Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

"Hãy ngồi xuống đây", tất cả chúng ta! (1)

“Hãy ngồi xuống đây” là tên một bài hát mà tôi rất thích của Lê Uyên Phương.



Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này là khoảng năm 1974, có lẽ thế. Vào thời điểm ấy, cuộc chiến tranh VN đã gần kết thúc, vì Hiệp định Paris đã được ký vào năm 1973. Theo trí nhớ của tôi, thì phong trào âm nhạc tại SG lúc ấy đã rất phát triển, và có nhiều trường phái khác nhau.



Hai cây đại thụ phải kể tất nhiên là Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. TCS thì đã rất nổi tiếng từ trước với giòng nhạc lên án chiến tranh và than thở về thân phận nhược tiểu của VN, trong tập Ca khúc da vàng mà ngày nay vẫn chưa được chính thức phổ biến. Những bài hát với ca từ ghê rợn, ma quái: “Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người”, xót xa, đau đớn như ”Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây”.



Một đôi khi, ca khúc của TCS chở những lời ca ngợi hòa bình, thống nhất, và nghe hao hao có âm hưởng của nhạc cách mạng (lúc ấy người dân SG không gọi là CM, tất nhiên, mà gọi là thân cộng): “ta đã thấy gì trong đêm nay, cờ bay muôn vạn cờ bay”, hoặc ”khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm”).



Những bài hát đó tôi không thực sự hiểu, nhưng cũng cảm nhận rất rõ một điều gì đấy đang lơ lửng trên không, một dự cảm mơ hồ về những thay đổi rất lớn (chưa rõ là tốt hay xấu) đang sắp diễn ra.



Còn Phạm Duy, thì lúc này lại bắt đầu đổi “mốt” để viết những bản nhạc cho tuổi thơ, nhí nhảnh (“em ước mơ mơ gì, tuổi 12, tuổi 13…”), hoặc những bản nhạc nhuốm mùi đạo, rất đạo hạnh, khói hương nghi ngút (“đầu mùa xuân cùng em đi lễ/ lễ chùa này, vườn nắng tung bay”). Hình như những bài nhạc có mùi đạo này được Phạm Duy gọi là “tâm ca” thì phải.



Bên cạnh hai tên tuổi lẫy lừng là Phạm Duy vàTrịnh Công Sơn cũng còn một lô các nhạc sĩ và các giòng nhạc khác nữa, hiện đại hơn, mà tôi có thể biết tên hoặc không biết tên, trong đó có những bài rất hay. Một trong những bài hát thuộc giòng nhạc mới mẻ này là bài “Hãy ngồi xuống đây” của Lê Uyên Phương mà tôi đã nhắc đến ở trên.



Bài hát này hay ở chỗ nào nhỉ? Trước hết, nó hay vì tiết tấu nhanh, dứt khoát, và nhạc điệu tươi trẻ, tự tin, yêu đời. Và đặc biệt là vì ca từ của nó rất phóng khoáng – có lẽ phải nói là phóng túng – và hơi nổi loạn, rất … hợp với suy nghĩ của thế hệ trẻ chúng tôi thời đó (và cả bây giờ nữa, hẳn là thế chứ?)



Hãy ngồi xuống đây

Hãy ngồi xuống đây, hãy ngồi xuống đây xa cơn buồn phiền

Dẫu biết chia phôi, nhưng không

Cuộc đời vẫn có đôi ta …



[…]



Hãy ngồi xuống đây

Hãy ngồi xuống đây, như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng

Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ



[…]



Hãy ngồi xuống đây trên con vực này

Ngó xuống thương đau…




Nhân tiện, bạn nào (thuộc thế hệ trẻ hiện nay, hoặc cũng đã … già như tôi, nhưng ở phía bên kia chiến tuyến thời trước 1975) chưa nghe bài này bao giờ thì tôi nghĩ nên nghe qua ít nhất là một lần, ở đây này. Xem thử tôi khen bài ấy có đúng không nhé.



Riêng đối với tôi, bài hát ấy luôn nhắc cho tôi không khí của SG những năm 1973, 1974. Lúc ấy, hiệp định Paris đã được ký kết, ngưng bắn. Cuộc sống của dân SG theo trí nhớ của tôi lúc ấy sung túc lắm. Gia đình tôi đã sắm được mọi tiện nghi như bếp gas, tủ lạnh, tivi, xe gắn máy (lúc ấy ba tôi đi xe Vespa Sprint, còn chị tôi thì đi xe Honda PC), đã ở nhà lầu, có phòng riêng. Chiến sự dường như đã lùi xa trong ký ức của người SG – không còn những trận đánh kinh hoàng của Tết Mậu Thân 1968 hay mùa hè đỏ lửa 1972 nữa. Hình như hòa bình đang đến? Tôi vẫn nhớ mang máng đâu đó có bài hát như thế này:



Rồi hòa bình sẽ đến đến cho dân tộc Việt

Đôi chim bồ câu trắng rủ nhau bay về đảo xa …


(tiếc là tôi chỉ nhớ được có hai câu đó thôi!)



(ký ức dài và tản mạn, nên viết mất nhiều thì giờ quá; tôi phải đi làm đã, tối về viết tiếp nếu có thời gian).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.