Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Người chết hai lần

"Người chết hai lần" là một câu trong bài hát có tên là Ngụ ngôn mùa đông của Trịnh Công Sơn.

Một bài hát nằm trong tập Ca khúc da vàng, hình như thế, mà ngày xưa bố tôi rất thích, có mua một cuộn băng (thời đó còn sử dụng băng nhựa) về và mở nghe suốt ngày, khiến tôi thuộc gần như nằm lòng hết cả những bài hát trong cuộn băng ấy.

Tôi, thì tôi không thích cuộn băng ấy lắm. Lúc ấy còn trẻ, tôi thích những bản nhạc tình của Trịnh Công Sơn hơn. Những bài như "Diễm xưa", hay "Ướt mi", "Tuổi đá buồn", "Như cánh vạc bay", rất thơ mộng, trong sáng, hồn nhiên, và nếu có buồn thì cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Còn Ca khúc da vàng của ông là một loại khác. Tất nhiên là khác chủ đề, nhưng tôi muốn nói đến âm điệu và màu sắc của chúng. Rất u ám và thê thảm. Ngột ngạt, không có lối thoát. Và ... ma quái, chết chóc. Có lẽ cũng đúng thôi, những bài hát ấy hát về một Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Kinh hoàng.

Ngụ ngôn mùa đông có lẽ là đỉnh cao tập trung các hình ảnh chết chóc thê lương. Tôi vẫn còn nhớ tiếng hát của Khánh Ly, nghe lanh lảnh và thật thê thảm với những câu hát dễ sợ ấy:


Một ngày mùa đông
Một người Việt Nam
Đi ra dòng sông
Nhớ về cuội nguồn
Nhớ về đoạn đường
Từ đó ra đi
Nhớ về biển rộng
Thuyền ghe lướt sóng
Nhớ về nghìn trùng
Nòi giống của Chim...

[..]

Một ngày mùa đông
Rồi người Việt Nam
Thôi ra dòng sông
Súng từ thị thành
Súng từ ruộng làng
Nổ xé da con
Phố chợ thật buồn
Cuộn dây gai chắn
Chắc mẹ hiền lành
Rồi cũng tủi thân

[...]

Một ngày mùa đông
Hai bên là rừng
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan...


Trong tập Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn không chỉ có bài Ngụ ngôn mùa đông ấy. Tôi vẫn nhớ một vài bài khác, không nhớ rõ tựa bài, nhưng có những câu như Đại bác đêm đêm vọng về thành phố/Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe/Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy/Đại bác qua đây con thơ buồn tủi/Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi .... Hoặc bài hát "Bài ca dành cho những xác người", với những câu như Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng/Trong giáo đường thành phố/Trên những đường quanh co [...] Mùa Xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày/Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai/Đường đi tới dù chông gai thì quanh đây đã có người ....

Tôi đã nói ở trên là hồi còn bé tôi không thích những bài hát ấy. Nhưng dù không thích thì nó cũng mãi ám ảnh tôi, và càng về sau thì tôi càng thích nó. Đặc biệt là thời những năm sau ngày 30/4/1975, khi hai miền đã thống nhất. Lúc ấy, tâm trạng mọi người thật hoang mang, lo sợ. Kinh tế thì đi xuống, bên ngoài thì loạn lạc. Tự nhiên những bài hát của TCS thời trước với âm sắc u ám, thê thảm ngày nào sao bỗng trở nên rất đúng với tâm trạng của bọn thanh niên mới lớn của tôi ngày trước đến thế. Nhất là những câu như Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây, hình như trong bài "Phúc âm buồn" thì phải...

Rồi mọi việc cứ cuốn đi như vũ bão. Những thay đổi lớn lao đã xảy ra trong tình hình thế giới và trong đời sống chính trị của VN. Đổi mới. Mở cửa. Kinh tế nhiều thành phần. Cổ phần hóa, tư nhân hóa thay cho quốc hữu hóa của ngày mới giải phóng (từ này là tôi dùng quen miệng, chứ tôi biết có những người không thích dùng từ "giải phóng" này, mà chỉ dùng từ "thống nhất" mà thôi). Những bài hát thê thảm, u ám đó của TCS cũng bị quên đi (thật ra, chúng không hề được phổ biến, mà vẫn nằm trong danh sách bị cấm thì phải. Nếu quả là chúng bị cấm, tôi cũng hiểu tại sao: chúng thê thảm và u ám quá!)

Tôi đã quên những bài hát thê thảm, u ám đó từ lâu rồi. Để hôm nay câu "người chết hai lần/thịt da nát tan" lại bật ra trên môi, khi tôi đọc một mẩu tin sáng nay trên Tuổi trẻ online.

Tin như thế nào ư? Đây: Xe cứu thương chở quan tài đụng xe tải: 4 người chết.

Rơi đúng vào tình huống mà TCS đã dự báo: người trong quan tài bị chết lần thứ hai.
Nhưng không phải chết vì bom, vì pháo. Mà chết vì tai nạn giao thông, một tai nạn khốc liệt.

Mà chẳng phải là một tai nạn hiếm hoi gì. Gần đây, tai nạn giao thông nhiều quá!

Cuối tuần qua tôi ở Hà Nội, đi ăn sáng ở một tiệm phở, mọi người vẫn còn xôn xao vì một tai nạn thảm khốc khác.

Và nhiều lắm, nhiều lắm, chỉ cần lên mạng, gõ những từ "tai nạn giao thông" thì sẽ rõ. Một ví dụ đây này: Gần 300 người chết vì tai nạn giao thông dịp Tết.

Ba trăm người, nhớ nhé. Ngày xưa khi chiến tranh, nếu có một làng nào bị tàn sát 300 người trong vòng vài ngày thì có lẽ lời kêu than, oán trách đã lên đến tận trời xanh.

Còn ngày nay, trong vài ngày Tết vui chơi, 300 người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông, hình như cũng chỉ là chuyện bình thường.

Thiên tai như Nhật thì chúng ta không (chưa?) bị, địch họa chúng ta đã may mắn thoát khỏi. Chúng ta đã đổ bao xương máu để dành lại đất nước cho mình, một đất nước trọn vẹn chủ quyền và độc lập, ngẩng cao đầu với thế giới.

Thế còn những tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày như cơm bữa như thế này, và những hố tử thần rình rập nữa, rồi những vụ đua xe như điên dại của tuổi choai choai, rồi nhà sập, cầu sập ... thì trách nhiệm ở đâu?

Tôi không rõ. Chỉ biết không thể đổ cho thiên tai, địch họa được nữa. Có lẽ chính mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc đời mình. Và cuộc sống xung quanh mình nữa, tất nhiên rồi.

Nếu chúng ta không muốn thấy cảnh ấy tiếp tục xảy ra nữa: Người chết hai lần, thịt da nát tan.

Nhân tiện, ai muốn nghe bài hát Ngụ ngôn mùa đông của TCS do Khánh Ly hát thì vào đây để tải về nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.