Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Mười điều ngộ nhận về chủ nghĩa Mác (1): Chủ nghĩa Mác-xít đã chết?

Bài viết này tôi đã bắt đầu cách đây mấy ngày với ý định đưa lên vào ngày 3/2/2013, sinh nhật lần thứ 83 của Đảng CSVN. Nhưng rồi vì một số công việc riêng nên nó không hoàn tất vào dịp kỷ niệm sinh nhật Đảng được, âu cũng đáng tiếc.

Nhưng thực ra không kịp thì cũng quan trọng lắm, vì đằng nào loạt bài này cũng sẽ dài, tổng cộng ít nhất có lẽ sẽ phải là 10 bài. Nó là sự nối tiếp của 3 bài viết trước đây của tôi nhằm giới thiệu - và bình luận khi có thể - cuốn sách Why Marx was right của Terry Eagleton, do NXB ĐH Yale ấn hành năm 2011. Cuốn sách mà ông nghị Hoàng Hữu Phước đã nhắc đến để mắng nhiếc nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn Bên Thắng Cuộc. Rằng chủ nghĩa Mác bách chiến bách thắng như thế, đến nỗi ngay cả vị giáo sư ĐH Yale lừng lẫy cũng còn phải ca ngợi, cho nên bên thắng cuộc họ thắng là phải, không có gì là đáng ngạc nhiên hoặc thắc mắc gì cả, chỉ có HĐ là con nít ranh, biết gì mà nhiều chuyện!

Vì tò mò nên tôi đã đọc cuốn sách này, ban đầu chỉ để xem thử xem ông Hoàng (Hữu Phước) phán có đúng hay không thôi, vì ông ấy dùng từ đao to búa lớn quá khiến tôi cũng đâm nghi. Khi đọc vào chút ít thì tôi đã có thể nhận ra ngay là ông Phước dường như chưa thực sự đọc cuốn sách, hoặc nếu có đọc thì hình như không hiểu (vì ông ấy hiểu rất khác tôi). Tất nhiên, không loại trừ khả năng là ông Phước mới đúng còn tôi thì đã hiểu sai; nếu vậy tôi sẵn sàng tiếp tục tranh luận với ông Phước, nhưng cho đến nay ít ra tôi có thể kết luận rằng những gì ông Phước đã viết trong bài của ông chỉ là những lời phán mà không kèm theo chứng cớ gì cả, khiến tôi không thấy được thuyết phục.

Nhưng càng đọc vào thì tôi càng thấy không những Hoàng Hữu Phước với tôi có những cảm nhận khác nhau về cuốn sách, mà những điều tôi hiểu về chủ nghĩa Mác (thông qua những gì tôi được học dưới mái trường XHCN từ 15 tuổi đến nay) cũng không giống với những gì mà Terry Eagleton đã trình bày trong cuốn sách. Điều này khiến tôi càng đọc thì lại càng băn khoăn: Lỡ đâu chúng ta (tôi muốn nói là Đảng và Nhà nước VN) đang hiểu sai chủ nghĩa Mác thì sao nhỉ?

Nếu như những gì tác giả Terry Eagleton của ĐH Yale nói về Mác mà đúng (và qua đó, chứng minh rằng chủ nghĩa Mác là đúng), nhưng nó lại khác với cách hiểu của chúng ta hiện nay, thì hóa ra chúng ta đang làm sai chủ nghĩa Mác, và cần phải sửa lại cho đúng tinh thần của Mác ư?  Nếu thế thì đây là một vấn đề thực sự quan trọng, và tôi thấy cần phải tiếp tục viết tiếp loạt bài này để những nhà lý luận về chủ nghĩa Mác của VN có thể đọc, tham khảo và chỉ ra đâu là chân lý.

Nếu các bạn có đọc những bài giới thiệu của tôi thì hẳn còn nhớ rằng trong cuốn sách ấy tác giả Eagleton đã đưa ra 10 điều ngộ nhận phổ biến về chủ nghĩa Mác mà ông sẽ cố gắng phản bác để chứng minh rằng Mác là đúng, chứ không sai như người ta nghĩ. Vì vậy, để cho các bạn dễ theo dõi những lập luận Eagleton, tôi cũng sẽ trích dịch cuốn sách của ông theo 10 điều ngộ nhận nói trên, sau đó sẽ tóm tắt những ý kiến phản bác của ông. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng  rằng tôi sẽ có thể đưa ra được những nhận xét của riêng tôi về tính thuyết phục của những ý kiến phản bác đó.

Dưới đây là điều ngộ nhận thứ nhất, được nêu trong chương đầu tiên của Eagleton. Xin trích dịch nguyên văn dưới đây:

Marxism is finished. It might conceivably have had some relevance to a world of factories and food riots, coal miners and chimney sweeps, widespread misery and massed working classes. But it certainly has no bearing on the increasingly classless, socially mobile, postindustrial Western societies of the present. It is the creed of those who are too stubborn, fearful or deluded to accept that the world has changed for good, in both senses of the term.

Chủ nghĩa Mác thực sự đã chết. Chủ nghĩa ấy có thể đã có ý nghĩa trong một thế giới với những xưởng máy và những cuộc nổi loạn dành miếng ăn, những công nhân mỏ than và những đứa trẻ quét ống khói, trong một thế giới với giai cấp công nhân đông đảo nơi sự cơ cực là phổ biến. Nhưng rõ ràng nó không còn liên quan gì đến những xã hội phương Tây hậu công nghiệp và cơ động về mặt xã hội ngày nay, nơi ngày càng không còn sự phân biệt về giai cấp. Chủ nghĩa này là tín điều của những kẻ quá cứng đầu, quá sợ hãi, hoặc đã bị lừa dối quá lâu nên không thể chấp nhận rằng thế giới này đã thực sự thay đổi, thay đổi mãi mãi và theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Vâng, đấy là lập luận của những kẻ chỉ trích chủ nghĩa Mác, và dường như đây là một suy nghĩ phổ biến, vì thực tế của ngày hôm nay có vẻ cũng đã chứng minh điều này. Chủ nghĩa Mác (chủ nghĩa cộng sản) từ lúc là một hệ thống lớn và khá hùng mạnh, giờ đây chỉ còn vài nước mà nếu không kể TQ - là nước mà thực ra cũng chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa - thì đều là những nước nghèo và kém phát triển như Việt Nam, Cu Ba hay Bắc Triều Tiên.

Nhưng theo Eagleton thì đó chỉ là một sự ngộ nhận, chứ chủ nghĩa Mác hiện nay không những không hề chết mà vẫn tồn tại mạnh mẽ và cần thiết hơn bao giờ hết. Vậy là sao, có thực là như thế không, hay chính tác giả mới là ngộ nhận? Ngoài ra, dù tác giả đúng dù sai, thì chúng ta cũng cần biết là ông đã đưa ra những luận nào để phản bác ý kiến chỉ trích Mác như đã nêu ở trên?

Dưới đây tôi xin tóm tắt những luận điểm của Eagleton trong chương đầu tiên này:

1. Nếu quả thật chủ nghĩa Mác không còn đúng với thực tế của ngày nay nữa, nói cách khác, nếu chủ nghĩa Mác-xít đã chết (?) như tiểu tựa của chương sách có liên quan mà tôi đang giới thiệu ở đây, thì điều đó không  những không làm cho những người Mác xít cảm thấy ngượng ngùng, lúng túng, mà ngược lại họ sẽ rất vui mừng vì đó chính là mục đích tối hậu của họ.

Xin xem đoạn trích dưới đây:

Marxists want nothing more than to stop being Marxists. In this respect, being a Marxist is nothing like being a Buddhist or a billionaire. It is more like being a medic. Medics are perverse, self-thwarting creatures who do themselves out of a job by curing patients who then no longer need them.

Những người Mác xít không mong muốn gì hơn là chấm dứt tình trạng Mác xít của mình. Xét ở khía cạnh này thì một người theo chủ nghĩa Mác không giống như một người theo đạo Phật hay một nhà tỷ phú. Đúng hơn là họ giống với một nhân viên y tế. Đó là những con người kỳ quặc, tự gây khó khăn cho mình và làm cho mình bị thất nghiệp vì đã chữa lành cho những bệnh nhân khiến họ không còn cần đến mình nữa.

Tác giả viết hơi khó hiểu, phải không? Nói vắn tắt, lập luận của tác giả là như thế này: chủ nghĩa Mác ra đời và tồn tại chỉ với một mục đích duy nhất, đó là nhằm phê phán chủ nghĩa tư bản. Hàm ý của tác giả là chủ nghĩa Mác cũng giống như một phương thuốc chữa trị cho những thói hư tật xấu của CNTB vậy. Vì thế, chừng nào mà chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì lúc ấy chủ nghĩa Mác cũng sẽ còn đất sống, vả cả hai cứ sẽ mãi theo nhau đến khi chung cuộc. Nói cách khác, chỉ khi nào không còn chủ nghĩa tư bản nữa thì lúc ấy chủ nghĩa Mác mới trở nên lỗi thời và không còn cần thiết nữa (chứ hiện nay thì chắc chắn là vẫn cần).

2.Nhiều người cho rằng những phê phán của học thuyết Mác-xít liên quan đến chủ nghĩa tư bản chỉ có giá trị lịch sử, tức chỉ phù hợp với thời của Mác thôi. Còn thời nay thì CNTB đã thay đổi rất nhiều, không còn những xung đột giai cấp và dân tộc như thời của Mác (và sau đó là Lê-nin) nữa, và đó là do kết quả của quá trình toàn cầu hóa. Nhưng theo Terry Eagleton thì điều này hoàn toàn không đúng vì CNTB bản chất vẫn như xưa, chỉ thay đổi hình thức/phương pháp thôi.

Ví dụ, ngày xưa thì chủ và tớ (thợ thuyền) là ở trong cùng một quốc gia, một khu vực địa lý, còn giờ đây các nước phát triển đã đẩy phần việc của những người lao động làm thuê (tức giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động) sang các nước đang phát triển khác, nên mối quan hệ giữa người và người trong các nước tư bản có vẻ là bình đẳng hơn nhiều. Nói cách khác, "xã hội không giai cấp" ở các nước phát triển chỉ có nghĩa là giai cấp bị trị đã bị đẩy sang các nước kém phát triển; giai cấp tư bản bóc lột dưới thời của Mác chỉ ở trong phạm vi một nước, bây giờ đã trở thành những tập đoàn đa quốc gia mà thôi.

Đoạn văn sau đây của Terry Eagleton thực sự đáng chú ý:

What made Marxism seem implausible, then, was not that capitalism had changed its spots. The case was exactly the opposite. It was the fact that as far as the system went, it was business as usual but even more so. Ironically, then, what helped to beat back Marxism also lent a kind of credence to its claims. It was thrust to the margins because the social order it confronted, far from growing more moderate and benign, waxed more ruthless and extreme than it had been before. And this made the Marxist critique of it all the more pertinent. On a global scale, capital was more concentrated and predatory than ever, and the working class had actually increased in size. It was becoming possible to imagine a future in which the megarich took shelter in their armed and gated communities, while a billion or so slum dwellers were encircled in their fetid hovels by watchtowers and barbed wire.

In these circumstances, to claim that Marxism was finished was rather like claiming that firefighting was out of date because arsonists were growing more crafty and resourceful than ever.


Chủ nghĩa Mác đã trở nên khó tin đối với mọi người, nhưng không phải vì CNTB đã lột xác, mà chính là điều ngược lại mới đúng. Thực tế là khi xét toàn bộ hệ thống thì CNTB vẫn cứ đang vận hành như thường lệ, thậm chí còn dữ dội hơn. Thật mỉa mai là chính điều đã làm giảm niềm tin của mọi người vào CN Mác  lại cũng chính là điều có thể đem lại giá trị cho những lời tuyên bố của chủ nghĩa Mác. Nhưng nó đã bị đẩy sang bên lề vì cái trật tự xã hội mà nó trực tiếp đối đầu không những  đã không trở nên ôn hòa và tốt đẹp hơn, mà ngày càng tàn nhẫn và cực đoan hơn bao giờ hết. Điều này khiến cho sự phê phán của Mác đối với CNTB càng đích đáng hơn. Trên phạm vi toàn cầu, tư bản ngày càng tập trung và trở nên nguy hiểm hơn, và giai cấp những người lao động quả thật cũng đã tăng lên về số lượng. Hoàn toàn có thể hình dung ra một tương lai trong đó những người siêu giàu (megarich) sẽ trú ẩn trong những khu riêng biệt có cổng và lính gác, còn hàng tỷ con người nghèo khổ thì bị quây trong những khu nhà ổ chuột hôi thối, xung quanh có chòi canh và hàng rào kẽm gai.

Trong hoàn cảnh như vậy mà cho rằng chủ nghĩa Mác đã chết thì chẳng khác nào tuyên bố rằng việc cứu hỏa không còn hợp thời nữa vì những kẻ đốt nhà đã trở nên quá khôn ranh và nhiều mưu chước hơn bao giờ hết.

Có thể tóm lược ý thứ hai và cũng là ý cuối cùng trong luận điểm của Eagleton ở chương này như sau: CNTB không hề thay đổi, nó vẫn độc ác như cũ, mà thậm chí lại còn ở một phạm vi rộng lớn hơn, toàn cầu hơn. Bọn chủ tư bản không còn chỉ bóc lột những người đồng hương của mình, mà "nô lệ" của họ có thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Khi kết hợp với ý 1 ở trên thì ta có thể thấy mạch ý tưởng của Eagleton là như sau: CN Mác tồn tại để chỉ ra những thói hư, tật xấu của CNTB, và nó chỉ hết vai trò lịch sử khi nào CNTB không còn tồn tại  - hoặc, chỗ này là tôi ghi thêm thông qua những gì tôi hiểu từ chương sách trên, nó đã biến đổi về chất đến nỗi nó trở nên hoàn toàn khác biệt với thời mà Mác biết đến chúng.

Nhưng theo Eagleton thì hiện nay CNTB vẫn tồn tại và không hề thay đổi bản chất.  Không những thế, nó còn tồn tại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và cũng tàn nhẫn hơn bao giờ hết. Vì vậy, chủ nghĩa Mác không hề hết vai trò, mà ngược lại, càng cần thiết (cho CNTB, như một liều thuốc đắng chữa bệnh) hơn bất cứ lúc nào.

Có lý. Nhưng khi đọc đến đây thì tôi có đôi điều thắc mắc và rất cần có ai đó giải thích (nếu không có ai giải thích thì chắc chắn tôi sẽ tự tìm hiểu vậy):

1. Theo Eagleton thì CN Mác chỉ nhằm chỉ ra những thói hư tật xấu của CNTB. Tuy nhiên tôi không hiểu việc chỉ ra như thế là để nhằm mục đích gì? Để giúp cho CNTB thay đổi cho tốt hơn, hay để thay thế nó bằng chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Liên Xô và Đông Âu cũ?

2. CNTB hiện nay phải chăng chỉ có ở những nước được xem là tư bản theo truyền thống của thời chiến tranh lạnh (mấy nước như Anh Mỹ Canada Tây Âu tức khối NATO và đám chư hầu Đông Nam Á thuộc SEATO cũ), hay có mặt ở khắp nơi, kể cả những nước nơi Đảng Cộng sản đang cầm quyền như Trung Quốc và cả Việt Nam nữa?

3. Sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu nói lên điều gì? Phải chăng điều đó có nghĩa là CN cộng sản (như được áp dụng tại các nước nói trên) đã không làm đúng chủ nghĩa Mác nên mới bị thất bại như thế? Và việc "đổi mới" của các nước như TQ và VN, chấp nhận "kinh tế thị trường" dù có thêm đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" có phải là đang làm theo đúng chủ thuyết của Mác hay không? Tức là phải chấp nhận chủ nghĩa tư bản nhưng nhà nước phải kiềm chế bớt những cái xấu của nó để đảm bảo sự phát triển bền vững, không có những bất ổn xã hội (vì ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh)?

Và nếu vậy thì ngay cả ở những nước này, dù có sự lãnh đạo của đảng cộng sản, nhưng nếu không làm theo quy luật của chủ nghĩa Mác - tức hạn chế bớt cái xấu, hạn chế bớt lòng tham - thì vẫn cứ có khả năng sụp đổ như thường chứ?

4. Những nước Bắc Âu thường được xem là những nước có tính chất xã hội chủ nghĩa cao nhất (phân phối thu nhập quốc dân một cách khá công bằng, phúc lợi xã hội lớn) nhưng không có sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của đảng cộng sản, cũng không có tuyên bố lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin làm nền tảng. Vậy những nước này có thể xem là mô hình lý tưởng của CN cộng sản hay CN xã hội được không?

Khi đọc lại chương 1 của Eagleton, tôi tìm thấy một đoạn có thể trả lời cho câu hỏi số 2 ở trên, câu hỏi "phải chăng CNTB cũng có mặt tại TQ hoặc VN?" Câu trả lời của Eagleton rõ ràng là "yes"! CNTB hiện cũng đang có mặt tại TQ (tác giả không nhắc đến VN, nhưng nếu TQ như thế thì VN  cũng chẳng khác gì), mà còn là tư bản thời kỳ đầu tiên, tức là rất hung hãn nữa.

Xin đọc đoạn trích dưới đây:

Spectacular inequalities of wealth and power, imperial warfare, intensified exploitation, an increasingly repressive state: if all these characterize today’s world, they are also the issues on which Marxism has acted and reflected for almost two centuries. One would expect, then, that it might have a few lessons to teach the present. Marx himself was particularly struck by the extraordinarily violent process by which an urban working class had been forged out of an uprooted peasantry in his own adopted country of England—a process which Brazil, China, Russia and India are living through today. Tristram Hunt points out that Mike Davis’s book Planet of Slums, which documents the ‘‘stinking mountains of shit’’ known as slums to be found in the Lagos or Dhaka of today, can be seen as an updated version of Engels’s The Condition of the Working Class. As China becomes the workshop of the world, Hunt comments, ‘‘the special economic zones of Guangdong and Shanghai appear eerily reminiscent of 1840s Manchester and Glasgow.’’

Những bất công đập vào mắt về tài sản và quyền lực, những cuộc chiến tranh đế quốc, sự bóc lột ngày càng gia tăng, và một nhà nước ngày càng nặng tính cưỡng bức: nếu tất cả những điều này là đặc điểm của thế giới ngày nay thì đó cũng là những vấn đề mà Mác đã phản ứng cũng như suy tư về chúng gần 200 năm nay rồi. Người ta hẳn phải nghĩ rằng điều này sẽ để lại một vài bài học cho chúng ta trong thời đại ngày nay. Chính bản thân Mác cũng rất ấn tượng về cái quá trình đầy bạo lực mà thông quá đó những con người lao động thành thị đã được tạo ra từ những người nông dân đã bị bứng gốc, quá trình đã xảy ra tại nước Anh là quê hương mà Mác đã tự chọn cho mình thời ấy. Quá trình này giờ đây đang được lập lại tại Brazil, TQ, Nga và Ấn Độ. Tristam Hunt chỉ ra rằng cuốn sách của Mike Davis có tựa là Hành tinh của những ngôi nhà ổ chuột, trong đó có nêu ra những "hòn núi tanh tưởi ngập ngụa đầy phân" được biết đến như những ngôi nhà ổ chuột mà người ta có thể tìm thấy ở Lagos hoặc Dhaka ngày nay, cũng có thể được xem là phiên bản cập nhật của cuốn sách có tựa là Điều kiện sống của giai cấp lao động của Engels. Với việc TQ trở thành một công xưởng của thế giới như hiện nay, Hunt nhận xét rằng "những đặc khu kinh tế Quảng Đông và Thượng Hải có vẻ rất giống với các thành phố công nghiệp của Anh vào thời 1840 là Manchester và Glasgow.

---
Vậy đấy, tác giả Terry Eagleton vừa khẳng định CN Mác không chế, mà vẫn còn sống, vì CNTB vẫn còn tồn tại. Nhưng chủ nghĩa tư bản - hoặc nói đúng hơn là những cái xấu của CNTB mà Mác đả phá trong lý thuyết của ông - giờ đây lại tồn tại rõ ràng ở các nước mang danh XHCN (hoặc đúng hơn là CSCN) như ... Trung Quốc, cũng như một số nước khác như Nga, Brazil. Trong khi đó, mặc dù không nói rõ ra nhưng có vẻ như tác giả ám chỉ rằng các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Đức vv dường như đã thoát ra khỏi giai đoạn TBCN giai đoạn đầu để tiến gần hơn đến một thế giới lý tưởng mang tính XHCN như trong lý thuyết của Mác đã đưa ra.

Quả là một phát hiện quan trọng về CN Mác, phải không các bạn? Dù điều phát hiện của tôi không hề giống với phát hiện của ông HHP. Rõ ràng cuốn sách này đáng để các nhà lý luận của chúng ta, đất nước lấy chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam, đọc kỹ và tranh luận với tác giả nếu không đồng ý, hoặc thay đổi các chính sách và lựa chọn của mình nếu đồng ý với tác giả. Phần tôi, tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các chương khác của cuốn sách này đến các bạn khi có thời gian.

8 nhận xét:

  1. Không hiểu cái ông ‘chim ó 1 tấn’ này sau khi sống ở VN, TQ, Cuba hay Tr.Tiên xong rồi mới viết sách thì … ra sao nhỉ !? Đúng là dân bàn giấy. Chỉ huyên thuyên là giỏi….

    Trả lờiXóa
  2. Chúc chị P.A một năm mới nhiều sức khoẻ và hạnh phúc.
    Một bạn đọc từ phương xa.

    Trả lờiXóa
  3. Cốt lõi của chủ nghĩa Mác là logic biện chứng rút ra từ triết học Hegel: Mác nói, Hegel " trồng cây chuối" tức là biện chứng duy tâm còn Mác đi đàng hoàng bằng hai chân tức là biện chứng duy vật. Mác đồng ý với Hegel ở chỗ: phủ định của phủ định: A bị phủ định tạo ra B cao hơn, tốt hơn rồi đến lượt B bị phủ định sinh ra C đẹp hơn, ngon hơn B, tiến trình này vận động mãi... mà theo Mác chỗ đến tột cùng là xã hội cộng sản. Mác vận dụng triết học Hegel để giải thích tiến trình lịch sử của loài người tạo ra môn duy vật lịch sử. Sự giải thích này có đúng đâu đó với thực tiễn xã hội loài người, chứ không đúng mọi nơi, mọi lúc. Coi như đâu đó, lúc nào đó ta thấy lí thuyết Mác phù hợp với thực tiễn. Tư tưởng của Mác là phủ định triệt tiêu gây ra đối kháng tiêu diệt, một tiến trình chứ không phải phủ định bổ sung, một chu trình tuần hoàn. Ta thường nghe: muốn có xã hội xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Xã hội mới phải có con người mới.

    Trả lờiXóa
  4. $ câu hỏi của tác giả Phương Anh rất hay ,đã gợi cho tôi 1 cách nhìn nhận mới lạ ,nếu có thể tôi sẽ trình bày ý kiến của mình ,tuy nhiên ,phải hỏi tác giả xem đã có câu trả lời nào chứa ,vì câu trả lời thứ 2 khá giống những gì tôi nghĩ ,tuy nhiên không thực sự giống .
    Mong nhận được tin của chị ,nếu có thể chị gửi mail đến địa chỉ gmail của tôi thì quá tốt :pyotrlhluvn@gmail.com
    Xin lỗi vì những bình luận "loạn" của tôi .

    Trả lờiXóa
  5. Thưa chị Phương Anh ,câu 1 chị hỏi :"1. Theo Eagleton thì CN Mác chỉ nhằm chỉ ra những thói hư tật xấu của CNTB. Tuy nhiên tôi không hiểu việc chỉ ra như thế là để nhằm mục đích gì? Để giúp cho CNTB thay đổi cho tốt hơn, hay để thay thế nó bằng chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Liên Xô và Đông Âu cũ?" => Chủ nghĩa Mác chính là 1 bản vá lỗi của chủ nghĩa tư bản nếu như chỉ nhìn nhận một các đơn giản . Cũng giống như 1 cỗ máy đang bị lỗi thời và mắc phải sai lầm người ta thường nghĩ đến 2 việc :vá lỗi và nâng cấp ,hoặc phá đi để mua cái mới . Ở đây ,các quốc gia Liên Xô và Đông Âu dùng biện pháp thứ 2,phá đi để mua cái mới . Nhưng sự thực là phá đi được rồi ,nhưng liệu cái mới mua ấy có thực sự tốt hơn hẳn cái cũ ,nếu là tốt hơn thì tốt hơn bao nhiêu ,có đủ để bù đắp được chi phí đầu tư hay không ? Ở đay là họ mua máy mới tốt hơn máy cũ nhưng không tốt bằng việc nâng cấp và vá lỗi máy cũ .Nhưng hướng đi thứ 2 là vá lỗi và nâng cấp máy cũ đã và đang diễn ra ,đem lại nhiều hiệu quả ,máy ngày càng được vá lỗi liên tục ,tuy nhiên máy đó cơ bản vẫn chỉ dựa trên công nghệ cũ ,dù có nâng cấp đi bao nhiêu lần nữa vẫn chỉ là máy cũ ,cần phải có sự thay đổi mới ,tuy nhiên máy mới tốt hơn hẳn ấy thì chưa có ,hoặc có nhưng chưa đủ điều kiện để mua .(Xin lỗi vì tôi không giỏi viết ,chỉ giỏi nói nên rất "loạn ")



    Câu hỏi thứ 3 :"3. Sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu nói lên điều gì? Phải chăng điều đó có nghĩa là CN cộng sản (như được áp dụng tại các nước nói trên) đã không làm đúng chủ nghĩa Mác nên mới bị thất bại như thế? Và việc "đổi mới" của các nước như TQ và VN, chấp nhận "kinh tế thị trường" dù có thêm đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" có phải là đang làm theo đúng chủ thuyết của Mác hay không? Tức là phải chấp nhận chủ nghĩa tư bản nhưng nhà nước phải kiềm chế bớt những cái xấu của nó để đảm bảo sự phát triển bền vững, không có những bất ổn xã hội (vì ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh)?"=> Cái này có 2 cách liên tưởng ,cách liên tưởng thứ nhất chính là người chủ đã mua cái máy mới rồi (cái người thay mới ngay từ đầu ấy ) trước nguy cơ lỗi thời đã phải sửa chữa và nâng cấp ,và họ đã dùng một số công nghệ nâng cấp máy cũ của người kia để nâng cấp cho cỗ máy của mình . Vì vậy nếu nhìn thì tưởng nó giống cỗ máy kia ,nhưng thực ra cấu trúc bên trong thì không thực sự giống . Lênin với NEP chính là mã nguồn mở khiến họ có gan nâng cấp vì họ có thể nâng cấp mà không phá hoại đến cấu trúc của máy . Còn nói theo kiểu của tôi đó là :giữ lại mô hình chính trị XHCN ,tiến hành phát triển kinh tế theo kiểu tư bản chính là một hình thức mới ,vừa có thể lợi dụng sự năng động của tư bản để giúp giải quyết những mâu thuẫn kinh tế mà CNXH chưa thể giải quyết ,vừa không trao cho giai cấp tư bản có quyền lực chính trị như ở các nước tư bản ,đây chính là 1 hình thức giám sát ,rất hay nếu như chính quyền có thể tạo ra sự hài hoà về lợi ích của tư bản và nhân dân lao động ,tuy nhiên sẽ thật khốn nạn nếu như họ nghiêng về tư bản ,hay chắc chắn sụp đổ khi họ đánh chạn tư bản .

    Trả lờiXóa
  6. 4. Những nước Bắc Âu thường được xem là những nước có tính chất xã hội chủ nghĩa cao nhất (phân phối thu nhập quốc dân một cách khá công bằng, phúc lợi xã hội lớn) nhưng không có sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của đảng cộng sản, cũng không có tuyên bố lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin làm nền tảng. Vậy những nước này có thể xem là mô hình lý tưởng của CN cộng sản hay CN xã hội được không?
    => Theo như câu hỏi thứ 2 tôi đã trả lời ,đây chính là việc giữ lại máy cũ và hướng đến việc nâng cấp ,thì chính những quốc gia này đã nâng cấp cỗ máy ấy gần đến sự hoàn thiện nhất ,tuy nhiên dù nâng cấp đến đâu đi chăng nữa thì họ vẫn là một cỗ máy cũ ,cáu trúc cũ ,và rồi NHẤT ĐỊNH PHẢI TỰ MUA CÁI MÁY MỚI .Các nước Bắc Âu tại sao lại nâng cấp nhanh và tốt đến vậy ,vì họ là những quốc gia phải đối mặt với Liên Xô nhiều nhất ,dễ dàng bị thay đổi chế độ nhất nếu như nhân dân bất mãn > Giả sử như Thuỵ Điển bùng phát một cuộc bạo động nhỏ mang tính chất giai cấp ,liệu bạn có tin Liên Xô không nhân cơ hội này làm 1 cuộc đảo chính ,hay hậu thuẫn cho chính những người bạo động làm nen 1 cuộc cách mạng thay đổi chế độ . Chính vì vậy mà đảng XHDC đã cầm quyền lâu năm tại Thuỵ Điển ,và rất nhiều người Thuỵ Điển theo tư tưởng hay yêu thích Chủ nghĩa Mác (Linux) .
    Tuy nhiên cỗ máy đó đã bộc lộ rõ sự yếu kém cần 1 sự nâng cấp hay thập chí là thay mới ,chế độ phúc lợi tại Bắc Âu dần không còn quá tốt ,mâu thuẫn đang tăng lên ,tình hình xã hội nhìn tưởng ổn đonhj nhưng không còn thực sự ổn định nữa rồi ,vụ nổ bom cách đây vài năm chỉ là việc nhỏ ,việc lớn là sao lại có thể có suy nghĩ như thế ?
    (đây chỉ là miêu tả những hình ảnh liên tưởng mà tôi có khi đọc câu trả lời của chị Phương Anh ,nếu chị đòi 1 câu trả lời thuyết phục hơn ,tôi sẽ trả lời bằng 1 bài "không loạn ")
    Chúc chị kì nghỉ lễ quốc khánh vui vẻ bên người thân .
    Địa chỉ mail :Pyotrlhluvn@gmail.com ,xin cảm ơn vì chị đã đọc .

    Trả lờiXóa
  7. Các bạn Linh Nguyễn và Lời bình loạn đọc tiếp bài này nhé:

    http://bloganhvu.blogspot.com/2013/09/muoi-ieu-ngo-nhan-ve-chu-nghia-mac-2.html

    Trả lờiXóa
  8. Tôi không rành vì chưa tham khảo bao giờ chủ nghỉa Mác. Nhưng theo bài nầy thì nếu nói chủ nghỉa Mác là chỉ ra những sai trái của cái gọi là "chủ nghỉa tư bản" thì đúng là chủ nghỉa Mác không bao giờ chết. Cái gọi là "chủ nghỉa tư bản" theo tôi nghỉ, không có gì là chủ nghỉa mà nó là những cái biểu hiện của mọi sinh vất và sẻ trường tồn theo sự sống. Sư sống là tư bản. Sự sống bao giờ cũng tìm mọi cách gôm góp tối đa nhửng ích lợi cho cuộc sống của mình, cho sự phát triển của chính mình, cho sự trường tồn của mình không cần biết có xâm hại đến sự sống của một sinh vật khác không. Trong thế giới sinh vật học củng có những trường hợp tương tác, hổ tương động vất với động vật hay động vất với thực vật cùng sinh tồn, phat triển nhưng khg nhiều lằm. Thường là một sự tranh giành quyết liệt , sống chết để chiếm đoạt tối đa không gian sinh tồn. Đó là tư bản mà thế giới loài người phát triển đến cùng cực, không phải chỉ giữa loài người với nhau mà đối với tất cả các sinh vật, đưa đến hiện nay, sư hủy diệt của không biết bao nhiêu sinh vật trên trái đất nầy. Tôi nghỉ Mác không có cái nhìn như vậy vì sự hiểu biết thời đó chưa có thể giúp Mác nhìn thấy được.Mác đã đưa ra phương kế nào làm giãm thiểu tác hại của tư bản sau khi vạch rỏ tính chât tư bản?

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.