Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Vọng Các và những hoài niệm

Vọng Các - một cái tên rất hay, vừa trang trọng, vừa đầy hoài niệm. Nó là từ mà người miền Nam trước 1975 đã dùng để gọi thành phố Bangkok. Cũng hay, lạ, exotic như những tên khác như Tân Gia Ba (Singapore), Vạn Tượng (Vientianne), hay Hoa Lệ Ước (Washington), vv. Tất nhiên, đó là ý kiến riêng của tôi. Hoài cổ.

Tôi vừa trở lại Bangkok, Vọng Các, ngày hôm qua, sau hơn 16 năm xa thành phố này. Một thời gian đủ dài để một người lúc ấy còn được xem là trẻ, chưa đáng để đề bạt, trở thành một người đã quá già, sắp nghỉ hưu!

Vào đầu thập niên 1990 thì BKK đối với tôi thật quá quen thuộc. Hồi ấy, VN còn bị cấm vận, nên đi đâu ra nước ngoài đều phải qua Bangkok. Lần đầu tôi đến BKK là giữa năm 1989, ra khỏi một VN nghèo đói cùng cực. Bay đến BKK, hải quan sân bay thấy passport của VN - communist country, họ nói thế - thì thái độ của họ khác hẳn. Nghi ngờ. Thù địch. Còn tôi, đến sân bay BKK là đã thấy ... choáng váng! Shocked. Và ... nhục. Vì sự chênh lệch giữa VN và Thailand sao mà rõ rệt thế.

Sau lần đầu tiên đó, tôi còn đi qua BKK nhiều lần, có lẽ tổng cộng đến cả chục lần. Lúc đó VN đang đổi mới, nên mỗi lần đi lại thấy sự chênh lệch về mức sống của người dân giữa SG và BKK dường như giảm đi rõ rệt. Mừng lắm. Dân Việt Nam mình đâu có thua kém ai phải không, chỉ cần cơ chế đúng. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi, những người đi cùng đoàn với tôi (lúc đó đi đâu ra nước ngoài đều phải đi theo đoàn), nói thế. Lạc quan lắm.

Rồi lần cuối cùng tôi ở Bangkok là năm 1993, và ở đó đến 3 tháng - từ tháng 3 đến tháng 6 - để dự một khóa đào tạo ngắn hạn Language Teaching and Testing do ĐH Cambridge tổ chức. Ở lâu, lại vào mùa nóng nực nhất trong năm. Lúc ấy BKK đang có khá nhiều vấn đề về quản lý đô thị, và nạn kẹt xe lên đến mức không chấp nhận nổi. Từ trường AIT (Asian Institute of Technology) đến trung tâm thành phố có lẽ vào khoảng 30 cây số (tôi không chắc lắm), nhưng phải đi trung bình mất 3 tiếng đồng hồ vì kẹt xe. Nói thêm, lúc ấy chính phủ Thái Lan chưa dời sân bay, vẫn còn là sân bay cũ, nhưng kế hoạch dời sân bay thì đang được nhắc đến. Với hy vọng rằng nó sẽ giúp giải quyết vấn nạn kẹt xe.

Ân tượng của tôi về BKK vào năm 1993 là rất ghét nó. Một thành phố ô nhiễm tiêu biểu. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn. Xe cộ đi lại khá hỗn loạn. Lúc ấy, các ông thầy người Anh của tôi từ ĐH Cambridge, những người đã đến thăm VN vài lần, vẫn còn ca ngợi Hà Nội lắm. TP xanh. SG cũng chưa đông và chưa ô nhiễm lắm. Nên họ nói: VN nên học kinh nghiệm xấu của BKK để biết đường mà tránh. Họ nói, đừng để SG, HN biến thành một BKK thứ hai.

Lần này quay lại, tôi chưa có điều kiện đi nhiều, nhưng tôi có cảm giác BKK đã khá hơn rất nhiều nếu nói về việc làm giảm ô nhiễm môi trường. Hay ngược lại, do bây giờ SG ô nhiễm quá, tệ hơn cả BKK trước đây, nên mình thấy BKK khá hơn?

Còn về bất ổn chính trị, biểu tình vv, tôi chưa thấy gì? Nhưng thành phố vẫn thấy yên ắng, ổn định lắm. Mọi việc cứ chạy, công sở cứ hoạt động, shops cứ mở cửa buôn bán, mọi người ai có việc nấy, chẳng ai quan tâm gì? Mặc dù hôm qua ở sân bay có một đoàn cầm cờ đỏ (nhìn hình bên trên), và anh Hảo, cùng đoàn với tôi, bảo: Có vẻ giống đoàn biểu tình? Nhưng trông họ vui vẻ và trật tự lắm.

Trở lại BKK, nhớ rất nhiều hoài niệm, vì nó gắn với một thời "trai trẻ" của tôi, và gắn với công cuộc đổi mới, sự mở cửa của VN. Nhưng đó là những chuyện mà có lẽ tôi còn phải viết dài dài.

Còn entry này chỉ để ghi lại chớp nhoáng vài hình ảnh của Bangkok mà tôi mới ghi được từ hôm qua đến nay. Tranh thủ free Internet trong phòng họp. Vì ở KS thì "nó" tính mình đến 16 baht một phút, tức hơn 10 ngàn tiền Việt/phút!!!!!

Và chép tặng mọi người bài thơ về Bangkok - Vọng Các - của Vũ Hoàng Chương, viết từ năm 1964.

Còn Đâu Vọng Các

Tác giả: Vũ Hoàng Chương

Ôi chùa Phật-Ngọc mái long lanh,
Đất Phật từng gieo hạt ngọc lành!
Du tử dâng hồn lên Vọng-Các
Gương soi chẳng chút úa màu xanh.

Đê mê hài hán bước triều thiên
Nhạc nữ, hoa thần, hay giáng tiên?
Cong vút bàn tay ai mở nhịp:
Cánh Thơ, giàn Nhạc, đêm Hoa-viên.

- Thi sĩ từ đâu tới chốn này?
Tiếng ai vừa cất phới hương say.
- Từ đâu? anh cũng không còn nhớ
Em ạ, chim trời mỏi cánh bay.

Nửa hé vành môi nửa ngập ngừng
Nàng xoay nhịp bước, ngả vòng lưng.
Hỡi ơi đã ngấm men hồ hải
Vào tận vùng cung điện kín bưng!

Xiêm áo tần phi giợn ngọc ngà
Lửa thiêu cuồng vọng khắp làn da...
Phút giây nghe trĩu bên lồng ngực
Tiếng thở dài buông, rũ cánh hoa.

Nàng gượng cười, trăng tắt đã lâu,
U cung đòi lại đóa Lan sầu.
Mái đền cong vút tay ai đó?
Ngà ngọc xin đừng hoen lệ châu!

Xứ Thái mây chìm khóa bến mơ
Vàng son thăm thẳm bụi tung mờ.
Còn hương vương giả thơm giàn nhạc
Hay cũng tàn theo đêm Hội-Thơ?
[ Bangkok 1964 ]

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2010

Thơ và ... bác sĩ


Hình chùm hoa sữa này, và entry dưới đây là để dành tặng các bạn bè của tôi là bác sĩ. Nhân ngày thầy thuốc VN.
--
Hôm nay là ngày 27/2, ngày thầy thuốc Việt Nam.

Chẳng hiểu thế nào, gần đây tôi lại có nhiều bạn bè từ thế giới ảo là bác sĩ hoặc công tác trong ngành Y thế? Có lẽ một phần là do tôi vô tình mon men đến nhà một blogger là bác sĩ, BS Hồ Hải, và làm quen với bác ấy. Rồi từ đó quen thêm những bạn bè của BS Hải. Bạn của bạn thì cũng là bạn của mình mà.

Ngày xưa, cứ mỗi lần có ngày dành cho bạn bè như thế này, là thế nào tôi cũng hì hục làm thơ, hoặc tệ lắm cũng phải dịch thơ để tặng. Nhưng bây giờ thì chắc tại già - ngũ tuần rồi lại chẳng già! - thi hứng cũng cạn, nên từ sáng đến giờ loay hoay mãi, vẫn chưa "rặn" ra được dòng thơ nào - dù sáng tác hay dịch. Mà ngày thầy thuốc thì sắp hết rồi, chết thật!

Để "chữa cháy", tôi đã đi tìm các quotations - danh ngôn - nói về bác sĩ, hoặc những người làm ngành Y. Nhưng khổ nỗi, những quotations bằng tiếng Anh mà tôi tìm thấy (thú thật tôi cũng hơi sính ngoại, tìm thông tin trên mạng là phải tìm bằng Anh) thì lại toàn là chọc ghẹo bác sĩ không hà, chứ không có kính trọng thầy thuốc như ở VN mình.

Ví dụ như những câu thế này, coi có được không chớ?

It is a mathematical fact that fifty percent of all doctors graduate in the bottom half of their class. (Vô danh)
(Ai nói bác sĩ học giỏi đâu nà?) Về mặt toán học, rõ ràng là có 50% số bác sĩ đã tốt nghiệp ở mức dưới trung bình trong lớp của họ. (Đúng quá chứ còn gì nữa!)

I got the bill for my surgery. Now I know what those doctors were wearing masks for.
Tôi nhận phiếu tính tiền về ca phẫu thuật. Giờ thì tôi biết tại sao mấy ông bác sĩ đó (như ông BL hoặc ông HH, hì hì) phải đeo mặt nạ rồi! (~James H. Boren)

Doctors think a lot of patients are cured who have simply quit in disgust.
Các bác sĩ cứ tưởng bệnh nhân đã khỏi bệnh nên không trở lại, thật ra họ không đến nữa vì quá ngán. (~Don Herold)


Vậy đó. Thôi, không tìm quotations về bác sĩ nữa.

Nhưng làm gì đây? Tôi lại tiếp tục đi tìm, và thấy:

Cái này, ở đây. Các bác sĩ ở Anh đề nghị đưa thơ vào phòng chờ thăm bệnh để giúp cho quá trình chữa lành cho bệnh nhân. Các bác đọc đi, sẽ hiểu rõ hơn tôi. Chứ tôi dù tiếng Anh có giỏi đến mấy thì khi đọc về vấn đề y học và sức khỏe thì cũng sẽ phải hỏi các bác í thôi, bác Trèo bác ấy đã phán như thế lâu rồi!

Và đây nữa, bài viết giới thiệu tập thơ do các bác sĩ sáng tác, tập Máu và xương (Blood and bone, không phải Máu và hoa đâu nhé!), ở đây. Nó giải thích tại sao các bác sĩ lại cầm viết, bằng những lời cảm động như thế này:
[the collection] is successful in showing us the inadequacy of medical language and technology in describing the intensity of experience shared by healers and those they care for. This is one compelling reason that leads physicians to take up the pen.
[tập thơ] đã thành công trong việc chỉ ra cho ta thấy sự bất toàn của ngôn ngữ y học và công nghệ trong việc mô tả những trải nghiệm sâu sắc đến tột cùng của các thầy thuốc và những bệnh nhân của họ. Đó là lý do đã thôi thúc họ cầm bút.

Nó giúp tôi hiểu câu danh ngôn này hơn:

In the sick room, ten cents' worth of human understanding equals ten dollars' worth of medical science. (~Martin H. Fischer)
Trong phòng bệnh, 10 xu hiểu biết về con người đáng giá bằng 10 đô la thuốc chữa.


Và cũng bắt đầu hiểu tại sao các bác sĩ lại hay viết văn, làm thơ. Các bác ấy ... chẳng có tử tế gì đâu nhé (!), chẳng qua là muốn dùng thơ văn để tăng hiệu quả chữa bệnh lên thôi. Bớt uống thuốc đi, kẻo uống nhiều thuốc mắc tiền quá, bệnh nhân nó trả tiền hết nổi thì nó lẳng lặng biến luôn. Tương tự như một câu "ranh ngôn" mà tôi đã nêu ở trên.

Tôi cũng hiểu luôn tại sao tôi có thể chơi với các bác sĩ. Vì các bác (các chú nữa) ấy thích thơ, văn mà. Tôi cũng vậy, vì tôi là dân đã định chọn văn thơ làm cái nghiệp. Ngày xưa thời trung học tôi định lên lớp 10 chọn ban C giống chị tôi. Không dè đến năm 1975 không còn ban C nữa. Nhưng tôi vẫn chọn ban B, tức là ban Văn-Ngoại ngữ lúc ấy. Chỉ khác là học văn thơ "cách mạng".

Vậy, nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (sắp hết!), xin viết mẩu này để tôn vinh thơ, và tôn vinh các bác sĩ. Để tặng cho các bác sĩ bạn tôi, và cả các bác sĩ không phải là bạn tôi nữa.

Và ... chuyện bây giờ mới kể: Ngày trước tôi cũng định lăm le thi vào Y. Nhưng thời ấy, còn xét lý lịch nặng lắm, tôi nhắm mình không vào nổi, nên thi vào Tổng hợp. Học được đến năm thứ ba, tôi nổi cơn bỏ học dở dang 1 học kỳ, đi ôn thi để thi lại vào Y. Rồi ... rớt chỏng gọng.

Nên bây giờ, làm bác sĩ đã là một trong những ước vọng không thành của tôi! Mới thấy, đâu phải ai cũng có thể làm bác sĩ, đúng không? Đáng tự hào lắm chứ!

Nhân tiện đã đọc entry này, các bác thử đọc thêm một entry cũ, ở đây, tôi viết lúc mới quen BS Hồ Hải xem sao. Đọc cả các comments nữa. Cũng hay hay đấy. Bạn "Hoang" bạn ấy bảo thế.

Cuối cùng:

CHÚC CÁC BÁC SĨ VIỆT NAM LUÔN LÀ NHỮNG THẦY THUỐC TUYỆT VỜI, VÀ LUÔN ĐƯỢC MỌI NGƯỜI YÊU QUÝ VÌ CÓ MỘT TÂM HỒN ĐẦY THƠ!

Viết bởi một người đã từng muốn làm bác sĩ!

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Phụ nữ Việt Nam nòi giống Rồng Tiên

Đó là một câu trong bài hát mà tôi đã được học trong trường nữ trung học Gia Long cách đây lâu lắm rồi.

Là phụ nữ, thời còn học sinh lại học ở trường nữ, tôi luôn tự hào và quan tâm đến các vấn đề nữ giới. Đặc biệt là dưới con mắt người nước ngoài. Trong nước thì thế nào cũng được (?!), nhưng đố nước ngoài dám xem thường phụ nữ Việt Nam nhé! "Phụ nữ VN nòi giống Rồng Tiên" mà lại.

Vì vậy, cách đây vài hôm tôi khi đọc trên trang mạng chinaSMACK của một người ở Thượng Hải viết về việc các cô gái VN lấy chồng TQ, tôi đã cảm thấy rất đau lòng nên có viết entry mang tên "Trong trái tim con chim đau nằm yên...". Ở đây.

Hôm nay, tình cờ lại đọc được một mẩu tin khác cũng về cùng một vấn đề, lần này nằm trên trang mạng của Malaysia. Nó ở đây.

Xin trích dẫn vài đoạn:
While statistics office of the Republic of Korea shows that the number of Korean men marrying Vietnamese women increased from 134 in 2001 to 5,822 in 2005.

Most of these women come from Mekong River Delta provinces such as Can Tho, An Giang, and Tay Ninh, with the average age of 21 while ten percent of them is was under 18. All of them are living in poor family with low educational level.

Tức mình quá, tôi lên mạng tìm hiểu thêm về vấn đề này. Và tìm thấy khá nhiều thông tin bổ ích, đặc biệt là cho những người có trách nhiệm. Ví dụ, chính quyền các địa phương có hiện tượng lấy chồng ngoại quốc.

Và Hội Phụ nữ nữa chứ, ừ, cái tổ chức to đùng có chi hội trên khắp đất nước này, hình như có sử dụng ngân sách nhà nước để trả lương cho cán bộ, nó có chức năng gì, và làm gì cho phụ nữ Việt Nam ấy nhỉ? Vì tôi cũng là phụ nữ VN, sao chưa bao giờ thấy Hội ấy có tác dụng gì.

Các cô gái lấy chồng ngoại, các nạn nhân đau khổ đến nỗi có trường hợp phải tự tử mà báo chí đã từng làm ầm lên trước đây, hình họ không phải là phụ nữ Việt Nam hay sao ấy? Chẳng thấy Hội Phụ Nữ Việt Nam có động thái gì?

Ví dụ, họ có hiểu tại sao các cô gái VN lại "đổ xô" đi lấy chồng ngoại quốc không? Hiện nay nhiều người vẫn cho rằng các cô gái này ham giàu, ham cuộc sống sung sướng cho bản thân, sính ngoại ... (Ai biểu ham, cho chết!)

Trong khi đó, một nghiên cứu đã được thực hiện trong nước và công bố ở nước ngoài, có thể tìm thấy trên mạng ở đây, cho biết trên 60% các cô gái được hỏi đã nói rằng lấy chồng ngoại quốc để hy vọng có thể giúp đỡ gia đình.

Số liệu về học vấn của cha mẹ và bản thân các cô:

+ Cha mẹ: thất học 9,4%, tiểu học 59% --> 68.4% cha mẹ cô dâu có học vấn từ tiểu học trở xuống
+ Cô dâu: thất học 0.9; tiểu học 35.1, cấp hai 50.3 --> 86.4% cô dâu có học vấn từ cấp hai trở xuống

Tuổi đời của các cô:

+ 15-17: 0.3% (!!!)
+ 18-22: 70.5%
--> đa số các cô dâu này còn rất trẻ, chỉ đôi mươi, thậm chí có cả vị thành niên nữa

Cuộc sống của gia đình (cha mẹ) các cô dâu lấy chồng Đài Loan có khá lên không? Xin trích nguyên văn trong bài báo:
Some 72.4 percent of households reported that they moved up at least one category as a result of the migration. (move up one category tức là tăng lên một hạng trong bảng xếp hạng nghèo đói, ví dụ từ rất nghèo lên nghèo, hoặc từ nghèo lên trung bình)

Đây nữa:
Getting married to Taiwan men is the quickest way the girl in this area has chosen so that her family can get out of poverty. Lấy chông Đài Loan là cách nhanh nhất mà các cô gái này đã chọn để đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo.

Bỗng dưng tôi nhớ Huyền Trân Công chúa! Và nhớ một câu đã đọc trên blog của Huy Quang: Có ai đang nghĩ gì không nhỉ?

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Sẽ là gì, những ước vọng không thành

Ước vọng không thành ... Có lẽ ai cũng từng có trong đời, phải không? Và tôi cũng vậy chứ, đương nhiên rồi!

Hồi còn trẻ, chẳng hiểu do đâu, giống ai (chắc giống bố rồi!), tôi là chúa lãng mạn! Có thể ngồi cả đêm để làm thơ, viết viết rồi gạch gạch, xóa xóa, rồi vò luôn tờ giấy quăng đi, lấy tờ giấy khác ra viết, rồi lại gạch gạch xóa xóa, rồi nhặt lại những tờ giấy đã quăng đi trước đó, vuốt lại cho thẳng, đọc lại, chép lại, rồi lại vò giấy quăng đi...

Nên khi tôi đọc được bài thơ tiếng Anh có chứa cái câu mà tôi dùng làm tựa cho entry này (nguyên tác tiếng Anh là "What happens to a dream deferred?") thì ngay lập tức trong đầu tôi xuất hiện lời dịch đó, như nó đã nằm sẵn ở đó để chờ tôi lấy ra thôi.

Bài thơ ấy, tác giả là nhà thơ Mỹ da đen Langston Hughes. Ai muốn biết thêm về Langston Hughes thì vào đây. Còn nguyên văn tiếng Anh của bài thơ đó như sau:

A dream deferred

What happens to a dream deferred?

Does it dry up
like a raisin in the sun?
Or fester like a sore--
And then run?

Does it stink like rotten meat?
Or crust and sugar over--
like a syrupy sweet?

Maybe it just sags
like a heavy load.

Or does it explode?


Tôi biết về Langston Hughes từ thời học đại học với bài thơ cũng rất dễ thương là "Hold fast to dreams" mà một anh bạn cùng lớp của tôi đã dịch rất đạt. Tiếc là bản dịch ấy tôi quên mất rồi, chỉ còn nhớ láng máng vài câu thôi.

Hold fast to dreams
For if dreams die
Life's like a broken-winged bird
That cannot fly.

Hãy ôm lấy mộng vàng
Vì khi giấc mộng tàn ...
(quên rồi!)
(Hai câu sau mới được bổ sung thêm ngày 18/3/2010 sau khi anh bạn 28 năm trước mà tôi đề cập ở trên tình cờ tìm được bài này)
Đời như chim gãy cánh
Không còn thời dọc ngang.


Trở lại bài thơ "Ước vọng không thành" của Langston Hughes. Bài ấy tôi mới đọc cách đây mấy năm thôi, năm 2007 hay 2008 gì đó. Đọc vào dịp nghỉ Tết, có thời gian, nên mới lang thang, thơ thẩn trên mạng. Đọc xong câu đầu tiên, "xuất khẩu thành thơ" luôn ngay tắp lự. Sẽ là gì những ước vọng không thành... Sẽ là gì sẽ là gì sẽ là gì ... Uớc vọng không thành ước vọng không thành ... Câu này âm điệu được đấy, phải không? Mà nghĩa cũng đạt đấy. Được cả 3: tín-đạt-nhã. Tốt quá (mèo khen mèo!).

Và vì quá hài lòng (!) với câu dịch này, tôi phải cố ngồi hì hục dịch toàn bài để đưa lên blog đầu tiên của tôi thời yahoo 360 (blog ấy có tên là anhvukim, nếu có ai đã từng đọc). Nhưng rồi sau đó account yahoo của tôi bị mất password, nên không dùng được nữa, bỏ luôn (chưa kịp đem nội dung đi nơi khác). Sự kiện ấy tôi cũng có ghi lại trên blog này, ở đây.

Bản dịch ấy, theo tôi nhớ là cũng ... rất được rồi, mặc dù những câu sau có lẽ không hay bằng câu đầu. Và mặc dù một cậu học trò cũ của tôi, nay đang làm Tiến sĩ văn học so sánh tại Mỹ, đã chê là dịch chưa chính xác. Nó đây, nhớ như thế nào thì chép lại như thế ấy:

Ước vọng không thành

Sẽ là gì, những ước vọng không thành?

Sẽ như hoa lá úa tàn
Gượng cười trong nắng cuối xuân?
Sẽ như vết thương chưa lành
Còn đầy mủ máu hôi tanh?

Sẽ như chảo mứt qua đêm
Váng đường đóng dày trên mặt?

Hay chỉ là bao gạo nặng
Lặng im nằm bẹp góc nhà?

Hay nổ tung thành bụi cát bay xa?


Tại sao tôi lại nhớ đến bài thơ này nhỉ? Vì có một người tôi mới biết qua mạng bảo rằng có đọc blog của tôi, quan tâm đến những bài thơ tôi dịch (chà, tôi còn làm thơ nữa cơ đấy chứ không phải chỉ có dịch không thôi đâu nhé!). Nên căn bệnh "giàu trí tưởng bở" của tôi bỗng trỗi lên, và thơ con cóc (con nhái, con ễnh ương, các kiểu!) bỗng tuôn ra.

Và tự nhiên cũng có một chút ngậm ngùi thoáng qua. Cái thời hoa mộng ấy của đời người. Nó đã qua đi lâu lắm rồi, mà đôi lúc cứ ngỡ như chỉ mới đây thôi.

Những ước vọng không thành của tôi ơi, các người đâu rồi, và đã là gì rồi, trong những lựa chọn trong bài thơ của Langston Hughes?

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Anh bạn dãi dầu không buớc nữa ...

...
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
.

Hản ai cũng biết hai câu thơ trên là trích từ bài thơ Tây Tiến của nhà thơ tài hoa Quang Dũng. Nguyên văn bài thơ ấy, nếu ai không nhớ, xin đọc từ trang blog của NVT ở đây. Kèm những lời bình của một độc giả, một người Việt xa xứ nhưng xem ra vẫn rất nặng lòng với quê hương, và ái mộ thơ Quang Dũng.

Tại sao lại có cái entry với cái tựa này nhỉ? Chẳng là sau khi phát hiện ra trang mạng chinaSMACK với mẩu tin về những cô gái Việt lấy chồng Trung Quốc hôm trước (ai chưa đọc xin xem ở đây), tôi tò mò trở lại trang ấy để xem "họ" còn viết gì về mình nữa không.

Và tìm thấy mẩu tin này, ở đây. Nói về cuộc chiến Trung-Việt vào năm 1979. Lại nhớ trước đây có vụ lùm xùm về cuốn tiểu thuyết "Ma chiến hữu", cũng về cuộc chiến này. Từ góc nhìn của phía TQ.

Còn về phía VN thì sao nhỉ? Hình như thông tin về cuộc chiến này không được đưa vào chương trình sử trong sách giáo khoa? Và cũng không thấy nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu quả vậy, khi những thế hệ trẻ của VN đọc được những thông tin về cuộc chiến này trên sách báo Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, chẳng hạn như trên trang mạng chinaSMACK như thế này, thì chúng sẽ nghĩ sao?

Nếu VN không đưa ra quan điểm chính thức về cuộc chiến này, thì rồi người trẻ VN sẽ có thể nghe theo bất kỳ quan điểm của ai. Kể cả phía những người bên kia chiến tuyến của VN trong cuộc chiến đó. Nhà nước VN có nghĩ đến điều này không nhỉ? Nguy hiểm quá!

Tôi chỉ nhớ đã nhìn được đâu đó ở trên mạng những nấm mộ liệt sĩ VN trong trận chiến trên ở đâu đó vùng biên giới. Lại nhớ những câu thơ trong cùng bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng:
...
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh!


Buồn quá!

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Đọc "Này gã Bắc kỳ lai!" của Đỗ Trung Quân

Lang thang trên mạng, vớ được bài ấy, ở đây, quả là ngạc nhiên, một sự ngạc nhiên thú vị!

Bài này chắc chắn sẽ rất đáng đọc đối với các bloggers bạn tôi. Như Huy Quang, Quốc Vượng, hay Thanh Hà (well, một số bạn còn rất trẻ, thua tôi đến hẳn 1 thế hệ, nhưng có hề gì, trên mạng ta là bạn của nhau hết, phải không?), những người đang sống Hà Nội, tự hào mình là người Hà Nội.

Đấy, người ta nhớ thương Hà Nội thế, chứ chẳng phải "khi nghe ai kể thương Hà Nội" thì "nghe bằng trái tim dửng dưng" như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã từng mơ tưởng đâu nhé!

Và tôi tin nó cũng rất đáng đọc với các bạn bè người Sài Gòn và các vùng khác của miền Nam, những người nói tiếng Nam, như các bác Hải, bác Trèo mà có người tôi đã gặp, người khác thì chưa, nhưng đọc văn thì nhận ra ngay là người miền nào, không lẫn vào đâu được.

Tôi cũng như nhà thơ họ Đỗ, luôn bị xem là Bắc Kỳ! Mặc dù tôi sinh ra, lớn lên ở miền Nam, sinh sống rất lâu ở khu người Nam (khu nhà thờ Chí Hòa, khu này chắc là nhà thơ Đỗ Trung Quân biết đây, nếu đã biết Ông Tạ với các nhà thờ Nam Thái, Nam Hòa, Tân Sa Châu, An Lạc, Mai Khôi vv).

Nhân tiện, tôi rất tò mò không hiểu ngày bé tôi có bao giờ tình cờ biết nhà thơ Đỗ Trung Quân không nhỉ? Vì tôi cũng ở đúng khu đó, loanh quanh các khu Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Ông Tạ, rồi Thái Hòa, Chí Hòa vv từ ngày vào Sài Gòn từ miền Trung lúc 5 tuổi đến lúc đi lấy chồng 25 tuổi! Những cái nghĩa trang rộng mênh mông và ... rờn rợn lúc chiều xuống mà nhà thơ nhắc đến ấy, ngày bé tôi cũng đã từng đi qua suốt đấy thôi!

Tôi vẫn nhớ đã từng ở Nam Thái một vài năm. Từ cái lúc mà trẻ con Nam Thái vẫn còn nói lẫn lộn "n" và "l". Bố tôi tên là "Nội", nên khi bọn trẻ muốn chọc ghẹo chị em tôi thì đợi đến lúc trời mưa, chúng bèn gọi chúng tôi í ới ra để "lội lước" với chúng, rồi cười ầm ĩ cả lên! (Mà không biết rằng, lội lước thì có liên quan gì đến cái tên của bố tôi đâu cơ chứ?)

Và ngạc nhiên chưa nhà thơ Đỗ ơi, tôi cũng là cựu nữ sinh Gia Long (Minh Khai) đây! Gia Long, lừng lẫy một thời. Mà nó là trường của người Nam đấy nhé! Lúc ấy, Sài Gòn có 2 trường nữ, mà trường kia đa số là người Bắc, đó là trường Trưng Vương.

Còn trường của tôi, Gia Long, khi tôi bước vào trường năm 1971, thì hình như đúng vào năm đó, hay bước sang năm sau 1972 gì đó tôi không còn nhớ nữa, trường đã tổ chức 60 năm kỷ niệm thành lập trường rồi! (Trong khi trường ĐH Bách Khoa cũng chỉ mới vừa tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm mới năm ngoái thôi thì phải!) Lễ lớn lắm, nhưng chỉ có "cán bộ lớp" được đi dự thôi, nên thường dân như tôi thì ở nhà nghỉ khỏe...

Tôi học được cách nói tiếng Nam (lơ lớ thôi) chính là từ thời học Gia Long. Học được cả cách phát âm cụm từ "sâu sắc" với âm "s" uốn lưỡi nhưng rất mềm, đọc xong nghe mới "sung sướng" làm "sao"!

Đấy, nếu nhà thơ Đỗ ở Sài Gòn 50 năm hơn, thì tôi cũng ở đó gần 50 năm rồi! Chúng ta cùng thời, nhà thơ họ Đỗ ạ! Bây giờ ngồi nghĩ lại, thấy mình cũng ... may mắn, ít ra ở một điểm: tôi gần như không bao giờ viết sai chính tả.

Hỏi ngã thì viết luôn đúng vì mình người Bắc mà, còn "x", "s" cũng chẳng bao giờ sai vì ... nếu không được xem là Nam, thì cũng chơi với người Nam, thuộc luôn cách phát âm. Khi nào ngờ ngợ không rõ là x hay s, thì chỉ cần nhớ lại cách phát âm của "con Cúc" hoặc "con Triêu" (mấy đứa bạn thân của tôi ngày ấy ở Gia Long, nói tiếng Nam, nhưng có đứa là người gốc Hoa, người Minh Hương đấy!), là viết đúng ngay.

Tôi chỉ tiếc, là chưa có nhiều bài thơ, bản nhạc hay về Sài Gòn nhỉ? Có, nhưng chưa nhiều. Tại sao thế? Có phải tại Sài Gòn bận rộn quá chăng, nên ít nói về chính mình?

Vì càng ở Sài Gòn, thì tôi càng yêu quý Sài Gòn hơn! Và yêu quý miền Nam, nơi cưu mang gia đình lớn của tôi, và gia đình của ông xã tôi nữa, khi mới phiêu bạt từ xứ Bắc vào. Nơi tôi sinh sống, và là quê hương của các con tôi...

Mặc dù cả chúng nữa, cũng thỉnh thoảng bị bạn bè gọi là Bắc Kỳ!

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Trong trái tim con chim đau nằm yên ...

Đó là một câu trong bài hát "Để gió cuốn đi" của Trịnh Công Sơn. Tôi nhớ ra câu hát ấy, khi tôi đọc mẩu tin này trên trang mạng chinaSMACK.com. Ở đây. Nói về phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc.

Ai muốn biết trang chinaSMACK này là cái gì, xin đọc phần tự giới thiệu lấy từ trang chủ của chinaSMACK, dưới đây:
chinaSMACK is a daily-updated collection of translated internet content from the Chinese-language internet. These latest stories, pictures, videos, and topics have become very popular, spreading across China’s major BBS forums, social networking websites, or through email forwards sent between normal Chinese people everyday.
Nói vắn tắt, nó là một trang tin tổng hợp từ các nguồn tin từ báo chí và Internet bằng tiếng Trung, được viết bằng tiếng Anh để dễ dàng tiếp cận được người đọc từ khắp thế giới không đọc được tiếng Trung. Chủ nhân của nó, theo tự giới thiệu, là người Trung Quốc sinh trưởng ở Thượng Hải. Còn độ chính xác của trang tin này thì tôi không thể bảo đảm, vì chưa tìm hiểu - mới tình cờ biết trang tin này thôi.

Chính xác hay không, và động cơ của trang này là gì, xin mọi người tự phán đoán lấy vậy. Vấn đề là cái tin về phụ nữ Việt Nam được trang này đưa lên thực sự làm cho tôi đau lắm.

Vì nó nói lên một sự thực đau lòng ở VN mà lâu lâu lại thấy báo chí nhắc đến ầm ĩ một hồi, chẳng hạn như ở đây, ở đây, ở đây, và ở đây. Rồi ... thôi.

Để gió cuốn đi. Chìm vào quên lãng.

Tôi tự hỏi: vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý đất nước của chính quyền, vai trò của các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, vv ở đâu ấy nhỉ? Sao nỡ để cho các cô gái Việt (xinh đẹp, chăm chỉ, dịu hiền, như trong trang chinaSMACK kia đã nói, một cách khá mỉa mai) bị mua bán với giá rẻ rúng như thế?

Cách đây ít lâu tôi nhớ người ta có đặt vấn đề thương hiệu quốc gia. Nation Brand. Và thảo luận về việc nên đưa ra hình ảnh gì cho cái thương hiệu VN này. Hình như có cả một dự án với một số tiền không nhỏ (tiền ngân sách, hình như thế) để xây dựng thương hiệu quốc gia của VN. Which is of course very good.

Đến giờ cũng không hiểu cái thương hiệu quốc gia ấy đã được xây dựng đến đâu. Tôi chỉ biết, trong giáo dục đại học thì người ta biết đến VN như một trường hợp điển hình của một nước nghèo muốn phát triển giáo dục nhưng nóng vội và quản lý kém nên có nhiều tham nhũng và chất lượng thấp. Giờ thì lại đến hình ảnh cô gái Việt có thể mua với giá rất rẻ (hàng tốt, giá cực mềm) như thế này ...

Nên mới có cái entry "trong trái tim con chim đau nằm yên" như thế này.

Nhưng cũng như Trịnh (tiêu cực, chỉ biết than vãn), tôi cũng sẽ chỉ biết

... ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu ...

và chỉ có thế mà thôi!

Nhân tiện, đã đọc bài này, xin mọi người đọc thêm bài "ôi, hồng nhan", ở đây.

Để buồn cho con cháu bà Triệu, bà Trưng ngày hôm nay!
--
Cập nhật 19/2/2010
Mới viết mẩu này hôm qua, thì hôm nay qua trang ABS lại tìm thấy tin này về cùng một vấn đề nhưng từ nguồn khác của nước ngoài. Ở đây.

Đây, dịch nguyên văn cái tựa bài viết là như thế này: Đàn ông Trung Quốc đổ xô đến VN để tìm "người vợ hoàn hảo" . Mà nó đưa trên trang tin của CNN (Mỹ), để cả thế giới đọc, mới ... nhục chứ!

Hu hu hu! Như thế này, liệu có "ngủ dài lâu" được không?????

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Bài đáng đọc: "Trà đá và cuộc chinh phạt đồ uống từ Sài Gòn"


Một bài đọc rất thú vị. Nó làm cho tôi, một người gốc Bắc di cư nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Nam, cảm thấy yêu Sài Gòn hơn nữa.

Bài đó ở đây.

Các bạn đọc nhé! Enjoy!

Hội Hoa Xuân 2010, chiều 30 Tết

Xin gửi quý bạn bè gần xa chùm ảnh Hội Hoa Xuân 2010 chiều 30 Tết từ Sài Gòn.

Có lẽ vì chiều 30 nên không khí của hội hoa khá êm đềm và thanh bình, không có cảnh chen chúc. Mà cũng có thể hội hoa chỉ dành cho người lớn tuổi, hoặc gia đình, nên không quá thu hút. Vì nó đã trở thành một truyền thống của Sài Gòn trên 30 năm rồi.

Và cùng với hình ảnh hội hoa, xin gửi đến mọi người lời chúc năm mới hạnh phúc
.
Cọp Canh Dần
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ?
Xem hình năm ngoái ở đây để so sánh.
Một góc hội hoa
Bố và con trai bên mai trắng
Cho ngày Valentine
Xương rồng
Mẹ và con gái năm Canh Dần
I am a rock
Hội hoa đã lên đèn
Cá huyết long
Khôi ước mình là con huyết long
San hô
Hai anh em năm cọp
Tranh ghép hoa ngoài cổng hội hoa

Và cuối cùng, ôn lại chút ký ức cũ. Xin đọc lại bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Ở đây.

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

Chiều 29 Tết, chợ Cây Quéo

Cây Quéo là một địa danh có từ rất lâu, từ lúc ông xã tôi còn rất nhỏ thì đã có địa danh ấy rồi. Là ông ấy nói như vậy, còn tôi thì chỉ biết nghe và tin. Bây giờ là phường 5, phường 6 Quận Bình Thạnh.

Gia đình ông xã tôi sống ở đây từ khi về Sài Gòn. Trước đó là ở Biên Hòa, nơi có nhiều người Bắc di cư. Những người "trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" ấy, đi đến đâu cũng tụ tập lại ở với nhau cho ... đỡ lạnh lùng, tạo thành xóm ấp, dựng nhà thờ, quây quần xúm xít ...
Khu này đa số là dân lao động nghèo, hoặc công chức, viên chức. Thu nhập chắc thuộc hạng dưới trung bình đến trung bình, trung bình khá là tối đa. Không có quan chức lớn, không có đại gia. Có lẽ khá tiêu biểu cho đa số người Sài Gòn.
Khi tôi lấy ông xã tôi, đến tháng 10 năm nay là đúng 25 năm rồi, tôi đang ở Quận Tân Bình. Cũng là một khu công giáo di cư, nhưng lúc ấy tôi đang ở ngoài mặt tiền đường Lê Văn Duyệt, sau 1975 đổi thành Cách Mạng Tháng 8. Khu ấy, mọi người có khá giả hơn một chút.

Entry này chỉ để đưa lên một số hình ảnh chợ Tết ở Cây Quéo do tôi chụp, vào chiều 29 Tết. Để lưu lại cho chính mình và thế hệ của các con tôi, những tháng ngày chúng ta đang sống. Ví dụ, hình ảnh xe gom rác như thế này ...
Dù nghèo hay giàu thì những cô gái vẫn thích làm đẹp, nhất là vào ngày Tết. Mải mê lựa kẹp tóc như thế này ...


Ngày tết vẫn cứ phải có trái cây để đặt lên mâm quả, "cầu vừa đủ xài" (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài), hoặc thậm chí là cầu vừa dư xài (cầu, dừa, dưa, xoài) ...

Còn đây là gian hàng quà tết của nhà nghèo. Nhìn vào hình, thấy có món quà đề giá 150, tức 150 ngàn. Khoảng 8, 9 USD! Gói giấy bóng trông cũng tươm tất ...

Đi chợ Tết nhà nghèo chiều 29, tôi lẩn thẩn nhớ 2 câu thơ của nhà thơ nào đó trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm ngày xưa:

Đất nước chúng ta không đếm hết người nghèo
đêm nay thiếu cơm, thiếu áo ...

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Tết đến rồi, Huy Quang ơi!

Ông xã tôi, đứng trước ... bàn (không phải "đứng trước biển"), do vợ mới dọn dẹp vì hôm nay mới được nghỉ Tết (ngày thường chất đầy sách vở, tài liệu, thấy mà ngán!)

Hình do tôi chụp, hì hì...
Đây là hình con gái đang tạo blog, "lợi dụng" dịp mẹ nghỉ Tết có chút thời gian rảnh nên bắt mẹ chỉ cách làm...

Hình con trai (điệu giống bố, không giống tính mẹ), chụp từ hôm Noel, hôm nay rảnh tìm thấy trong máy, đưa lên đây luôn ...



Đây nữa, hình con gái - áo mẹ mua, đẹp ghê ;-)

Chiều nay đi chợ, sẽ chụp thêm hình đưa lên, để mọi người ở xa thấy được hình ảnh Tết VN hiện nay - gắn với một người, một nơi cụ thể.

Tết đến rồi, Huy Quang ơi! Dù năm qua có gì đi nữa, Xuân đến vẫn đem lại hy vọng phải không Quang?

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Đọc blog của NVT viết về ĐHQG-HCM

Hôm qua tôi có ... cao hứng viết một bài về ĐHQG-HCM trên blog này. Đại khái: tôi tự hào vv....

Thì sáng nay mở mạng ra đã thấy một bài viết của một blogger mà tôi là một trong nhiều big fan, đó là blog của GS Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, người được công chúng biết khá rõ qua những bài báo với những nhận định thẳng thắn về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có giáo dục. Bài viết đó ở đây.

Một bài rất đáng đọc, đặc biệt là đối với những ai đã đọc mẩu "tự hào" của tôi. Bởi vì trước hết, nó cho ta một góc nhìn khác, là cái mà một xã hội ít tính phản biện như xã hội VN đang rất cần. Ngoài ra, những phân tích của chủ nhân blog NVT về những bất cập của ĐHQG-HCM cũng rất đáng đọc. Mặc dù có lẽ ở VN người nào cũng biết rõ về những điều này.

Còn với tư cách một người đã viết mẩu ... cao hứng và tự hào hôm qua, tôi chỉ có 2 điều muốn làm rõ với mọi người và với GS NVT, nếu ông có bao giờ đọc những giòng này của tôi:

1. Tôi có 2 blog sử dụng thường xuyên, blog này và blog giáo dục VN. Mỗi blog có một mục đích chính. Cái gì viết trên blog này chỉ là chủ quan và cảm tính, là ước mơ, không quan tâm đến việc ước mơ đó có cơ sở khoa học hay không. Không ai cấm Thị Nở mơ làm hoa hậu, phải không?

Còn blog giáo dục VN, ở đây, thì khác. Các bài viết, các ý kiến đưa lên blog này đều có tính phản biện, hoặc là những thông tin khách quan. Và đa số là phê phán. Đặc biệt, hầu như trang này không bao giờ đưa tin về ĐHQG-HCM, dù khen hay chê, vì nó vi phạm nguyên tắc "conflict of interest".

2. Tôi đồng ý với những nhận định của GS NVT trong bài viết về khoảng cách giữa ĐHQG-HCM với các đại học có đẳng cấp trên thế giới. Không có gì mâu thuẫn ở đây giữa nhận định của tôi (tự hào vì ĐHQG-HCM làm khá tốt trong hoàn cảnh của mình) và nhận định trên của anh Tuấn. Có lẽ chỉ qua một entry ngắn trên blog thì tôi không hiểu hết ý của anh Tuấn và anh Tuấn không hiểu hết ý tôi.

Ý của tôi: cái làm cho tôi tự hào là các kết quả - dù rất nhỏ - của những nỗ lực âm thầm của tất cả chúng tôi, và đáng nói hơn, là của việc "làm thật", trong điều kiện khó khăn của VN.

Một người bên ngoài sẽ thắc mắc: "làm thật" là đương nhiên, có gì đâu mà phải tự hào? Nhưng cứ đặt tất cả vào trong bối cảnh của VN hiện nay, khi việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đang có vấn đề nghiêm trọng như anh Tuấn đã biết (và viết!), thì liệu việc làm tăng số lượng tiến sĩ bằng mọi giá trong tình trạng như thế, liệu có giúp gì cho việc tăng chất lượng giáo dục VN không?

Vậy mà ở VN, đôi khi người ta quên điều này, mà chỉ chạy theo những số lượng vô hồn như thế. Muốn tăng số tiến sĩ ư: dành giật từ nơi khác về, thậm chí "nhập" từ nước ngoài, hoặc thậm chí có nơi khai "khống", cho đủ số. Muốn tăng số bài báo, thậm chí giải Nobel ư? Cũng thế, hãy bỏ tiền ra mua, là xong? Cái này Trung Quốc cũng làm đấy. Còn tôi, thì tôi không đồng tình với cách làm đó.

Cũng vậy, về các cái hàm giáo sư và phó giáo sư. Cá nhân tôi chẳng hạn, tôi không hề xin phong PGS dù đã có bằng tiến sĩ gần 15 năm rồi, và tự nghĩ mình cũng không quá tệ so với mặt bằng chung ở VN, và một số công trình của tôi - dù không công bố quốc tế - cũng khá đạt kể cả so với tiêu chuẩn Úc, nơi tôi đã học (cái này các đồng nghiệp và thầy cũ của tôi nói chứ không phải tôi nói).

Nhưng tôi không "xin" phong PGS, vì tôi muốn tỏ thái độ đối với một số những tồn tại và bất cập của hệ thống phong học hàm của VN hiện nay (cứ nghe cách gọi tên đã rõ: "xin" "phong" "học hàm" giáo sư, phó giáo sư!). Vì vậy, tôi tự hào về ĐHQG-HCM là bởi vì còn có cả điều này nữa: trong số những người tôi biết, có kha khá nhiều người mang "hào khí Đồng Nai", thẳng thắn bộc trực như Lục Vân Tiên, dù chính điều này đã làm cho cuộc sống của họ không dễ dàng một chút nào ... Và có thể cản trở họ trong con đường dẫn đến học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Còn ý kiến của anh Tuấn, tôi nghĩ, có lẽ là một lời cảnh tỉnh cho những người quá mơ mộng. Trong đó có tôi. Rất cần thiết anh Tuấn ạ. Nhưng có lẽ những người phải trực tiếp làm như bọn tôi sẽ không có thời gian để mơ mộng nhiều, mà có mơ mộng thì cũng biết mình đang mơ mộng.

Mơ một chút, cho mọi cái đẹp đẽ hơn, cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn thôi. Rồi lại phải tỉnh, lại phải đối đầu với những việc hàng ngày, nghiệt ngã và không ai cho phép mình dối trá. Hàng ngày sẽ phải trả lời câu hỏi, bài báo của anh viết gửi nước ngoài có ai đăng không? Sinh viên của anh ra trường có việc làm không, lương bổng thế nào, có sống được không? Ngành học của anh có tuyển được sinh viên giỏi vào học không? Các môn học trong chương trình có tìm được thầy giỏi để dạy không? Những câu hỏi như vậy hàng ngày đối mặt với chúng tôi, nên chúng tôi ở đâu thì có lẽ chúng tôi cũng rõ cả rồi anh Tuấn ạ. Ngay bây giờ, hãy chú trọng để làm sao làm được một good teaching university, sao cho tử tế, đúng chuẩn mực được quốc tế thừa nhận, đã là tốt lắm rồi!

Dù sao tôi vẫn ghi nhận thiện ý và những lời khuyên, những đóng góp chân thành và thẳng thắn của GS NVT đối với ĐHQG-HCM (yêu quý của tôi?) Và, dù những lời nói thẳng đó thỉnh thoảng có gây shock đối với ai đó, không loại trừ tôi, thì VN ta vẫn cần những tấm lòng như thế biết bao! Phải không, mọi người nhỉ?

Những ngày cuối năm Kỷ Sửu, một năm vất vả như trâu ...

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

Bài viết về mô hình ĐHQG-HCM trên báo Nhân Dân

Hôm nay cuối năm rảnh rỗi một chút, lên mạng đọc tài liệu, bắt gặp bài này trên báo Nhân Dân (online).

Mặc dù mọi việc đều biết cả rồi, nhưng ... đọc lại thấy cũng có chút ... tự hào (lây). Nhớ có một lần tranh cãi với một đồng nghiệp về "đại học đẳng cấp quốc tế", mình đã dám khẳng định, ở VN nếu có trường nào trở thành đẳng cấp quốc tế trong tương lai, thì đó phải là một trường như ĐHQG-HCM. Nói cách khác, nếu các ĐHQG mà không thành được đại học đẳng cấp quốc tế, thì chẳng có trường nào của VN làm được đâu!

Nay ngồi đọc bài này, rồi nhớ lại chuyện cũ, vẫn thấy tin vào lời khẳng định ấy của mình. Thật vậy! Dù đó là mình đang nói về chính nơi làm việc của mình, nhưng chắc chắn niềm tin này là chính đáng, chứ không phải là thiên vị hay mù quáng gì đâu.

Mời mọi người đọc ở đây.

Và chúc một năm mới vui vẻ!

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Cọp, cọp ơi mắt sáng trừng trừng ...

Cọp, cọp ơi mắt sáng trừng trừng
Đêm thâu, mắt quắc quét xuyên rừng

Đây là hai câu thơ tôi vừa dịch, nóng hổi, để phục vụ "bà con" đọc bài viết này. Còn hai câu gốc bằng tiếng Anh là
Tiger tiger burning bright
In the forests of the night

Hai câu thơ này lấy trong bài thơ "Tiger tiger burning bright" của thi sĩ người Anh William Blake. Bài thơ này nằm trong chương trình học ở phổ thông của các nước Anh Mỹ, giống như bài thơ "Nhớ rừng" của Thế Lữ có trong chương trình học phổ thông của học sinh Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là các bài thơ này sẽ nằm mãi trong ký ức suốt đời của những người đã từng qua học trường lớp.

Mới thấy, Ông Ba Mươi nhà ta dữ dằn thật! Có con vật nào khác được đưa lên tượng đài tôn vinh "đời đời bền vững" như Ông đâu nhỉ!

Tại sao tôi lại nhớ đến bài thơ này, và bài Nhớ rừng của Thế Lữ? Vì hôm qua nhìn thấy tựa entry mới trên blog của Ngài Mark Kent, đại sứ Anh tại VN, với tựa đề "Năm Dần". Lại nhớ ngày xưa, thời còn đi học tại trường Gia Long, tôi cũng tham gia làm báo tường, rồi viết báo Xuân của trường.

Và một mục mà tôi hay thích tham gia, thuộc dạng "sưu tập", "biên khảo", kèm các nhận định tản mạn, là "Năm ... nói chuyện ...". Ví dụ, Năm Dần nói chuyện Cọp.

Mở bài viết của Mark Kent ra đọc, trời đất ơi, y như rằng ngài đại sứ Anh nói chuyện cọp thật. Sao mà ông này "ghê quá vậy", người nước ngoài mà còn rành phong tục Việt Nam hơn người Việt Nam nữa ta ơi? Sợ quá, vậy thì bí mật của nước Nam ta, người Nam ta, có gì "họ" nắm cả rồi, sau này tha hồ mà điều khiển chúng ta. Còn ta, ta có hiểu gì về "họ" không, để còn biết đường mà đối phó với "họ" chứ?

Nhưng mà bình tĩnh đọc lại, thì tôi thấy có một điểm khác cơ bản giữa cách viết theo kiểu Năm Dần nói chuyện cọp của VN, với cách viết về cọp của ngài đại sứ Anh. Vì ta mà viết, thì sẽ thiên về tả Ông Cọp với những đức tính cao đẹp tuyệt vời của Ông, từ hình dáng đẹp đẽ bên ngoài, đến sự oai hùng lẫm liệt bên trong. Rồi có lẽ sẽ kết thúc bằng việc tán dương những người sinh năm Dần, mang tuổi Ông (Bà) Cọp. Và những may rủi trong năm tới.

Một cái nhìn hết sức hướng nội, hẹp, và ... có lẽ vị kỷ?

Còn bài viết của Ông Tây nhà ta (chà, cái cụm từ này hay đây!) thì nói về vấn đề môi trường, về nạn diệt chủng của loài cọp, và về những nỗ lực của thế giới để bảo vệ loài cọp khỏi sự diệt chủng. Trong đó có nhắc đến Việt Nam.

Không, không có khen ngợi gì đâu, đừng vội mừng. Tất nhiên, vì là nhà ngoại giao, lại là người Anh, rất duy lý, phớt tỉnh Ăng-Lê, nên ông ấy cũng không chê. Chỉ đưa ra những thông tin khách quan thôi. Ông ấy nói, VN là một trong những nước hiếm hoi vẫn còn cọp sống hoang dã. Và ông ấy đưa link về Sáng kiến Toàn cầu Bảo vệ Hổ và Diễn đàn Toàn cầu Bảo vệ Hổ tại hai trang web: http://www.globaltigerinitiative.org/
và http://www.globaltiger.org/. Ai quan tâm, cứ vào đấy mà xem.

Vì tò mò, chứ chẳng phải vì quá quan tâm bảo vệ loài cọp, tôi cũng vào. Và hoảng hồn vì thấy bản tin "Tội ác chống lại đời sống hoang dã tại Việt Nam" (Wildlife Crime in Vietnam), số tháng 11/2009. Tại đây. Đầy hình ảnh sống động, ấn tượng. Nào gấu bị nhốt trong chuồng (chắc là chờ đem bán). Nào cọp bị giết. Nào ngà voi đã chặt thành từng khúc, để hàng đống. Nào ... chân gấu đã cắt rời (kinh hoàng quá). Và cùng với đó, là những mẩu tin, với những cái tựa ấn tượng bằng tiếng Anh. ví dụ, Tiger Conservation or Trade. Bảo tồn hay buôn bán cọp?

Tôi không đọc, và không viết được nữa đâu! Ngộp thở mất rồi. Vì tôi nhớ đến việc nhiều năm nay giáo dục Việt Nam đã đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình học bắt buộc, ít ra là ở bậc đại học. Bạn bè tôi, đặc biệt là nhóm bạn tốt nghiệp những ngành xã hội như Sử, Địa, trước đây "bán thất nghiệp" (vì không dạy luyện thi được), nay có thêm nghề dạy các môn giáo dục môi trường.

Và đã làm nhiều năm rồi. Mọi việc dường như đã tốt lên??? Sinh viên đã được tăng cường về ý thức bảo vệ môi trường??? Hình như các báo cáo tổng kết đã viết như thế. Và chắc chắn là điểm thi hết môn của các em đều đẹp đẽ. Chứng tỏ một sự quan tâm rất lớn của các em về vấn đề môi trường.

Nên cứ yên tâm đi, những xuống cấp về môi trường hiện nay, chắc chỉ là hiện tượng tạm thời thôi. Chứ bản chất của người Việt Nam ai cũng yêu thiên nhiên lắm, cũng có ý thức bảo vệ môi trường lắm. Đấy, nhìn số liệu báo cáo thì sẽ rõ!!!

Tôi chỉ có một câu hỏi: mọi người có biết về những trang web kia, và những sự kiện mà họ đang bạch hóa cho khắp thế giới biết, về những vấn đề liên quan đến môi trường của Việt Nam không?

Thế mà Ông Tây, ông ấy biết đấy! Nhân tiện, trang của ông ấy ở đây.

Bây giờ mới hiểu, tại sao trong câu thơ kia Ông Cọp của ta lại "mắt sáng trừng trừng". Lúc này, Thế Lữ mà còn sống, chắc sẽ làm một bài thơ khác, chứ bài "Nhớ rừng" cũng lỗi thời rồi. So với mấy Ông Cọp là nạn nhân của tội ác trong bản tin kia, thì Ông Cọp nhớ rừng của Thế Lữ dù sao cũng đã có một thân phận vương giả lắm!

Viết vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến năm Dần. Xin Ông Cọp phù hộ!

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

Đọc "Màu tự nhiên", nhớ "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ

Sáng, đọc báo mạng, thấy bài hay, nên viết một chút. Nhưng không vào blogspot được, nên phải đăng lên blog tại multiply. Nay chép lại ở đây cho các bạn bè ở bên này. Như Quang, như Vượng.

Phải nói thêm: entry này cũng có sửa lại đôi chút so với entry bên multiply. Vì cái tật của tôi nó thế. Bất cứ khi nào nhìn lại cái đã viết ra thì tôi cũng đều sửa. Vì tư duy luôn phát triển mà. Theo đúng tinh thần "không ai tắm hai lần trong cùng một giòng sông".

--
Trước hết, nói về "Màu tự nhiên" một chút. Đó là tập thơ mới của một nhà thơ, tạm gọi là mới, ở Việt Nam, là Hàm Anh. Thấy hay hay, ít ra là có chút nét riêng. Muốn biết thêm về tác giả và tác phẩm này, xin đọc tại đây.

Còn ở đây, chỉ xin chép lại bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Vì khi đọc màu tự nhiên thì tôi lại nhớ đến bài này, và ký ức thật dạt dào. Át luôn cả cái màu tự nhiên đang được giới thiệu. Nên chép ra đây cho chính tôi và cho mọi người. Chép theo trí nhớ.

Nói ra ngoài một chút. Bài "Màu thời gian" tôi chỉ đọc đúng một lần là nhớ. Đọc vào năm 13, 14 tuổi gì đó. Trong tập biên khảo với tựa đề Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Cuốn sách dày cui, 300-400 trăm trang có lẻ. Tập sách ấy, chị tôi mua về để học, để tham khảo cho môn Văn. Chị ấy hơn tôi 5 tuổi, vậy lúc tôi 13, 14 thì chị 18, 19 tuổi. Đang học lớp 12, chuẩn bị thi Tú tài 2. Nên đang học hành khẩn trương, ráo riết.

Kể ra điều này mới thấy rằng cái học thời xưa hơn cái học bây giờ biết bao! Học đến lớp 11, 12, các anh chị thời ấy đã rất biết tự học, rất có tinh thần phản biện, tranh luận, và đã rất có định hướng. Cái này những người đã xong cấp 3 thời trước 1975 như chị tôi, như bác Hải, như ông xã tôi đều có thể xác nhận.

Có lẽ chính vì học như thế nên mấy người này thấy gàn gàn (!), khác người sao sao ấy. :-) Chứ có đâu như bây giờ, sinh viên cao học hình như cũng chỉ cần biết làm sao cho giống người khác (không nên khác đám đông!), và đi học là ... để sau này chấp hành mệnh lệnh cấp trên! Chẳng trách ...

Mà thôi, biết rồi, khổ lắm, nói mãi (bác Hải bác ấy nói thế!) Nên xin quay trở lại bài thơ thôi. Nó đây - theo trí nhớ của tôi, có thể không hoàn toàn chính xác.

Màu thời gian

Sáng nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình...

Nghìn xưa không lạnh nữa, Tần Phi!
Ta lặng dâng nàng
Màu mây phảng phất nhuốm thời gian.

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh.

Tóc mây một món, chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ tặng Quân Vương
Trăm năm duyên cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng.

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn vương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát ...


Không biết phải phân tích bài thơ như thế nào. Chỉ biết là nó hay! Và dù không giải thích được, tôi vẫn hiểu nó. Hiểu một cách trực tiếp, qua cảm xúc. Có phải đó cũng là một phần của "bản thể thi ca" hay không, bác Hải nhỉ?

Nghìn xưa không lạnh nữa ...

(Tự nhiên, lan man lại nhớ Vũ Đình Liên, với Người xưa muôn năm cũ ...)

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Bài đáng đọc của Nguyên Ngọc: "Đi xa để lại nghĩ về gần"

Bài đó ở đây.

Một vài trích dẫn để suy ngẫm:

Claude Lévi-Strauss[...], trong tác phẩm Tư duy man dã, lại viết rằng "tư duy man dã đã không phải là tư duy của người man dã, mà là một thuộc tính phổ quát của tinh thần con người, biểu hiện chẳng hạn trong thơ và nghệ thuật".

Muốn hiểu hơn về Levi-Straus, có thể đọc bài này. Chỉ xin có một nhận xét ở đây về cụm từ "tư duy man dã". Cụm từ tương ứng trong tiếng Anh là "savage minds", và nên dịch cụm từ này là "tâm hồn hoang dã" có lẽ đúng ý tác giả hơn.

Và đoạn quan trọng nhất trong bài này, theo tôi:

Ở Luang Prabang tôi được biết một điều: cả thành phố không nhà nào cao quá hai tầng, cố đô nép mình khiêm nhường bên bờ sông Mekong đoạn này rất êm ả, và bất cứ ai muốn chặt một cây nhỏ, ngay trong vườn riêng của mình, đều phải xin phép, rất khó khăn.

Tôi bỗng nhớ đến Tây Nguyên, ngày trước trên ấy khi phải chặt một cây trong rừng, người ta cẩn trọng làm lễ xin phép rừng và tạ lỗi với cây. Có gì đó gần nhau quá giữa bà cụ Luang Prabang dâng xôi cho sư rồi lại dâng xôi cho cây, đều kính cẩn như nhau, và người Tây Nguyên của tôi thấy mình có lỗi với rừng, với cây mỗi khi buộc phải làm đau cây, đau rừng.

Giống quá, tự trong một chiều sâu rất sâu nào đó mà Luang Prabang vẫn giữ được, còn Tây Nguyên của tôi đang mất. Đến Luang Prabang, tôi đi xa để lại nghĩ về gần...

Xin kết thúc bằng 2 câu thơ tiếng Anh vẫn nằm sâu trong bộ nhớ dài hạn của tôi, nay được truy hồi lại, nhân đọc bài của Nguyên Ngọc:

Poems are made by fools like me,
But only God can make a tree.


Làm thơ chỉ cần lũ ngốc
Tạo cây phải lụy trời xanh.

(PA mới dịch, nóng hổi, 6/2/2010)

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

Thơ ...

Tôi viết mẩu này vì vừa đọc xong bài thơ trên blog của Huy Quang. Nó làm tôi nhớ đến mối đam mê một thời của tôi.

Và thế là gạt phăng qua những bận rộn của công việc hành chính và tài chính cuối năm và kế hoạch công việc đầu năm mới trước khi nghỉ tết. Phải ghi lại ngay những gì đang "chạy" qua trong đầu tôi lúc này, vì cảm hứng thì luôn luôn bất chợt, đến rồi đi, không ghi lại thì chỉ có mất thôi!

Khoe một chút, tôi có thơ đăng báo từ năm 13 tuổi! Lúc ấy, ở Saigon có tờ báo tên là Chính Luận, có trang thiếu nhi lấy tên là Mai Bê Bi (= my baby), và tôi là một "cây bút" thiếu nhi có bài đăng ở đó, với bút hiệu là "Tơ trời"! Cái bút hiệu này chẳng qua là tên của một cuốn tản văn được nhà sách Tuổi Hoa xuất bản, tôi vẫn nhớ của một tác giả (chắc là còn rất trẻ) lấy tên là Tỉ tỉ, và tôi tò mò mua về đọc. Bây giờ cũng chẳng nhớ cuốn sách nói gì nữa, chỉ biết tơ trời là cách tác giả dùng để chỉ mây. Hình như là viết về những suy nghĩ lãng mạn của một cô gái mới lớn.

Nghĩ lại, thấy rất thú vị: con gái tôi bây giờ cũng 13 tuổi, cũng đang ở tuổi mới lớn, bắt đầu mơ mộng, làm thơ viết nhật ký, và rất ... riêng tư!

Và từ lúc ấy cho đến suốt thời đi học (trung học, đại học, và kể cả một số năm sau khi ra trường), tôi đã làm và dịch không biết bao nhiêu là thơ. Tiếc rằng thời đó nghèo quá, điều kiện eo hẹp quá, mà cũng chẳng có ý thức giữ lại cho mình hoặc chia sẻ với bạn bè, người thân, nên bây giờ mất hết!

Chỉ thỉnh thoảng lại nhớ thoáng qua một chút, như lúc này. Thôi còn nhớ được gì thì cố chép ra vậy. Để lưu lại cho chính mình, và chia sẻ với mọi người "đi ngang cửa" blog của tôi.

Đây, bài thơ Lửa và băng, thơ tôi dịch từ thời còn học đại học (lúc ấy, tôi học ngữ văn Anh, với ước mơ sẽ trở thành một cây dịch văn học sau khi tốt nghiệp).

Lửa và băng
(Thơ Robert Frost, PA dịch, 1982?)

Người nói, trần gian sẽ tàn trong biển lửa
Kẻ nói, dưới giá băng.

Chất chứa nhiều lửa khát vọng trong lòng
Tôi đồng tình với những ai chọn lửa.

Nhưng nếu thế giới này phải tàn đi lần nữa
Tôi cũng biết qua về sự hận thù
Đủ để hiểu rằng
Sự tàn phá của giá băng
Không kém lớn lao, và cũng vừa thích đáng.


Bản tiếng Anh:

Fire and Ice

Some say the world will end in fire,
Some say in ice.

From what I've tasted of desire
I hold with those who favor fire.

But if it had to perish twice,
I think I know enough of hate
To say that for destruction ice
Is also great
And would suffice.


Thơ ... đấy là một loại ngôn ngữ đặc biệt, mà phải biết nó, thì sẽ hiểu được nó nói gì. Thông điệp của nó, đối với những người hiểu ngôn ngữ của nó, rất rõ ràng, có phải không Quang? Còn ai không hiểu ngôn ngữ này, thì sẽ thấy nó rất vớ vẩn.

Chợt nghĩ ra một cách so sánh khá thú vị:
Người không hiểu ngôn ngữ của thơ, khi đọc thơ, có lẽ cũng giống như người Trung Quốc đọc chữ nôm của mình đấy nhỉ? Rõ ràng là tiếng Hán đấy, mà chẳng hiểu gì cả! Nhưng người Việt Nam mà đã học chữ nôm, thì đọc được ngay, rất rõ ràng.

Viết lăng nhăng vài giòng cho chính mình thôi. Và đây nữa, hai câu cuối của bài thơ The Solitary Reaper của Longfellow:

The music in my heart I bore
Long after it was heard no more.

Giọng ca xưa dù đã xa xôi
Nhưng điệu nhạc trong tôi đọng mãi ...


Một trong những ngày cuối năm Kỷ Sửu ...