Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

"Chiến tranh là ..." - Bài thơ dịch cho ngày 30/4

Hôm nay là ngày 30/4, một ngày lễ - public holiday. Kỳ nghỉ dài 5 ngày còn thêm một ngày nữa mới chấm dứt. Tôi có nhiều việc muốn làm trong kỳ nghỉ này, nhưng không thể nào tập trung được; mấy ngày nay tôi cứ đọc lan man, rồi trao đổi lan man với bạn bè, với người thân, về một sự kiện lịch sử quá lớn với toàn dân tộc, và không bao giờ quên được với những người đã trải qua.

Có thời gian nhưng không thể tập trung, tôi thường viết blog. Tôi đang muốn viết tiếp về thơ, cũng đang có sẵn vài bài do thân hữu gửi về những vấn đề tôi quan tâm và cần đăng lên. Thực ra tôi đang viết lời dẫn cho một entry mới của bạn bè, nhưng viết nửa chừng đành bỏ dở. Tôi cảm thấy với tâm trạng của tôi ngày hôm nay mà viết lời dẫn thì chắc chắn sẽ gượng ép. Vì tâm hồn của tôi không ở trong bài viết ấy và những vấn đề ấy - nó vẫn còn lẩn quẩn đâu đó quanh cuộc chiến đã kết thúc đến gần 40 năm, tức đã gần hai thế hệ rồi.

Lúc ấy, tôi chỉ là đứa trẻ con chưa đủ tuổi để nói rằng mình thực sự có liên quan đến cuộc chiến; ngày nay con trai tôi nếu lấy vợ sớm thì tôi đã có thể có cháu nội. Vậy tại sao tôi vẫn chưa thể quên, và rất nhiều người khác cũng không quên?

Cuộc chiến ấy có oan khốc lắm không nhỉ? Và những người đã tham gia trực tiếp trong cuộc chiến, những người còn sống hay những người đã chết, họ nghĩ gì về bên thắng và về bên thua? Tôi chỉ biết tôi đã nghe một người thân kể, vào buổi trưa 30/4/75 hôm ấy, khi nghe tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh, những người lính cộng hòa vừa buông súng vừa cởi áo lính để đầu hàng, vừa khóc và gào lên: Chúng tôi chiến đấu cho ai và cho cái gì đây?

Tôi không muốn bàn chuyện ai đúng ai sai, ai hào hùng ai hèn nhát - những chuyện ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa, và cũng chẳng bao giờ có ý nghĩa đối với tôi. Với tư cách một người đã trải qua thời chinh chiến ấy, tôi chỉ thấy đau và thương cho thân phận con người, thân phận của người dân của một đất nước chiến tranh liên miên và mãi sau 38 năm rồi mà hòa bình trong lòng người vẫn chưa hiện hữu.

Chiến tranh, chiến tranh ... Ai cũng mong chiến tranh chấm dứt, vì hậu quả của nó thật khốc liệt cho cả bên thua lẫn bên thắng. Và cuộc chiến nào cũng sẽ phải chấm dứt, nhưng chiến tranh chỉ chấm dứt khi có bên thua. Có khi là cả hai bên cùng thua một bên thứ ba nào đó. Có khi là hai bên mỗi bên chịu thua một chút để đi đến sự thỏa hiệp và ngừng bắn. Nhưng thường thì một cuộc chiến chỉ chấm dứt khi có một bên hoàn toàn không chịu nổi và phải buông súng, đầu hàng.

Một bên buông súng, để hòa bình có thể đến. Để chấm dứt chiến tranh, để ngưng cảnh thịt rơi máu đổ. Vậy thì, ai đáng được cám ơn, được vinh danh: người không tiếc máu xương của đồng loại, cứ hy sinh đến người lính - người dân - cuối cùng, hay người biết dừng lại và chấp nhận mọi sự nhục nhã và chịu nằm trong quyền sinh sát của kẻ chiến thắng, để xương máu ngừng rơi?

Tôi không phải là lính, nên không biết câu trả lời của người lính là thế nào. Nhưng với tư cách của người dân, tôi cám ơn người đã biết dừng lại, biết xem xương máu của đồng loại là quan trọng hơn danh dự của mình. Biết chọn hòa bình chứ không chọn chiến thắng bằng máu của người khác. "Nhất tướng công thành vạn cốt khô".

Vâng, xin tặng các bạn bài thơ này, và ngả mũ chào tất cả những người đã nằm xuống, cả hai phía. Xin cám ơn tất cả những người đã đóng góp phần mình dù bằng bất cứ cách nào để có được hòa bình ngày hôm nay.

Chiến tranh là ...

Chiến tranh là chết chóc
Chiến tranh là tan hoang 
Chiến tranh là lửa khói
Chiến tranh là đạn bom
Chiến tranh là thống khổ
Chiến tranh là lầm than
Chiến tranh là nước mắt
Chiến tranh là súng gươm
Chiến tranh là xương máu
Chiến tranh là phân ly
Chiến tranh là hỗn loạn
Chiến tranh là nổ tung
Chiến tranh là tàn phá
Chiến tranh là đau thương
Chiến tranh là chém giết
Chiến tranh là nồi cơm
Chiến tranh …còn gì nữa?
Những điều ghê gớm hơn!

Nhưng sẽ có một bên
Bên ni hay bên nớ
Chẳng còn muốn biết thêm
Vì thấy là quá đủ
Bèn buông súng, đầu hàng

Và rồi hòa bình đến.

(Phương Anh dịch)

War Means ...

War Means death
War Means destruction
War Means fire
War Means bombing
War Means sorrow
War Means turmoil
War Means tears
War Means guns
War Means blood
War Means confusion
War Means explosions
War Means mutilation
War Means sickness
War Means killing
War Means occupation
War Means loss
And lots more

But after one side
Or the other side
Has finally had enough
And lays down their arms
To surrender and give up

War Means Peace
Brie Carter

8 nhận xét:

  1. Chị Phương Anh, tôi nhỏ hơn chị vài tuổi, ngày chiến tranh chấm dứt, tôi ở Biên Hòa – cách chị chừng 30km – xin được gọi chị là chị, bằng tất cả thiết tha trìu mến của từ này.
    Trước khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức vài ngày, có cả đoàn xe thiết giáp được tăng cường trấn giữ tỉnh Biên Hòa. Hàng rào kẽm gai di động giăng hàng dích dắc khắp các trục lộ chính trong tỉnh. Tôi mới lên 10, ôm cặp đi học, nhìn hàng rào kẽm gai, những chiến xa bọc thép lừng lững mà thấy ruột gan thắt lại vì kinh hoàng, bỏ học, chạy về nhà ôm mẹ:
    - Mẹ ơi, người ta muốn giết nhau thiệt rồi mẹ!
    Mẹ siết chặt tôi, không nói nổi lấy một lời. Ngay trưa đó, mẹ bồng dắt 4 đứa anh em tôi, tìm ra ngoại ô để tản cư.
    * * *
    Biên Hòa thất thủ hầu như cùng lúc với Sài Gòn. Hòa bình rồi! Mẹ tôi như trẻ đẹp ra thêm nhiều lắm. Vậy là từ nay, mẹ đã không còn phải lo lắng con mình sẽ phải đi quân dịch, cầm súng, để giết người và để người giết…
    Sau này, được học và đọc văn học cách mạng, tôi mới thấy mẹ mình nhỏ nhoi và tầm thường làm sao. Bởi vì những bà mẹ trong sách đều tự hào được thấy con mình trưởng thành trong hàng ngũ bộ đội cụ Hồ, giết giặc hăng say!
    30/4 hàng năm, tôi cứ như người lên cơn nhập đồng, cười khóc khóc cười. Hôm nay cũng vậy, ghé thăm quấy quá ít dòng; tôi lui, về cái hốc riêng của mình đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. levinhhuy: Cám ơn em ghé nhà. Vì em bằng tuổi em trai kế của chị, nên chị gọi em bằng em nhé. Gần 40 năm rồi, mà ký ức những ngày ấy tại sao chúng ta không bao giờ quên được em nhỉ? Bao giờ mới có thể "quên chuyện non nước mình" đây?

      Xóa
  2. Tôi đã nghĩ không còn gì có thể nopí thêm về ngày 30/4 nữa, tất cả đã được nói hết, nên năm nay tôi chả buồn đọc, chỉ nói chuyện vơ vẩn. Thế nhưng tôi đã nhầm. Blog Anh Vu có một đoạn mà tôi chưa từng đọc thấy bao giờ trước đây: "Một bên buông súng, để hòa bình có thể đến. Để chấm dứt chiến tranh, để ngưng cảnh thịt rơi máu đổ. Vậy thì, ai đáng được cám ơn, được vinh danh: người không tiếc máu xương của đồng loại, cứ hy sinh đến người lính - người dân - cuối cùng, hay người biết dừng lại và chấp nhận mọi sự nhục nhã và chịu nằm trong quyền sinh sát của kẻ chiến thắng, để xương máu ngừng rơi?">
    Cảm ơn chị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Hồ Trung Tú đã đến nhà, đọc và chia sẻ. Không phải ai cũng nghĩ như anh, đó là điều đáng buồn anh Tú ạ.

      Xóa
    2. Cần phải nói thêm chúp cho dễ hiểu hơn, đó là thật ra người ta cũng không hẳn ý thức về điều này chỉ có điều đó là một xã hội nhân văn, có chiến đấu nhưng những bài hát không bao giờ quên thân phận con người. Mỗi người chỉ sống một lần, xét cho cùng họ chẳng việc gì phải hy sinh nó cho điều gì cả. Nhân văn là đó chứ đâu!. Và chính điều đó họ đã không chọn cách hy sinh đến người lính cuối cùng. Đúng là ở góc độ này, chưa thấy ai nói đến chị ạ.

      Xóa
    3. "đó là một xã hội nhân văn, có chiến đấu nhưng những bài hát không bao giờ quên thân phận con người."

      Và VNCH thua vì thế, anh HTT ạ. Nghe có lẽ thật đau lòng. Chúng ta, những người đòi nhân văn, đòi phản chiến, khóc thương thân phận con người trong chiến tranh, chống cảnh huynh đệ tương tàn thịt rơi máu đổ, đã gián tiếp làm cho phía bên ấy bị thất bại trong cuộc chiến!

      Nhưng, 40 năm sau bình tĩnh xét lại, thì thắng thua gì ở đây nữa nhỉ? Những con người ở lại rồi cũng sống cuộc đời của họ một cách tốt nhất có thể được trong điều kiện của VN. Những người ra đi nhiều người đã thành đạt. Thế chẳng hơn là đánh cho "mười người chết bảy còn ba/chết hai còn một mới ra thái bình" hay sao, anh Tú nhỉ?

      Xóa
  3. Chị Phương Anh thân mến,
    Tôi rất thích bài viết của chị. Chị đã gởi đi một thông điệp về tinh thần hòa giải đã có từ gần 40 năm trước, có thể nói từ hơn 40 năm trước, trước ngày 30/4 năm ấy. Tôi đã nghe đến tinh thần hòa giải khi tôi còn 15, 16 tuổi,tức khỏang 1971, và không phải bây giờ mới nghe hai chữ "hòa giải". Chị cũng gởi đi một thông điệp tiếp theo, rằng một bên phải buông vũ khí vì tình anh em, vâng, chỉ vì tình anh em. Bởi vì một bên đã buông vũ khí rồi thì người anh em còn lại chẳng có lý do gì đi đến tận cùng tận diệt. Đôi khi phải biết thua để giữ gìn phẩm giá.Thua chưa hẳn là không có chính nghĩa. Thua chưa hẳn là nhục nhã.Nhường nhịn thì có gì đâu phải nhục nhã, thưa chị?
    Cảm ơn chị đã miệt mài cho phẩm giá con người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nay đọc lại comment này của bạn Nặc danh 13:54 Ngày 4/5/2013 tôi cảm thấy thật biết ơn câu này của anh: "Cảm ơn chị đã miệt mài cho phẩm giá con người."

      Xóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.