Hôm qua tôi có ... cao hứng viết một bài về ĐHQG-HCM trên blog này. Đại khái: tôi tự hào vv....
Thì sáng nay mở mạng ra đã thấy một bài viết của một blogger mà tôi là một trong nhiều big fan, đó là blog của GS Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, người được công chúng biết khá rõ qua những bài báo với những nhận định thẳng thắn về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có giáo dục. Bài viết đó ở đây.
Một bài rất đáng đọc, đặc biệt là đối với những ai đã đọc mẩu "tự hào" của tôi. Bởi vì trước hết, nó cho ta một góc nhìn khác, là cái mà một xã hội ít tính phản biện như xã hội VN đang rất cần. Ngoài ra, những phân tích của chủ nhân blog NVT về những bất cập của ĐHQG-HCM cũng rất đáng đọc. Mặc dù có lẽ ở VN người nào cũng biết rõ về những điều này.
Còn với tư cách một người đã viết mẩu ... cao hứng và tự hào hôm qua, tôi chỉ có 2 điều muốn làm rõ với mọi người và với GS NVT, nếu ông có bao giờ đọc những giòng này của tôi:
1. Tôi có 2 blog sử dụng thường xuyên, blog này và blog giáo dục VN. Mỗi blog có một mục đích chính. Cái gì viết trên blog này chỉ là chủ quan và cảm tính, là ước mơ, không quan tâm đến việc ước mơ đó có cơ sở khoa học hay không. Không ai cấm Thị Nở mơ làm hoa hậu, phải không?
Còn blog giáo dục VN, ở đây, thì khác. Các bài viết, các ý kiến đưa lên blog này đều có tính phản biện, hoặc là những thông tin khách quan. Và đa số là phê phán. Đặc biệt, hầu như trang này không bao giờ đưa tin về ĐHQG-HCM, dù khen hay chê, vì nó vi phạm nguyên tắc "conflict of interest".
2. Tôi đồng ý với những nhận định của GS NVT trong bài viết về khoảng cách giữa ĐHQG-HCM với các đại học có đẳng cấp trên thế giới. Không có gì mâu thuẫn ở đây giữa nhận định của tôi (tự hào vì ĐHQG-HCM làm khá tốt trong hoàn cảnh của mình) và nhận định trên của anh Tuấn. Có lẽ chỉ qua một entry ngắn trên blog thì tôi không hiểu hết ý của anh Tuấn và anh Tuấn không hiểu hết ý tôi.
Ý của tôi: cái làm cho tôi tự hào là các kết quả - dù rất nhỏ - của những nỗ lực âm thầm của tất cả chúng tôi, và đáng nói hơn, là của việc "làm thật", trong điều kiện khó khăn của VN.
Một người bên ngoài sẽ thắc mắc: "làm thật" là đương nhiên, có gì đâu mà phải tự hào? Nhưng cứ đặt tất cả vào trong bối cảnh của VN hiện nay, khi việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đang có vấn đề nghiêm trọng như anh Tuấn đã biết (và viết!), thì liệu việc làm tăng số lượng tiến sĩ bằng mọi giá trong tình trạng như thế, liệu có giúp gì cho việc tăng chất lượng giáo dục VN không?
Vậy mà ở VN, đôi khi người ta quên điều này, mà chỉ chạy theo những số lượng vô hồn như thế. Muốn tăng số tiến sĩ ư: dành giật từ nơi khác về, thậm chí "nhập" từ nước ngoài, hoặc thậm chí có nơi khai "khống", cho đủ số. Muốn tăng số bài báo, thậm chí giải Nobel ư? Cũng thế, hãy bỏ tiền ra mua, là xong? Cái này Trung Quốc cũng làm đấy. Còn tôi, thì tôi không đồng tình với cách làm đó.
Cũng vậy, về các cái hàm giáo sư và phó giáo sư. Cá nhân tôi chẳng hạn, tôi không hề xin phong PGS dù đã có bằng tiến sĩ gần 15 năm rồi, và tự nghĩ mình cũng không quá tệ so với mặt bằng chung ở VN, và một số công trình của tôi - dù không công bố quốc tế - cũng khá đạt kể cả so với tiêu chuẩn Úc, nơi tôi đã học (cái này các đồng nghiệp và thầy cũ của tôi nói chứ không phải tôi nói).
Nhưng tôi không "xin" phong PGS, vì tôi muốn tỏ thái độ đối với một số những tồn tại và bất cập của hệ thống phong học hàm của VN hiện nay (cứ nghe cách gọi tên đã rõ: "xin" "phong" "học hàm" giáo sư, phó giáo sư!). Vì vậy, tôi tự hào về ĐHQG-HCM là bởi vì còn có cả điều này nữa: trong số những người tôi biết, có kha khá nhiều người mang "hào khí Đồng Nai", thẳng thắn bộc trực như Lục Vân Tiên, dù chính điều này đã làm cho cuộc sống của họ không dễ dàng một chút nào ... Và có thể cản trở họ trong con đường dẫn đến học hàm phó giáo sư, giáo sư.
Còn ý kiến của anh Tuấn, tôi nghĩ, có lẽ là một lời cảnh tỉnh cho những người quá mơ mộng. Trong đó có tôi. Rất cần thiết anh Tuấn ạ. Nhưng có lẽ những người phải trực tiếp làm như bọn tôi sẽ không có thời gian để mơ mộng nhiều, mà có mơ mộng thì cũng biết mình đang mơ mộng.
Mơ một chút, cho mọi cái đẹp đẽ hơn, cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn thôi. Rồi lại phải tỉnh, lại phải đối đầu với những việc hàng ngày, nghiệt ngã và không ai cho phép mình dối trá. Hàng ngày sẽ phải trả lời câu hỏi, bài báo của anh viết gửi nước ngoài có ai đăng không? Sinh viên của anh ra trường có việc làm không, lương bổng thế nào, có sống được không? Ngành học của anh có tuyển được sinh viên giỏi vào học không? Các môn học trong chương trình có tìm được thầy giỏi để dạy không? Những câu hỏi như vậy hàng ngày đối mặt với chúng tôi, nên chúng tôi ở đâu thì có lẽ chúng tôi cũng rõ cả rồi anh Tuấn ạ. Ngay bây giờ, hãy chú trọng để làm sao làm được một good teaching university, sao cho tử tế, đúng chuẩn mực được quốc tế thừa nhận, đã là tốt lắm rồi!
Dù sao tôi vẫn ghi nhận thiện ý và những lời khuyên, những đóng góp chân thành và thẳng thắn của GS NVT đối với ĐHQG-HCM (yêu quý của tôi?) Và, dù những lời nói thẳng đó thỉnh thoảng có gây shock đối với ai đó, không loại trừ tôi, thì VN ta vẫn cần những tấm lòng như thế biết bao! Phải không, mọi người nhỉ?
Những ngày cuối năm Kỷ Sửu, một năm vất vả như trâu ...
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Theo tôi, phải nhìn đại học ở 2 vấn đề lý thuyết và thực tiễn thì sẽ khách quan hơn.
Trả lờiXóa1. Về mặt lý thuyết thì trường ĐH cần TS và GS có tỷ lệ cao.
2. Về mặt thực tiễn cuộc sống thì trường ĐH cần nhiều những giảng viên làm việc trực tiếp với đời sống hằng ngày, để giúp sinh viên va chạm với thực hành sau khi đã được đào tạo lý thuyết suông.
Cho nên các đại học lớn trên thế giới như Harvard cũng phải mời Bill Gates hay Bill Clinton vào để nói chuyện mà phải trả tiền từ hàng trăm nghìn đến triệu USD mỗi giờ là thế.
Một lãnh đạo của trường đại học tốt là 1 lãnh đạo biết sử dụng người có lý thuyết và người có thực hành đúng chỗ, đúng nơi, hiệu quả nhất. Chứ không phải là lãnh đạo chỉ chú tâm đến tỷ lệ % số GS và TS cơ số của trường mình.
Ngoài ra một trường ĐH tốt là trường biết gắn kết giữa khoa học cơ sở và khoa học ứng dụng có lợi với cuộc sống thực tiễn. Nói về vấn đề này chắc chờ sau tết tôi sẽ viết một loạt bài Chuột Lang giáo dục về ĐH nữa cũng nên?
Chúc chị năm mới hạnh phúc, sức khỏe và thành đạt,
Cám ơn bác đã đọc và còm.
Trả lờiXóaTôi rất tán đồng ý kiến của bác, và sẽ chờ những bài viết mới của bác về giáo dục, sau tết.
Chúc bác một cái Tết vui vẻ, và hẹn gặp nhau tân niên nhé?
PA
OK, khi về SG vào mồng 5 âm lịch tôi sẽ hú anh em cùng offline cà p-hê. Hy vọng rằng sẽ đông, vui và hao. :P
Trả lờiXóaTôi sẽ nhậu cùng với nhà văn Đào Hie61`u khi về quê chị ạ. Mới liên hệ anh em sẽ gặp nhau tại Qui Nhơn trong dịp tết.
Kỳ này tôi ăn tết ở quê có vẻ xôm tụ nhiều anh em bạn bè từ thời học cấp 1 đến những người quen hôm nay.
Chúc chị ăn tết vui vẻ
Trả lờiXóaHQ