Có lẽ không ai trong thế hệ chúng tôi là không biết đến cuốn truyện nho nhỏ ấy, cuốn "Hoàng tử bé" của Saint Exupery.
Tôi nhớ lúc ấy tôi khoảng 12, 13 tuổi, đang học cấp 2 ở trường Gia Long. Cuốn "Hoàng tử bé" hình như có bìa màu vàng, trên vẽ hình cậu bé mặc áo choàng, mặt mày trông ngơ ngác lắm. Tôi tìm được nó trên kệ sách thiếu nhi của nhà sách Khai Trí, một địa điểm mà bố tôi thường đưa anh chị em tôi đến gần như hàng tuần. Một cuốn sách nhỏ và mỏng, chỉ khoảng vài chục trang thì phải.
Tôi đọc cuốn sách ấy một lần, nó dễ đọc, kể lại câu chuyện một cậu hoàng tử bé tí rơi từ hành tinh khác đến trái đất, gặp gỡ và trò chuyện một vị phi công bị rớt máy bay trong sa mạc. Câu chuyện không đầu không đuôi, và lần đầu tiên đọc nó (khi còn là thiếu niên), tôi không có ấn tượng gì mạnh mẽ lắm. Vì câu chuyện được viết với giọng văn hơi buồn buồn, đều đều, nhàn nhạt - ấy là ấn tượng về cuốn truyện ấy của một đứa bé 12, 13 tuổi là tôi lúc đọc nó lần đầu.
Tôi đọc xong, rồi quên phắt cuốn truyện, cũng chẳng giữ lại nó nữa (tôi có thói quen lưu giữ những gì mình cho là quý báu hoặc quan trọng). Nhưng điều tôi không ngờ là rất nhiều câu văn trong cuốn truyện be bé ấy lại in sâu trong ký ức của tôi. Để mỗi khi có dịp thì nó tuôn ra ào ạt.
Chẳng hạn như "mùa quân sự" (tức một tháng học quân sự trong chương trình bắt buộc của sinh viên đại học) năm ấy, năm học 1978-1979. Lúc ấy, VN đang có chiến tranh với Campuchia ở vùng biên giới Tây Nam, và chiến tranh với TQ ở vùng biên giới phía Bắc. Bọn tôi lúc ấy 18-19 tuổi, đang học năm thứ nhất, những kẻ cực kỳ may mắn được học đại học, vì thời ấy việc lọt qua kỳ thi đại học là vô cùng khó khăn, đặc biệt là những đứa có lý lịch không lấy gì làm sạch sẽ như tôi.
Nếu không đậu đại học, và nếu là con trai, thì chắc chắn là phải đi nghĩa vụ quân sự, vì lúc ấy đất nước đang có chiến tranh mà. Thực ra, có cả những "đứa" thi đậu rồi nhưng chưa kịp nhận giấy báo trúng tuyển của trường (có thể là vì bưu điện làm trễ?) thì đã nhận được giấy báo trúng tuyển ... nghĩa vụ quân sự, thế là lên đường - chỉ 3 năm sau khi chiến tranh hai miền Nam Bắc vừa chấm dứt:
Chưa yên vui cho trọn ngày
Áo lính lại khoác vào ngay ...
Đấy là bối cảnh chính trị-xã hội của đất nước mà thế hệ của chúng tôi đã lớn lên thời ấy. Trên nền của bối cảnh lớn ấy, đám thanh niên nam nữ 18-19 tuổi của bọn tôi được tập trung lên Thủ Đức 1 tháng để rèn luyện quân sự, theo chủ trương quốc phòng toàn dân của nhà nước ta. Thủ Đức thời ấy còn rất hoang vu, thơ mộng. Bọn tôi thì ở tập trung, ngày thì đi tập lăn lê bò toài, nhưng đến tối, và chủ nhật (ngày ấy chưa được nghỉ thứ bảy) thì rảnh, nên thường đi dạo chơi thơ thẩn. Và ... buồn, một nỗi buồn vu vơ ....
Tôi không biết những người khác trong lớp thì như thế nào, nhưng riêng tôi thì mùa quân sự năm ấy tôi buồn lắm. Buồn, mà chẳng hiểu tại sao. Có lẽ vì nhớ nhà, mẹ tôi lúc ấy một tay buôn bán tần tảo nuôi cả gia đình (bố tôi nghỉ việc sau năm 1975), các em tôi thì còn bé, anh chị ruột của tôi thì đi di tản và thỉnh thoảng vẫn viết thư về nhà nhưng không đều như mẹ tôi mong muốn. Tôi trở thành chỗ dựa tinh thần đồng thời là chân tay, đầu sai duy nhất của mẹ tôi (các em tôi thì còn nhỏ, vì đứa em trai kế tôi thua tôi đến 5 tuổi), vì thế, đi xa nhà trong thời gian dài (một tháng) lần đầu tiên trong đời cũng làm tôi bồn chồn, không yên tâm lắm.
Mà cũng có có thể cái buồn đó là vì tôi đang lớn, xung quanh thì khung cảnh hữu tình, hồ nước xanh, hoa mua tím, cỏ dại và lau sậy ngút ngàn ... khiến tâm hồn "thi nhân" của tôi (!) cứ thế mà trỗi dậy. Buổi trưa, tôi không ngủ (thói quen từ nhỏ) nên hay đi lang thang, hái hoa bứt cỏ, thơ thẩn .... Buổi chiều sau khi ăn cơm xong, tôi cũng hay đi như thế, nhìn mặt trời hoàng hôn dần xuống, một màu đỏ rất lạ lùng, có khi đỏ cam, có khi đỏ tím, nhưng bao giờ cũng buồn hiu hắt....
Và trong bối cảnh như vậy, tự nhiên trong đầu tôi bỗng "tua" lại như một cuộn băng, những giòng chữ, những mẩu đối thoại trong cuốn Hoàng tử bé mà tôi đã đọc từ khi học cấp 2:
"Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!"
Và ít lâu sau, chú nói thêm:
"Bác biết đó... lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao..."
"Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?
Nhưng hoàng tử bé không đáp.
Đấy chỉ là một ví dụ về Hoàng tử bé. Tôi cũng nhớ nhiều câu, nhiều đoạn khác trong cuốn truyện nhỏ của Saint Exupery, ví dụ như mẩu truyện về những con số. Đại khái là khi anh tả ngôi nhà xinh xắn của anh, với hoa thơm cỏ lạ trong vườn, thì chẳng ai có ấn tượng chi. Nhưng khi anh nói rằng căn nhà đó có giá, well, 2 triệu đô la Mỹ chẳng hạn, thì mọi người bỗng ồ lên, "ôi, sao mà xinh thế!".
Và dễ thương vô cùng là những lời hỏi đáp giữa hoàng tử bé và đóa hồng kiêu sa với những trò dối trá ranh ma, láu cá của cô. Cậu hoàng tử dù biết rằng cô dối trá, nhưng đã quá yêu nên vẫn thấy tất cả con người cô là đáng yêu, chỉ có cậu là đáng ghét. Cậu hoàng con của tôi thất tình ...
Một cuốn truyện vô cùng dễ thương, nhưng dường như thế hệ của các con tôi thời nay không đọc. Trong khi tôi nghĩ, lẽ ra cuốn truyện này phải được đưa vào chương trình chính thức, phần giới thiệu văn học nước ngoài. Vì nó phù hợp với tâm lý học sinh biết bao, và - dù tác giả có lẽ không đặt ra mục đích này - nó thật có tác dụng làm thanh lọc tâm hồn, nó dạy ta những tình cảm dịu dàng, những triết lý đơn sơ về cuộc sống. Nó trò chuyện với từng người, nó chạm đến từng thớ tim, những ngóc ngách sâu kín nhất của tâm hồn của mỗi cá nhân. Nó giống như một người bạn thân tình, lắng nghe và an ủi những nỗi buồn của chúng ta, ân cần, thủ thỉ ...
Nhưng tại sao tôi cần đọc lại Hoàng tử bé vào lúc này nhỉ? Ừ, tôi cũng có một chút buồn.
Chiều hôm qua, tôi thấy mình cũng như ngày Hoàng tử bé trong ngày nhìn ngắm mặt trời lặn đến bốn mươi ba lần ấy.
Ai chưa đọc Hoàng tử bé, hoặc đọc rồi nhưng vẫn muốn đọc lại, xin vào đây.
Để gặp lại người bạn tâm giao của mình qua cuốn sách nho nhỏ ấy.
Nhớ xưa:
Trả lờiXóaHoàng Tử Bé (HTB ), buổi trưa đọc mà không buồn ngủ mới tài, quyển truyện mỏng mà nặng lắm, rơi lúc nào khò khò không hay.. Chẳng ăn vô đâu là đâu. Tác giả là phi công nên bay bổng tửng tửng đâu đâu chẳng biết.
Giống như Bùi Giáng ( ông có bản dịch HTB ) viết văn.
Bameque ơi,
Trả lờiXóaAnh đọc HTB vào buổi trưa, rồi khò khò, làm rơi cuốn sách xuống đất, nên tỉnh dậy, tưởng mình là HTB, lật đật đi tìm bình tưới nước cho bông hồng duy nhất của mình, phải không?
Bùi Giáng, thì tửng khỏi chê rồi. Saint Exupery thì triết lý. Anh có đọc Cõi người ta của ông không?