Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

4, 9, và 2020, hay sự bí ẩn của những con số

Trước hết, cần giải thích mấy con số 4, 9, và 2020.

2020, đấy là năm 2020. Là một năm quan trọng đối với tôi, bởi vì lúc ấy tôi đúng 60 tuổi, đúng một vòng 60 năm cuộc đời, khi Canh Tý lại trở về Canh Tý. (Mở ngoặc nói thêm: năm 2020 sẽ là năm Canh Tý các bạn ạ. Tôi biết rõ, vì tôi sinh năm 1960 là năm Canh Tý, và 60 năm sau nó, tức năm 2020 cũng sẽ là năm Canh Tý).

Nó còn quan trọng với tôi và ông xã tôi là vì ... lúc ấy 2 hợp đồng bảo hiểm mà tôi mua sẽ đáo hạn sau 20 năm đóng phí. Vì là người lo xa, nên năm 2001 khi mới ngoài 40 (hic, thanh xuân bất tái lai), tôi đã là một trong những người hiếm hoi thời ấy quyết định mua cho mình và ông xã 2 hợp đồng bảo hiểm đóng phí trong 20 năm (một mình tôi đóng phí), để khi về hưu có một cục tiền kha khá mà sử dụng (có lẽ chủ yếu là ... để mua thuốc đau lưng nhức mỏi, dầu gió xoa bóp, và có tí đồng tiền lẻ cho con cháu khi chúng đến chơi nhà, chắc là thế).

Nhưng 2020 không chỉ có ý nghĩa cho riêng tôi, mà hình như nó còn là một năm rất quan trọng cho cả dân tộc Việt Nam nữa. Tại sao tôi lại dám lộng ngôn như thế? Ừ thì có lý do cả đấy. Này nhé, chỉ tính riêng ngành giáo dục thôi thì năm 2020 chúng ta cũng sẽ có quá nhiều thành tựu rực rỡ rồi. Ta sẽ có một trường lọt vào top 200 của thế giới. Sẽ có thêm 20 ngàn tiến sĩ, trong đó có 10 ngàn được đào tạo tại Mỹ. Tiếng Anh lúc đó sẽ trở thành thế mạnh của người Việt Nam. Học sinh tốt nghiệp trung học sẽ có đủ trình độ tiếng Anh để đi học trong môi trường nói tiếng Anh (vd: các nước sử dụng tiếng Anh bản ngữ), và sinh viên tốt nghiệp đại học có khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc mang tính quốc tế. Quá chuẩn luôn! Một tương lai rạng rỡ cho ngành giáo dục VN; tiếc là đến lúc ấy tôi đã nghỉ hưu rồi, không thể hãnh diện lây với những thành quả chung của ngành giáo dục nữa, uổng thật!

Thế còn số 9? À, thì rõ ràng số 9 là số hên mà, cái đó ai chẳng biết. Nhưng thực ra, số 9 mà tôi đề cập ở đây có ý nghĩa rất đơn giản: nó là thời gian 9 năm tính từ bây giờ đến mốc 2020 rực rỡ ấy. Chín năm là thời gian dài hay ngắn nhỉ? Hừm.... Có lẽ nó không dài, bởi vì cứ xét theo công việc của tôi thôi, thì từ lúc tôi rời khoa Anh của trường XHNV đến giờ cũng đã gần 8 năm rồi. Công việc nặng thế, đi xa thế, lương ít thế, mà tôi vẫn tồn tại được, thì việc chờ 9 năm để có mấy cái thành tựu kia hoàn toàn là dễ dàng, và thời gian sẽ qua đi nhanh lắm.

Nhưng mà ... nếu 9 năm là một thời gian không dài, thì liệu mấy cái chỉ tiêu hơi tham vọng kia có đạt được không nhỉ? Không phải là tôi không có chút băn khoăn nào về mấy chỉ tiêu kia đâu, vì gì chứ riêng chuyện dạy tiếng Anh thì tôi biết là không dễ. Đừng nói đâu xa, chỉ cần nhìn sang Malaysia thì mới thấy rằng để Mã Lai có thể có được trình độ tiếng Anh hiện nay (hôm trước EF có làm cái survey cho thấy trình độ tiếng Anh của Mã cũng chỉ thuộc hàng trung bình, tất nhiên là hơn Trung Quốc - thuộc hạng yếu - và chắc chắn là hơn hẳn VN, vốn thuộc hạng ... bét!) thì ông cựu thủ tướng Mahatthir của Mã cũng đã phải tốn rất nhiều thời gian và công sức trong vòng mấy chục năm, chứ không chỉ vỏn vẹn chưa tới chục năm như VN vậy đâu.

Đang băn khoăn thế, thì tôi bỗng nhớ ra câu thơ: "Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", và chợt ngộ ra: Chín năm không dài, nhưng cũng có thể tạo ra những kỳ tích, nếu ta có quyết tâm chính trị. Bất chấp những quy luật thông thường của thiên nhiên, của vũ trụ, của tạo hóa gì gì đấy. Chứ gì nữa, lịch sử VN - và hình như cả lịch sử thế giới nữa đó - đã chứng minh điều đó. Vậy là được rồi, cứ yên tâm đi, nghen!

Rồi, bây giờ chỉ còn cần giải thích con số 4 mà thôi.

Hà hà, số 4. Nó là "số" của tôi đó, nói theo "numerology". Tôi chẳng biết numerology dịch ra tiếng Việt sao cho hợp, nhưng đại khái các bạn có thể hiểu nôm na như thế này. Mỗi chúng ta sinh ra đời đều có "số", đây là số nói theo nghĩa đen ấy, cũng giống như là mỗi người chúng ta có một cái tên. Cũng như ai đi dạy học và có đi chấm thi trong những kỳ thi quan trọng thì biết, thay vì chấm bài của học sinh với những cái tên cụ thể (như Hoa, Hồng, Hùng, Hạnh vv) thì để bảo đảm tính "vô danh" người ta sẽ thay từng bài thi thành một con số, gọi là số phách. Vậy là sẽ chấm bài của số 1, số 2, thay vì bài của Hoa, của Hùng. Tức thay tên người bằng một con số.

Và numerology làm đúng như thế. Nó cho công thức quy đổi những mẫu tự trong tên người thành ra những con số. Rất đơn giản, vì chỉ có 9 số. Mỗi con số đó là một loại tính cách con người. Và người số 2 sẽ hợp với người số 6 nhưng không hợp với người số 5, chẳng hạn thế. Rất thú vị.

Cái trò quy tên ra số để đọc tính cách là do bố tôi bày ra khi bọn tôi còn nhỏ. Bố tôi mua được ở đâu đó một cuốn sách nho nhỏ giới thiệu về numerology, và bèn đè bọn tôi ra tính toán thử. Bọn tôi rất thích thú, và ai cũng biết "số" của mọi người trong gia đình. Ví dụ, bố tôi số 8, mẹ tôi số 1, anh trai tôi số 9, chị tôi số 5. Còn tôi, thì tất nhiên là số 4!

Số 4, một con số cực kỳ hay - chuyện, số của tôi mà lại!;-). Vì nó là "tứ trụ" (cũng là "bát tự", tức năm, tháng, ngày, và giờ sinh dùng để đoán số mạng), là "tứ tượng" (trong "lưỡng nghi sinh tứ tượng"), là "tứ hải" (trong "tứ hải giai huynh đệ"), là "tứ trụ triều đình", là 4 góc của một hình vuông vững chãi ....

Chà chà, nghe cực kỳ ấn tượng, phải không các bạn? Tôi nổ đấy, nói lốp bốp chứ chẳng hiểu quái gì đâu. Nhưng con số 4 phải nói là rất ấn tượng, phải không? Chẳng thế mà chính phủ ta đã quyết định xây 4 trường đẳng cấp quốc tế - 4, chứ không phải 3, rõ chửa, dù chỉ có 3 miền, sao không là 3 trường, mỗi trường một miền?

Đấy, cái tựa của entry này tôi đã giải thích xong rồi. Vậy các bạn còn thắc mắc gì nữa không? Hy vọng là các bạn đọc xong đến đây thì thỏa mãn, không cảm thấy ... ấm ức như bị lừa đấy chứ?

Chắc là vẫn còn bực bực, chưa thỏa mãn, phải không? Vì hẳn là các bạn vẫn thắc mắc tôi lôi ở đâu ra mấy con số 4, 9 và 2020 kia, rồi viết linh tinh phét lác nãy giờ ở trên, chẳng ra đầu ra đũa chi cả?

Thôi thì nói thực nhé, cặp 3 con số "4, 9 và 2020" và ý tưởng để viết entry này là do tôi "chôm" từ bài viết mà tôi mới đọc sáng nay trên báo Tuổi trẻ về phát triển chiều cao của người Việt đấy. Chín năm nữa, tức đến năm 2020, chiều cao của người Việt sẽ tăng thêm 4 phân. Ở đây này.

Được như thế thì quá tốt. Chúng ta sẽ không còn phải ngước lên khi nói chuyện với bọn Tây từ các nước tư bản giãy chết nữa.

Chỉ e rằng 9 năm nữa thì quá ngắn để làm được điều này, cũng như một lô những chỉ tiêu định lượng khác nữa, mà thôi. Vì 9 năm, tức 3 lần thời gian 3 năm. Vậy mà theo kinh nghiệm của tôi, việc thực hiện cải cách tuyển sinh của VN, bỏ kỳ thi 3 chung, đã được nhắc đến từ năm 2008, đến nay 2011 là 3 năm rồi, vẫn còn chưa nhúc nhích gì cả, kia kìa! Cũng như đề án 2020, nhắc tới từ đâu năm 2007, đến nay là 2011, tức 4 năm (gần 1/2 thời gian của 9 năm), cũng chỉ mới bắt đầu khởi động "thí điểm" ở cấp thấp nhất là tiểu học ở một số trường tại một số địa phương có điều kiện mà thôi!

Tôi nghĩ, khi sử dụng những con số cụ thể để đưa ra những chỉ tiêu phát triển liên quan đến những vấn đề xã hội thì ta cần phải có rất nhiều nghiên cứu dựa trên những số liệu chính xác được thu thập trên diện rộng và trong thời gian dài. Tất cả những điều này chúng ta vẫn còn chưa có. Hoặc là số liệu không có, hoặc có nhưng không chính xác, hoặc chính xác nhưng không đủ rộng, hoặc đủ rộng nhưng lại trong thời gian ngắn. Và quan trọng hơn là rất ít nghiên cứu, hoặc có nghiên cứu nhưng kết quả nghiên cứu ít được phổ biến cho mọi người đọc và phản biện.

Nhưng hình như chúng ta đã rất quen đưa ra những chỉ tiêu với những con số hoành tráng như thế này rồi hay sao ấy.

Hay là tại vì chúng ta tin vào sự bí ẩn của những con số?

3 nhận xét:

  1. Panh oi, Thanh so may?

    Trả lờiXóa
  2. Thành ơi,
    Có thể tự tính được theo cách sau:

    Dùng bảng ký tự có giá trị từ 1-9 như dưới đây

    1 2 3 4 5 6 7 8 9
    a b c d e f g h i
    j k l m n o p q r
    s t u v w x y z

    Thay các giá trị đó vào các mẫu tự trong tên mình, rồi cộng gộp lại. Lấy kết quả cuối cùng cộng thêm một lần nữa, sẽ ra giá trị từ 1 đến 9.

    Hình như Thành là số 3 đấy, thử tính lại xem.

    Tính xong thì hỏi tiếp, PA cho ý nghĩa của số đó cho!

    Mà, bài viết của người ta hay thế, chẳng thấy khen gì, lại lo hỏi ... số? Chán thế?

    Trả lờiXóa
  3. Thích thật, cứ như sau khi ký ban hành thì mỗi người VN được cao thêm 4 cm ý! Thần kỳ quá! :)
    * Xét trong gia đình: thì cháu có người cô bằng tuổi cô P.Anh. Nên muốn gọi bằng cô!
    * Xét ngoài xã hội: thì khách hàng tuổi nào em cũng gọi bằng chị. Nên cũng muốn gọi bằng chị cho trẻ trung, lịch sự!
    Không biết cháu có được gọi là CÔ không? :) hihi!

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.