Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

“Sản xuất hàng dỏm tại Trung Quốc” (1)

Bài giới thiệu sách này của tôi vừa được đăng trên tờ Tia Sáng số ra ngày 5/8/2011. Có thể đọc bài ấy trên trang mạng của Tia Sáng ở đây. Còn dưới đây là nguyên văn bản gốc của tôi.
-----------
Nói đến hàng “sản xuất tại Trung Quốc”, người ta nghĩ ngay đến các loại hàng hóa rẻ tiền và kém phẩm chất, có khả năng gây hại cho môi trường và đe dọa sự an toàn tính mạng của người sử dụng. Nhưng tại sao những loại hàng hóa có phẩm chất tồi tệ như thế lại vào được thị trường Mỹ? Phải chăng các doanh nhân Mỹ do quá tham lợi nên đã nhập hàng hóa kém chất lượng của TQ, hay chính họ là nạn nhân của những doanh nhân Trung Quốc ranh ma, láu cá? Câu trả lời cho những câu hỏi trên có trong cuốn sách xuất bản lần đầu tiên năm 2009 và được tái bản năm 2011 của Paul Midler. Cuốn sách có tựa tiếng Anh là Poorly made in China, có thể tạm dịch sang tiếng Việt là “Sản xuất (hàng dỏm) tại Trung Quốc”.

Theo Midler, cuốn sách này của ông thoạt đầu chỉ là một bài viết ngắn theo đặt hàng của Wharton School of Business thuộc ĐH Pennsylvania, Mỹ vào năm 2007. Đó là năm mà một loạt vấn đề về chất lượng của hàng hóa TQ đã bị phát hiện, nào là sữa cho trẻ em và thức ăn cho thú cưng (pet) bị nhiễm melamin, lốp xe mới toanh bị nổ banh giữa đường, và đồ chơi trẻ em bị nhiễm chì khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Dư luận Mỹ đưa ra lời cáo buộc rằng chính các nhà nhập khẩu Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự cố trên do đã nhập hàng dỏm từ Trung Quốc vào nước Mỹ.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm sống và làm việc tại TQ trong vai trò người đại diện cho các công ty nhập khẩu của Mỹ để làm việc với các nhà sản xuất tại Trung Quốc, Midler có một cái nhìn khác về việc này. Theo ông, thực ra những công ty của Mỹ đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, họ đã quá ngây ngô, khờ khạo khi làm ăn tại TQ, khi đối tác của họ là những thương nhân ranh ma, quỷ quyệt, đã dùng mọi thủ đoạn để lấy được hợp đồng rồi sau đó lẳng lặng giảm dần các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm để gia tăng lợi nhuận. Các sản phẩm nhập vào Mỹ từ TQ thực ra ban đầu cũng đạt chất lượng, nhưng sau đó chất lượng giảm dần một cách tinh vi rất khó nhận ra cho đến khi quá muộn. Hiện tượng nói trên được Midler gọi bằng một cụm từ rất thú vị là “quality fade”, tức là “nhạt phai chất lượng”, hay còn có thể gọi là hiện tượng “chất lượng bốc hơi”.

Bài viết ngắn của Paul Midler đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm và phản hồi của độc giả, đặc biệt là những độc giả từ các doanh nghiệp của Mỹ đang làm ăn hoặc có ý định làm ăn với TQ. Điều này đã khuyến khích Midler đồng ý chia sẻ thêm những kinh nghiệm và hiểu biết của mình về đất nước TQ dưới dạng một cuốn sách. Kết quả chính là cuốn sách Poorly made in China dài gần 250 trang, đã được nhà xuất bản Wiley xuất bản vào năm 2009. Thật bất ngờ cho một tác giả với cuốn sách đầu tay, cuốn Poorly made in China đã được chọn để trao giải thưởng Cuốn sách hay nhất t(Best book of the year) trong lãnh vực doanh thương của Tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) của năm 2009. Một vinh dự mà tác giả không bao giờ ngờ đến.

Vì sao cuốn Poorly made in China lại hấp dẫn độc giả đến vậy? Rất đơn giản: cuốn sách đã đưa ra một góc nhìn riêng mà chỉ có những người có kinh nghiệm sống lâu năm trong lòng đất nước Trung Quốc như Midler mới có thể có được. Đa số các tác giả khác khi viết về Trung Quốc đều dùng loại văn nghị luận và nhìn dưới góc độ đơn thuần chuyên môn – hoặc kinh tế, hoặc kỹ thuật, hoặc chính trị. Cuốn sách của Midler thì khác: ông không dùng văn nghị luận mà viết dưới dạng một câu chuyện với các nhân vật, và tất cả những thông điệp về TQ đều được Midler cung cấp cho độc giả thông qua lăng kính văn hóa. Điều này khiến cho cuốn sách trở nên nhẹ nhàng, dễ đọc, nhưng các kiến giải của tác giả về các sự kiện ở Trung Quốc lại có được một sự sâu sắc không dễ tìm thấy ở nhiều tác giả khác.

Qua những mẩu chuyện trong Poorly made in China, độc giả nhận ra rằng việc sản xuất kém chất lượng ở Trung Quốc không chỉ do non kém về tay nghề, hoặc chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, hoặc thậm chí có thể giả định là do âm mưu ám hại người tiêu dùng Mỹ (!), như tác giả của cuốn Death by China đã ám chỉ. Theo Midler, rất nhiều những trục trặc xảy trong mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc có nguyên nhân sâu xa từ những thói quen hoặc những giá trị văn hóa của đất nước này. Người Trung Quốc hầu như không bao giờ có thể thừa nhận là mình đã sai lầm (vì sợ bị mất mặt), mặt khác cũng luôn tránh không bao giờ chỉ thẳng ra với đối tác những điều mình chưa hài lòng (vì sợ mất hòa khí).

Bên cạnh những quan niệm nói trên, TQ còn có một truyền thống giao tiếp thương mại theo nguyên tắc cố lấy được thật nhiều thông tin từ người khác, đồng thời phải cố giữ bí mật thông tin về phía mình, vì họ biết rất rõ sự lợi hại của vũ khí thông tin. Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp thì hợp đồng ký chỉ để mà ký, còn khi thực hiện hợp đồng thì các nhà sản xuất phía Trung Quốc sẽ tự thực hiện theo ý mình, tất nhiên là để bảo vệ lợi ích của mình. Họ hoàn toàn không cần biết phía đối tác có bị thiệt hại gì không, và với những kẻ non nớt, chưa có nhiều kinh nghiệm làm ăn với TQ, thì những thiệt hại có thể sẽ rất đáng kể.

Cuốn sách bao gồm 22 chương, mỗi chương là một mẩu truyện liên quan đến quá trình giao dịch làm ăn giữa một đối tác của Mỹ và một đối tác ở miền Nam TQ (tỉnh Quảng Châu). Mặc dù cuốn sách nhằm giúp ta nhìn ra được mặt trái của quá trình sản xuất (hàng dỏm) tại TQ, nhưng những mẩu chuyện trong sách vẫn toát ra một vẻ nhẹ nhàng, thân thiện, thậm chí một tình yêu đối với một đất nước lạ lùng mà tác giả của nó đã làm việc và sinh sống rất lâu đến nỗi ông tự xem mình là người địa phương. Một cuốn sách rất đáng đọc đối với những ai muốn làm ăn với Trung Quốc, và cả với những ai chỉ muốn hiểu thêm về đất nước và con người Trung Quốc.

Hiểu, để có những cảnh giác cần thiết, để không rơi vào tình trạng bất ngờ với những thiệt hại mà khi biết ra thì đã quá muộn. Một cuốn sách rất cần đối với mọi người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, không chỉ cho các doanh nhân, mà còn cả các vị lãnh đạo, để có được những đối sách cần thiết trong mối quan hệ với người hàng xóm lạ kỳ này.

Để độc giả có thể phần nào thưởng thức cuốn sách, trong những số tới chúng tôi sẽ trích dịch một số chương tiêu biểu của cuốn sách này. Riêng lần này, chúng tôi xin bắt đầu với một quy trình ngược, đó là giới thiệu trước bản dịch Lời cuối của tác giả. Lời cuối này không phải là phần kết của cuốn sách, mà là những trăn trở còn đọng lại của tác giả sau khi viết xong cuốn sách. Và một câu hỏi mà dường như cho đến tận bây giờ tác giả vẫn chưa tìm ra lời giải đáp dứt khoát: Vì sao nước Mỹ, và xa hơn nữa là toàn thế giới, lại dễ dàng rơi vào bẫy của Trung Quốc như vậy? Phải chăng đó là do ngây thơ, thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lãnh, hay do lòng tham? Hay đúng hơn, là do tất cả những điều này cộng lại?

Một câu hỏi cũng đang rất cần được mọi người Việt Nam trả lời cho mình trong giai đoạn hiện nay!

(còn tiếp nhiều kỳ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.