Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Thơ lục ngôn và mấy chuyện lặt vặt của Đường thi (Giang Nam Lãng Tử)

Cách đây ít lâu, trước đợt nghỉ lễ tôi có đăng bài viết "Thơ lục ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn" để giới thiệu một bài viết của anh NĐH. Trong bài viết ấy, anh NĐH có đề cập đến bài "Lục ngôn tuyệt cú" của Vương Duy đã được anh GNLT nhắc đến trong bài viết về Cảnh - Sự - Tình trong Đường thi mà tôi đã đăng lên trước đó.

Sau đó, tôi lại nhận được bài mới (cũng cả tuần lễ nay) của anh GNLT nhằm trao đổi tiếp những vấn đề liên quan đến Đường thi, có đề cập chút ít đến những gì mà anh NĐH đã nhắc đến trong bài viết của anh. Như thế có nghĩa là những bài tôi đăng lên ở đây được nhiều người đọc, thậm chí đọc kỹ, là điều làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng, vì tôi cứ nghĩ số người yêu thơ - mà lại là thơ cổ nữa chứ! - trong xã hội VN hiện nay đâu còn mấy người? 

Và thế là đang có một cuộc trao đổi nho nhỏ giữa hai người bạn thơ của tôi về những vấn đề mà các bài viết ấy đặt ra đã được mở ra (và khép lại?) trên blog này. Còn chúng ta - tôi và các bạn, những bạn đọc thường xuyên của blog này - là những người hưởng lợi nhé, vì tự dưng có được nguồn cung cấp kiến thức cho chúng ta, đỡ phải tự mò mẫm tìm kiếm, và (thường là) lạc lối. 

Và xin nói thêm, về chuyện văn thơ, cổ thi, Hán văn và kiến thức về văn hóa, văn học Trung Hoa, tôi là kẻ hoàn toàn mù tịt, một đứa trẻ sơ sinh khóc ngằn ngặt trong đêm tối ("An infant crying in the night", thơ Lord Alfred Tennyson), nên những trao đổi, tranh luận như thế này tôi chỉ biết "dựa cột mà nghe" thôi ạ, vì làm gì có ngôn ngữ mà trao đổi lại, nếu muốn nói gì thì có tiếng khóc mà thôi ("with no language but a cry" - ấy là nói tiếp theo bài thơ của Tennyson ấy ạ).

Các bạn đọc bên dưới nhé. Enjoy!
------------------
Mấy chuyện lặt vặt của Đường thi

Bữa trước Lãng tử gửi cho blogAnhvu bài CẢNH- SỰ -TÌNH …hầu khép lại chủ đề Đường thi dẫn luận Nhưng hóa ra chưa thể ngừng được, ít nhất là bởi vì mình nhiều chuyện đi “đố” bạn đọc 03 câu sau bài Đỗ Phủ. Ngày tháng trôi qua, thật bẽ bàng, chẳng ai thèm “đáp” cả. Vậy, tự mình đáp mình cho trọn bài vậy.

Trước hết bàn chuyện “lục ngôn”.

1.Thơ lục ngôn, có hai quan niệm.

Một, bản thân nó là một dạng thơ cổ phong (không liên quan Đường luật, ra đời trước
Đường luật và chịu ảnh hưởng Luật khi Đường luật đạt đỉnh cao), loại này TQ có nhiều,
Việt Nam cũng có, như thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng viết những bài
hay để đời trong các tập Quốc âm thi tập (thơ tiếng Việt chữ Nôm)

“Góc thành Nam / lều một gian,

No nước uống / thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn / dường ai quyến,
Bà ngựa gầy / thiếu kẻ chăn…”


(Dấu /: ngắt nhịp 3/3. Con đòi: tớ gái. Có lẽ nó bị ai quyến rũ đi. “Bà ngựa” có lẽ ngựa cái - Lãng tử chú)

Hoặc:
“Quê hương/ là gì /hở mẹ
Mà cô/ giaó dạy /phải yêu
Quê hương /là chùm/ khế ngọt
Ai đi /xa cũng/ nhớ nhiều”

(Đỗ Trung Quân)
 

(Giọng điệu: thầy giáo gõ thước nhịp nhàng, học trò đọc theo. Học trò Tàu thì dùng cái đầu đảo vòng tròn như con nắc nẻ, buồn cười lắm)/

Hai, lục ngôn được coi là dạng phá cách của Đường luật. Nhìn vào bài lục ngôn Đường luật phá cách ắt phải thấy được các dấu tích khác của Đường luật (như bố cục, luật, vần, đối…) mà chỉ chấp nhận cho “phá’ một phần nào đó thôi.

Bài của Vương Duy đã ghi tựa rõ “Lục ngôn tuyệt cú” thì nó không phải cổ phong mà là Đường luật phá cách.

2. Ba câu đố của bài “Tuyệt cú” Đỗ Phủ

Đố 1 là : Chỉ ra « kiểu đối » trong bài Tuyệt cú. Đố 2 :« Rốt cục Đỗ Phủ có trở về quê không » ? Đố 3: Câu thơ nào kỳ diệu nhất trong bài Tuyệt cú?

Giải đố 1


Cặp đối 1.2 :
« Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên ».


Người ta dễ nhìn thấy hai cảnh sinh động, vui vẻ của hai loài chim là đồng điệu nên có thể nói cặp đối là song hành, tương hỗ. Đặt vào hoàn cảnh Đỗ Phủ thì đó là hai sự lựa chọn một mất một còn, vậy nó là đối tương phản (về nhà / hay tiếp tục giang hồ ?)
 

Cặp đối 3.4 :
«Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền »


Hiểu thế này vậy: núi cao - sông dài, trời lạnh- đường xa. Những hình ảnh tập trung nói về nỗi gian nan, diệu vợi trên đường đời. Vậy là đối song hành.

Thiên hạ xưa nay đều ca tụng Đỗ Phủ là nhà thơ «nghiêm túc» nhất (hiểu theo nghĩa làm thơ đúng luật), câu chữ được gọt giũa đến tuyệt đối.

Giải đố 2 và 3: Câu thơ nào kỳ diệu nhất ? Rốt cục ĐP có về quê không ?

Tứ tuyệt chuẩn mực khó nhất viết câu 3 (câu luận).
Câu này không thể theo mạch câu 1.2 được, mà phải dứt ra, rẽ lối đi vào chung kết (câu 4). Ví như con thuyền tứ tuyệt đang trôi chầm chậm trên trên dòng sông, gặp cái thác (câu 3) nó ào ào đổ xuống, khi tới câu 4 nó kêu rầm lên, tung bọt sóng – tạo ra hiệu ứng bất ngờ của bài thơ.

Mặt khác câu 3 theo bố cục, nó phải bày tỏ cảm xúc, ý kiến. Đỗ Phủ mượn cái lạnh của núi Tây Lĩnh ( thực ra không thể thấy lạnh vì nó quá xa) để nói lòng mình nguội lạnh chí giang hồ... Chuẩn bị như thế là tạo cái thác nươc cho thuyền đổ xuống câu kết : lên thuyền đi qua Đông Ngô, về quê Hà Nam. Đây cũng là lời đáp câu đố 2 «rốt cục Đỗ Phủ có về quê không».

Lãng tử chọn ba bài thơ hàm súc nhất, bí ẩn nhất, khó bình giải nhất để khép lại loạt bài về Đường thi dẫn luận.

3. Trao đổi với Nguyễn Đại Hoàng tiên sinh

NĐH hiểu lầm ý Lãng tử nên anh viết: "Giang Nam tiên sinh cho rằng mỗi câu có thể thêm một chữ để trở thành thất ngôn tứ tuyệt". Anh hiểu rằng "GNLT muốn sửa thơ Vương Duy". Đọc lại đoạn đó sẽ thấy Lãng tử chỉ nói (giả định, tưởng tượng) rằng Vương Duy nếu muốn có tứ tuyệt chuẩn mực hình thức thì ông thêm mỗi câu một chữ chẳng khó gì (đại ý thế)....

Nào chúng ta cùng đọc lại đoạn văn đó:
« Chỉ cần thêm mỗi câu một tiếng thì ta có thất ngôn tứ tuyệt (4x 7). Nhưng nhà thơ không nỡ thêm một “tiếng” nữa khiến vị khách quý thức giấc. Vậy thì có lục ngôn tuyệt cú (4x 6) cũng tạm được, cũng chả cần đặt tựa cho bài thơ ngẫu hứng. »

Chủ thể giả định của đoạn văn trên là Vương Duy, không phải Giang Nam Lãng tử.

Và Lãng tử đã kết luận: "đó là bài tứ tuyệt phá cách xuất sắc"- thì đâu có ý muốn sửa gì nữa! Còn anh NDH có thể chưa hài lòng với « lục ngôn Vương Duy » mà muốn sửa thành «ngũ ngôn» thì điều đó tùy cảm hứng của anh. Văn chương là của chung thiên hạ.

Anh NDH ghi chú thích "túc vũ": “mưa đêm” e rằng chưa hẳn đủ (thông thường người ta nói “dạ vũ" chỉ mưa đêm). Chữ Túc đa nghĩa, cần chọn nghĩa sao cho hợp với từ pháp. "Túc" có thể là "đêm" và dùng trong trường hợp danh từ chỉ buổi "tối" như là chủ thể (ví dụ"lưu trú nhị túc" : nghỉ lại hai đêm) ...Túc cũng có nghĩa "giữ lại", "cũ", "ở yên"..dùng trong trường hợp làm định ngữ cho chủ thể khác.Ví dụ "túc trực" : trực lâu, chăm chú vào một việc gì đó, có tình cảm đặc biêt (Khác xa với “thường trực” chả cần cảm xúc gì, như trực điện thoại, trực văn phòng, trực đèn biển... do nghề nghiệp...). « Túc vũ » nói cành đào hồng cố giữ yên giọt nước mưa (không muốn giọt mưa rơi rụng, khô), chất thơ là ở đây, còn người thì « cố ngủ », Cảnh giống như người, có hồn, đồng điệu với
người.

Dịch nghĩa đầy đủ câu 1 là "Đào hồng vẫn còn giữ nước mưa cũ", mặc nhiên hiểu là "mưa đêm qua" rồi, bởi không gian thời gian lúc ấy là trời rạng sáng. Câu 2: Liễu xanh còn "đeo (đới) sương sớm (tương tự ý tứ như đào hồng). Hai cây hoa này hợp với ý "gia đồng" (cũng còn cố ngủ) nên chưa thức quét hoa rụng, Khách cũng cố ngủ nướng, bởi tiết trời xuân đẹp quá, ngủ ngon quá. Cái ý lớn bao trùm là có bốn kẻ ngủ say và hai kẻ thức (chim oanh và chủ nhân tức nhà thơ)... Trong ngôn ngữ Trung Hoa chỉ cần nói “đào hồng liễu xanh” là đủ hiểu cảnh mùa xuân, như miền Nam bộ ta nói “mai nở vàng” là Tết rồi.

Tiếc là bài trước Lãng tử chưa bày tỏ hết nét nghệ thuật của "lục ngôn" với nhịp 2/2/2 miêu tả được nhịp bước chân đi dạo, đều đặn thong thả ngoạn cảnh của Vương Duy nữa. Nếu anh NDH sửa thành ngũ ngôn với số từ lẻ (5) hoặc có bạn đọc rút nữa thành (3) tiếng thì mất cái nhịp điệu thơ đó, như thế bài thơ chỉ còn chứa“thông tin cô đúc” nhưng lại thiếu đi chút cảm xúc và không khí của nó.

GNLT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.