Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Yêu nước như thế nào mới là đúng cách? (3)

Kể lể dài dòng trong 2 kỳ trước, tôi không chỉ muốn ghi lại và chia sẻ những cảm xúc của mình (tất nhiên ghi lại cho người khác hiểu cũng tốt), mà thực ra muốn khẳng định một điều: tôi đã từng tham gia biểu tình ở HN (dù là tự phát), nên tôi tin rằng tôi có thể nói tiếng nói của người trong cuộc.



Và thông điệp mà tôi muốn đưa ra là như thế này: tôi tin rằng tuyệt đại đa số những người đi biểu tình – nếu không muốn nói là tất cả – đều là những người giống như tôi: muốn biểu lộ ra bên ngoài, tất nhiên không phải là cho những người hàng xóm, hay cho cơ quan, mà chủ yếu là cho nhà nước, cho thế giới, và chắc chắn là cho đối tượng bị phản đối trong cuộc biểu tình, tức là nhà cầm quyền TQ ấy, hiểu rõ nguyện vọng về độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, và ý chí bảo vệ tổ quốc khi bị xâm chiếm của người dân Việt Nam.



Tất nhiên, theo cách nghĩ của nhiều người VN, trong đó có cả tôi nữa, là việc này dường như không mấy an toàn, vì hình như không được nhà nước ủng hộ, bật đèn xanh. Đó là lý do tại sao khi tham gia tôi lại lo lắng đến như vậy. Đến nỗi khi đoàn biểu tình bị chia cắt, giải tán, thì lá cờ tổ quốc mà trước đó tôi cầm chung với người khác cuối cùng nằm một mình trong tay tôi. Và tôi vội gấp nhỏ lá cờ ấy lại, cất vào trong túi mà lòng thì vô cùng sợ hãi, thực sự thế. Kèm một ý nghĩ chua chát thoáng qua trong đầu: tôi mang cờ tổ quốc, mà sao sợ hãi như đang mang hàng quốc cấm?



Nhưng tôi đã làm gì sai? Tôi chỉ biểu lộ lòng yêu nước, có thể tự phát, nhưng hoàn toàn không hề phạm pháp (lúc ấy nào đã có ai ra quy định cấm?), có thể không theo chỉ đạo của nhà nước, nhưng nếu tôi muốn biểu lộ một cách có tổ chức, thì tôi sẽ nói với ai đây? Khi xung quanh tôi, cơ quan tôi, tổ dân phố, báo chí truyền thông, và các đoàn hội, mọi người đều im thin thít, dường như né tránh đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung này. Trong khi trên báo chí, truyền thông của thế giới và của cả Trung Quốc, thì người ta đưa ra đủ loại thông tin về Hoàng Sa (mà TQ bảo là của họ, không thể tranh cãi, trong khi tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một trận hải chiến năm 1974 của quân đội VNCH với Trung Quốc – mà lúc ấy chính quyền miền Nam gọi là Trung Cộng), về tranh chấp biển Đông, toàn là những thông tin bất lợi cho VN. Trong khi ngư dân VN thì cứ ra biển là bị đánh, bị bắt, bị giam, bị hành hạ, bị nộp tiền phạt, và nhà nước VN thì vẫn chẳng có thái độ rõ ràng, hoặc giải thích cho dân hiểu gì cả.



Mà đây có phải là lần đầu tiên ở VN có biểu tình biểu lộ lòng yêu nước một cách tự phát đâu nhỉ? Tôi nhớ năm tôi 18-19 tuổi, đang học năm thứ nhất ở ĐH Tổng hợp, chỉ mới hơn 3 năm sau ngày đất nước thống nhất, thì Pol Pot gây hấn, giết hại dân người Việt Nam ở biên giới Tây Nam (tôi có những người bạn ở Tây Ninh chạy lên Sài Gòn, với những ký ức kinh hoàng về giặc Pol Pot), còn TQ thì tấn công ở biên giới phía Bắc. Tôi nhớ lúc ấy bọn thanh niên chúng tôi – và có lẽ cả người lớn nữa? – quên hết những oán giận của người miền Nam (những người thua cuộc), để say sưa hát những bài hát yêu nước của chế độ mới, thời đại mới của chúng tôi: “Chưa yên vui cho trọn ngày/ Áo lính lại khoác vào ngay…”, hay “Từng đôi mắt mang hình viên đạn/ Từng đôi mắt sáng lên, cháy lên như ngàn ánh lửa …”.



Tôi vẫn nhớ, hôm nghe tin Trung Quốc tấn công vào biên giới phía Bắc, đám thanh niên trong lớp tôi đã tự phát tổ chức một cuộc biểu tình mini, tự tập hợp nhau lại trong ký túc xá, hát những bài ca yêu nước, và hô to “Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh” hay một cái gì tương tự như vậy. Không bị ai giải tán hay phê bình, bắt bớ gì cả. Rồi hôm Campuchea được giải phóng, tôi nhớ hôm ấy là gần Tết (hình như là giao thừa?), đêm ấy sinh viên trong ký túc xá cũng đã biểu tình, đốt lửa trại ăn mừng, ca hát …. Cũng không có ai giải tán, phê bình, bắt bớ gì cả, mà hình như còn được … khen?



Nhưng lần này thì khác. Biểu tình ở SG chỉ được 1, 2 lần là bị trấn áp hoàn toàn. Hà Nội thì kéo dài được một số lần, ngày càng hoành tráng hơn, có vẻ có tổ chức hơn, mà không bị đàn áp. Nên hôm 17/7 tôi mới hăng hái tham gia biểu tình để thực sự cảm nhận mọi điều như một người trong cuộc. Và tôi cũng đã thực sự muốn viết bài ca ngợi chính quyền Hà Nội. Vì ngay cả với vụ đạp mặt người yêu nước, thì công an Hà Nội dường như cũng tử tế hơn, và đặc biệt là giám đốc CA Hà Nội cũng đã phát biểu cho rằng biểu tình là yêu nước – khác hẳn với sự trấn áp lạnh lùng, không giải thích của CA Sài Gòn.



Thế mà mấy hôm nay tôi xem được những mẩu tin trên VTV phê phán biểu tình yêu nước, cùng với loạt bài phê phán trên các báo HNM, ANTĐ, QĐND về “những trò lố” của “nhúm người” biểu tình với những lời lẽ nặng nề, xúc phạm nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra, vào thời điểm đầu thế kỷ 21 như thế này. Mà nhúm người ấy có những ai nhỉ? Có thể Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A thì tôi không thực sự quen biết, nên không thể nói gì hơn. Nhưng còn nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của Đất nước đứng lên, chẳng lẽ là phản động ư? Còn GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Đại học của Bộ Giáo dục, người mà tôi rất kính trọng, chẳng lẽ cũng là phản động ư?



Tôi hoang mang lắm, vì chẳng biết biểu lộ lòng yêu nước ra như thế nào nữa. Hình như viết blog như thế này cũng là … phản động thì phải, vì đó là điều tôi thấy được ám chỉ trong những bài viết mà tôi nhắc ở trên. Biểu tình thì đã bị cấm (ở Hà Nội) rồi, dường như thế, qua cái thông báo … kỳ kỳ không có người ký mà chỉ có dấu treo ấy.



Biểu lộ lòng yêu nước có tổ chức thì dường như hôm 21/8 người ta cũng tổ chức ở Hà Nội đấy, nhưng qua hình ảnh trên mạng thì tôi cũng thấy … kỳ kỳ, không hợp gu của tôi, khi thấy mấy cô gái trẻ ăn mặc khá hở hang, hao hao giống như sườn xám, nhảy nhót trên sân khấu. Chẳng lẽ chỉ cần do Đoàn, Hội của nhà nước tổ chức thì nó trở thành đúng, còn do dân tự nghĩ ra thì nó là sai hay sao? Mà già như tôi, muốn biểu lộ lòng yêu nước theo kiểu của mấy cô gái ấy, cũng làm sao mà làm được?



Nên câu hỏi của tôi, mà đến giờ vẫn chưa thể nào trả lời được, đó là: Yêu nước như thế nào mới là đúng cách đây?

-------------

Viết thêm ngày 29/8/2011

Sau khi đăng loạt bài này lên, tôi nhận được khá nhiều phản hồi của bạn đọc, trong đó có một vài người chất vấn tôi - một cách hoàn toàn chính đáng - về việc tôi cho rằng các nhân sĩ, trí thức như Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang A, hay Nguyễn Huệ Chi là yêu nước "không đúng cách". Ví dụ như anh Phùng Hoài Ngọc ở An Giang.



Thực ra, khi viết bài này, tôi có ý định sẽ phân tích một số bài viết của các tác giả trên báo lề phải như QĐND, ANTĐ, hoặc HNM, về thế nào là yêu nước "đúng cách" theo quan điểm của họ (cũng là quan điểm của nhà nước, hẳn là thế). Vì vậy nên mới có câu: "nhưng ấy là việc sau này". Nhưng sau đó, khi thấy bài viết quá dài, nên tôi đã không phân tích những chi tiết này nữa, khiến cho đoạn tôi viết về sự "không đúng cách" của các nhân sĩ nói trên có một điều gì đó không rõ ràng, như thể tôi có ám chỉ gì đó đến nhân cách của các vị ấy.



Nay xin được làm rõ ý của tôi như sau: Trong toàn bộ bài viết này, tôi muốn nói rằng hiện nay của nhà nước đang hành xử theo cách chỉ cái gì nhà nước làm hoặc cho phép làm thì mới được xem là "đúng cách", còn tất cả những cái gì khác - do người dân tự nghĩ ra, chẳng hạn như việc biểu tình tự phát - đều là "không đúng cách". Như vậy, tất cả mọi người biểu tình vừa qua đều không đúng cách, nên bây giờ phải nghiêm cấm (!), vì mọi người (kể cả tôi) khi đi biểu tình là đã làm trò lố lăng, với động cơ tự đánh bóng bản thân, hoặc nếu không thì cũng ngây ngô, để cho bọn xấu xúi giục. Tất nhiên, đối với tôi, cũng như đối với nhiều người khác, ví dụ như các nhân sĩ nói trên, thì đó là một sự phỉ báng, xỉ nhục, và chụp mũ. Đó là lý do tại sao một số vị đã có công văn phản đối, và đã được mời lên đối thoại với chính quyền Hà Nội. Một thái độ rất đáng khen từ phía chính quyền.



Phần tôi, vì tôi chẳng tham gia gì nhiều, bởi chính tôi cũng rất ... hèn nhát, không dám biểu lộ lòng yêu nước chính đáng của mình dù biết chẳng có gì là phạm pháp (nay thì đã bị cấm rồi, mặc dù theo một số lý luận thì hình như việc cấm biểu tình vẫn còn những điều chưa hợp lý), thì tôi không có ý định khiếu nại, phản đối gì cả. Mà chỉ nêu lên những suy nghĩ, những cảm xúc của tôi, về những điều tôi quan tâm và xem là quan trọng, mà thôi.



Vài hàng xin giải thích, và mong tôi đã không vô tình làm xúc phạm đến những vị nhân sĩ, trí thức mà tôi đã nêu tên, là những người mà tôi đã và vẫn tiếp tục kính trọng về lòng yêu nước và sự kiên trì, dũng cảm bày tỏ tình cảm của mình đối với đất nước, cho dù không theo "đúng cách" mà chính quyền Hà Nội muốn.



Giải thích như vậy, đã được chưa hả anh PHN ơi?

15 nhận xét:

  1. Yêu nước thế nào đây?
    Dáng em buồn, đứng im như dấu hỏi.
    Hỏi tôi, hay hỏi ai?
    Tôi bàng hoàng nhìn vào không gian,
    nhìn vào trang ...blog!

    Trả lờiXóa
  2. Và tôi nữa, tôi thấy mình bị bôi nhọ. Tôi thấy mình làm một việc vô ích hay sao ấy, vì có lẽ vùng biển ấy đã trao tay rồi, nên tôi đi đòi là lòi đuôi kẻ bán, mà kẻ bán lại nắm luật pháp, nắm công an, nắm súng đạn!
    Chẳng biết làm sao bây giờ???????

    Trả lờiXóa
  3. "Và tôi vội gấp nhỏ lá cờ ấy lại, cất vào trong túi mà lòng thì vô cùng sợ hãi, thực sự thế. Kèm một ý nghĩ chua chát thoáng qua trong đầu: tôi mang cờ tổ quốc, mà sao sợ hãi như đang mang hàng quốc cấm?" SAO MÀ KỲ QUÁI NHƯ VẬY TRỜI! NGHỊCH LÝ CÒN HƠN MỌI NGHỊCH LÝ NỮA.

    Trả lờiXóa
  4. Đất nước Việt còn của người Việt?. Hãy tập yêu nước theo cách người Tibetan, Mongols, Uighur.

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là mang cờ đỏ sao vàng "mà sao sợ hãi như mang hàng quốc cấm". Vì cờ đỏ sao vàng là lá cờ của đảng cộng sản từ "dưới đất chui lên" trong ngày 17/8/1945 và được đảng cộng sản dí vào tay nhân dân bắt gọi là "cờ Tổ Quốc" mà không cần trưng cầu dân ý. Nhân dân biểu tình yêu Tổ Quốc, chống ngoại bang gây hấn mà vẫn bị giới cầm quyền cộng sản cấm đoán, bắt bớ thì chứng tỏ Tổ Quốc Việt nam không phải là lợi ích cao cả để đảng cộng sản bảo vệ. Như vậy lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ đại diện cho chế độ cộng sản đang cầm quyền ở Việt nam chứ không phải là lá cờ của Tổ Quốc Việt nam. Những hành động chống biểu tình yêu nước của giới lãnh đạo cộng sản đã vạch trần sự "đồng nhất lừa bịp" giữa Tổ Quốc và chế độ mà lâu nay đảng cộng sản ra sức tuyên truyền. Vì vậy người dân yêu nước mang cờ đỏ sao vàng theo trong cuộc biểu tình mà lòng " sợ hãi như đang mang hàng quốc cấm" là HỢP LÝ.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi muốn nói với chị rằng ,tất cả những người đi biểu tình (tự phát)đều nghĩ như chị.Những kẻ nằm ngoài cái "tuyệt đại đa số ",họ không đi biểu tình ,họ chìm nổi trà trộn vào chúng ta ,tất cả chỉ để tìm cách vu khống bôi nhọ người tử tế mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Phản động bán nước là vi phạm pháp luật thì quá rõ rồi.
    Còn thể hiện lòng yêu nước thì chưa thấy ai phản đối cả,từ nhỏ đến nay tôi đã được nghe nhiều lần câu"Lòng yêu nước vô bờ bến"trên các loại thông tin đại chúng của nhà nước.
    Thật lạ kỳ,nay lại được nghe quán triệt"Yêu nước trong khuôn khổ pháp luật"
    Thật khó hiểu,tôi không biết ở bộ luật nào qui định cho lòng yêu nước,yêu nước thế nào là đủ theo như khuôn khổ của pháp luật.
    Ai biết cái khuôn khổ ấy ở đâu,nó qui định mỗi công dân được phép yêu nước bao nhiêu?cho tôi biết với.

    Trả lờiXóa
  8. Đến bài này thì Tôi xin trả lời bạn như sau :"Bạn cứ thể hiên lòng yêu nước của mình như lương tâm mình mách bảo..."
    Tôi đã thấy được cái bóng Huỳnh tấn Mâm, Lê văn Nuôi...
    Chúc bạn khỏe, đạt nhiều điều may mắn trong công viêc của mình.
    TH

    Trả lờiXóa
  9. Đọc bài của bác mà nát cả ruột gan, yêu nước hồn nhiên cũng không xong.

    Trả lờiXóa
  10. Mấy bác ơi, cho tôi hỏi tí, yêu nước là yêu nước nào? Nước CHXHCH Việt Nam, nước VN Dân Chủ Cộng Hòa hay là nước Việt Nam Cộng Hòa?
    Theo tôi thì cần phải dẹp ngay mấy cái nước này đi, nhất là cái nước CHXHCN Việt Nam ấy, nó thối tha lắm rồi, chịu hết nổi rồi, phải lập một nước Việt Nam mới thôi

    Trả lờiXóa
  11. toi khong thay nha nuoc nay thoi nat, nhung bac nhuoc thi la mot dieu khong the choi cai

    Trả lờiXóa
  12. Việc nhu cương linh hoạt để đối phó với kẻ thù gian hiểm thì chính quyền vẫn đang triển khai từng giờ đó thôi, và tưởng rằng việc hệ trọng liên quan đến an ninh quốc gia như thế cũng không nhất thiết phải minh bạch tất tần tật với toàn xã hội vì như thế thì khác nào tỏ rõ cho kẻ thù cùng biết. Tuy nhiên việc đàn áp người dân bày tỏ lòng yêu nước ôn hòa, đúng pháp luật cũng là cái dỡ và thể hiện sự lúng túng của chính quyền. Theo thiển ý cá nhân, chính quyền dập tắt các cuộc biểu tình có nguyên nhân sâu xa hơn mối quan hệ với anh bạn mười sáu vàng và bốn tốt. Đó là chính quyền lo sợ không kiểm soát nổi các diễn tiến và hệ lụy của một xã hội dân sự có thể biến thành các cuộc cách mạng màu, một nổi lo thường trực của các chế độ độc đảng, độc tài.
    nguyennx

    Trả lờiXóa
  13. Chào chị Phương Anh
    tôi đã đọc hết 3 kỳ, đã hiểu ý chị rồi. Thông cảm tôi là dân Ngữ văn chuyên nghiệp nên hay thắc mắc xét nét về hình thức ngôn ngữ. Nếu như trong bài 1 chị cho thêm hai cái dấu ngoặc kép ("đúng cách") như là dẫn lời người khác (chính quyền Hà Nội)thì tôi đã chả thắc mắc đâu, thực lòng vẫn hiểu ngầm ý chị mà. Như một bạn đã bình luận chị viết lại theo hồi ức tràn đầy xúc cảm thì tôi đồng tình với chị rồi.

    Phùng Hoài Ngọc

    Trả lờiXóa
  14. Ái chà, nếu tham gia vào lĩnh vực "bờ lốc, bờ liếc" mà nhất định phải nắm vững ngữ pháp tiếng Việt thì mình rất ngại! Mình vốn thích đọc các bài viết thật tự nhiên, "thật" y như cảm xúc của người viết. Ngay cả đọc bờ- lốc của bác Chênh, Người buôn gió, đôi lúc thấy có vài lỗi "chả biết do vô tình hay... không" nhưng mình cứ lờ đi. Biết đâu ấy là "xi-tai" của tác giả! Tuy thế mình vẫn cố tập dần cách dùng dấu "nháy" cho có vẻ sành "địu"! Cám ơn cô giáo PA đã không "ém" những lời còm thiệt tình này!

    Trả lờiXóa
  15. Trả lời câu hỏi như thế nào cho đúng cách: từ khi bạn sinh ra và lớn lên bạn yêu nước một cách tự nhiên và như được cha me, ông bà dạy dỗ, còn khi bạn là đảng viên thì bạn yêu nước theo cách mà Đảng dạy, theo nghị quyết Đảng.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.