Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Về Nguyễn Du, Truyện Kiều và Đường thi (Giang Nam Lãng Tử)

Trước hết, xin có vài lời về cái tựa của entry này. Phải giải thích, vì entry này được chua tên của thầy GNLT (và như các bạn sẽ thấy, nội dung chính là của thầy), nhưng tựa entry lại là do tôi đặt. Vì, nói một cách nào đó thì tôi là chủ bút của tờ báo Anh Vũ này, và với cái "địa vị" to lớn này thì tôi cũng tự cho mình cái quyền được cắt xén đôi chút, hoặc đặt tựa lại cho những bài mà tôi quyết định đăng lên, dù chưa bao giờ dám tự cho mình quyền sửa vào bên trong nội dung của các bài viết mà bạn bè, thân hữu tôi gửi cho.

Cũng cần giải thích về từ "thầy" mà tôi dùng để gọi tác giả GNLT. Như các bạn cũng đã biết, anh GNLT cũng là một blogger (giangnamlangtu.wordpress.com), và vì thế tôi có thể xem là bạn, dù thuộc lớp đàn anh. Mở ngoặc thêm chút: Blog của anh GNLT là một trang blog nghiêm túc hơn bloganhvu này nhiều lắm, và có rất nhiều thứ đáng để xem, đặc biệt là nếu các bạn muốn học hỏi một chút về văn học - thì blog của một thầy giáo dạy văn học mà lại.

Vâng, dạy văn học là nghề mà thầy GNLT đã theo đuổi suốt đời (nói theo từ của một người giỏi văn chương chữ nghĩa là thầy GNLT thì đó là "sở học" của thầy). Vì thầy GNLT là thầy giáo mà, nên một người cũng sống suốt đời trong môi trường giáo dục như tôi sẽ có khuynh hướng gọi thầy GNLT là thầy. Vâng, gọi thầy GNLT bằng thầy trước hết là vì như thế các bạn ạ.

Nhưng đấy là một nhẽ. Thực ra lý do chính khiến tôi gọi thầy GNLT là thầy, đó là vì với tôi, thầy GNLT đang là "thầy" thực sự! Bởi vì tôi đang "thọ giáo" về Đường thi với thầy. Số là khi đọc blog tôi ít lâu thì thầy GNLT phát hiện ra tôi là người thích thơ thẩn, trong đó có cả Đường thi (mặc dù nhìn chung tôi rất không thích TQ, từ lâu rồi chứ không phải chỉ từ khi có vụ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam chứ không bao giờ và mãi mãi không bao giờ là của TQ cả). Thế nhưng kiến thức của tôi về Đường thi và về văn học cổ VNcũng như TQ nói chung lại chỉ là một con số không to tướng, nên thầy GNLT thấy cần phải tôi cần gấp rút được bổ túc. Và đó là lý do tại sao gần đây bạn mới được đọc mấy bài Đường thi dẫn luận của thầy GNLT trên blog này (ô, thế là sự ngu dốt của tôi cũng ... đem lại lợi ích cho cộng đồng đấy nhé, hi hi!!!)

Rồi, giải thích dài dòng về tựa bài và về cách xưng hô của chủ bloganhvu với tác giả của nội dung sắp được đăng dưới đây rồi. Bây giờ, xin có thêm đôi dòng về nội dung bài viết. Tôi tin rằng có lẽ không người VN nào là không biết đến Nguyễn Du và Truyện Kiều, vì đó là một tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông mà. Và có lẽ ai cũng biết nó được thi hào Nguyễn Du viết lại dựa trên cốt truyện của cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Thế nhưng, trước khi đọc bài viết của thầy GNLT mà tôi sẽ đăng bên dưới đây, tôi không hề biết mà cũng chẳng quan tâm để so sánh xem phiên bản Truyện Kiều của Nguyễn Du có khác gì, giống gì với truyện gốc hay không. Mà cũng chẳng quan tâm đến vị trí của cuốn Kim Vân Kiều truyện trong nền văn học Trung Quốc như thế nào nữa.

Nay đọc bài của thầy GNLT (sắp đăng bên dưới), thấy tò mò mới đi "gúc", và quả nhiên là về vấn đề này mọi người đã viết khá nhiều mà tôi chẳng biết gì cả. May có thầy GNLT đề cập đến nên tôi mới biết về một vấn đề thật thú vị. Trong số các bài mà tôi tìm thấy thì có bài này http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/08/nguyen-du-khong-dich-kim-van-kieu.html đề cập trực tiếp đến chi tiết :báo ân báo oán" mà thầy GNLT đề cập trong bài của mình, và tôi cho là rất đáng đọc, dù tôi chẳng có kiến thức gì để đánh giá những lập luận và dữ kiện trong bài viết ấy là đúng hay sai. Thôi thì cứ đọc cho biết, và nghe những người có nghề như thầy GNLT bình luận, rồi dần dà mới có thể phán đoán được.

Tự nhiên tôi nghĩ, giá mà mình đọc được tiếng TQ và tìm đọc xem người TQ đã viết gì về Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều của Nguyễn Du, thì lúc ấy mới thỏa mãn vì mình đã xem xét cả 2 phía chứ không phiến diện. Nhưng tiếc là kiến thức của tôi về văn học cổ VN và TQ, và hiểu biết về TQ, về Nho giáo, về chữ Hán hoặc Hán Nôm, về tiếng Trung vv là zero, nên ... đành ngậm ngùi, ngậm hột thị, lùi về phía sau "dựa cột mà nghe". (Nên mới tôn thầy GNLT làm thầy, để thầy ấy còn tiếp tục chỉ giáo cho - miễn phí! - chứ nếu mà bậy bạ, lếu láo thì thầy ấy sẽ đuổi không cho làm đệ tử nữa, thì chết!!!!)

Thôi dẫn nhập lăng nhăng như thế là dài lắm rồi. Tôi xin đăng lại bài viết của thầy tôi (ừ, tôi đang thọ giáo thầy GNLT mà lại) ở đây để các bạn đọc nhé. Riêng có phần dẫn nhập của thầy thì tôi xin biên tập lại ngắn gọn (thầy cho phép rồi), bỏ những chỗ râu ria có liên quan đến tôi đi vì nó chẳng có gì là đáng đọc (cái tôi đáng ghét), và đăng trọn phần nội dung chính của thầy GNLT lên đây. Các bạn đọc mà có thắc mắc gì thì cứ gửi comment vào nhé, chắc chắn thầy GNLT sẽ trả lời cho các bạn đấy, một con người yêu nghề, yêu người như thầy GNLT lẽ nào lại làm khác phải không các bạn?

Cuối cùng, xin lỗi các bạn vì lời dẫn quá dài, và enjoy bài của thầy GNLT dưới đây các bạn nhé!
---------------------------
So sánh một tình tiết trong Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện
Lời dẫn của GNLT

Nhân việc BlogAnhVu đăng tải loạt bài về Đường thi, Lãng tử có hỏi (đố vui thôi), về Nguyễn Du viết Truyện Kiều có hai câu thơ 99 và 100 như sau:

“Rút trâm sẵn dắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần”


Có bạn đọc hỏi Lãng tử “Xin cho biết bài thơ tứ tuyệt Thúy Kiều viết như thế nào không? Sao Nguyễn Du không dẫn bài đó vào Truyện Kiều ?

Lãng tử băn khoăn mãi mấy ngày sau, bởi vấn đề còn ziczac hơn, nay muốn trình bày rõ để bạn hữu cùng đánh giá.
----------------
Cách đây gần chục năm, có giáo sư Đổng Văn Thành ở Bắc Kinh viết bài so sánh KIM VÂN KIỀU TRUYỆN của Thanh Tâm tài nhân và TRUYỆN KIẾU của Nguyễn Du. Ông ta khen cuốn truyện Tàu và chê bai Truyện Kiều của Việt Nam. Việc so sánh hai tác phẩm rất phức tạp, Lãng tử sợ không có thời gian trình bày đủ vấn đề. Chỉ nhắc một tình tiết “Báo ân báo oán” trong phiên tòa Lâm Tri của Kiều ở hai tác phẩm khác nhau rất xa. Kiểu của Tàu thì trả ân báo oán thiếu công bằng lại rất tàn nhẫn. Còn nàng Kiều Việt Nam thì hợp lý hợp tình hơn hẳn, mang tính cách Việt Nam dung thứ rất rõ.

Điên tiết trước một GS Tàu ngu dốt về văn học Việt Nam lại dám viết bừa, GS Nguyễn Huệ Chi đã viết một bài phản bác GS Đổng Văn Thành đăng trên Tạp chí văn học (Việt Nam). Nhân đây Lãng tử trình bày cách miêu tả của Nguyễn Du và Thanh Tâm tài nhân về tình tiết Thuý Kiều viếng Đạm Tiên khác nhau ra sao, ai viết hay hơn. Bạn đọc có thể phán quyết.

Bài thơ viếng Đạm Tiên: trong Kim Vân Kiều truyện (KVKT)

KVKT: Sau khi hỏi em trai về lai lịch ngôi mộ không người chăm sóc, chi có tấm bia ghi “Hiệu thư Lưu Đạm Tiên chi mộ” (Lãng tử ghi chú: hiệu thư: gái lầu xanh nổi tiếng), Kiều bẻ cành trúc cắm lên mộ, nói mấy lời khấn khứa chân thành, vun đất cắm hương, sụp lạy và đọc một bài thơ (ngũ ngôn bát cú Đường luật) cảm tác để phúng viếng:

“Săc hương đâu đó tá ?
Thăm viếng não lòng thay
Chăn gấm trăng soi lạnh
Đài gương bụi phủ nhoà

Đất tuy vùi ngọc ấy
Tuyết chưa lấp danh này
Rượu nhiều như sông đó
nào ai tưới chốn đây !”


Đọc xong chợt nghe một cơn gió lạnh lẽo nổi lên từ ngôi mộ, cây cối ngả nghiêng, mây kéo u ám, mọi người hoảng sợ…. Luồng gió cuốn quanh thân mình Thúy Kiều ba vòng rồi tan biến (…) Mấy chị em đi vòng quanh nhìn thấy một dải vết giày trên nền rêu xanh lờ mờ. đến mộ thì hết. Hai em thấy vậy càng kinh hãi, vội giục Thúy Kiều về ngay. Thúy Kiều chần chờ, làm một bài thơ ngũ ngôn bát cú nữa để an ủi Đạm Tiên:

“Gió tây đâu bỗng nổi
Rào rào thật buồn thay
Thảm thiết như hờn oán
Thê lương dạ chẳng khuây
Xe loan đi cõi khác
Bóng hạc tưởng về đây
Phảng phát hồn thơm đó
Rêu xanh rõ dấu giày”.


Rồi Kiều rút cành thoa (cây trâm) trên đầu vạch cả bài thơ viếng và bài thơ an ủi lên thân cây.
(Đoạn sau đó ba chị em gặp chàng Kim Trọng đi gần tới, làm quen…)

Lãng tử có đôi lời bình luận:
Trong nghĩa điạ có cây gì thân to tới mức có thể dễ dàng vạch lên vỏ cây hai bài thơ “ngũ ngôn bát cú” (8 x 5 x 2) tới 80 chữ, mỗi chữ khá nhiều nét ? Như vậy vỏ cây hẳn là rất cứng chứ không thể mềm, bởi thân cây đã to lớn rồi. Thúy Kiều phải có sức khỏe chừng nào mới vạch được hai bài thơ này ? Có lẽ, Kiều phải là lực sĩ đấy nha.

Tác giả Thanh Tâm tài nhân đã chưa chú ý tính chân thực của tình tiết này nên đã miêu tả quá tay. (bạn thử lấy cái gì nhọn nhọn như cây trâm cài tóc vạch thử vài chữ lên vỏ cây xem dễ hay khó? Bạn thử vạch 80 chữ Hán lên vỏ cây, để xem bàn tay có sưng lên không, cây trâm có gãy không? Tốn hết bao nhiêu thời gian ?)…Viết bằng bút lông lên giấy 80 chữ cũng đã tốn thời gian khá lâu. Khắc chữ lên cây là một việc cực khó và tốn sức, tốn thời gian, thường thì có thợ chuyên môn riêng nhất là khắc gỗ.. Khi đó, Vương Quan và Thúy Vân đã sốt ruột và hoảng sợ, giục giã Kiều quay về nhà. Kiều chẳng lẽ không để tâm hai em ?

Khi “Kim vân Kiều truyện” đến tay thi hào Nguyễn Du (có lẽ dịp đi sứ Trung Quốc ông đã mua được cuốn sách đó) .Đọc xong, ông đã viết “Đoạn trường tân thanh” (tức Truyện Kiều) và tả tình tiết trên gọn lại như sau :

“Một vùng cỏ áy bóng tà
Giò hiu hiu thổi một và bông lau

Rút trâm sẵn dắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần”


Kiều lúc đầu chỉ sáng tác và vạch lên cây một bài tứ tuyệt thôi (Có thể là 4x 7 = 28 chữ hoặc 4x 5 = 20 chữ). Lúc sau đó Kiều thấy Đạm Tiên hiển linh, in dấu giày lên mặt đất, trận gió lốc…thì “Lòng thơ lai láng bồi hối/ Gốc cây lại vạch một bài cổ thi” (hẳn là cũng ngắn cỡ bài tứ tuyệt thôi). Nguyễn Du đã thay hai bài thơ dài (bát cú ngũ ngôn) bằng hai bài thơ ngắn hơn để Kiều khắc chữ đỡ mệt. Nguyễn Du cố gắng đảm bảo tính chân thực, hợp lý của tình tiết đó. Mặt khác, Nguyễn Du cũng không có ý định thuật lại hay chuyển tải nội dung hai bài thơ trên vào Truyện Kiều của mình để tránh dài dòng, không cần thiết. Cây bút Nguyễn Du miêu tả chân thực, hợp lý hơn nhà văn Tàu rồi.

Hai tác phẩm đều viết theo phương pháp hiện thực. Vậy thì bạn đọc có quyền đối chiếu hiện thực khách quan để bình xét, có quyền chỉ ra chỗ nào nhà văn miêu tả quá lố, phi lý thì cứ việc chỉ trích. Thế giới văn học là như vậy.

GNLT
-----------
Câu hỏi của học trò Anh Vũ:

1. Bản dịch 2 bài thơ ngũ ngôn bát cú đó là của ai vậy thầy? Có phải của thầy không ạ?

2. Thầy GNLT nghĩ gì về bài viết này ạ? Nó ngược với ý trong bài viết của thầy đấy ạ. http://www.hoanghaivan.com/2009/04/can-cong-bang-voi-thanh-tam-tai-nhan.html

18 nhận xét:

  1. À hai bài bát cú ngũ ngôn, GNLT quên chưa ghi chú. dịch giả. Bản tiếng Việt Kim Vân Kiều truyện do hai cụ túc nho Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân dich, Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành năm 1994 ... Thứ như Lãng tử làm sao dịch được sắc sảo và cổ kính như hai cụ.

    Trả lờiXóa
  2. "Bát cú ngũ ngôn" với "ngũ ngôn bát cú" có khác gì nhau không thầy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai cách nói như nhau, một đằng theo ngữ pháp Hán, một theo ngữ pháap Việt... à..., nữ sĩ xem lại giùm cái tiêu đề bài viết, cái dấu phảy trước chữ " và Đường thi" lập dị quá.

      Xóa
    2. Đã sửa. Thầy nói thì phải nghe thôi, không được cãi!

      Nhưng cái dấu phẩy trước chữ và là em bị ảnh hưởng củatiếng Anh thầy ạ. Luật ở đây: http://www.getitwriteonline.com/archive/020204whencommabfand.htm.

      Tất nhiên áp dụng sang tiếng Việt thì sai thầy ạ, em đã kiểm tra lại. Sorry thầy.

      Xóa
  3. À, còn bài viét của nhà báo Hòang Hải Vân thì miễn binh luận, ông Vân viết lan man đủ chuyện, tôi chỉ thích nhất ý kiến ông mỉa mai Tố Hữu.. Và tiéc rằng ông chưa chứng minh được chút nào về việc Thanh Tâm tài nhân tài hơn hay kém Nguyễn Du, phải không ? Ông dẫn chứng hai ông vua nhà Nguyễn làm gì ? Làm như hai ông vua ấy có thẩm quyền đánh giá văn hoc cao nhất ở nước ta. Ông Vân chỉ kêu gọi "công bằng" cho TTTN nhưng không có luận điểm gì cả.... Bây giờ không thể lao vào vụ này tốn nhiều thơi gian lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Thầy ơi,lúc XL còn nhỏ cũng mê Kiều lắm,hay đọc cho các cụ nghe,vì ở làng không có mấy người có sách cả,có lần ông bác ruột-một nhà nho sót lại của giòng họ-nghe XL đọc Kiều mới bảo :thằng này tý tuổi mà đã ba hoa,chứ tao hỏi mày trong truyện Kiều, đoạn nào Nguyễn Du tả Thúy Kiều đi tè ?
    XL nhớ mãi đến giờ ,biết mà không giám nói,sợ phạm thượng,cụ Tố Như cho mấy vả thì chết,hehe.Nay nhắc lại cho vui,ai biết thì trả lời.Thầy đừng trách nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui anh XL này thật là bậy bạ quá nghen! Thầy ơi thầy phạt anh XL đi thầy nhé.

      Xóa
    2. Đố Xuan Loc, Nguyễn Du tả Thuýy Kiều mang bầu ở đoạn, nào, câu nào?

      Xóa
    3. "Thất kinh, nàng chửa, biết là làm sao?" ( câu 1644)
      Nhân nói đến chữ "chửa", có một giai thoại: Thời Pháp có một quan công sứ Tây rât tự hào là mình thạo tiếng Việt.Một hôm có người chỉ một người đàn bà và đố quan: "nó chửa chửa". Quan đành chịu thua.
      Tú Đoàn.

      Xóa
    4. Chị PA này,sao bảo thầy Lãng tử phạt XL,may mà có bác Tú Đoàn trả lời hộ không thì...cám ơn bác Tú Đoàn .Chúc thầy và mọi người vui vẻ.

      Xóa
    5. Anh XL ơi, hồi trẻ con đi học, anh có bao giờ rơi vào tình trạng là trẻ con hư bị thầy cô phạt nhiều quá, thì bèn đi tìm đứa trẻ khác cũng hư như mình (!) để mách cho thầy cô phạt nó hay không? Như thế, nó hy vọng rằng thầy cô sẽ chú ý đến đứa kia mà quên nó đi ấy mà!

      Xóa
  5. Ông Tú Đoàn viết: "Thất kinh, nàng chửa, biết là làm sao?"
    Lãng tử xin ông Tú xóa bớt cái dấu phảy thứ 2 cho giống với nguyên tác Nguyễn DU được không?:
    NGuyễn Du viết thế này:
    "Thất kinh, nàng chửa biết là làm sao?"

    Trả lờiXóa
  6. Bác Tú Đoàn: câu trả lời của bác thật dí dỏm. Thất kinh = bặt kinh (!); nàng chửa = nàng có bầu; biết là làm sao = chẳng hiểu ra làm sao nữa! (vì ... đã tránh thai rồi cơ mà?)

    Thầy GNLT: cái dấu phẩy ấy mới là cốt lõi của câu trả lời chứ, phải không thầy? Nó giống như câu "Gia đình có hai con vợ, chồng hạnh phúc" vậy mà thầy. Hoặc câu (hơi chính trị, thầy đừng phiền, chỉ là vui thôi) "xa hai mươi năm nay mới gặp nhau, vui, sao nước mắt lại trào", phải không thầy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thất kinh!!!Nàng chửa??? Biết là làm sao!!!???

      Xóa
  7. GNLT bó tay ! Cổ nhân nói "Có mới nới cũ", có cộng tác viên mới, quên CTV cũ ! Điên tiết không chứ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi, thầy GNLT đừng điên tiết nhiều quá, bị hypertension đấy ạ!

      Xóa
  8. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn lời nhắn của bạn Lê Quý. Và xin lỗi đã phải xóa comment của bạn, nhưng bạn hiểu tại sao mà, phải không?

      Xóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.