được nữa vì đã quá giấc. Và cũng vì vẫn còn vương vấn trong đầu những kỷ niệm, hình ảnh rất thoáng qua nhưng (có lẽ vì thế mà) cũng rất đẹp về thành phố San Antonio nhỏ nhắn, xinh xắn, nơi có ngôi trường University of the Incarnate Word mà chúng tôi vừa đến thăm theo lời mời của trường.

Ấn tượng về thành phố San Antonio thật đẹp. Tôi đã đến thành phố này lần thứ hai, lần đầu vào năm 2009 khi tham dự Hội nghị của ABET chỉ chưa đầy ngày, lúc ấy ở ngay trung tâm thành phố và cũng đã đến thăm qua những điểm mà khách du lịch hay đến. Lần này cũng chỉ chưa đầy 3 ngày, nhưng do có “thổ công” dẫn đi giới thiệu nên thành phố này đã hiện ra trong mắt tôi với toàn bộ vẻ đáng yêu của nó. 

Không thể nói hết thành lời những gì tôi đã cảm nhận, thôi thì đưa lên đây những bức hình mà tôi đã chụp để hình ảnh nói giúp tôi những gì cần nói. Chỉ biết tóm gọn ấn tượng của tôi trong cái tựa của entry này. Quả thực, San Antonio là một thành phố vô cùng đáng yêu: nhỏ nhắn, xinh xắn, thân thiện, nhưng không hề kém phần cosmopolitan (không biết phải dịch từ này ra như thế nào cho “đắt” nhỉ, tôi xin tạm dịch là “lịch lãm”). Cũng vậy, ngôi trường UIW rất thân thiện, quy mô không lớn (dưới 10 ngàn sinh viên), “một nơi ai cũng quen nhau” (cụm từ lấy từ tựa một cuốn sách của Hoàng Ngọc Tuấn trước năm 1975), nhưng cũng không kém phần hiện đại, và mức độ quốc tế hóa rất cao. Nói như anh Diệp, người đồng hành trong chuyến đi của tôi, “quốc tế hóa dường như là một chiến lược phát triển của UIW”.

Và những con người tôi gặp, đặc biệt là Murat, trưởng phòng QHQT của UIW (my counterpart), cũng vô cùng dễ mến. Như toàn bộ gia đình anh: cô vợ trẻ xinh xắn và 2 cô cô con gái bé bỏng, papa’s daughters, lúc nào cũng luôn miệng “papa”, “papa”. Tôi tự hỏi, sự dễ mến của cả gia đình Murat là đặc điểm của người Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nguồn gốc của Murat (anh là công dân Mỹ thế hệ đầu tiên, và cô vợ của anh cũng thế), hay là của San Antonio? Hoặc cả hai, có lẽ thế.

San Antonio ơi, “nàng” sẽ vào trong danh sách những thành phố tôi yêu. Như Madison (Wisconsin) mà khi tôi đến từ năm 1989 tôi đã ngay lập tức fell in love with. Như Canberra, Melbourne của Úc mà một thời tôi đã xem như quê hương thứ hai, thực vậy – well, quê hương “học thuật” của tôi, nơi tôi đã trưởng thành về mặt tri thức. Như Torronto, mặc dù rất ngắn, nhưng cũng đủ gây cho tôi rất nhiều thiện cảm. Có lẽ tôi chỉ thích hợp với những thành phố nho nhỏ, xinh xinh, hiền hòa như San Antonio thôi. Thích hợp cho những người hướng nội, thích ngồi một mình lặng im trong tĩnh mịch – như buổi sáng hôm nay trong khách sạn tại Pittsburgh khi mọi người ngủ say. Lặng lẽ, tĩnh mịch, nhưng lòng rất thanh thản, nhẹ nhàng và vui sướng.

Và lại nhớ đến một bờ vai vững chãi đang chờ tôi ở VN. Bao giờ thì mình có thể cùng nhau trên những chuyến đi như thế này, đến những thành phố mà em rất yêu, hở anh?

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Xúc phạm dân tộc?

Cách đây ít ngày, tôi có viết vài bài trên blog và trên báo về vụ đạo văn, mà tôi cho rằng có thể có nguồn gốc từ văn hóa. Nói cách khác, VN có "văn hoá đạo văn".

Sau đó, tôi được bạn bè báo cho biết rằng tôi đang bị ném đá ở trong một trang Tạp chí mạng tự phong cho mình có một chức năng cao cả là làm trong sạch nền khoa học nước nhà. Họ cho rằng tôi đã xúc phạm dân tộc khi nói rằng VN có "văn hóa đạo văn". Không những thế, mọi người còn cho rằng tôi rất dốt nát khi không biết phân biệt Nhật, Hàn là những nước khoa học phát triển với TQ và VN là những nơi vô cùng kém cỏi. Ngoài ra, tôi là một tiến sĩ không biết nghiên cứu khoa học nghiêm túc mà dám phát biểu này nọ thì chỉ là chém gió!!!!!

Tôi cũng đã cố giải thích, rằng "văn hóa" ở đây được dùng với nghĩa là "thói quen, niềm tin, lề thói của một cộng đồng", chứ không phải với nghĩa "phần tinh túy, truyền thống của một dân tộc". Từ văn hóa dùng theo nghĩa này là rất thường, ví dụ văn hóa trà, văn hóa tổ chức (mỗi tổ chức là một cộng đồng với một lề thói và niềm tin riêng biệt). Và cũng chẳng riêng gì VN có văn hóa này, nhưng văn hóa này dường như phổ biến hơn ở châu Á. Nhưng hình gì tôi có giải thích mấy thì cũng chẳng ích gì, vì nói theo kiểu tòa án thì tôi đã bị "kết án trước khi xử" rồi.

Thôi thì miệng đời thị phi, ai muốn nói gì thì nói, biết làm sao giờ? Tôi chỉ thắc mắc ở trong trang Tạp chí mạng có mục tiêu cao cả ấy có lẽ cũng có nhiều người tài giỏi, hẳn là phải có nhiều tiến sĩ, giáo sư thứ thiệt, hàng xịn, và chắc chắn là mọi người ở đấy giỏi giang hơn tôi là một tiến sĩ không biết nghiên cứu khoa học nghiêm túc là gì, mà sao lại lấy việc dè bỉu người khác làm (một trong những?) mục đích cho sự tồn tại nhỉ?

Nếu cho rằng tôi xúc phạm dân tộc Việt khi tôi nói VN có "văn hóa đạo văn", thì mọi người hình như quên rằng tôi cũng là một người Việt và cũng cảm thấy xúc phạm không kém khi thấy người khác nói về mình như thế. Nhưng phải bình tĩnh tìm hiểu tại sao họ lại nói mình như thế, và khi đọc định nghĩa họ đưa ra và suy nghĩ kỹ thì thấy có lẽ họ không sai. Theo tôi, điều quan trọng khi người khác chê mình là phải tự xem xét lại mình xem mình có gì cần sửa chữa không. Tôi chỉ đang cố làm điều đó. Nhưng khi thấy mọi người xúm vào phê phán tôi như vậy, tôi bỗng nhớ đến câu phát biểu của TGM Ngô Quang Kiệt. Một câu nói được cắt đứt ra khỏi ngữ cảnh để rồi từ đó kết luận về động cơ.

Tôi nhớ đã có vài lần viết trên trang này của tôi là Việt Nam không có văn hóa tranh luận, và thiếu kỹ năng thương lượng. Thì lần này lại có thêm cơ hội để củng cố thêm suy nghĩ đó. Và để tạo ra một văn hóa mới thì phải xuất phát từ giáo dục. Vâng, đúng rồi, culture còn có nghĩa là nuôi trồng, vun đắp, gần giống với từ nurture là chăm sóc, bồi dưỡng. Tôi tự nghĩ, có lẽ thấy những cái xấu của dân tộc mà cứ bênh chầm chập mới thực sự là xúc phạm. Vì nó cho thấy không những là mình xấu, mà còn vô vọng vì không nhìn ra cái xấu của mình.

Rồi chợt nhớ đến THP với mấy entry gần đây của bạn ấy. Rất hiểu và thông cảm.

Nhưng thực ra đó cũng chỉ là việc không đâu, và không nên để cho ảnh hưởng đến cuộc sống và cảm xúc của mình, phải không? Những gì tôi viết ở đây chỉ là vài giòng lẩn thẩn mà thôi.

Đến bao giờ thì trí thức VN mới có được một tinh thần và thái độ cởi mở với những người có quan điểm khác mình, nhỉ?

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

“Ông Mỹ tới!” (Kỳ 2): Cuộc hạnh ngộ tại một ngôi chùa

Cái tựa của loạt bài này, “Ông Mỹ tới!”, thực ra là lấy trong bài viết của ông Mỹ bạn tôi. Khi ngồi với tôi trong buổi làm việc tại một viện nghiên cứu nọ, ông cứ kể say sưa, dường như không cần biết người nghe có quan tâm không, câu chuyện về một ngôi trường mà ông đã giúp xây dựng ở một vùng quê hẻo lánh tại Cam Ranh cách đây hơn 40 năm. Lúc ấy, ông mới có 22 tuổi, fresh from university, đến VN vì bị “động viên” (drafted), với vai trò là “cố vấn Mỹ” trong quân đội Mỹ.

Là cố vấn Mỹ là làm gì, thực ra tôi không biết, mà cũng chưa bao giờ quan tâm. Nhưng hôm nay khi viết về ông thì tôi bỗng thắc mắc, chắc là hôm nào gặp lại ông phải hỏi mới được.



Rất kỳ lạ là sau hơn 40 năm, chỉ với một vài tấm hình và một tờ “giấy chứng nhận” (mà tôi đã có dịp nhìn thấy vì ông đã cho tôi xem để “khoe”) mà ông vẫn giữ từ năm 69 đến nay, ông đã tìm lại được ngôi trường và một số cựu học sinh của ngôi trường ấy. Một cuộc hội ngộ vô cùng xúc động, đặc biệt là đối với một người trầm tư, hướng nội và sống vì quá khứ như ông, một nhà sử học.


Trong mẩu tùy bút mà ông viết để ghi lại cuộc gặp gỡ này, ông viết (tất nhiên là bằng tiếng Anh; bản tiếng Việt là do tôi cung cấp, hy vọng vẫn giữ được phong cách thâm trầm lặng lẽ của ông):


Tôi có một tờ chứng nhận, ký ngày 27/5/1969, được viết bằng thứ tiếng Anh đầy lỗi:


Kính gửi: Trung úy

Bằng cách hết mình ủng hộ chúng tôi, ngôi trường mang tên “Trường Từ thiện” được hoàn tất hôm nay, chúng tôi không làm gì cho lòng ưu ái của ông (ý nói: “không có gì để đền đáp lại sự giúp đỡ của ông”). Vì vậy, chúng tôi chỉ một điều là chúc ông may mắn và sức khỏe để phụng sự nghĩa vụ công dân. Chúng tôi, tất cả tu sĩ Phật giáo Việt Nam, gửi đến ông lời cám ơn sâu sắc nhất,

Với tất cả lòng tôn kính,

(Ni sư) Từ - Liên


(Cái vụ thêm 2 từ “Ni sư” vào trong ngoặc này là do tôi, vì tôi thấy để tên Từ Liên không thôi thì hơi kỳ, không đúng các quy ước viết thư của tiếng Việt. Nhưng có thể tôi sai, vì tôi không theo đạo Phật nên không hiểu gì về các tước vị của các vị tu hành bên Phật giáo. Ai biết xin chỉ giáo giúp.)

Đấy là vào năm 1969. Ngôi trường này do các vị tăng ni thuộc một ngôi chùa nhỏ ở một ngôi làng ven biển ở vùng Cẩm Thuận (?), Cam Ranh xây dựng để dạy học cho trẻ em con nhà nghèo cũng như các em mồ côi ở cô nhi viện gần đấy. Ông tham gia vào việc xây dựng ngôi trường này là rất tình cờ, khi nhìn thấy túp lều lụp xụp mà các ni cô dựng tạm lên để dạy học giữa một nơi hoang vu trong cái nắng và cát chói chang. Ông viết:


Tôi vẫn nhớ hình ảnh cả một hàng dài các vị sư nữ trong chiếc áo màu vàng cam lóa mắt, họ gặp tôi trong trại MACV ở Cẩm Linh (?) và rồi thì tôi cùng theo họ đến thăm ngôi chùa của họ ở Cẩm Thuận. Tôi vẫn nhớ cảm giác bàng hoàng và kinh ngạc khi nhìn thấy túp lều xộc xệch được dùng làm nơi dạy học của ngôi trường Từ thiện, và tôi tự nhủ sẽ không còn có em bé nào phải ngồi học trong “ngôi trường” như thế này nữa. Tôi cũng nhớ đã đi xin xỏ, nhặt nhạnh nào gỗ, nào ván, nào tôn lợp mái từ những căn cứ của quan đội Mỹ đang trú đóng dọc theo vùng bờ biển Cam Ranh, những người chỉ vì lòng tốt đã sẵn sàng cho tôi tất cả những gì tôi xin để có thể xây dựng một ngôi trường cho các vị sư nữ và những em bé Việt Nam mà họ không hề biết mặt.


Ông Berman, người bạn Mỹ của tôi ơi! Tôi tin chắc chắn rằng sẽ có nhiều người không sao hiểu được vì sao lúc ấy ông lại làm như vậy. Nhưng câu chuyện của ông làm tôi nhớ lại những năm ấy của cuộc chiến mà ông gọi là chiến tranh Việt Nam, còn tôi thì được dạy để gọi là chiến tranh chống Mỹ. Năm 69 tôi mới được 9 tuổi, gia đình đang ở Nam Thái, một xứ đạo nghèo của người di cư năm 54. Đa số dân cư ở đấy, đàn ông thì làm thợ mộc, thợ nề, chạy xe lam, nếu không phải là đã vào quân đội (mà ngày này “cách mạng” người ta gọi là “lính Cộng hòa”),  đàn bà thì đi bán xôi, bán rau, hoặc làm thuê làm mướn.

Gia đình tôi lúc ấy vẫn chưa có nhà, phải ở nhà thuê; tôi nhớ gia đình tôi thuê tạm ở nhà cậu Ngoạn, chạy xe lam, con bà Trác (?), hai mẹ con có căn nhà nhỏ có một căn gác, cậu Ngoạn chưa có gia đình. Gia đình tôi thì lúc ấy bố làm công chức nhỏ, mẹ tôi có gánh quần áo bán rong ở chợ Ông Tạ (ngồi nhờ trước cửa nhà may Phúc Tiến), anh chị em tôi đã có 5 người. Cả gia đình 7 người – bố mẹ, và 5 đứa con lít nhít –  chen chúc trong căn gác nhà cậu Ngoạn, nhà gạch mái tôn, gác ván. Buổi trưa, nóng hầm hập như đổ lửa.

Cũng trong cái nóng nhiệt đới ấy, chàng thanh niên “ngốc nghếch” David Berman, vừa tốt nghiệp khoa lịch sử từ một trường ĐH Mỹ (hình như ĐH Penn State), từ một nơi mà nhiệt độ tháng 3 là chừng 8 độ C, đang phải lăn lộn dải đất miền Trung gió, cát và nắng. Và mặc dù đang làm việc cho quân đội, điều ông quan tâm lại là những ngôi trường cho các em bé Việt Nam có chỗ học hành.

Sau hơn 40 năm, ký ức về ngôi trường ấy vẫn thật rõ trong ông. Ông viết:

Tôi vẫn nhớ đám trẻ con, mỗi lần tôi đến thăm trường, đều chạy ùa ra reo hò la hét những điều gì đấy, mà tôi chẳng rõ chúng muốn nói gì. Tôi vẫn nhớ các vị sư nữ sai các em chạy biến đi rất xa để đem về cho tôi một lon Coca Cola ướp lạnh chẳng rõ ở đâu ra mà có được. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác vừa uống lon Coca lạnh giữa cái nóng như thiêu như đốt của dải đất ven biển miền Trung, vừa trò chuyện với các vị sư nữ bằng thứ tiếng Anh bồi, xung quanh có đám trẻ vây quanh, ồn ào nói chuyện với một giọng nói líu lo như chim hót.

Chỉ chưa đầy một năm ở VN (hình như thế, tôi phải hỏi lại) rồi rút, nhưng những mẩu vụn kỷ niệm, hình ảnh, giấy tờ vv ông vẫn giữ, và cất riêng trong một ngăn kéo mà không mấy khi ông giở ra. Rồi một ngày đẹp trời cách đây 2 năm, vì một sự rất tình cờ, ông trở lại VN với một vai trò hoàn toàn khác – người điều phối chương trình Plus 3, học kỳ ở nước ngoài cho sinh viên của ĐH Pittsburgh – ông lẩn thẩn mở lại ngăn kéo cũ, và quyết định một mình (cùng cô con gái 23 tuổi) ra Nha Trang để tìm lại ngôi chùa nơi có ngôi trường ấy.

Thật không ai ngờ, ông đã tìm được, dù đó là một câu chuyện khá dài. Hình như ông đã xem việc tìm thấy ngôi trường cũ và những con người cũ là một kỳ tích, một achievement quan trọng của cuộc đời nhà giáo, nhà sử học của ông.

Cuộc tìm kiếm rất dài dòng mệt mỏi, nhưng tôi sẽ không làm mất thời gian của các bạn nữa. Điều đáng mừng là “phía bên kia”, những người mà ông đi tìm, cũng nhớ về ông rõ như ông nhớ về họ, sau suốt hơn 40 năm trường đầy biến động. Thậm chí còn có cả 6 người học trò cũ của ngôi trường ấy đến gặp ông. Họ nhìn tấm hình mà ông đã giữ hơn 40 năm, và xác định ngay họ là ai trong tấm hình ấy.

Xin kết thúc entry này bằng đoạn kết luận rất cảm động của ông về cuộc hạnh ngộ này:

Sau 41 năm, tôi kể cho họ (những người mà ông đã gặp khi tìm lại ngôi trường) rằng tôi vẫn nhớ đám trẻ con luôn chạy ra đón tôi khi tôi đến, luôn mồm reo hò và la hét một cái gì đó, mà tôi chẳng hiểu là chúng đang nói cái gì. Giờ đây tôi biết rằng họ cũng rất nhớ tôi, nhớ những chuyến viếng thăm với bụi đỏ mịt mù của mùa khô phủ dày lên bộ quần áo lính phong sương của tôi. Tôi biết rằng mỗi lần tôi đến nơi là các vị sư nữ lại bảo đám trẻ con chạy ra để đón mừng tôi. Họ bảo, họ đã chạy ùa ra, la hét ầm ĩ như tôi vẫn nhớ, và reo lên: “Ông Mỹ tới!” “Ông Mỹ tới!”

“Ong My toi!” chúng reo lên như thế khi thấy tôi, “Ong My toi!”  “Mr. American is coming!  Mr. American is coming!”  Sau suốt 41 năm dài, giờ đây tôi đã biết tôi là “ông Mỹ”.

Vâng, ông Mỹ đã đến, và đã trở lại. Còn tôi, thì tôi nhớ về một câu hỏi rất chân thành của một người đồng nghiệp ở ĐH Thái Nguyên – cùng thế hệ của tôi, hơn tôi vài ba tuổi – trong dịp tôi đến Thái Nguyên hồi cuối năm rồi: “Tại sao hai miền Bắc Nam lúc ấy lại đánh nhau để làm gì nhỉ?”



Tôi nhớ, tôi đã nhún vai, và trả lời, hơi cay đắng một chút: “Tôi không có câu trả lời anh ạ! Có lẽ câu trả lời phải để các anh tự tìm lấy."

Nhưng thực ra, có lẽ đã từ rất lâu rồi, tôi không bao giờ không nghĩ đến câu hỏi ấy. Để hôm nay, viết về ông, tôi lại thêm một lần tự hỏi, không biết đến bao giờ mới có ai đó đưa ra môt câu trả lời chính thức mà các bên đều thấy là thỏa đáng đây?

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

“Ông Mỹ tới!”: Kỳ 1

“Ông Mỹ” (Mr American) trong cái tựa ấy là ông bạn già của tôi, vị giáo sư Sử học người Mỹ mà tôi đã quen đến nay là 20 năm rồi. Tên của ông là David Berman, hiện đang là giảng viên Khoa Giáo dục trường ĐH Pittsburgh, một người chuyên nghiên cứu về lịch sử giáo dục, có mối quan tâm đặc biệt đến những ngôi trường phổ thông tồn tại và hoạt động trong thời chiến.

Lần đầu tiên tôi gặp ông là vào năm 1992, khi VN mới bắt đầu thời kỳ mở cửa; khi những người Mỹ đầu tiên mới quay trở lại VN sau gần 20 năm vắng bóng trên dải đất hình chữ S nhiều tang thương này. Lúc ấy, ông đến trong đoàn giáo sư Mỹ, đa số là những nhà sử học, được một tổ chức có tên là Hòa giải Đông Dương (Indochina Reconcilliation, một tổ chức phi chính phủ) đến để tìm hiểu lại mảnh đất vừa quen vừa lạ này, và tìm cách chấp nhận nhau, hòa giải với nhau. Những nỗ lực thật cảm động, nhưng đó là chuyện khác, mà tôi hứa chắc chắn sẽ viết trong những entry khác. Phải tìm thời gian để viết thôi, vì cũng như ông Berman nói, “I am not getting any younger”, mà những ký ức này cần phải được ghi lại, ký ức của một thời mà ai đã trải qua sẽ không bao giờ quên được, cũng không thể cho phép mình quên. 

Quay lại chuyện ông bạn già của tôi. Quen ông 20 năm rồi,nhưng mãi đến giờ tôi mới bắt đầu cảm thấy mình thực sự hiểu ông. Một "người Mỹ trầm lặng", và vô cùng dễ thương, ngây thơ, có lẽ cũng là một loại “Nga ngố”(nhưng đây là “Mỹ ngố”). Nhưng bên trong sự trầm lặng đó là rất nhiều ký ức vàhiểu biết về VN, từ cái nhìn của một người vừa là ngoài cuộc mà vừa là trong cuộc, những hiểu biết thật sâu sắc, và cũng thật nhân bản.

Tôi dài dòng quá, và có lẽ hơi rối rắm. Mà chắc là phải thế thôi, vì viết về ông thì phải như thế. Chầm chậm, từng mảng từng mảng màu sắc hình ảnh cứ lộ ra dần dần. Thì sự quen biết giữa tôi và ông kéo dài đến 20 năm còn gì. Làm sao có thể kể nhanh được?



Nhưng thôi, hôm nay hãy viết như thế. Tôi phải đi ăn cơm với ông bạn già 20 năm của tôi, ông Mỹ ấy, vì mai ông lại về Mỹ rồi. Rồi thì tôi sẽ viết tiếp để kể một câu chuyện dài về ông Mỹ bạn tôi, một người rất yêu VN, một người bạn đích thực của VN, và của giáo dục VN.