Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

TQ 2013 và nạn mất trí nhớ tập thể

Mặc dù cái tựa thì to tát, nhưng entry này của tôi sẽ là một blog entry đúng nghĩa, tức là một mẩu nhật ký cá nhân trên mạng mà thôi. Cũng có nghĩa là nó sẽ tản mạn, chủ yếu ghi lại những suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi thôi.

Trước hết, xin giải thích cái tựa. Số là hôm qua tôi có đọc được bài báo trên Tuần VN giới thiệu cuốn sách mới của nhà văn Hong Kong viết về tương lai (rất gần) của TQ, năm 2013. Một cuốn sách thú vị, đáng đọc, nhưng có lẽ sẽ không sớm có ở VN, khi cuốn sách còn đang bị cấm tại TQ. Ai quan tâm, xin đọc tại đây. Bản gốc tiếng Anh của bài giới thiệu nói trên có thể tìm được ở đây.

Riêng với những ai không có thì giờ để đọc bất kỳ chỗ nào khác, xin được dịch hầu một đoạn tóm tắt rất ngắn sau đây:
TRUTH IS NOT AN OPTION Beijing, sometime in the near future: a month has gone missing from official records. No one has any memory of it, and no one can care less. Except for a small circle of friends, who will stop at nothing to get to the bottom of the sinister cheerfulness and amnesia that has possessed the Chinese nation. When they kidnap a high-ranking official and force him to reveal all, what they learn - not only about their leaders, but also about their own people - stuns them to the core.

KHÔNG CÓ QUYỀN LỰA CHỌN SỰ THẬT. Bắc Kinh, một lúc nào đó trong tương lai gần: một tháng trời bỗng biến mất hoàn toàn trong mọi hồ sơ, sổ sách. Chẳng còn ai nhớ đến nó, và cũng chẳng ai quan tâm làm gì. Chỉ có một nhúm bạn bè, những người bằng mọi giá muốn tìm ra căn nguyên của cái nạn mất trí nhớ tập thể và tâm trạng mừng vui hớn hở mà toàn dân TQ vừa bị nhiễm phải lúc này. Những người này đã bắt cóc một viên chức cao cấp và buộc ông ta phải kể ra tất cả sự thật - không chỉ sự thật về những nhà lãnh đạo, mà còn là sự thật về dân chúng của họ - và sự thật này đã làm cho họ thực sự bàng hoàng sửng sốt.
Nguồn: http://pjmooney.typepad.com/my-blog/2011/06/the-fat-years.html#tp

Sự thật gì mà ghê rợn vậy? À, cũng không có gì là ghê rợn lắm đâu. Lúc ấy, năm 2013 ấy, sắp đến rồi còn gì, TQ đã là một quốc gia "thái bình thịnh trị", dân chúng thì vô cùng hài lòng với cuộc sống và với nhà nước, kinh tế thì phát triển, tiện nghi vật chất thì đầy đủ, quốc gia này nổi lên thành một cường quốc lớn trên thế giới. Tốt quá, chứ có gì mà ghê rợn nhỉ?

Chỉ có một điểm duy nhất có vẻ không được hay lắm theo một cái nhìn (phản động?) nào đấy, đó là trước khi TQ đến được giai đoạn đó, thì đất nước đang trong tình trạng loạn lạc, thiếu đói, cướp bóc, và tranh giành quyền lãnh đạo đất nước giữa các phe nhóm. Chính quyền mới khi giành được quyền vào tay mình bèn pha thuốc gì đấy vào cho mọi người uống để họ quên sạch thời gian đó đi, để khi tỉnh dậy thì thấy đất nước TQ thái bình thịnh trị như trên.

Ai cũng vui vẻ, phấn khởi, hài lòng, mặc dù tất cả mọi người đều đang ở trong một tình trạng lạ kỳ: mất trí nhớ tập thể! Chỉ nhớ những gì có lợi cho nhà nước, cho chế độ, và quên sạch mọi thứ khác.

Vâng, chỉ có vậy. Có thể sẽ có những người thấy là không hay, nhạt. Nhưng sao đối với tôi, cuốn sách lại làm tôi xúc động đến lặng người đi như vậy? Phải chăng do thời điểm tôi đọc về cuốn sách đó thì ở VN đang xảy ra một số việc khiến tôi không thể không nghĩ đến cụm từ "mất trí nhớ tập thể" ở trên?

Này nhé, nào là kỳ thi Sử với hàng ngàn điểm không. Môn Sử, phải chăng nó là nơi chứa ký ức của một dân tộc, về tất cả những gì đã xảy ra, dù chiến thắng hào hùng, hay đau thương mất mát? Nhưng bây giờ không mấy ai thích học hoặc dạy nó nữa. Tại sao vậy? Sau này thì thế hệ hiện nay, vốn là sản phẩm của một nền giáo dục nơi mà môn Sử được học sinh xem là thuốc gây mê như vậy, liệu có bị chứng mất trí nhớ tập thể hay không?

Và những gì đang được dạy trong môn Sử hiện nay nữa, có phải cũng đã là một loại "ký ức được tuyển chọn" (selective memory) theo quan điểm và lợi ích của một nhóm người - những người được quyền viết sử và viết sách giáo khoa lịch sử - hay không?

Rồi lại việc anh thanh niên Nguyễn Chí Đức, xem trên báo lề trái thì rõ ràng bị đạp vào mặt thế, mà nay trên các phương tiện truyền thông chính thức lại hoàn toàn không hề bị hành hung gì, thậm chí còn được quan tâm giúp đỡ, đưa lên xe buýt .... Vậy ký ức của tôi, một người có mặt tại HN vào ngày 17/7 và có chứng kiến một vài cảnh tượng của cuộc biểu tình, nên hoàn toàn tin vào clip đã đưa lên mạng, và ký ức của công an HN, ký ức nào sẽ được tuyển chọn đây? Và trí nhớ nào thì sẽ cần được làm mất đi, theo kiểu mất trí nhớ tập thể ấy?

Cũng vậy, chuyện phiên tòa phúc thẩm của CHHV ngày 2/8. Tin tức trên báo chí lề trái liên tục, dồn dập trong mầy ngày qua cũng rất khác với tin tức rên các báo nhà nước, vậy phải đưa vào ký ức tập thể của người VN những thông tin như thế nào về việc xử án đây?

Và còn rất nhiều ví dụ về những ký ức khác mà tôi chưa nói đến, có lẽ là không muốn, hoặc là chưa dám, hoặc là cả hai, về cuộc chiến tranh "thần thánh" của VN trước năm 1975, từ cái nhìn của một người dân miền Nam. Người ấy là tôi đây, lúc ấy tôi chỉ mới là một công dân nhí, đến năm 75 cũng chỉ mới 15 tuổi. Nhưng không nói ra, thì liệu đến thế hệ sau có còn ai nhớ đến nữa hay không?

Hình như chưa đến 2013, mà VN cũng không là đối tượng mà cuốn sách nói đến, nhưng nạn mất trí nhớ tập thể đã đang xảy ra ở VN rồi hay sao ấy?

Quay trở lại cuốn sách trước khi kết thúc entry này. Cuốn TQ 2013 ấy cho ta thấy trước viễn cảnh về sự phát triển theo kiểu TQ như hiện nay sẽ dẫn đến một xã hội "hạnh phúc mà không cần tự do", là điều mà phương Tây không thể nào hình dung được. Vì đối với họ, hạnh phúc vốn đã bao hàm ý nghĩa tự do rồi.

Thì Hồ Chủ tịch trước đây cũng đã từng nói như thế: "đau khổ chi bằng mất tự do" mà lại.

Đó là lý do tại sao hầu hết các nước đều cho phép tự do biểu tình, tự do ngôn luận, như một quyền cơ bản của con người, để có hạnh phúc. Nhưng ở các nước XHCN như VN hay TQ, thì những quyền ấy đang được hy sinh để có được sự "bình ổn và phát triển", nhằm đem lại hạnh phúc (nếu thành công, that is). Một thứ hạnh phúc không tự do.

Chúng ta có muốn điều này không, đó là câu hỏi cho mọi người cùng suy nghĩ. Tôi thì có câu trả lời rồi các bạn ạ, nhưng sẽ không nói ở đây. Không muốn nói, không dám nói, hoặc cả hai, tùy các bạn hiểu!!!!

4 nhận xét:

  1. Tôi có đọc trong sách về Nho Giáo có nói một câu như thế này:" Người không biết lịch sử chẳng khác nào cầm thú mà mặc quần áo".
    Thật đáng cho ta suy ngẫm lắm thay nếu ta không muốn làm thân trâu ngựa cho người khác!

    Trả lờiXóa
  2. Ông Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (2001-2006) là người đã cầm nắm trận đánh chiếm Iraq va Afghanistan , trong một lần nói chuyện với các sinh viên Mỹ, khi được hỏi là môn học nào quan trọng nhất. Ông Rumsfeld cho rằng môn Sữ (history) là môn quan trọng tương đương với môn tiếng Anh và Toán; đó là những môn mà học sinh nên học cho có căn bản vững chắc. Thật là lời khuyên sâu sắc lắm thay!

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài nói chuyện của ông Rumsfeld xin vào đây. Câu hổi về " advice to young people"(lời khuyên cho thanh niên) nằm ở khoảng đầu của các câu hỏi.

    http://www.defense.gov/transcripts/transcript.aspx?transcriptid=3781

    Trả lờiXóa
  4. Khúc này hay nhất:
    " Chúng ta có muốn điều này không, đó là câu hỏi cho mọi người cùng suy nghĩ. Tôi thì có câu trả lời rồi các bạn ạ, nhưng sẽ không nói ở đây. Không muốn nói, không dám nói, hoặc cả hai, tùy các bạn hiểu!!!! "
    Điểm thi môn Sử có nhiều điểm KHÔNG có thể chứng tỏ 2 chuyện:
    1/ Các cháu hổng quan tâm Sử ( hoặc/và )
    2/ Các cháu liều mạng. Ai đời môn thi mà hổng thèm học.
    Còn tại sao các cháu hổng quan tâm, liều mạng thì ai hỏi các cháu thì hỏi.
    Cũng là dịp để cho các quan Giáo dục coi lại sao vậy ta. Mai mốt ra đề dễ dễ.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.