Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Sáu bài quốc ca, mèo, tai nạn và đạo đức nghề nghiệp

Entry này tôi bắt đầu viết từ cách đây mấy hôm, khi đọc được tin về "vụ" quốc ca VN "hào hùng" nhất thế giới. Lúc bắt đầu viết, tôi chỉ đơn thuần nghĩ đến một loại "tai nạn nghề nghiệp" thôi, đó là việc hiểu tiếng Anh không đầy đủ dẫn đến đọc sai thông tin và viết bài sai. Vì vậy, tựa đầu tiên mà tôi đặt cho entry này có khác một chút, đó là "Sáu bài quốc ca, dịch, và tai nạn nghề nghiệp".

Vì muốn nói đến tai nạn nghề nghiệp do "dịch" nên tôi viết dở dang thì dừng lại vì muốn tìm một vài ví dụ minh họa cho "tai nạn nghề nghiệp" do dịch sai. Thực ra thì tôi cũng đã có ví dụ rồi, nhưng không muốn sử dụng vì có liên quan đến một số người mà tôi đã từng có quan hệ, nên chẳng thể dùng. Vì nếu sử dụng chúng thì biết đâu lại bị hiểu sai là tôi kiếm cớ viết bài này là để nhắm vào người này người khác vì mục đích gì đấy. Trong khi đó, tôi lại đang trong tâm trạng hoàn toàn không muốn dính líu chút nào đến những việc không đâu mất thời gian, vì vậy tránh là tốt nhất.

Nhưng cũng vì tránh không dùng những ví dụ có sẵn nên tôi phải ngưng lại mấy ngày nay để chờ có thời gian tìm ví dụ, rồi sau đó đâm mất hứng, không muốn viết nữa. Thì hôm nay tôi lại đọc được một mẩu tin về vụ "mèo". Cũng lại là một tai nạn nghề nghiệp, nhưng lần này là loại tai nạn khác. Không phải là yếu về nghiệp vụ (cụ thể là trình độ đọc hiểu tiếng Anh còn yếu), mà là thiếu hiểu biết về những giá trị nhân văn thông thường, như không được hành hạ súc vật, chẳng hạn.

Nên tôi thấy lại phải viết tiếp entry này, trước hết để lưu lại suy nghĩ của chính tôi về những vấn đề xã hội hiện nay mà tôi có ít nhiều quan tâm. Và cũng là để chia sẻ những suy nghĩ của mình đến những ai có đọc blog này - đa phần là những bạn bè, đồng nghiệp của tôi, nhưng cũng có những người khác nữa. Những người biết tôi hoặc không biết tôi ở ngoài đời, những người yêu mến tôi, và có cả những người chẳng mấy gì yêu quý tôi nữa.

Dù là ai, thì các bạn đã vào đây, cũng xem là bạn, hoặc nếu không phải là bạn, thì là khách vậy. Thôi thì có "bữa cơm rau" gọi là, các bạn "nếm thử" qua nếu có gì hay thì báo cho tôi biết để mừng, còn nếu dở thì cũng xin lượng thứ.

Đùa chơi một chút cho vui, bây giờ xin các bạn đọc dưới đây nhé!

-----------
Tình cờ, tôi đọc được những mẩu tin (khá om xòm) trên mạng về việc một trang mạng nào đó bình chọn quốc ca Việt Nam là "hào hùng nhất thế giới". Tin ấy thật ra đã khá lâu rồi, từ năm 2008 lận, nhưng chẳng hiểu sao đến bây giờ được một tờ báo trong nước đưa lên. Tuy nhiên, sau những phản hồi của bạn đọc trên mạng rằng đấy chỉ là một tin ... tếu, có tính diễu cợt và mỉa mai, chứ chẳng có gì đáng tự hào ("hào hùng", mà một số trang blog cá nhân và "báo lề trái" diễu thành "hãi hùng") như tờ báo ấy đã đưa tin, thì mẩu tin đó giờ đã bị rút xuống. Mà cũng may, hình như chỉ mới đăng trên trang online thôi nên chưa bị lưu lại trên giấy trắng mực đen gì cả, hú vía!

Tò mò, tôi đi tìm trang gốc có bài viết ấy bằng tiếng Anh. Chỉ cần gõ "cracked.com" (địa chỉ của trang web đã đăng bài gốc bằng tiếng Anh) và "national athem", "vietnam" là tôi ngay lập tức tìm được thôi mà. Nó ở đây này các bạn tha hồ đọc cho biết nhé.

Còn những ai không có điều kiện để đọc, thì thật ra cũng chẳng cần đọc làm gì. Đại khái nó đưa ra 6 bài quốc ca "dễ sợ" nhất thế giới - dễ sợ vì trong đó ca ngợi chiến tranh (ừ thì chiến tranh vệ quốc), đầu rơi máu chảy, xương trắng thành đồng, vv và vv - nhưng trong số đó thì VN đứng tận hạng nhất lận! Vì, cũng theo chúng, thì 5 bài quốc ca khác dù có ca ngợi chiến tranh cũng còn có chỗ ca ngợi hòa bình, còn riêng ta thì từ trên xuống dưới chỉ rặt chiến tranh và đổ máu. Ấy, bọn báo chí tư bản láo thế đấy.

Nhưng thôi ta cũng không thèm chấp, vì cái trang ấy nhảm nhí ấy mà. Chỉ cần nghe cách đặt tên trang ấy thì cũng rõ rồi. Trang đàng hoàng thì ai lại đặt là cracked.com như thế. Lại nữa, ngay chình ình trên đầu trang có một câu tự giới thiệu: "America's only humor site since 1958", cái này cũng hơi khó hiểu đây vì năm 1958 thì làm gì đã có mạng nhỉ, hay là nó gõ lại tất cả những gì đã viết trước đó (trên báo giấy) rồi đưa lên đây à? Thôi thì cái này sẽ tìm hiểu sau vậy, bây giờ phải nói cho hết ý của entry này đã.

Chỉ bao nhiêu đó thôi thì cũng thấy là người phóng viên nào đó khi đã đưa mẩu tin này đã không làm việc kỹ càng, chuyên nghiệp - hơi giống vụ VTV và cô Lượm, do không kiểm tra kỹ, không làm việc chuyên nghiệp nên bị xảy ra một scandal không đáng có. Nhưng đó cũng không phải là ý chính của entry này, mà thực ra tôi muốn nói đến tai nạn nghề nghiệp đối với những người làm nghề có liên quan đến dịch - hoặc là dịch giả chuyên nghiệp, hoặc là những người cần lấy thông tin từ nước ngoài để tổng hợp thành bài viết của mình, vd như các nhà báo, hoặc cũng có thể là những người đi học, nghiên cứu sinh hoặc "nghiên cứu viên" (là từ của VN để chỉ những người làm việc trong môi trường hàn lâm nhưng không phải được vào biên chế giảng dạy) của nơi này nơi khác.

Việc hiểu sai, dịch sai một ngoại ngữ có lẽ cũng là việc bình thường trong điều kiện hiện nay của VN, một nước nghèo, kém phát triển, lại đóng cửa với thế giới trong một thời gian dài. Nhưng tôi nghĩ những người đã làm công tác báo chí, truyền thông, hoặc làm việc nghiên cứu, thì không được quyền để xảy ra những việc như vậy. Vì công việc của những người này là cung cấp thông tin chính xác và trung thực đến độc giả. Đó là đòi hỏi của đạo đức nghề nghiệp.

Tất nhiên, ai làm nghề nào thì cũng có lúc bị tai nạn ở nghề đó - sinh nghề tử nghiệp mà. Nên làm báo hoặc làm nghiên cứu thì có thể lấy và cung cấp thông tin sai, cũng như làm nghề thầy thuốc thì có thể gặp tai nạn nghề nghiệp làm chết bệnh nhân, kiểu như tay bác sĩ riêng của Michael Jackson bị nghi (hay đã bị kết tội? tôi không theo dõi vụ này nên không rành lắm) là đã cho ca sĩ này uống quá liều thuốc giảm đau (thực chất là một loại thuốc gây nghiện, tức nôm na là thuốc phiện, một loại thuốc độc) nên mới làm cho ông vua nhạc pop này phải chết.

Vấn đề là, tai nạn xảy ra rồi thì làm gì? Thông cảm, bỏ qua, thậm chí còn phải an ủi, chia sẻ nữa, vì ... đó là tai nạn mà, chứ ai muốn thế đâu? Hay lên án, trừng phạt, tẩy chay, hoặc ít ra cũng phải treo giò, treo bút, treo giấy phép hành nghề ít lâu cho rút kinh nghiệm, rồi sau đó tùy theo mức độ tiến bộ rồi mới tính tiếp?

Chà, câu trả lời cho câu hỏi này có lẽ khó đây! Tôi chỉ biết, ở các nước tư bản phương tây thì chắc là người ta phải chọn cách thứ hai, vì đã làm nghề chuyên nghiệp, thì phải có năng lực phán đoán khả năng rủi ro, gặp tai nạn nghề nghiệp, để mà tránh những tình huống ấy. Và nếu năng lực không đủ để phán đoán khiến thường xuyên xảy ra tai nạn nghề nghiệp, thì, well, thôi xin mời bác "rửa tay gác kiếm" và về nhà nghỉ chơi, nhường chỗ cho người khác người ta làm nghề chuyên nghiệp, bác ạ!

Điều ấy theo tôi chính là biểu hiện, mà cũng là nguyên nhân tạo ra, duy trì và củng cố, của “cái gọi là đạo đức nghề nghiệp" ở phương Tây. Còn ở "phương ta" thì điều phổ biến hơn lại là cách làm thứ nhất mà tôi đã nêu ở trên. Mà nếu thế thì chẳng lẽ chúng ta lại không có/ chưa có "cái gọi là ...” ấy?
-----------
Ghi chú: Chỗ này là chỗ tôi ngưng lại hôm trước, không viết thêm được nữa. Cho tới hôm nay, khi đổi tên entry, thay chữ "dịch" bằng chữ "mèo", "tai nạn nghề nghiệp" thành "tai nạn và đạo đức nghề nghiệp". Mời các bạn đọc tiếp nhé.

OK, OK, vụ sáu bài quốc ca thì xem như đã rõ, nó là tai nạn nghề nghiệp, cũng có thể có vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong ấy nữa nhưng cái đó ... tùy người đối diện. Nhưng còn con mèo, nó có liên quan gì đến ai trong entry này mà lại đưa nó vào tựa của entry nhỉ?

Ôi, con mèo. Ừ, cái con mèo con ấy, chả hiểu giờ thì nó ra sao, nhưng nếu nó còn sống sót và mọi việc không đến nỗi quá tồi tệ, thì có lẽ nó phải cám ơn cậu bé trong chương trình đã làm cho nó trở nên nổi tiếng như thế này ấy nhỉ. Vì thực sự nó đã nổi tiếng lắm rồi, qua cái clip được đưa lên mạng. Có thể tìm đọc về nó ở đây này. Hoặc thậm chí có thể xem clip nữa, cứ gõ "hành hạ mèo" và "VTV" vào google thì sẽ ra ngay thôi, ví dụ ở đây này.

Vâng, mèo ở đây là như thế đấy. Thế mà đấy là một chương trình giáo dục, mới đáng nói chứ. Hừm ...

Vâng, tôi đồng ý, đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp thôi, không hơn không kém. Những người làm chương trình chỉ muốn có một ví dụ thật, có tính giáo dục, nhưng đồng thời cũng phải sinh động và hấp dẫn. Và ... họ đã làm ra một đoạn phim như thế. Đúng là xui xẻo!

Tai nạn nghề nghiệp, đúng quá. Sinh nghề, tử nghiệp mà. Nhưng sau tai nạn thì xử lý ra sao nhỉ? Tôi chưa rõ. Cái này chắc lại liên quan đến phạm trù đạo đức nghề nghiệp rồi đây. Mà đạo đức nghề nghiệp là gì, có quan trọng không, thì hình như chúng ta chưa (thể) thống nhất? Vậy chẳng lẽ lại phải chờ đến lúc thống nhất rồi mới viết ư? Thế thì lâu quá!

Nên thôi, thì cứ viết lăng nhăng entry này đăng lên blog đây, để chia sẻ với các bạn. Các bạn đọc rồi thì xúm vào đóng góp cho tôi với nhé!

Hay là thôi, vì có đóng góp hay không thì rồi "mèo (dù ướt hay khô, sống hay chết) lại (cũng vẫn) hoàn mèo" thôi mà? Có gì đâu mà rộn?

3 nhận xét:

  1. Thiệt hổng hiểu được mấy nhà báo.
    Thấy câu tự giới thiệu của web là muốn cười rồi.
    America's only humor site since 1958. Nếu tôi là Tổng Biên tập mới, sẽ sửa lại là...since 18XX, cho nó giá trị.
    Vô web cà tửng này thì chỉ thấy vui, có mặn có chua nữa, bức tranh La Liberté guidant le peuple được chêm tựa khác vui thiệt.Nếu anh hay cô nhà báo nào đó lấy bài của web này đưa qua báo XXCười thì chắc sẽ đắt hơn, khỏi sợ thiên hạ " ném đá ".
    Nên hơi đâu mà si tư rồi lên máu Cô Phương Anh yêu quí ơi.
    Xứ mình dị đó. Gặp hoài nói hoài thấy chán.

    Trả lờiXóa
  2. Bà mẹ quê ui,

    Xứ mình dị thiệt anh hè? "Dị", tức là "kỳ lạ" đó mà.

    Vậy xin hỏi lại anh một chút: Xứ mình, sao nó dị dị? (Dịch sang tiếng miền Bắc: Xứ mình sao kỳ lạ vậy?)

    Anh đọc bài mới đi, Ai là thượng đế? Rồi trả lời giúp nhen.

    Trả lờiXóa
  3. Cô Phương Anh ơi: "dị" là từ của miền trung mà, dị tức là mắc cỡ, xấu hổ, ngượng ngùng, ví dụ nói: dị quá hoặc "dị òm", còn khi nói trật qua "dậy" thành "dị" thì lại khác, tỷ như "dậy (vậy) đó thành dị đó".
    "sao nó dị dị" dịch sang tiếng miền Bắc: sao kỳ lạ thế?, dịch sang tiếng miền nam: sao kỳ vậy? còn từ " xứ mình" thì chỉ có người Nam dùng thôi, người Bắc (mà đang sống ngoài bắc) không dùng từ "xứ", mà là: quê mình, ngoài mình, nước mình...
    Em là "Bắc kỳ lai" (bằng 2 Bắc kỳ thật) sống cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nên cũng biết sơ sơ về mấy từ này.
    Em rất thích đọc các bài viết của cô, "dí dủm" sâu sắc, nói chung là suốt ngày em chầu chực báo cô phát hành hehe.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.