Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

“Hãy ngồi xuống đây” (3): Người Việt nhìn sao xa lạ?

Một loại hồi ký nhiều tập của tôi – xin xem bài số 1 và số 2 trong 2 entries trước.

*********

Rồi cũng qua đi, buổi đầu hỗn loạn của SG sau ngày 30/4. Cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường (well, kind of) của nó. Tôi trở lại trường để học, lúc ấy là bắt đầu cấp 3, lớp 10.



Vẫn ngôi trường cũ, cổ kính và thơ mộng. Vẫn bạn bè đó, trừ việc có thêm các bạn từ Bắc vào, và tất nhiên, mất đi những bạn đã cùng gia đình rời bỏ quê hương sau cuộc chiến.



Và cũng vẫn các thầy cô cũ, trừ một số thầy cô dạy các môn Văn, Sử, và Chính trị được bổ sung thêm. Một vài thầy cô trong nhóm bổ sung này là từ ngoài Bắc vào, trong đó tôi vẫn nhớ cô Tần, dạy môn Văn. Cô không dạy lớp tôi, nhưng có dạy thay một buổi. Tôi không thể quên giọng của cô rất Hà Nội, thanh, nhẹ, và điệu đà, với rất nhiều hơi gió khi phát lên những từ như “giản dị”, “dịu dàng”, “du dương”, hoặc “chuyên chính” (vô sản), “chiều chuộng”. Rất khác với giọng Sài Gòn, không có hơi, vì đã bị ngạc hoá (yu yương, yịu yàng).



Cũng có những thầy cô có lẽ từ bưng ra, hay người miền Nam tập kết có học tập ở miền Bắc, có lẽ thế, giọng miền Trung, Quảng Ngãi hoặc Đà Nẵng gì đó, nghe rất nặng và chát chúa, thậm chí có chút gì sắt máu, với âm sắc rất cao. Tôi vẫn nhớ một thầy dạy chính trị nói giọng Đà Nẵng nghe rất sắc, đặc biệt khi phát âm các từ vần trắc. Giờ đây, nhắm mắt lại tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai những lời đầy sắt máu của thầy khi giảng bài như: Các đồng chí của chúng ta; vi tm lòng son sắt; không qun ngại khó khăn, tù đày đàn áp; quyết tâm theo Đng; giành lại độc lập cho đt nưc … - những chỗ tôi in đậm là những chỗ nghe chát chúa như đinh đóng vào tai, rất khó chịu, và … khó quên).



Vâng, nếu tính ra thì hầu hết mọi việc nhìn bên ngoài vẫn như cũ, nhưng sao tôi vẫn thấy có một sự thay đổi rất căn bản, và những ngày hoa mộng cũ bỗng đột nhiên hoàn toàn biến mất, như có phép thần hô biến. Có một điều tôi cảm nhận được rất rõ ràng là không khí âu lo tràn ngập, cùng với sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm học sinh trong lớp với nhau, rất giống những lời trong bài hát của Trịnh Công Sơn, “Một ngày dài trên quê hương”:



Ngày thật dài trong âu lo/[…] Người Việt nhìn sao xa lạ/ Người Việt nhìn nhau căm hờn …



Chia rẽ, thì thực ra ở đâu và khi nào cũng sẽ có. Ví dụ trong lớp cũ của tôi có sự chia rẽ giữa “xóm nhà lầu” và “xóm nhà lá”, tức những học sinh ngồi mấy dãy đầu lớp và những học sinh ngồi mấy dãy cuối lớp. Nhóm trên thì ngoan ngoãn, học giỏi, được thầy cô cưng, còn nhóm dưới thì quậy phá, học dốt, và bị thầy cô chửi. Hai “xóm” này tất nhiên chẳng thích nhau một chút nào, và thường lờ nhau, coi nhau như không tồn tại.



Nhưng sự chia rẽ mà tôi cảm nhận được trong lớp tôi sau ngày giải phóng thì trầm trọng hơn nhiều. Trước hết, phải kể nhóm các học sinh ngoài Bắc vào. Họ là con của những người chiến thắng, tất nhiên, đa số học khá, rất vâng lời, được xem là gương mẫu, thường có các chức vụ trong lớp như lớp trưởng, lớp phó, bí thư, chi hội trưởng, hoặc bét ra cũng tổ trưởng vv. Những bạn này chỉ chơi với nhau, có cách ăn mặc khác, ngôn ngữ khác, các mối quan tâm khác, và tất nhiên suy nghĩ cũng khác. Họ là một thiểu số tuyệt đối, là tầng lớp thượng lưu, một loại “xóm nhà lầu” mới. Đa số các bạn khác không thích họ, nhưng cũng không (thể?) làm gì, mà chỉ mặc kệ, không thèm … chấp (nói cho oai tí!).



Rồi đến nhóm các bạn trong phong trào sinh viên học sinh trước năm 75, hay nói theo ngôn ngữ “ác cảm” là những người nằm vùng (trước năm 75, báo chí miền Nam gọi là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”). Những bạn này, chẳng hiểu tôi và các bạn khác trong lớp tôi có thành kiến không, thường bị ghét nhất, trước hết là vì các bạn ấy tỏ vẻ “cách mạng” nhiều nhất, hay phát biểu ý kiến trong các buổi thảo luận chính trị, tỏ ra rất “xung” (tinh thần xung kích mà lại), lại hay sửa lưng và lên án những người khác không có hành vi và tư tưởng giống như mình. Trong nhóm bạn này có cả người bạn quý mà tôi đã đề cập đến trong entry trước.



(còn tiếp)

4 nhận xét:

  1. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu:'...cho hận thù vào lãng quên'. Thôi cô ạ, đừng khơi lại vết thương quá khứ nữa. Tất cả đều là người Việt Nam,không nên vì quá khứ mà thù ghét nhau làm gì. Mọi người nên đoàn kết lại bảo vệ chủ quyền,chống ngoại xâm, đoàn kết vì hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Chào cô Phương Anh, hôm nay em vào blog của BS Hồ Hải hôm nay 20/08/2011 nhưng nó báo không tồn tại, lúc 8h sáng thì còn nhưng lúc 11h thì mất teo, không biết chú Hải có bị sao không, ai có facebook hay email gì chú ấy vậy không ta!

    Trả lờiXóa
  3. '...cho hận thù vào lãng quên'...hận thù thì phải nên quên và có lẽ sẽ quên vì vận mạng của dân tộc. Nhưng chính kiến (dân chủ, tự do, đa nguyên) thì phải giữ, và tà kiến (độc tài, tham nhũng, lừa dối...v.v..) thì cũng phải luôn luôn nói tới, cũng vì tiền đồ của dân tộc, như TCS cũng từng nói: "chính chúng ta phải nói hòa bình, khi đất này địa ngục dựng lên. Chính chúng ta dành lấy mọi quyền, quyết chối từ chém giết anh em".

    Trả lờiXóa
  4. ...vô tình lạc vào đây và đọc bài này của PhươngAnh - cảm nhận như chính mình đang kể chuyện lại với bạn bè (chuyện ngày xưa)
    Rất đồng cảm, rất bức xúc, rất quý mến những tâm tư của Phương Anh...
    Rất mong đọc được những cảm nhận thời kỳ Giải Phóng 1975 của bạn.
    Thân

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.