Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Đọc thơ Trịnh Hoài Giang, nhớ năm 1979

Theo đường dẫn trên trang facebook của mình, tôi tìm được một bài thơ có cái từa là lạ: "Bài thơ của một người có tội". Tên tác giả bài thơ: Trịnh Hoài Giang.

Trịnh Hoài Giang? Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy và đọc tác phẩm của nhà thơ này. Và thật bất ngờ vì bài thơ quá hay, quá nhiều cảm xúc. Bài thơ này có lẽ đã được tác giả của nó làm nhân dịp cầu Cần Thơ bị sập, chuyện đã cũ rồi nhưng nỗi đau thì không cũ. Một cái đau có lúc buốt nhói, lúc thì âm ỉ, lúc thì cay đắng: Đất nước đang trong những ngày buồn/Không còn nước mắt để mà khóc/Trời đang gào than, mưa đang tuôn ...  Những người chết - những người nghèo nhất/Sống tranh tre và chết bê-tông/Sống rơm rạ và chết sắt thép/Bê-tông sập và niềm tin sập/Thơ đi đâu và thơ ở đâu? ... Chỉ có máu xương là chết thật/Còn vu vơ toàn những chuyện trên trời ...

BÀI THƠ CỦA MỘT NGƯỜI CÓ TỘI
1.

Đất nước đang trong những ngày buồn

Không còn nước mắt để mà khóc
Trời đang gào than, mưa đang tuôn…


Đất nước đang trong những ngày buồn

Thơ vẫn thơ mà không thể viết

Thơ vẫn thơ mà không thể đọc

Tivi nhoè và chữ nghĩa nhoè

Cây cầu sập và trời đất sập

Không còn nước mắt để mà khóc



Đất nước đang trong những ngày buồn

Những người chết - những người nghèo nhất

Sống tranh tre và chết bê-tông

Sống rơm rạ và chết sắt thép

Bê-tông sập và niềm tin sập

Thơ đi đâu và thơ ở đâu?

Đè dúm dó  tre pheo úp sấp

Thơ đi đâu và thơ ở đâu?

Khung người như bó nan bầm dập

Thơ đi đâu và thơ ở đâu?

Xơ xác nghèo và xơ xác chết

Thơ đi đâu và thơ ở đâu?



VTV1 đưa tin:

Nước Mỹ năm… cũng đã sập cầu 30 người chết

Ấn Độ năm…. cũng đã sập cầu 50 người chết

Trung Quốc năm … cũng đã sập cầu 100 người chết…

Có nghĩa rằng: Sập cầu Cần Thơ không là cá biệt

Cũng như là vân vân … vân vân…



Cả nước đói nghèo tương ái tương thân

Dân tộc khổ đau dân tộc khóc



Một nén nhang xa không tới được.

Tôi viết bài thơ: Ai điếu trái tim mình.



2.

 Có nhà thơ thời hậu chiến tranh

Khi sắp chết viết câu thơ Di cảo:

"Mậu thân, 2000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?

Tôi!  Tôi, người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong *"



Thưa anh linh nhà thơ Chế Lan Viên:

Không chỉ riêng ông mà lớp lớp đàn em

Cũng đang viết những trang Di cảo

Cũng đang viết về một thời dông bão

Máu xương dằng dặc Trường Sơn

Cũng đang viết về:

"Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau 10 năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ.

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ *"



Hệ luận là:

Người lính không thể nuôi được đàn con nhỏ

Chúng dắt díu nhau ra khơi co sò, con hến

Chúng dắt díu nhau lên rừng tổ ong, tổ kiến

Chúng dắt díu nhau trôi dạt Cửu Long đội đá vá cầu



Rồi đất nước buồn, đất nước thương đau.

Không còn nước mắt để mà khóc

Chỉ chớp mắt hai nhịp cầu dài nhất Đông Dương đã sập

Chỉ chớp mắt hàng trăm người bị thương và chết

Ai? Tôi

Cứ véo von ca ngợi đất trời

Cứ âm u giả câm giả điếc

Cứ ngậm miệng ăn tiền để ròi bọ róc xương xả thịt

Cả những dòng sông cả những nhịp cầu

Rồi chỉ xuống địa tầng, chỉ lên khí quyển, chỉ tận đẩu đâu

Nguyên nhân cầu sập



Chỉ có máu xương là chết thật

Còn vu vơ toàn những chuyện trên trời,



3.

 Xin thưa cùng các thi sỹ hôm nay

Viết những trang thơ rất nhiều giai điệu

Những trang thơ tình phiêu diêu

Nhưng trang thơ say huyền diệu

Những trang thơ véo von như chim khướu

Sao vắng cánh cò lặn lội bờ sông

8 giờ sáng hôm qua hai tảng bê tông

Đè sập xuống đàn cò con lặn lội

Đè sập xuống

Những trái tim văng ra và hỏi:

Thơ ở đâu hay thơ đã chết rồi?



Đất nước đau thương

Đất nước sẽ mỉm cười

Khi nhà thơ biết khóc

Khi những tảng bê tông đổ sập

Đè dúm dó tre pheo úp sấp

Đè dúm dó đói nghèo bầm dập

Không ở tận đẩu đâu

Đè chính trái tim mình



* Ai ? Tôi ( Chế Lan Viên- Di cảo )

Nhà xuất bản Thuận Hoá

Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/


Lần mò trong trang vanchuongviet.org nơi có đăng "Bài thơ của một người có tội" của Trịnh Hoài Giang, tôi tìm được thêm những bài thơ khác cũng rất hay của nhà thơ này, và đặc biệt hơn là thông tin rất đáng quan tâm về gia đình người vợ yêu thương của ông, nhà thơ Dư Thị Hoài.

Thông tin về nhà thơ Trịnh Hoài Giang ở đây: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=1462

Trịnh Hoài Giang

Tên thật: Trịnh Văn Trọng

Bút danh: Trịnh Hoài Giang, Đan Thầm, Trọng Văn

Sinh ngày: 25.5.1938

Hiện sống : Hải Phòng ,

Quê gốc : Thanh Oai Hà Đông

Tốt nghiệp Đại Học sư phạm văn khoa Hà Nội -1961

Từng dạy văn trường Trung học Hoa Kiều Hải Phòng.

Biên tập viên tạp chí Cửa Biển Hải Phòng

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam



Tác phẩm:



Hoa trăm miền -Thơ in chung , NXB Vă n Học ( 1975)

Sau những tháng năm -Thơ in chung , NXB Tác phẩm mới  (1983)

Gió đất ,Hội VHNT Hải Phòng (1977)

Độc thoại , NXB HNV (1991)

 ---
Còn đây là thông tin về gia đình ông: http://trannhuong.com/tin-tuc-6272/moi-tuan-mot-chan-dung-vui---trinh-hoai-giang.vhtm

MỖI TUẦN MỘT CHÂN DUNG VUI - TRỊNH HOÀI GIANG


Trần Nhương
Thứ sáu ngày 5 tháng 11 năm 2010 10:13 PM


Trịnh Văn Trọng-Trịnh Hoài Giang (1)
Một đời ôm ấp cô nàng làm thơ
Thị Hoàn công chúa họ Dư (2)
Chơi cho trịnh trọng đứ đừ Hoài Giang 
Hoa trăm miền nở miên man
Độc thoại, Gió đất cả làng làm thuê
Hải Phòng nếu có ai về

Hoài Giang trịnh trọng đón xe chơi Đồ…(4)
--------
(1)- Tên khai sinh của Trịnh Hoài Giang là Trịnh Văn Trọng
(2)- Nhà thơ Dư Thị Hoàn là vợ nhà thơ Trịnh Hoài Giang
(3)- Các chữ in đậm, gạch dưới là tên tác phẩm của THG
(4)- Đồ là Đồ Sơn thuộc Hải Phòng
Còn đây là bài phỏng vấn nhà thơ Dư Thị Hoài trên BBC năm 2009, kỷ niệm 30 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, ở đây: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2009/02/090223_duthihoan_memories.shtml

Cứ đến Tết là tôi muốn bỏ nhà đi





Quân Trung Quốc tham gia cuộc chiến 1979
Cuộc chiến Việt - Trung 1979 đem đến khổ đau cho nhiều người dân


Cứ đến Tết là tôi muốn bỏ nhà đi…lang thang, đến một nơi nào đó thật xa, không ai hỏi han mình, thuê một quán trọ hoặc nhà của một thổ dân nào đó… mua mỳ ăn liền, bánh quy mặn và phomai, dự phòng cho mấy ngày Tết không có tiệm ăn nào mở cửa, đêm giao thừa chỉ cần một tách café, thật nóng.

Trong làng văn chương nhiều người biết nhà thơ Trịnh Hoài Giang - ông xã tôi, là người hiểu biết và chiều chuộng vợ con (tuy phải chịu nhiều thiệt thòi ở cơ quan công sở, chỉ vì lấy vợ là Hoa kiều).

Hai cậu con trai tôi đều đã trưởng thành, không ăn bám. Cậu thứ hai Tuệ Giang sau khi tốt nghiêp, được giữ lại làm giảng viên trường đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Cậu đã dạy bảy năm ở trường và được thỉnh giảng ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nha Trang… Cậu vốn là đứa ít nói, còn lập thuyết về cái tật ngôn bất xuất khẩu của mình: “Người ta tập một năm để biết nói, nhưng lại tập sáu mươi năm để biết im lặng đấy mẹ ạ!”. Thế mà lại rơi vào đúng cái nghề nói nhiều, không biết lúc đứng trên bục giảng cậu ta lảm nhảm ra làm sao, chịu! 


Vi Thùy Linh, nhà thơ, bảo: “U Hoàn không biết chứ, anh ấy là mì chính cánh của trường đấy!”. Hiện nay cậu nhận được học bổng, xong chương trình thạc sĩ, tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc. Năm ngoái có đón bố mẹ sang Úc chơi ba tháng. Cậu đã có vợ là một cô gái người Indonesia gốc Hoa theo đạo thiên chúa, đang công tác tại ngân hàng Nam Úc. 


Cậu cả của tôi Thy Giang, làm đại diện cho một hãng dầu nhờn Mỹ, biệt phái sang văn phòng đại diện của hãng ở Oman đựơc mấy tháng là xẩy ra chiến sự ở Iraq. Cậu trở về dồn toàn bộ đồng lương kiếm được từ tay đế quốc tư bản, về mở quán café Giang guitar ở Hải Phòng. Cậu học guitar từ lúc 8 tuổi, và nay đã gần 40 tuổi mới có cơ hội thực hiện ước mơ “một mình với guitar” theo đúng nghĩa là vô giá. Cậu có khả năng mua nhà riêng và lo được cuộc sống tươm tất cho một gia đình. 


Tôi có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, như thế đấy... Giá như không có cuộc chiến 1979, giá như không xảy ra biến cố người Hoa.


Biến cố người Hoa

Đã ba mươi năm trôi qua, vẫn còn tươi rói những hình ảnh: Tết thanh minh năm nọ, không ngờ lại là bữa tiệc cuối của sum họp đại gia đình, hình ảnh má và các em các cháu tôi chen lấn trong dòng người lũ lụt ra ga, leo lên tàu hỏa. 


 Tết thanh minh năm nọ, không ngờ lại là bữa tiệc cuối của sum họp đại gia đình

Thê thảm nhất là đàn bà con trẻ, họ lếch thếch, hỗn loạn, và yếu ớt, họ giao phó nỗi hốt hoảng cho bất kỳ ai có mặt hôm đó, giao phó cho đoàn tàu chở họ tới một đất nước được gọi là tổ quốc trong muôn vàn bất trắc và mong manh? Họ trở về quê hương và không hiểu tại sao, vì lẽ gì? 


Chị chồng tôi ra tận nhà ga ôm lấy ba mẹ con tôi đang gào khóc nhìn đoàn tàu mất hút trong đêm tối. Đúng vào thời điểm đó, chồng tôi thay mặt ban thường vụ Hội Văn nghệ Hải Phòng cùng với hội phó Văn Tiến, đi dự lễ thành lập Hội văn nghệ thành phố Đà Nẵng. 


Ít lâu sau nghe tin đại gia đình tôi được phân nhà có đủ nồi niêu bát đũa chăn màn ở một nông trường Hải Yến, Đài Sơn, Quảng Đông. Người lớn đều đi trồng mía và đủ ăn. 


Một năm sau, tôi mới nhận được lá thư của má từ trại tị nạn Hong Kong gửi về. Khóc rằng hai cậu em trai tôi đã mất tích, bỏ lại một mớ vợ góa con côi, ở nông trường không sống nổi. Má tôi dắt díu cả nhà 11 mạng nhược tiểu xuống thuyền chài bến cảng Bắc Hải, bán hết vàng để đánh cược trong cuộc chạy loạn lần thứ hai. 


Từ đó tôi mất liên lạc với gia đình, nghe đồn rằng họ đã được chấp nhận sang định cư ở nước Mỹ.

Qua thư tôi biết thêm chi tiết hai cậu em trai ở Trung Quốc năm đó (đầu năm 1979) bị lãnh đạo nông trường gọi lên để giao nhiệm vụ, làm phiên dịch cho quân đội chuẩn bị tham chiến đánh Việt Nam.


Ngay đêm đó hai cậu khăn gói trốn khỏi nông trường. Nghe nói họ vượt biên sang Hong Kong rồi bị bắt, lại nghe nói họ bị dân quân bắn chết khi ẩn náu ở trong rừng khu vực Huệ Châu gần Hong Kong. Lại nghe đồn họ bị chết đuối khi bơi qua eo biển sang Hong Kong. 


Mất mát


Má tôi đi hết các trại giam theo người mách bảo, nhờ cậy người ta tìm kiếm ở các trại tị nạn cũng không kết quả. Ba cụ đã mất sau hai năm liệt giường bởi tai biến mạch máu não rồi được chôn cất ở ngoại ô New York tháng 6 năm 1998, thọ 72 tuổi. 


Bà Dư Thị Hoàn cùng chồng, ông Trịnh Hoài Giang, nguyên là giáo viên (người Việt) dạy Việt văn cấp 3 ở trường Hoa kiều Hải Phòng

Nước Mỹ đã quá hạch sách và luôn tỏ ra nghi ngờ một cách khả ố, ngay cả khi chất vấn một người đến xin visa nhập cảnh chỉ với một tia hy vọng báo hiếu và đoàn tụ như tôi. Tại văn phòng đại sứ quán ở Hà Nội, tôi đã khổ sở không dưới bốn lần và nếm đủ mùi cay đắng lép vế trước bộ mặt trịch thượng, sắt đá đại diện cho công quyền America.



Bây giờ hai em dâu tôi đã tái giá và ba đưa nhỏ mồ côi cha đã trưởng thành trong sự săn sóc của quỹ nhà thờ hợp chủng quốc. Hai cậu em tôi thế là mất xác, ba mươi năm bặt tin rồi còn gì! 



Cha tôi là giáo viên trường trung học Hoa Kiều ở Hải Phòng, được tặng thưởng nhiều bằng khen giấy khen, 1974, còn một năm nũa là đủ tuổi về hưu thì ông bị công an đến còng tay (không có án). Tôi chỉ biết ông là cựu sĩ quan Quốc Dân Đảng Tàu Tưởng, từng nhiệm chức chánh văn phòng đại diện Quốc Dân Đảng đóng tại Cửa Bắc Hà Nội trước cách mạng tháng Tám. 



Sau khi mãn hạn chín năm tập trung cải tạo, ở khắp các trại giam Lao Cai, Lam Sơn, Kiểu, Cẩm Thủy, Bãi Chành… ông đã tìm đường sang Mỹ, hiện đang ở với cô em út Đán Thứ. 


Từ đó tôi chưa gặp lại cha, và không biết còn cơ hội nữa không? Nếu người Mỹ vẫn một mực chứng tỏ họ là giống người ưu việt nhất thế giới thông qua thái độ ngạo mạn và trịch thượng trong việc cấp visa! 


Thế là từ đó, gia đình tôi tan tác như một bầy chim vỡ tổ, bay loạn xạ. Dòng máu của người thân vẫn tiếp tục tuần hoàn trong trái tim thương tích của tôi. Vết đau buốt nhói ấy lại tái phát vào những buổi chiều cuối, trong bữa cơm đoàn tụ cúng gia tiên. 


Tôi đã viết những bài thơ đầu tay trong đớn đáu mất mát đó ( Mười năm tiếng khóc, Bức thư người Hoa, Tổ quốc – trong tập “Lối nhỏ” ) và đã bất đắc dĩ trở thành nhà thơ. 


Tôi sợ nỗi buồn lại bành trướng sang con sang cháu mỗi khi tết đến xuân sang, thế là lại ba lô lên đường…

Về tác giả:Nhà thơ Dư Thị Hoàn, tên thật là Vương Oanh Nhi hiện là nhà văn người Hoa duy nhất trong Hội nhà văn Việt Nam (kết nạp năm 1996). Bà viết bài tùy bút này sau khi theo dõi phỏng vấn của BBC với ông Phùng Thái Bình, người Hoa rời Hải Phòng năm 1979 và cũng là bạn học cũ của bà.
 ------
Vâng, đấy là ký ức của một người Việt gốc Hoa về cuộc chiến năm 1979, một cuộc chiến đau thương mà không người VN nào có thể quên. Thật tình cờ, khi tôi đọc được những thông tin này thì cũng là  dịp kỷ niệm 34 năm cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc. Ngày 17/2, tức chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa.

Nhân dịp này, xin được nghiêng mình trước anh linh của những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam!

2 nhận xét:

  1. Chị Phương Anh làm việc và đam mê như một nhà báo điều tra thực thụ.
    Bài thơ hay quá chị ạ.
    Lẽ ra loại thơ này đã phải thật nhiều.
    Giờ là lúc, như đã từng trong lịch sử, chính quyền sợ những câu thơ hơn những đoàn quân trang bị đầy súng đạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Tú đã ghé chơi và có những nhận xét rất hay. Chúng ta quả thật đang cần có thêm những bài thơ như thế này, và cần có thêm nhiều người nhận ra là mình là người có tội. Có tội với dân tộc, với tổ quốc, khi để đất nước tụt hậu như thế này, anh Tú nhỉ. Nhưng sao lại chỉ có những nhà thơ là nhận ra mình có tội?

      Xóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.