Toàn bộ bài viết đều đáng đọc, nhưng ở đây tôi chỉ xin trích một vài đoạn mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất.
Trong tình hình nước ta hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền của dân trong tham gia quản lý đất nước, mà quan trọng hơn nữa, chính là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tệ nạn tham nhũng - nỗi nhức nhối của xã hội, làm trong sạch bộ máy và củng cố niềm tin của dân đối với Nhà nước. Trên thế giới, khi nêu ra vấn đề kiểm soát tham nhũng, người ta cũng đã nêu ra phương trình: Tham nhũng (corruption) = Độc quyền (monopoly) + Quyền tự quyết định (discretion) - Trách nhiệm giải trình (accountability) - Tính minh bạch (transparency) (theo Klitgaard, Robert E. 1988, "Controlling Corruption").
Trong đoạn trích ở trên, đáng chú ý nhất là công thức về tham nhũng, trong đó minh bạch (hoặc không minh bạch) là một trong 4 yếu tố có tác động đến tình trạng tham nhũng. Khi thử áp dụng công thức đó vào những công việc hàng ngày ở các cơ quan nhà nước - kể cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các cơ quan sự nghiệp công - thì tôi thấy rõ lý do tại sao mà VN lại đứng trong top đầu các quốc gia có tệ nạn tham nhũng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (cụ thể là đứng hạng 5 trên tổng số 16 nước), như tin đã đưa ngày 30/3/2011 trên trang mạng ABS-CBNNews, có thể tìm thấy ở đây.
Tại sao thế? Đây này:
- Độc quyền: Chắc chắn là chúng ta có nạn độc quyền, mặc dù Nhà nước đang ngày càng cố gắng giảm bớt (nhưng những nỗ lực này dường như chưa thành công lắm). Ví dụ minh họa thì đầy khắp nơi, cụ thể là việc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sắp tới. Rõ ràng là chỉ có đảng viên mới có đầy đủ quyền công dân mà thôi (= quyền ứng cử vào các cơ quan lập pháp, mặc dù trên nguyên tắc thì ai cũng có thể tự ứng cử). Còn những người khác thì ... xin lỗi nhé, đi chỗ khác chơi cho người lớn nói chuyện.
Cũng vậy, trong các chức vụ "chính quyền" (tôi dùng từ chính quyền theo nghĩa rộng, tức những bao hàm cả những vị trí điều hành, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công) thì cũng chỉ có đảng viên là có đầy đủ thông tin, biết trước các định hướng phát triển của đơn vị, biết rõ những gì sẽ xảy ra về mặt nhân sự, ngoài ra còn được quyền diễn giải thông tin được cung cấp theo cách riêng của mình mà không có mặt những người không đảng để có thể trao đổi, và làm rõ vấn đề. Tình trạng độc quyền thông tin này khiến cho chỉ có những người trong đảng mới có thể làm việc và phát triển thực sự (tất nhiên, nếu có thực tài), còn tất cả những người khác thì bị rơi vào tình trạng cạnh tranh ở thế yếu. Độc quyền như thế tất sẽ dẫn đến tham nhũng, như công thức trên đã chỉ rõ.
2. Quyền tự quyết định: Theo kinh nghiệm của tôi (có thể không chính xác 100%, nhưng tôi cũng rất mong là mình sai vì như thế có nghĩa là thực tế tốt hơn những gì tôi cảm nhận và viết ở đây) thì mặc dù Nhà nước đang kêu gọi toàn dân sống và hành động theo pháp luật, nhưng dường như pháp luật chỉ dành cho thường dân không Đảng, còn đảng viên thì trước hết và trên hết cần phải làm theo nghị quyết Đảng. Nói chung, tôi tin rằng các đảng viên đều là người tốt vì đã trải qua một quá trình sàng lọc, lựa chọn rất gắt gao, rồi sau đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong đảng. Như vậy, hẳn là các quyết định của những con người ưu tú như thế hẳn phải đúng đắn nhất cho từng tình huống cụ thể. Nhưng tôi vẫn rất băn khoăn khi thấy có nhiều trường hợp một nghị quyết của đảng bộ của một đơn vị có tác dụng phủ quyết mọi quy định sẵn có trước đó trong đơn vị.
Tôi hiểu là theo luật của VN thì Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện trên mọi mặt hoạt động của xã hội và ở mọi cấp độ của quản lý, nhưng nếu vậy thì tôi không hiểu là dân thường, không có đảng phái nào cả sẽ làm sao để theo kịp các chủ trương, quyết nghị, nghị quyết (hai từ này dường như có khác nhau, nhưng tôi không rõ chúng thực sự khác như thế nào) của Đảng để mà làm cho đúng nhỉ? Và, ngộ nhỡ các đảng viên lỡ (vô tình hoặc cố ý) làm sai quy định của pháp luật, rồi sau đó lại ra nghị quyết chấp nhận những điều sai quy định đó, thì sao?
3. Trách nhiệm giải trình: Riêng khoản này thì tôi tin rằng Nhà nước đang cố gắng thực hiện, ví dụ như trước đây đâu có những cuộc chất vấn của Hội đồng nhân dân hoặc Quốc hội đối với chính quyền như hiện nay. Việc buộc chính quyền, tức cơ quan hành pháp, phải giải trình trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tức cơ quan lập pháp, là một bước tiến rất xa trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ tại VN. Tôi không than phiền gì về điều này cả, chỉ mong là quá trình dân chủ hóa này ngày càng được đẩy mạnh ở mọi nơi và mọi cấp. Vì như thế sẽ có tác dụng giảm bớt tham nhũng, như theo công thức ở trên.
4. Minh bạch: Theo tôi, đây là cốt lõi của vấn đề. Mặc dù theo công thức tham nhũng ở trên thì minh bạch là yếu tố cuối cùng, và chỉ là một trong 4 yếu tố, nhưng tôi cho rằng nó lại là yếu tố quyết định cho việc chống tham nhũng. Vì tham nhũng chỉ xảy ra được khi không có ai biết. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì phải có giám sát toàn dân, mà giám sát toàn dân thì chỉ thực hiện được nếu mọi người đều có được một lượng thông tin ngang nhau và cùng một lúc. Nhưng làm sao để có được điều đó?
Tôi nghĩ, vai trò của một hệ thống thông tin, truyền thông-báo chí ở đây là rất lớn. Ở các nước tiên tiến, người ta gọi truyền thông là quyền lực thứ tư (ba quyền lực kia là lập pháp, hành pháp và tư pháp). Nhưng liệu ở VN thì truyền thông có thể, có nên, và nếu có thì khi nào, được trao cái quyền lực ghê gớm ấy không, và nếu không thì tại sao - đấy lại là một câu hỏi quá lớn vượt quá tầm hiểu biết của tôi, một bà già ngoài 50 tuổi (một cô giáo làng, actually) với kiến thức về chính trị và xã hội có lẽ còn ít ỏi hơn nắm xôi cúa Bờm nữa, thì tôi hoàn toàn chịu phép không trả lời được.
Thế tác giả của bài viết nói gì? Xin đọc tiếp đoạn trích sau:
[C]ần có cơ chế ràng buộc mọi cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng đắn các quy định về công khai, minh bạch trong quản lý. Những vấn đề hoặc văn bản nhà nước thuộc loại "mật" hoặc "tuyệt mật" cần được quy định chặt chẽ, có giám sát, phòng ngừa những trường hợp lạm dụng để hạn chế quyền được thông tin và quyền giám sát của dân. Chúng ta đã có khá nhiều quy định về vấn đề này, như lấy ý kiến của dân trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy chế dân chủ ở cơ sở, v.v... nay cần được thực hiện nghiêm túc.
Những điều tác giả nêu ở trên đều đúng. Tác giả đã chỉ ra được là chúng ta cần phải làm gì. Vấn đề còn lại là: làm như thế nào? Nhưng điều này hình như cũng vượt quá tầm của tác giả mất rồi. Cũng giống như rất nhiều việc khác ở VN.
Lấy một ví dụ trong giáo dục: chúng ta dều biết là hiện nay cần phải làm gì, vd cần giảm tải chương trình, cần nâng cao năng lực giáo viên, cần chú trọng các kỹ năng mềm, cần đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Tất cả đều đúng. Nhưng làm như thế nào, ai có thể làm được, và làm sao biết là cách làm của mình sẽ đem lại thành công, thì dường như không ai thống nhất với ai, mỗi người kéo đi một hướng. Cứ y như trong hình phạt "tứ mã phân thây" vậy: 4 con ngựa kéo đi bốn hướng.
Thế nên, đọc thì đọc, nghĩ thì nghĩ, nhưng hình như vẫn chưa ai tìm được giải pháp cả. Vì giải pháp không chỉ là nêu ra cần phải làm gì, mà quan trọng không kém (nếu không muốn nói là quan trọng hơn) là phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu, ai làm?
Nhưng hình như cứ đến chỗ này thì mọi câu hỏi đều trở thành câu hỏi lớn không lời đáp!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.