Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Ta sẽ thoát linh hồn giữa nẻo xa ...

Sáng, mở máy ra đọc thư (email), tôi nhận được một comment của bạn đọc blog gửi vào bài viết mà tôi đã viết cách đây mấy hôm nhân nghe tin Phạm Duy ra đi ở tuổi 93. Bạn đọc ấy cho biết đã đi dự tang lễ của Phạm Duy sáng nay, và đề cập đến vài ý trách móc trong bài viết trên báo Người Việt rằng nhà nước không hề cử người tổ chức tang lễ của ông, rồi kết luận thực ra điều này là không cần thiết vì PD là một nghệ sĩ của toàn dân Việt và không cần nhà nước hay tổ chức nào đứng ra đỡ đầu cả.

Nguyên văn comment trên xin đọc dưới đây:

Sáng nay NS Phạm Duy được đưa vào lòng đất mẹ. Giờ vĩnh biệt thân xác Ông đã thực sự đến. Tôi đã vĩnh biệt Ông ở tư gia. Ông nằm đó thanh thản, an nhiên để lại bao tiếc thương cho người Việt yêu Ông, yêu âm nhạc của Ông.

Cũng sáng nay đọc Người Việt, có dòng trách cứ, đại ý: không một dòng thông báo, không một nghĩa cử tổ chức từ Hội âm nhạc, đài TH tpHCM dành cho Ông. Ông không cần đâu - họ. Ông là người của chúng tôi - người Việt trên khắp năm châu, âm nhạc bất tử của Ông chứa đựng văn hóa, giáo dục, tình yêu đất nước, yêu nhau tự nhiên như hơi thở, mà chỉ có tài năng mới làm được điều đó. Chúng tôi, những người yêu Ông tự hào giành lấy Ông về cho mình.


Vĩnh biệt Ông.


Vâng, PD đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ, sau bao năm trời lưu lạc. Ông đã rời chúng ta, nhưng di sản ông để lại là vô cùng to lớn. Chẳng cần danh hiệu nghệ sĩ nhân dân của nhà nước, ông đã thực sự là một nghệ sĩ nhân dân.

Và tôi chợt nhớ đến lời bài hát Tristesse, Nhạc sầu, mà PD đã viết lời Việt. Những lời thật đẹp, dù cũng thật buồn. Đây cũng là một phần quan trọng của di sản mà PD để lại: những lời Việt thật đẹp, thật sang cả, đài các, để chuyển dịch những bài hát nổi tiếng của nước ngoài và phổ biến chúng ở VN.

Mời các bạn cùng thưởng thức bản Nhạc sầu dưới đây, và xin thành kính gửi bài hát làm lời đưa tiễn nhạc sĩ Phạm Duy về bên kia thế giới.

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=7YdHJo5xDb

Vương sầu nơi nao
Ý thắm tàn mau
Chưa nguôi yêu dấu mắt đã hoen màu thương đau
Khóc lúc đêm thâu

Ôi tiếng lòng lơ láo đón làn nước mắt ngày nào
Khúc tình đầu hẹn về sau

Lắng về môi xưa
Bỗng thấy buồn đưa
Xa xôi là nhớ lúc duyên ra đời trong mơ
Tiếng hát đương tơ

Ta muốn níu em về với dòng châu
Ta uống hết u sầu đến đời sau
Ta muốn tìm mau đến cõi nào nương náu

Cho ta vầng sao giá băng như niềm đau
Xót xa như tình mới

Khóc cười cho tâm hồn lên khơi
Sẽ thấy sầu nguôi
Cho ta tìm tới kiếp vô biên chẳng tàn phai
Cất tiếng qua đời

Ta sẽ thoát linh hồn giữa nẻo xa
Ta hóa kiếp nên bài hát lời thơ
Ta biến thành tâm tư mối tình tan vỡ

Cho ta thành mơ
Sống yên trong nghìn thu
Vắng tanh như đời gió

Đắm trong tình cũ
Bóng ta còn nhớ
Thiên thu sầu u.

1 nhận xét:

  1. Hoài Thanh- Hoài Chân biên soạn cuốn "Thi nhân Việt Nam" đồng thời là một công trình nghiên cứu,phê binh văn học, về sau có người tục biên soạn "Việt Nam thi nhân tiền chiến".

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.