Mấy bài thơ dạy đạo đức của thời tiểu học:
Một hôm chủ làm cơm thết khách
Bảo người nhà liệu cách thịt chim.
Thưa rằng: Xin chủ định xem
Một đôi chim gáy, chả nem con nào?
Một con thì tiếng cao, giọng tốt
Một con thì kêu hót không hay.
Chủ rằng: Còn hỏi chi bây?
Con không biết gáy cho mày vặt lông!
Chim bị giết vì không biết gáy,
Người không tài lấy đấy làm gương!
Bài này nhằm răn dạy trẻ em gắng học, vì nếu không, sẽ bị chủ "bảo người nhà liệu cách thịt chim", thì ... tiêu đời! Sợ lắm, hic hic hic.
Chó rừng tham ăn hay nuốt vội
Nhân một khi vui hội anh em
Miếng ngon đương lúc miệng thèm
Chưa trôi miếng gối đã thêm miếng đầu.
Phải cái xương mắc sâu trong họng!
Phúc mười đời cò bỗng đi qua.
Chó rừng mới gật chị ta
Đến ngay, thò mỏ móc ra một hòn!
Chế giễu tính tham ăn. Bài này cả nhà tôi hiện nay, cha mẹ con cái đều thuộc. Khi nào ai đó ăn uống vội vàng, bị nấc cục chẳng hạn, thì thế nào cũng bị người khác diễu, hoặc tự diễu mình, bằng câu "chó rừng tham ăn hay nuốt vội"!
Thằng Tư nghịch láo
Cột pháo đuôi dê
Khiến dê hoảng sợ
Dê chạy lung tung
Húc trẻ xô hàng
Trẻ sang mách mẹ
Chú bé bị quỳ.
Bài này dạy trẻ em cái gì thì đã rõ! Hồi nhỏ, sao mà tôi ghét cái "thằng Tư" trong cái bài thơ (vè) này thế không biết? Ai dè lớn lên gặp ngay một Ông Tư! Đúng là ghét của nào ...
Lão tiều vác củi cành một bó
Tuổi đã nhiều niên số lại cao
Lặc lè chân đá chân xiêu
Lom khom về chốn thảo mao khói mù.
Tủi thân phận kỳ khu khó nhọc
Đặt bó xài ở dọc lối đi
Than rằng: "Sung sướng nỗi gì!
Khắp trong thế giới ai thì khổ hơn?
Bữa no đói luôn cơn buồn bã
Vợ nào con, vất vả trăm chiều
Hết thuế lính lại thuế sưu
Quanh năm khách nợ, còn điều gì vinh?
Hỡi thần Chết, thương tình chăng tá
Đến lôi đi cho đã một đời!"
Chết đâu dẫn lại tức thời,
Hỏi: "Già khi nãy kêu vời lão chi?"
Lão tiều thấy cơ nguy cuống sợ:
"Nhờ tay người vác đỡ lên vai!"
Bài này là ngụ ngôn La Fontaine đấy, cũng như bài về Chó rừng tham ăn .... Tôi có một kỷ niệm rất vui với bài thơ này. Khi mới vào lớp 6 trường Gia Long, tôi rất mặc cảm vì dân tỉnh lẻ. Hồi ấy Gia Định là một tỉnh nằm bên cạnh Sài Gòn là thủ đô. Tôi nhớ năm đó khi vào học, trường bảo khai địa chỉ, thì các bạn tôi ghi, vd: 124 Trần Bình Trọng, Sài Gòn 5 hay 236 Phan Thanh Giản, Sài Gòn 3, thì tôi ghi: 2/27 Ấp Nam Hòa, Xã Tân Sơn Hòa, Tỉnh Gia Định (chỗ này là gần Khu Cư xá Bắc Hải đấy các bạn, bây giờ là khu vực giáp ranh giữa Quận 10 và Quận Tân Bình, hình như thuộc Quận Tân Bình). Bạn bè cùng lớp ngạc nhiên lắm vì sự khác biệt về địa chỉ giữa tôi và chúng.
Quay trở lại bài thơ. Hôm ấy là buổi học đầu tiên của môn Giáo dục công dân, cô giáo tôi tên là cô Uyển, lớn tuổi rồi, nói tiếng Bắc, giảng bài một hồi thì có nhắc đến ngụ ngôn của La Fontaine liên quan đến câu chuyện người tiều phu này (hình như giảng về sự lạc quan). Cô dừng lại hỏi, ai biết chuyện này thì kể cho cả lớp nghe. Tôi biết! Vì đã học thuộc bài này từ bé. Nhưng, vì ... thấm đẫm cái văn hóa phong kiến ca ngợi sự vô danh, cộng thêm văn hóa Công giáo ca ngợi sự khiêm tốn và ... vâng lời (= không có ý kiến riêng, không khẳng định chính mình), và cũng vì mặc cảm dân tỉnh lẻ, nên tôi không dám giơ tay. Cả lớp cũng không ai giơ tay cả.
Cô có vẻ thất vọng, hỏi lại mấy lần, và nói em nào biết cô sẽ cho 20 điểm (lúc ấy dùng điểm trên 20). Thế là tôi giơ tay mà tim đập loạn xạ. Khi được mời, tôi vừa kể vừa thở hổn hển, vì không quen nói trước công chúng. Nhưng mà cũng kể xong, dù có lẽ không đầu không đuôi. Và được cô rất khen, được 20 điểm, và từ đó, còn được cô nhớ đến trong một cái lớp học gần 60 học sinh lận (thời đó, ngay cả Gia Long cũng có lớp học 50-60 học sinh, nên mới phân chia xóm nhà lầu - mấy bàn đầu - và xóm nhà lá - mấy bàn cuối.)
Đấy, một vài kỷ niệm thời tiểu học. Có cái gì cho chúng ta học để áp dụng cho thời nay không nhỉ, thời bạo lực học đường và tham nhũng học thuật tràn lan???
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hồi tiểu học tớ thích cách dạy đạo đức của thầy tớ mỗi cuối tuần thầy đọc 1 chuyện trong cuốn: "Tâm hồn cao thượng" của cụ Hà Mai Anh dịch.
Trả lờiXóaem thích những bài thơ trong này lắm, cám ơn Cô.
Trả lờiXóathời của cô và ba mẹ em hay thật, chỉ vài vần thơ đơn giả đã dạy được nhiều bài học gần gũi và bổ ích. Ba mẹ em cũng còn nhớ nhiều bài thơ thuở tiểu học giống như cô, còn bọn em thì đành chịu, không có bài thơ nào đi sâu vào tiềm thức như vậy (lại đổ lỗi cho ngành GD, cô nhỉ?). Thời của em đã bắt đầu tệ (môn GDCD), thời sau em thì thôi, không phải bàn nữa :-(
Thời bạo lực và tham nhũng, người ta chỉ nghĩ đến đề án đưa môn chống tham nhũng vào trường học mà lại quên rành hiệu quả của nó sẽ chẳng bằng những câu thơ dễ đọc, dễ thuộc kia.
Em thích bài đầu nhất, "chim bị giết vì không biết gáy" :-)
Bác Hải,
Trả lờiXóaVâng, tôi cũng rất thích Tâm hồn cao thượng của Hà Mai Anh dịch. Hồi đó tôi còn nhớ là rất mê 2 cuốn truyện dịch: Trong gia đình và Vô gia đình nữa. Chẳng nhớ tên tác giả lẫn tên dịch giả gì cả!
Xuxu,
Cám ơi còm động viên cuả em!
Bài thơ đầu tiên cô cũng rất thích, nhưng không biết có phải cùng lý do với em không?
Em biết đấy, cô già như thế chứ vẫn còn ... ngu ngu nhiều chuyện lắm, thường xuyên bị ... móc lò, lỡm ... mà không biết.
Nên bây giờ cô rất cảnh giác, chẳng hiểu "chúng" có lỡm mình cái gì không?
Nghĩ đi, nghĩ lại thấy thông cảm với nhà nước lắm: giống như cô ấy mà, chẳng hiểu có ai nói cạnh nói khóe gì mình không. Nên luôn phải cảnh giác ...
Chúc vui, khỏe Xuxu nhé!
nếu luôn cảnh giác vậy thì mệt, cô nhỉ?
Trả lờiXóaEm cũng chúc cô vui khỏe. Em sẽ đón đọc tiếp những entry về thơ và thời tiểu học của cô.