Phải nói ngay, kẻo bị hiểu lầm: Tôi hoàn toàn không kỳ thị Nam, Bắc. Kỳ thị làm sao được, vì tôi gốc Bắc, mà sinh sống ở miền Nam, chơi toàn bạn Nam, ở khu người Nam, đi chợ chỉ nói toàn tiếng Nam (ủa, dzậy chớ mấy người đọc blog của tui hống thấy tui xài rặc tiếng Nam sao?), nhưng ở nhà thì nói tiếng Bắc, ăn kiểu Bắc (well ít ra là khi bố mẹ tôi còn sống), viết lách, đi làm, đi dạy thì dùng tiếng Bắc. Một kiểu code switching đây mà.
Nhân tiện mở ngoặc chút, có ai muốn dùng tôi làm điển cứu về ngôn ngữ không, tôi đồng ý cho nghiên cứu đó, miễn sao viết về tôi thật hay, thật tốt là được rồi. Mà tưởng gì chứ viết tốt về tôi thì ... dễ thôi, tôi tốt lắm mà, hi hi hi.
Dzậy chớ níu không kỳ thị thì mắc cái chứng gì mà dziếc cái entry có tựa kỳ cục góa dzậy? Ừ thì ... well, tôi đi học, rồi đi dạy học, lại học ngôn ngữ, một thời gian dài trước khi chuyển sang làm cái nghề ... mắc dịch (!) là đánh giá chất lượng (có đâu mà đánh, bởi dzậy mới kiu là nghề mắc dịch!) thì các hiện tượng ngôn ngữ, ví dụ như code switching mà tôi nêu ở trên, vốn là đối tượng quan tâm của tôi. Mà từ nhỏ lậng!
Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ rõ hồi mới vào học lớp 6 ở trường Gia Long, một ngôi trường nổi tiếng là có truyền thống Nam Bộ, sự khác biệt về ngôn ngữ gây cho tôi nhiều khó khăn và khó chịu trong giao tiếp hàng ngày ghê gớm. Có một lần, nhỏ bạn thân (ngồi cùng bàn) hồi lớp 6 có đưa ra một câu đố vui: đố biết rùa bò ngang mả có mấy chân? Thế là tôi với nó cãi nhau một trận tưng bừng, vì mặc dù tôi hiểu nó muốn đố cái gì (rùa + bò + ngan + mã), nhưng tôi dứt khoát không chịu 2 con sau (làm gì có con ... ngang mả????), và dứt khoát đáp án đúng chỉ là rùa + bò là 8 chân thôi! Vì tôi nói, tụi bay nói sai chính tả mà còn bày đặt đố! Và thế là nó giận tôi mất mấy ngày trời!
Cũng với con nhỏ bạn lớp 6 này, tôi còn một dzụ cãi lộn nữa, là về tôn giáo. Nhỏ bạn tôi đạo Phật, dường như sùng đạo lắm. Còn tôi đạo Thiên chúa (hay còn gọi là Công giáo, theo cách tự nhận mình là ... công, tức phổ biến, giống như ... công cộng ấy), và hồi ấy còn nhỏ và ngu ngơ, nên không biết đã có lời khuyên là không được tranh cãi về chính trị và tôn giáo nếu không muốn mất tình bạn.
Cãi tới cãi lui bất phân thắng bại, nhỏ bạn tôi tung ra một cú "hạ độc thủ": "Tao không thích người theo đạo Chúa, họ theo đạo bỏ ông bà!" Cú đó tôi nghe xong đúng là bị đo ván, vì ... tôi hoàn toàn không được chuẩn bị lập luận cho chuyện này, cũng chẳng nghĩ ngợi gì đến nó, mà về nhà cũng chẳng (dám) hỏi cha mẹ, nên sau này chỉ mình tôi lẳng lặng tìm hiểu một mình...
Quay trở lại cái tựa của entry này. Sao hôm nay tôi lại nhắc đến chuyện Bắc, Nam ở đây? Chẳng là, tôi mới đọc được một entry mà theo tôi là rất hay, nói về cách phát âm sai chính tả (!) của người miền Nam, đặc biệt là ở mấy từ như Việt (Nam) mà người miền Nam hay đọc là Yiệc (Nam), hoặc Byiệt (Nam). Mở ngoặc nói thêm: tôi chúa ghét (sorry) người nào đọc âm "v" trong từ Việt thành âm "by" như trong ví dụ trên. Vì ... nghe nó sao sao ấy, kỳ quá! Mà hình như các phóng viên đài truyền hình TP Hồ Chí Minh có thói quen (mốt?) đọc như vậy (byậy) hay sao ấy? Tui khó chịu lắm rồi đó nhen! (đùa chút xíu!)
Bài viết ấy, nó ở đây nè. Link nè (để chép ra cho tiện): http://daquydalatian.blogspot.com/2010/05/vu-lich-su-viet-nam-yiec-nam-byiet-nam.html. Mọi người ráng vào đọc đi, hơi dài nhưng hay lắm, bảo đảm không tiếc công đâu.
Còn ai làm biếng quá không chịu đọc (gì chớ làm biếng thì tui rất thông cảm, giống tui lúc này góa hà), thì dzầy: tôi đồng ý với tác giả bài viết là phương ngữ miền Nam, tức đàng trong, chính là nơi lưu giữ lại các âm cổ của tiếng Việt (tiếng Yiệt hoặc tiếng Byiệt). Và lạ lùng thay, cũng miền Nam này, nơi bị Pháp trực tiếp đô hộ, là thuộc địa thuộc Pháp, nơi người dân sống, ăn, ngủ, nghĩ kiểu Tây, nói tiếng Tây ì xèo, nhưng cũng là nơi tinh thần dân tộc chủ nghĩa (có thể hơi hẹp hòi một chút chăng, nhưng có lẽ cũng dễ hiểu, để tự vệ mà) lại rất cao, cao kinh khủng! Chẳng thể mà mới đồng khởi, rồi mới theo cách mạng, rồi mới ... vào mặt trận giải phóng miền Nam, và sau đó thì ai cũng biết rồi. Điều này, có lẽ tất cả chúng ta đều phải suy nghĩ.
Nghĩ, để hiểu cái phản ứng tự vệ của người miền Nam, vì với con mắt của một người vừa bên trong vừa bên ngoài như tôi, tôi thấy người miền Nam có chút gì mâu thuẫn (nhưng mâu thuẫn một cách đáng yêu): vừa rộng rãi, phóng khoáng, tư duy mở (mảnh đất melting pot của VN mà, giống như Mỹ dzậy đó), mà cũng vừa có chút gì hẹp hòi, địa phương, kỳ thị, cục bộ (đừng chửi tui nhe, mấy mẹ, tui cũng người Nam nè! Tự soi mình, coi có gì sai thì sửa cho tốt hơn thôi nhe, tui hổng có ý gì hết trơn á! Chửi tui là tui chửi lại cho coi, tui cũng dữ tợn lắm, nhen, dân chợ Ông Tạ đó! Phù ... sợ chưa?)
Còn người Bắc thì sao? Cái tựa này tôi ghi người Bắc, người Nam mà, sao toàn nói người Nam thôi, không nói gì đến người Bắc hết? Ừ nhỉ, nhưng mà hết giờ rồi, viết một "chúc" vào sáng sớm rồi thôi, giờ phải lo đi làm chớ! Hẹn khi khác dzậy!
Nhưng không biết khi nào mới viết được về người Bắc đây? Nói nhỏ nghen, coi chừng người Bắc họ nghe thấy: tui thấy người Nam dễ thương hơn, thú vị hơn, rộng rãi hơn, mà cũng ... ngây thơ hơn, dễ bị ... lừa hơn, vì họ đã coi là bạn thì mở toang cửa lòng ra, bạn bè trên hết, tứ hải giai huynh đệ mà! Phải dzậy hôn?
Í mà từ dễ thương cũng là từ miền Nam phải hôn? Đúng rồi, miền Bắc (hồi đó, chưa thống nhất) đâu có cái từ này? Thấy chưa, miền Nam dễ thương thiệt chứ bộ!
Vài giòng linh tinh buổi sáng, chúc mọi người một ngày tốt lành!
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Chơi gì mà hổng dzui chút nào hết dzậy? Đang không làm mất trớn hà. Làm cứ ngồi hồi hộp chờ nghe "Người Bắc" ra sao mà hổng thấy gì ráo trọi nè ...hic ..hic ..hic .....
Trả lờiXóaHổng dziết tiếp là DQ nhào ra viết ké thì cô/chú ráng chịu nhen .......hù ..hù
PS: Úi quên, mém tí nữa là quên cám ơn ông/bà Tư đã khiêng bài viết kia qua bên này lun nhen. Bài đó tuy dài nhưng đọc đến đâu, thấm đến đó phải hông nè? (quảng cáo típ heng)
cám ơn cô bắc kỳ nho nhỏ.
Trả lờiXóatui bị người bắc chê: người miền nam dể dải.
hổng cho lấy con gái họ.
làm như dể là có tội.
tui.
Chào chị Dã Quỳ,
Trả lờiXóa(Đoán dzậy hổng biết đúng hôn?)
Ông Tư đây sẽ tiếp tục dziếc dzề người Bắc mà, nhưng phải chờ có hứng chúc chớ!
Còn DQ có hưởn thì cứ dziếc, mình share nhau, tứ hải giai huynh đệ mà phải hôn? Mà, Dã Quỳ, ở Yiệt Nam người ta kiu là gì biết hôn? Là ... Quỷ Già đó!
BTW, Ông Tư đây 5 bó rùi, hổng hiểu Quỷ Già bao nhiu tuổi, để Tư đây kiu cho nó tiện, được hôn?
Chào "Tui",
"Tui" ơi, "tui" là ai dzậy, phải người guen cũ hôn? Người mà ngày xưa theo cô Bắc Kỳ nho nhỏ trường Lê Dzăng Yiệc á?
Cô Bắc kỳ nho nhỏ này bi giờ thành bà bắc kỳ to to (chưa kể già già nữa) rùi, tiếc gúa hén?
Dể đâu phải là cái tội, đúng rùi. Ông bà người Bắc nào đó, cha mẹ cô Bắc Kỳ nho nhỏ nào đó, xưa xửa xừa xưa rồi, kệ nó đi "tui" ơi. Si nghỉ làm chi cho nó mệt óc, "tui" hé?
Ông Tư
Bài "Vụ Án Lịch Sử: Việt Nam-Yiệc Nam-Byiệt Nam của Trần Thị Vĩnh Tường thật có giá trị văn học cùng lịch sử ngôn ngữ. Đề tài Nam Bắc của Ông Tư nhắc lại những kỷ niệm về ngôn ngữ bất đồng sau trận di cư hồi 1954 ở miền Nam, cùng nhiều gây gỗ trẻ con về miền này miền nọ cũng như đạo tao đạo mày và những mối tình Nam Bắc thời học trò. Hồi đó 8 đây là người Bắc di cư nhưng hoàn toàn không nhớ 1 kỷ niệm nào từ quê cha đất tổ hết, từ từ lớn lên trong môi trường chia rẽ hoặc nghi kỵ, nhưng từ từ được "đồng hoá" ít nhiều và không biết từ từ lúc nào.
Trả lờiXóaMột kỷ niệm luôn nhớ mãi về mối tình thời trung học với 1 bạn học cùng lớp quê ở Mỹ Tho, nhà thì ở Củ Chi mà hằng ngày đi học ở Gia Định... thế mới lạ. Nhớ 1 lần đi thăm "người xưa" ở Củ Chi, khi chạy Honda ngang qua mấy vườn cao su bị quân "Du Kích" bắn sẻ, phúc đức ông bà để lại nên xe chỉ bị trầy xước chút đỉnh, nhưng vì 1 cái gì êm ái đó nên vẫn không sợ trong những dịp hẹn hò sau. Chuyện trớ trêu là sau ngày 30/4 người xưa Nam Kỳ này nhờ với nhiều công trạng "nằm vùng" nên được chính quyền Hà Nội cấp nhà cao cửa rộng cùng chức vụ "khủng" trong nghành giáo dục ở thành phố mang tên Bác; cùng thời gian đó 8 đây lại di cư và lại định cư thêm 1 lần nữa ở miền Nam Cali., và rồi hơn 20 năm cách biệt theo cuộc đời bèo trôi...... Diễm phúc trong đời được thưởng thức hoa quỳnh nở đêm được thêu dệt trong nhiều bản nhạc và thơ văn cùng những chi tiết thú vị thanh tao trong những câu chuyện về Hoa Quỳnh nở về đêm. Hình như lạc đề? Và Bắc-Nam, Nam-Bắc có vẻ phức tạp, lộn xộn phải không?
Thân mời các bạn xem cụm hình Hoa Quỳnh Nở Ban Ngày và thưởng thức bài Chuyện Đóa Quỳnh Hương của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương trình bầy, trích từ CD Trịnh Công Sơn - Đêm Thần Thoại của Phương Nam Film; cũng như đoạn kết của 1 mối tình Nam Bắc thời học trò của 8 đây.
http://christvu.tumblr.com/ (Tuốt dưới chót)
Bà 8
Ông Tư ui,
Trả lờiXóaTư này là gọi theo kiểu người Bắc hay người Nam hơ? :) :) ..
Tính theo tuổi của ông Tư, nếu DQ xưng hô theo kiểu người Bắc thì sẽ gọi là Bác Tư nhá. Còn nếu xưng hô theo kiểu người Nam thì sẽ gọi là Chú Tư hay Anh Tư thui nhen. :) :)
Dzậy đó, xong chuyện xưng hô rồi, qua chiện "Bắc/Nam" tiếp nhen.
Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ
Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi
Ôi ! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm
Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh
Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc nàm Nấy Nệ
Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc Vạc tre, Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre,
Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bãi, Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng
Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá dại, Nam thì Ngu ghê
Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh
Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi ! Bắc hô: cút xéo.
Bắc bảo: cứ véo ! Nam : ngắt nó đi.
Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn !
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác
Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay.
Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó.
Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú
Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi !
Bắc mới tập bơi, Nam thời đi lội.
Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy Sướng Phê, Nam rên Đã Quá !
Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc.
Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng.
Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo.
Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa.
Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam : Thơm Thơm đậu phọng
Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét «hổng chịu đèn», Bắc vặn mình «em chả»
Bắc giấm chua «cái ả», Nam bặm trợn «con kia»
Nam mỉa «tên cà chua», Bắc rủa «đồ phải gió»
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi
Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê sô
Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm.
Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan
Bắc xuýt xoa “Cái Lan xinh cực !”,
Nam trầm trồ “Con Lan đẹp hết chê !”
Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu …
Quên một chiện nữa nà:
Trả lờiXóaĐâu cần ở Yiệt Nam thì Dã Quỳ mới là Quỷ Già đâu. Ở đâu cũng rứa thui à. :) :) ...hahahaha ....
Chào Bà Tám,
Trả lờiXóaCám ơn hồi ức của Bà Tám. Không hiểu Tư có bị méo mó nghề nghiệp không, nhưng những ký ức tản mạn của Tám làm Tư đọc ra tùm lum các ý nghĩa mà Tư đây cũng chẳng rõ là Tám có định nói hay không nữa. Thật là đúng lý thuyết: một tác phẩm sau khi đã được công bố thì việc hiểu nó là tùy thuộc vào từng độc giả, lúc ấy họ trở thành đồng tác giả của tác phẩm đó (vì chữ là của tác giả, nhưng nghĩa thì của độc giả đọc ra!). Thuyết "kiến tạo", constructivism đó, hình như dzậy!
Guỷ già ơi,
Chèn ơi, còn trẻ dzậy mà viết lách sao nghe nghiêm chỉnh góa nên goa đây tưởng nhầm là Guỷ già đã già thiệt rồi chớ! Thôi được rùi, tui là Chú Tư đi, còn Quỷ già là em nhen!
Mà bài thơ tình Bắc duyên Nam của Quỷ già ấn tượng góa chừng chừng luôn! Ghét ghê, hổng lẽ ta lại đưa thêm bài thơ đó lên thành một entry, tức là lại phải goảng cáo thim cho Quỷ già hay sao hè?
Bạn bè đến nhà đông đúc, dzui ghê! Thanks nhen! And see you!
PA
Hé lô Ông Tư,
Trả lờiXóaChắc chưa bị méo mó nghề nghiệp riêng Tư đâu, vì "Constructivism" cùng thuyết "Nghi Ngờ" luôn rất đặc thù ít nhiều với "gái Bắc" trước ngày 30/4. Theo ký ức cùng kinh nghiệm xương máu của 8 đây thì con số 8 thường trở thành 9, 10, 11, 12, 13.... cùng dấu cộng trừ tùy lúc trong ngày với "gái Bắc", nhưng hoàn toàn ngược lại với "gái nam" vì luôn là 8 cộng hoặc bé hơn tí chút. Thế rứa!
Thực ra 8 đây thường trốn mấy lớp thơ văn thời trung học nên nhớ sao gõ vậy người ơi, cũng như vì không nháp sửa nên nhiều lúc đọc lại cũng tự thấy kì kì hoặc có tí hào hứng với what-ifs này hoặc chấm hởi hỏi chấm này nọ. Hehehehehe.
Bà 8
Góp ý với tác giả một chút xíu cho nó rặt miền nam:
Trả lờiXóaPhải nói ngay ->phải nói liền, phải nói trắng ra
đối tượng quan tâm -> chuyện trước mắt (mấy từ này sau 75 tôi mới nghe)
giao tiếp -> xã giao
chân -> cẳng
mất mấy ngày trời-> tốn mấy ngày luôn
hồi ấy -> hồi đó
ngu ngơ -> khờ
cũng chẳng -> không dám, không thèm
nghe nó sao ấy -> thấy nó sao sao, thấy nó kỳ kỳ
đùa -> giỡn
vào -> vô
tiếc công -> uổng, phí sức
dữ tợn -> dữ quá trời
lừa -> gạt