Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Cầu nguyện

Tại sao tôi lại viết entry về cầu nguyện? Không biết nữa, có lẽ chỉ là một điều hết sức ngẫu nhiên mà thôi.

Trước hết, có lẽ entry này là do tôi vừa đọc được trên mạng câu danh ngôn thú vị quá, về "lợi ích" của lời cầu nguyện. Đây này:

“When I was a child, I used to pray to God for a bicycle. But then I realised that God doesn’t work in that way – so I stole a bike and prayed for forgiveness.”
Khi còn bé, tôi thường cầu xin Thượng đế ban cho tôi một chiếc xe đạp. Nhưng rồi tôi nhận ra Thượng đế không hành xử theo cách như vậy - và thế là tôi ăn cắp xe đạp và cầu xin Thượng đế tha thứ.
- Emo Phillips

Thú vị không? Thật là ranh ma, các bạn nhỉ? Tôi cũng nhớ một vài câu danh ngôn khác về Thượng đế, xin chép luôn ra đây cho vui đã:

Cầu nguyện của một người theo chủ nghĩa hoài nghi trong giờ phút lâm chung:
"Lạy Chúa (nếu có Chúa), hãy cứu lấy linh hồn con (nếu con có linh hồn)."

Và cầu nguyện của một cậu bé tiểu học sau giờ thi môn Địa lý:
"Lạy Chúa, nếu quả Ngài là đấng quyền năng, xin hãy làm cho London trở thành thủ đô của nước Pháp."

Theo truyền thống gia đình, tôi theo đạo Công giáo. Tôi nhớ ngày nhỏ, khi chọn khu dân cư để ở (vì công việc, bố mẹ tôi phải thay đổi chỗ ở rất nhiều lần), bao giờ một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của bố mẹ tôi cũng là phải chọn nơi gần nhà thờ. Tôi lớn lên trong những xóm đạo, với những căn nhà nho nhỏ nằm dưới bóng một nhà thờ có tháp chuông cao và tiếng chuông nhà thờ một ngày mấy bận loan báo giờ lễ. Vì vậy, những truyền thống văn hóa của đạo không hề xa lạ với tôi. Trong các thói quen đó, có thói quen cầu nguyện Thượng đế mà có nơi (chủ yếu là sách vở của phương Tây) gọi là trò chuyện cùng Thượng đế.

Ngày còn bé, giống như cậu bé trong lời cầu nguyện mà tôi đã nêu ở trên, tôi luôn tìm đến Chúa để cầu xin những điều mà tôi mong ước mãnh liệt, mà tôi tin rằng sức vóc trẻ em của tôi không thể nào tự mình làm nổi. Và một nơi tôi rất hay đến, cũng theo thói quen của gia đình, là Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng. Tôi nhớ, năm tôi thi vào lớp 6 trường Gia Long, cả bọn trong lớp 5, 7 đứa rủ nhau đi bộ (!) lếch thếch từ xứ Nam Hòa (cạnh khu Cư xá Bắc Hải) đến Nhà thờ Kỳ Đồng để cầu cho mình thi đậu. Thành kính lắm.

Nói thêm: trong cả bọn cùng đi hôm ấy, hình như chỉ có tôi thi đậu. Nhưng hình như cũng chẳng có đứa nào oán trách tại sao Chúa chỉ cho tôi đậu mà mấy đứa khác thì không. Đi nhà thờ cầu nguyện, dường như chỉ là thói quen, vậy thôi, không mong đợi gì và cũng chẳng oán trách gì nếu không được.

Đến lớn, nhất là vì những xáo trộn trong cuộc sống từ năm 1975, tôi bận rộn hơn, và thực dụng hơn, nên thói quen cầu nguyện của tôi đã mất đi nhiều. Hoặc nói đúng hơn cái mất đi chỉ là sự ngây thơ thành kính của một đứa trẻ. Chợt nghĩ, không còn cung kính vái lạy nữa cũng là một biểu hiện của dân chủ hóa trong tôn giáo mà phương Tây cũng đã làm trước mình rất nhiều. Linh mục đối với họ cũng chỉ là một professional, và Thượng đế thì cũng chỉ là một người bạn (trò chuyện với Thượng đế mà).

Người ta cầu nguyện để làm gì? Hoặc một câu hỏi rộng hơn, tôn giáo tồn tại để làm gì? Câu hỏi này sau năm 1975 tôi đã tranh luận rất nhiều với bạn bè, vì lúc ấy tôi đi học đại học, có những người bạn từ miền Bắc vào, hoàn toàn không có tôn giáo, tín ngưỡng. Thậm chí họ cho rằng tôn giáo là lạc hậu (là thuốc phiện của quần chúng, như Karl Marx nói). Nhưng ngay từ hồi ấy tôi đã cãi rất dữ, dùng ngay lập luận của duy vật biện chứng (?) để nói rằng, tôn giáo là một hiện tượng xã hội, và nếu nó tồn tại trên khắp toàn cầu và qua mọi thời đại dù hình thức này hay hình thức khác, thì rõ ràng nó phải có lý do để tồn tại. Không thể nào khác được.

Bây giờ, tôi đã qua bên kia dốc của cuộc đời rồi. Những tranh luận về ý nghĩa của tôn giáo đối với tôi bây giờ không còn cần thiết nữa - mình tin gì thì đã tin rồi, mà nếu bây giờ có ai chứng minh được điều ngược lại với những gì tôi tin, tôi nghĩ, thì có lẽ tôi cũng không quan tâm và không thay đổi được nữa. Có một câu nói tôi hay nhắc đến, và rất thích, đó là: "Ai là ai, thì ai cũng biết rồi!" Thế đấy.

Vậy thì tại sao tôi lại viết lăng nhăng về cầu nguyện như thế này? Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ chỉ ngẫu nhiên thôi.

Vì sáng nay, theo thói quen đọc báo (mạng) vào buổi sáng, chẳng hiểu thế nào tôi lại đọc được bài viết (cũng không nhớ ở đâu, hình như là EpochTimes?) về một loạt vụ giết trẻ em tại các trường học ở Trung Quốc, và phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo rằng phải tìm hiểu "root causes" (nguyên nhân sâu xa) của hiện tượng này. Và lời kết luận của bài viết: nguyên nhân sâu xa của các vụ việc trên có lẽ là do các tôn giáo không được tạo điều kiện để phát triển tại Trung Quốc từ sau cách mạng đến bây giờ.

Lại nhớ đến một lô tin tức rùng rợn khủng khiếp gần đây trên báo chí Việt: xác chết không đầu, hay tưới xăng đốt vợ, hoặc học sinh trung học cầm dao đâm bạn từ phía sau lưng, vv.

Rồi lại đọc được bài viết trên blog của blogger HH: "viết vội cho em gái". Đối với tôi, bài viết đó cũng giống như một lời cầu nguyện (= trò chuyện).

Nhu cầu trò chuyện, trước hết là cho chính người nói, chưa cần xét có phải là cho người nghe hay không. Chính vì vậy mà một trong những hình phạt nặng nề dành cho các tội nhân là bị cách ly khỏi thế giới loài người, trước hết là để tước đi quyền được trò chuyện với những người hiểu mình.

Tôi lẩn thẩn tự nghĩ, một xã hội mà con người bị cô lập về tinh thần, không có ai để trò chuyện, kể cả Thượng đế, trong những lúc buồn bã, bi quan, thất bại, tuyệt vọng ... Thì họ sẽ làm gì, nếu không phải là phát điên lên?

Và bạo lực gia đình, bạo lực học đường, và bạo loạn xã hội sẽ từ đó phát sinh?

Cầu nguyện là gì, nếu không phải là tự tìm ra cách giải thoát, và tìm lại niềm tin vào cuộc sống?

Phải chăng một thế giới không có tôn giáo, tín ngưỡng, thực sự là một sa mạc về tinh thần, và là dấu hiệu của các mầm mống gây bất ổn xã hội, như tôi đã từng đọc được ở đâu đó?

Hay phải chăng tôi đã quá già, và đã lẩn thẩn rồi?
--
Nhân tiện, bài viết mới này tôi thấy cũng rất đáng đọc, không phải liên quan đến cầu nguyện nhưng nó cũng nằm trong dòng suy nghĩ này của tôi - chia sẻ, trò chuyện, trao đổi ý kiến. Trên Tuần Việt Nam, ở đây.

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Thầy Khoa

Tôi đã nghĩ mình không nên viết gì thêm về thầy Khoa nữa, vì chuyện của thầy đã có nhiều người viết lắm rồi. Hơn thế nữa, nó là một câu chuyện chẳng có gì vui, dù có xét theo khía cạnh nào đi nữa. Nhưng rồi một câu hỏi của người thân, rằng PA nghĩ gì về việc thầy Khoa, khiến tôi lại phải viết, như một cách trả lời. Dù vẫn nghĩ, việc của thầy buồn lắm, tốt nhất là để yên cho vết thương (lòng) của thầy khép lại.

Ngay từ khi thầy mới "gặp thời" (từ này mượn trong một bài viết nào đó nhắc tới thầy bằng 3 từ rất "đắt": gặp thời, đương thời, rồi ... hết thời), thì câu chuyện xung quanh thầy cũng chẳng có gì vui: lẽ nào có thể vui được, khi một kỳ thi quốc gia quan trọng thế, mà cách ứng xử của sĩ tử và nhà trường thì bát nháo chắc khác gì một cái chợ như vậy?

Rồi đến khi thầy thành người đương thời, tôi cũng thấy câu chuyện thật đáng buồn. Một ông thầy giáo ở trường phổ thông trở thành người đương thời, được giới truyền thông lăng xê lên, việc này không chỉ có ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của ta. Mà ở các nước tư bản giãy chết, ví dụ như hồi tôi ở Úc cũng thấy thỉnh thoảng có thầy cô giáo phổ thông được đưa lên TV như vậy.

Cái khác là ở chỗ: thầy cô của họ nổi tiếng vì có được những tác động tích cực đến học sinh (ví dụ, giúp cho các học sinh là con cái của người nhập cư mau chóng hòa nhập vào cộng đồng, chẳng hạn), thì thầy Khoa của chúng ta lại nổi tiếng, trở thành người đương thời vì ... đã vạch trần được những tiêu cực trong thi cử, bắt được học sinh và nhà giáo vi phạm đạo đức. Càng nghĩ, tôi càng buồn thấm thía, thật chứ. Đương thời theo kiểu thầy Khoa, thì vui làm sao được.

Và đến lúc thầy ... hết thời, thì buồn là đã hẳn. Có ai hết thời mà không buồn. Có sự chấm dứt, sự chia tay nào mà không làm cho người ta ngậm ngùi, dù chỉ là tí chút. Tôi nghĩ, ngay cả khi hai vợ chồng đồng ý đưa nhau ra tòa ly dị, thì khi nhận được tờ giấy ly hôn (tôi cũng chẳng biết nói thế có đúng không, vì tôi là người theo đạo công giáo, nên "ly hôn" là một từ không có trong từ điển của tôi), có lẽ người ta cũng sẽ buồn buồn, ngậm ngùi, thậm chí cay đắng một chút, nếu người ta còn chút gì gọi là lương tâm.

Huống chi, đây là rời một nghề mà mình đã theo đuổi trong một thời gian dài, lại là một nghề ít nhiều có tính lý tưởng, được xã hội trọng vọng (ít ra là trọng vọng theo kiểu ... nói cái mồm!), và thầy Khoa thì còn trẻ, nào đã đến tuổi hưu! Và buồn hơn nữa, là thầy Khoa nghỉ vì môi trường làm việc của thầy đã khiến cho thầy không làm việc được nữa, nên việc nghỉ của thầy cũng giống như bị ép nghỉ vậy. Mà đấy là ngành giáo dục, ngành lẽ ra phải nhân đạo, nhân văn, nhân hậu nhất. Bảo, "làm sao mà tôi không (muốn) khóc cho được" (câu này lấy trong truyện đọc cho trẻ con đi học mẫu giáo thì phải).

Những cái buồn nãy giờ tôi nêu ra chẳng phải chỉ buồn cho thầy Khoa, mà là buồn cho ngành giáo dục của VN: gian lận, tiêu cực đầy dẫy, đến nỗi chẳng ai muốn chống (một người làm thì chỉ như hạt cát trong sa mạc, nào có ích gì, hẳn là ai cũng nghĩ thế). Còn cái buồn riêng của thầy Khoa là thầy không biết khôn ngoan "theo thời", "thức thời", mà lại ngây thơ nghe theo lời hô hào, kêu gọi của một vị đứng đầu ngành giáo dục vào thời điểm ấy, để hăng hái "nói không với tiêu cực và gian lận trong thi cử" (hình như khẩu hiệu lúc ấy là như thế, tôi cũng không nhớ rõ - nói theo ngôn ngữ thời nay thì phải là "tham nhũng trong giáo dục").

Đúng là thầy Khoa không khôn ngoan thật, vì khôn ngoan ra thì phải hiểu những việc hưởng ứng như vậy luôn luôn là top down thì mới thuận chiều: Bộ trưởng kêu gọi, giám đốc sở hưởng ứng và phát động trong tỉnh, rồi hiệu trưởng hưởng ứng và yêu cầu giáo viên làm theo, rồi giáo viên thì tuân thủ vừa đủ cho hiệu trưởng hài lòng nhưng cũng không được đụng chạm đến đồng nghiệp và những người xung quanh. Rồi sau đó thì ... đâu lại hoàn đấy. Thì mới là "biết", ở cái mảnh đất Việt Nam yêu dấu này.

Nhưng thầy Khoa lại không khôn ngoan, hưởng ứng dữ dội quá, lại được lăng xê nữa, nên đã đi trật con đường an toàn mà ai cũng biết rồi. Một khi thầy đã lỡ lộ diện chống đối lại còn nổi cộm như vậy nữa chứ, thì chắc chắn sẽ bị cô lập, bị đàn áp, theo một kiểu nào đấy, thô thiển hay tinh vi, điều này có lẽ cũng chẳng ai lấy làm lạ.

Cuối cùng, sau một thời gian cầm cự, thầy Khoa phải đi đến quyết định xin nghỉ hẳn khỏi ngành giáo dục, thì buồn thay, nhưng cũng dễ hiểu thay, người (đã từng) đương thời của chúng ta chẳng có ai trong ngành nâng đỡ, an ủi, tạo điều kiện tiếp tục làm việc trong ngành cả.

Thậm chí một vị GS trước đây đã từng lớn tiếng ủng hộ thầy và hứa sẽ nhận thầy về làm việc nếu bị o ép và phải nghỉ việc thì nay cũng ... chối phắt, không nhận nữa, vì thầy Khoa ... "bất bình thường". Mọi việc khác, thì tôi không lạ, nhưng phản ứng của vị GS này thì thật sự làm cho tôi hơi bất ngờ. Trời ơi, còn có sự bất nhẫn nào lớn hơn như vậy không, khi thầy bây giờ chỉ còn là một kẻ ngã ngựa, đã mất hết tất cả mọi thứ trong tay ...

Nhưng tôi nghĩ, có lẽ đến thời điểm này thì quyết định rời ngành giáo dục của thầy là quyết định đúng nhất trong cuộc đời làm việc của thầy. Cũng giống như hai vợ chồng đã đến lúc không thể ở vói nhau được nữa thì nên nhanh chóng ly dị cho rồi. Để rồi còn làm việc khác, thầy Khoa nhỉ.... Bởi vì, nếu muốn thực sự cống hiến cho xã hội thì thiếu gì cách, đâu phải chỉ là làm việc trong ngành giáo dục, và trong khu vực công. Vả lại, rõ ràng là chẳng ai có thể cống hiến được trong cái môi trường sư phạm mà thầy đã quyết định rời bỏ.

Câu hỏi cuối cùng còn lại về việc thầy Khoa là, cái case của thầy tiêu biểu hay là không tiêu biểu cho tình hình giáo dục của VN hiện nay?

Tôi e rằng câu trả lời của tôi lúc này thiên về tiêu cực hơn là tích cực. Vì phải chăng chính tôi cũng đã nhiều lần rơi vào tâm trạng giống thầy Khoa trước khi thầy phải đi đến quyết định nghỉ việc, dù hiện nay tôi vẫn còn đang làm việc và vẫn còn rất thiết tha với nghề giáo.

Tình hình giáo dục của VN, một đất nước luôn tự hào về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, chẳng lẽ lại có ngày đáng buồn đến thế này sao?

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

"Một thế kỷ, mấy vần thơ"

Entry này tôi bắt đầu viết vào dịp 30/4, nhưng rồi bỏ dở dang. Nay đọc lại bài viết của BS Hồ Hải trên blog của ông về cuộc chiến tranh VN trước năm 1975, lại nhớ đến entry này, nên lấy ra viết tiếp.

Chẳng hiểu tại sao đọc bài viết về quá khứ trước 1975 của BS Hồ Hải tôi lại nhớ đến bài thơ nhỉ? Cũng có thể nó liên quan đến tâm lý "dân tộc" của người miền Nam mà chính tôi trong bao nhiêu năm nay cũng chưa nhìn ra hết? Không biết nữa, thôi thì cứ ghi ra đây để có cái mà đọc lại và tiếp tục suy nghĩ.

----
Cách đây ít lâu tôi có viết entry "Tôi sắp già rồi!", nói lên tâm trạng gần đây của tôi, biết rằng mình sắp già (đang già, đã già?).

Trong entry đó tôi có nhận xét rằng sao dạo này tôi hay quên quá, toàn quên chuyện hiện tại và nhớ những chuyện cũ tận đẩu tận đâu. Một người bạn không biết mặt của thế giới ảo (nhưng đối với tôi có khi còn thật hơn thế giới thật) cho biết, hiện tượng đó gọi là "trí nhớ nghịch thường" (paradoxical memory?). Một biểu hiện rõ rệt của tuổi già, hình như thế?

Chao ôi, nếu thế thì ... tôi nguy to rồi! Vì mặc dù chưa đến độ vừa ăn cơm xong lại trách con cháu sao không cho mình ăn cơm, nhưng sao lúc này tôi lại nhớ nhiều chuyện xa xưa đến thế? Hay là tại gần 30/4?

30/4/1975, một mốc lịch sử quan trọng của cả nước. Với rất nhiều kỷ niệm cho nhiều người. Tôi nghĩ, dù ai ở phía bên nào của cuộc chiến thì cũng mừng vì cuộc chiến đó chấm dứt. Tiếc rằng ngay sau cuộc chiến ấy, có nhiều việc đã không được giải quyết một cách tốt đẹp hơn.

Tất nhiên, mọi việc xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. The damage is done, and it's no use crying over the spilt milk. Nhưng nhớ lại, và nhắc lại, để rút ra những bài học lịch sử cho mỗi cá nhân, và cho cả dân tộc, tưởng cũng là điều nên làm.

Đó là lý do tại sao tôi đang chép lại bài thơ này. Bài thơ mà tôi đã đọc trong mấy năm đầu sau 1975. Và cũng như nhiều bài thơ mà tôi cho là thơ hay khác, tôi chỉ cần đọc một vài lần, rồi nhớ gần hết.

Bài thơ ấy là bài "Một thế kỷ, mấy vần thơ" của Truy Phong. Một bài thơ mà tôi chẳng bao giờ được học, cũng ít khi nghe nhắc đến, nhưng thực sự đối với tôi là rất hay, rất đáng khâm phục, và nó cũng cho những người như tôi hiểu thêm ít nhiều về khía cạnh nhân văn của những vấn đề lịch sử và chính trị của dân tộc Việt.

Trước khi chép bài thơ này thì tôi muốn kể lại "hoàn cảnh" tại sao tôi lại tiếp xúc được với bài thơ này. Lúc ấy là sau ngày 30/4/1975, mẹ tôi vẫn còn cửa hàng tạp hóa chợ Ông Tạ (vốn đã có từ trước năm 1975). Hồi ấy, không hiểu sao giấy rất hiếm, và cửa tiệm của mẹ tôi lúc ấy có mua bán giấy vụn (giấy tập, giấy sách báo cũ ...) để làm giấy gói hàng, hoặc bán lại cho "đầu nậu" thu gom để bán cho nhà máy làm giấy.

Một trong những thói quen đáng quý của mẹ tôi là dù cho có được mua như giấy vụn, thì tất cả mọi loại sách báo hoặc giấy tờ có in hoặc viết chữ đến tay mẹ tôi thì bà phải mở ra đọc qua cho bằng được trước khi bỏ đi. Cũng chính vì sự cẩn thận này mà tôi mới có cơ hội đi học đại học, bằng không thì ngày nay số phận tôi đã khác lắm rồi (nhưng biết đâu lại tốt hơn cho tôi nhỉ?).

Lạc đề, nhưng vẫn phải kể, vì câu chuyện tôi sắp kể theo tôi là rất ly kỳ. Hồi tôi thi đại học năm 1978, với cái cách xét lý lịch để cho vào đại học như thời đó thì tôi và cả nhà tôi nghĩ rằng mình ... thi để cho có thi thôi, chứ chắc chắn là rớt rồi.

Nên đi thi xong là tôi bắt đầu tìm việc lặt vặt để làm, còn mẹ tôi thì cũng chuẩn bị tinh thần tìm thêm công việc buôn bán ở chợ cho tôi. Và không hề theo dõi kết quả thi cử gì cả. Mà thời đó kết quả không được dán lên hay đăng báo công khai như bây giờ đâu, chỉ lẳng lặng gửi đến địa chỉ từng người mà thôi. Ai đậu, ai rớt thì cũng lặng lẽ biết, nếu không nói ra thì không ai biết được.

Khi thư báo kết quả được gửi đến cho tôi thì nó lại đến vào thời điểm không có ai nhận thư, người đưa thư bèn nhét vào khe cửa (tôi ghi địa chỉ tiệm buôn, vì hộ khẩu của tôi lúc đó được đăng ký ở đó, còn gia đình tôi thì có hộ khẩu ở nơi khác, gần đó). Khi mẹ tôi mở cửa vào nhà thì vô tình dẵm lên bao thư đang nằm dưới đất, nên nó lấm lem.

Sau khi dọn hàng xong, ngồi rảnh mẹ tôi mới nhìn thấy bì thư lấm lem đó, và đã định quăng vào sọt rác rồi. Nhưng với cái tính rất cẩn thận của mình, mẹ tôi lại cầm lên xem, và thấy ghi tên tôi, có đóng dấu trường ĐH Tổng hợp. Bà bèn mở ra xem, và thấy đó là giấy báo đi khám sức khỏe để nhập học, vậy là tôi thi đậu! Nếu hồi đó mà bà không mở ra thì tôi cũng chẳng biết đường nào mà hỏi, và thế là chấp nhận không đi học, thật vậy!

Trở lại bài thơ. Nó nằm trong một tạp chí cũ, chẳng hiểu tên là tờ gì, chỉ còn vài trang, và cũng không trọn bài thơ vì bị rách mất một phần ở giữa. Cũng là mẹ tôi phát hiện ra nó, bà đọc, rất xúc động, và đưa cho tôi xem. Dù không còn nguyên vẹn, nhưng nó vẫn còn được cái tựa, tên tác giả, và gần trọn bài thơ.

Một bài thơ mà tôi cũng đồng ý với mẹ tôi là rất hay. Bi tráng, hào hùng, phẫn nộ với những tội ác của kẻ thù, nhưng cũng không thiếu sự nhân hậu, khoan dung với những người thua trận. Toàn bài ấy, có thể đọc ở đây (tôi mới tìm ra trên mạng gần đây thôi - quả thật, mạng Internet đúng là một phát kiến quá vĩ đại của thời đại chúng ta).

Còn dưới đây là một vài đoạn trích, tôi chép ra từ trí nhớ:

Một thế kỷ, mấy vần thơ

Ánh hồng chói rạng chân trời mới
Ngọn lửa đao binh tắt lịm rồi
Có kẻ chiều nay về cố quán
Âm thầm không biết hận hay vui

Chiều nay...
Kèn kêu tức tưởi nghẹn lời
Tiếng ngân xúc động dạ người viễn chinh
Chiều nay trên nghĩa địa
Có một đoàn tinh binh
Cờ rủ và súng xếp
Cúi đầu và lặng thinh ...

Nghẹn ngào vĩnh biệt người thiên cổ
Đất lạ trời xa sớm bỏ mình
Thịt nát xương tan hồn thảm bại
Nghìn thu ôm hận cõi u minh

Những ai làm lính viễn chinh
Chiều nay bước xuống tàu binh trở về ...

Tàu xúp-lê, tàu xúp-lê
Cửa Hàm Tử lao xao sóng gợn
Bến Bạch Đằng lởn vởn hồn quê
Bước đi những bước nặng nề
Ngày đi chẳng biết ngày về chẳng hay...


Hay khúc giữa:

Nhưng thôi, bao năm khói lửa
Ta hiểu nhau rồi
Cái gì bạo ngược và phi nghĩa
Là trái lòng dân, nghịch ý trời

Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ
Không sao thắng nổi trái tim người

Anh về là phải anh ơi
Về bây giờ để cho đời nhớ anh
Những cái gì tôi ghét
Những cái gì tôi khinh
Bây giờ anh xuống tàu binh
Trăm năm chuyện cũ, thôi mình bỏ qua...

[...]

Tôi nhớ lắm một ngày năm tám chín (1789)
Anh vùng lên phá ngục Bat-ti nhà (Bastille)
Anh giải phóng cho dân anh được sống
Được vinh quang trong "Đệ tứ cộng hòa"!
Anh vui, anh sướng
Anh hát, anh ca...
Tôi là người ở phương xa
Ngày anh xán lạn cũng hòa niềm vui!

Anh về nước Pháp xa xôi
Chắc anh làm sao quên được,
Những là đường đi nước bước
Những là tên tuổi Việt Nam:
Suối Yên Thế tuôn tràn hậm hực,
Đất Thái Nguyên căm tức nổi vồng.
Tháp Mười hận nước mênh mông
U Minh mấy trận bão lòng chưa nguôi!


Và đoạn cuối cùng

Đã đến giờ
Chia tay cách biệt
Anh rời đất Việt
Vừa tủi vừa mừng
Bên nhà vợ đợi con trông,
Vắng anh, tình mặn nghĩa nồng cũng phai...

Tàu xúp lê một!
Tàu xúp lê hai!
Tiễn chân anh nhé, anh về nước
Biển lặng trời êm nhớ lấy ngày.
Và chẳng bao giờ quên nhắc nhở
Cho ai đừng đến đọa đày ai!

Bóng ngả trời tây
Gió lồng biển cả...
Phút giây từ giã, trang sử trăm năm
Tàu anh rời bến Việt Nam,
Hãy xuôi một ngả, một đường mà đi.

Xin tàu đừng ghé Bắc Phi,
Sóng to gió lớn chắc gì đến nơi.
Đừng gây oan trái, tàu ơi,
Hãy xuôi về Pháp cho người hát ca!

Tàu xúp lê hai!
Tàu xúp lê ba!
Anh về mạnh giỏi
- Ô rờ voa! (Au revoir)

---
Tôi viết nốt và kết thúc bài viết này ở trong khách sạn một mình trên đất Singapore trong chuyến đi công tác cực ngắn (2 đêm, 3 ngày) của tôi. Không hiểu sao bài viết này tôi viết mãi mà không xong, bắt đầu từ trước 30/4, viết đi viết lại đến 2, 3 lần, mà đến nay kết thúc vẫn chưa thấy thỏa mãn, như chưa nói hết điều muốn nói.

Mọi người đọc thêm về bài thơ này ở đâyở đây. Còn tôi, tôi thấy mình còn nhiều điều muốn nói, mà sao không thể tìm được lời để nói?

"Như truyện đã viết xong, mà lòng vẫn còn muốn nói thêm"...

Thôi thì đành kết thúc entry này ở đây vậy. Để lưu lại cho chính mình, và cho gia đình, anh chị em, các con, và bạn bè tôi.

Một dân tộc với một lịch sử quá đau khổ, chiến tranh, mất mát. Bao giờ ta được như Singapore, mọi người ơi?

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

Đường dây tội phạm?


"Đường dây tội phạm"? Sao hôm nay tôi lại quan tâm đến vấn đề lạ lùng như thế này nhỉ?

Xin nói luôn: Đó là tôi dịch cụm từ "Goon line" từ tiếng Anh sang tiếng Việt thôi mà. Vì "goon" trong tiếng Anh là "tội phạm". Ai không tin, xin lên tra các từ điển online để kiểm tra. Tôi cũng đã kiểm tra, và hình chụp một trong những trang web ấy có thể thấy ở dưới đây nè.

Nhưng goon line ở đâu ra vậy? Thì ... đó là trang mạng xã hội mới của VN mà, goonline.vn đó. Mới ra đây thôi, một thành tựu của Bộ 4T của VN chứ bộ!

Một sự trùng hợp tai hại! Go-on-line, khi viết dính vào như vậy, rất dễ bị đọc là goon-line. Đó là nhận xét của một người bạn Mỹ của tôi. Bà ấy bảo, khi nhìn thấy cái địa chỉ này trên báo, bà ấy giật mình, vì tưởng đây là một đường dây kêu gọi các tội phạm tụ tập lại và bàn chuyện ... làm ăn (tội phạm) của họ!

Tôi đã kiểm tra lại, từ goon có 2 nghĩa. Ngoài nghĩa tội phạm, còn có nghĩa tên ngu ngốc. Hai cái hình minh họa trong entry này chính là 2 nghĩa của từ goon. Nghĩa nào đi nữa, thì cũng không thể là một cái tên xứng đáng cho mạng xã hội của VN được!

Vì vậy, bận quá mà tôi cũng phải gấp gấp viết mấy giòng này và đưa hình ảnh lên để báo cho cộng đồng rõ. Ai có trách nhiệm mà đọc trang này, xin có hành động gì đó để sửa sai nhé!

Đấy là trách nhiệm công dân, và đưa bài này lên blog chính là truyền thông công dân, phải không?

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Lại chuyện Bắc, Nam

Chuyện Nam Bắc là một truyện dài nhiều tập, phải không, các bạn bè của tôi ơi? Tôi cũng có nhiều kỷ niệm Bắc Nam lắm, nhưng bận quá không viết được, nên "chôm" trên mạng xuống để "keep warm" cái topic này trước khi có thời gian quay lại viết tiếp.

Enjoy nhen!

------------------------------------------------------
Vợ Nam - Vợ Bắc (chôm trên mạng),

vui thôi nhe mấy anh chị...

Gái miền nam nó yêu mình, mình là ông chủ. Đúng kiểu xuất giá tòng phu. Mình đi làm vất vả về muộn, say xỉn, nó chạy ra ngọt ngào: anh đi làm về có mệt không. Anh ăn gì, uống gì.

Gái bắc, nó yêu mình, nó sở hữu mình luôn. Đi làm về muộn 15 phút, mặt nó như cái mâm.

Gái nam mình xỉn, nó chăm mình nôn mửa các kiểu

Gái bắc mình xỉn, nó gọi đt cho bạn mình để kiểm tra đi đâu, mình xỉn, nôn mửa, thì kệ mình.

Gái nam nó không đòi hỏi nhiều trách nhiệm. Yêu và cưới tự nhiên như không.
Con gái bắc, mình cầm tay nó là nó coi như mình có trách nhiệm với nó cả đời. Thế mới tệ chứ.

Gái miền nam gần như không có khái niệm bình đẳng giới.
Gái bắc thì lại bình đẳng quá. Nhiều khi không biết ai là tướng trong gia đình.

Gái bắc mà có chồng tòng teng, nó cắt … luôn. Cắt xong rồi ngồi khóc hu hu.
Gái nam mà có chồng tòng teng. Nó đến phang con kia bét nhè luôn. Xong về nhà vẫn thờ chồng như một, chả vấn đề gì.

Gái bắc mà ko hài lòng về chồng, ví dụ chồng lăng nhăng. Đến cơ quan kể um với chị em đồng nghiệp. Chị em xúm lại “Bỏ mẹ nó đi, cần đ’o gì”. Bình đẳng giới mà
Gái nam thì không có khái niệm không hài lòng về chồng.

Nhưng gái nam, nó là bồ mình, nó là vợ mình, mình phải lo cho nó đến tận răng. Tức là mình làm ăn ngày càng phải tấn tới. Mình sa cơ lỡ vận, nó chạy luôn.
Gái bắc, mình sa cơ, nó đi bán rau, bán cháo để nuôi mình

Cà phê:
Cà phê Sài Gòn với những hàng ghế xếp thẳng hàng như trên xe bus
Cà phê Hà Nội chen chúc với hai đôi tình nhân cùng xếp chung một bàn
Sài Gòn: Đt Cafe + ít sữa + đá + đá + đá … + đá = 1 ly phê sữa đá, xong cafe có 1 ấm trà to tướng … chan vào cafe uống ? hết lại có thêm (không cần xin)
Hà Nội: Cafe + sữa + 2 cục đá = cốc nâu đá, xin mỏi miệng đuợc cốc nước lọc

Ăn trưa:
Cơm trưa Sài Gòn với tô canh khổ qua hai ngàn rưởi
Cơm trưa Hà Nội với bát nước rau dầm sấu không lấy tiền

Gọi điện ngoài đường:
Ở Sài Gòn, bạn hãy dừng xe – dắt lên vỉa hè – quay ngược đầu xe – nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn cuốn theo chiều gió
Ở Hà Nội, bạn hãy đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại – cho cả thế giới biết bạn là ai

Cảm ơn:
Ở Sài Gòn, bạn dửng dưng khi thấy cô receptionist cúi gập người chào bạn
Ở Hà Nội, bạn xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó nói lời cảm ơn

Cơn mưa:
Mưa Sài Gòn giống tính tình các cô gái Sài Gòn – đỏng đảnh nhưng mau quên
Mưa Hà Nội giống tính tình các cô gái Hà Nội – âm ỉ và dai dẳng

Ăn mặc:
Ở Sài Gòn, bạn có thể mặc quần short, dép lê đàng hoàng vào Rex
Ở Hà Nội, bạn có thể thấy các bác xe ôm mặc đồ vest đứng chờ khách bên Bờ Hồ

Xe máy:
Ở Sài Gòn, họ gọi chiếc xe gắn máy của bạn là xe hai bánh
Ở Hà Nội, họ coi chiếc xe máy của bạn là xe có động cơ

Giao thông:
Ở Sài Gòn, bạn có thể vượt đèn đỏ thoải mái – nhưng chớ có đi vào phần đường xe hơi
Ở Hà Nội, bạn có thể lượn lờ trước mũi xe hơi – nhưng đừng có dại dột mà rẽ phải tùy ý

Ở Hà Nội: Đèn đỏ không được rẽ phải
Ở Sài gòn: Đèn đỏ có nơi còn được quẹo trái

Trà đá:
Ở Hà Nội, một cốc trà đá của mấy bà hàng nước giá năm trăm đồng
Ở Sài Gòn, cốc trà đá đó có thể pha làm bốn ly nhưng lại miễn phí

Ăn phở
Tô hủ tíu mì Sài Gòn được bưng ra với tô được đặt trên chiếc đĩa
Bát phở gà Hà Nội được khuyến mại với ngón tay cái của con bé bưng bê

Giầy vớ:
Đàn ông Hà Nội có thể đi giày mà không cần mang vớ
Con gái Sài Gòn có thể đi vớ mà không cần mang giày

Con đường:
Hà Nội: Đường, phố, ngõ, ngách
Sài Gòn: Đại lộ, đường, hẻm, hẻm

Đụng hàng:
Khi hai cô gái cùng thích một món đồ giống hệt nhau

Con gái Hà Nội: “Tớ với ấy cùng mua nó nhé?”
Con gái Sài Gòn: “Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác”

Dao dĩa:
Khi bạn nói: “Cho tôi thêm một cái dĩa” với người bồi bàn
Ở Hà Nội: Người ta sẽ mang cho bạn một cái nĩa
Ở Sài Gòn: Họ sẽ mang cho bạn một chiếc đĩa

Tỏ tình:
Khi bạn nói với một cô gái: “Thế em có yêu anh không?”
Con gái Hà Nội: “Nếu nói không thì sao”
Con gái Sài Gòn: “Tại sao lại không nhỉ!”

Ăn sáng:
Khi bạn nhận lời đề nghị của người bạn: “Đi ăn sáng với tớ nhé?”
Ở Hà Nội: Hoặc là bạn có nhiều hơn 20 ngàn, hoặc là chả cần xu keng nào!
Ở Sài Gòn: Điều kiện cần và đủ: Bạn có tối thiểu 10 ngàn trong túi!

Dạ vâng:
Khi phụ huynh người yêu bạn có lời mời bạn đến nhà dùng bữa
Ở Hà Nội: Bạn nói: “Dạ, vâng!”
Ở Sài Gòn:! Đã “Dạ” thì khỏi cần “Vâng”

Chào hỏi:
Khi bạn chào phụ huynh bố mẹ người yêu trước khi ra về
Ở Hà Nội: “Cháu chào cô cháu về!”
Ở Sài Gòn: “Con thưa dì con dzìa!”

Giàu có:
Bạn được coi là giàu có khi…
Ở Hà Nội: Bạn có rất nhiều tiền
Ở Sài Gòn: Bạn tiêu rất nhiều tiền

Giữ xe hàng quán:
Hà nội: Giữ xe miễn phí
Sài gòn: “Anh cho xin 2 ngàn”

Uống bia:
Hà nội: Bia hơi, lạc rang, 9 giờ phắn
Sài Gòn: Chai lạnh, đá to, nồi lẩu, nửa khuya dzìa

Karaoke:
Hà Nội: Chọn bài, hát vui là chính, hát sai tông cũng kệ
Sài Gòn: Chọn số, hát hay là chính vì thế hát rất tình cảm. Nhỡ mà sai tông sẽ quê lắm đấy ạ

Xôi:
Hà Nội: Gói lá khoai hay lá sen, xôi đồ bằng chõ
Sài Gòn: Cho vào hộp, hay bịch nylon, cơm nếp nấu bằng nồi

Phở:
Hà Nội: Khó mà thiếu mì chính, quẩy
Sài Gòn: Làm sao ăn phở được khi mà không có rau, giá và tương đỏ (hoặc đen)

Siêu thị:
Hà Nội: Đắt đỏ, hàng hóa không thiết thực
Sài Gòn: Thuận tiện, giá rẻ như chợ. Là nơi thư giãn mỗi cuối tuần cả gia đình

Nhà sách:
Hà Nội : Nhân viên hách dịch
Sài Gòn : Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi

Chùa chiền:
Hà Nội: Bước chân vào là thấy lõng nhẹ bẫng, hỉ nộ ái ố đã để lại ở phía ngoài cửa
Sài Gòn: Không gian ồn ào, không tịnh

Tào phớ:
Hà Nội: Lát mỏng, nhớ ngày xưa hay hớt bằng vỏ con trai!
Sài Gòn: Lát dày cục, có gừng trong nước đường chứ không phải là hoa nhài
Cắt chanh:
Hà Nội: Bổ ngang
Sài Gòn: Bổ dọc 2 bên, bờ phần giữa

Lơ đễnh đ.ng phải xe dừng đèn đỏ đằng trước:
Hà Nội: Đan Mạch…..
Sài Gòn: Nạn nhân chỉ quay lại xem thủ phạm là ai rồi… chờ đèn xanh tiếp

Cây xanh:
Hà Nội: Nhớ phố hoa sữa Nguyễn Du, hàng sấu trên Trần Hưng Đạo
Sài Gòn: Me xanh đường Trần Văn Thủ, cây sao trên Ba tháng hai

Tán gái:
Gái Hà Nội: dễ tán, khó bỏ
Gái Sài Gòn: dễ bỏ, khó tán

Cuối tuần:
Hà Nội: cả gia đình quây quần nấu nướng ăn tươi
Sài Gòn: đi ăn tiệm

Chất chơi và chất chiến:
Hà nội: Xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần nhưng hỏi tiền thì x có.
Sài gòn: 5 số 67, TaK X đời đầu, áo phông quần sóc, hỏi tiền : Chú cần nhiêu???

Chợ tình:
Chợ tình Sài gòn: Anh hai có sài em hông
Chợ tình Hà nội: Chơi gái không đại ca

Xe:
Hà Nội : hiếm gặp những xe đời cũ
Sài Gòn : những xe viện bảo tàng cho mượn vẫn lưu hành đầy trên đường phố

SG: chả ram , chả giò
HN: nem rán

Vá xe:
Sài gòn : Vá xe lúc nửa đêm… em xin 5 ngàn thôi
Hà Nội : Muộn rồi em ơi, 50 nghìn anh vá cho

Hồ:
Sài Gòn : Hồ con rùa to mà nhỏ , nhỏ mà to
HÀ nội : Các hồ đều bé dần lại

Xe khách:
Sài gòn : Đi xe đò !!! 1 người 1 ghế ( số ghế đàng hoàng ) không đón thêm nếu đã đầy
Hà Nội: Anh ngối xích vào , cho người ta ngồi với !!!!!!!

Shopping thì Hà Nội thua đứt TPHCM rồi:
HN: Mới sáng sớm ngày ra mà đã mặc cả kinh thế, đi đi không để còn đốt vía nào!
SG: Cám ơn anh. Lần sau lại ghe’’ em nha.

Tức mình chửi nhau (nhẹ nhàng, heh heh heh):
HN: Đồ dở hơi
SG: Quân mắc dịch

Hài:
HN: Nặng về lời nói.
SG: Nặng về cử chỉ.

Hà-nội: Vào quán, ngôi lâu (hơn 30ph) là bị đuổi!
Sài-gòn: Vào quán, muốn ngồi bao lâu thì tùy!

Người Hà-nội: nói dài dòng nhưng khó hiểu!
Người Sài-gòn: nói ngắn gọn nhưng dễ hiểu!

Tiệm Internet:
Hà-nội: ít nhưng rẻ!
Sài-gòn: nhiều mà mắc!

Nhà cửa:
Sài-gòn: rộng và sâu
Hà-nội: nhỏ và ngắn

Chào hỏi:
Hà-nội: bạn phải thưa bẩm rõ ràng bằng lời nói!
Sài-gòn: bạn sử dụng cử chỉ: cúi người!

Về đồ ăn:
Người HN hay ăn mặn
Người SG hay ăn đồ ngọt

Phong cách sống:
Người HN ra ngoài ban ngày, đêm về với u nó
Người SG ban ngày ở với vợ, ban đêm ra ngoài nhậu với bạn

Ở HN: nếu bạn gọi cái tẩy thì nó sẽ là cái tẩy
Ở SG: nếu bạn gọi cái tẩy, họ sẽ mang đến cho bạn một ly nước đá

Thuốc lá:
Ở HN, rất dễ dàng gọi 1 bao VINA
Ở SG, em chỉ có Mèo thôi anh Hai

Biển quảng cáo:
Ở HN, phải mang tính lịch sự, trang trọng
Ở SG, càng hài hước càng thu hút mọi người

HN có bún chả
SG có cơm tấm

Người Hà Nội gọi người yêu là anh yêu, em yêu
Người Sài Gòn gọi người yêu là ông xã, bà xã

Gời điện về việc kinh doanh:
Hà Nội: chú là con ai đấy?
SG: mang kế hoạch kinh doanh đến ta cùng bàn nhé!

Phát triển dự án:
SG: Làm thế nào để tự mình tạo lãi nhanh nhỉ?
HN: Thế Trung ương cho bao nhiêu tiền?

HN: Yêu vẫn phải giữ
SG: Yêu là hết mình luôn

Giục người bán hàng gói nhanh lên:
SG: Vâng em làm ngay đây
HN: Làm gì mà cuống lên thế! Muốn nhanh biến sang hàng khác!

Khi khách đến nhà :
HN : Mời bác dùng cốc chè tươi ạ
SG: Tí !!! Con chạy ra quán bà Ba mua chai nước ngọt về coi

2 người bạn nói chuyện với nhau :
HN: Tớ nói cho cậu nghe cái này nhé
SG: Eh tao nói cho mày nghe cái này nè

Khi ai cho mình cái gì:
HN: Vâng quí hóa quá
SG: Trời ơi dữ hông

Khen đồ ăn ngon:
HN: Ngon tuyệt cú mèo
SG: Ngon bá chấy bọ chét

Khen vật gì to:
Hà Nội: To vật vã.
Sài Gòn: Bự bành ki

HN : bắt nạt
SG : ăn hiếp

HN : mất điện, mất nước
SG : Cúp điện, cúp nước

Con gái SG : da rám nắng, nói năng dễ thương
con gái HN : da trắng , lạnh lùng khó bắt chuyện

Người SG nói: dễ hiểu
Người HN nói: suy nghĩ trước khi hiểu

Hà nội: chị ơi cho em cái túi nylon
Sài gòn: chị ơi cho em cái bịch xốp

Nói về ngu:
Hà nội: ngu hết phần chó
Sài gòn: ngu như heo.

Về hoa quả:
Hà nội: quả táo,
Sài gòn: trái bom

Hà nội: quả dứa
Sài gòn:trái thơm

Hà nội: Buôn dưa lê
Sài gòn: Tám

Uống bia:
Hà nôi: Chai bia được rót quay vòng cho nhiều ly
Sài gòn: Chai của ai người ấy uống

Uống rượu:
Sài gòn: Rượu sẽ phải uống cùng với nước đá và vài lát chanh
Hà nội: Bắc cạn và không được …giảm sóc

Khách sạn:
Sài gòn: Khi bạn dừng xe, sẽ có người mở cửa và giúp bạn bê đồ
Hà nội: Có thể bạn sẽ phải gọi rát cả cổ mà chưa thấy lễ tân đâu

Có những dòng sông, chúng giống nhau đến lạ:
Sông kim ngưu ở hà nội
Kênh nhiêu lộc ở Sài gòn

Sài Gòn gọi là xí muội
Hà Nội gọi là ô mai

Hà Nội: Mời cơm … ứ dám ăn
Sài Gòn: Mời cơm là … phải ăn

Hà nội : Đổi tên công viên Lê Nin thành công viên Thống Nhất
HCM : Đổi tên dinh Độc Lập thành hội trường Thống Nhất

Hà Nội : Đường Giải Phóng chạy ra QL 1.
HCM: Đường Hà Nội chạy ra QL 1.

Hà nội: Gội đầu thư giãn
Sài Gòn: Hớt tóc thanh nữ & hớt tóc máy lạnh.
Thực ra vào trong đó thì như nhau

Hà Nội: nỡm ạ
Sài Gòn: quỷ sứ & đồ quỷ

Hà Nội: đèo em nhá
Sài Gòn: chở em

Sài Gòn: hun
Hà Nội: hôn

Uống Cafe:
Ở Sài gòn: thường uống cafê có nhiều đá vào buổi sáng trước khi đi làm
Ở Hà nội: thường uống cafe khi đi chơi vào buổi tối trước khi ..đi ngủ

Nếu bạn gọi một ly nâu:
Ở Sài gòn: bạn sẽ được chủ quán mang cho một ly cà phê đen
Ở Hà nội: bạn sẽ được 1 ly cà phê có thêm sữa

Nếu bạn muốn uống cà phê sữa:
Ở Sài gòn: cho xin 1 ly bạc sửu
Ở Hà nội: nếu bạn gọi 1 ly bạc sửu bạn sẽ nhận được câu trả lời – không có, hoặc bạn bị coi là…hâm.

Sinh viên và cave:
Sài gòn: nhiều em sinh viên trông như cave
Hà nội: nhiều em cave trông như sinh viên

Ca ve:
Khi bạn vừa thanh toán xong tiền cho cave…
Cave Hà Nội: “Cho em xin thêm 10 nghìn để còn đi xe ôm về?”
Cave Sài Gòn: “Em bớt cho anh 10 ngàn, lần sau nhớ kiu em nha..”
---
Nguồn: Chôm ở đây nè. http://diendan.phongthuyquan.com/index.php?topic=214.0

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Người Bắc, người Nam

Phải nói ngay, kẻo bị hiểu lầm: Tôi hoàn toàn không kỳ thị Nam, Bắc. Kỳ thị làm sao được, vì tôi gốc Bắc, mà sinh sống ở miền Nam, chơi toàn bạn Nam, ở khu người Nam, đi chợ chỉ nói toàn tiếng Nam (ủa, dzậy chớ mấy người đọc blog của tui hống thấy tui xài rặc tiếng Nam sao?), nhưng ở nhà thì nói tiếng Bắc, ăn kiểu Bắc (well ít ra là khi bố mẹ tôi còn sống), viết lách, đi làm, đi dạy thì dùng tiếng Bắc. Một kiểu code switching đây mà.

Nhân tiện mở ngoặc chút, có ai muốn dùng tôi làm điển cứu về ngôn ngữ không, tôi đồng ý cho nghiên cứu đó, miễn sao viết về tôi thật hay, thật tốt là được rồi. Mà tưởng gì chứ viết tốt về tôi thì ... dễ thôi, tôi tốt lắm mà, hi hi hi.

Dzậy chớ níu không kỳ thị thì mắc cái chứng gì mà dziếc cái entry có tựa kỳ cục góa dzậy? Ừ thì ... well, tôi đi học, rồi đi dạy học, lại học ngôn ngữ, một thời gian dài trước khi chuyển sang làm cái nghề ... mắc dịch (!) là đánh giá chất lượng (có đâu mà đánh, bởi dzậy mới kiu là nghề mắc dịch!) thì các hiện tượng ngôn ngữ, ví dụ như code switching mà tôi nêu ở trên, vốn là đối tượng quan tâm của tôi. Mà từ nhỏ lậng!

Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ rõ hồi mới vào học lớp 6 ở trường Gia Long, một ngôi trường nổi tiếng là có truyền thống Nam Bộ, sự khác biệt về ngôn ngữ gây cho tôi nhiều khó khăn và khó chịu trong giao tiếp hàng ngày ghê gớm. Có một lần, nhỏ bạn thân (ngồi cùng bàn) hồi lớp 6 có đưa ra một câu đố vui: đố biết rùa bò ngang mả có mấy chân? Thế là tôi với nó cãi nhau một trận tưng bừng, vì mặc dù tôi hiểu nó muốn đố cái gì (rùa + bò + ngan + mã), nhưng tôi dứt khoát không chịu 2 con sau (làm gì có con ... ngang mả????), và dứt khoát đáp án đúng chỉ là rùa + bò là 8 chân thôi! Vì tôi nói, tụi bay nói sai chính tả mà còn bày đặt đố! Và thế là nó giận tôi mất mấy ngày trời!

Cũng với con nhỏ bạn lớp 6 này, tôi còn một dzụ cãi lộn nữa, là về tôn giáo. Nhỏ bạn tôi đạo Phật, dường như sùng đạo lắm. Còn tôi đạo Thiên chúa (hay còn gọi là Công giáo, theo cách tự nhận mình là ... công, tức phổ biến, giống như ... công cộng ấy), và hồi ấy còn nhỏ và ngu ngơ, nên không biết đã có lời khuyên là không được tranh cãi về chính trị và tôn giáo nếu không muốn mất tình bạn.

Cãi tới cãi lui bất phân thắng bại, nhỏ bạn tôi tung ra một cú "hạ độc thủ": "Tao không thích người theo đạo Chúa, họ theo đạo bỏ ông bà!" Cú đó tôi nghe xong đúng là bị đo ván, vì ... tôi hoàn toàn không được chuẩn bị lập luận cho chuyện này, cũng chẳng nghĩ ngợi gì đến nó, mà về nhà cũng chẳng (dám) hỏi cha mẹ, nên sau này chỉ mình tôi lẳng lặng tìm hiểu một mình...

Quay trở lại cái tựa của entry này. Sao hôm nay tôi lại nhắc đến chuyện Bắc, Nam ở đây? Chẳng là, tôi mới đọc được một entry mà theo tôi là rất hay, nói về cách phát âm sai chính tả (!) của người miền Nam, đặc biệt là ở mấy từ như Việt (Nam) mà người miền Nam hay đọc là Yiệc (Nam), hoặc Byiệt (Nam). Mở ngoặc nói thêm: tôi chúa ghét (sorry) người nào đọc âm "v" trong từ Việt thành âm "by" như trong ví dụ trên. Vì ... nghe nó sao sao ấy, kỳ quá! Mà hình như các phóng viên đài truyền hình TP Hồ Chí Minh có thói quen (mốt?) đọc như vậy (byậy) hay sao ấy? Tui khó chịu lắm rồi đó nhen! (đùa chút xíu!)

Bài viết ấy, nó ở đây nè. Link nè (để chép ra cho tiện): http://daquydalatian.blogspot.com/2010/05/vu-lich-su-viet-nam-yiec-nam-byiet-nam.html. Mọi người ráng vào đọc đi, hơi dài nhưng hay lắm, bảo đảm không tiếc công đâu.

Còn ai làm biếng quá không chịu đọc (gì chớ làm biếng thì tui rất thông cảm, giống tui lúc này góa hà), thì dzầy: tôi đồng ý với tác giả bài viết là phương ngữ miền Nam, tức đàng trong, chính là nơi lưu giữ lại các âm cổ của tiếng Việt (tiếng Yiệt hoặc tiếng Byiệt). Và lạ lùng thay, cũng miền Nam này, nơi bị Pháp trực tiếp đô hộ, là thuộc địa thuộc Pháp, nơi người dân sống, ăn, ngủ, nghĩ kiểu Tây, nói tiếng Tây ì xèo, nhưng cũng là nơi tinh thần dân tộc chủ nghĩa (có thể hơi hẹp hòi một chút chăng, nhưng có lẽ cũng dễ hiểu, để tự vệ mà) lại rất cao, cao kinh khủng! Chẳng thể mà mới đồng khởi, rồi mới theo cách mạng, rồi mới ... vào mặt trận giải phóng miền Nam, và sau đó thì ai cũng biết rồi. Điều này, có lẽ tất cả chúng ta đều phải suy nghĩ.

Nghĩ, để hiểu cái phản ứng tự vệ của người miền Nam, vì với con mắt của một người vừa bên trong vừa bên ngoài như tôi, tôi thấy người miền Nam có chút gì mâu thuẫn (nhưng mâu thuẫn một cách đáng yêu): vừa rộng rãi, phóng khoáng, tư duy mở (mảnh đất melting pot của VN mà, giống như Mỹ dzậy đó), mà cũng vừa có chút gì hẹp hòi, địa phương, kỳ thị, cục bộ (đừng chửi tui nhe, mấy mẹ, tui cũng người Nam nè! Tự soi mình, coi có gì sai thì sửa cho tốt hơn thôi nhe, tui hổng có ý gì hết trơn á! Chửi tui là tui chửi lại cho coi, tui cũng dữ tợn lắm, nhen, dân chợ Ông Tạ đó! Phù ... sợ chưa?)

Còn người Bắc thì sao? Cái tựa này tôi ghi người Bắc, người Nam mà, sao toàn nói người Nam thôi, không nói gì đến người Bắc hết? Ừ nhỉ, nhưng mà hết giờ rồi, viết một "chúc" vào sáng sớm rồi thôi, giờ phải lo đi làm chớ! Hẹn khi khác dzậy!

Nhưng không biết khi nào mới viết được về người Bắc đây? Nói nhỏ nghen, coi chừng người Bắc họ nghe thấy: tui thấy người Nam dễ thương hơn, thú vị hơn, rộng rãi hơn, mà cũng ... ngây thơ hơn, dễ bị ... lừa hơn, vì họ đã coi là bạn thì mở toang cửa lòng ra, bạn bè trên hết, tứ hải giai huynh đệ mà! Phải dzậy hôn?

Í mà từ dễ thương cũng là từ miền Nam phải hôn? Đúng rồi, miền Bắc (hồi đó, chưa thống nhất) đâu có cái từ này? Thấy chưa, miền Nam dễ thương thiệt chứ bộ!

Vài giòng linh tinh buổi sáng, chúc mọi người một ngày tốt lành!

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Ông xã tôi

Entry này viết về ông xã tôi, vì hôm nay là sinh nhật của ông ấy. Một ngày trước sinh nhật Hồ Chủ Tịch (hơi ... láo, nhỉ?)



Ông xã tôi, nên viết gì về ông ấy đây? Tôi với ông ấy rất khác nhau, có lẽ như nước với lửa (nói theo mạng, thì như đất với lửa, vì tôi mạng thổ, còn ông ấy mạng hỏa). Tôi thì rất rất rất academic, đến độ vô cùng boring. Chỉ thích đọc, viết (và làm thơ, viết văn - ít thôi - hoặc dịch thơ, văn nữa). Cả đời làm việc trong môi trường giáo dục, quanh quẩn trong trường (từ bé đi học, tiểu học trung học đại học, và sau đại học nữa, học xong ở lại trường luôn đến giờ, giống như đi học mà chưa được ra trường vậy!)



Tôi không biết, và có lẽ cũng không thích, hưởng thụ cuộc sống, luôn sống khắc kỷ, khắt khe với chính mình và mọi người, có lẽ thế, khó chịu cực kỳ, ít người chơi (nhưng chơi với ai thì rất trung thành, chung thủy ... cho đến khi có lý do để ... nghỉ chơi người đó ra vì họ không xứng đáng nhận sự trung thành, chung thủy của mình ...) Chà chà chà, chơi với tôi mệt thật, đúng không?



Còn ông xã tôi, thì ngoài một sở thích chung là đọc sách (ông ấy cũng đọc nhiều kinh khủng, mà lại thích đọc triết nữa mới ghê chứ, và đặc biệt là hồi bé thì đọc rất nhiều truyện kiếm hiệp của Kim Dung - tôi hay đùa, hèn chi mà học ... dốt ;-) vì đi học có chịu học đâu, toàn lén đi thuê truyện về đọc không hà), thì không có chỗ nào giống tôi cả. Ông ấy thích ... chơi, thích thể thao, hồi trẻ thích chơi đàn guitar (nhưng mà là tự mò, chứ không được học đến nơi đến chốn).



Nói trong một câu, ông xã tôi "thích ăn ngon mặc đẹp, ở nhà lầu xe hơi" (câu này tôi trích lại trong sách bói toán, nó là câu dành cho cậu em tôi, nhưng tôi cực kỳ ấn tượng về câu này và hay trích lại nó để tả người khác khi phù hợp). Còn tôi, chẳng hiểu học ở ai (có lẽ học từ mẹ, mẹ tôi có cuộc sống thời thơ ấu rất vất vả, lớn lên loạn ly, một tay nuôi chồng đi học và 8 đứa con, chẳng khác nào bà vợ của Tú Xương vậy), tôi rất ... tiết kiệm, đáng được phong danh hiệu là (bà) "lão Gô-ri-ô" của thời nay!



Ông xã tôi cũng là family man, tức thích làm mọi việc around the house, sửa nhà sửa cửa, sửa xe cho vợ đi làm, mua đồ đạc trong nhà, và đặc biệt là trồng cây xung quanh nhà. Tôi thì rất thích hoa, nên thấy ông ấy thích trồng cây tôi cũng mua các cây hoa về cho ông ấy trồng. Có cây sống và phát triển tốt, có cây không sống được, chết. Ông ấy tưới hàng ngày, thỉnh thoảng lại mua phân về bón cho đất, nên cây nào cây nấy xanh um, cành lá xum xuê, đôi khi tôi nói đùa là ... bị béo phì!



Những cây hoa mà tôi mua, cây nào sống và nở hoa (nhà tôi có cây bông trang trắng, bông thiết mộc lan, bông ngọc lan, trước đây có nhiều cây bông nguyệt quế, toàn loài hoa trắng có hương ngạt ngào), thì thỉnh thoảng tôi đứng ngắm xong, lại nói: "Hoa này nở đẹp thật/thơm thật. Em mua đó nghe anh!" Và ông xã tôi trả lời: "Ừ, em mua đúng rồi. Nhưng nếu mà không có thằng nào tưới cây hàng ngày thì em có bông để khen không?" Và tất nhiên là tôi cười, thế là huề!



Ông xã tôi còn rất yêu và chiều con cái, trong khi tôi khắt khe hơn nhiều, chẳng hiểu tại sao. Và con gái tôi thì mê bố nó lắm, bênh bố chằm chặp, lúc nào cũng sợ bố thua thiệt, sợ mẹ không đủ quan tâm đến bố. Tất nhiên là mẹ quan tâm, nhưng cũng có nhiều lúc giả vờ chê bố để xem Khuê ta nói gì. Và ... cứ thử đi rồi biết! Cô bé sẽ gân cổ lên, tìm mọi lý lẽ để bênh bố, khen bố, tóm lại, bố Khuê đối với Khuê là nhất! Và nếu đuối lý, thì câu trả lời cuối cùng của Khuê luôn luôn là: "Không biết, mẹ đã lấy bố rồi, mẹ phải yêu bố! Không được khác!" Nghe thấy lập trường kiên định ghê gớm, đúng là sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của VN ta! :-)



Ông xã tôi như thế đấy. Không có gì vĩ đại, chỉ là một người bình thường. Nhưng ông ấy đúng là chỗ dựa tinh thần của tôi, mà đôi khi tôi cũng chẳng ý thức điều đó. Chỉ lâu lâu có việc gì mới nhận ra. Vì có rất nhiều blessings trên đời này mình take for granted mà. Tôi nhớ, lần tôi đi Mỹ năm 1989 (tôi 29 tuổi), 2 chị em tâm sự chuyện này chuyện khác, bà ấy hỏi về ông xã tôi, và được tôi kể (chẳng hiểu đã kể gì, chắc cũng linh tinh như thế này đây). Sau khi nghe xong bà ấy kết luận: ông xã tôi là stabilizer cho cuộc đời tôi. Tôi nghĩ, chị tôi nói câu này rất đúng.



Tôi lấy ông xã tôi năm 1985. Năm nay 2010, 25 năm rồi đó. Một phần tư thế kỷ thăng trầm của Việt Nam đã trôi qua, với bao nhiêu mất mát, khổ đau, thất vọng, rồi lại hy vọng, lại cố gắng chống chỏi, rồi cuộc sống vẫn phải tiến lên ... Con trai đầu của tôi năm nay 23 tuổi rồi.



25 năm rồi. Cuộc sống vất vả quá.



May mà có anh, đời còn dễ thương...



Phải không anh? Phải không Khuê, con gái bố?



À quên, ông xã tôi, hình ông ấy dưới đây này. Hình do con trai hay con gái chụp không nhớ, hôm mùng một (?) tết Canh Dần. Trông giống hai ông bà ở Cà Mau mới lên Sài Gòn chơi quá, phải không?

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Văn hóa phẩm đồi trụy, khoan dung, và miễn nhiễm

Sao cái tựa của entry này lại kỳ cục thế? Ừ mà hình như đặt tựa kiểu như thế này, nhét chung vào một rọ các khái niệm hoặc vấn đề rời rạc đôi khi chẳng ăn nhập gì với nhau là phong cách riêng của tôi hay sao ấy.

Không tin thì mọi người cứ đọc lại các cái tựa trên blog này của tôi thì sẽ rõ. Thơ và bác sĩ; Thiên tai, nhân đạo và sự duy lý; Não phải, não trái và thuyết thông minh đa diện; Văn hóa tranh luận và lời xin lỗi; Mặt trời nhỏ, thơ và giáo dục vv. (Đấy, lại tranh thủ "tự quảng cáo" rồi, chẳng biết có ai tò mò vào đọc mấy cái entries mà tôi vừa giới thiệu không nhỉ?) ;-)

Tôi viết entry này vì lại vừa được người bạn già từ nửa vòng trái đất gửi cho một chùm hình ảnh thật từ Cali, trong đó có hình ảnh của một vị giáo sư (nghe nói là dạy Physics của UC Berkeley) không còn trẻ nữa (euphemism for old!), biểu diễn màn chạy nude trên đường phố, không mặc gì cả, mọi thứ cứ thế mà phơi bày thoải mái, bớ người ta!!!!

Các vị nào đang đọc entry này xin dùng trí tưởng tượng để hình dung ra, chứ "em" đây thì không dám đưa hình đó lên ạ, không phải vì chưa xin phép, mà vì sợ ... bị CA bắt vì phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy! Mà nếu không bị bắt (chả biết giờ này mấy dzụ như vậy có còn bị quy kết gì không nhỉ, chứ thời mới sau năm 1975 là có đấy!), chắc cũng khó lòng tồn tại, nhìn mặt sinh viên, hàng xóm, đồng nghiệp và cả gia đình nữa quá!

Đấy, lý do của cụm từ "văn hóa phẩm đồi trụy" trong entry này. Vậy là rõ rồi. Còn "khoan dung" và "miễn nhiễm" thì sao nhỉ?

Khoan dung? Tiếng Anh là tolerance. Định nghĩa từ này trong từ điển Oxford Advanced Learner's Dictionary 2005 là như sau:

"the willingness to accept or TOLERATE sb/sth, especially opinions or behaviour that you may not agree with, or the people you are not like you"

Dưới đây là phần tôi dịch:

"sự sẵn lòng chấp nhận tức KHOAN DUNG đối với một người nào, một điều gì, đặc biệt là các ý kiến hay hành vi mà bạn không đồng ý, hoặc những người không giống như bạn"

Thời gian ở nước ngoài vài năm, trong đó lâu nhất là ở Úc, nhưng đặc biệt là thời tôi ở Mỹ 3 tháng từ năm 1989 (ở Madison, Wisconsin, tại University of Wisconsin, Madison), đã hình thành trong đầu tôi một ý thức rất rõ về sự khác biệt trong mức độ khoan dung giữa xã hội VN - và có lẽ là phương Đông nói chung - và xã hội Mỹ, là nơi có lẽ có mức độ khoan dung (= chấp nhận, thậm chí khuyến khích, sự khác biệt) cao nhất trong mọi xã hội phương Tây.

Điều này xấu hay tốt? Trước đây, theo truyền thống đã được dạy, tôi cho rằng điều này rất xấu: để cho bọn trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy như thế, chúng nó hỏng hết còn gì!!!! Loạn quá, loạn quá! Phải cấm sạch, cấm sạch thôi!!!!! (Giống nhà nước VN quá nhỉ?)

Ấy thế mà, sau bao nhiêu năm được "che chắn" kỹ lưỡng như thế, đến năm 1991 khi tôi đi học ở Úc (lúc ấy đi đâu cũng được cử đi cả đoàn, có trưởng đoàn, có họp hành, có quản lý nhắc nhở vv và vv), thì cứ mỗi lần ra hiệu sách, tôi lại thấy các ông trong đoàn túm tụm vào xem khu vực bán sách cho người lớn (con nít đi chỗ khác chơi, "trẻ con không được ăn thịt chó", biết chưa?)

Rồi sau đó là đi thuê phim video về xem, bí bí mật mật, giống như mẹ tôi hay nói, "buôn bạc giả" vậy!

Nghe nói, còn có những người còn mò mẫm đi khu đèn đỏ, đi xem các nước tư bản hư đốn, đồi trụy chúng giãy chết ra sao nữa cơ! (Mà, như ai đó trong đoàn của tôi đã nói jokingly, "công nhận bọn tư bản chúng giãy chết dữ thật đấy!")

Tất cả những việc ấy là làm lén thôi, chứ đâu có được phép. Nếu hở ra, bị kiểm điểm, phê phán, họp hành, nhận khuyết điểm công khai chà chà, rắc rối to chứ chẳng chơi! Nhưng thật ra thì ... ai cũng làm mà, kể cả trưởng đoàn, nên chẳng ai bắt anh đâu, miễn sao anh cứ làm cho kín đáo, còn hễ có đứa tố, thì tôi cứ phải kiểm điểm anh đấy nhé! Mà đã ra phiên họp, thì ai cũng sẽ lên án anh dữ dội cho mà xem. Chứ lại chẳng? Tôi không phê phán, thì hóa ra tôi đồng tình sao? Tức là tôi cũng có thể đã phạm tội như anh à? Chả dại!

Ấy là chuyện hơi xa xưa một chút. Rồi ... cửa mở thêm, VN hội nhập thêm ... Rồi Internet, rồi VN tham gia WTO. Và các phim ảnh xấu được thả tùm lum trên mạng. Và mọi người đi tới đi lui hà rầm. Muốn gì ư, chỉ cần bay 2 tiếng sang Thái Lan là tha hồ. Mà có lẽ cũng chẳng cần đến Thái Lan cũng nên? Nên mấy cái trò trẻ con (í quên, người lớn chứ nhỉ?) như tôi tả đó, hình như bây giờ chẳng còn ai quan tâm nữa.

Bây giờ thì hình như mọi người "miễn nhiễm" với mấy cái mà tôi nói rồi hay sao ấy. Tôi cũng "khoan dung" hơn với con cái và với chính mình, mặc dù các giá trị của tôi vẫn không thay đổi. Con cái tôi cũng thế. Điều quan trọng là chỉ ra cho chúng thế nào là hay, thế nào là dở, tại sao phải sống và ứng xử như thế này chứ không phải là như thế kia. Rồi để chúng tự lựa chọn, và chịu trách nhiệm cá nhân về những hành vi của mình.

Tôi nghĩ thế, chẳng biết có đúng không? Dù sao thì nó cũng giải thích cho cái tựa entry khá là vớ vẩn này. Vớ vẩn, vẩn vơ, thơ thẩn, thẫn thờ ... Đúng là vớ vẩn thật!

Thì đã hẳn! Có ai đó đã nói, đời là một cuộc chơi, chẳng phải sao?

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Biếm họa

Sáng nay tôi đang trên xe buýt đến nơi làm việc thì nhận được tin nhắn của ông xã tôi: "Trên báo TT hôm nay ở trang 5 có cái biếm họa hay quá!"

Ông xã tôi, mọi người hay vào blog này chắc còn nhớ, là một người hết sức bình thường, hiền lành, tốt bụng (well ít ra là tôi nghĩ thế), ít nói, nhưng lâu lâu lại có những quan sát nhận xét hết sức sắc sảo về những vấn đề chung của toàn xã hội. Và vì tôi làm ngành giáo, và cũng vì ngành này có ảnh hưởng đến con cái trong gia đình, nên ông ấy rất quan tâm, săm soi vào các hoạt động và hiệu quả của giáo dục VN. Nhiều nhận xét của ông ấy về giáo dục đại học, trong đó có cả nơi mà tôi làm việc, cứ làm tôi giật mình thon thót vậy. Nên khi nào ông ấy nói cái gì cần đọc là tôi phải đọc ngay.

Vậy là phải tìm tờ báo để đọc (bình thường tôi ít đọc báo giấy, chủ yếu đọc tin tức online, và hay đọc ... báo lề trái, hic hic hic!). Và thấy cái biếm họa đó thú vị thật. Bức tranh đó vẽ một người đang đứng trong nhà sách, nhìn lên các biển chỉ dẫn các kệ đựng các loại sách khác nhau. Các loại sách đó là: (1) Quốc văn; (2) Đạo văn; (3) Độn văn; và (4) Nhái văn. Điều hay nhất là mấy từ "độn văn" và "nhái văn" chính là các cách dùng của tôi trong một bài báo đăng trên NLĐ cách đây mấy hôm, và cũng đã được đưa lên trên blog ncgdvn của tôi, ở đây. Hay thật, thế là tôi có đóng góp cá nhân vào sự phát triển ngôn ngữ Việt rồi nhé! Hãnh diện thật!

Nhưng rồi nghĩ lại, tôi bỗng hoảng: trước đây khi học lý thuyết ngôn ngữ, tôi nhớ có thuyết rằng ngôn ngữ là tấm gương phản ánh cuộc sống và văn hóa của từng nơi. Ví dụ, người Eskimo có nhiều từ chỉ "tuyết" trong khi tiếng Anh chỉ có 1 từ, hoặc người Việt có nhiều từ như cơm, xôi, cháo, gạo, nếp, tẻ, đòng đòng vv, nhưng tiếng Anh cũng chỉ độc một từ rice mà thôi. Vậy nếu tiếng Việt có nhiều từ dành cho đạo văn đến thế, thì chắc hiện tượng này nó phổ biến lắm lắm? Chà chà chà, nguy quá, vậy chẳng biết tôi có nên nhận sự đóng góp này không nhỉ, hay chối phắt đi cho xong? Vậy kệ nó, ai muốn "đạo từ" (word plagiarism, theo cách nói của SG) thì cứ để cho họ đạo, không cần quan tâm đến nó!

Quay trở lại bức biếm họa. Tôi lên mạng tìm để đưa nó lên blog cho mọi người xem cho nó trực quan sinh động, nhưng không tìm thấy. Bên cạnh lại có Khuê (con gái mẹ), 13 tuổi, nên Khuê mách nước cho mẹ lên google hình ảnh để tìm.


Tìm bằng tiếng Việt, dùng các từ "biếm họa", "đạo văn", nhưng không tìm thấy. Tức mình, lại nhân tiện đang search, tôi gõ luôn tiếng Anh: "cartoon", "plagiarism". Và thế là thấy ngay trang này: http://www.cartoonstock.com/directory/p/plagiarism.asp.

Vào xem, thấy thật thú vị! Có đến 29 tấm hình biếm họa về đạo văn, với những chú thích rất mỉa mai, chế giễu tệ nạn này. Mới thấy con người ở đâu cũng vậy: thấy của người khác, sao cứ muốn lấy nhỉ? Có lẽ nhân chi sơ tính bản ác chăng, chứ có phải là tính bản thiện như ai đó đã nói đâu?

Chỉ có điều, nơi nào giáo dục làm tốt việc dạy người, và pháp luật làm tốt việc răn đe cưỡng chế, thì các tật xấu đó sẽ khó có cơ hội bộc lộ, nên sẽ giảm đi. Và dường như riêng về khoản đạo văn này thì Tây nó làm tốt việc giáo dục và việc cưỡng chế hơn ta rất rất rất nhiều lần thì phải!

Đấy, thì cứ nghĩ mà xem: trong khi Tây nó có nhiều biếm họa về đạo văn đưa lên mạng như thế, thì VN đố mà bói ra một cái (trừ cái hôm nay mới đưa lên báo TT).

Và những lời cuối cùng: tất cả các hình trong entry này đều lấy từ trang web có cái link đã giới thiệu ở trên. Trang đó là không phải là nơi cung cấp hình ảnh miễn phí, mà là nơi bán hình ảnh, tức nếu muốn sử dụng thì phải trả tiền. Như vậy, tôi đưa vào đây tức cũng đã là một dạng ... chôm chỉa (!) rồi đó, strictly speaking, thật vậy. Nhưng lời ... bào chữa của tôi (chẳng hiểu có được chấp nhận không, hic hic) là ở đây tôi không sử dụng với mục đích thương mại, mà chỉ là để trao đổi và giải trí thôi, nên chắc là không sao. Mà nếu có sao, thì cũng chỉ vi phạm quyền sử dụng (giống như ăn cắp vặt), chứ không vi phạm quyền nhân thân (tức tội mạo danh, mình không phải là công an mà dám nói với người khác mình là công an để ... lừa đảo cái gì đó, chẳng hạn).

Wow, viết cứ y như là "chuyên gia" về đạo văn vậy! Thực ra tôi chỉ mới quan tâm đến việc này ít lâu thôi, nhân sự cố chính tôi bị đạo văn. Hình như đạo văn, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đã ăn vào máu người VN rồi hay sao ấy, nên bây giờ sửa chắc khó lắm. Nhưng cũng phải sửa thôi, nếu muốn phát triển, và nếu muốn không bị kiện tụng quốc tế, hoặc bị cộng đồng thế giới tẩy chay...

Chao ơi, một thói quen xấu sao khó sửa đến thế này nhỉ? Có lẽ VN cần phải có nhiều hơn nữa các tranh biếm họa về đạo văn chăng?

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Dạy đạo đức bằng thơ, thời tiểu học của tôi

Mấy bài thơ dạy đạo đức của thời tiểu học:

Một hôm chủ làm cơm thết khách
Bảo người nhà liệu cách thịt chim.

Thưa rằng: Xin chủ định xem
Một đôi chim gáy, chả nem con nào?
Một con thì tiếng cao, giọng tốt
Một con thì kêu hót không hay.

Chủ rằng: Còn hỏi chi bây?
Con không biết gáy cho mày vặt lông!

Chim bị giết vì không biết gáy,
Người không tài lấy đấy làm gương!


Bài này nhằm răn dạy trẻ em gắng học, vì nếu không, sẽ bị chủ "bảo người nhà liệu cách thịt chim", thì ... tiêu đời! Sợ lắm, hic hic hic.

Chó rừng tham ăn hay nuốt vội
Nhân một khi vui hội anh em
Miếng ngon đương lúc miệng thèm
Chưa trôi miếng gối đã thêm miếng đầu.

Phải cái xương mắc sâu trong họng!
Phúc mười đời cò bỗng đi qua.
Chó rừng mới gật chị ta
Đến ngay, thò mỏ móc ra một hòn!


Chế giễu tính tham ăn. Bài này cả nhà tôi hiện nay, cha mẹ con cái đều thuộc. Khi nào ai đó ăn uống vội vàng, bị nấc cục chẳng hạn, thì thế nào cũng bị người khác diễu, hoặc tự diễu mình, bằng câu "chó rừng tham ăn hay nuốt vội"!

Thằng Tư nghịch láo
Cột pháo đuôi dê
Khiến dê hoảng sợ
Dê chạy lung tung
Húc trẻ xô hàng
Trẻ sang mách mẹ
Chú bé bị quỳ.


Bài này dạy trẻ em cái gì thì đã rõ! Hồi nhỏ, sao mà tôi ghét cái "thằng Tư" trong cái bài thơ (vè) này thế không biết? Ai dè lớn lên gặp ngay một Ông Tư! Đúng là ghét của nào ...

Lão tiều vác củi cành một bó
Tuổi đã nhiều niên số lại cao
Lặc lè chân đá chân xiêu
Lom khom về chốn thảo mao khói mù.

Tủi thân phận kỳ khu khó nhọc
Đặt bó xài ở dọc lối đi
Than rằng: "Sung sướng nỗi gì!
Khắp trong thế giới ai thì khổ hơn?

Bữa no đói luôn cơn buồn bã
Vợ nào con, vất vả trăm chiều
Hết thuế lính lại thuế sưu
Quanh năm khách nợ, còn điều gì vinh?

Hỡi thần Chết, thương tình chăng tá
Đến lôi đi cho đã một đời!"

Chết đâu dẫn lại tức thời,
Hỏi: "Già khi nãy kêu vời lão chi?"

Lão tiều thấy cơ nguy cuống sợ:
"Nhờ tay người vác đỡ lên vai!"


Bài này là ngụ ngôn La Fontaine đấy, cũng như bài về Chó rừng tham ăn .... Tôi có một kỷ niệm rất vui với bài thơ này. Khi mới vào lớp 6 trường Gia Long, tôi rất mặc cảm vì dân tỉnh lẻ. Hồi ấy Gia Định là một tỉnh nằm bên cạnh Sài Gòn là thủ đô. Tôi nhớ năm đó khi vào học, trường bảo khai địa chỉ, thì các bạn tôi ghi, vd: 124 Trần Bình Trọng, Sài Gòn 5 hay 236 Phan Thanh Giản, Sài Gòn 3, thì tôi ghi: 2/27 Ấp Nam Hòa, Xã Tân Sơn Hòa, Tỉnh Gia Định (chỗ này là gần Khu Cư xá Bắc Hải đấy các bạn, bây giờ là khu vực giáp ranh giữa Quận 10 và Quận Tân Bình, hình như thuộc Quận Tân Bình). Bạn bè cùng lớp ngạc nhiên lắm vì sự khác biệt về địa chỉ giữa tôi và chúng.

Quay trở lại bài thơ. Hôm ấy là buổi học đầu tiên của môn Giáo dục công dân, cô giáo tôi tên là cô Uyển, lớn tuổi rồi, nói tiếng Bắc, giảng bài một hồi thì có nhắc đến ngụ ngôn của La Fontaine liên quan đến câu chuyện người tiều phu này (hình như giảng về sự lạc quan). Cô dừng lại hỏi, ai biết chuyện này thì kể cho cả lớp nghe. Tôi biết! Vì đã học thuộc bài này từ bé. Nhưng, vì ... thấm đẫm cái văn hóa phong kiến ca ngợi sự vô danh, cộng thêm văn hóa Công giáo ca ngợi sự khiêm tốn và ... vâng lời (= không có ý kiến riêng, không khẳng định chính mình), và cũng vì mặc cảm dân tỉnh lẻ, nên tôi không dám giơ tay. Cả lớp cũng không ai giơ tay cả.

Cô có vẻ thất vọng, hỏi lại mấy lần, và nói em nào biết cô sẽ cho 20 điểm (lúc ấy dùng điểm trên 20). Thế là tôi giơ tay mà tim đập loạn xạ. Khi được mời, tôi vừa kể vừa thở hổn hển, vì không quen nói trước công chúng. Nhưng mà cũng kể xong, dù có lẽ không đầu không đuôi. Và được cô rất khen, được 20 điểm, và từ đó, còn được cô nhớ đến trong một cái lớp học gần 60 học sinh lận (thời đó, ngay cả Gia Long cũng có lớp học 50-60 học sinh, nên mới phân chia xóm nhà lầu - mấy bàn đầu - và xóm nhà lá - mấy bàn cuối.)

Đấy, một vài kỷ niệm thời tiểu học. Có cái gì cho chúng ta học để áp dụng cho thời nay không nhỉ, thời bạo lực học đường và tham nhũng học thuật tràn lan???

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Não phải, não trái và thuyết thông minh đa diện (multiple intelligences)

Một người bạn (già, giống tôi, hic hic) từ thế giới ảo, và cách tôi nửa vòng trái đất, mới gửi cho tôi cái quiz rất thú vị này: Hãy tìm gã đầu trọc trốn trong "đống" hạt cafe (sorry, tôi không tìm được từ nào hay hơn). Các bạn nhìn hình dưới đây và tìm thử nhé!

Xong chưa? Bạn mất bao nhiêu thời gian để tìm thấy gã đầu trọc đó (chắc gã này là tội phạm chiến tranh quá, đầu trọc mà, lại đi trốn nữa chứ!)? Nếu bạn làm rất nhanh, khoảng vài 3 giây giống như tôi, xin cho biết tên tuổi, tôi sẽ giới thiệu bạn gia nhập lực lượng an ninh của VN nhé? :-). Riêng tôi thì ... thôi, tôi già rồi, mắt rất kém, lại đau khớp, đau bao tử tùm lum, phục vụ chắc không tốt, để tôi ở ngoài phục vụ blogging cho cộng đồng có lẽ tốt hơn nhỉ?

Còn dưới đây là phần trả của tác giả cái quiz đó, chẳng biết là ai (vô danh), nhưng chắc chắn không phải là tôi:

Doctors have concluded:
If you find the man in the coffee beans in 3 seconds, the right half of your brain is better developed than most people; If you find the man between 3 seconds and 1 minute, the right half of the brain is developed normally; If you find the man between 1 minute and 3 minutes, then the right half of your brain is functioning slowly and you need to eat more protein; If you have not found the man after 3 minutes, the advice is to look for more of this type of exercise to sharpen your mind. Make that part of the brain stronger!!!
--

Nói đùa linh tinh ở trên cho vui, và cái quiz cũng chỉ là cho vui thôi nhé, tính khoa học của nó tôi không chịu trách nhiệm đâu, nhưng thật ra tôi muốn nói như thế này:

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo gốc Bắc, con nhà "gia giáo", chắc là thế, hưởng một nền giáo dục khá khắt khe mà BS Hồ Hải bảo là "phong kiến": hồi nhỏ học tiểu học ở các trường công giáo, học trung học ở trường Gia Long "khét tiếng" lễ giáo phong kiến, rồi lên đại học, học ngoại ngữ ở ĐH Tổng hợp thì lại gặp lớp có đến 60-70% sinh viên là người công giáo (chẳng hiểu sao?).

Nên lần đầu tiên tôi đi học ở Úc từ năm 1991 (31 tuổi), tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về sự khác biệt giữa "sản phẩm giáo dục" tức con người của các nước theo văn hóa phương Tây (cụ thể là Úc) và con người của văn hóa "ta" (chắc chủ yếu ảnh hưởng văn hóa Hán? gồm VN và nhóm các nước Đông Á). Đó là: sự phóng khoáng trong tư duy, sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người (ý tôi nói là trong giới học và làm việc trong ngành sư phạm/giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông), sự tự hiểu biết và khẳng định chính mình - tôi chưa nói đúng dù sai về mặt khoa học - và đặc biệt là sự tôn trọng cá nhân.

Một ví dụ cụ thể: trong khi ở VN, và chính tôi nữa, luôn ẩn mình trong sự vô danh (vd: biết rõ câu trả lời nhưng sẽ không phát biểu, đặc biệt là không phát biểu đầu tiên vì sợ bị chửi là ... chơi nổi), thì ở bên Úc, đa số mọi người tranh nhau có được tiếng nói trong mọi vấn đề của cuộc sống hay của khoa học. Tất nhiên có người nói đúng, có người nói sai. Nhưng họ đều được lắng nghe và được tôn trọng.

Chính vì thế, tôi rất ngạc nhiên là có khá nhiều người, kể cả giáo viên, khi lên bảng lại ... ngang nhiên (!) viết tay trái! Trong khi hồi tôi đi học, ai viết tay trái đều bị ... khẻ tay! Người thuận tay trái (nhà tôi có 2 người) thì dù phải chấp nhận chính mình nhưng luôn tự xem mình là người hơi có chút gì ... bất thường (= đồng nghĩa với chưa tốt). Còn ở Tây, chúng nó mà có cái gì khác người một chút, là chúng nó ... vênh vênh váo váo, thấy mà ... ghét!

Và lý thuyết đây: thuyết thông minh đa diện. Thông minh không chỉ là học giỏi trong trường lớp, vì cách dạy dỗ, thi cử trong trường lớp chủ yếu nhấn mạnh thông minh về toán học và ngôn ngữ, được điều khiển bởi bán cầu não trái, mà còn rất rất nhiều loại thông minh khác nữa, thông minh âm nhạc, thông minh vận động (coordination), thông minh giao tiếp/liên nhân (interpersonal intelligence) vv và vv. Thuyết này của Howard Gardner, người Mỹ, ai có học khắc sẽ biết. Ai chưa biết, xin hỏi cụ Gúc, dùng các từ sau để hỏi: Howard Gardner, Multiple Intelligences.

Tạm viết lăng nhăng thế vào buổi sáng. Tôi phải đi làm, nhưng sẽ viết thêm về vấn đề này. Vì theo tôi nó hay lắm, và giúp cho tôi hiểu biết hơn để dạy ... cháu nội, cháu ngoại của mình. Vì con thì ... đã hơi lớn rồi, hết chữa được rồi, hic hic!
---
Ghi chú: từ thuyết thông minh đa diện là tôi tự dịch từ multiple intelligences từ lâu lắm rồi, do tôi không học sư phạm ở trong nước mà chỉ từ khi đi học ở nước ngoài mới học, nên không có thuật ngữ tiếng Việt. Sau khi về nước cũng chẳng tra lại từ này, cứ thế mà dùng. Nếu bây giờ nó thành thói quen và thuộc về public domain rồi thì tôi cũng chẳng claim (!) từ này, nhưng nếu ai biết thời nay người ta dùng từ nào khác thì xin gửi giúp một comment ở đây để tôi biết và sửa lại cách dùng từ khi cần nhé! Thanks!
---
Cập nhật lúc 9:40 sáng cùng ngày:
Do đang họp, nghe ... chán quá, nên tôi cập nhật thêm thuật ngữ tiếng Việt cho cái mà tôi tạm gọi là Thuyết thông minh đa diện này:

1. Lý thuyết "đa thông minh": Từ này tìm thấy ở đây: http://toilaai.vn/bai-viet/chi-so-thong-minh-iq/406/Ly-thuyet-%E2%80%9Cda-thong-minh%E2%80%9D.html và rất nhiều nơi khác.

2. Thuyết trí khôn đa thành phần: Chà, từ này nghe không được hay lắm? Tôi tìm thấy nó ở đây: http://search.conduit.com/Results.aspx?q=multiple+intelligences+thuy%e1%ba%bft+th%c3%b4ng+minh+%c4%91a+di%e1%bb%87n&hl=vi&SelfSearch=1&ctid=CT2290797&octid=CT2290797&start=20 và một số nơi khác, kể cả trên trang chungta.com.

3. Các loại năng lực tư duy: Cách dịch này hơi xa so với từ gốc của tiếng Anh. Tôi tìm thấy ở đây: http://www.langven.com/forum/lofiversion/index.php?t5294.html

4. Thuyết đa trí tuệ: Từ này cũng hay đấy nhỉ? Nó được tìm thấy ở đây: http://www.giaovien.net/san-pham/san-pham-cua-centea/hoa-tri-tue.html.

5. Trí thông minh đa dạng: Từ này cũng hay. Nó hay vì nó ... gần giống của tôi, hì hì. Tìm nó ở đây: http://www.dreamhouse.com.vn/Page/NewsDetail.aspx?NewsID=109&TopicID=92, và một số nơi khác.

6. Thuyết đa trí khôn (!), đa năng lực: Trang web trẻ thơ nêu một lô một lốc các từ để dịch MI, trong đó có mấy từ đã liệt kê, từ nào mà có chữ "đa" đều được dùng hết, nên tôi tạm gọi đây là trường phái "đa đa". Nó ở đây: http://www.nxbtrithuc.com.vn/?mod=book&act=detail&book_id=119.

Tạm thời thế, như vậy có được 6 cách dịch khác nhau, và cách của tôi là 7. Mặc dù rất nghiêm khắc với bản thân và rất khiêm tốn (!!!!), nhưng sao tôi vẫn thấy cách dịch của tôi là hay nhất, nhỉ? Có ai có ý kiến gì ở đây không? :-)

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Gánh nước đêm

Lại là một bài thơ đã học hồi tiểu học.

Tôi nhớ bài thơ này vì gần đây nước máy nhà tôi bị ... sao ấy. Lâu nay ở SG, những nơi nước yếu, thì mọi người đã phải làm bồn chứa nước máy trên sân thượng để tự động bơm vào khi nguồn nước dồi dào và trữ ở đó để dùng khi nước yếu hoặc ... cúp nước.

Nhưng lúc này, không hiểu do sáng kiến cải tiến ... cái gì (?) nên ban ngày nước máy của Thủy cục (ở chỗ tôi, that is) bị khóa, đến đêm mới mở. Thành ra, ban ngày nhà tôi sử dụng nước máy từ bồn chứa bơm xuống, rồi đến đêm khi có nước thì ông xã tôi phải canh để nước bơm vào bồn, rồi khóa máy bơm cho an toàn, sợ ban ngày lúc đi vắng mà máy bơm hoạt động lỡ trục trặc gì thì ... cháy nhà. Ông xã tôi đấy, ông ấy kỹ lắm mà! Luôn quan tâm đến sự an nguy của cả gia đình, để tôi có thể ... thơ thẩn làm thơ hoặc chép thơ.

Vậy nên tôi mới nhớ bài thơ Gánh nước đêm, vì bản chất gánh nước đêm và bơm nước đêm như ông xã tôi vẫn phải làm là giống nhau!

Nó đây, không nhớ tác giả, nhưng chắc chắn là không phải tôi làm, vậy thì đây không phải là đạo văn đâu nhé! :-) Một bài thơ ngắn thôi, tả cảnh nghèo khổ, nhưng thi vị lắm. Có phải tại vì dưới ánh trăng không? Dưới ánh trăng, Thị Nở cũng đẹp trong mắt Chí Phèo mà! Tôi cũng đọc ở đâu đó một câu như thế này: Dưới ánh nến, con cáo thành cô gái.

Gánh nước đêm

Đỉnh đầu một bóng trăng
Trên vai một gánh nước
Đêm khuya xóm Bàn Cờ
Một cô cao thấp bước.

Trong thùng nước có trăng
Cô gánh đi thung thăng
Lầu cao trông lấp lánh
Một gánh hai chị Hằng.

Đêm về khuya, xóm vắng
Nước rỏ, chân người trắng
Nhẹ bước trên đường trăng
Cô quên mình gánh nặng.


Không hiểu mọi người có thấy bài thơ trên hay không? Chứ tôi thì thích lắm. Không chỉ tôi, mà bà chị tôi cũng thích. Tôi nhớ hồi nhỏ khi tôi đọc bài này để học thuộc lòng thì bà ấy khen hay, rồi lại còn vẽ hình cô gái gánh nước dưới trăng, chép bài thơ này bên cạnh để làm thiệp nữa chứ.

Hồi ấy, nói gì thì nói chứ việc dạy văn thơ cho học sinh cũng khá hơn bây giờ nhiều. Chẳng thế mà cả nhà tôi ai cũng yêu thơ văn, ấy là tôi nói trước năm 1975. Sau năm 1975 thì mấy đứa em trai tôi đứa nào cũng ghét môn Văn cả, và bây giờ con trai tôi cũng thế.

Vậy xin gửi bài thơ đến mọi người, hy vọng mọi người sẽ yêu thơ hơn một chút chăng? Đời sẽ thi vị hơn, đẹp hơn, vì "người ta sống không riêng bởi bánh" (câu này lấy trong một bài hát của nhà thờ đấy!)

Good day!

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

"Binh pháp Tôn Tử thời hiện đại"

Tựa của entry này là nửa đầu của cái tựa bài viết rất đáng đọc trên Tuần Việt Nam sáng nay, ở đây.

Tôi chẳng biết binh pháp Tôn Tử là gì, vì không đọc truyện Tàu, cũng ít chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu (không giống như ĐNB!) - chẳng hiểu tại sao? Nên cái binh pháp Tôn Tử này sẽ phải hỏi ông xã thôi.

Nhưng tôi đồ rằng binh pháp ấy phải rất hiệu quả, hiệu quả một cách đáng sợ. Vì cứ liên hệ nó với cái binh pháp hiện đại của VN thời nay là 'giơ tay biểu quyết" thì biết ngay.

Một dạng dân chủ hết sức hình thức, mà tác hại của nó thì vô cùng lớn. Gì chứ tác hại của cái trò giơ tay biểu quyết này thì tôi biết rất rõ, vì đã cả đời sống và làm việc trong một cơ quan (sự nghiệp) công lập mà.

Xin trích ở đây vài đoạn mà tôi rất thấm thía:
Để áp đảo hay thậm chí đe dọa những người không phục tùng mình trong nhiều quyết định hay trong nhiều cuộc bình bầu, nhiều ông bà thủ trưởng chọn binh pháp cho tập thể "giơ tay biểu quyết". Đây quả là cao tay. Bởi hầu hết nhân viên đều sợ bị trù úm hoặc phiền phức đến mình nên khi ông bà thủ trưởng chủ trì cuộc họp lấy ý kiến đó hay để bình bầu đó ngồi trên ghế cao nhìn khắp lượt và nói: "Ai đồng ý quyết định này (hay đồng ý bầu người này hay người nọ hay bầu tôi) các đồng chí cứ biểu quyết thẳng thắn bằng cách giơ tay. Nếu không đồng ý thì không phải giơ tay. Chúng ta hết sức dân chủ nhé".

Than ôi! Lời nói thật "dân chủ" và thật "ngọt ngào" ấy được dịch chính xác là: "Để tôi xem anh chị nào không đồng ý nào. Cứ giỏi thì không giơ tay đi".

Và đây nữa:
[C]ó những nơi, ông bà thủ trưởng có "dân chủ" hơn một chút bằng cách bỏ phiếu kín. Nhưng lại không cho kiếm phiếu ngay sau đó mà thu phiếu về để Chi ủy có trách nhiệm kiểm phiếu và công bố tới các đồng chí sau. Bởi ở cơ quan, Chi ủy là cấp cao nhất khi thủ trưởng cơ quan thấy Chi ủy cần thiết cho kế hoạch của cá nhân mình.

Phương pháp "Chi ủy sẽ thông báo sau" là phương pháp tôi đã nhiều lần được chứng kiến và "thừa hưởng". Và kết quả thông báo như thế nào thì không nói các bạn cũng quá hiểu nó là cái gì. Nếu kết quả bỏ phiếu kín trung với ý của ông bà thủ trưởng cơ quan thì sẽ được công bố "rầm rộ". Nếu kết quả không đúng ý thì sẽ được "xử lý" tinh tế với châm ngôn "Chi uỷ chịu trách nhiệm". Đã là Chi uỷ chịu trách nhiệm rồi thì đố ai dám cãi. Mà anh chị nào có giỏi thì cãi đi, kiến nghị đi...

Ôi! Tôi không viết nữa đâu, vì sẽ chẳng đi đến đâu. Nhưng chỉ thắc mắc: chẳng lẽ cách điều hành các cơ quan, đơn vị công lập cứ mãi như vậy sao?

Mà, nếu cứ như thế này thì rồi mọi việc sẽ đi đến đâu nhỉ? Chẳng lẽ lại thêm ... "Một câu hỏi lớn không lời đáp?"

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Lá diêu bông

Entry này chỉ chép lại một bài thơ mà tôi yêu thích của nhà thơ Hoàng Cầm vừa quá cố. Bài thơ đã được rất nhiều biết đến qua bài hát cùng tên do nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc.

Lời bài hát có lẽ cũng rất hay, nhưng theo tôi bài thơ của cố thi sĩ Hoàng Cầm hay hơn rất nhiều lần - ít lời hơn nhưng lại nói được nhiều hơn.

Trên tờ Tuần Việt Nam hôm nay có bài viết bình bài thơ này cũng rất hay, ai quan tâm có thể đọc ở đây.
--

Lá diêu bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.

Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.

Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.

Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười se chỉ ấm trôn kim.

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.

Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Nửa vòng trái đất ...

Hình gia đình một người bạn - đúng hơn là 2 người bạn vì cả 2 đều là bạn học cùng lớp - hiện đang ở xa tôi nửa vòng trái đất
---
Cái tựa của entry này đã nằm trong đầu tôi từ cả tuần nay rồi.

Chẳng là hôm 30/4, được nghỉ một kỳ nghỉ dài, tôi ở nhà đọc sách, đọc báo chán rồi ngồi nghĩ miên man lẩn thẩn, không hiểu sao lại "xuất thần" viết luôn một mạch cái entry với cái tựa trích lời Cố TTg VVK: "Một triệu người vui và một triệu người buồn." Ở đây.

Tưởng chỉ viết riêng cho mình thế thôi, không ngờ cũng được một vài người đồng cảm. Đặc biệt là có chị Phương Khanh nào đó, hơn tôi 3 tuổi (bằng tuổi ông xã PA, chị Khanh ạ) còn gửi một comment khá xúc động, bắt đầu bằng mấy từ "từ nửa vòng trái đất"...

Và thế là cái trí nhớ nghịch thường của tôi lại bắt đầu làm việc. Vì tôi đã từng làm một bài thơ rất dài, bắt đầu bằng câu "Bây giờ, giữa bạn và tôi/Khoảng cách là nửa vòng trái đất" (nghe hay hông?).

Một bài thơ tôi viết từ năm 1980, lúc ấy tôi đang học năm thứ 2 ở ĐH Tổng hợp, Khoa Ngữ văn nước ngoài. Mà trời ơi, lúc ấy tôi 20 tuổi mọi người ơi, có ai tin được không chứ? Tôi, bà già 50 tuổi này, đã từng có lúc 20 tuổi, tuổi thanh xuân phơi phới như vậy sao? Hèn gì mà ... quý dzị đọc tiếp đi rồi sẽ biết!

Lúc ấy, "ta đang mùa ... vượt biên" (!) (nhại câu đầu bài hát "Anh đang mùa hành quân"), tôi lại học lớp Anh văn, nên hàng ngày vào lớp thấy lại bớt đi vài bạn, một thầy, "đi rồi". Có khi, ít lâu sau lại thấy người về từ ... trại cải tạo, mặt mày đen thui xấu xí do đi không thoát. Tôi nhớ có một cô giáo nghe đồn đi nhiều lần, lâu lâu lại nghỉ không đi dạy, do đang "ém quân" ở một nơi nào đó, rồi chắc là bị "động" nên chưa đi được, lại về đi dạy, rồi lại đi, miết rồi cuối cùng cũng đi được. Nói thêm, những người cùng lớp/cùng khóa của tôi đi từ thời ấy (đã 30 năm), có những người giờ đây rất thành đạt, con cái học hành nghiêm chỉnh, đóng góp vào đội ngũ trí thức Việt kiều làm rạng danh cho dân tộc Việt.

Còn tôi, như tuyệt đại đa số người VN, vì nhiều lý do, nhát sợ không dám thí mạng cùi hoặc không tiền để đóng cho "những người tổ chức vượt biên trái phép" cũng có (chắc là ít), yêu nước cũng có (hy vọng là nhiều), đã ở lại trên đất nước này, đóng góp và xây dựng nó (nhiều ít tùy tâm huyết, năng lực, điều kiện chủ quan và khách quan) để cho nó thành đất nước VN ngày nay. Cũng ... tự hào lắm chứ, với những thành tựu vượt bậc, từ một nước thiếu ăn phải nhờ tiếp tế của thế giới (chủ yếu các nước XHCN anh em, và hình như khối Bắc Âu trung lập), vươn lên thành một nước xuất khẩu gạo có hạng trên thế giới (hình như hạng hai, chỉ thua Thái Lan?).

Tất nhiên là vẫn có những người trách, tại sao trước đây miền Nam không đói (vựa lúa của cả nước), mà làm sao sau ngày thống nhất thì kinh tế lại đi xuống như vậy. Well, we all live and learn mà! Mặc dù cái giá phải trả cũng hơi ... đắt, thật vậy!

Chậc, dài dòng quá. Tính tôi thế, chắc là của dân arts, nói năng lòng thòng, dây cà ra dây muống ... Thực sự, ở đây tôi chỉ muốn chép lại một bài thơ mà tôi đã làm vào năm 1980, khi những người bạn thân nhất cứ từng người, từng người "bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ". Có cả những người đi, "đi mãi bỏ trời mơ", chỉ đi mà không có đến, như biến vào hư không, từ ngày nói lời từ giã bạn bè .... Tôi sợ ma, nhức đầu, bị bóng đè, vv cũng là khoảng thời gian ấy đấy.

Bài thơ đã được tôi làm một mạch khi nghe tin một người bạn rất thân từ thời trung học (Gia Long) đã đi ít lâu mà không nghe tin tức gì, nay biết được đã đến Pháp an toàn. Bài thơ ấy, lúc đó tôi gửi đăng báo lớp (báo tường thôi), nay cũng chẳng nhớ là nó có được đăng không, nhưng theo tôi nó là một trong những bài tôi làm mà có nhiều xúc động nhất, và là cảm xúc thật chứ không cương một chút nào. Cũng có thể nó hơi ấu trĩ (?), và phản ảnh những gì tôi được nghe, được "nhồi nhét" vào đầu trong thời gian đó, nhưng nó vẫn là cảm xúc thật vào thời điểm ấy.

Xin chép lại theo trí nhớ dưới đây (thời đó kém thật, tôi chẳng ghi lại, cũng chẳng có blog mà post lên để mọi người cùng đọc, chỉ viết viết xóa xóa, xong bản hoàn chỉnh thì đưa cho lớp trưởng, độc có một bản, nếu cần thì chép lại từ trí nhớ, bây giờ đã qua 30 năm rồi lên chỉ còn lõm bõm vài câu, thật là tiếc!) Bài thơ này tôi cũng chẳng nhớ là có tựa hay không, đành chép chút đầu chút đuôi không khúc giữa như dưới đây.

Bây giờ, giữa bạn và tôi
Khoảng cách là nửa vòng trái đất
Khi mặt trời ở nơi bạn tắt
Thì nơi đây, một ngày mới bắt đầu
Lại những lo âu
Thiếu thốn
Manh áo, hạt cơm ...
Cọng rau, chén thuốc ...
Chắc bạn đã gặp điều mong ước
Một cuộc sống văn minh
Phố thị thênh thang, đèn điện sáng trưng

Liệu bạn đã gặp chưa, hạnh phúc?

Ôi, hạnh phúc là gì?
Ai không mong được một lần chạm đến
Dù chẳng thể trả lời chính xác
Hạnh phúc ơi ...
Tìm người ở đâu?

Bây giờ, tôi ở đây...

(khổ ơi là khổ, khúc giữa này tôi tả những cái khó khăn hàng ngày của thời đó, mà bây giờ quên tuốt luốt hết rồi!!! giả thuyết: có lẽ khúc giữa này viết ít xúc động, chỉ mang tính liệt kê bằng văn vần thôi, tức là ... vè ấy, nên giờ quên béng đi rồi. Nên thôi, ta tự ý đục bỏ nó đi nhé, và nhảy sang khúc cuối).

Tôi vẫn yên lòng với cuộc sống ở đây
Vẫn vất vả chắt chiu
Cơm rau ngày hai bữa
Lo thuốc cho mẹ già,
Lo em thơ thiếu sữa
Vẫn mong chờ đến một ngày mai
Vâng, ngày mai
Trời sẽ sáng ...

Những vất vả hôm nay
Là từng giọt mồ hôi tưới xuống
Để ngày mai đồng lúa trổ bông vàng.


Giải thích một chút:

- Khổ thơ đầu tiên: Tôi nhớ hình như hồi đó ở VN còn cúp điện nhiều lắm! Chưa có, hay đang hô hào làm thủy điện Trị An thì phải. Nên trong khổ thơ này tôi có viết về đèn điện sáng trưng như một biểu hiện của văn minh, của hạnh phúc. Khốn khổ thế đấy các bạn ạ.

- Khổ thơ gần cuối cùng: cái dzụ cơm rau ngày 2 bữa tôi viết trong khổ thơ này là thật đó quý dzị ơi, hồi ấy nếu ai sống ở SG chắc phải biết câu diễu: "người Sài Gòn khoái ăn sang" - tức là sáng ăn khoai ấy, có ai còn nhớ không?

Tôi viết đến đây mà thấy mình vẫn còn bồi hồi xúc động. Phải mở ngoặc nói thêm một chút: Ý tưởng của mấy câu cuối cùng cũng chẳng phải của tôi, mà là "mượn tạm" trong Kinh Thánh, cụ thể thì không nhớ, nhưng có bài hát về các thánh tử đạo với mấy câu như sau: "Người đi trong nước mắt ôm hạt giống gieo trên ruộng đồng/Người về miệng vui ca tay ôm bó lúa ngào ngạt hương". Ai là người Công giáo chắc là sẽ biết bài hát đó.

Đấy, cảm xúc thật của một thời. Ghi lại cho tôi, cho bạn bè còn đang ở VN, ở miền Nam giống như tôi, cho những người cùng thời ở "bên kia chiến tuyến" (tưởng tượng) như bạn Thanh Chung ở Hà Nội, cho anh chị em tôi và bạn bè tôi, người đã biết và người chưa biết, đang ở xa tôi nửa vòng trái đất.

Viết như thế, để hy vọng rằng chúng ta đang
Lại gần, gần lại với nhau
Ngồi gần nhau hơn, ngồi kề bên nhau

Như TCS đã từng kêu gọi từ thuở nào. Được không, mọi người ơi?

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Trời ơi, cá!

Hình này minh họa cho loài cá tên là Pangasius Catfish. Còn tôi, con cá này tôi gọi là cá vồ, chẳng biết đúng không?
--
Tôi viết entry này vì có một người bạn từ thế giới ảo (lại bạn từ thế giới ảo!) vừa có câu hỏi (bâng quơ) rằng hình như mấy con cá tiếng Anh là albacore, yellow tail trong tiếng Việt là "cá thu" thì phải.

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản cho một người tự khoe là đã từng dạy ngoại ngữ bao nhiêu năm, nhà có nhiều từ điển các loại, thế mà khi tôi nhận được nó thì tôi ... thực sự bàng hoàng vì cả 2 từ này tôi đều chưa biết, hic hic!

Phải nói trước để tự bào chữa một chút: gia đình tôi ít ăn cá biển (hình như đó là thói quen của người Bắc), mà chỉ hay ăn cá sông. Ngay cả cá sông đi nữa thì cũng chỉ ăn một số con quen thuộc thôi, đó là cá lóc (người Bắc gọi là cá quả), cá diếc (con nhỏ cỡ hơn một bàn tay, trung bình khoảng 500gr-600gr một con, thịt trắng mềm, ngọt, nhưng rất nhiều xương dăm, sau này ít thấy bán), cá trê (sau này cũng ít ai ăn), cá rô (lại càng ít người ăn hơn nữa, ấy là tôi nói ở SG ấy, vì nó nhiều xương quá), thế thôi.

Còn cá biển, thì chỉ ăn có mỗi một loại, đó là cá thu. Những con khác, mẹ tôi ... không ăn! Tại sao ư, tôi cũng không biết nữa, truyền thống là như thế đó: you accept it without questioning!

Khi lấy chồng, thì về nhà chồng (cũng người Bắc) có ăn thêm mấy loài cá sau: cá nục, cá bạc má, cá ngừ, cá cơm. Hiểu biết của tôi về cá (ăn được) tăng thêm được một chút. Nhưng trong biết bao loài cá được bán, gia đình bên chồng tôi cũng chỉ ăn mấy loại vậy thôi. Tại sao ư? Cũng không biết!

Cho nên rõ ràng là lâu lâu người ta cũng cần phải có một biến cố gì đó, ví dụ như ... lập gia đình (!!!), hoặc ra sinh sống ở nước ngoài, hoặc có những người bạn rất khác mình, để có cơ hội mà nhìn lại những gì mình chấp nhận như truyền thống, và đặt lại câu hỏi về giá trị của nó. Để thay đổi, nếu cần.
Hình con cá ngựa (seahorse) này trên wikipedia đó, đẹp ghê chưa, đem lên đây cho xôm tụ!

Cá sông còn mấy loài nữa có họ hàng với nhau mà tôi biết là cá hú, cá tracá vồ (?) (phát âm là cá dzồ, giống như cách phát âm từ "dzô" khi uống bia "chăm phần chăm" ấy), ngoài chợ thì bán dưới tên là cá bông lau (bụng trắng phếu, da trắng, vây đỏ), bây giờ hay gọi là cá da trơn hay cá basa ấy, thì ngày xưa mẹ tôi dứt khoát không ăn vì nỗi ám ảnh cầu cá!!!! Nhưng bây giờ thì tôi cũng ăn, vì ủng hộ hàng VN mà, đặc biệt là hồi Mỹ tẩy chay cá basa của VN vì nói là bán phá giá, nên các nhà sản xuất phải tìm cách tiêu thụ trong nước.

Well, lạc đề quá. Quay lại chuyện cá: do thói quen đã nêu trên, nên vốn từ vựng của tôi về cá, mà nhất là cá biển, vô cùng ít ỏi.

Vốn từ về cá trong tiếng Việt ngoài những loài cá đã nêu ở trên còn được thêm có vài con nữa, chủ yếu do chúng xuất hiện trong thơ, văn, trò chơi dân gian, hoặc trong ... thực đơn của nhà hàng, đó là:
- cá mè (cá mè một lứa),
- cá sấu (trong trò chơi: cá sấu lên bờ; well gần đây tôi đã được ăn thịt cá sấu rồi và thấy nó rất ngon!),
- cá chẽm (cá chẽm chưng tương, ngon!),
- cá đuối (nghe nói có roi làm bằng đuôi cá đuối?),
- cá đối (là cá gì không biết?),
- cá chim (chim thu nụ đé, 4 loài cá biển thịt ngon),
- cá thác lác (chà, con này thì ăn hơi nhiều nhưng chỉ biết con cá đã bị xẻ thịt, và thịt đã được nạo ra chứ không biết cả con cá còn sống trông như thế nào),
- cá bống (nổi tiếng trong chuyện tấm cám, cũng đã từng ăn cá bống kho tiêu, rất ngon),
- cá linh (hồi mấy năm đầu sau ngày thống nhất thì đây là loài cá rẻ tiền, nhưng sau này hình như bị đánh bắt cạn nguồn rồi nên trở thành đặc sản rất mắc tiền),
- cá mai (làm gỏi, ăn sống, ăn rồi nhưng chưa thấy con cá sống bao giờ) ...

Chà chà, kể một hồi thấy kiến thức về cá của tôi cũng ... khá hơn tôi tưởng nhỉ?

Vốn tiếng Việt về cá đã ít, thì hỏi làm sao mà có nhiều từ tiếng Anh cho được. Nên lâu nay tôi hoàn toàn yên tâm (!) với vốn từ song ngữ Anh-Việt/Việt-Anh về cá ít ỏi mà tôi (tưởng mình) biết như sau:

+ cá thu = cod (?) (cái này hay thấy trong cụm từ: dầu gan cá thu: cod liver oil) Nhưng mà trời ơi, tôi mới tra trong "baamboo tra từ" thì nó dịch con "cod" này ra thành con "cá tuyết", mà cá tuyết là gì thì tôi hoàn toàn chưa nghe trong tiếng Việt quý dzị ạ!
+ cá thu = mackerel có lẽ mackerel mới đúng là cá thu, chứ không phải cod!
+ cá ngừ = tuna Nhưng trong "baamboo tra từ" thì cả mackerel lẫn tuna đều được dịch là "cá ngừ"! Thôi thì ta cứ chọn mackerel làm cá thu và tuna làm cá ngừ vậy!
+ cá mòi = sardine
+ cá hồi = salmon, chỉ thấy trứng cá hồi chứ chưa thấy con cá hồi nào bao giờ!
+ cá basa = catfish (có nhiều loại lắm nhưng gọi chung là catfish thôi!)Còn theo SGK - comment bên dưới - thì có thể gọi nó là basa fish? Cái này SGK nói, không phải tôi!
+ cá cơm = anchovy (hay được dùng để làm topping của pizza)
+ cá trê = mud fish (cái tên nghe ... rùng rợn quá, làm sao Tây dám ăn cá này nhỉ?)
+ cá mập = shark
+ cá heo = dolphin
+ cá sấu = crocodile (cá sấu châu Mỹ là alligator?)

Hình như hết rồi đó. Vốn liếng tiếng Anh về cá của tôi (sau khi được bạn bè và Internet cập nhật lại) cũng chỉ được vậy thôi, bà con ơi!

Vậy nên hôm nay nhận được câu hỏi bâng quơ của bạn tôi (bạn ảo) thì tôi ... choáng váng! Bèn lên Internet tìm, và ... càng hoảng hơn nữa khi thấy sự đa dạng của các loài cá. Ví dụ như chỉ riêng cá da trơn thôi đã phức tạp như thế này, xem ở đây. Nên mới có cái tựa entry này: Trời ơi, cá!

Câu hỏi bâng quơ của bác, Tám ạ, em xin chào thua không dám trả lời đâu! Nếu bác rảnh, bác tìm hiểu về cá, rồi dạy lại cho em, em sẽ cố học bác ạ, nếu trí nhớ già, hoạt động theo kiểu nghịch thường này của em cho phép em có thể học!

Hic hic!

Viết lăng nhăng quá, nhưng mà để giảm stress, chống lão hóa mà!
Con cá này, tôi thấy giống cá bạc má, chẳng rõ có đúng không nữa? Trên Internet, họ gọi nó là con tuna, hu hu hu!
Tra trên mạng thì thấy "cá bạc má" là Indian mackerel, "cá thu Ấn độ" (?)
Con này là con cá ngựa, tiếng Anh là seahorse (ngựa biển), nghe hay hông các bác?
--
Viết thêm:
Nhân đọc về cá nên tôi tìm thấy vài thông tin tôi cho là khá ... thú vị (?) về cá ba sa của VN xuất khẩu ra nước ngoài, đưa lên đây để lưu và giới thiệu với mọi người.

1. Bài viết "Don't eat this fish!", ở đây. Đọc xong thấy kinh hoàng quá, và không hiểu nó có nói đúng không? Các nhà xuất khẩu thủy sản của VN ơi, đọc đi mà biết đường đối phó nhé. Nếu họ nói đúng chỗ nào thì phải sửa chữa ngay, thời đại toàn cầu hóa rồi, VN đã là một thành viên của WTO còn gì nữa???

À mà trong này họ gọi cá basa của mình là Vietnamese cobbler fish đấy. Học thêm được một từ.

2. Trang pangasius-vietnam.com, với nhiều thông tin về các loại cá da trơn xuất khẩu của VN. Trong đó có bài "Oppose definition of catfish to include Vietnam's pangasius", ở đây. Đọc kỹ có lẽ sẽ thấy các thông tin có thể phản biện bài 1 ở trên, hy vọng thế.

3. Trang thefishsite.com, thấy có nhiều thông tin cần thiết cho giới xuất khẩu thủy sản của VN (tôi đoán thế), với bài này ở đây, có vẻ phấn khởi cho các nhà sản xuất VN, in spite of the difficulties that we have heard about. Cá tra VN ơi, cố lên!

4. Bài này hay, nói về ngộ độc khi ăn các loài cá biển, và có nói đến khó khăn trong việc dịch các từ liên quan đến cá sang tiếng Việt, ở đây. Nhân tiện, BS Hồ Văn Hiền này có liên quan gì đến BS Hồ Văn Hải nhà ta không nhỉ?
--
Cập nhật cuối cùng cho entry này (vì mệt lắm rồi, nếu có gì mới thì sẽ cho vào entry mới thôi!):

Albacore chính là cá ngừ, Tám ơi. Hình của nó, lấy từ wikipedia, dưới đây nè. Các bác vào đây để đọc thêm về nó nhé.
Phải con albacore đây không, Tám?Hurrah, nó đây rồi, không phải 1, mà 6 chú lận. Còn chú đuôi vàng là Yellow Tail, thấy không, dịch từng chữ là xong, dễ ợt hà!:-) Hình do Bà Tám cung cấp.