Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Lá diêu bông

Entry này chỉ chép lại một bài thơ mà tôi yêu thích của nhà thơ Hoàng Cầm vừa quá cố. Bài thơ đã được rất nhiều biết đến qua bài hát cùng tên do nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc.

Lời bài hát có lẽ cũng rất hay, nhưng theo tôi bài thơ của cố thi sĩ Hoàng Cầm hay hơn rất nhiều lần - ít lời hơn nhưng lại nói được nhiều hơn.

Trên tờ Tuần Việt Nam hôm nay có bài viết bình bài thơ này cũng rất hay, ai quan tâm có thể đọc ở đây.
--

Lá diêu bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.

Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.

Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.

Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười se chỉ ấm trôn kim.

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.

Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!

10 nhận xét:

  1. Phương Anh ạ ,

    Phạm Duy cũng phổ bài thơ này.

    Bài của PD , mình chép lại dưới đây , PA đọc xem có thấy nó gần gũi hơn với ý thơ của Hoàng Cầm hơn là bài của Trần Tiến không

    Ðứa nào tìm được lá diêu bông
    Từ nay tao sẽ gọi là chồng
    Tao sẽ gọi là chồng
    Ðứa nào tìm được lá diêu bông...
    Vài ngày sau em tìm thấy lá
    Chị chau mày : đâu phải lá diêu bông!
    Mùa Ðông sau em tìm thấy lá
    Chị lắc đầu nhìn nắng vãn bên sông.

    Ðứa nào tìm được lá diêu bông
    Từ nay tao sẽ nhận là chồng
    Tao sẽ nhận là chồng
    Ðứa nào tìm được lá diêu bông...

    Ngày cưới Chị, em tìm thấy lá
    Chị mỉm cười, se chỉ, cắm trôn kim
    Chị đã ba con, em tìm thấy lá
    Xoè tay, phủ mặt, Chị không nhìn...

    Ðứa nào tìm được lá diêu bông
    Thì từ nay tao sẽ gọi là chồng
    Tao sẽ gọi là chồng
    Ðứa nào tìm được lá diêu bông...

    Phuong Khanh
    . . . . . .
    Từ thuở đó, em cầm chiếc lá
    Nơi đầu non cuối bể, em đi
    Lời vi vút gió quê lắng gọi
    Diêu bông hời hỡi diêu bông
    Em đi trăm núi nghìn sông
    Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ...

    Trả lờiXóa
  2. Ồ , xin lỗi !

    Sao cái tên của mình nó lại "lọt" vào giữa lời bài hát của PD vậy , hỗn hào quá , PA có sửa được thì sửa giúp mình nhé.

    Rất cám ơn

    Phương Khanh

    Trả lờiXóa
  3. Hi chị Phương Khanh,

    (Lạc đề tí: Em thích cái tên của chị lắm đấy, thích từ nhỏ lận! Hồi đó, em không thích tên của mình, Phương Anh, vì ... con gái ai lại tên Anh. Nên cứ mong mình được đổi tên là ... Phương Khanh!)

    Bài của PD đúng là gần với bài thơ của Hoàng Cầm hơn. Em chưa nghe bao giờ, sẽ tìm để nghe và so sánh với bài của Trần Tiến.

    Còn việc xóa cái tên của chị nằm giữa bài thơ, kệ nó đi chị! Vì em muốn sửa thì phải chép lại, edit rồi post lên, nhưng sẽ là post dưới tên em. Thì không đúng, phải không chị. Nhầm lẫn tí thôi mà.

    Chúc chị vui, và ghé nhà em thường xuyên hơn.

    PA

    Trả lờiXóa
  4. Bài Lá Diêu Bông của Phạm Duy nghe liêu trai hơn. Nhưng không khoắc khoải, văn chương và buồn tình cho thời con gái của tảo hôn ở VN bằng của Lá Diêu Bông của Trần Tiến tớ bình thế không biết có đúng không?

    Ngoài ra còn có một Lá Diêu Bông của Nguyễn Tiến nó chân quê, mộc mạt và bóng dáng của Nguyễn Bính hơn.

    Trả lờiXóa
  5. Bác Hải,

    Bài của Nguyễn Tiến hay thật, bác ạ. Đúng như bác nhận xét: mượt mà, mộc mạc, chân quê.

    Tôi chưa nghe được bài của Phạm Duy, sẽ nghe rồi so sánh tiếp.

    Nhưng nói gì thì nói, bài thơ của Hoàng Cầm vẫn hay nhất, tôi nghĩ vậy.

    Thơ ... hay quá, đúng không bác? Người ta đâu chỉ sống bởi bánh, phải không? Kinh thánh nói đấy!

    Trả lờiXóa
  6. PA ạ ,
    Đúng là chúng ta không chỉ sống bằng bánh mì , mà còn cần...hoa hồng nữa , có phải không?

    Mình thật là biết ơn...thượng đế , đã tặng cho cuộc đời này những cánh hồng rất xinh xắn, thí dụ như cái blog dễ thương này , và cả người chủ của nó nữa....

    À , PA ạ ,
    Nam Dao có một bài rất hay về Hoàng Cầm
    (http://www.talawas.org/?p=19979)

    PA có thì giờ thì vào đọc nhé , nếu đọc không được thì cho mình biết , minh sẽ chép lại để PA đọc

    (Mình mới vào tới chỗ làm việc , giờ này thì chắc PA đã ngủ khò rồi)
    PK

    Trả lờiXóa
  7. Riêng 8 đây chỉ biết thơ Lục Bát học từ Chuyện Kiều có vần có cú, cũng như thích nghe bài hát "Lá Diêu Bông" tình tứ, chứ 3 bài thơ của Hoàng Cầm, Trần Tiến, Phạm Duy đọc thì thấy hay hay nhưng nếu ai bảo là thơ thì chết wa cũng không chựu nhận với lý do câu cú lung tung, loạn xà bần.

    Trường phái này cao siêu quá cái đầu của 8 đây! Mong các bác, các chú thiếm khai quang và phóng xạ dùm nha.

    Thành kính yêu cầu,

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  8. Bà Tám ơi,

    Chắc là Tám chọn thức ăn vật chất (cá thu ngừ thịt trắng đỏ???) nên chê mấy cái món ăn tinh thần thơ thẩn, thẫn thờ này chứ gì? Nên mới nói đọc hổng hiểu?

    Em là "thật thà, thua thiệt" lắm nghe Tám. Hỏi gì là em nói đó, nghĩa đen ấy. Không biết móc lò, không hiểu khi bị người khác móc lò, như cái dzụ cá ngựa hôm bữa đâu nha!

    Nên Tám biểu "khai quang" thì em khai quang đây. Tám đọc bài này. http://tuanvietnam.net/2010-05-06-da-tat-lang-cay-dan-tho-hoang-cam

    Đọc xong thì hiểu sơ sơ một chút, em nghĩ thế. NÓi túm lại, nhà thơ Hoàng Cầm này "dậy thì sớm", mới 12 tuổi đã yêu thầm một chị, hình như tên là chị Vinh. Nhưng mấy chị lớn lớn ở VN thời đó đâu có thèm để ý đến mấy cu nhóc như Hoàng Cầm 12 tuổi.

    Nên mới có bài thơ để đời đó, Tám ạ.

    (Chà, không biết mình có bị móc lò gì đây không? Lo quá!)

    PA

    Trả lờiXóa
  9. À, chị PK ơi,

    Em đọc bài của Nam Dao rồi. Hay, và ... ly kỳ lắm những việc đi đi, về VN và gặp gỡ các văn nghệ sĩ, trí thức cũ, các NV-GP-ists như Văn Cao, Hoàng Cầm vv.

    Hôm nay thứ bảy rồi, weekend rồi. Chúc chị những phút giây hạnh phúc.

    PA

    Trả lờiXóa
  10. Chị PA ui!

    Thời học trò ai mà chả bắt đầu yêu lúc khoảng 12 tuổi? Hồi nhỏ 8 đây không hiểu tí gì về thơ phú, lớn lên thì luôn nhìn mấy nhà thơ như mấy Thầy Chùa chỉ thích xuất thế, thế thôi.

    Nhờ khai quang cùng phóng xạ thật đấy!

    Bà 8

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.