Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Thầy Khoa

Tôi đã nghĩ mình không nên viết gì thêm về thầy Khoa nữa, vì chuyện của thầy đã có nhiều người viết lắm rồi. Hơn thế nữa, nó là một câu chuyện chẳng có gì vui, dù có xét theo khía cạnh nào đi nữa. Nhưng rồi một câu hỏi của người thân, rằng PA nghĩ gì về việc thầy Khoa, khiến tôi lại phải viết, như một cách trả lời. Dù vẫn nghĩ, việc của thầy buồn lắm, tốt nhất là để yên cho vết thương (lòng) của thầy khép lại.

Ngay từ khi thầy mới "gặp thời" (từ này mượn trong một bài viết nào đó nhắc tới thầy bằng 3 từ rất "đắt": gặp thời, đương thời, rồi ... hết thời), thì câu chuyện xung quanh thầy cũng chẳng có gì vui: lẽ nào có thể vui được, khi một kỳ thi quốc gia quan trọng thế, mà cách ứng xử của sĩ tử và nhà trường thì bát nháo chắc khác gì một cái chợ như vậy?

Rồi đến khi thầy thành người đương thời, tôi cũng thấy câu chuyện thật đáng buồn. Một ông thầy giáo ở trường phổ thông trở thành người đương thời, được giới truyền thông lăng xê lên, việc này không chỉ có ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của ta. Mà ở các nước tư bản giãy chết, ví dụ như hồi tôi ở Úc cũng thấy thỉnh thoảng có thầy cô giáo phổ thông được đưa lên TV như vậy.

Cái khác là ở chỗ: thầy cô của họ nổi tiếng vì có được những tác động tích cực đến học sinh (ví dụ, giúp cho các học sinh là con cái của người nhập cư mau chóng hòa nhập vào cộng đồng, chẳng hạn), thì thầy Khoa của chúng ta lại nổi tiếng, trở thành người đương thời vì ... đã vạch trần được những tiêu cực trong thi cử, bắt được học sinh và nhà giáo vi phạm đạo đức. Càng nghĩ, tôi càng buồn thấm thía, thật chứ. Đương thời theo kiểu thầy Khoa, thì vui làm sao được.

Và đến lúc thầy ... hết thời, thì buồn là đã hẳn. Có ai hết thời mà không buồn. Có sự chấm dứt, sự chia tay nào mà không làm cho người ta ngậm ngùi, dù chỉ là tí chút. Tôi nghĩ, ngay cả khi hai vợ chồng đồng ý đưa nhau ra tòa ly dị, thì khi nhận được tờ giấy ly hôn (tôi cũng chẳng biết nói thế có đúng không, vì tôi là người theo đạo công giáo, nên "ly hôn" là một từ không có trong từ điển của tôi), có lẽ người ta cũng sẽ buồn buồn, ngậm ngùi, thậm chí cay đắng một chút, nếu người ta còn chút gì gọi là lương tâm.

Huống chi, đây là rời một nghề mà mình đã theo đuổi trong một thời gian dài, lại là một nghề ít nhiều có tính lý tưởng, được xã hội trọng vọng (ít ra là trọng vọng theo kiểu ... nói cái mồm!), và thầy Khoa thì còn trẻ, nào đã đến tuổi hưu! Và buồn hơn nữa, là thầy Khoa nghỉ vì môi trường làm việc của thầy đã khiến cho thầy không làm việc được nữa, nên việc nghỉ của thầy cũng giống như bị ép nghỉ vậy. Mà đấy là ngành giáo dục, ngành lẽ ra phải nhân đạo, nhân văn, nhân hậu nhất. Bảo, "làm sao mà tôi không (muốn) khóc cho được" (câu này lấy trong truyện đọc cho trẻ con đi học mẫu giáo thì phải).

Những cái buồn nãy giờ tôi nêu ra chẳng phải chỉ buồn cho thầy Khoa, mà là buồn cho ngành giáo dục của VN: gian lận, tiêu cực đầy dẫy, đến nỗi chẳng ai muốn chống (một người làm thì chỉ như hạt cát trong sa mạc, nào có ích gì, hẳn là ai cũng nghĩ thế). Còn cái buồn riêng của thầy Khoa là thầy không biết khôn ngoan "theo thời", "thức thời", mà lại ngây thơ nghe theo lời hô hào, kêu gọi của một vị đứng đầu ngành giáo dục vào thời điểm ấy, để hăng hái "nói không với tiêu cực và gian lận trong thi cử" (hình như khẩu hiệu lúc ấy là như thế, tôi cũng không nhớ rõ - nói theo ngôn ngữ thời nay thì phải là "tham nhũng trong giáo dục").

Đúng là thầy Khoa không khôn ngoan thật, vì khôn ngoan ra thì phải hiểu những việc hưởng ứng như vậy luôn luôn là top down thì mới thuận chiều: Bộ trưởng kêu gọi, giám đốc sở hưởng ứng và phát động trong tỉnh, rồi hiệu trưởng hưởng ứng và yêu cầu giáo viên làm theo, rồi giáo viên thì tuân thủ vừa đủ cho hiệu trưởng hài lòng nhưng cũng không được đụng chạm đến đồng nghiệp và những người xung quanh. Rồi sau đó thì ... đâu lại hoàn đấy. Thì mới là "biết", ở cái mảnh đất Việt Nam yêu dấu này.

Nhưng thầy Khoa lại không khôn ngoan, hưởng ứng dữ dội quá, lại được lăng xê nữa, nên đã đi trật con đường an toàn mà ai cũng biết rồi. Một khi thầy đã lỡ lộ diện chống đối lại còn nổi cộm như vậy nữa chứ, thì chắc chắn sẽ bị cô lập, bị đàn áp, theo một kiểu nào đấy, thô thiển hay tinh vi, điều này có lẽ cũng chẳng ai lấy làm lạ.

Cuối cùng, sau một thời gian cầm cự, thầy Khoa phải đi đến quyết định xin nghỉ hẳn khỏi ngành giáo dục, thì buồn thay, nhưng cũng dễ hiểu thay, người (đã từng) đương thời của chúng ta chẳng có ai trong ngành nâng đỡ, an ủi, tạo điều kiện tiếp tục làm việc trong ngành cả.

Thậm chí một vị GS trước đây đã từng lớn tiếng ủng hộ thầy và hứa sẽ nhận thầy về làm việc nếu bị o ép và phải nghỉ việc thì nay cũng ... chối phắt, không nhận nữa, vì thầy Khoa ... "bất bình thường". Mọi việc khác, thì tôi không lạ, nhưng phản ứng của vị GS này thì thật sự làm cho tôi hơi bất ngờ. Trời ơi, còn có sự bất nhẫn nào lớn hơn như vậy không, khi thầy bây giờ chỉ còn là một kẻ ngã ngựa, đã mất hết tất cả mọi thứ trong tay ...

Nhưng tôi nghĩ, có lẽ đến thời điểm này thì quyết định rời ngành giáo dục của thầy là quyết định đúng nhất trong cuộc đời làm việc của thầy. Cũng giống như hai vợ chồng đã đến lúc không thể ở vói nhau được nữa thì nên nhanh chóng ly dị cho rồi. Để rồi còn làm việc khác, thầy Khoa nhỉ.... Bởi vì, nếu muốn thực sự cống hiến cho xã hội thì thiếu gì cách, đâu phải chỉ là làm việc trong ngành giáo dục, và trong khu vực công. Vả lại, rõ ràng là chẳng ai có thể cống hiến được trong cái môi trường sư phạm mà thầy đã quyết định rời bỏ.

Câu hỏi cuối cùng còn lại về việc thầy Khoa là, cái case của thầy tiêu biểu hay là không tiêu biểu cho tình hình giáo dục của VN hiện nay?

Tôi e rằng câu trả lời của tôi lúc này thiên về tiêu cực hơn là tích cực. Vì phải chăng chính tôi cũng đã nhiều lần rơi vào tâm trạng giống thầy Khoa trước khi thầy phải đi đến quyết định nghỉ việc, dù hiện nay tôi vẫn còn đang làm việc và vẫn còn rất thiết tha với nghề giáo.

Tình hình giáo dục của VN, một đất nước luôn tự hào về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, chẳng lẽ lại có ngày đáng buồn đến thế này sao?

6 nhận xét:

  1. Bất nhẫn cũng là chữ em nghĩ tới. Thật ra, những chuyện thầy Khoa làm, có chỗ em đồng tình, có chỗ không. Điều em không thích nhất là cái cách người ta tung hô và đạp đổ (hoặc xa lánh/cô lập) cùng một người, như thể trong cuộc đời chỉ có hai thái cực, trắng và đen. Nếu cứ mãi "một người về đỉnh cao, một người về vực sâu", thì lấy ai đứng trên mặt đất để bước tiếp, phải không cô?
    Em cũng biết một vài thầy cô "tự nguyện" rời khỏi ngành, mà phần lớn trong số đó là những người rất tâm huyết. Em cũng muốn đi dạy, nhưng gặp những chuyện thế này ít nhiều cũng thấy hoang mang.
    Còn về giáo sư VNC, từ hồi báo chí mới đưa tin thầy Khoa xin nghỉ, đã có độc giả nhắc đến lời hứa của giáo sư, và tự hỏi liệu ông có dám nhận thầy về không, trong bối cảnh trường LTV của ông cũng bị không ít điều tiếng. Sau đó đọc được câu trả lời của giáo sư, nghĩ cũng trùng hợp.

    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Hi SGK,

    Tôi đọc mấy giòng này của em mà buồn:

    Em cũng biết một vài thầy cô "tự nguyện" rời khỏi ngành, mà phần lớn trong số đó là những người rất tâm huyết. Em cũng muốn đi dạy, nhưng gặp những chuyện thế này ít nhiều cũng thấy hoang mang.

    Nên chép tặng em mấy câu thơ của ai, tôi quên rồi, cũng chẳng biết là có nhớ chính xác không nữa:

    Nếu tôi không cháy lên
    Nếu anh không cháy lên
    Nếu tất cả chúng ta không cháy lên
    Thì làm sao bóng tối có thể thành ánh sáng?


    Đấy là bi kịch thực sự của thầy Khoa, và của cả dân tộc đấy em ạ.

    PA


    Nếu tất

    Trả lờiXóa
  3. Chị chủ nhà ơi!

    Thực tình chưa rõ những chi tiết về gặp thời, đương thời, rồi hết thời của Thầy Khoa, nhưng do kinh nghiệm lên voi xuống chó trong chuỗi dài sự nghiệp của 8 đây thì rõ ràng thẩy đã bị dồn vào 1 góc tường không lối thoát nhiều lần và đã từ lâu nên mới quyết định hành động dứt khoát như vầy. Đời tớ cũng có 2 trận tương tự và không những chỉ vì chính mình mà còn cả cho "lính" dưới quyền, nhưng trong đời ai cũng đều cần vài cái giao động như thế để mình wise hơn, hiểu đời thêm, cũng như thăng tiến sau đó một cách tự nhiên với phương châm "lùi 1 để tiến 3 bước."

    Cái quan trọng cho hệ thống giáo dục nói riêng và tất cả những lãnh vực khác bên Việt Nam bây giờ là CAPA (Corrective and Preventive Actions), nói theo kiểu ISO 9000 đã từ lâu được áp dụng cho mọi lãnh vực trên thế giới một cách rất hiệu qưả. Không biết Hội Giáo Chức bên Việt Nam cũng như địa phương của Thầy Khoa hiện đang làm gì một cách tích cực, hay chỉ thụ động rồi than vãn tí chút cho qua chuyện mà thôi.

    Thật tội nghiệp cho các học sinh bên Việt Nam với bài học quá đắt giá này. Tâm can của những nhà giáo chân chính cũng xáo động mạnh khi tự xét mình cũng như hậu quả của những thế hệ sau này, phải không?

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  4. Bà Tám ui,

    Mấy ngày qua bận quá nên không reply cái comment của Bà Tám, Tám tha lỗi nhé!

    Có lẽ là Tư đã già (ừ, già thật rồi chứ còn có lẽ gì nữa) nên lúc này mệt mỏi quá. Mà cũng có thể là tại thời tiết, hay tại tâm trạng trước thế sự, mà cũng có thể là sống không đúng cách, all work and no play, nên Tư thực sự thấy mình không còn thiết cái gì nữa.

    Kể cả viết blog, là cái mà có lúc Tư đã rất thích, vì nó giúp Tư ít nhiều giải tỏa được những nỗi niềm ở trong lòng.

    Hôm nay Tư mới viết một mẩu mới (cũng có ít nhiều cố gắng đấy Tám ạ, vì nếu không còn thích bất cứ gì nữa thì ... Tư sắp tiêu rồi hu hu hu), Tám đọc nhé.

    Chỉ sợ Tám đọc xong rồi sẽ nói: "Hiểu chết liền!" Tám có hiểu cách nói "tếu" này của bọn trẻ thời nay không?

    Hiểu chết liền(!!!!), phải không Tám? ;-)

    PA

    Trả lờiXóa
  5. Tám Không của bà 8:

    1. Không work (sở hoặc tư) quá 35 tiếng mỗi tuần và tối đa 7 tiếng cho mỗi ngày phải làm việc;
    2. Không dùng hoặc trả lời email và cell phone sở ngoài 35 tiếng của Không 1;
    3. Không trốn ngủ ít nhất 8 tiếng, ăn sáng cùng food supplements mỗi ngày;
    4. Không trốn 4 ngày mỗi tuần với tối thiểu 2 tiếng ở Health Club;
    5. Không trốn đi câu cùng thư giãn với gia đình và bạn bè trong 2-3 ngày cuối tuần;
    6. Không trốn nghỉ hè xa với gia đình mỗi năm, và 3 mùa Tết, Tạ Ơn, Giáng Sinh cũng vậy;
    7. Không trốn đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật và những ngày Lễ Buộc;
    8. Không tự già mà không còn thiết cái gì nữa, 24 tiếng mọi ngày.

    Bà 00000000 Hehehehe!

    Trả lờiXóa
  6. Tám ui,

    Tư hiểu rùi.

    6 cái không đầu tiên thì Tư có thể đổ lỗi cho ... hoàn cảnh, nhưng hai cái chót thì không thể đổ lỗi cho ai hay cái gì được phải không Tám?

    Mea Maxima Culpa, Tám ạ, hu hu hu hu hu hu hu hu ... (8 lần "hu" đó Tám à, dành cho 8 cái không của 8)

    PA

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.