(Xin xem từ bài 1, trong entry trước)
******
Rồi thì hòa bình … ập đến – vâng, ập đến một cách hết sức bất ngờ, và theo cái cách mà dân SG có lẽ không bao giờ ngờ được: miền Nam được giải phóng!
Những trận đánh kinh hoàng trong cuộc “tổng tấn công mùa Xuân lịch sử 1975” (cụm từ này là tôi học được từ môn Sử, môn học mà chúng tôi phải tụng cả năm trời để qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học của thời ấy, vì lúc ấy tôi chọn ban B tức là ban Văn, Sử, Ngoại ngữ - việc chọn ban này là sự điều chỉnh dựa trên việc phân ban thời trước năm 1975).
Những chết chóc ghê rợn thôi không nhắc lại ở đây nữa vì các sách báo đã viết nhiều rồi, tôi chỉ ghi lại ở đây một kỷ niệm, ký ức rất riêng mà nếu không nói ra thì không ai biết được. Ký ức ấy có liên quan đến bài hát “Hãy ngồi xuống đây” mà tôi đưa làm tựa của entry này.
Lúc ấy, do đánh nhau quá nên học sinh đã được nghỉ học mặc dù năm học chưa hết. Tôi còn nhớ ngày đi học gần cuối là ngày Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập, chúng tôi đang học giờ Hóa ở trường Gia Long, và cô giáo (hình như là cô Diệp) đang dạy bọn tôi không giảng được nữa, mà nói về cuộc chiến. Tôi nhớ cô có nói một câu: nếu họ định sai tọa độ thì vụ ném bom đó hoàn toàn có thể rơi vào trường Gia Long của chúng tôi, vốn cách Dinh Độc Lập không bao xa.
Chúng tôi không đến trường trong vòng khoảng hơn một tuần, rồi sau đó thì được gọi tập trung lại tại trường. Cũng chẳng rõ tại sao cái tin tập trung ấy lại đến với mình nữa. Hình như “giải phóng” SG xong được mấy ngày thì tôi tự đến trường để xem thông báo. Hôm ấy khi vào trường, tôi thấy rất ngỡ ngàng, xa lạ. Ngôi trường Gia Long đẹp đẽ thế, hôm tôi đến trông khá giống một trại tị nạn. Giày dép để một đống ngay trước cổng trường, chẳng rõ là của ai, không hiểu có phải là của những người dân tạm trú trong những ngày chiến sự kinh hoàng vừa qua không.
Bên trong sân trường, lố nhố các bạn “cán bộ đoàn”, những khuôn mặt rất xa lạ và … đáng sợ, do tôi bị ám ảnh về sự thù địch 2 miền. Những bạn ấy là con em các vị tướng lãnh người miền Nam ra Bắc tập kết, nay trở về. Một đặc điểm đập vào mắt tôi là các bạn ấy ăn mặc khá giống nhau: bím tóc dài ở sau lưng, quần đen ống nhỏ (lúc ấy SG đang có mốt quần ống loe), áo trắng dài tay cổ lá sen, bằng một loại vải hình như giống nhau, một loại vải hơi thô, trông giản dị một cách khắc khổ, hơi giống kiểu ăn mặc của các nữ tu.
Có nhiều bạn rất xinh, nhưng có vẻ lạnh lùng, khắc nghiệt, và có tác phong rất chỉ huy, nữ tướng, hoặc cán bộ tuyên truyền, hay là do tôi sợ mà tưởng tượng ra thế. Chẳng giống các cô SG yểu điệu, áo dài thướt tha,
“nắng SG anh đi mà chợt mát/ bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, “chẳng biết mưa hay là nắng đây/ một đàn bướm trắng ngẩn ngơ bay” trong thơ Nguyên Sa (cũng là thầy giáo dạy Triết ở trường Gia Long trước năm 75) một chút nào hết.
Một trong những thông báo mà tôi đọc được trong sân trường là việc tổ chức mít-tinh (à, viết đúng như vậy các bạn ạ, mít-tinh, chứ không phải là meeting, họp mặt) và tuần hành ngay hôm sau để chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5. Các học sinh sẽ được tập hợp trong trường từ buổi tối, rồi sáng sớm sẽ tuần hành đến lễ đài, tức ngay trước Dinh Độc Lập.
Ngoan ngoãn, tôi về báo với gia đình để đến tối ôm bọc vào trường – lần đầu tiên đi khỏi nhà vào ban đêm – để mít-tinh chuẩn bị sáng hôm sau tuần hành đi mừng chiến thắng Điện Biên – những cái tên tôi được nghe lần đầu tiên trong đời.
Tối hôm ấy, vào trường, tôi chỉ gặp được có 2, 3 người bạn cùng lớp cũ, và một số bạn cùng khóa, khác lớp. Gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, dù chỉ mới xa nhau có ít ngày, nhưng mà biến cố lịch sử quá lớn, bọn tôi thực sự vẫn còn rất ngỡ ngàng, bàng hoàng lắm. Cập nhật tình hình cho nhau, mới biết bạn bè nhiều đứa đã theo gia đình đi di tản rồi. Cũng phải thôi, hồi ấy học sinh Gia Long có nhiều con em của tướng tá, quan chức cao cấp của chế độ cũ lắm.
Trong lớp tôi có cả bạn Bích Lan, con của Thiếu tướng Lê Minh Đảo, người bị kẹt lại và phải tập trung đi học tập cải tạo, nhà ở Cư xá Sĩ quan Bắc Hải nghe nói bị tịch thu, sau đó hình như anh trai thì có người đi TNXP (để cải tạo bớt lý lịch xấu của mình đi, tôi nhớ hồi đó người ta tin như vậy, và cũng thường được khuyên như vậy), có người đi vượt biên (chẳng rõ có thoát không), mẹ thì đi bán thuốc tây ở chợ trời. Ấy là chuyện sau này, sẽ nói sau.
Cũng trong đêm hôm ấy, tôi ngỡ ngàng nhận ra một khuôn mặt “cán bộ” nằm vùng trong số bạn bè của mình. Một người bạn mà tôi có thời gian cùng chơi, và đã có vài lần nhờ đưa thư cho một người ở gần nhà (sau này tôi nghĩ, có lẽ tôi đã làm giao liên không công cho bạn ấy, mà không được báo cho biết!).
Hồi trước bạn ấy rất điệu đà, diêm dúa, nay bỗng như thoát xác, thoắt một cái cũng áo bà ba trắng bằng một loại vải rẻ tiền, quần ny-lông ống túm, lôi thôi lếch thếch như nữ dân quân ở trong bưng ra. Bạn ấy lăng xăng, lít xít, thái độ (tôi có ác cảm không nhỉ) rất phát-xít, ra lệnh cho người này làm cái này, người kia làm cái khác ….
Ôi chao, đổi đời, mọi sự đảo ngược thật rồi, đó là điều tôi cảm nhận trực tiếp chứ không phải đọc trong sách báo nữa, ngay trong đêm 6/5 ấy.
Chúng tôi được chia thành những nhóm, hình như là phân theo tiểu đội như trong quân đội, được sinh hoạt một chút về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên, rồi sau đó thì được tự do. Cả một đêm dài trước mặt, mà bạn bè thì tụ họp với nhau như thế, chúng tôi tản ra sân trường, ngồi thành từng nhóm, nói chuyện, tâm sự, hát hò.
Và một bạn nào đó đã cất lên lời hát, trong nhóm nhỏ thôi, tất nhiên, của bài hát mà tôi rất thích đó:
“Hãy ngồi xuống đây/ Hãy ngồi xuống đây, hãy ngồi xuống đây xa cơn buồn phiền/ Dẫu biết chia phôi, nhưng không/ Cuộc đời vẫn có đôi ta …”.
Bài hát đang rất hay, tôi còn đang rất hào hứng gật gù theo nhịp điệu của bài hát, thì có một bạn nào đó – một trong những bạn “cán bộ” từ miền Bắc vào mà tôi mô tả hồi nãy – cất lên bằng giọng xa lạ và lạnh tanh: “Đề nghị các đồng chí tuyệt đối không hát nhạc đồi trụy, phản động!”
Vâng, đó là sự tiếp cận đầu tiên của chúng tôi, của cá nhân tôi, với nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Sau này sẽ còn nhiều nữa, nhiều nữa, nhưng tôi không bao giờ quên “cái đêm hôm ấy” (mượn lời của Phùng Gia Lộc).
Tôi nhìn lên, và thấy ngoài bạn “cán bộ” từ miền Bắc mới vào, là người bạn cùng lớp của tôi, người ngoài việc nhờ tôi đưa thư, còn đã rủ tôi đi sinh hoạt, cắm trại chung, có một lần đến Giồng Ông Tố, nơi sau này tôi mới biết là khu căn cứ cách mạng, nằm vùng từ trước 1975, và tôi cũng đã được dạy cho hát bài hát “Tự nguyện” (Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng …) nữa, từ năm 1974!
Thậm chí, lúc ấy tôi còn đã từng viết một mẩu cho tờ báo (chui) của các bạn ấy nữa, đã được đăng lên, mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ, mẩu ấy có tựa là “Trong một giờ Sử”. Trong bài viết ấy, tôi viết lên mong ước hòa bình, thống nhất Bắc Nam, và sự đau đớn về những chia cắt của lòng người, những sông Gianh và sông Bến Hải của lịch sử VN.
Tôi viết thật lòng, vì tôi hiểu tâm trạng của bố tôi, người con trai duy nhất còn lại của ông nội tôi (bố tôi còn một người anh ruột là liệt sĩ, bị mất tích trong thời chống Pháp), đã rời quê hương vào Nam, để lại ông nội tôi ngoài Bắc với hy vọng tìm được xác người con đã hy sinh (mà đến giờ vẫn chưa tìm được). Tóm lại, lúc ấy tôi và bạn ấy khá thân thiết với nhau, và bạn ấy còn đến nhà tôi chơi mấy lần, mẹ tôi biết rõ.
Vậy mà giờ đây người bạn ấy nhìn tôi, lúc ấy đang gật gù theo nhịp của bài hát “Hãy ngồi xuống đây”, không phải bằng cái nhìn thân thiện như thời trước đây còn … ve vãn tôi tham gia các sinh hoạt của nhóm bạn ấy nữa, mà là một đôi mắt lạnh lùng, dò xét, “đôi mắt mang hình viên đạn” như cách người ta vẫn nói bây giờ.
Và ngay lập tức, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu một cách vô cùng trực tiếp, ý nghĩa của lời hát tưởng như vô nghĩa của Trịnh Công Sơn, bài “Vẫn nhớ cuộc đời”:
Một ngày còn sống góp tiếng mong manh
Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm
Một ngày đảo điên giết chết linh hồn…(còn tiếp)