Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Văn tức là người

Đấy là một câu mà từ bé tôi đã nghe, không rõ là nghe từ thầy cô hay từ bố mẹ. Nghe, và cũng thấy nó hơi đúng, nhưng rồi chẳng nghĩ gì thêm. Có nhiều điều trong cuộc sống người ta cứ chấp nhận theo thói quen mà thôi.

Hôm nay, tình cờ đọc thấy trên blogroll của tôi tựa bài viết tiếng Anh: "The new linguistic relativism" (tạm dịch: Thuyết tương đối ngôn ngữ mới), ở đây. Vào đọc lướt qua, thấy bài viết này có nhắc đến một bài viết khác là "Does your language shape how you think?" trên tờ NY Times mới đây (có thể tìm thấy ở đây). Lại nhớ đến câu nói tôi đã nghe quen từ xưa. Rồi liên hệ nó với những gì tôi đọc (và viết) gần đây, mới thấy câu nói trên quả là sâu sắc.

Mở ngoặc một chút, cả hai bài viết tôi mới nhắc ở trên đều rất đáng đọc, nhất là đối với những bạn nào thuộc ngành ngữ văn. Là ngành mà tôi cũng đã một thời theo đuổi như một nỗi đam mê. Và cũng là một ngành mà tôi tin là VN có ít nhiều thành tựu, giống như Toán. Vì, có lẽ thế, cũng giống như Toán, ngữ văn là một ngành phù hợp với con nhà nghèo. Để nghiên cứu nó, chỉ cần có tư duy, cộng với một góc riêng yên tĩnh, một ít giấy bút để ghi chép, và một ít sách vở để đọc - toàn là những thứ rẻ tiền. Không cần thiết bị, máy móc, nguyên nhiên vật liệu thí nghiệm tốn kém.

Quay trở lại câu nói mà tôi đã trích làm tựa entry này. Văn tức là người. Tôi không muốn nói ở phạm vi cá nhân - mặc dù câu ấy cũng đúng ở phạm vi cá nhân nữa - mà là phạm vi toàn dân tộc. Mà cũng không chỉ nói ở khía cạnh ngôn ngữ, mà chủ yếu là ở khía cạnh văn hóa. Người Việt Nam rõ ràng là có một cách riêng để đề cập đến những vấn đề trong cuộc sống. Cách ấy, theo tôi, là hơi thiếu duy lý. Ngược lại, rất đầy màu sắc của 'hỉ, nộ, ái, ố', lôi kéo đám đông, giật dây, kích động, hoặc xoa dịu, trấn áp dư luận. Chứ ít khi viết một cách khách quan, đơn thuần cung cấp thông tin, hoặc nếu đưa quan điểm thì cũng biết 'đánh dấu' rõ ràng chỗ nào là quan điểm của mình, chỗ nào là dữ kiện khách quan, chỗ nào là điều suy đoán....

Những gì tôi đang viết ở đây tất nhiên chỉ là cảm nhận của một người, dù cũng đã trải qua nhiều kinh nghiệm và những nghiền ngẫm của mấy chục năm sống và làm việc. Vì thế những điều khái quát ở trên tất nhiên có thể có ít nhiều vội vã. Ngoài ra, những gì tôi phê phán ở trên thì trước hết tôi suy từ chính tôi đấy - suy bụng ta ra bụng người - chứ chẳng phải tôi có gì khá hơn ai. Nhưng hãy bắt đầu từ những ý thức về sự bất toàn của chính mình, của người thân, của cộng đồng nho nhỏ xung quanh, thì rồi mọi thứ có thể bắt đầu thay đổi, phải không?

Có phải chính vì văn của người VN ta như thế, cho nên đất nước mới như thế này không? Một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng không phải vì thế mà không nên hỏi!

Nhân tiện, xin trích ở đây một đoạn từ bài viết trên NY Times mà tôi cho là rất đáng nghiền ngẫm:
Some 50 years ago, the renowned linguist Roman Jakobson pointed out a crucial fact about differences between languages in a pithy maxim: “Languages differ essentially in what they must convey and not in what they may convey.” This maxim offers us the key to unlocking the real force of the mother tongue: if different languages influence our minds in different ways, this is not because of what our language allows us to think but rather because of what it habitually obliges us to think about.

Thử áp dụng câu nói mà tôi đã tô đậm ở trên vào trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như trong một cuộc họp ở cơ quan bạn buộc phải nói gì (nếu phải phát biểu), thì sẽ thấy có nhiều điều đáng suy ngẫm lắm các bạn nhỉ?

7 nhận xét:

  1. Theo tôi nghĩ là ở VN đã tử lâu lắm rồi nguời ta chẳng bao giờ nói thật trong buổi họp ở cơ quan cả.

    Chỉ có trong bàn nhậu khi say cả hết rồi thì mới lòi ra thôi.

    Tôi rất phục những ông nói dối cứ như thật ấy. Dù biết rằng mình nói dối nhưng vẫn cứ rất ư là hăng say nôi dối.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài viết này của cô, em nhớ lại loạt bài Ký ức sơ sài của Nguyễn Khiêm, một thầy giáo dạy Văn của em hồi tiểu học: http://daihocsuphamsaigon.org/thovan/kyucsosai.html

    Thầy cũng nhiều lần bàn về tiếng Việt (mà theo thầy là đang ở hồi mạt vận), tất nhiên là ở góc nhìn của một người dạy Văn chứ không phải của một chuyên gia ngôn ngữ. Có khá nhiều điều đáng suy ngẫm.

    Có một đoạn trong kỳ 6 cũng gần với những gì cô viết, em xin chép ra đây:

    "Trở lại chuyện chữ nghĩa, bây giờ thì khỏi lo, người Kinh đã học tập nhuần nhuyễn từ CÁI của các bạn Ca Tu rồi. Cứ ngồi trước TV vài phút sẽ thấy “tần số” cao ngất của tiếng này. Tôi từng nghe một quan chức giáo dục thành phố nói: “Những cái người giáo viên đó họ có cái bức xúc vì họ có cái khó khăn của họ, cái lo lắng của họ là rất lớn, chúng ta phải có cái quan tâm và có cái giải quyết thích đáng”(!) (Thật ra tôi ghi… gọn hơn lời nói của ông, vì lẽ khi nói, lúng túng kiếm không ra chữ, ông cứ lặp lại cái… cái… cái… bộn hơn nhiều).
    Thấy chưa, quan chức phụ trách giáo dục ở đô thị văn minh bậc nhất đã bỏ xa các bạn trong chuyện dùng chữ này rồi còn gì. Cách ăn nói thời còn lạc hậu, chưa “tiến bộ” như ngày nay coi ra chẳng cần CÁI với CÓ dữ thần vậy. Có thể diễn ý thượng dẫn chỉ với nửa số từ: “Những giáo viên đó quá lo lắng và bức xúc, chúng ta phải chú ý tìm cách giúp đỡ để họ bớt khó khăn”. Nhiều hướng dẫn viên du lịch nói một câu thì đã có gần phân nửa số từ là từ CÁI, làm sao nghe cho lọt! Các anh cứ thử một lần bỏ hẳn TẤT CẢ TỪ CÁI đó đi sẽ thấy nghĩa của câu vẫn không hại gì mà lời nói lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Có lần tôi còn nghe người ta nói “Chúng ta đã có… cái bầu (cử) nghiêm túc”. Không tin được! Trong những câu chuyên gẫu với bạn bè, ai đó lưu ý ông Nguyễn Tuân cũng hay dùng từ CÁI, nhưng chúng ta thấy ông dùng trong một văn cảnh khinh bạc, không ai bắt chước, cạnh tranh được, gần như CÁI là ”hàng độc”, độc quyền của riêng ông.

    Chiều đó đám mây đen u ám về chuyện thuế má tan đi phần nào khi chúng tôi nói về chữ nghĩa với chút ít hào hứng. Lúc này tiếng Việt của ông đã khá hơn nhiều, có thể nói với ông vài đặc điểm của ngôn ngữ này. Chẳng hạn tiếng đứng trước danh từ trong Việt ngữ chính là một thứ mỹ từ làm đẹp lời nói nếu ta dùng có ý thức. Từ CÁI nghĩa rất rộng, rất chung chung, gần như đặt vào đâu cũng được do vậy mất tác dụng miêu tả. Thay vì nói CÁI, tổ tiên chúng tôi đặt trước danh từ những tiếng vô cùng biến hoá, tuỳ theo hình trạng của sự vật, ví dụ gương mặt, vẻ mặt, bộ mặt, bản mặt (Trưa đi ra phố mua gương, về soi bản mặt dễ thương của mình- Nguyễn Đức Sơn). Má thì gò má, môi thì làn môi, vành môi, vành tai, cánh mũi, lồng ngực, bờ vai, ngọn đồi, quả đồi, chỏm núi, trái núi, dãy núi, rặng núi, ngọn núi, sườn non, cánh hoa, đoá hoa, thậm chí đoá trăng (Thấp thoáng sườn non ngày mới chớm, một đoá trăng tàn lẩn lút bay, mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện, lòng ta quạnh vắng như cỏ cây – Thanh Tâm Tuyền), mây thì đám mây, tầng mây, dải mây, vầng mây, sợi mây, cụm mây, dòng sông, con suối, ngọn thác, túp lều, ngôi nhà, toà biệt thự, nỗi lòng, nỗi nhớ, niềm vui, cõi đời, nền độc lập… Câu thơ của Tô Thuỳ Yên viết về cây dừa trên đảo Trường Sa: “Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp, suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi”, nếu thay chữ NỖI bằng CÁI thì còn gì chăng? Diệu kỳ thay chữ nghĩa!"

    (NK)
    SGK

    Trả lờiXóa
  3. “Languages differ essentially in what they must convey and not in what they may convey.”

    Thử áp dụng câu nói mà tôi đã tô đậm ở trên vào trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như trong một cuộc họp ở cơ quan bạn buộc phải nói gì (nếu phải phát biểu), thì sẽ thấy có nhiều điều đáng suy ngẫm lắm các bạn nhỉ?


    Chị PA hiểu sai câu này.

    Trả lờiXóa
  4. Chào Nặc danh,
    Cám ơn ý kiến của bạn. Có lẽ cũng ít nhiều giống ý tôi. Nhưng tất nhiên dù có trùng thì cũng chỉ là ý kiến chủ quan thôi bạn nhỉ?

    SGK,
    Một lần nữa, cảm giác "đồng cảm" lại xuất hiện khi đọc comment của em.

    Yến Lan,
    Bạn nói đúng. Tôi mở rộng cách hiểu ra khỏi ý gốc của tác giả. Tôi giải thích điều đó ở trong bài viết rồi đấy bạn ạ. Nhưng có thể nó không rõ đối với bạn.

    PA

    Trả lờiXóa
  5. Văn tức là người. Tôi cũng thấy câu này rất đúng.
    Ngồi xem TV, nhất là thời sự, nhiều lúc phải chuyển kênh khi có 1 vị lờ đờ nào đó bắt đầu ...phát biểu. Đơn giản vì mình biết nó sẽ gồm câu A, B, C; sẽ mở bài, kết luận ở đâu.

    Tham gia các buổi hội nghị có diễn văn khai mạc hoặc bế mạc cũng thấy...cực hình. May mà bây giờ có cái điện thoại online internet để khi chán thì cúi xuống...hí hoáy giết thời gian được.:-)

    Đọc sách báo hay cả truyện của phương Tây, mới thấy cách họ hành văn hay sử dụng câu cú khác hẳn. Dù chỉ là trong 1 câu nói chuyện với nhau, cũng rất rõ ràng các vấn đề: Ý của tôi là gì; tôi trích dẫn ý gì của ai, thái độ của tôi là gì (vui, buồn, giận dữ, ...). Nói chung là hình ảnh của người nói/viết/hành văn là rất rõ ràng, là chính họ chứ không phải bất kỳ ai khác. Vấn đề họ nói cũng rõ ràng. Thái độ của họ đối với vấn đề cũng rất rõ ràng. Tất cả những cái đó, có lẽ bởi vì 1 sự thật hiển nhiên là "Tôi đang nói và tôi chịu trách nhiệm về cái tôi nói", còn VN chúng ta quá ít người dám chịu trách nhiệm với những gì mình nói --> "không nói là thượng sách" hoặc "nói 1 cái gì đó...vô nghĩ"!

    Viet.

    Trả lờiXóa
  6. Cô PA,

    Em thấy có mấy người nói gì cô ở trang web bên Phi Long và đồng đội đấy.

    Nếu cô chưa đọc, em nghĩ, cô cũng không nên đọc làm gì cho mệt cô ạ. Nhưng em tự hỏi không biết có phải những người đó không có gì tốt hơn để làm hay sao ấy?

    Trả lờiXóa
  7. Hi Nặc danh,

    Đúng là cô cũng chẳng quan tâm đến việc ai nói gì mình em ạ.

    Nhưng đúng là có mấy bạn trẻ (?) chẳng hiểu có lý do gì mà rủ nhau vào đây comment hơi linh tinh.

    Em cứ thử đọc lại những comments của họ thì thấy rõ "thủ pháp" của nhóm này: chê bai một cách phóng đại, gây hấn và đả kích cá nhân vô căn cứ, chụp mũ và ám chỉ vu vơ, và quy chụp lung tung, nhưng khi được hỏi thêm về căn cứ và lập luận thì ... im lặng chuồn hết?

    Cô chỉ nghe qua vài lần thì xác định được họ không có ý định trao đổi chân thành, nên cho vào spam tất. Và phải bật kiểm duyệt lên để lọc rác, em ạ. Chứ trước giờ em thấy cô có kiểm duyệt nhận xét đâu?

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.