Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Cọp, cọp ơi mắt sáng trừng trừng ...

Cọp, cọp ơi mắt sáng trừng trừng
Đêm thâu, mắt quắc quét xuyên rừng

Đây là hai câu thơ tôi vừa dịch, nóng hổi, để phục vụ "bà con" đọc bài viết này. Còn hai câu gốc bằng tiếng Anh là
Tiger tiger burning bright
In the forests of the night

Hai câu thơ này lấy trong bài thơ "Tiger tiger burning bright" của thi sĩ người Anh William Blake. Bài thơ này nằm trong chương trình học ở phổ thông của các nước Anh Mỹ, giống như bài thơ "Nhớ rừng" của Thế Lữ có trong chương trình học phổ thông của học sinh Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là các bài thơ này sẽ nằm mãi trong ký ức suốt đời của những người đã từng qua học trường lớp.

Mới thấy, Ông Ba Mươi nhà ta dữ dằn thật! Có con vật nào khác được đưa lên tượng đài tôn vinh "đời đời bền vững" như Ông đâu nhỉ!

Tại sao tôi lại nhớ đến bài thơ này, và bài Nhớ rừng của Thế Lữ? Vì hôm qua nhìn thấy tựa entry mới trên blog của Ngài Mark Kent, đại sứ Anh tại VN, với tựa đề "Năm Dần". Lại nhớ ngày xưa, thời còn đi học tại trường Gia Long, tôi cũng tham gia làm báo tường, rồi viết báo Xuân của trường.

Và một mục mà tôi hay thích tham gia, thuộc dạng "sưu tập", "biên khảo", kèm các nhận định tản mạn, là "Năm ... nói chuyện ...". Ví dụ, Năm Dần nói chuyện Cọp.

Mở bài viết của Mark Kent ra đọc, trời đất ơi, y như rằng ngài đại sứ Anh nói chuyện cọp thật. Sao mà ông này "ghê quá vậy", người nước ngoài mà còn rành phong tục Việt Nam hơn người Việt Nam nữa ta ơi? Sợ quá, vậy thì bí mật của nước Nam ta, người Nam ta, có gì "họ" nắm cả rồi, sau này tha hồ mà điều khiển chúng ta. Còn ta, ta có hiểu gì về "họ" không, để còn biết đường mà đối phó với "họ" chứ?

Nhưng mà bình tĩnh đọc lại, thì tôi thấy có một điểm khác cơ bản giữa cách viết theo kiểu Năm Dần nói chuyện cọp của VN, với cách viết về cọp của ngài đại sứ Anh. Vì ta mà viết, thì sẽ thiên về tả Ông Cọp với những đức tính cao đẹp tuyệt vời của Ông, từ hình dáng đẹp đẽ bên ngoài, đến sự oai hùng lẫm liệt bên trong. Rồi có lẽ sẽ kết thúc bằng việc tán dương những người sinh năm Dần, mang tuổi Ông (Bà) Cọp. Và những may rủi trong năm tới.

Một cái nhìn hết sức hướng nội, hẹp, và ... có lẽ vị kỷ?

Còn bài viết của Ông Tây nhà ta (chà, cái cụm từ này hay đây!) thì nói về vấn đề môi trường, về nạn diệt chủng của loài cọp, và về những nỗ lực của thế giới để bảo vệ loài cọp khỏi sự diệt chủng. Trong đó có nhắc đến Việt Nam.

Không, không có khen ngợi gì đâu, đừng vội mừng. Tất nhiên, vì là nhà ngoại giao, lại là người Anh, rất duy lý, phớt tỉnh Ăng-Lê, nên ông ấy cũng không chê. Chỉ đưa ra những thông tin khách quan thôi. Ông ấy nói, VN là một trong những nước hiếm hoi vẫn còn cọp sống hoang dã. Và ông ấy đưa link về Sáng kiến Toàn cầu Bảo vệ Hổ và Diễn đàn Toàn cầu Bảo vệ Hổ tại hai trang web: http://www.globaltigerinitiative.org/
và http://www.globaltiger.org/. Ai quan tâm, cứ vào đấy mà xem.

Vì tò mò, chứ chẳng phải vì quá quan tâm bảo vệ loài cọp, tôi cũng vào. Và hoảng hồn vì thấy bản tin "Tội ác chống lại đời sống hoang dã tại Việt Nam" (Wildlife Crime in Vietnam), số tháng 11/2009. Tại đây. Đầy hình ảnh sống động, ấn tượng. Nào gấu bị nhốt trong chuồng (chắc là chờ đem bán). Nào cọp bị giết. Nào ngà voi đã chặt thành từng khúc, để hàng đống. Nào ... chân gấu đã cắt rời (kinh hoàng quá). Và cùng với đó, là những mẩu tin, với những cái tựa ấn tượng bằng tiếng Anh. ví dụ, Tiger Conservation or Trade. Bảo tồn hay buôn bán cọp?

Tôi không đọc, và không viết được nữa đâu! Ngộp thở mất rồi. Vì tôi nhớ đến việc nhiều năm nay giáo dục Việt Nam đã đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình học bắt buộc, ít ra là ở bậc đại học. Bạn bè tôi, đặc biệt là nhóm bạn tốt nghiệp những ngành xã hội như Sử, Địa, trước đây "bán thất nghiệp" (vì không dạy luyện thi được), nay có thêm nghề dạy các môn giáo dục môi trường.

Và đã làm nhiều năm rồi. Mọi việc dường như đã tốt lên??? Sinh viên đã được tăng cường về ý thức bảo vệ môi trường??? Hình như các báo cáo tổng kết đã viết như thế. Và chắc chắn là điểm thi hết môn của các em đều đẹp đẽ. Chứng tỏ một sự quan tâm rất lớn của các em về vấn đề môi trường.

Nên cứ yên tâm đi, những xuống cấp về môi trường hiện nay, chắc chỉ là hiện tượng tạm thời thôi. Chứ bản chất của người Việt Nam ai cũng yêu thiên nhiên lắm, cũng có ý thức bảo vệ môi trường lắm. Đấy, nhìn số liệu báo cáo thì sẽ rõ!!!

Tôi chỉ có một câu hỏi: mọi người có biết về những trang web kia, và những sự kiện mà họ đang bạch hóa cho khắp thế giới biết, về những vấn đề liên quan đến môi trường của Việt Nam không?

Thế mà Ông Tây, ông ấy biết đấy! Nhân tiện, trang của ông ấy ở đây.

Bây giờ mới hiểu, tại sao trong câu thơ kia Ông Cọp của ta lại "mắt sáng trừng trừng". Lúc này, Thế Lữ mà còn sống, chắc sẽ làm một bài thơ khác, chứ bài "Nhớ rừng" cũng lỗi thời rồi. So với mấy Ông Cọp là nạn nhân của tội ác trong bản tin kia, thì Ông Cọp nhớ rừng của Thế Lữ dù sao cũng đã có một thân phận vương giả lắm!

Viết vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến năm Dần. Xin Ông Cọp phù hộ!

1 nhận xét:

  1. wow! mẹ viết bài này hay quá! cách viết vui nhộn và sinh động ghê! ^^

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.